Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/08/2019

Vì sao Kiên Giang phải từ bỏ giấc mộng ‘đặc khu Phú Quốc’ ?

Thường Sơn

Tháng 8 năm 2019, ngay sau khi chính quyền xứ Kiên Giang, với bí thư tỉnh này là Nguyễn Thanh Nghị - con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - thình lình có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ ngừng quy hoạch Phú Quốc làm đặc khu để chuyển sang hình thức khu kinh tế đơn thuần, giới đầu cơ bất động sản và những quan chức đã ôm đất giá rẻ nhưng chưa kịp ‘thoát hàng’ giá cao đành ôm nỗi hận thiên thu.

phuquoc1

Phú Quốc trong cơn ngập lụt lịch sử tháng 8 năm 2019

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 được Trung Quốc cho thẳng tiến vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam và lì lợm ở đó đến hơn một tháng, gây ra một trận ‘vờn tàu’ và gấu ó ở mức độ vừa phải giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý.

Hẳn đó là nguồn cơn chính trị rất trực tiếp mà đã khiến ‘đảng em’ tìm cách phản pháo đối với ‘đảng anh’ bằng cách cho đóng sổ giấc mơ ‘lên đặc khu’ của Phú Quốc và Vân Đồn.

Trước khi dự luật Đặc khu được khởi sự ‘lobby’ Bộ Chính trị đảng vào ngay sau tết nguyên đán năm 2018 và được chính thức tung ra Quốc hội vào giữa năm 2018, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (vào lúc còn chưa ‘mất tích dài hạn’) đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.

Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh - một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc - vào thời đó là Phạm Minh Chính. Khi đó, sau những cuộc làm việc đầy ‘tình hữu nghị’ với Đào Nhất Đào - trợ lý của Tập Cận Bình về đặc khu,thậm chí Phạm Minh Chính còn nêu ra đề xuất cho thuê đất đặc khu đến 120 năm, chứ không chỉ là 99 năm !

Sau ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, không hiểu sao Phạm Minh Chính đã lọt vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.

Dù đã được âm thầm chuẩn bị từ lâu, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.

Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc lợi dụng để di dân. Một cuộc biểu tình khổng lồ lên tới hàng trăm ngàn người phản đối ‘luật bán nước’ đã nổ ra ở Sài Gòn và lan ra đến một nửa trong tổng số 63 tỉnh thành ở Việt Nam.

Sau khi dự luật Đặc khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’ : vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 12/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)