Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/08/2019

Bãi Tư Chính bước vào tiến trình xung đột võ trang ?

Nhiều tác giả

Chuyện gì đang xảy ra ở Bãi Tư Chính ?

Carlyle A. Thayer, VNTB, 20/08/2019

Hành động chính trị và ngoại giao là cần thiết nhưng không đủ nếu Trung Quốc từ chối thay đổi chính sách. Việt Nam nên xem xét hành động pháp lý. Một điều kiện tiên quyết theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam sẽ phải đáp ứng là chứng minh rằng mặc dù có thiện chí, nhưng những nỗ lực chính trị và ngoại giao của Việt Nam đã không đạt được tiến bộ.

chuyen1

Các tàu Việt Nam và Trung quốc đang hiện diện ở khu vực Bãi Tư Chính hôm 16/8/2019.

Ý kiến của ông Carlyle Thayer về tình hình ở Bãi Tư Chính và Biển Đông hiện nay 

Hiện có bao nhiêu tàu Trung Quốc ở Bãi Tư Chính ?

Tính đến ngày 16 tháng 8, có ít nhất 7 tàu hải cảnh Trung Quốc (số 3308, 5303, 31302, 33111, 37111, 45111 và 46111) trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) ở khu vực bãi Tư Chính. Theo dữ liệu theo dõi, Haiyang Dizhi 8 dường như đã tiếp tục việc khảo sát địa chấn.

chuyen2

Tính đến ngày 16/8, có ít nhất 7 tàu hải cảnh Trung Quốc (số 3308, 5303, 31302, 33111, 37111, 45111 và 46111) trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) ở khu vực bãi Tư Chính

Tàu hải cảnh Trung Quốc số 4611 đã lên ga gần lô 06/01 nơi công ty Rosneft của Nga đang tiến hành thăm dò dầu khí.

Các số liệu cho số lượng tàu Trung Quốc có khả năng dao động hàng ngày. Dữ liệu theo dõi chỉ khả dụng đối với các tàu bật bộ tiếp sóng Hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Các tàu trên 300 tấn được yêu cầu để vận hành các bộ tiếp sóng AIS. Tàu Trung Quốc thường tắt bộ tiếp sóng của họ vì lý do chiến thuật.

Phương tiện nhận dạng tự động này không nắm bắt được thuyền đánh cá và tàu dân quân Trung Quốc.

Thông điệp của Bắc Kinh là gì ?

Trung Quốc đang tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với vùng biển và tài nguyên biển của Biển Đông trong đường chín đoạn, bao gồm vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc từ năm 2017 cho thấy họ đã chuyển sang giai đoạn hiếu chiến hơn để thách thức tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng biển quanh bãi Tư Chính, bao gồm cả các công ty nước ngoài như Repsol của Tây Ban Nha và Rosefteft Vietnam của Nga. 

Mục tiêu của Trung Quốc đã được tiết lộ khi họ đệ trình một đề xuất cho Dự thảo Văn bản đàm phán về Quy tắc ứng xử của Biển Đông đã được các thành viên ASEAN và Trung Quốc thông qua vào tháng 8 năm 2018. Đề xuất của Trung Quốc về hợp tác kinh tế biển sẽ được thực hiện bởi các quốc gia duyên hải và "sẽ không được tiến hành hợp tác với các công ty từ các quốc gia ngoài khu vực".

Bắc Kinh đang chuẩn bị gia tăng căng thẳng ở Biển Đông dù phải đang đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước ?

Tình trạng dân sự bất ổn ở Hồng Kông và cuộc thương chiến với Hoa Kỳ hiện nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Trung quốc. Hai vấn đề này liên kết với nhau do sự can thiệp chính trị của Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng phải thảo luận về những căng thẳng hiện tại ở Biển Đông liên quan đến Việt Nam, Philippines và Malaysia. Mặc dù khác nhau về chi tiết, nhưng cả ba trường hợp cùng có điểm chung là việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của cả ba quốc gia nêu trên. Việt Nam và Philippines đã đẩy lùi việc này bằng các phản đối chính trị và ngoại giao. Tổng thống Duterte sắp đến Trung Quốc để thảo luận về vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc sẽ không làm gia tăng căng thẳng mạnh tới mức gây áp lực liên tục lên Hà Nội, Manila và Kuala Lumpur để chứng minh rằng ba quốc gia này không thể chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách chứng minh rằng không có quốc gia nào có thể dựa vào Hoa Kỳ hoặc cộng đồng quốc tế để tìm sự hỗ trợ. Trung Quốc đặt mục tiêu làm cho Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ đồng ý cùng phát triển tài nguyên biển và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc.

Mục tiêu thực sự của tàu Haiyang Dizhi 8

Quan điểm của Trung Quốc về quyền chủ quyền đối với tất cả các tài nguyên hàng hải trong vùng biển hoặc đáy biển trong phạm vi đường chín đoạn là Bắc Kinh xem bất kỳ hành động khai thác tài nguyên đơn phương nào của Việt Nam là hành động đánh cắp tài nguyên thuộc về nhân dân Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Trung Quốc đã tạo áp lực chính trị và ngoại giao để buộc Việt Nam ngừng các hoạt động thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính. Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực. Tương tự Bắc Kinh cũng phản ứng như vậy với việc Rosneft Việt Nam tiếp tục thăm dò dầu khí ở khối 06/01.

Các cuộc điều tra địa chấn của tàu Hải Dương 8 thực hiện trong các khối dầu mà Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2012 nhằm đáp trả việc Việt Nam áp dụng Luật Biển. Tóm lại, Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Khu kinh tế độc quyền và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong đường chín đoạn.

Bước tiếp theo sẽ là gì ?

Trung Quốc có khả năng theo đuổi cách tiếp cận hàng hai. Gây áp lực cho Việt Nam bằng cách quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Rosneft Việt Nam ở lô 06/01.

Trung Quốc sẽ thúc ép Việt Nam thảo luận về phát triển chung. Nếu Trung Quốc không hài lòng, họ có thể khiêu khích ở các lô khai thác dầu khí khác như Cá voi xanh của ExxonMobil, liền kề với đường chín vạch.

Phản đối ngoại giao có phải là cách tốt nhất cho Hà Nội ?

Việt Nam phải tiếp tục phản đối ngoại giao và chính trị với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh cũng như thông qua các kênh khác (đảng, quân đội).

Việt Nam phải tiếp tục vận động cộng đồng quốc tế để họ bày tỏ sự ủng hộ và nêu vấn đề này tại tất cả các cuộc họp của các tổ chức đa phương có liên quan.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam sẽ ở vị thế mạnh hơn trong việc vận động các quốc gia ASEAN khác bảo vệ luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng có thể thể hiện rõ rằng họ sẽ không đồng ý với Bộ quy tắc ứng xử nếu không phù hợp với việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tóm lại, hành động chính trị và ngoại giao là cần thiết nhưng không đủ nếu Trung Quốc từ chối thay đổi chính sách. Việt Nam nên xem xét hành động pháp lý. Một điều kiện tiên quyết theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam sẽ phải đáp ứng là chứng minh rằng mặc dù có thiện chí, nhưng những nỗ lực chính trị và ngoại giao của Việt Nam đã không đạt được tiến bộ.

Hoa Kỳ có thể làm gì để chống lại hành vi của Trung Quốc ?

Hoa Kỳ đã đưa ra một số bình luận cứng rắn chỉ trích Trung Quốc trực tiếp về việc xâm phạm và gây hấn. Tuy nhiên, khi tại hội nghị Đối thoại An ninh ba bên ở Bangkok với Nhật Bản và Úc cũng như các cuộc tham vấn cấp bộ hàng nămvới Úc ở Sydney ngay sau đó, họ có lên án các hoạt động của Trung Quốc nhưng không nêu đích danh Trung Quốc.

Hoa Kỳ đang cố gắng thiết lập một mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược để chống lại Trung Quốc vì sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện Hoa Kỳ khó có thể hành động đơn phương để bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc ở Biển Đông vì Việt Nam không phải là đồng minh hay đối tác chiến lược.

Các nhà ngoại giao Việt Nam tại Washington và các phái đoàn từ Việt Nam đến thám Hoa Kỳ nên gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để thông báo cho họ về các hoạt động của Trung Quốc tại bãi Tư Chính và vận động họ thông qua Đạo luật trừng phạt Biển Hoa Nam và Biển Hoa Đông năm 2019. Việt Nam cũng nên thúc giục các thành viên ASEAN làm như vậy.

Hoa Kỳ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc cố gắng can thiệp vào hoạt động của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Carlyle Alan Thayer

Nguyên tác : South China Sea : Vanguard Bank Sequel, scribd, 17/08/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 20/08/2019

*********************

Bãi Tư Chính : làm thế nào để dân không quay lưng với Chính phủ ?

Nguyễn Hiền, VNTB, 20/08/2019

Câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa đều dựa vào sự nhất thống của nhân dân, và bản thân Đảng cộng sản Việt Nam khởi thủy từ một tổ chức hội với vài chục thành viên, gia tăng dần lên vài triệu người cũng đi lên từ chính sự ủng hộ ban đầu của không ít người dân. Để người dân quay ngược lại với ý chí cầm quyền là rất dễ dàng, và thực tế trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Nhưng để giữ sự ủng hộ của người dân, cùng đặt 'Tổ quốc trên hết', phát huy khối đại đoàn kết, ý chí chống giặc ngoại xâm không phải là dễ, nhưng có thể bắt đầu từ một cuộc biểu tình công khai và thống nhất.

chuyen3

Cuộc biểu tình hôm 10/8 trước cổng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc

Vào năm 2014, trước tình hình tàu Hải Dương 981 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân nhiều tỉnh thành đã đổ xuống đường phản đối. Ngoài biểu ngữ lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh dừng xâm phạm chủ quyền Việt Nam, người biểu tình còn giương cao biểu ngữ 'Tổ quốc trên hết' ; 'Sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo',... Đặc biệt hơn là lần đầu tiên, 'Chính phủ' được hiện diện trong biểu ngữ với nội dung, 'Đồng lòng cùng Chính phủ chống quân bành trướng - Bảo vệ Tổ Quốc'.

Trong một bài viết vào ngày 11/05/2014, nhà báo Quốc Phương (BBC Việt Ngữ) đã dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong, theo đó, "Bắc Kinh có thể lặp đi lặp lại lối ứng xử sử dụng sức mạnh [...] lãnh đạo Việt Nam khó có thể tiếp tục quá mềm dẻo mà sẽ phải xem lại chính sách một cách dứt khoát hơn".

Vị học giả này cũng cho rằng, "Chính quyền Việt Nam đang cần một khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân để làm áp lực với Trung Quốc".

Tính thời sự còn nguyên ?

Sau 5 năm, những nhận định của ông Jonathan London vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực xâm lấn chủ quyền biển đảo Việt Nam qua sự kiện Bãi Tư Chính ; Hà Nội cũng cứng rắn hơn bằng cách gia hạn hoạt động cho giàn khoan Hakuryu 5 đến hết ngày 15/9.



Trong một diễn biến khác, theo Twitter Ryan Martinson, vào ngày 16/8, Trung Quốc vừa gửi thêm tàu hải cảnh mang số hiệu 46111 từ Hoàng Sa để hỗ trợ, hộ tống tàu khảo sát dầu khí Haiyang Dizhi 8, thì theo dữ liệu của AIS, tàu Hải Quân Gepard 016 - Quang Trung, tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất của Việt Nam đã được điều ra khu vực biển Đông gần bãi Tư Chính.

Trong khi đó, trong một thông tin chưa kiểm chứng cho thấy, một chân đế giàn khoan dầu khí nặng 14.000 tấn của dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt đã được hạ đặt thành công tại khu vực bãi Tư Chính vào sáng 18/8. Mặc dù dự án này ở lô 05-1b và 05-1c, tức là chưa có vấn đề so với lô 06, nơi Trung Quốc đang quấy rối, nhưng cũng cho thấy sự quyết liệt của Hà Nội trong vấn đề giữ gìn chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, đối với quan điểm 'cần một khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân để làm áp lực với Trung Quốc', cho đến nay vẫn là câu hỏi lặng. Bởi thực tế cho thấy, cách Hà Nội thông tin dè dặt, cùng với cách sử dụng bộ máy an ninh ngăn chặn đầy bạo lực trước đó đã khiến cho tinh thần 'chủ quyền' của người dân trở nên nguội lạnh. Chưa kể, việc huy động lực lượng báo chí chính thống, 'Cảnh giác luận điệu lợi dụng vấn đề biển Đông để xuyên tạc, kích động chống phá' [1], hay 'Lật tẩy những thầy phán bảo vệ chủ quyền biển đảo' [2] đã cho thấy, tinh thần không thiện cảm của nhà nước đối với những người thực sự sục sôi vì vấn đề chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Và cách tiến hành chỉ trích hay nhục mạ những người lên tiếng đòi hỏi biểu tình để phản đối Trung Quốc là một hành vi đi ngược lòng lòng dân, gián tiếp làm nguội lạnh tinh thần phản kháng của người dân trước ngoại bang.

Bởi sẽ chẳng thể nào có chuyện 'xuyên tạc, kích động' hay thậm chí là, 'thầy phán' khi mà nhà nước nhanh chóng cập nhật tin tức về nó, thay vì để sau một thời gian rồi mới lên tiếng chính thức. Do đó, nếu trách những 'thầy phán', thì trước hết, bộ máy báo chí cần phải trách chủ thể đã tạo nên những 'thầy phán' đó.

Báo Tuổi Trẻ ngày 19/8 đăng tải bài viết, 'Hãy vững tin vào chính nghĩa'. Theo đó, năm 2003, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy trung ương Trung Quốc đã đưa ra khái niệm 'tam chủng chiến pháp' bao gồm tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến. Và theo báo Tuổi Trẻ, "phương cách đáp trả tâm lý chiến Trung Quốc là chúng ta phải luôn vững tin vào tính chính nghĩa của mình". Tuy nhiên, người viết cho rằng, để thực sự 'vững tin vào tính chính nghĩa', thì nhà nước phải làm tròn vai trò và nghĩa vụ trong tập hợp toàn dân thành một khối thống nhất, để Bắc Kinh thấy rằng, toàn dân Việt Nam đồng ý chí và đồng thuận với Chính phủ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Điều này không đơn thuần là cử một tàu chiến hiện đại, mang tên vị anh hùng Quang Trung ra giữ gìn, mà trong nước, phải thực hiện vỗ về dân, khoan sức dân, và đồng hành cùng dân trong lên tiếng phản đối sự ngang ngược và bành trướng của Bắc Kinh.

Vậy làm cách nào để hội tụ lòng dân ?

Dẹp bỏ mọi luận điệu đề cập đến 'xuyên tạc và kích động' trên báo chí, thay vào đó phải chủ động tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn, công khai và ngoài trời tại Thủ đô Hà Nội như vào năm 1979. Vì sao ? Vì để chính quyền Bắc Kinh nhận thấy rằng, "toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".

Bắc Kinh, với tiềm lực quân sự và dã tâm bành trướng của mình không hề e ngại một 'tàu chiến Quang Trung', hay nhiều tàu chiến tương tự khác mà Việt Nam đang sở hữu, bởi nó quá nhỏ bé và đủ để Bắc Kinh bẻ gãy. Bộ mặt bành trướng và âm mưa xâm lược của chúng chỉ run sợ trước "khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân".

Lê Lợi sở dĩ chấm dứt ách cai trị đầy man rợ của giặc Minh, không phải vì ông có binh nhiều, tướng tốt. Mà chỉ vì :

"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào".

Câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa đều dựa vào sự nhất thống của nhân dân, và bản thân Đảng cộng sản Việt Nam khởi thủy từ một tổ chức hội với vài chục thành viên, gia tăng dần lên vài triệu người cũng đi lên từ chính sự ủng hộ ban đầu của không ít người dân. Để người dân quay ngược lại với ý chí cầm quyền là rất dễ dàng, và thực tế trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Nhưng để giữ sự ủng hộ của người dân, cùng đặt 'Tổ quốc trên hết', phát huy khối đại đoàn kết, ý chí chống giặc ngoại xâm không phải là dễ, nhưng có thể bắt đầu từ một cuộc biểu tình công khai và thống nhất.

Cuối cùng, lòng yêu nước không phải là ngồi bàn giấy và tưởng tượng ra viễn cảnh thuận lợi nhất như tác giả Trì Chính của báo Hà Nội Mới [3]. Lòng yêu nước chính là trong cơn nguội lạnh 'biểu tình', những ông già đã thất thập cổ lai hy vẫn giương cao biểu ngữ "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", và hét lên "Cút đi, lũ xâm lược". Những thanh niên và trung niên đứng trước Đảng cộng sản Trung Quốc hô vang khẩu hiệu phản đối Bắc Kinh xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam, công khai và mạnh mẽ.

Nước Việt sẽ luôn chung 1 dòng.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 20/08/2019

Chú giải :

[1] http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Canh-giac-luan-dieu-loi-dung-van-de-bien-Dong-de-xuyen-tac-kich-dong-chong-pha-557839/

[2] http://danviet.vn/tin-tuc/lat-tay-nhung-thay-phan-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-1005957.html

[3] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/942485/cau-tra-loi-dich-dang-cho-nhung-luan-dieu-xuyen-tac

******************

Bãi Tư Chính : ' Vọng ngày độc lập'

Hải Nguyễn, VNTB, 20/08/2019

Bãi Tư Chính, trong cơn nguy biến ' vọng ngày độc lập' khi đang độc lập, thực ra cũng chẳng có tội tình chi mà ghép tội. Chẳng qua, vì mối hận Hoàng Sa, Gạc Ma Trường Sa, mà hoang mang lo sợ, nên vọng về cố hương cần sự bảo vệ, bảo bọc chắc chắn hơn. 

chuyen4

Mỗi một ngày trôi qua, người dân của một quốc gia bị xâm phạm lãnh hải, lại phải cay đắng hóng tin từ những kênh đài không chính thống mà nhà cầm quyền thường cho đó là 'thế lực thù địch'. 

Ngay tuần đầu của tháng 07 năm 2019, tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã ung dung đi vào vùng đặc quyền kinh tế, nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, tức Bãi Tư Chính trực thuộc sự quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sự ngang ngược, gây hấn của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính kéo dài suốt một tháng rõ ràng là một hành động côn đồ. Có thể nói, đã xuất hiện một đế quốc Trung Hoa sẵn sàng bành trướng để lấn chiếm, chiếm đoạt những thực thể biển đảo còn lại của Việt Nam, sau khi đã nuốt trọn Hoàng Sa năm 1974, và phần lớn biển đảo ở Trường Sa mà cụ thể là Gạc Ma đã bị đánh chiếm vào năm 1988.

Bãi Tư Chính, những ngày đầu tháng bảy luôn vọng về đất liền những tin tức thật sự bất an đến sự tồn vong của thềm lục địa, khi đội quân cướp biển đảo cứ rình rập, quấy nhiễu, đe dọa. Mỗi một ngày trôi qua, người dân của một quốc gia bị xâm phạm lãnh hải, lại phải cay đắng hóng tin từ những kênh đài không chính thống mà nhà cầm quyền thường cho đó là 'thế lực thù địch'. 

Nhưng thật oái ăm, những tin tức mà nhà cầm quyền đưa ra sau hai tuần câm lặng, khi giặc đã làm mưa làm gió tại Bãi Tư Chính, thì lại trùng khớp với những tin tức mà 'thế lực thù địch' đã cho người dân biết trước đó.

Sự chậm trễ thông tin đến với người dân, phải chăng sau hai tuần lưỡng lự, nhà cầm quyền mới nhận ra chân tướng của người bạn '4 tốt - 16 vàng', hay còn một lý do nào khác mà người dân không có quyền được biết ?

Dã tâm của người bạn láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện từ hằng nhiều thế kỷ trước qua việc ngàn năm đô hộ nước Việt, chứ không phải đến thời điểm hiện tại mới bộc phát ra để nhà cầm quyền ngỡ ngàng nhận ra chân tướng của người 'bạn vàng'. 

Tháng 5/2014, HD 981 của Tàu cộng cũng đã từng xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam suốt hai tháng trời mới chịu rút ra, sau khi đã đạt được mục đích thâm độc là tạo ra sự xung đột giữa người dân và nhà cầm quyền.

Xua đuổi, đánh đập, bỏ tù người dân, chỉ vì xuống đường biểu thị sự phản kháng trước việc xâm lấn của giặc, là chuỗi hành động đã đẩy nhà cầm quyền đi đến chổ tạo ra vết thương lòng nơi người dân, là phơi bày sự yếu kém trước kẻ thù xâm lược. Bởi, không một chế độ nào lại nông nỗi đến độ chà đạp lên lòng yêu nước của người dân theo cách ban cho thì mới được bày tỏ, còn trái ý sẽ bị ghép vào tội 'phản động'.

Dấu ấn tháng 5/2014, là nỗi đau, là vết thương lòng mà người dân yêu nước phải gánh chịu trong cảnh tù đày. 

Tháng 7/2019, giặc đã ở trong nhà, nhưng người dân không còn xuống đường để biểu thị sức mạnh của chính nghĩa và công lý như trước đây. Sự thinh lặng, lãnh cảm, thờ ơ trước thời cuộc của đại đa số người dân trên cộng đồng, không phải vì lý do người dân sợ một vài vết thương ngoài da, càng không phải vì vài giọt máu đã đỗ xuống trước sức mạnh cơ bắp của nhà cầm quyền.

Mà, người dân chỉ sợ một lần nữa lại bị chà đạp nhân phẩm trước sự ngạo mạn của nhà cầm quyền với giọng điệu răng đe : "đã có đảng và nhà nước lo". 

Thực tế, người phương Đông có câu : "Gia hòa vạn sự hưng". Nếu đặt câu nói này trong chủ thể của một quốc gia, thì sự hòa thuận, sự đồng lòng, giữa người dân và chính quyền hiện tại được ví như lửa với nước. Vì vậy, mà sự hưng thịnh vẫn chưa biết khi nào mới có được trước sự lụn bại đủ điều tệ hại của nhà cầm quyền.

Dấu ấn tháng 7/2019, là vết thương lòng của người dân ngày càng trầm trọng hơn. Bởi sau 5 năm, nhà cầm quyền vẫn chưa tìm ra được một phương thức hiệu quả nào để hóa giải lòng yêu nước của người dân đang bị giam cầm trong ngục tối. Trái lại, thêm một lần nữa sự thâm độc của kẻ thù phương Bắc tiếp tục leo thang.

Bãi Tư Chính, trong cơn nguy biến 'vọng ngày độc lập' khi đang độc lập, thực ra cũng chẳng có tội tình chi mà ghép tội. Chẳng qua, vì mối hận Hoàng Sa, Gạc Ma Trường Sa, mà hoang mang lo sợ, nên vọng về cố hương cần sự bảo vệ, bảo bọc chắc chắn hơn. 

Bãi Tư Chính ! thôi hãy đừng lo sợ nữa, vì nhà cầm quyền đã giao thiệp công hàm lần hai một cách nghiêm khắc rồi Bãi Tư Chính ơi !

Hải Nguyên

Nguồn : VNTB, 20/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 806 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)