Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2019

Vụ Bãi Tư Chính : Việt Nam vẫn không dám tố cáo Trung Quốc

Nhiều tác giả

Bãi Tư Chính : Việt Nam kêu gọi quốc tế giúp giảm căng thẳng tại Biển Đông

Thanh Hà, RFI, 02/09/2019

Ngày 01/09/2019, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia làm giảm các căng thẳng tại Biển Đông.

tu1

Tàu tuần duyên của Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu hải cảnh của Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. (Ảnh chụp ngày 04/05/2014) Reuters

Theo hãng tin Bloomberg, tiếp theo tuyên bố chung của ba nước Anh, Pháp, Đức cuối tuần trước, bày tỏ lo ngại về "tình hình Biển Đông hiện nay", ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, qua thư điện tử, nhấn mạnh, "những diễn biến nguy hiểm" tại Biển Đông đang làm gia tăng cẳng thẳng và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Do vậy, Việt Nam kêu gọi các nước tham gia vào việc làm giảm căng thẳng, bảo đảm an ninh và tự do lưu thông tại vùng biển này. Bức thư viết : Biển Đông có tầm quan trọng đối với các nước bên trong và bên ngoài khu vực, trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do lưu thông hàng không và hàng hải và "Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng làm việc với các nước và cộng đồng quốc tế" để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.

Ngày 29/08/2019, với tư cách là các quốc gia ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp làm giẳm căng thẳng và góp phần duy trì, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.

Ba quốc gia Châu Âu này nhấn mạnh đến "mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát" văn bản này. Đặc biệt là việc tôn trọng phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye. Theo phán quyết hồi năm 2016, việc Bắc Kinh căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông là "không có cơ sở về mặt pháp lý".

Bắc Kinh đương nhiên đã bác bỏ kêu gọi của Anh, Pháp, Đức về Biển Đông. Họp báo ngày 30/09/2019 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng khẳng định tình hình tại Biển Đông vẫn "ổn định" và đang được "cải thiện" nhờ Trung Quốc và các đối tác ASEAN "phối hợp nỗ lực" giải quyết bất đồng. Bắc Kinh kêu gọi Anh, Pháp, Đức nên "khách quan hơn" về Biển Đông.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 02/09/2019

******************

Bãi Tư Chính : Việt Nam có gì để trông đợi từ EU ?

Thường Sơn, VNTB, 02/09/2019

Sau gần hai tháng trời để cho các tàu ‘đảng anh’ Trung Quốc quần thảo khu vực Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, rốt cuộc chính thể ‘đảng em’ Việt Nam cũng đạt được một chút kết quả nhằm lôi kéo sự ủng hộ của liên minh Châu Âu (EU).

tu2

Bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu - gặp Thủ tướng Phúc tại Hà Nội vào đầu tháng 8 năm 2019.

Nhưng tuyên bố của EU có gì đặc biệt hay không ?

"Những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực" - Thông cáo báo chí của Ủy ban Ngoại vụ, Chính sách An ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU nêu.

Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần thiết phải thực thi kiềm chế, tiến hành những bước cụ thể nhằm trở lại hiện trạng như trước, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua những phương thức hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế ; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển-UNCLOS.

Chi tiết đáng chú ý là dù đã đề cập về ‘những hành động đơn phương’, nhưng tuyên bố của EU lại không có một từ nào nói rõ về chủ thể của hành động đơn phương đó : Trung Quốc.

Một ngày sau -29/8/2019 - đến lượt Bộ Ngoại giao 3 nước trụ cột EU là Pháp, Đức và Anh đã ra một Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông. Theo đó, "Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên các nguyên tắc, hợp tác và hữu hiệu phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông và để thúc đẩy tiến trình hướng tới hoàn tất sớm Bộ quy tắc ứng xử này".

Có một chút ‘khởi sắc trong tuyên bố của 3 nước Pháp, Đức và Anh, vì dù gì tuyên bố này cũng còn nhắc đến cái tên Trung Quốc, tuy chẳng có lấy một lời lên án.

Lối tuyên bố như thể ‘đi hàng hai’ của EU cho thấy một sự thật đắng chát : Trung Quốc đang vượt mặt Việt Nam về quốc tế vận.

Hồi cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, Trung Quốc đã giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao so với Việt Nam khi Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc. 

Thái độ lấp lửng của EU khiến người ta phải nhìn lại bản Thỏa thuận quốc phòng mà EU và Việt Nam sắp ký nhân chuyến thăm Việt Nam của bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu - vào đầu tháng 8 năm 2019, xem có tính thực chất hay không.

Thỏa thuận quốc phòng trên, còn gọi là bản Hiệp Định Khung Về Tham Gia (Framework Participation Agreement – FPA), mà nếu tham gia thì Việt Nam có thể trở thành nước đối tác góp phần vào các chiến dịch và sứ mạng căn cứ trên Chính sách chung về An ninh và Quốc phòng của Liên Âu. Đây được xem là một chiến lược phối hợp các hoạt động quốc phòng và tình báo của Liên Âu.

Tuy nhiên, từ chuyện ‘sắp ký’ cho đến một hành động thực chất nào đó của EU đối với tình trạng nan giải ở Bãi Tư Chính lại là một khoảng cách có thể còn khá xa.

Cho dù nhiều tàu chiến của một số nước trong khối EU như Pháp, Anh, Tây Ban Nha... đã từng cập cảng Cam Ranh trong thời gian gần đây…

Nhưng cũng như hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đi vào Biển Đông để tuần tra nhưng chưa có động tác nào can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính, cả Mỹ và EU dường như đều đang dè dặt trước vụ bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung, bởi họ muốn chờ xem chính thể Việt Nam sẽ ‘bản lĩnh’’ đến mức nào trong việc đối phó với chế độ cùng ý thức hệ là Trung Quốc, hay chỉ đánh võ mồm và luồn cúi là giỏi.

Bây giờ thì đã rõ là sẽ khó có chuyện Trung Quốc rút sớm các tàu thăm dò dịa chất và tàu hải cảnh khỏi Bãi Tư Chính, mà sẽ ‘phải cho nó một bài học’. Tức Trung Quốc sẽ nhân cái thế yếu đuối của thằng em ươn hèn để tiếp tục bắt nạt và có thể cả vài cú đánh đập để dằn mặt.

Nếu khả năng tàu Trung Quốc kéo dài vụ xâm nhập Bãi Tư Chính xảy ra, mà xác suất của khả năng này đang được giới phân tích chính trị cho là ngày càng lớn, Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao ? Tiếp tục phát cờ cho ngư dân để ‘thuyền ra biển lớn’ và làm rộ lên câu vè dân gian "Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động" ? Hay tiếp tục kêu gọi quốc tế mau chóng can thiệp ? Liệu hải quân Việt Nam có dám nổ súng nếu tàu Trung Quốc gây hấn ? Và nếu nổ súng, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chuẩn bị ra sao cho những kịch bản đen tối không thể tránh khỏi cho một cuộc xung đột quân sự ở quy mô nhỏ hoặc vừa, hay thậm chí là chiến tranh thực sự với Trung Quốc ? 

Thường Sơn

Nguồn VNTB, 02/09/2019

******************

Bãi Tư Chính : Phép thử của Trung Quốc đối với Mỹ ?

Phạm Chí Dũng, Người Việt, 01/09/2019

Vụ Bãi Tư Chính, xảy ra trong ba năm liên tiếp từ 2017 đến 2019, phải chăng là phép thử của một Trung Quốc tham lam và hiếu chiến không chỉ với Việt Nam mà cả với Mỹ ? Và nếu đúng thế, phải chăng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ?

tu3

 Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng Ba, 2018. (Hình : Getty Images)

Tuy chưa có thực tế thật rõ ràng để giải đáp cho những câu hỏi trên, nhưng trong quá khứ gần vẫn có một mối dây liên hệ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh : Vụ mỏ khí đốt Cá Voi Xanh.

Vì sao ExxonMobil ‘thoát nạn’ ?

Cá Voi Xanh là dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối – mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần 60 tỷ USD vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là là khoảng 20 tỷ USD.

Mỏ khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm trên bàn nghị sự Donald Trump – Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì.

Vào tháng Giêng năm 2017, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để khai thác dầu khí trên Biển Đông với PetroVietnam.

Vài tháng trước Hội Nghị APEC Đà Nẵng 2017, ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể "sống lại" sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 – khi Repsol, công ty liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính Trị lẫn Bộ Quốc Phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì "có tiền trong túi mà không lấy được".

Nhưng tất cả những hoạt động chuẩn bị khai thác đó đã không thoát khỏi cặp mắt soi mói và thèm khát của ‘con sói’ Trung Quốc.

Một biến cố đã xảy ra vào ngày 7 tháng Mười Một, 2017, trùng với thời gian Tổng Thống Trump dự Hội Nghị APEC Đà Nẵng. Khi đó, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ Tịch Liam Mallon của công ty Phát Triển ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "Chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể trước khi triển khai đầu tư chính thức".

Cũng khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ do Bắc Kinh chèn ép, giả thiết trên đã biến thành thực tế và được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.

"Lời đề nghị khiếm nhã" này được nêu ra bởi Ngoại Trưởng Trung Quốc là Vương Nghị ngay tại Hà Nội. Về thực chất, đó là một loại tối hậu thư của Bắc Kinh gửi cho Hà Nội – hành động mang tính bức tử mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam, cho dù chẳng chứng tỏ được gì về việc đã thoát khỏi cái mớ bùng nhùng đu dây và còn chẳng dám hé răng phản đối "đảng anh", cuối cùng cũng đã phải quyết định than thở ngoài hành lang "Trung Quốc dồn Việt Nam vào chân tường rồi !" – như tán thán của một viên tướng quân đội Việt Nam.

Tình hình trên nằm trong bối cảnh Bắc Kinh vừa cho vẽ lại "đường lưỡi bò 9 đoạn" mà đã "liếm" đến 67 lô dầu khí – một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó đặc biệt là khu vực Bãi Tư Chính với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng – nơi được liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam với Tập Đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga.

Ba tháng đầu năm 2018 cũng là khoảng thời gian bắt đầu manh nha chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để một thời gian ngắn sau đó cuộc chiến này bùng nổ và gây chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, khiến đảo lộn chiến lược phát triển kinh tế của chế độ này và càng làm Tập Cận Bình cay cú trước hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

Nhưng trái với sức ép của Bắc Kinh, hiệu ứng phản ứng ngược chiều đã xảy ra : Bộ Chính Trị Việt Nam – dù vẫn bị xem là "văn dốt võ dát", từ đầu năm 2018 đã vội vã nhích sang phía Tây, thay cho thế bị cột chặt vào phương Bắc. Cơ chế "giao lưu quốc phòng" Việt-Mỹ được đẩy mạnh hơn hẳn – công khai và không công khai.

Lần đầu tiên từ năm 1975, một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ-Việt đồng ý cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 2018 – như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng Thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không".

Những hành động công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.

Những dĩ nhiên, thái độ thản nhiên và thách thức đó càng khiến Trung Quốc cay cú và muốn trả đũa.

Phép thử Bãi Tư Chính

Hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ là điều chắc chắn, đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc tế dự đoán, đã trở thành hiện thực không chỉ trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ mà còn ở khu vực xung quanh cuộc chiến này, trong đó Bãi Tư Chính là một tiêu điểm và cũng là một phép thử mà Trung Quốc muốn tung ra để xem phản ứng của Washington đến mức nào.

Bởi thế, có thể cho rằng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Cần chú ý về sự trùng hợp của các thời điểm : cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã thất bại vào tháng Năm, 2019, và ngay sau đó Tổng Thống Trump lần đầu tiên ra đòn choáng váng khi quyết định tăng thuế lên $300 tỷ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vài tuần lễ sau đó – đầu tháng Sáu , 2019, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch gây hấn tại mỏ Lan Đỏ, và đến đầu tháng Bảy thì chiến dịch này lan mạnh sang Bãi Tư Chính, đồng thời trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế lên hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, và lần đầu tiên trong một thập niên đánh tuột giá trị của đồng Nhân dân tệ (CNY) xuống dưới 7 CNY đổi được 1 USD.

Đến lúc này, đã có thể xác định rằng với chiến dịch gây sức ép lên Bãi Tư Chính, Trung Quốc bộc lộ ý đồ không chỉ buộc Việt Nam phải chia đôi tài sản dầu khí khai thác được, không chỉ gây áp lực buộc "Tổng Tịch" Nguyễn Phú Trọng phải nhượng bộ những yêu sách về chính trị và dầu khí trước hoặc trong chuyến đi Washington – có thể diễn ra vào tháng Mười năm 2019, mà còn muốn gián tiếp trả đũa Mỹ về cuộc chiến thương mại và "nắn gân" Mỹ về thái độ và hành động hỗ trợ Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cùng đe dọa cả dự án Cá Voi Xanh mà Bắc Kinh còn lâu mới lãng quên. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 01/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)