Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2019

Từ thực chất Trương Minh Tuấn đến bản chất chế độ

Phạm Chí Dũng

Tháng Chín năm 2019, kết luận điều tra của Bộ Công an sau khi hoàn tất đã "phát hiện" viên cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn "cầm" 200.000 USD của Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG – con số quá nhỏ so với rất nhiều dư luận trước đó về việc bị can Tuấn đã "ăn" nhiều hơn hẳn.

tuan1

Trương Minh Tuấn khi còn là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. (Ảnh minh họa)

Chỉ trước đó không lâu, Trương Minh Tuấn từng được xem là "thái tử đỏ" của triều đình cộng sản…

Vậy thực chất con người Trương Minh Tuấn ra sao ? Ông ta có phải là một điển hình cho chế độ cộng sản đương thời đang lao vào hội chứng chợ chiều "hốt cú chót" ?

Câu chuyện một "công thần"

Một buổi tối ẩm ướt năm 2018, Trương Minh Tuấn, khi đó vẫn còn là bộ trưởng Thông tin và truyền thông chứ chưa bị đảng điều động khẩn cấp sang ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, từ Hà Nội bay vào Sài Gòn và đến nhà riêng một cựu lãnh đạo cao cấp của đảng.

Vào thời điểm đó, vụ AVG với số thất thóat khổng lồ hơn 8.000 tỷ đồng đã trở thành án lớn, thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương và đang tràn đầy hứa hẹn sẽ rờ đến Tuấn. Ngay cả những cán bộ lão thành cao cấp cũng phải kiến nghị với Nguyễn Phú Trọng cho bắt Trương Minh Tuấn. Vấn đề chỉ còn là thời gian…

Không còn vẻ tự tin trên bộ mặt căng tròn cùng ngấn cổ bắt đầu lầy lẫy mỡ, Trương Minh Tuấn nhợt nhạt cố sức thanh minh với cựu lãnh đạo kia rằng "em không làm gì sai", và nhắc lại việc ông ta là chủ biên của cuốn sách có cái tên rất đỏ : "Phòng, chống ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay".

tuan2

Cuốn sách "Tự diễn biến" "Tự chuyển hóa" của Trương Minh Tuấn. (Hình : Facebook)

Trong cuốn sách đó, Trương Minh Tuấn đã cho ra đời một khái niệm mới : "Xu hướng hư vô về chính trị" và nêu quan điểm "Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước đối với báo chí" để yêu cầu "kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí"…

Trương Minh Tuấn cũng chỉ trích "xuất hiện xu hướng tách rời định hướng của đảng với quyền tự do báo chí", và không quên lên án về "tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí" : "Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước".

"Chống diễn biến hòa bình" là một đặc trưng riêng có của Trương Minh Tuấn – điều đã làm nên sự khác biệt cơ bản giữa ông ta với rất nhiều quan chức "ăn tạp" khác. Phần lớn số quan chức này chỉ biết "ăn" mà không thể làm nên một tác phẩm kinh viện nào cho đảng như Trương Minh Tuấn đã làm. Hẳn đó là nguồn cơn không thể nói ra khiến Nguyễn Phú Trọng (được xem là giáo sư Mác-Lê và là điển hình về quan điểm chuyên chính "chống thế lực thù địch" và bảo vệ chế độ cộng sản ở Việt Nam) phải nâng lên đặt xuống trường hợp Trương Minh Tuấn trước khi chính thức ra lệnh cho bắt Tuấn vào đầu năm 2019. Bởi một cách nào đó nhân vật họ Trương này đã trở thành "công thần" của đảng.

"Goebbels" mới

Từ giữa năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn đã hiện ra như một "sát thủ báo chí". Trương Minh Tuấn được xem là một thủ hạ đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng nâng đỡ.

Khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch "đánh" báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là "tay kiếm" chủ công và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn.

Vào tháng Bảy năm 2016, và sau khi nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, Tổng bí thư Trọng đã khởi động chiến dịch "nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước" bằng việc cho Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Từ lúc đó trở đi, vai trò của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng là hoàn toàn mờ nhạt. Thay vào đó, người ta nhìn thấy một "trưởng ban tuyên giáo" khác đi nhiều nơi, nói nhiều chuyện và không thiếu chỉ đạo nhân danh "Ban Tuyên giáo".

Tháng Mười năm 2016, Trương Minh Tuấn đã tung ra loạt 2 bài trên báo đảng Nhân Dân với tựa đề rất "tư tưởng Nguyễn Phú Trọng" : "Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục". Trong đó, Trương Minh Tuấn lên án và cũng đồng thời thừa nhận về "Thái độ hai mặt về chính trị" của một số tờ báo nhà nước.

Loạt bài trên có vẻ đã gây được tiếng vang trong đảng, đặc biệt làm cho "sư phụ" Nguyễn Phú Trọng hài lòng. Sau loạt bài này, người ta nhìn thấy một Goebbels mới, tỏ ra rất "phát xít", hiện ra trong diễn đàn chính trị Việt Nam.

Hẳn cung mệnh Trương Minh Tuấn sẽ lên như diều gặp gió, và chắc chắn sẽ giành được một cái ghế trong Bộ Chính trị khóa 13, nếu không nổ ra vụ AVG.

Một điển hình cho bản chất chế độ cộng sản

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia "Mobifone mua AVG" khiến ngân sách thất thoát ít nhất 8.000 tỷ đồng, trong khi Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là "ăn đậm", với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10-15% trong số 8.000 tỷ, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về "âm mưu chia chác" bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng "Mobifone mua AVG" khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của công ty Mobifone ký hợp đồng mua công ty AVG.

Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu đô la của Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG.

Chẳng ai tiên liệu được tương lai. Dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền "MobiFone mua AVG" còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vẫn bị định đoạt bởi một kịch bản mà trước đó tưởng như rất khó xảy ra.

Đó là do sức ép gia tăng mạnh mẽ của dư luận xã hội và từ ngay trong nội bộ đảng, bao gồm không ít quan chức thuộc phe cánh chính trị "không thích Tuấn", giới cách mạng lão thành và cả những cựu thần mà Tổng bí thư Trọng thường xuyên tham khảo ý kiến.

Giờ đây, đã quá rõ là cái thế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương của Trương Minh Tuấn chỉ là "tạm" như Đinh La Thăng đã từng "tạm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương", để tương lai "theo chân Đinh La Thăng" sẽ tràn ngập cung mệnh Trương Minh Tuấn,…

Khi đó, người đời càng có cơ hội để hiểu rõ hơn hẳn về một Trương Minh Tuấn "ăn tạp" đô la và nhà đất như thế nào sau tấm bình phong bửu bối – cuốn sách "chống diễn biến hòa bình" của ông ta.

Và cũng hiểu rõ hơn về bản chất chế độ cộng sản, nơi vẫn còn nhung nhúc "các đồng chí chưa bị lộ" ngày ngày ca tụng đảng cùng thuyết giảng "chống thế lực thù địch", nhưng vẫn "ăn" ngập mặt trong bóng đêm chế độ. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 13/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 626 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)