Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2019

Năm 2020 Việt Nam sẽ gặp khó khăn như Trung Quốc 2019 ?

Nguyễn Hiền

Và Việt Nam có thể bị lôi kéo vào ‘vận mệnh tương quan’ với Bắc Kinh là điều khó tránh khỏi. Khát vọng ‘hóa rồng’ vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam cũng sẽ cùng với ‘giấc mộng Made in China 2025’ đi vào dĩ vãng.

20200

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về những rủi ro so sánh với thiên nga đen và tê giác xám trong bài phát biểu hồi tháng 1. (Nikkei / Hình ảnh Getty / Reuters)

Nikkei [1], trong một bài bình luận thú vị ngày 31/1/2019, đã nhận định, Tập Cận Bình chuẩn bị cho một năm đầy biến động. Bởi vì con số số 9, lại là con số mang tính ‘vĩnh cửu’, nhưng nó gắn với các sự kiện lịch sử đầy tính chất ‘bạo loạn, chiến tranh, đàn áp’ của Trung Quốc.

Thực tế đã cho thấy, năm 2019, Trung Quốc đã thực hành những bước chiến tranh, bằng cách gây hấn trên vùng Biển Đông.

Con số 9 đang đẩy Trung Quốc vào thế khó, khi mà mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng đến 58 lần cụm từ ‘đấu tranh’ chỉ trong một bài phát biểu. Báo Tuổi Trẻ ngày 7.9 đã thâu tóm tình hình Trung Quốc bằng tiêu đề bài báo, ‘Mộng Trung Hoa gặp 'sóng lớn', trong 1 phát biểu, ông Tập 58 lần nói 'đấu tranh'.

Tác giả Hoa Nghi trong bài nhận định liên quan, đã cho rằng [2], ‘ con số 9 của Việt Nam lại gắn liền với yếu tố tấn công và tự vệ, thiên tai hơn. Cụ thể, năm 1959 là sự phát động tấn công vũ trang ở miền Nam của Xứ uỷ Nam Bộ ; 1969 là năm tấn công của quân Giải phóng miền Nam vào Nam Việt Nam ; 1979 là cuộc tự vệ trước cuộc chiến Biên giới do Trung Quốc phát động ; đại hồng thủy năm 1999 và 2009’.

Và Việt Nam, thực tế đang ‘tự vệ’ trước chiêu trò này của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông nhằm giữ cho bằng được chủ quyền quốc gia.

Vận mệnh tương quan với Bắc Kinh ?

Những gì diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2019 đã từng bước vẽ bức tranh hai quốc gia, và nếu dựa trên phương châm 16 chữ vàng trong định hình mối quan hệ Việt – Trung, thì Việt Nam có thể bị lôi kéo vào ‘vận mệnh tương quan’ với Bắc Kinh.

Tập Cận Bình đang tìm cách ổn định tư tưởng trong nước, đề cập đến nguy cơ ‘nổi dậy’ do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại, trong khi tình hình Hồng Kông đang trở thành điểm nóng – dễ dẫn đến sự phá vỡ nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’. Theo cách thức mà chính quyền Trung Quốc thường tiến hành để ổn định nội trị thì ‘xuất khẩu bất ổn’ ra ngoài luôn là một phương pháp không tồi, và Biển Đông với Đài Loan là một trong hai địa điểm để làm điều đó.

Đối với Đài Loan, Trung Quốc đang muốn đẩy nhanh hiện thực hóa thống nhất lãnh thổ giữa đại lục với hòn đảo này. Vào tháng 1/2019, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng về sự cần thiết chuẩn bị thống nhất, ngoài yếu tố hòa bình thì ông Tập còn cảnh báo, sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Từ Hồng Kông và Ma Cao đã tái gia nhập Trung Quốc đại lục vào năm 1997 và 1999, Trung Quốc kỳ vọng rằng Đài Loan sẽ tiếp nối theo sau. Hồng Kông đang bất ổn trong mắt giới lãnh đạo Bắc Kinh, và đang cổ vũ cho phong trào ‘độc lập hoàn toàn’ ở Đài Loan. Và Tập Cận Bình hoàn toàn không mong muốn điều này kéo dài để tránh những hệ lụy liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Câu chuyện 2020, Bắc Kinh sử dụng bạo lực để thống nhất tiếp tục được đặt ra, khi mới đây, lực lượng thủy, lục, không quân Trung Quốc đồng loạt tập trận đổ bộ gần Đài Loan, đưa ra ‘cảnh bắc sắc lạnh’ đến lãnh đạo hòn đảo này.

Tại vùng Biển Đông, Bắc Kinh cũng tìm kiếm các thời điểm tốt để nhích dần tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và dường như, Bắc Kinh đang làm bất cứ điều gì cần thiết để khẳng định chủ quyền ‘đường 9 đoạn’ đầy phi lý của mình. Đánh giá về sự kiện này, Lye Liang Fook và Ha Hoang Hop cho rằng [3], Việt - Trung cho đến nay dường như đã thực hiện sự kiềm chế. Một lý do có thể là Trung Quốc đang bận tâm với những thách thức cấp bách hơn như Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và phong trào phản đối chính phủ ở Hồng Kông. Trong khi đó, Việt Nam sẽ làm chủ tịch Asean vào năm tới. Lý do thứ ba, là cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không muốn thấy mối quan hệ của họ xấu đi đến mức làm phức tạp vai trò của Việt Nam khi năm 2020, Việt - Trung đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ.

Cứng rắn và mạnh dạn lựa chọn đồng minh ?

Những nhận định nêu trên có thể vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho Hà Nội. Bởi nhìn vào đó, có thể nhận thấy, bối cảnh bên ngoài khiến Trung Quốc không thể tiếp tục tạo ra mặt trận thứ ba tại vùng Biển Đông. Nhưng nếu câu chuyện Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên tồi tệ hơn, thì Biển Đông chính là khu vực để Trung Quốc đẩy bất ổn ra bên ngoài. Chính vì vậy, những xung đột ngoài tầm kiểm soát sẽ hiện diện, nếu như Hà Nội không có hành động cứng rắn và lựa chọn một đồng minh phù hợp hơn so với ý thức hệ.

Trong khi đó, về mặt kinh tế, dù Việt Nam hứa hẹn về việc nhập khẩu hàng Mỹ nhiều hơn để tránh cái nhìn bất lợi của Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên, theo Alexander Hitch [4], ‘hiếm ai có thể nín thở chờ rằng Việt Nam sẽ được tha’. Và bản thân Hà Nội chỉ có thể tạo ra sự khác biệt nếu như có những bước đi cần thiết hơn, và gần gũi hơn với tư duy an ninh – lợi ích nước Mỹ, ngay trong cách ứng xử Biển Đông. Điều làm nên sự khác biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc trong mắt Washington.

Facebooker Osin Huy Đức trong một chia sẻ vào ngày 9.9 cho biết : Exxon Mobil (US) bỏ cuộc ! Trước sức ép của Tập các siêu cường đều bỏ mặc : UK (BP 2007), Nga 16, Tây Ban Nha (2018)... Xoay trục về đâu ?

Nếu sự kiện trên là có thật, thì Hà Nội cần nghiêm túc nhìn lại chính sách đối ngoại – quốc phòng của mình, đặc biệt là chính sách ba không và sự nghiêm túc trong quan hệ với Mỹ.

Facebooker Hoang Nguyen bày tỏ : Nên nhớ, họ xoay trục cho quyền lợi của họ, chứ không phãi xoay trục để giứ biển cho anh. Chỉ khi nào quyền lợi của họ trùng với quyền lợi cúa anh, thì anh mới đuợc hưởng.

Điều đó càng cho thấy rằng, lựa chọn một đồng minh, xác lập một căn cứ quân sự trên vùng lãnh thổ có thể sẽ trở nên hiệu quả hơn so với tiến hành mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ. Trong bối cảnh, Mỹ đang xem xét mở lại một số căn cứ tại vùng Đông Nam Á, cũng như chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phân bổ viện trợ nước ngoài, ưu tiên viện trợ tiền cho các đồng minh, quốc gia bạn bè, quốc gia hỗ trợ những mục tiêu của Mỹ và xem lại các khoản viện trợ cho những nước quay lưng với Mỹ.

Trong khi chờ một chuyển biến chính sách đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, thì ‘tự cường quốc gia’ là điều nên làm, thông qua dung dưỡng lòng yêu nước và tinh thần phản vệ trong nhân dân.

Facebooker Xuân Hưng Đào nhấn mạnh.

‘Đáng buồn ! Tầm này thì chỉ có xoay về Hà Nội, không có gì bằng nội lực. Hà Nội còn chưa thể hiện quyết tâm (công bố rộng rãi trên truyền thông) thì ai mà thèm giúp !’.

Nếu không, năm 2019 là năm khởi đầu khó khăn của Bắc Kinh, thì năm 2020 sẽ là năm bước đầu khó khăn của Hà Nội. Và Việt Nam có thể bị lôi kéo vào ‘vận mệnh tương quan’ với Bắc Kinh là điều khó tránh khỏi. Khát vọng ‘hóa rồng’ vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam cũng sẽ cùng với ‘giấc mộng Made in China 2025’ đi vào dĩ vãng.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 10/09/2019

Tham khảo :

[1] https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/The-cursed-year-Xi-and-China-brace-for-a-wild-2019

[2] http://www.vietnamthoibao.org/2019/02/vntb-nam-ang-nguyen-rua-cua-trung-quoc.html

[3] https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3025882/can-beijing-and-hanoi-overcome-their-latest-south-china-sea

[4] https://thediplomat.com/2019/08/the-next-battleground-in-trumps-trade-war-vietnam/

Quay lại trang chủ
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)