Có phải Trung Quốc đang gây sức ép đòi ExxonMobil dừng hoạt động ở Việt Nam ?
Carl Thayer, RFA, 11/09/2019
Đầu tuần này, những email riêng từ Việt Nam và những nơi khác cho biết công ty ExxonMobil sắp ngưng hoặc chấm dứt dự án khí đốt tự nhiên lớn ở mỏ Cá Voi Xanh tại lô 118 ngoài khơi miền trung Việt Nam do sức ép từ Trung Quốc. Vào giai đoạn này, những đồn đoán vẫn chưa thể được xác nhận. Nhà báo Bill Hayton viết trên Twitter rằng những khác biệt về thương mại liên quan đến giá của khí đốt có thể là nhân tố chính. Bill Hayton đề nghị mọi người đợi xem sao.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 21/9/2016 tại mọt nhà máy lọc dầu của ExxonMobil ở Mỹ AP
Tuy nhiên, nếu những đồn đoán được xác nhận thì đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đã gây sức ép lên ExxonMobil, đòi công ty này tránh việc tìm kiếm và sản xuất dầu ở Việt Nam. Vào cuối năm 2007, một quan chức cấp cao của Việt Nam đã thừa nhận với tôi là Trung Quốc đã có được một bản tài liệu mật về chiến lược Biển đến năm 2020 của Việt Nam và đã bí mật cảnh báo các công ty dầu khí phương Tây rằng các lợi ích của họ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu họ giúp Việt Nam.
Tôi đưa thông tin này cho Greg Torode lúc đó làm cho South China Morning Post. Vào tháng Sáu năm 2008, ông ấy đã khiến ExxonMobil phải công khai xác nhận về việc Trung Quốc đã đe dọa. Vào tháng Năm năm 2009, hai giới chức thuộc chính phủ của Tổng thống Obama, phó trợ lý của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, điều trần trước một ủy ban của Quốc hội (Mỹ). Họ đề nghị một cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" để đối phó với sự cưỡng bức của Trung Quốc đối với các công ty dầu khí Mỹ.
Hình minh họa. Cựu Giám đốc điều hành (CEO) của ExxonMobil Rex Tillerson tại cuộc họp với các cổ đông của ExxonMobil ở Dallas, Mỹ hôm 28/5/2014. AP
Năm 2014, khi xảy ra đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương 981, ExxonMobil đã cử các lãnh đạo cấp cao tới Bắc Kinh để tìm hiểu ý định của Trung Quốc và ảnh hưởng đến dự án Cá Voi Xanh của công ty.
ExxonMobil mua lại cổ phần ở các lô 117, 118 và 119 thuộc Bồn trũng Phú Khánh từ công ty BP vào năm 2009. Những lô này nằm cách tỉnh Quảng Nam 88 km, và hoàn toàn trong khu vực Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của Việt Nam. ExxonMobil bắt đầu khoan tìm kiếm vào năm 2010 và nhận được những kết quả khả quan hai năm sau đó ở mỏ thứ ba, Cá Voi Xanh – 3X.
Vào ngày 16 tháng Một năm 2017, một diễn tiến quan trọng xảy ra, Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam và ExxonMobil Vietnam ký một thỏa thuận khung dự án và một thỏa thuận về bán khí để phát triển dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam. Các lô ở mỏ Cá Voi Xanh được ước tính có trữ lượng 150 tỷ m3 khí và có chi phí ước tính là 10 tỷ đô la. Việc khai thác khí sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.
Hiện tại, Công ty ExxonMobil Exploration and Production Vietnam Limited (thuộc ExxonMobil) và PetroVietnam vẫn đang hợp tác ở dự án Mỏ Cá Voi Xanh. ExxonMobil nắm giữ 64% cổ phần.
Vào tháng Một năm nay, ExxonMobil trao hợp đồng thiết kế dự án đưa khí đốt từ lô 118 mỏ Cá Voi Xanh vào bờ cho công ty Saipem của Ý. ExxonMobil hiện đang xin các giấy phép, lên kế hoạch xin phép và thực hiện các các công việc chuẩn bị khác cho dự án.
Hôm 13 tháng 8 năm nay, tôi được một giới chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam cho biết "Cá Voi Xanh sẽ là mục tiêu tiếp theo", và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ở Bangkok hôm 2/8, bên lề Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN. Ông Vương Nghị đề nghị người tương nhiệm yêu cầu công ty Rosneft dừng các hoạt động khai thác ở Việt Nam. Ông Lavrov đã từ chối đề nghị này.
Hình minh họa. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Sochi, Nga hôm 13/5/2019 AP
Nói cách khác, nếu Việt Nam thất bại trong việc hạn chế các hoạt động của Rosneft Vietnam và chần chờ trong việc hợp tác phát triển với các công ty của nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chuyển sức ép trực tiếp lên các công ty nước ngoài khác đang hoạt động ở Việt Nam. Một số thông tin cho rằng ExxonMobil trì hoãn việc đưa ra một quyết định về Quyết định Đầu tư Trực tiếp (FID) cho tới năm sau để xem tình hình với Trung Quốc sẽ ra sao. Nhưng hồ sơ chỉ cho thấy là quyết định xem xét FID vào năm 2020 đã được đưa ra từ tháng Một năm 2019 hoặc 5 tháng trước khi Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 đến gần Bãi Tư Chính.
ExxonMobil hiện đang trong quá trình lấy các phê duyệt về quy định, các đảm bảo của chính phủ, các thỏa thuận bán khí và các đánh giá cạnh tranh kinh tế.
Chính phủ Việt Nam có rất nhiều quyền lợi trong dự án này ; cuối cùng thì đây là mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam. Một số người ước tính rằng chính phủ có thể thu được 20 tỷ đô la từ dự án Cá Voi Xanh. Điện lực Việt Nam, PetroVietnam và công ty Sembcorp của Singapore hiện đang thảo luận để xây dựng và vận hành 2 nhà máy điện khí với công suất 2 Gigawatt, chiếm đến 10% nhu cầu điện hiện tại của Việt Nam.
Nếu Trung Quốc gây sức ép lên một trong hai bên hoặc cả hai bên là Việt Nam và công ty ExxonMobil, thì thời điểm này là không thích hợp. Có những đồn đoán là Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng tới để mở rộng quan hệ đối tác toàn diện. Hoa Kỳ đã ra các tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc vì đã bắt nạt Việt Nam và đe dọa việc khai thác dầu khí lâu dài của Hà Nội. Các tuyên bố gần đây của Mỹ nhìn chung đều bao gồm sự ủng hộ đối với "việc sử dụng hợp pháp Biển Đông". Điều này có thể hiểu là quyền khai thác các tài nguyên trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế của các quốc gia ven biển.
* Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.
Carl Thayer
Nguồn : RFA, 11/09/2019
***************
Thực hư ExxonMobil ‘bỏ cuộc’ ở Việt Nam vì ‘áp lực’ từ Trung Quốc
Viễn Đông, VOA, 11/09/2019
Xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ "Cá Voi Xanh" với PetroVietnam (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam), "bỏ cuộc", trong lúc có tin nói rằng Trung Quốc "gây áp lực" với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.
Trong bối cảnh tàu hải cảnh hai nước "đối đầu" ở Bãi Tư Chính quanh một tàu thăm dò, gây căng thẳng ở vùng biển tranh chấp, ông Nguyễn Như Phong, cựu Tổng biên tập báo PetroTimes của Hội Dầu Khí Việt Nam, cuối tháng trước dẫn lại dòng trạng thái của một Facebooker có tên Nguyễn Văn Trung với nội dung : "Tin cực nóng : ExxonMobil đã rút khỏi lô Cá Voi Xanh".
Thông tin này lại gây chú ý thêm nữa hôm 9/9, khi nhà báo tự do Trương Huy San (tức blogger Osin Huy Đức), viết trên Facebook rằng "ExxonMobil (US) bỏ cuộc !" "Trước sức ép của [Chủ tịch Trung Quốc] Tập, các siêu cường đều bỏ mặc : UK [Anh] (BP 2007), Nga 16, TBN [Tây Ban Nha] (2018)… Xoay trục về đâu ?", Facebooker có hơn 300 nghìn người "follow" [theo dõi] bình luận, nhưng không nêu rõ ông trích nguồn từ đâu.
Trả lời VOA tiếng Việt về các thông tin này, bà Julie King, đại diện truyền thông của ExxonMobil, nói : "Chúng tôi không bình luận về các tin đồn thị trường hoặc đồn đoán về việc kinh doanh của chúng tôi". Nữ phát ngôn viên này không đáp lại câu hỏi về việc ExxonMobil đã ra quyết định đầu tư cuối cùng hay chưa.
Trên Facebook của tập đoàn dầu khí của Mỹ ở Việt Nam, khi được hỏi về các đồn đoán trên, người quản trị của trang này hôm 10/9 viết rằng "hiện chúng tôi vẫn đang triển khai Dự án Cá Voi Xanh và sẽ không đưa ra ý kiến đối với những nguồn tin không chính thống".
Theo ExxonMobil, từ năm 2009, hãng này và PetroVietnam hợp tác thăm dò mỏ "Cá Voi Xanh" "nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 80 km" mà tập đoàn Mỹ cho rằng có khả năng "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" của quốc gia nằm ở Đông Nam Á.
VOA đã gửi câu hỏi tới ban lãnh đạo PetroVietnam để xác nhận thông tin ExxonMobil "bỏ cuộc" cũng như về giai đoạn đầu tư hiện nay của tập đoàn Mỹ ở mỏ "Cá Voi Xanh", nhưng không nhận được hồi đáp.
Năm ngoái, trong lần tuyên bố hiếm hoi, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam nói rằng "tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn".
Thông tin về việc ExxonMobil "bỏ cuộc" thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam trên mạng xã hội giữa bối cảnh một tàu thăm dò của Trung Quốc bị cáo buộc "xâm phạm" Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cũng như chuyện tàu hải cảnh của Trung Quốc "quấy nhiễu" các tàu của Việt Nam phục vụ cho giàn khoan của Nhật được công ty Nga Rosneft thuê để thăm dò Lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nhận định với VOA rằng Việt Nam sẽ phải đứng vững trước áp lực của Trung Quốc vì cũng giống như dự án Nam Côn Sơn với Rosneft, mỏ Cá Voi Xanh "quá quan trọng đối với ngành năng lượng ở ngoài khơi của Việt Nam cũng như tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".
"Nhưng nó thực sự không phụ thuộc vào Hà Nội. Nếu Exxon quyết định rằng đầu tư của mình quá rủi ro, mà nhiều khả năng là đúng, xét về áp lực mà cả Rosneft và Repsol [tập đoàn Tây Ban Nha] phải đối mặt, thì hãng này sẽ thoái vốn và Việt Nam ít có thể làm gì để ngăn chặn điều đó. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập kiểm soát đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ hoạt động dầu khí ở bất kỳ nơi nào trong vùng cần phải được thực hiện với sự cho phép của Trung Quốc hoặc hợp tác với các công ty Trung Quốc", ông Poling nói.
Chuyên gia theo dõi về tình hình Biển Đông này nói thêm rằng "hoạt động của các công ty nước ngoài ở các vùng biển của Việt Nam, Malaysia và Philippines là một sự thách thức trực tiếp đối với tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc".
"Vì thế, Bắc Kinh quyết tâm liên tục gây áp lực và quấy nhiễu tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí mới nhằm đánh tiếng cho các công ty nước ngoài rằng quá rủi ro để thực hiện các đầu tư mới, cũng như để thuyết phục các chính phủ Đông Nam Á rằng họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc và tham gia phát triển chung với các công ty Trung Quốc", ông Poling nói thêm.
Trước đây, ExxonMobil từng khẳng định với VOA tiếng Việt rằng dự án "Cá Voi Xanh" "không nằm ở vùng có tranh chấp", và rằng "chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định".
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bay tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Trung Quốc "can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí" ở nơi Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế.
Ông Poling nhận định rằng Mỹ có lẽ muốn phát một thông điệp tới Việt Nam và ExxonMobil rằng Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh "hăm dọa" tại mỏ "Cá Voi Xanh".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 11/09/2019
*******************
‘ExxonMobil rút khỏi Cá Voi Xanh’ : Tin thật hay tin giả ?
Thường Sơn, VNTB, 10/09/2019
Ngày 9/9/2019, ‘ExxonMobil rút khỏi Cá Voi Xanh’ - một tin tức bất ngờ lan truyền trên mạng xã hội đã khiến sôi trào dư luận và kéo theo những phán đoán đầy ngờ vực về tính thực chất của tin tức này.
Sơ đồ Mỏ Cá Voi Xanh trong thềm lục địa Việt Nam
Bởi nếu tin tức trên là đúng thì như bình luận của nhiều độc giả và đánh giá của giới quan sát chính trị, người Mỹ chẳng còn mặt mũi nào xứng đáng với vai trò ‘đối trọng duy nhất của Trung Quốc ở Biển Đông’. Trong khi đó, ‘đồng minh’ của Mỹ, mà thực chất là chế độ đang can đảm dựa dẫm hải quân Mỹ để khai thác dầu khí - chính thể độc đảng ở Việt Nam - sẽ mất đi một nguồn lợi khổng lồ, bởi Cá Voi Xanh hứa hẹn mang lại đến 60 tỷ Mỹ kim.
Rủi thay, cơ sở có vẻ đáng tin cậy của tin tức trên lại có nguồn từ nhà báo Huy Đức - người thường chứng tỏ có được nhiều tin tức thuộc loại thâm cung bí sử và bí mật trong triều đình cộng sản.
Cùng lúc, tin tức về ExxonMobil rút khỏi Cá Voi Xanh được nêu ra bởi vài facebooker khác. Trong khi đó, các hãng tin quốc tế có phóng viên theo dõi về tình hình Biển Đông vẫn chưa có tin gì về vấn đề hết sức nhạy cảm này.
Vậy ‘ExxonMobil rút khỏi Cá Voi Xanh’ là tin thật hay tin giả ?
Dù Huy Đức là nhà báo đưa tin nội bộ có độ tin cậy cao, nhưng thật ngạc nhiên nếu quả thực tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil chịu rút khỏi Cá Voi Xanh một cách dễ dàng đến thế.
Bởi mới vào cuối tháng 8 năm 2019, ExxonMobil đã nhận được một sự bảo đảm rất lớn từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
"Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông" và Mỹ "mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ" - Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa, sau vài lần trước đó, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Vào năm 2017, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Suýt chút nữa thì dự án này phải hoãn lại.
Nhưng sau đó, Mỹ đã ra tay. Một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ - Việt thống nhất cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 - như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không".
Vào ngày 20/08/2019, ông John Bolton viết trên Twitter : "Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại" và "Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó".
Những động thái công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol (Tây Ban Nha) khi Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’ đến hai lần vào năm 2017 và 2018 do bị sức ép và gây hấn của Trung Quốc. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.
Còn nếu ‘ExxonMobil rút khỏi Cá Voi Xanh’ là tin giả thì tin này được tung ra nhằm ý đồ, hoặc một âm mưu chính trị gì ? Ý đồ này có liên quan gì đến chuyến đi Mỹ dự kiến vào tháng 10 năm 2019 của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng và chủ đề ‘quan hệ đối tác chiến lược’ mà rất có thể sẽ được đặt ra ở một mức độ nào đó trong cuộc gặp Trump - Trọng ?
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 10/09/2019