Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2019

Việt Nam học chống tham nhũng từ Trung Quốc ?

An Viên

Tài sản truy thu của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải chỉ là một căn chung cư. Trong khi đó, Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhận hối lộ tới 3 triệu USD mới nộp lại nhưng mới nộp lại 500 triệu… đồng Việt Nam. Đặc biệt là Nguyên Giám đốc sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Đào Thị Hương Lan bỏ trốn đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác phòng chống tham nhũng.

chong1

Nguyễn Bắc son - tác giả của 3 triệu USD, và Trương Minh Tuấn - tác giả của 'Phòng chống diễn biến hòa bình'

Hiện tại, yêu cầu được đặt ra khi xử lý án tham nhũng với chính quyền Việt Nam là cố gắng thu hồi tài sản, tuy nhiên so với số tuyên án, tỷ lệ tài sản thu hồi được vẫn còn rất thấp. Việc niêm phong, kê biên tài sản của các đối tượng trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án để tránh hành vi tẩu tán, làm thất thoát tài sản còn nhiều yếu kém.

Đó có lẽ là lý do vì sao, Việt Nam cử một đoàn có 36 cán bộ sang Trung Quốc tìm hiểu việc công khai minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ và thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể, đoàn cấp vụ này sẽ tập trung nghiên cứu các nội dung về tình hình chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc ; công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp quy về phòng, chống tham nhũng và xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Vậy Việt Nam cần học gì ở Trung Quốc ?

Chiến dịch chống tham nhũng thời Tập Cận Bình khá ấn tượng, từ thời điểm Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012.

Trong đó, 2 triệu quan chức của cả cấp cao và cấp thấp được đưa vào chiến dịch. Và tốc độ của các cuộc điều tra, theo con số được công bố chính thức, tăng đều đặn theo từng năm : 172.000 vào năm 2013, 330.000 vào năm 2015, 527.000 trong năm 2017, và hơn 600.000 năm 2018.

Để đạt được hiệu ứng tạm thời tốt trong chiến dịch chống tham nhũng. Bắc Kinh đã sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự để luật hóa các quy tắc khuyến khích hợp tác trong các cuộc điều tra của chính phủ, phù hợp với hệ thống giám sát quốc gia mới và đưa ra các phiên tòa vắng mặt đối với một số tội phạm, bao gồm hối lộ và tham nhũng. Trong đó, bao gồm có quy tắc khoan hồng được quy định trong lời biện hộ hình sự.

Tiếp đó, Bắc Kinh sửa đổi thủ tục điều tra các vụ án tham nhũng liên quan đến các cá nhân trực thuộc chính phủ dựa trên sự thành lập Ủy ban giám sát quốc gia đã củng cố quyền giám sát và thực thi quyền lực tham nhũng trong khu vực công từ ba cơ quan : Viện kiểm sát nhân dân, Bộ giám sát và Cục phòng chống tham nhũng quốc gia. Trước khi thành lập Ủy ban giám sát quốc gia, Viện kiểm sát nhân dân điều tra và truy tố hầu hết các tội ác liên quan đến các quan chức chính phủ. Bây giờ, Ủy ban giám sát quốc gia sẽ điều tra các tội phạm, đặc biệt là tham nhũng, liên quan đến các cá nhân trực thuộc chính phủ, kết hợp với Viện kiểm sát khởi tố các vụ việc đó.

Bắc Kinh áp dụng nguyên tắc ‘Tuyên án vắng mặt’ cho ba loại tội phạm : tham nhũng hoặc hối lộ, an ninh quốc gia và khủng bố. Khi một vụ án tham nhũng hoặc hối lộ được chuyển từ Ủy ban giám sát quốc gia hoặc Văn phòng Công an sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố, và nghi phạm ở bên ngoài Trung Quốc đại lục, Viện kiểm sát nhân dân có thể khởi tố vụ án tại Tòa án nhân dân. Nếu Viện kiểm sát tin rằng vụ án có sự thật rõ ràng và đủ bằng chứng và nhận được sự chấp thuận thích hợp, vụ án có thể tiến hành xét xử và tuyên án ngay cả khi nghi phạm sẽ không có mặt.

Chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Trung Quốc cũng như Việt Nam, cốt lõi là bắt giữ các quan chức bị cáo buộc tham nhũng và thu hồi các khoản tiền bất hợp pháp, đặc biệt là nhóm quan chức chạy trốn ra nước ngoài.

Các sửa đổi luật Hình sự năm 2012 của Trung Quốc cũng đã đã bổ sung một thủ tục tịch thu số tiền thu được bất hợp pháp của các nghi phạm hình sự bỏ trốn. Phiên tòa vắng mặt là một nỗ lực tiếp cận tội phạm thông qua các điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Trung Quốc cũng đang được đề nghị để trở thành một bên tham gia Công ước chống hối lộ của OECD, điều mà G20 đã liên tục kêu gọi và OECD đã hoạt động trong nhiều năm. Mặc dù Trung Quốc có nghĩa vụ luật pháp quốc tế để thực thi chống hối lộ nước ngoài theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), nhưng cơ chế này so với OECD, được cho là kém hơn nhiều.

Trung Quốc cũng sửa đổi Luật chống cạnh tranh không lành mạnh, có hiệu lực từ tháng 1/2018. Luật này mở rộng định nghĩa về hối lộ thương mại bao gồm các cơ hội giao dịch tìm kiếm trên mạng và nắm bắt các giao dịch của bên thứ ba. Việc hối lộ của các quan chức nước ngoài cũng bị hình sự hóa đối với công dân Trung Quốc.

Luật hình sự nghiêm cấm cho và nhận tiền hoặc tài sản - bao gồm tiền mặt, vật phẩm và quyền lợi độc quyền - để có được một lợi ích không đáng có. Hối lộ được phân biệt bởi ‘hối lộ chính thức’ và ‘hối lộ không chính thức’. Hình phạt cho hành vi phạm tội hối lộ bao gồm tiền phạt - tịch thu tài sản, phạt tù và tử hình. Hối lộ người thân hoặc những người nhà của nhân viên nhà nước hiện tại hoặc trước đây cũng bị xử lý hình sự. Các quan chức nhà nước, cũng như vợ / chồng và con cái của họ, phải tuân theo luật công khai tài chính toàn diện.

Liên quan đến tẩu tán tài sản ra nước ngoài

Hoạt động tẩu tán tài sản ra nước ngoài của Trung Quốc với Việt Nam cơ bản giống nhau, bằng phương cách đầu tư bất động sản và cho con đi du học.

Trong báo cáo chống tham nhũng của Bắc Kinh vào tháng 5/2018, các quan chức tham nhũng và doanh nhân có liên quan đến nhóm quan chức của Trung Quốc đã đưa hàng tỷ USD ra nước ngoài, đa phần đầu tư vào bất động sản ở Mỹ, Canada, Úc và Anh. Chính phủ Trung Quốc lúc này đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức như OECD, các nhóm chống tham nhũng và các cơ quan chính phủ nước ngoài bao gồm Bộ Thương mại Mỹ trong rà soát các dự án bất động sản nghi ngờ được dựng lên từ tham nhũng.

Kết quả, Trung Quốc đã xử trên 4.000 vụ tham nhũng, với giá trị tài sản lên đến hơn 100 triệu USD. Một Tòa án Nhân dân Tế Nam kết án cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, và tuyên bố kế hoạch tịch thu một biệt thự thuộc sở hữu của vợ ông ta ở bờ biển Pháp. Tương tự là một ngôi nhà ở Walnut (California, Mỹ), được cho là thuộc sở hữu của cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân, cũng là một mục tiêu cho việc săn lùng tài sản của Bắc Kinh.

Một báo cáo bị từ ngân hàng trung ương Trung Quốc ước tính rằng, giai đoạn 1990 - 2008, khoảng 18.000 quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước đã lấy đi tổng cộng 800 tỷ nhân dân tệ (123 tỷ USD) từ các kho bạc nhà nước , và có khả năng chạy trốn đến Mỹ, Canada, Úc và Hà Lan.

Quan tham Trung Quốc đã chi 30 tỷ USD cho bất động sản ở nước ngoài vào năm 2012, ước tính Juwai.com, một trang web bất động sản. Trong đó, 9,1 tỷ USD đã được chuyển đến Mỹ và phần lớn trong số đó đặc biệt đến California. Và gần 70% các giao dịch mua của người mua Trung Quốc tại Mỹ được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt.

Một mánh khóe nữa mà quan tham Trung Quốc tiến hành là gửi con trai hoặc con gái ra nước ngoài đến một trường đại học tư nhân như một cách để hợp pháp hóa việc gửi tiền ra khỏi Trung Quốc. Báo cáo của Bgân hàng trung ương Trung Quốc về tham nhũng cho thấy cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Xu Vương Bảo An đã gửi khoảng 1 triệu nhân dân tệ (164.000 USD) vào tài khoản ngân hàng của một người con trai đang du học. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, số lượng sinh viên Trung Quốc du học đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Một chiến lược phổ biến khác để có được chỗ đứng ở nước ngoài là thông qua các chương trình đầu tư nhập cư.

Tuy nhiên, dù nỗ lực rất nhiều để thu hồi tài sản, thì điểm yếu trong thu hồi tài sản nước ngoài của Trung Quốc là thiếu Hiệp ước Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau giữa chính phủ nước này với các nước phương tây.

An Viên

Nguồn : VNTB, 18/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)