Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2019

Làm ăn với Trung Quốc : Lợi bất cập hại ?

RFA tiếng Việt

Bài 1 : Xuất tiểu ngạch – Phá giá tại "sân nhà"

Mới đây, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm. Thủy sản giảm 2,6% và rau quả giảm 6%. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%.

lamanvoitq1

Trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính bằng đường chính ngạc  - AFP

Thay đổi chính sách giữa dòng

Nguyên nhân xuất khẩu sang Trung Quốc giảm một mặt, theo lý giải của Bộ Công thương là do tình hình kinh tế năm 2019 không khởi sắc vì thương chiến Mỹ-Trung Quốc đang leo thang, tuy nhiên mặt khác theo các doanh nghiệp Việt Nam là do nhiều mặt hàng Việt Nam chưa có giấy phép, nghĩa là Chính phủ chưa đàm phán với Trung Quốc để nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đã cùng tham gia ký kết Hiệp định ACFTA có hiệu lực từ năm 2010 với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm hàng hóa (trong đó có nông sản).

Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phần đông cho rằng thời gian gần đây liên tiếp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều bị "dội" lại và tồn kho do phía Trung Quốc thay đổi chính sách giữa dòng…

Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group cho biết về tình hình hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc gần đây gặp khó, ông nói lý do trước tiên vì thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng nên phía Trung Quốc phải có chính sách tăng tiêu thụ nội địa do đó Trung Quốc đưa ra thêm các quy định siết hàng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và vì thế một số mặt hàng Việt Nam lâu nay đi đường tiểu ngạch bị ách tắc lại.

Xuất tiểu ngạch đơn giản giấy tờ, trước giờ không áp dụng vì cần lượng hàng cho dân Trung Quốc nên dễ dàng, giờ tăng cường tiêu thụ nội địa nên siết hàng nhập khẩu.

Ông đưa ví dụ với trái sầu riêng của Việt Nam. Trước nay sầu riêng Việt Nam có mặt ở thị trường Trung Quốc rất nhiều nhưng phần đông xuất theo đường tiểu ngạch. Giờ Trung Quốc đưa ra hàng rào kỹ thuật nên sầu riêng Việt Nam bị "dội", nhiều tháng nay không xuất sang thị trường Trung Quốc được.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi Trung Quốc siết trào cản kỹ thuật. Điều này khiến doanh nghiệp Việt bỡ ngỡ vì trước nay Trung Quốc là thị trường khá dễ, giờ phải đáp ứng nhiều đòi hỏi, do đó phải cần thời gian.

Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng từ nhiều năm nay Trung Quốc và Việt Nam dễ dãi chấp nhận cách làm ăn theo kiểu "truyền thống" nên nếu một bên tự ý bỏ kiểu làm ăn cũ, chuyển sang làm ăn mới, chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Ông nói:

Trung Quốc cố tình tạo ra hai luồng tiểu ngạch và chính ngạch nhưng vừa qua Trung Quốc yêu cầu chính ngạch nên tiểu ngạch gặp khó khăn. Trung Quốc & Việt Nam quen kiểu tiểu ngạch mấy chục năm qua và dân cũng quen. Một vài năm nay, thực hiện một số thủ tục, hàng rào thủ tục, đâu phải tự nhiên cái gì cũng nằm trong danh sách, nên rất nhiều (sản phẩm) cố tìm đường tiểu ngạch.

Với những lập luận nêu trên, nhìn lại thực tế, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết trong tháng 8/2019 nhiều loại trái cây ở Tiền Giang bị rớt giá nặng nề như dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Nguyên nhân được Cục chế biến cho biết là do nhu cầu nhập khẩu Trung Quốc không ổn định. Gần đây Trung Quốc lại kiểm soát chặt chẽ vận chuyển ngay cả đường tiểu ngạch làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.

Cụ thể, dưa hấu Việt Nam trước nay nhập khẩu qua Trung Quốc tại cửa khẩu đều có lót rơm, nay Hải quan Trung Quốc không cho lót rơm mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Còn trái mít họ yêu cầu dùng giấy dai kraft để bọc hoặc bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc hoặc vải thiều phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

Nhiều thay đổi "không ổn định" của Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt Nam không cập nhật thông tin nên chưa đáp ứng được, do đó phần đông rơi vào tình trạng khó khăn, ách tắc…

Dễ phá sản do thương lái

Không chỉ đưa ra nhiều quy định mới, mà trước đây, khi còn là thị trường dễ tính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng "vướng" nhiều "chiêu" trò của thương lái Trung Quốc, khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng. Một phó giám đốc công ty thương mại tại TPHCM (không muốn nêu tên) từng kể: ngoài việc thương lái Trung Quốc ép giá khi doanh nghiệp Việt Nam gom hàng từ nông dân vào kho thì việc họ xuống tận vườn thu gom, trả giá, đặt cọc cho nông dân xong nhưng sau đó cao chạy xa bay cũng thường xảy ra. Ông kết luận, do đó nhiều doanh nghiệp phá sản vì "chơi" với thương lái Trung Quốc.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T cũng cho biết thêm, lúc trước đơn vị ông cũng hay chọn phương án xuất tiểu ngạch, nghĩa là "chấp nhận" qua thương lái để sản phẩm được xuất, còn về mặt giá cả là do hai bên thương lượng. Tuy nhiên với cách làm này, yếu tố rủi ro rất cao nên đơn vị ông đã không còn "mặn" với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên ông cho biết kinh nghiệm:

Trước xuất đường tiểu ngạch, gửi hàng đến cửa khẩu thương lái Trung Quốc sang nhận hàng, nhiều người khi hàng đến cửa khẩu rồi thương lái mới định giá, rủi ro cao. Tùy thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc.

Trung Quốc không phải thị trường doanh nghiệp ưu tiên, chỉ khoảng 10% suất sang Trung Quốc sau khi hàng hóa được xuất các thị trường Mỹ, Úc, Canada và tiêu thụ qua kênh nội địa.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, chính vì làm ăn với thương lái Trung Quốc nên doanh nghiệp Việt Nam mới không quan tâm đến các chính sách thay đổi từ phía đối tác, dẫn đến hàng xuất khẩu bị cấm cửa mà không biết lý do vì sao. Do đó ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan trong chiến lược phát triển nông nghiệp sản xuất-xuất khẩu.

Được biết, thời gian qua, ngoài các mặt hàng trái cây, hải sản Việt Nam gặp phải khó khăn với thương lái Trung Quốc thì hàng nông sản như củ sắn (khoai mì) cũng đang bấp bênh khi Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn phân tích nguyên nhân khiến sắn, một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm nay đang vướng khó khăn với thị trường Trung Quốc. Ông nói, việc xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch từ nhiều năm nay khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Ông cho rằng chất lượng, tiêu chuẩn thấp trong khi chính sách giá không được kiểm soát cao khiến sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá, kìm giá. Mặc khác các nhà xuất khẩu trong nước không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch. Theo ông điều này là không nên.

"Phát triển tiểu ngạch lâu nay đang rất tốt do đường biên dài, nhiều cửa khẩu nhưng vừa rồi do kiểm soát chất lượng vì sắn là một trong những nguyên liệu thực phẩm của Trung Quốc nên họ yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chính vậy, làm cho vấn đề giao thương, xuất nhập khẩu biên mậu thay đổi. Trước đây dễ dàng. Thực tiễn giữa biên mậu và chính ngạch có nhiều cái không đồng đều về thuế quan và kiểm soát nên người ta kiểm soát chặt hơn nên việc giao thương hàng hóa khó khăn hơn.

Với những khó khăn trước mắt về hàng rào kỹ thuật từ phía Trung Quốc, nông, ngư dân Việt Nam sẽ làm gì để phá vỡ thế bế tắc trước thị trường Trung Quốc, trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này.

***************

Bài 2 : Xuất khẩu chính ngạch – Mở cánh cửa hẹp

Khi hàng loạt hộ nông dân kêu cứu vì hàng nông, hải sản tồn kho vì thương lái Trung Quốc "bỏ chạy", các địa phương, Hiệp hội mới lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và các hội, đoàn thể vào cuộc giải cứu. Tuy nhiên, số lượng hàng nông sản tồn kho ngày một nhiều vì không chỉ đường biên mậu bị ứ đọng sản phẩm do Hải quan Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu mới mà ngay cả đường chính ngạch cũng gặp khó khăn.

Trung Quốc siết nhập khẩu do… đâu ?

Đứng ở góc độ kinh tế phân tích, chuyên gia Kinh tế-Tài chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm lý do tại sao Trung Quốc gia tăng hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu từ đường biên mậu của Việt Nam. Theo ông, ngoài thương chiến Mỹ-Trung đang leo thang nên Trung Quốc đưa ra nhiều chế tài để kiểm tra khó khăn hơn hàng hóa theo đường biên mậu, tạo hàng rào thuế quan, kiểm soát chặt hơn để chặn những lô hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc tại các cửa khẩu thì việc đồng CNY mất giá cũng có thể là lý do của phía Trung Quốc.

Thêm vào đó, giá hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn vì đồng CNY (nhân dân tệ) mất giá rất mạnh lên đến 7,14 CNY/1 USD tăng hơn 3% từ đầu năm đến giờ trong khi đồng Việt Nam giữ giá ổn định với USD nghĩa là VND tăng giá so với CNY hay ngược lại CNY giảm giá trị so với VND nên hàng xuất khẩu của Việt Nam tính ra đồng CNY trở nên đắt đỏ hơn  do đó hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không những gặp rào cản kỹ thuật mà đặc biệt còn là do đồng CNY mất giá so với VND nên hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn nên đẩy người nông dân thường xuyên bán hàng sang Trung Quốc theo đường biên mậu gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thực tế hiện tại.

Trong khi đó, trong một Hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhận định, Trung Quốc đã thay đổi trở thành thị trường khó tính. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao cấp, trong đó có hàng nông thủy sản đòi hỏi chất lượng cao, an toàn, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn coi Trung Quốc như chợ biên giới, dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này vẫn đi bằng con đường tiểu ngạch và tùy tiện trong đóng gói bao bì, đệm lót, nhãn mác.

Tuy nhiên, với lập luận trên của Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á, châu Phi, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết lại phân tích theo cách khác. Ông cho rằng nguyên tắc từ cổ chí kim về xuất khẩu là phải đi theo đường chính ngạch còn vấn đề nhập biên mậu chỉ là để thực hiện chính sách đối với người dân tộc ở miền biên giới, không phải cách nhập khẩu chính thức giữa các quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã mở rộng biên giới và Nhà nước không quản lý nổi nên mới xuất hiện cách thức tuồn hàng qua lại tại các cửa khẩu để kiếm chác lẫn nhau và đó hoàn toàn không phải là phương thức buôn bán chính thức.

Việt Nam có thời gian dài mở cửa khẩu biên giới thành cửa khẩu quốc tế, để các tỉnh kiểm soát xuất, nhập khẩu, rồi dần dần biến tiểu ngạch thành "chính ngạch", đó là sai lầm hết sức lớn trong vấn đề quản lý của đất nước.

Đứng ở góc độ chuyên môn, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại khẳng định lại rằng, phương thức xuất tiểu ngạch, biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hàng chục năm qua nhưng đó không phải là cách phù hợp hiện nay.

Đó là ngụy biện của Trung Quốc, nói một đường làm một nẻo, đưa giá lên cao để họ thu hút mang hàng tới, tất cả nông sản khác kể cả cao su và dùng nhiều mánh khóe khác (như không có nhu cầu, hải quan không cho hoặc trốn…). Việt Nam từ nhiều chục nay đều bị tình trạng đó nhưng do người Việt Nam bế tắc không có thương trường và không có nơi tiêu thụ, sản xuất vô tổ chức, nông dân tự phát thấy được giá nuôi, trồng cao nên theo, sẽ gặp nhiều trở ngại của Trung Quốc. Nhà nước từ nhiều chục năm nay nên chủ động khắc phục, thị trường thế giới rộng lớn chứ đâu phải chỉ có 1 tỷ 4 người tiêu dùng của Trung Quốc.

"Mất bò mới lo làm chuồng"

Với phân tích của mình, ông Triết cho rằng Việt Nam không nên dựa vào thị trường Trung Quốc :

Để cho nông dân tự phát thì càng ngày càng thiệt, lệ thuộc thị trường Trung Quốc, khó rút ra bãi lầy đó là bảo thủ, thủ cựu không dám nhìn rộng ra thế giới như thị trường Nga, EU, Mỹ… không dám thoát ra mớ lùng nhùng để dân bị sa lầy suốt hàng chục năm nay, đứng về mặt chính sách chung là Nhà nước chưa làm trọn trách nhiệm.

Ông cho rằng biên giới Việt Nam và Trung Quốc dài 1600 km, trong thực tế từ nhiều chục năm nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc tại sao Việt Nam lại mở 6 con đường lớn từ biên giới về Hà Nội ? Ông nói chính điều đó đã vô hình trung hợp thức hóa việc xuất tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc sang mua hàng Việt Nam thông qua đường biên mậu và ngược lại. Do đó, ông Lê Văn Triết nhắc lại :

Xu hướng giảm buôn bán biên mậu để đi vào phương thức chính thức là cách đúng nhất để quản lý hàng hóa qua lại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đồng tình với cách lý giải trên, ông cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần mở rộng thị trường, hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi cách tư duy và hành động :

"Phải định hướng vì thị trường người ta như vậy thì phải định hướng để xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Các thị trường khác chưa có gì tác động và thay đổi gì cả".

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam có 9 loại quả tươi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết từ đầu tháng 5/2019 Trung Quốc đã bắt đầu thông báo siết chặt quy định với trái cây nhập khẩu cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Đây là hai yêu cầu cho hàng hóa xuất chính ngạch và Việt Nam đã có 1.300 mã số vùng trồng với trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép. Hiện nay khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt là một số loại trái cây vốn có lượng xuất khẩu lớn nhưng chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ bị tắc nghẽn như sầu riêng, dừa… Sầu riêng mặt dù có mặt ở thị trường Trung Quốc rất nhiều từ trước nhưng phần đông đi theo đường tiểu ngạch, nay Trung Quốc siết giấy phép chính ngạch nên sầu riêng không thể xuất sang Trung Quốc nữa mà phải đợi Chính phủ đàm phán với Trung Quốc.

Riêng đối với mặt hàng gạo, doanh nghiệp xuất khẩu phải có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thậm chí phía Trung Quốc sang kiểm tra thực tế cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nhà máy chế biến và vùng trồng lúa nên gạo vừa qua cũng vướng nhiều khó khăn xuất khẩu mặc dù đi theo đường chính ngạch.

Hiện Bộ đã nộp hồ sơ cho sầu riêng và hy vọng vào năm 2020 sầu riêng Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Mới đây, ngày 13/9 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa, nông thủy sang sang thị trường Trung Quốc. Hội nghị nhằm mục đích theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là nhằm đánh giá tình hình, định hướng tổ chức lại sản xuất để đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng các lợi thế từ Hiệp định ACFTA và tháo gỡ khó khăn cho nông thủy sản xuất sang Trung Quốc trước tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc suy giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo Bộ Công thương Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam đối với nhóm hàng nông, thủy sản, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

***************

Bài 3 : Tìm lối ra cho thương hiệu Việt

Rõ ràng đã đến lúc Việt Nam không thể lệ thuộc chỉ vào thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng nông lâm hải sản của Việt Nam phải chinh phục các thị trường khác để định hình thương hiệu Việt Nam. Đó cũng là lúc Chính phủ Việt Nam cần quản lý chặt hàng nhập khẩu – cánh cửa xuất-nhập khẩu phải được kiểm soát chặt từ lúc này để một mặt đưa sản phẩm Việt vào thị trường mới, mặt khác kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt…

Chính phủ nên làm gì ?

Để làm được điều đó, trước mắt theo chuyên gia Kinh tế tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh một vài biện pháp để tương thích với thị trường Trung Quốc (trước tiên) vì dù gì đây cũng là thị trường láng giềng, thuận lợi xuất khẩu hàng nông sản – một trong những mặt hàng đòi hỏi thời gian xuất khẩu ngắn hơn các mặt hàng khác. Do đó, ông có ý kiến rằng :

Dưới quan điểm tài chính, thì tôi nghĩ có lẽ đến lúc nào đó Ngân hàng Nhà nước nên linh động hơn với giá trị đồng tiền nghĩa là trong tình trạng đồng CNY mất giá so với đô la và càng ngày càng mất giá tôi nghĩ đến cuối năm sẽ mất giá vài phần trăm thì đồng Việt Nam, để hỗ trợ người dân bán hàng sang Trung Quốc, phải để cho đồng Việt Nam trượt giá 1 vài phần trăm để bù trừ việc CNY mất giá . Bên cạnh đó, Chính phủ nên tìm lối thoát cho các nông dân Việt Nam bằng cách tìm thị trường mới.

Ông đưa ra ví dụ lạc quan như sản phẩm trái nhãn của Việt Nam vừa xuất sang thị trường Úc và được Úc hoan nghênh, vậy tại sao các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam không xuất sang thị trường này mà phải chỉ bám vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, ngoài việc Chính phủ đàm phán để mở rộng thị trường thì nông dân cũng phải tìm lối thoát cho chính họ, nên chủ động hơn nếu không sẽ cứ loay hoay với xuất khẩu tiểu ngạch.

Tiểu thương vùng biên mậu xuất hàng sang Trung Quốc gặp rất nhiều rủi ro và rủi ro lớn nhất là rào cản kỹ thuật do Trung Quốc dựng lên họ không nắm cho nên khi hàng đưa sang cửa khẩu thường bị ách tắt lại. Do đó Chính phủ nên thu gom hàng nông sản bán sang Trung Quốc qua các kênh phân phối giữa các quốc gia mặc dầu đây là vấn đề không dễ.

Mở rộng thị trường, tìm hướng đi khác cho nông sản Việt là vấn đề Chính phủ cần làm ngay tại thời điểm này nếu không muốn các mặt hàng nông lâm, hải sản của Việt Nam bị tồn kho. Đó cũng là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết. Ông còn cho rằng các Hiệp định thương mại song phương là rất tốt và đó chính là hướng đi mở ra cho nông dân Việt Nam.

Phải tạo điều kiện cho dân bước vào thị trường mới.

Ông đưa ra các đề nghị :

Có hai loại vấn đề, nhà nước lo chính sách, tiếp tục ký các hiệp định song phương xem xét vai trò của Nhà nước (Bộ thương mại, Công thương, Tham tán các nước) hướng dẫn thị trường khuyến khích trồng, nguyên vật liệu, cụ thể hóa tìm thêm thị trường mới, đàm phán, nghiên cứu thị trường và phổ biến cho người dân. Người dân phải được hướng dẫn, giáo dục và Nhà nước có biện pháp xử lý, có biện pháp uốn nắn, không nên nghe Trung Quốc nói, ào ào sản xuất, chạy theo lợi nhuận mà đổ vấy cho Nhà nước cũng không nên; cấm biên mậu, lực lượng thương lái, cửu vạn dọc biên giới để tuồn hàng sang Trung Quốc. Nhà nước phải định lại quy chế quản lý

Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội nghề cá cũng cho rằng trước những rủi ro liên tiếp mà bà con ngư dân phải gánh chịu vì thương lái thời gian gần đây, Hội nghề cá đã khuyến khích người dân tìm hiểu, lắng nghe và mạnh dạn đầu tư lớn để chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch.

Khuyến khích đi chính ngạch an toàn hơn, tiểu ngạch thiếu an toàn rủi ro. Thay đổi thường xuyên là rủi ro của bà con và nhà nước cố gắng đàm phán và trao đổi, nhiều khó khăn ở thị trường Trung Quốc. Vẫn phải điều chỉnh dần, một số khó khăn. Hội khuyến khích kiến nghị đưa vào danh sách có ách tắc nhất định cục chế biến và phát triển thị trường, tìm nhiều thị trường khác chứ không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết tìm đường tiêu thụ cho bà con ngư dân. Nhiều doanh nghiệp có trách nhiệm, cùng tháo gỡ khó khăn, nông sản có lúc kêu gọi giải cứu mang tính chất tức thời. Tiêu thụ trong nội địa cũng là giải pháp tốt.

Nâng tầm thương hiệu

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết,

Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Trung Quốc đưa ra các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện cũng như kiểm tra, thông quan hàng hóa.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần hướng đến các tiêu chuẩn lớn hơn. Ông phân tích đối với ngành thủy sản của Việt Nam :

Việt Nam có 3 nhóm sản phẩm chính là tôm, cá tra và hàng hải sản. Tôm Việt Nam có tỉ lệ đáp ứng chỉ 50% công suất, cá tra 70% nhưng mặt hàng chế biến hải sản chỉ đáp ứng 20% nhưng chất lượng dở do lượng cá biển giảm nên phải chọn con đường làm giàu nguồn lợi hải sản bằng cách nuôi trồng. Mặt biển rộng 1 triệu km2, muốn canh tác biển phải làm bài bản đầu tư.

Ông đồng ý việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rất quan trọng do đó sản phẩm của Việt Nam muốn xuất chính ngạch vào bất cứ thị trường khó tính nào cũng được nếu đầu tư, nâng tầm chất lượng từ khâu đầu đến khâu cuối. Và, để làm được điều đó Chính phủ cần phải có những chương trình đào tạo và hướng dẫn cho từng hộ sản xuất, kinh doanh từ cá thể đến sản xuất nhỏ và doanh nghiệp lớn.

Ông cho biết Hiệp hội nuôi trồng biển đang triển khai chương trình đào tạo và huấn luyện biến ngư dân thành công nhân làm các thao tác công nghiệp và người quản lý trại theo quy mô công nghiệp. Ông cho rằng, chỉ cần 2% (khoảng 1.000 hộ) trong số khoảng 50.000 hộ gia đình nuôi biển hiện nay tham gia chương trình này thì đến năm 2030, các ngư dân Việt Nam sẽ học được cách làm giàu bằng nuôi biển, không lệ thuộc vào bất cứ thị trường xuất khẩu nào như hiện nay. Tạo điều kiện cho ngư dân tham gia vào chuỗi giá trị bền vững.

Với lộ trình chuẩn bị toàn diện như vậy, theo ông Dũng, hàng thủy sản Việt Nam sẽ không bị bất cứ rào cản nào từ các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Châu Âu khi trong tháng 6 vừa quan Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU.

Được biết, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Nguồn : RFA, 18/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)