Cuộc chiến đốt lò không giúp cho chính trị Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng về lâu dài, mà cần thiết phải thiết lập chính trị trách nhiệm ?
Cuộc chiến đốt lò của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ nâng cao uy tín của đảng cầm quyền trong dư luận nhân dân, mà còn dọn đường cho sự thiết lập tối đa nhất các nhánh quyền lực mà ông Trọng có thể tin tưởng được. Nhưng đồng thời tạo ra một thách thức quyền lực không nhỏ trong giai đoạn tiếp theo, nó cảnh báo khả năng tiềm ẩn những yếu tố rối loạn, đầy tính rủi ro về mặt chính trị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Chiến lược rõ ràng phải gắn với chính trị trách nhiệm ?
Một phát biểu vào ngày 16/5 của ông Nguyễn Phú Trọng hầu hết lại là câu hỏi liên quan đến chiến lược phát triển, đổi mới chính trị và tình hình thế giới. Một cách gián tiếp, đã tạo ra áp lực nặng trên gánh vai của người kế nhiệm ông, hoặc phải tìm ra sự đổi mới về lý luận đảng, hoặc sẽ bị chôn vùi trong khủng hoảng.
Trung Quốc sắp kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc (1/10/1949) và Việt Nam cũng sẽ kỷ niệm 80 năm "đời ta có đảng" (3/2/1945 – 2025). Nhưng Trung Quốc đang gặp phải những thách thức không hề nhỏ, bất ổn xã hội đang được diễn ra trên đường phố Hồng Kông ; tăng trưởng kinh tế đã chậm lại; nợ có nguy cơ bùng nổ; cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ leo thang ; vấn đề Biển Đông đang trở nên nghịch ý với Bắc Kinh, và câu chuyện người Duy Ngô Nhĩ đang khiến chính quyền Tập Cận Bình đau đầu.
Một số bài viết về Trung Quốc trên phương tiện truyền thông phương Tây đã đề cập, phải chăng Tập Cập Bình chưa chuẩn bị đầy đủ cho yếu tố "Chủ tịch suốt đời", cả về mặt ứng phó ngoại giao lẫn xã hội. Và cái cơn khủng hoảng đang hiện diện đầy thách thức, nghiêm trọng đối với chính bản thân vị Hoàng đế Trung Hoa?
Việt Nam sẽ không khác nhiều lắm, nếu vai trò và ý thức hệ hiện tại vẫn là cốt lõi, và học tập lý luận giữa hai cấp nhà nước vẫn là con đường duy nhất để "bổ sung và giữ vững chế độ" hiện tại.
Cơ sở về kinh tế - xã hội Việt Nam hiện tại không hoàn toàn bi đát như Trung Quốc, nhưng tiềm ẩn những cơn bão khủng hoảng ở trong nó, đó chính là cơ chế chịu trách nhiệm.
Tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, nhưng bao giờ hoạt động sẽ chẳng thể nào biết được, 1% liên quan đến ký nghiệm thu – khâu quan trọng nhất trong đánh giá và cho phép con tàu màu xanh lá cây được chạy trên công trình thế kỷ thủ đô sẽ là chữ ký nặng ký nhất về trách nhiệm và sự minh bạch, hiệu quả của dự án.
Đến nay, đường sắt trên cao ở Hà Nội vẫn là "kiểm tra và đôn đốc", những lời hứa hẹn chưa bao giờ có giá trị của quan chức cấp cao.
Một dự án tại thủ đô Hà Nội đã được vận hành trong một sự thiếu nghiêm túc như thế, và giờ đây, câu chuyện cao tốc Bắc - Nam hay thậm chí "khởi động lại dự án điện hạt nhân" đã đặt ra câu hỏi. Liệu tính trách nhiệm của các đại dự án này có tương tự như đường sắt trên cao Hà Nội, hay có phải nó sẽ là di sản nối tiếp của những "cú đấm thép" thế hệ hai ?
Không có "trách nhiệm" sẽ là rủi ro lớn nhất cho các rủi ro phát triển kinh tế và xã hội, nó sẽ làm giảm thiểu các yếu tố thuận lợi mà các hiệp định thương mại mang lại, và ở chừng mực nào đó, có thể trở thành một cơn lốc với các rủi ro chính trị đi kèm.
Mới đây, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Viết Muôn bị nhận kỷ luật vì vi phạm khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải. Nếu tính thời gian tại nhiệm của ông Muôn (2010 – 2015), thì ông đã phục vụ đời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và Chủ nhiệm văn phòng hiện tại là Nguyễn Văn Nên. Nếu sai phạm của ông Muôn diễn ra như cách mà quyết định kỷ luật do Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu ra (Quyết định số 1214-QĐ/UBKTTW), thì trách nhiệm của Chủ nhiệm sẽ khó có thể tránh khỏi, thế nhưng, trách nhiệm của Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ ở đâu ?
Cần nhớ, câu chuyện "khuyết điểm về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn hóa nhà nước", cũng có thể được coi là quá trình mà "sân sau" gắn liền tham nhũng, lợi ích nhóm hiện diện.
Xác lập chính trị trách nhiệm và đổi mới cơ chế?
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành Kết luận của Ban Bí thư về chấn chỉnh công tác cán bộ chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng khóa XIII. Kết luận này đề cập hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm vì sợ mất phiếu.
Nhưng không phải "mất phiếu", mà cạnh đó, những cá nhân "nép mình chờ thời", trong tiến trình cận chuyển giao quyền lực. Ông Trần Quốc Vượng được xem là người có khả năng lớn nhất trong kế nhiệm chức vụ Tổng bí thư từ ông Nguyễn Phú Trọng, và với vị trí hiện tại trong đảng, dĩ nhiên ông Vượng sẽ nhìn nhận rõ nét hơn các thách thức và cơ hội quyền lực của mình.
Cái hiện tượng mà ông Trần Quốc Vượng chỉ ra thực chất là một hình thức diễn ra trong chế độ mà trách nhiệm chính trị còn yếu kém, xuất phát từ thiếu sự cạnh tranh chính trị.
Trong một bài viết ngày 26/10/2018 của báo Nhân Dân với tiêu đề " Vận hành chế độ trách nhiệm chính trị", tác giả tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Theo đó, bài viết xác lập "sự tín nhiệm của nhân dân là điều kiện quan trọng nhất đối với chế độ trách nhiệm chính trị." Đồng thời chỉ rõ ra rằng, cơ chế tín nhiệm hiện tại không có khả năng đảm bảo vận hành chế độ trách nhiệm chính trị.
"Sự tín nhiệm của các vị dân biểu chưa chắc đã là sự tín nhiệm của nhân dân; sự bất tín nhiệm của các vị dân biểu cũng chưa chắc đã là sự bất tín nhiệm của nhân dân".
Bài viết cũng đề cập đến vấn đề, Thủ tướng có quyền giải tán Nghị viện, người dân bầu cho thủ tướng.
Như vậy, cơ chế "trách nhiệm chính trị" còn chưa thực hành đầy đủ, hoặc tạo một hành lang pháp lý đầy đủ thông qua đổi mới bộ máy chính trị theo hướng "đảng cử dân bầu" hay "đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cho nhau" thì khi đó tham nhũng vẫn sẽ còn phát sinh, lợi ích nhóm vẫn sẽ liên tục tạo dựng, và một cơn bão rối loạn trong tương lai được hình thành rõ ràng hơn.
Đó là vì sao, cơ chế một đảng lãnh đạo, nhưng rất khó xử lý các ung nhọt của xã hội, và còn tồn tại một ông Lê Thanh Hải vừa cười, vừa nói : "Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà trả lời".
Tham vọng của ông Trọng trong đổi mới và lấy lại uy tín đảng là không phủ nhận. Chiến dịch chống tham nhũng đưa các tướng lĩnh trong hệ thống cơ quan vũ trang và đảng viên chính trị trung cấp ra tòa. Thế nhưng, giống như Trung Quốc, tác động của chiến dịch chống tham nhũng sẽ tạo ra một số lượng lớn kẻ thù. Và khi ông rời chính trường hoặc người kế nhiệm ông không trong guồng tinh thần mà ông đặt ra, thì kẻ thù sẽ đưa ông vào thế mất mát.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 24/08/2019