Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/08/2019

Cần Giờ cần ‘cơ chế mềm’ như Phú Quốc để làm gì ?

Trúc Giang

Để vùng đất Cần Giờ ‘cất cánh’ sau mấy chục năm ngủ quên, cần cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang) hay Vân Đồn (Quảng Ninh).

cangio1

Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ chụp vào ngày 07-08-2019. Ảnh : M.Trí.

Đó là ý kiến của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu trong một đề xuất với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đào Hồng Tuyển được biết đến là ‘chúa đảo Tuần Châu’. Ông khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi rời quân ngũ từ cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1979.

Theo ông Tuyển thì để phát triển Cần Giờ, thì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần đề xuất chính phủ cho cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh). Ông Tuyển nói rằng hơn chục ki lô mét bờ biển có thể xây dựng hệ thống bến cảng du thuyền để làm Đại hội du thuyền quốc tế như ở Singapore, Thái Lan.

Tránh dùng cụm từ ‘đặc khu’ đang được cho là ‘nhạy cảm chính trị’, ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, tán đồng ý kiến của ông Đào Hồng Tuyển, và cho rằng phải có cơ chế chính sách riêng cho Cần Giờ từ tài chính, đầu tư, phát triển ngành nghề.

Câu hỏi đặt ra : Cần Giờ cần ‘cơ chế mềm’ như Phú Quốc, như Vân Đồn để làm gì ?

Ông Ngô Văn Dị (Năm Dị), hiện là Vạn trưởng Vạn lạch Cần Thạnh, cựu Quận trưởng Quận Cần Giờ, tỉnh Gia Định trước năm 1975, cho biết ở đất đai ven biển thị trấn Cần Thạnh, phần lớn đã được tập đoàn Vingroup sở hữu. "Họ mua lại đất đai của dân và chính quyền cũng duyệt quy hoạch dự án của họ. Trong thời gian chờ đợi thực hiện dự án, họ vẫn để nguyên cho người xứ này làm ăn mua bán…". Ông Năm Dị cho biết.

Sống ở Cần Giờ, ở biển, không làm nghề biển thì làm gì ? Thế nhưng dạo này việc đánh bắt ngày càng kém do nguồn lợi thủy sản sút giảm. "Hơn chục năm nay nuôi nghêu ở Cần Giờ gần như thất bại thảm hại, vì chuyện xả thải của nhà máy Vedan từ sông Thị Vải khiến vùng biển qua 3 xã Cần Thạnh, Thạnh An và Long Hòa của Cần Giờ gần như không thể khai thác các nguồn lợi thủy sản như trước…". Ông Nguyễn Văn Tới, cư dân Cần Giờ chia sẻ.

Trao đổi tiếp về câu chuyện quy hoạch Cần Giờ liệu có cần hướng đến kiểu ‘đặc khu’ như Phú Quốc, ý kiến từ một số cựu thanh niên xung phong nông trường Đỗ Hòa thời Cần Giờ có tên Duyên Hải, cho rằng cần tránh vết đổ như hồi duy ý chí quy hoạch trồng dừa ở đất phèn Đỗ Hòa thập niên 80 thế kỷ trước. 

"Rừng ngập mặn cần giờ là một quần thể bao gồm các loại động, thực vật trên cạn và thủy sinh. Được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn. Nằm cách cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn hơn 50 cây số. Rừng ngập mặn cần giờ là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á. Nếu lại như Phú Quốc phát triển những khu nhà trùng điệp, thì tương lai Cần Giờ sẽ bị ngập lụt hệt Phú Quốc hổm rày !". Ông Phụng – người từng mệnh danh ‘vua kể chuyện ma’ của nông trường Đỗ Hòa, nhận định.

Các khu nhà trùng điệp ở Phú Quốc mà ông Phụng nói đến, với dân bất động sản, gọi đó là những dự án Condotel - căn hộ khách sạn được xây dựng trong các khu được quy hoạch dành cho du lịch nghỉ dưỡng.

"Cần Giờ sẽ là một cái bẫy tài chính nếu như lại cho phát triển những dự án Condotel như tại Phú Quốc. Hiện tại đang có lời mời gọi kiểu, nếu phân khúc biệt thự cần số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về bài toán tài chính, thì Condotel là một giải pháp đầu tư hợp lý giúp nhiều người có thể tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Với mức giá chỉ tương đương với căn hộ thông thường nhưng vẫn mang lại lợi ích đầu tư như dòng biệt thự nghỉ dưỡng, sản phẩm căn hộ khách sạn Condotel là lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư.

Chỉ cần ra Phú Quốc ở những ngày này sẽ thấy ‘đảo ngọc’ đã thành ‘đảo ngập’, và vô số dự án Condotel chôn vốn…". Ông Phụng nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Nghiệp – Cử nhân Sinh học của trường Đại học Khoa học và Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, bức xúc rằng dường như cho đến nay các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chiêu trò ‘lobby’ với những nhà hoạch định chính sách, khiến những quan chức này ‘quên mất’ lý thuyết hồi còn học trên giảng đường là trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, thì kiểu rừng ngập mặn như Cần Giờ sẽ góp phần giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biến. Ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. 

"UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới. UNESCO cũng công nhận khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, gồm có các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Như vậy, rõ ràng là trước mắt ở Phú Quốc đang đánh mất dần các giá trị hệ sinh thái này qua việc phát triển ồ ạt những dự án bất động sản. Cần Giờ bị hủy hoại từ xả thải của Vedan, và những gợi ý kiểu như vị chúa đảo Tuần Châu… Cần phải hiểu là khi trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, các nước phải tuân thủ các hiệp ước, công ước và các cam kết quốc tế mà Chính phủ đã ký". Bà Nguyễn Thị Nghiệp bức xúc lên tiếng.

Có thể là một so sánh dạng ‘nói quá’, nhưng không phải không có lý khi trên cộng đồng mạng xã hội ví von : "Nếu để người cộng sản quản lý sa mạc Sahara, thì trong vài năm chúng ta sẽ thiếu cát" (!?).

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 12/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)