Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/08/2019

Nhìn Tư Chính nhớ "Thành Đô"

Huy Đức

Bình thường hóa, kết thúc 10 năm chiến tranh Biên giới là cần thiết. Nhưng, đó phải là công việc giữa hai quốc gia (bằng các đại diện chính danh của hai nhà nước). Mơ hồ về Trung Quốc, tưởng những kẻ nuôi tham vọng Đại Hán này vẫn còn coi trọng "Ý thức hệ" là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sai lầm ngớ ngẩn khi đề xuất "giải pháp đỏ" (làm ngay chính Hun Sen cũng giận dữ) ; khi nhanh nhảu xỏ chân vào 16 gông vàng...

thanhdo1

Ngày 9/11/1993 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tổ chức lễ đón, chào mừng Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh

[Hãy nghe Lê Đức Anh nói với Giang Trạch Dân trong lần gặp đầu tiên : "Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được..."]

Hơn mười năm sau đó, Bắc Kinh để yên Biển Đông, vừa vuốt ve trong các cuộc gặp cấp cao, vừa du côn trong quá trình phân giới cắm mốc ; sau khi có được phần hơn ở 1509, Thác Bản Giốc, Điểm Nối Ray, Bãi Tục Lãm... chúng bắt đâu gây hấn ở Biển Đông (2006), xây căn cứ Gạc Ma và giờ đây là làm trò "xã hội đen" ở Tư Chính.

Huy Đức

Nguồn : fb Osinhuyduc, 12/08/2019

PS : Thành Đô chỉ bàn giải pháp chính trị cho CPC và bình thường hóa Trung Quốc - Việt Nam trên nền ý thức hệ chứ không bàn gì khác (tôi viết thêm vì có nhiều suy diễn không căn cứ).

*****************

Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân

VietnamNet, 24/04/2019

Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký : Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân và tôi. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá "hóc búa".

thanhdo2

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân tiếp Đại tướng Lê Đức Anh - ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 7/1991. Ảnh tư liệu

VietNamNet giới thiệu các trích đoạn của chương 11 : "Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" trong hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh.

--------------------

...Cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử tôi làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Sáng ngày 28/7, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Trên đường đi Bắc Kinh, chúng tôi dừng chân ở Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây...

...Sau khi ăn cơm trưa ở Quảng Tây, chúng tôi đi máy bay lên Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón chúng tôi có đồng chí Chu Lương, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nữ đồng chí Chu Sĩ Cầm, Cục trưởng Cục 2 Châu Á và một số cán bộ Ban Đối ngoại. Đồng chí Chu Lương chủ yếu giới thiệu về cải cách kinh tế của Trung Quốc những năm vừa qua. 

Sáng hôm sau (29/7) từ 9 giờ đến 12 giờ, đồng chí Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc làm việc với chúng tôi tại Đại lễ đường. Cùng dự, về phía Trung Quốc còn có các đồng chí : Chu Lương và Chu Thiện Khanh, Trưởng và Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương ; Chu Sĩ Cầm, Trịnh Quốc Tài là Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục 2 Châu Á, Ban Đối ngoại ; Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ; Từ Đôn Tín, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuộc hội đàm này để chuẩn bị cho cuộc hội kiến chính thức với Tổng bí thư Giang Trạch Dân sau đó.

Sáng ngày 30/7, đồng chí Chu Thiện Khanh và một số cán bộ Ban Đối ngoại Trung Quốc đưa chúng tôi tới thăm xã Tứ Quý Thanh (tức bốn mùa xanh) ở ngoại ô Bắc Kinh. Buổi chiều, Thủ tướng Lý Bằng tiếp đoàn chúng tôi tại Tử Quang Cáo trong Trung Nam Hải.

Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991, phía Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá "hóc búa" :

- Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

Nghe vậy tôi liền nói :

- Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.

Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo :

- Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm !

Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.

Tôi còn nhớ một số đoạn trong lời phát biểu của hai trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này. Đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân đứng dậy trịnh trọng nói :

- Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Hôm nay, được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh - phái viên đặc biệt của Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi. Đồng chí đã hội đàm rất tốt với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Một giờ sáng nay, tôi mới ở địa phương về đến Bắc Kinh. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước

Tôi đứng lên nói :

- Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng bí thư - Chủ tịch nước. Tôi biết đồng chí rất bận, nhưng vẫn dành thì giờ tiếp chúng tôi. Cảm ơn đồng chí. Chúng tôi rất phấn khởi thấy được thành tựu 10 năm cải cách của các đồng chí. Điều đó cổ vũ rất lớn đối với Đảng và nhân dân Việt Nam chúng tôi. Về công việc, chúng tôi đã thông báo kết quả Đại hội 7. Hôm qua, tôi đã nêu tất cả những ý này với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Hôm nay, gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc sẽ được thực hiện trong năm 1991 này.

Từ nay đến khi có cuộc gặp cấp cao đó, đề nghị đồng chí Tổng bí thư chỉ đạo các ban gặp nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết, chúng tôi mời đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các đoàn thể, các hội hữu nghị Việt - Trung và Trung - Việt trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tôi có mấy ý kiến như thế, mong đồng chí cho ý kiến.

Đồng chí Giang Trạch Dân nói :

- Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay. Tôi rất đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, các cơ quan của hai Đảng qua lại trao đổi ý kiến với nhau. Ban Đối ngoại Trung Quốc sang thăm Việt Nam trước. Hôm qua đồng chí Lý Bằng đã trao đổi ý kiến với các đồng chí rất tốt. Ý kiến chúng ta nhất trí với nhau. Tình hình thế giới bây giờ rất phức tạp. Tôi biết đồng chí Lê Đức Anh hiểu biết hơn tôi về quân sự. Đồng chí là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi là Chủ tịch Quân ủy Trung ương... Tôi giữ chức Tổng bí thư từ ngày 24/6/1989, từ đó đến nay, tôi không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.

Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay chủ nghĩa xã hội đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Chúng ta phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai Đảng Cộng sản cầm quyền, không có lý do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau.

Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì chủ nghĩa xã hội là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ chính quyền Quốc dân Đảng, giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Họ dùng biện pháp "diễn biến hòa bình" của Ngoại trưởng Mỹ Dulles (Đalét), để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt - như Nixon đã viết cuốn 1999 - chiến thắng không cần chiến tranh...

Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo : dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản. Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, Yeltsin (Enxin) vừa lên làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. Yeltsin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nghe tin này, như người Trung Quốc nói "Xúc mục kinh tâm" - Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện "diễn biến hòa bình". Mỗi năm chúng tôi triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc một lần. Tôi đã dự hội nghị đó hai lần. Quan điểm của tôi là, Đại hội đại biểu nhân dân là của dân, không đi theo con đường nghị viện kiểu phương Tây. Chúng tôi cũng có tám đảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không cho phép có đảng đối lập... Chúng tôi bây giờ hết sức cảnh giác với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền. Điều đáng sợ không phải là có tồn tại hay không tồn tại vấn đề đó mà là ở chỗ Đảng có kiên quyết chống tư tưởng đó, có cảnh giác với âm mưu đó hay không. Nếu biết cảnh giác, có biện pháp, thì không sợ gì cả...

Tôi nhận thức được quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh, thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng.

Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người. Nếu ta chỉ theo cách cũ cứng nhắc là không được. Tuyên truyền phải sống động, hoạt bát, không thế sẽ không có kết quả tốt. Về phương thức, về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Hiện nay ti vi rất phổ biến ở thành phố. Hằng ngày dân chúng cứ nghe, nhìn, rồi qua tai, mắt, nếu chúng ta không có năng lực phân tích thì dân chúng sẽ hấp thụ những điều dở...

Tài trợ

Chúng ta chống tư sản không chỉ chống văn hóa màu vàng. Phải chống cả tự do hóa tư sản. Đứng về góc độ phiên dịch chắc khó diễn đạt hết hàm ý của nội dung này. Nội dung chống này bao gồm việc chống lại tất cả những tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống những sự thối tha đồi trụy của tư sản.

Còn đối với những kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản chúng ta lại phải học tập. Chúng tôi có chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật... Trên đây tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước. Qua đồng chí, xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.

Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó tại Trung Nam Hải. Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếp :

- Fucik (Phu xích) viết trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ có một câu nói tôi mãi mãi không quên : "Nhân dân ơi ! Tôi yêu nhân dân, nhưng nhân dân đừng quên cảnh giác !". Ý này rất hay, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta là vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hóa ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc...

Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp I của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại, vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác, nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.

Tôi nói :

- Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực như : súng B40, lương khô, mũ cối, giày, dép, quần áo, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt, v.v., rồi giúp cả tiền chuyển vào chiến trường để mua gạo... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.

- Đó là việc cần làm - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được - Tôi nói.

- Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Về quốc tế, đồng chí nói gọn, đủ, tôi rất phấn khởi trước lập trường quan điểm của đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế - Tôi nói.

- Quan hệ quốc tế với quốc gia, chúng tôi theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng, chúng tôi theo bốn nguyên tắc, mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau. Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói, trước tình hình quốc tế hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu, nên tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội 7 của Việt Nam... Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Lần đầu tiên được gặp đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan : xã Tứ Quý Thanh, công ty gang thép Thủ Đô,... - Tôi nói.

- Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hạn chế trong phạm vi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia - Tôi khiêm tốn nói.

Đồng chí Giang Trạch Dân cười, vui vẻ nói :

- Trung Quốc có câu nói "Con chim chích tuy nhỏ, nhưng gan mật đều có". Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt... Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.

Tối hôm nay, tôi rất phấn khởi được làm quen và được tâm sự nhiều với đồng chí, một lần lạ, lần sau quen. Chuyến đi của đồng chí là một chuyến đi tốt, "bon voyage" - Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếng Pháp.

Chúng tôi trở về Việt Nam. Ngày 3/8/1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi tôi báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và thống nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt và nhất trí mấy việc cần làm là :

- Thông báo kết quả chuyến đi này với Lào và Campuchia. Thông báo về chuyến đi trong nội bộ Đảng và báo cáo với Quốc hội.

- Triển khai các công việc cần thiết trước mắt, nhất là các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để xúc tiến các bước trong tiến trình thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.

Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến 10. Sau lễ đón tiếp và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung - Việt trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết quan hệ bình thường giữa hai Đảng, mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn 10 năm trắc trở.

Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã ....

Đại tướng Lê Đức Anh

******************

Lời hứa của tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa lớn

VietnamNet, 07/05/1988

Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng :

"Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.

Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

thanhdo3

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn.

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam bằng loại tàu đi biển do Hải quân tự thiết kế. Loại tàu nhỏ này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu của quân đội ngụy Sài Gòn.

Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống lại sự phong tỏa của địch, đồng thời vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau. Thông minh dũng cảm là sức mạnh. Niềm tin là sức mạnh. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.

Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc ; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc : Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói : Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

VietNamNet

Quay lại trang chủ
Read 754 times

1 comment

  • Comment Link Choi Song Djong mardi, 13 août 2019 20:59 posted by Choi Song Djong

    Kể ra Huy Đức là kẻ "đa tài", xuôi cũng giỏi mà ngược cũng hay, giới sành điệu con nhà quan đỏ, quan xanh kêu là "kẻ thức thời", "người biết chuyện" và biết "phải quấy"...
    Ráng nha cưng..., rồi cũng có một ngày...khi sạch nợ sông núi rồi...

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)