Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2019

Tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ

Tường An

Các tù nhân lương tâm tại Hải ngoại tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ

Những tù nhân lương tâm bị trục xuất từ nhà tù Việt Nam đến thẳng nước thứ hai định cư hiện có mặt tại Mỹ châu, Âu châu. Tuy nhiên, dù ở đâu, họ - vẫn theo cách riêng mình - tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ tại quê nhà. Hôm 8/9, một cuộc hội đàm đã diễn ra tại Houston (Mỹ) quy tụ những tù nhân lương tâm từ khắp nơi để chia sẻ tâm tình, nói lên nguyện vọng của mình về tình hình đất nước.

tnlt1

Hội đàm với các tù nhân lương tâm Việt Nam lưu vong ở Houston, Hoa Kỳ, hôm 8/9/2019 - Tường An

Kết nối các tù nhân lương tâm lại với nhau

Nhạc sĩ, MC Nam Lộc, một trong những người quan tâm đến cuộc sống của các cựu tù nhân lương tâm tại hải ngoại, chia sẻ :

"Đây là một trong những điều mà tôi thao thức từ lâu, là một trong những người có cơ hội sinh hoạt chung với các tù nhân lương tâm từ trong nước ra hải ngoại, tôi vẫn quan tâm đến đời sống an sinh của họ, đến hoạt động của họ, đến những thao thức của họ và những lý tưởng của họ. Cho nên tôi cứ mong làm sao có một ngày tạo cho họ cơ hội để họ nói lên lập trường, chính kiến của họ. Và quan trọng hơn cả là tạo cho các anh em tù nhân lương tâm có dịp để ngồi lại với nhau, trao đổi với nhau và biết đâu có thể thành lập một liên kết, một kết hợp nào đó để tương trợ, để bảo vệ lẫn nhau"

tnlt2

Những diễn giả tham dự Hội đàm Photo : RFA

Với mong muốn đó, cùng với nha sĩ Chu văn Cương, một người hoạt động năng nổ tại Houston và Giáo sư Nguyễn Chính Kết, ca nhạc sĩ Nam Lộc đã thực hiện cuộc Hội Đàm với sự tham dự của 8 tù nhân lương tâm lưu vong đang sống tại Hoa Kỳ, ngoài ra còn có những người hoạt động đấu tranh trong nước cũng tham gia phát biểu qua hệ thống Skype như nhà báo Phạm Đoan Trang, Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi, Hoà thượng Thích Không Tánh, luật sư Nguyễn Văn Đài (không xin được visa qua Mỹ), nhưng cũng chia sẻ tâm tình từ Đức qua mạng.

Là một trong 3 điều phối viên của buổi Hội đàm, ông Nam Lộc cho biết nội dung cũng như hy vọng của ông sau buổi Hội đàm :

"Tạo cho họ một nhịp cầu để nói chuyện với đồng hương chúng ta, để chia sẻ những tin tức của chính những người đấu tranh ở trong nước ra, những tin tức trung thực đến với quý vị đồng hương. Bên cạnh nội dung chính, tôi cũng có một mơ ước là ước gì họ ngồi lại được với nhau để hỗ trợ nhau, hỗ trợ cả những tù nhân lương tâm trong nước đang phải chịu đựng. Vì vậy cả những ước mơ chung cũng như ước mơ riêng coi như là đều đạt được trong lần họp mặt này".

Khoảng gần 1000 quan khách tại Houston và các tiểu bang khác tại Hoa Kỳ cũng như từ Âu Châu đã đến lắng nghe 15 diễn giả là những người đấu tranh còn sống trong nước, hoặc các tù nhân lương tâm đang lưu vong tại hải ngoại chia sẻ tâm tình cũng như quan điểm của họ về tình hình đất nước. Từ việc Trung Quốc xâm chiếm biển đông đến sự đàn áp của an ninh Việt Nam đối với những người hoạt động cũng như những phương pháp đấu tranh đã được các diễn giả trình bày qua phần thuyết trình cũng như đặt câu hỏi của cử tọa.

Tiếp tục "chung lưng đấu cật"

Một trong những diễn giả là ông Vũ Hoàng Hải, bị bắt năm 2006 và được trả tự do năm 2008, đến Hoa Kỳ năm 2010, hiện định cư ở California. Ông đại diện Khối 8406 và Nhóm Bạch Đằng Giang tại hải ngoại. Ông Hải cho biết, từ hải ngoại, ông đã liên kết với thành viên của nhóm đã định cư ở nước ngoài để tiếp tục vận động cho thành viên khối 8406 tại Việt Nam :

"Khi ra nước ngoài chúng tôi đã lên Quốc hội Hoa Kỳ để vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ áp lực nhà cầm quyền Việt Nam phải thả những tù nhân lương tâm, đặc biệt là những tù nhân lương tâm của Khối 8406. Qua đây, chúng tôi vẫn liên kết, hỗ trợ cho nhau, hỗ trợ cho anh em còn kẹt lại tại Việt Nam. Gần đây tôi đã qua Thái Lan để gặp các anh em Bạch Đằng Giang. Tại hải ngoại chúng tôi luôn liên kết với các tổ chức chống Cộng để làm sao cho Việt Nam sớm có dân chủ, Hoà bình và Nhân quyền".

Ngoài ra, ông Vũ Hoàng Hải cũng mong muốn sau cuộc hôi đàm này sẽ có thể tạo một liên kết giữa các tù nhân lương tâm hải ngoại để bảo vệ lẫn nhau và có thể hoạt động hữu hiệu hơn.

"Hôm nay chúng tôi họp nhau đây, trước nhất là để thăm hỏi đồng bào, sau đó, chúng tôi muốn có một tổ chức để tương trợ lẫn nhau. Các tù nhân lương tâm mong ước thành lập một hội với tên Cựu tù nhân lương tâm Lưu Vong hay một cái tên gì đó với mục đích là tương thân, tương trợ lẫn nhau, đùm bọc cho nhau cũng như hỗ trợ cho nhau về vấn đề pháp lý vì rất nhiều tù nhân lương tâm bị đánh phá, bị châm chọc, nên chúng tôi muốn thành lập Hội tù nhân lương tâm Lưu vong và hội này sẽ rất mong các tù nhân lương tâm khác tham gia. Chúng ta phải đề ra phương hướng đấu tranh, tương trợ, gắn kết với nhau, dùng sức mạnh, dùng lá phiếu và dùng sức mạnh của công đồng người Việt hải ngoại để làm một cái gì đó cho quê hương dân tộc Việt Nam. Ra đến hải ngoại chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh. Mong các đoàn thể, các chính đảng cùng chúng tôi làm một cuộc cách mạng trên quê hương đất nước của chúng ta".

tnlt3

Cựu tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) phát biểu tại Hội đàm Photo : RFA

Tù nhân lương tâm bị trục xuất gần đây nhất là blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết, truyền thông vẫn là vũ khí đấu tranh hữu hiệu, và chị mong rằng với phương tiện này sẽ vực dậy được quần chúng cho một cuộc cách mạng trong tương lai :

"Đó là xây dựng sức mạnh quần chúng ! Cần phải khai thác truyền thông không chỉ để cho riêng phụ nữ mà tất cả các dối tượng. Nhìn về Hồng Kong, chúng ta thấy rằng cần phải xây dựng lực lượng, ngày càng nhiều người đân, không chỉ theo dõi hay ngồi đó cổ vũ mà còn chung tay hành động. Và chúng ta chỉ thực sự chiến thắng khi chúng ta có quần chúng. Hình ảnh cuối cùng của một cuộc cách mạng là đám đông xuống đường. Nhưng không thể nào có tất cả người dân xuống đường. Ở Hongkong có 7 triệu dân thì chỉ có 2 triệu xuống thôi. Nếu 2 triệu nhiều thì chúng ta sẽ đi kiếm 200.000 người. Hình ảnh cuối cùng mà chế độ độc tài CS ra đi là 200.000 người đứng ở quảng trường Ba Đình hô vang : đả đảo CS, giải thể chế độ CS ! Và chúng ta phải làm sao để có 200.000 người như vậy".

JB Nguyễn Hữu Vinh, một người hoạt động cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ nhận định, không hẳn tiếng nói từ trong nước sẽ có gía trị hơn tiếng nói hải ngoại, mà chỉ cần một tấm lòng, còn ở bất cứ nơi đâu, ai cũng có thể đóng góp cho đất nước bằng cách riêng của mình :

"Tôi nghĩ rằng nếu có một tấm lòng với đất nước thì ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể hướng về đất nước và đóng góp những công việc thiết thực. Có nghĩa là không chỉ phải ở ngay trong nước hoặc phải đối đầu ! Bởi vị bất cứ chỗ nào thì cũng có những thế mạnh, thế yếu của nó, cho nên không chỉ tù nhân lương tâm mà bất cứ người nào có lòng với đất nước thì đều có thể đóng góp cho công cuộc chung. Chưa hẳn là người trong nước sẽ có tác dụng hơn người hải ngoại, bởi 90 triệu người trong nước còn đắp chăn ngủ kín thì cũng không có tác dụng gì !".

Thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Điếu Cày Nguyễn văn Hải, bị bắt năm 2008, được Chính phủ Việt Nam trả tự do năm 2014 và trục xuất sang Hoa kỳ, hiện định cư tại California, cho biết mong muốn từ rất lâu của các tù nhân lương tâm lưu vong là có cơ hội ngồi lại để cùng chia sẻ tâm tự cũng như chương trình hành động, ông đánh giá cao cuộc Hội đàm này.

"Đây là một cuộc Hội đàm rất đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên anh em chúng tôi được mời chung để tham gia trong cùng một chương trình, có điều kiện để gặp gỡ nhau, cùng sinh hoạt chung với nhau. Đây là một điều vô cùng đáng quý đối với anh em chúng tôi. Điều này chúng tôi mong mỏi từ lâu nhưng chưa có ai giúp chúng tôi thực hiện cả cũng vì chúng tôi không đủ khả năng tài chính để đứng ra thực hiện. Nhưng anh em đều có mong muốn gặp gỡ nhau, đứng chung với nhau trong nhiều vấn đề đấu tranh sau này nữa cho nên buổi gặp gỡ này rất quan trọng với chúng tôi vì chúng tôi có thể chia sẻ nhiều vấn đề tình cảm cũng như những khó khăn trong cuộc sống cũng như những mục tiêu sắp tới của chúng tôi. Vì vậy đây là những bước đầu để chúng tôi tiếp tục kết hợp với nhau đấu tranh bên Hoa Kỳ cũng như hỗ trợ anh em trong nước tiếp tục cuộc chiến của mình"

Học hỏi từ Hồng Kông

Ngoài ra, ông Hải cũng mong muốn Việt Nam sẽ là một Hồng Kông trong tương lai

"Rõ ràng là Hồng Kông xuống đường với một phương thức hoàn toàn mới. Giới trẻ Hồng Kông rành tiếng Anh và hoạt động trên nền tảng công nghệ. Nhờ có sự tham gia của giới trẻ Hồng Kông và truyền thông tự do, thế giới đã nắm bắt được tin tức hàng ngày hàng giờ từ, những cách thức để bảo toàn lực lượng, không có lãnh đạo trong phong trào. Cho nên cách để tạo ra một phong trào là sử dụng truyền thông tốt, tham gia tốt các mạng xã hội dẫn tới sự thành lập của những nhóm hoạt động, cũng tham gia vào phong trào chung, thì đó là việc cần thiết mà chúng ta phải xây dựng ngay từ bây giờ để chúng ta có một Hongkong trong tương lai".

Khi cộng sản phóng thích một người tù nhân lương tâm ra hải ngoại thì họ cũng chuẩn bị một kế hoạch để chụp mũ, để vô hiệu hóa những người tù nhân lương tâm đó vô hiệu hóa họ và làm cho những tù nhân lương tâm đó không còn giá trị ở hải ngoại, đó là mục đích của người cộng sản... - Mục sư Nguyễn Công Chính.

Mục sư Nguyễn Công Chính, bị bắt năm 2011 và trục xuất sang Hoa Kỳ năm 2017, cũng có mặt tại Hội đàm. Theo Mục sư Nguyễn Công Chính, việc phóng thích các tù nhân lương tâm sau khi ra tù thay vì để họ ở lại trong nước là để vô hiệu hóa họ. Vì thế họ cần ngồi lại để chung tay tiếp tục đấu tranh để vô hiệu hóa ngược lại mục tiêu của cộng sản Việt Nam.

"Khi cộng sản phóng thích một người tù nhân lương tâm ra hải ngoại thì họ cũng chuẩn bị một kế hoạch để chụp mũ, để vô hiệu hóa những người tù nhân lương tâm đó vô hiệu hóa họ và làm cho những tù nhân lương tâm đó không còn giá trị ở hải ngoại, đó là mục đích của người cộng sản. Chính vì những điều đó mà hôm nay mới có buổi Hội đàm này. Để những người tù nhân lương tâm có cơ hội thể hiện tinh thần của họ, vì họ đã hy sinh công hiến cho hai chữ Tự Do. Ra ngoài này, đôi khi họ không có cơ hội đấu tranh ? Vì thế, tổ chức buổi hội đàm này để có một kế hoạch, một phương thức đấu tranh để tận dụng những cơ hội đó để đấu tranh cho dân tộc Việt Nam. Còn nhiều kế hoạch tiếp theo, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị đồng hương".

Bên cạnh đó, ca nhạc sĩ Việt Khang cũng chia sẻ những khó khăn về cuộc sống và những tác phẩm mới đã được quảng bá đến quần chúng trên mạng xã hội. Nhà báo tự do Trương Quốc Huy chia sẻ những kinh nghiệm truyền thông...

Cuộc Hội đàm kéo dài từ 2 giờ trưa đến gần 7 giờ tối. Ngoài những chia sẻ tâm tư của các tù nhân lương tâm về các đề tài liên quan đến Việt Nam như vấn đề Biển Đông, sự đàn áp của công an Việt Nam hay hiện tình đất nước, khách tham dự cũng đặt rất nhiều câu hỏi cho các diễn giả.

Một cư dân Houston, ông Nguyễn Tấn Trí cho rằng một cuộc hội đàm như thế là vô cùng cần thiết để cư dân Houston có thể nghe được tiếng nói của những tù nhân lương tâm về sự đóng góp họ với đất nước cũng như được cập nhật các thông tin về hiện tình đất nước hiện nay :

"Chúng tôi thấy cuộc hội đàm này rất cần thiết để làm thức dậy tấm lòng yêu quê hương của mình đối với cuộc tranh đấu hiện nay", ông Nguyễn Tấn Trí chia sẻ.

Tường An

Nguồn : RFA, 10/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)