Trả lời cho câu hỏi, liệu Việt Nam sẽ hóa rồng theo định hướng "Tầm nhìn 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao" ? Thậm chí vượt Trung Quốc !?
Quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2018 (244,95 tỷ USD) thua quy mô nền kinh tế của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2017, với GDP khoảng 469 tỷ USD.
Hãy thử nhìn sang nền kinh tế Trung Quốc năm 2018, với GDP là 13.285,65 tỷ USD, mức tăng trưởng 6,6 được coi là thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, GDP Việt Nam năm 2018 đạt được 244,95 tỷ USD - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Đối sánh một cách dễ hiểu, thì quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2018, thua quy mô nền kinh tế của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2017, với GDP khoảng 469 tỷ USD.
Nhưng tại sao lại có thể đặt ra câu hỏi, kinh tế Việt Nam khá hơn so với Trung Quốc ? Liệu đây có phải là quan điểm viễn tưởng ? Có phải sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến câu hỏi trên đặt ra ?
Trung Quốc, với 80% bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo (tương đương 473 bằng trên tổng số 608 bằng) ; 850 triệu dân thoát nghèo ; dẫn đầu nhóm nền kinh tế mới nổi (BRIC - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) về chỉ số cạnh tranh ; chiếm 1/3 startup "kỳ lân" (giá trị trên 1 tỷ USD) trên thế giới.
Nhưng tất cả những điều thần kỳ về mặt kinh tế này lại xuất phát điểm từ năm 1978 với kiến trúc sư kinh tế là Đặng Tiểu Bình. Thẳng thắn, nếu không nhờ vào lộ trình tư tưởng và hợp pháp hóa cho cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình, thì Trung Quốc đã bị xóa sổ sau cuộc Đại Nhảy Vọt và Cách mạng văn hóa.
Nói cách khác, một lý thuyết kết hợp chủ nghĩa tư bản vào kế hoạch hóa tập trung để gia tăng năng suất, nâng cao văn hóa Trung Quốc và nâng cao lợi ích của người dân của Đặng Tiểu Bình đã làm cho Trung Quốc hồi sinh trở lại sau điêu tàn. Dù không có ý nghĩa tạo ra một xã hội tư bản, nhưng Đặng Tiểu Bình, bằng cách hấp thu chủ nghĩa thực dụng tối đa đã làm nên một Trung Quốc tư bản đỏ kết hợp.
Chủ nghĩa thực dụng đó là gì ?
Một là, không có vấn đề gì nếu một con mèo có màu đen hoặc trắng, miễn là nó bắt được chuột.
Hai là, có một lương tâm ở vị trí lãnh đạo.
Ba là, không e sợ áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến được áp dụng ở các nước tư bản, bởi (...) bản chất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng và phát triển hệ thống sản xuất.
Nhưng để từ chủ nghĩa thực dụng đi đến một lộ trình cải cách, thì đó là bước đi cách mạng dựa vào đội ngũ cố vấn.
Trung Quốc đang trở nên kiêu ngạo hơn vào thời Tập Cận Bình. Khi mới đây, sự lo sợ về bất đồng chính kiến và tự do tư tưởng khiến Tập Cận Bình đã trở nên kiêng dè và e sợ trước cả những think-tank về kinh tế tự do (Unirule).
Theo chia sẻ của tác giả Phạm Sỹ Thành trên VCES, thì chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa thank-tank này, nhằm một mục đích tối đa hóa "sự kiểm duyệt, phục tùng ý kiến lãnh đạo, và nền kinh tế do nhà nước chi phối kể từ năm 2012". Tác phẩm của cha đẻ của cải cách kinh tế thị trường Trung Quốc và là đồng sáng lập think-tank, Mao Vu Thức đã bị cấm xuất bản. Người thứ hai là Thịnh Hồng bị cấm xuất cảnh năm 2018 với lý do "đe dọa an ninh quốc gia".
Cách Trung Quốc ứng xử với Unirule làm gợi nhớ về cái cách mà Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ứng xử với Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ với quyết định giải thể ban này vào tháng 7/2006.
Tổ tư vấn cải cách này từng phục vụ 2 đời Thủ tướng trước đó là ông Võ Văn Kiệt, và ông Phan Văn Khải. Kết quả, hàng loạt những thành viên và chuyên gia tư vấn của ban về sau này trở thành chuyên gia kinh tế - chính sách độc lập ở các cơ sở nghiên cứu, hoặc trở thành người bất đồng chính kiến (Nguyễn Trung, Trần Việt Phương ; Tương Lai). Vấn đề, sau khi giải tán ban, thì trong vòng 10 năm trời, nền kinh tế quốc gia đi xuống, và ngân khố gần như là cạn kiệt, ở mức 45.000 tỷ đồng theo lời của Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Lãnh đạo có lắng nghe tư vấn chính sách ? Câu hỏi này đặt ra trong thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, và tiếp theo đó là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, cần thừa nhận, thời điểm ông Phúc nắm quyền là kinh tế có phần khởi sắc, và điều đáng lưu ý lag ông Phúc đã tái thành lập Tổ tư vấn kinh tế sau một năm nắm quyền, với 5 thành viên, trong đó, có 5 thành viên là chuyên gia kinh tế từ Mỹ, Nhật, Pháp, và Singapore.
Điều này đồng nghĩa, chủ trương – chính sách kinh tế được điều hướng một cách cẩn trọng hơn, và tư duy sẽ phải thực dụng hơn. Nói một cách khác, Tổ tư vấn kinh tế có thể là một think-tank nằm trong bộ máy của Chính phủ Hà Nội. Việc tìm kiếm và ký kết các hiệp định thương mại không có ý nghĩa đơn thuần là một ký kết mang tính giai đoạn, mà nếu được chú trọng thực tế với sự giúp đỡ hết lực của chính trị, thì nó sẽ giải phóng và phát triển hệ thống sản xuất. Vấn đề đặt ra là, liệu ông Nguyễn Xuân Phúc có thực sự chú trọng và thực dụng hóa chính sách kinh tế thông qua Tổ tư vấn kinh tế hay không ? Và thực sự, ông Nguyễn Xuân Phúc có đủ lương tâm trách nhiệm lãnh đạo trong mạnh dạn áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến được áp dụng ở các nước tư bản, cũng như thúc đẩy tinh thần "tự do kinh tế" trong bối cảnh các tập đoàn nhà nước làm thiếu hiệu quả, trên tinh thần Chính phủ kiến tạo 4.0 hay không ?
Muốn thế, phải đặt Tổ tư vấn kinh tế trong vị trí như là một think-tank cổ vũ kinh tế tư do và được quyền chỉ trích các chính sách - chủ trương kinh tế sai lầm. Đây phải là đầu tàu trong đề xuất và hoạch định kinh tế, chứ không phải là nơi thực hành các quyết định kinh tế từ Đảng chỉ qua. Và đây cũng phải là hạt nhân tầm nhìn kinh tế và định hướng kinh tế Việt Nam, chứ không phải là Ban Kinh tế trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đang có bước đi hẹp nhưng triển vọng. Bởi, trong bối cảnh Unirule bị giải tán bên Trung Quốc, và Việt Nam vẫn giữ lại Tổ tư vấn kinh tế, và kinh tế tư nhân được thừa nhận là "động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Viêt Nam" theo Nghị quyết khóa XII (6/2017), thì lộ trình cải cách sẽ xuất hiện, và câu chuyện, "Trung Quốc đi trước về sau" trong phát triển kinh tế so với Việt Nam sẽ hiện diện trên thực tế. Bởi thành tựu kinh tế không đến ngẫu nhiên, mà nó được thúc đẩy bởi tầm nhìn kinh tế, và tất nhiên bắt đầu tự Tổ tư vấn kinh tế.
Mọi giả thuyết đều phải được đặt ra, và kiến trúc sư nền kinh tế cần phải được nhận diện. Và "bước đi cách mạng dựa vào đội ngũ cố vấn", nâng cao lợi ích người dân cao hơn lợi ích quan chức và sự tồn vong của Đảng phải được chính ông Nguyễn Xuân Phúc hay Đảng viên Đcộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng ba người còn lại trong nhóm tứ trụ đặt ra nếu muốn chạm vào 4.0.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 04/09/2019
Tham khảo thêm :
https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19041