Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/08/2019

Biển Đông : Cường quốc hàng hải quốc tế bênh vực Việt Nam

Nhiều tác giả

Trung Quốc có dám ‘đánh’ ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh ?

Thường Sơn, VNTB, 30/08/2019

Lần đầu tiên Mỹ biểu lộ quan điểm cứng rắn nhằm bảo vệ Tập đoàn dầu khí ExxonMobil - liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - để khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

biendong1

D án m khí Cá Voi Xanh

"Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông" và Mỹ "mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ" - Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.

Bãi Tư Chính là vùng có trữ lượng dầu và khí đốt màu mỡ nhất Việt Nam, với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng - nơi được liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Nhưng những năm gần đây, Bắc Kinh đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã ‘liếm’ đến 67 lô dầu khí - một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông.

Cả hai Tập đoàn Repsol và Rosneft đều đã phải chịu sức ép lớn của Trung Quốc. Sau hai vụ Trung Quốc cho tàu vây bọc và đe dọa Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Tập đoàn Repsol đã phải ‘bỏ của chạy lấy người’, còn phía Việt Nam thì phải gánh số tiền bồi thường cho hoạt động thăm dò mà Repsol đã ứng trước, lên đến 300 - 400 triệu USD.

Tuy nhiên, số phận của ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh đã may mắn hơn nhiều so với Repsol và Rosneft.

Vì đơn giản ExxonMobil là một trong số ‘các công ty Mỹ’ mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra mặt bảo vệ.

Vào năm 2017, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Suýt chút nữa thì dự án này phải hoãn lại.

Nhưng sau đó, Mỹ đã ra tay. Một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ - Việt thống nhất cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 - như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không".

Vào ngày 20/8/2019, ông John Bolton viết trên Twitter : "Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại" và "Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó".

Những động thái công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.

Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối - mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần 60 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là là khoảng 20 tỷ USD. Mỏ dầu khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm trên bàn nghị sự Donald Trump - Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì.

Thường Sơn

*********************

Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải

Thụy My, RFI, 30/08/2019

Sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

biendong3

Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson.Ryan Martinson/Twitter

Pháp, Đức, Anh "kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực". Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.

Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh "nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước". Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS, và khuyến khích các bên sớm hoàn tất quá trình này.

Cũng trong ngày 29/08, Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trên vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Trả lời câu hỏi về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam từ tháng Bảy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar bày tỏ sự tin tưởng là những bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý và Ngoại giao, không dùng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trên thực địa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục khảo sát tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có ít nhất hai tàu Việt Nam luôn theo sát chiếc tàu Trung Quốc.

Thụy My

******************

Ấn Độ lên tiếng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc lởn vởn gần các lô dầu ở Biển Đông

Khánh An, VOA, 30/08/2019

New Delhi chính thức phản ứng đối với sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nơi đang là địa điểm hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga.

biendong4

Giàn khoan Hakuryu-5 hoạt động trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam hợp tác với các nước để khai thác dầu khí.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào ngày 29/8, người phát ngôn Raveesh Kumar nói "Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu", vì vậy nước này "kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", theo truyền thông Ấn Độ ngày 30/8.

Phản ứng chính thức của New Delhi diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phản đối hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông bằng hành động đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hải cảnh đi vào hoạt động trong khu vực gần Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga đang có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

biendong5

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar.

Trước đó, một chuyên gia khẳng định với VOA rằng việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính diễn ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội dừng các dự án dầu khí mà Việt Nam đang hợp tác với các nước để khai thác trong khu vực này. Tuy nhiên, Hà Nội đã khước từ yêu cầu của Bắc Kinh và sau đó tiếp tục gia hạn hoạt động khoan của công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính.

Cho đến nay, ngoài "lời cảm ơn" mà Tổng thống Putin gửi đến Giám đốc lô khai thác của công ty Rosneft Việt Nam vào ngày 18/7 (hai tuần sau khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính), phía Nga chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về những diễn tiến có liên quan đến hoạt động của tập đoàn dầu khí, mà phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, trên Biển Đông.

Hoạt động khoan giếng sản xuất ở mỏ Lan Đỏ của Rosneft Việt Nam bắt đầu kể từ tháng 5/2018 trong khuôn khổ chương trình phát triển Lô 06.1 trên thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực này có ba mỏ khí ngưng tụ là mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại. Ước tính dự trữ khí ban đầu trong các mỏ này vào khoảng 69 tỷ mét khối.

Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Raveesh cho rằng các bên nên giải quyết khác biệt một cách ôn hòa, tôn trọng các quy trình pháp lý và Ngoại giao và không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.

Theo truyền thông Ấn Độ, hai trong số các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị phát hiện lảng vảng gần lô dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ vào ngày 13/8. Đây là lần quay lại thứ 2 của tàu hải cảnh Trung Quốc trong khu vực, sau khi bắt đầu đến hoạt động trong khu vực vào ngày 3/7 và rời đi hôm 7/8.

Trong lần trở lại này, có 6 tàu hải cảnh, 10 tàu đánh cá, 2 tàu dịch vụ cùng với máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu đã được phát hiện trong khu vực.

Sự kiện tàu Hải Dương 8 hoạt động trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.

Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội liên tục lên tiếng phản đối nhiều lần và gửi công hàm chính thức tới Bắc Kinh.

Khánh An

Quay lại trang chủ
Read 680 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)