Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2019

Thất bại thị trường và thất bại nhà nước : lỗi từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ ?

Nguyễn Hồng Phúc

"Bởi nhà nước Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, vai trò của nhà nước ắt phải lớn hơn các nước tư bản chủ nghĩa. Bản chất của chính thể xã hội chủ nghĩa là coi trọng phúc lợi, an sinh xã hội, quyền của người lao động, những người dễ tổn thương trong xã hội trước sự đe dọa của bóc lột tư bản chủ nghĩa và chênh lệch giàu nghèo".

Quan điểm nêu trên là của ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật thực hành (J.D), chuyên gia pháp lý người Nhật đang sống và làm việc ở Sài Gòn.

thatbai1

Ở Việt Nam, chỉ có người dân là ‘lãnh đủ’ từ thất bại (!?)

‘Thất bại của thị trường’ là một thuật ngữ kinh tế học, miêu tả tình trạng thị trường không phân bổ thật hiệu quả các nguồn lực. Các nhà kinh tế chính thức sử dụng thuật ngữ này từ năm 1958. Còn ‘thất bại nhà nước’ có thể xuất hiện dưới dạng các dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách không phù hợp, các quyết định gây lệch lạc các mối quan hệ trong nền kinh tế, hay những chính sách đã được ban hành đúng đắn nhưng không được thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, thực hiện sai.

‘Thất bại nhà nước’ cũng có thể đến do động cơ vụ lợi hay sự thiếu hiểu biết của những người có thẩm quyền ban hành chính sách ; những quyền lực chính trị hay sự vận động hành lang của các nhóm đặc quyền đặc lợi làm thay đổi sự liêm chính của chính sách công ; năng lực kém của các cơ quan xây dựng, ban hành và thực thi chính sách ; tầm nhìn ngắn hạn của các cơ quan liên quan khi tác động, hay người tham gia xây dựng chính sách.

Còn với ông Hirota Fushihara, thì cách hiểu như phần trích ở đoạn mở đầu bài viết về "thất bại thị trường và thất bại nhà nước", đưa đến cảm giác ẩn chứa nhiều vẻ mỉa mai đối với người Việt, khi chỉ cần xét mỗi chuyện bệnh viện công lập tại Việt Nam đang dần hướng đến việc ‘luật hóa’ trong phân biệt chữa trị giữa bệnh nhân nghèo khó – bệnh nhân giàu có, như tác giả Minh Châu đề cập trong bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 13/8 [1].

Theo ông Hirota Fushihara, mọi xã hội đều cần một sự cân bằng phù hợp cho hai lực giằng co nhau đó : dịch vụ công - dịch vụ do thị trường cung cấp, để không đi từ thất bại thị trường tới thất bại nhà nước. Với bối cảnh Việt Nam, có vẻ vẫn còn nhiều dư địa cho việc bàn giao thêm các dịch vụ công cho lĩnh vực tư nhân. 

Tuy nhiên ở đây, phía nhà nước lại thiếu rạch ròi công – tư trong ngay chính dịch vụ được gọi là công, như bệnh viện công ; hoặc nhập nhèm tư nhân trong quản lý hạ tầng đường sá vốn thuộc đầu tư công, như các vụ BOT giao thông ; hay dự kiến trong tương lai gần là thị trường điện lực. Chính điều đó đưa đến chuyện người dân Việt Nam bất tín nhiệm, và băn khoăn trước hiện trạng cung cấp các dịch vụ công do nhà nước nắm giữ. 

Dường như ở đây việc quy lỗi đều hướng đến cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Bởi thị trường chỉ có thể là thị trường với những quy luật khách quan mang tính phổ quát của nó ; một khi đã ‘định hướng’, thì có nghĩa bắt đầu xuất hiện việc duy ý chí từ một phe nhóm quyền lực nào đó về thị trường.

Ai giám sát thất bại của Bộ Chính trị ?

Trở ngược thời gian, ở cả Vinashin và Vinalines đều có ban kiểm soát. Nhưng bao nhiêu năm trời, các văn bản quyết định khi được trích dẫn tranh tụng ở tòa cho thấy là "trái khoáy" của Hội đồng quản trị, của Ban điều hành, song Ban kiểm soát vì sao lại không phát hiện ra, không báo cáo tình trạng lỗ lãi. Liệu có thể quy trách nhiệm của Ban kiểm soát ?

Nếu ở một quốc gia ‘thị trường là thị trường’, thì theo thông lệ, Ban kiểm soát là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của Hội đồng quản trị, ban điều hành nhằm đảm bảo đúng đắn, phù hợp. 

Hiểu theo nghĩa này, Ban kiểm soát phải độc lập thực sự với Hội đồng quản trị, ban điều hành. Tuy nhiên, ở nền kinh tế ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, thì Ban kiểm soát các tập đoàn do Hội đồng quản trị thành lập, trưởng ban Kiểm soát là thành viên của Hội đồng quản trị được Hội đồng quản trị phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Kiểm soát do Hội đồng quản trị lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế của Hội đồng quản trị ban hành.

Cách thức tổ chức Ban kiểm soát như các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay theo kiểu như vậy đã làm yếu đi rất nhiều chức năng của Ban kiểm soát, nếu không muốn nói đây là lỗ hổng của hoạt động kiểm soát doanh nghiệp nhà nước. Chưa kể, chính phủ lại ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP cũng cấm Ban kiểm soát tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được sự cho phép của Hội đồng quản trị. Vậy Hội đồng quản trị có đủ độ ‘dũng cảm’ để cho Ban kiểm soát công bố báo cáo của mình ?

Cách thức ở trên thực ra cũng chỉ là sao chép từ mô hình nhà nước hiện tại, khi Bộ Chính trị ‘độc quyền quy hoạch - cơ cấu’ nhân sự các vị trí trọng yếu của Quốc hội, và Chính phủ. 

Đơn cử, nếu Quốc hội thực sự là "cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" như nhấn mạnh ở Điều 1.1 của Luật Tổ chức Quốc hội, thì chắc chắn sẽ không thể có cụm từ mặc định về pháp lý : Đảng cử - Dân bầu. 

Chính lẽ đó nên không quá lời khi có thắc mắc rằng, nếu nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước ; và ai 'đủ lá gan' giám sát Bộ Chính trị ?

"Nếu nhà nước có những yếu kém về cơ chế quản lý và vận hành thì cần cải cách và nâng cao năng lực, chứ không phải cứ cái gì khó thì đẩy ra cho thị trường. Đồng thời, những dự án nào để tư nhân tham gia cần được bảo đảm trách nhiệm giải trình cùng tính minh bạch trước cử tri và người dân nói chung". Ông Hirota Fushihara đề xuất ‘đầy ngoại giao’ như vậy tại cuộc thảo luận gần đây về sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dịch vụ công, của chủ đề mang tính học thuật : "Thất bại thị trường và thất bại nhà nước".

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 15/08/2019

[1] http://www.vietnamthoibao.org/2019/08/vntb-bo-truong-bo-y-te-thach-thuc-tu.html

Quay lại trang chủ
Read 523 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)