Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2019

Ngành giáo dục là ai để mà nhận thư và đọc thư ?

Thảo Vy

"Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020" là tựa chung của bài báo được đăng trên tất cả tờ báo giấy, cho đến báo điện tử của hệ thống báo chí nhà nước.

ai1

"Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020"

Thế nhưng có ‘tò mò’ đọc hết lá thư có con dấu Quốc huy này, mới ‘té ngửa’ không biết ông chủ tịch nước muốn gửi cho người đọc nào đây, vì cụm từ ‘gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020’ giống như một phiếm chỉ, không có đối tượng cụ thể. Điều này hoàn toàn trái ngược với lá thư có tên "Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Trước tiên xin dừng lại ở đối tượng nhận thư là ‘ngành Giáo dục’ (thư viết hoa từ giáo dục).

"Ngành" được hiểu chung là tổng thể các đơn vị, tổ chức sản xuất - kinh doanh có cùng cơ cấu kinh tế - kỹ thuật hay các tổ chức, đơn vị hoạt động với mục đích giống nhau, cùng tiến hành hoạt động sự nghiệp nhất định.

"Ngành giáo dục" có thể được hiểu một cách đơn giản, là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống giáo dục, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.

Như vậy một lá thư viết đề gửi ‘ngành giáo dục’ – cho dù đó là một Giáo dục được viết hoa như một danh từ riêng, thì điều đó dường như vẫn là một danh xưng phiếm chỉ. Ai làm việc liên quan đến ngành giáo dục cũng có thể đọc, hoặc không cần thiết phải đọc. Nôm na, đây chỉ là kiểu viết cho có, viết như một thủ tục lễ nghi dịp khai giảng năm học mới của quốc gia.

Thử làm một so sánh.

Bảy mươi bốn năm trước, người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã mở đầu lá thư như sau : "Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".

Đoạn thư trên dường chừng cũng bàng bạc hơi thu như Thanh Tịnh của ‘Tôi đi học’ : "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : Hôm nay tôi đi học".

Đến lượt mình, người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã mở đầu lá thư đề gửi cho ‘ngành giáo dục Việt Nam’, bằng những câu văn mang sức mạnh của bề trên tuyên huấn Đảng (trích lược) : "Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" (…)

"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua" (...)

"Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên ; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện ; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020".

Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ dành có 59 từ để nhắn nhủ học sinh nhân dịp khai giảng : "mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa "hồng", vừa "chuyên" như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Câu mở đầu của "Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" , là "Các em học sinh", và tâm thế của người viết thư là "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang".

Bảy mươi bốn năm sau, "Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020", có câu mở đầu thuần tâm thế cấp trên lãnh đạo : "Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến".

Đoạn thư tiếp theo vẫn mạch văn của một kiểu tụng xưng quen thuộc ở báo cáo tham luận : "Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất".

Các đoạn còn lại là thuần màu sắc của mệnh lệnh tuyên giáo Đảng, đọc mà cảm giác như đang nghe hô khẩu hiệu ‘lên gân cơ bắp’ với nhau như đoạn trích ở phần đầu bài viết này, để rồi đến phần kết, lại tiếp tục dùng thể văn mệnh lệnh : "Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người".

Câu kết cuối cùng của "Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", rất dung dị : "Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp".

Nhà giáo Trần Việt Quân ở Sài Gòn có viết lá thư gửi phụ huynh dịp khai giảng niên học 2019/2020, với những chia sẻ gần gũi (trích) : "Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi tới quý phụ huynh vài dòng chia sẻ về việc dạy dỗ con em chúng ta. Hãy cho con cơ hội được trưởng thành. Mong phụ huynh đừng nuông chiều con thái quá, như vậy là tước đi quyền được trưởng thành của con. Quyền được thất bại, được sai lầm để học bài học trưởng thành là quyền của các cháu.

Phụ huynh đừng thương con đến mức không để con làm việc gì. Hãy dạy cháu tự mang cặp đến trường, hãy dạy cháu biết trồng cây, rửa chén, lau nhà và hãy để cháu tự đứng dậy từ chính nơi vấp ngã... Cháu muốn chiên trứng cứ mạnh dạn để cháu làm. Cháu có thể làm hư một lần, nhưng vài lần thì chắc chắn sẽ làm được.

Hãy trao cho con năng lực tự học. Hãy giúp các cháu phát triển tư duy, trau dồi năng lực tự học, tự nghiên cứu và khám phá những kiến thức mới. Vì khi con đã có năng lực tự học thì cha mẹ sẽ bớt nhọc công trong việc dạy dỗ hơn rất nhiều.

Khi con hỏi, đừng vội trả lời ngay mà hãy nhẹ nhàng hỏi ngược lại. Chúng ta sẽ bất ngờ vì ý tưởng của con mình đấy. Quan trọng nhất là hãy tạo cho các cháu thói quen đọc sách và hãy để văn hóa đọc thấm sâu trong nếp sống của gia đình.

Bằng mọi cách, hãy trao cho cháu kỹ năng tự học. Bởi vì tự học là vua của mọi kỹ năng, đó là nền tảng để cháu có thể phát triển bản thân và thành công mai sau".

Và nếu có so sánh lá thư của nhà giáo Trần Việt Quân với "Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020", cho thấy điểm khác biệt lớn nhất về quan niệm về giáo dục : với ông Nguyễn Phú Trọng, giáo dục là tuân thủ theo ‘Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng’ ; còn với nhà giáo như thầy Trần Việt Quân, giáo dục là giúp cho học sinh phát triển tư duy tự nghiên cứu, tự khám phá mà không chịu nô lệ bất kỳ chủ thuyết, hay lệ thuộc vào định hướng mang tính mặc định nào về giáo dục.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 04/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)