Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2019

Vũ khí lợi hại ‘tức thì’ để Trung Quốc mặc cả với Việt Nam : thương mại

Thảo Vy

Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan. Trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa trọng tài, khả năng Trung Quốc sẽ áp các khoản thuế lên hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là với nông thủy sản. Do vậy sự cẩn trọng nhắc lên đặt xuống cho khởi kiện Trung Quốc là điều không dễ có câu trả lời ‘ngã ngũ’.

thuongmai1

Thanh long - một trong các mặt hàng trái cây chính được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Trò chuyện với người viết tại bên lề một hội luận chủ đề liên quan sự kiện thời sự tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc là tàu Lam Kình, bất ngờ di chuyển trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi trở về Trạm Giang vào tối hôm 04-09, thương nhân ngành ngũ cốc ông N.T.L., nói rằng hiện có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. 

Giá dưa hấu chỉ hơn 6.000 đồng/kg, giảm 50% so với tháng trước ; dừa xiêm từ 90.000 đồng/chục, giảm còn 40.000 đồng/chục ; thanh long ruột trắng giá còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 50% so tháng trước. Lý do chung nhất là thị trường Trung Quốc giảm hẳn việc nhập hàng nông sản của Việt Nam.

Mặc dù giảm, nhưng Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70,5% thị phần, với giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện Việt Nam có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm : thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trung Quốc cho phép trên 700 doanh nghiệp thủy sản ; trên 20 doanh nghiệp gạo... của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường của họ.

Không chỉ nông sản, ghi nhận từ một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua do Trung Quốc kiểm soát chặt nên các loại thủy sản Việt tồn lượng lớn tại cửa khẩu xuất đi, như tôm Khánh Hòa tắc trên 129 tấn ; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn ; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn ; tép khô Phan Thiết 14 tấn,...

Việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh giá trị còn có phần từ Nhân dân tệ (CNY) giảm so với USD, trong khi VND không giảm, có nghĩa CNY cũng mất giá so với tiền Việt Nam. Chính vì vậy, hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ phải giảm giá, giảm lợi nhuận, còn nếu giữ giá bán thì rất khó để cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc. 

Song, nếu giảm giá thành để cạnh tranh được tại thị trường Trung Quốc, thì cũng đồng nghĩa với các doanh nghiệp thủy sản và nhà nông của Việt Nam sẽ không có lãi, thậm chí là lỗ nặng nề ; đặc biệt là quy định mang tính thỏa thuận giữa hai chính phủ Trung Quốc – Việt Nam trong việc chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu tính trên tỷ giá giữa VND và CNY, thay vì tỷ giá theo thông lệ quốc tế từ căn cứ USD, nên khi giá trị CNY thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Ở chiều nhập khẩu, CNY mất giá kéo theo hàng nông sản, nhất là rau quả từ Trung Quốc giá vốn rẻ sẽ càng rẻ hơn được nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Khi đó nông sản Việt sẽ bị cạnh tranh rất lớn trên sân nhà. Xem ra lỗi lớn nhất ở đây là chính sách chấp nhận CNY trong các giao dịch ngoại thương trực tiếp của Việt Nam, bao gồm cả chính sách cho phép lưu hành CNY như VND ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Cũng dễ hiểu, một khi với Thông tư 19, Ngân hàng Nhà nước cho phép CNY được lưu hành tại bảy tỉnh biên giới Trung Quốc -Việt Nam, không kèm cơ chế nào hữu hiệu để ngăn chặn những CNY được sử dụng ở những nơi khác ngoài bảy tỉnh đó, nên theo nguyên tắc bình thông nhau quen thuộc đã mặc nhiên CNY trở thành một loại tiền tệ chính thức ở Việt Nam.

Nói một cách khác, tuy gọi là biên mậu – tức mậu dịch ở biên giới, nhưng ở phía Trung Quốc cũng như ở Việt Nam liệu có quy định nào giới hạn phạm vi trao đổi chỉ của các tỉnh biên giới ?. Thực tế ở Việt Nam lâu nay các tỉnh miền Nam vẫn đưa hàng hóa từ nông sản đến công nghiệp như mũ cao su lên biên giới bán cho Trung Quốc, và được coi là biên mậu. Điều này cho thấy nguy cơ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không kiểm soát được chính sách tiền tệ, khả năng phụ thuộc vào đồng tiền Trung Quốc là rất lớn.

Có thể nói là nhìn một cách tổng thể, việc nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam (bao gồm cả thời kỳ bao cấp) phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách thương mại lẫn ngoại giao của Trung Quốc suốt thời gian dài từ trước 1975 đến nay, cho thấy lỗi lớn nhất ở đây là sự thiếu dứt khoát ở tầm vĩ mô của những nhà quản trị quốc gia trong các mối quan hệ song phương kiểu '16 vàng' giữa Bắc Kinh – Hà Nội.

Không chỉ chuyện hàng hóa nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà đúng như câu thành ngữ của người miền Nam : ‘thâm như Tàu’, khi họ tận dụng ưu thế ngoại giao nước lớn, phía Trung Quốc đã để các doanh nghiệp ‘hàng chợ’ của mình đưa hàng vào bán tại Việt Nam bằng chính nhãn mác Việt Nam. 

"Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này lớn đến mức Việt Nam càng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thì mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc càng tăng lên thông qua việc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất... 

Về lâu dài, các hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam nhưng trong ngắn hạn sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ các quốc gia này tăng lên đáng kể. Đây có lẽ chính là những đau đầu nếu như Việt Nam ‘bắt chước’ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa. Chính sự mặc cả về thương mại ngay lúc này sẽ là một sức mạnh mà Hà Nội chắc chắn sẽ giương cờ trắng trước Trung Quốc.

Tôi nghĩ như nhận định của nhà phân tích chính trị Phạm Chí Dũng trong một bài viết trên VOA (1) rằng mọi chuyện tùy thuộc vào cái thế bị dồn đến chân tường của Việt Nam, và phụ thuộc phần lớn vào quan điểm và ‘bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng’ khi ông ta đàm phán ở Washington không chỉ với Donald Trump mà cần với cả Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 10 tới đây". Thương nhân N.T.L, chia sẻ.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 06/09/2019

(1) Phạm Chí Dũng, Việt Nam sẽ ‘xoay trục’ về Mỹ ra sao sau vụ Hải Dương 8 ?

Quay lại trang chủ
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)