Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/09/2019

Bãi Tư Chính : Việt Nam chịu khuất phục hay dám đối đầu trước Trung Quốc ?

Nhiều tác giả

Phẩm giá quốc gia trước chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh

Nguyễn Hiền, VNTB, 21/09/2019

Chúng ta sẽ không ‘dạy cho Trung Quốc một bài học’, nhưng chúng ta có đủ phẩm giá và tư cách của một dân tộc tồn tại hiên ngang và bất diệt trong hàng ngàn năm, một dân tộc không thể bị đồng hóa trước nhiều thủ đoạn, mưu đồ của Bắc Kinh. Và chúng ta sẽ tiếp tục viết nên những bài học dành cho chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh trong thời hiện đại.

Trung Quốc trắng trợn tuyên bố, Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

vntq1

Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam - Ảnh minh họa

Trung Quốc ngang nhiên coi hành động chấp pháp bảo vệ chủ quyền Việt Nam là ‘vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)’.

Trung Quốc hợm hĩnh coi hành động khai thác dầu khi một cách hợp pháp tại Bãi Tư Chính của Việt Nam là ‘vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam’.

Trung Quốc, một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng ngược ngạo trích dẫn Điều 5 của DOC và UNCLOS để yêu cầu ‘Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực’.

Dã tâm của Trung Quốc bằng đường lối đối ngoại không trung thực và hoàn toàn bá quyền đã đặt vấn đề biến vùng không tranh chấp và thuộc hoàn toàn chủ quyền Việt Nam trở thành một nơi tranh chấp qua tuyên bố ‘sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam’.

Việt Nam không cần thứ ‘hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc’. Việt Nam là quốc gia có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền tại Bãi Tư Chính, và vĩnh viễn sẽ không có bất kỳ một sự tranh chấp nào tại khu vực này.

Chúng ta không chấp nhận mưu đồ của Trung Quốc, và càng không chấp nhận tuyên bố đầy kiêu căng và áp đặt của chính quyền Bắc Kinh. Chúng ta cần tuyên bố thẳng đó là tuyên bố phi lý, chà đạp lên tình hữu nghị của hai quốc gia, làm tổn hại lợi ích của nhân dân hai nước, và Việt Nam sẵn sàng đáp trả nếu Bắc Kinh vẫn coi đó là ‘vùng tranh chấp’.

Chúng ta yêu cầu một tuyên bố mạnh mẽ nhất từ giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó, một tuyên bố từ Quốc Hội – cơ quan quyền lực thuộc về Nhân Dân là điều cần thiết lúc này. Thống nhất quan điểm ‘chống bọn bá quyền Trung Quốc ở vùng Biển Đônmg, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình’.

Chúng ta yêu cầu giới tinh hoa chính trị Việt Nam, bằng lương tâm và trách nhiệm cao nhất, phải sẵn sàng đồng hành cùng với Mỹ trong ‘sẵn sàng đương đầu với thách thức của Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương’. Sử dụng mọi biện pháp và phương thức để giữ gìn bằng được chủ quyền quốc gia tại Bãi Tư Chính. Trong đó minh bạch hóa, kịp thời hóa trong phản ảnh các hành động xâm phạm của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính đến người dân thông qua 858 cơ quan báo chí in ; 105 cơ quan báo điện tử ; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Chúng ta yêu cầu ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – với vị thế chính trị của mình phải cho thấy sự chính danh của Đcộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Thông qua xác lập, và nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ ‘Đối tác toàn diện’ lên thành ‘Đối tác chiến lược toàn diện’, hạ cấp quan hệ Việt - Trung từ ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ xuống ‘Đối tác chiến lược’. Điều này thể hiện bản lĩnh, ý chí và quan điểm cứng rắn của chính quyền đối với công cuộc bảo vệ lãnh thổ quốc gia, lòng tự tôn của một dân tộc tồn tại hàng ngàn năm chưa một lần khuất phục, và cho thấy ý thức vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta.

Chúng ta theo đuổi tầm nhìn và trật tự tự do với các quốc gia yêu chuộng tự do và hòa bình như Mỹ và các quốc gia phương Tây ; chúng ta sẽ sẵn sàng đối kháng với một tầm nhìn và tham vọng bành trướng, sự trỗi dậy hòa bình giả tạo, sự đe dọa, áp đặt và bắt nạt từ Trung Quốc.

Chúng ta không thể đứng ngoài và phó mặc cho Mỹ trong tiến trình ‘không né tránh việc vạch trần và tranh cãi các hành động phá hoại trật tự quốc tế tự do và cởi mở, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ’. Bởi bảo vệ chủ quyền quốc gia là mệnh lệnh của dân tộc, là sự thức tỉnh tối đa của lợi ích quốc gia dựa vào những chuyển biến và bối cảnh của tình hình thế giới.

Quyền của chúng ta là quyền được thông tin về chủ quyền quốc gia.

Nghĩa vụ của chúng ta là bảo tồn toàn vẹn chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Trách nhiệm của chúng ta là đồng hành cùng với nhau, chống lại bất kỳ một mưu đồ bán nước, phản nước hay sự ươn hèn trước chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.

Chúng ta sẽ không ‘dạy cho Trung Quốc một bài học’, nhưng chúng ta có đủ phẩm giá và tư cách của một dân tộc tồn tại hiên ngang và bất diệt trong hàng ngàn năm, một dân tộc không thể bị đồng hóa trước nhiều thủ đoạn, mưu đồ của Bắc Kinh. Và chúng ta sẽ tiếp tục viết nên những bài học dành cho chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh trong thời hiện đại.

Và đây là bài học ‘không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ - trong bất cứ chuyện gì, dù vĩ đại hay nhỏ bé, lớn lao hay tầm thường - đừng bao giờ nhượng bộ, trừ khi bị thuyết phục bởi đức hạnh và lẽ phải. Không bao giờ thỏa hiệp trước thế lực. Không bao giờ khuất phục trước sức mạnh tưởng chừng áp đảo của kẻ địch’. [*].

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 21/09/2019

Chú thích :

[*] Câu nói của Thủ tướng Anh Winston Churchill.

**********************

Trung Quốc sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn ở Bãi Tư Chính ?

Diễm Thi, RFA, 20/09/2019

Lần đầu tuyên bố

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa.

vntq2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một bữa tiệc của do Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. AFP

Trung Quốc cũng đồng thời yêu cầu Việt Nam lập tức dừng các hoạt động mà họ gọi là vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh của vùng nước này. Ông Cảnh Sảng nói với các phóng viên rằng : "Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan'an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc…".

Bãi Tư Chính là một bãi ngầm nằm cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Bãi này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 hải lý. Đây cũng là nơi diễn ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong suốt 3 tháng qua khi Trung Quốc liên tục điều tàu đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.

Theo Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến Biển Đông, đến an ninh khu vực Đông Nam Á, Châu Á-Thái Bình Dương cũng như tình hình Việt Nam, không ai lấy làm lạ với "tuyên bố trắng trợn một cách ngông cuồng" của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Tuy nhiên, đây là lời cảnh cáo đầu tiên một cách trực tiếp và có địa chỉ, tức là nhắm vào Việt Nam, bởi ngay cả năm 2014, khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam và nói chuyện trước Quốc hội, ông Tập cũng không dám nói chuyện như ở những chỗ khác rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông từ thời cổ đại. Ông Phúc nhận định :

"Hành động tuyên bố của Cảnh Sảng cho thấy đây là một sức ép, một giọt nước cuối cùng. Tôi cũng thấy đó là một tin mừng vì lời tuyên bố của Cảnh Sảng nó là đáp số của bài toán "đại cục", của tình hữu nghị Việt Trung, của "4 tốt 16 chữ vàng".

Lời tuyên bố của ông Cảnh Sảng đã chứng tỏ cho những ai còn mê ngủ, cho những ai còn ảo tưởng về tình hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc và cái "tình đồng chí thủy chung" như Tập Cận Bình và nhiều đời lãnh đạo Trung hoa cộng sản đã phát biểu trước đây".

Phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ hai nước từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ khoảng cuối những năm 1990 và đầu 2000. Theo phương châm này, hai nước cam kết tuân thủ "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện", và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập ở Singapore cho rằng bản chất của vấn đề là Trung Quốc có ba yêu sách lớn đối với Việt Nam cũng như đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và bây giờ họ cứ thế mà thực hiện. Ông nêu cụ thể ba yêu sách :

"Thứ nhất, không bao giờ được áp dụng Công ước về luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc trong câu chuyện với Trung Quốc.

Thứ hai, không một nước nào trong các nước có tuyên bố chủ quyền, và cả các nước không có tuyên bố chủ quyền trong khối ASEAN được phép tập trận với một nước bên ngoài khu vực ấy mà không tham khảo ý kiến của Trung Quốc, hay không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN còn lại.

Thứ ba, không được hợp tác khai thác tài nguyên (tài nguyên chứ không chỉ có dầu khí) ở trên vùng biển và vùng trời của toàn bộ Biển Đông khi không có sự đồng ý, đồng thuận của các nước ASEAN còn lại và của Trung Quốc".

Với tư cách là một người dân trong nước, blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là hậu quả do đảng cộng sản Việt Nam gây ra hàng chục năm qua, từ công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng cho đến mật ước Thành đô 1990 (mà tới giờ này vẫn trong vòng bí mật). Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mà dựa vào đó Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Trung Quốc.

Thành Đô là nơi diễn ra cuộc họp bí mật quan trọng giữa lãnh đạo hai nước vào năm 1990 để bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên cho đến giờ, nội dung thông tin về những thỏa thuận, nếu có, giữa hai bên vẫn chưa được chính phủ Việt Nam công bố.

Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng nói rằng viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt trong chiến tranh đã khiến Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông nói thêm :

"Yếu tố thứ hai chính là vấn đề nợ. Chắc chắn phía cộng sản Việt Nam có nợ phía cộng sản Trung Quốc.

Yếu tố thứ ba chính là chính sách sai lầm của người cộng sản Việt Nam sau này, cụ thể là "vừa hợp tác vừa đấu tranh". Đó là một chính sách phản khoa học và nửa vời.

Yếu tố thứ tư là kế sách của binh pháp Tôn tử từ ngàn xưa, đó là kế vô trung sinh hữu - biến không thành có".

Trong tuyên bố mới của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng vùng nước ở Bãi Tư Chính là thuộc quần đảo Trường Sa và do đó đương nhiên thuộc về Trung Quốc.

Việt Nam phải làm gì ?

vntq3

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 2019. AFP

Đã hai ngày trôi qua kể từ phát biểu của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhưng phía chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa có phát biểu chính thức nào về việc này. Học giả Đinh Kim Phúc nhận xét :

"Trong vấn đề Biển Đông, chính phủ Việt Nam có thái độ rất ngộ, đó là nói thì không làm mà làm thì không nói. Nó tạo ra sự nghi ngờ của nhân dân trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Nhà nước. Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của Cảnh Sảng sẽ là động thái cuối cùng để cho cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải lên tiếng, để cho nhân dân thấy cái quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền".

Trong một động thái khác, buổi tọa đàm khoa học "Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế" được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) dự định tổ chức vào sáng ngày 22/9/2019 tại Hà Nội vừa bị hoãn đến sau ngày 5/10/2019.

Công văn thông báo do Viện trưởng viện PLD Hoàng Ngọc Giao ký hôm 20/9 cho biết viện đã nhận được công văn của Liên hiệp hội (cơ quan chủ quản) yêu cầu lùi ngày tổ chức tọa đàm. Lý do được công bố là : "Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019"

Là người được mời dự tọa đàm, ông Đinh Kim Phúc nhận định với RFA về lý do có thể liên quan đến việc lùi ngày tổ chức :

"Tôi nghĩ có lẽ các cơ quan chức năng Việt Nam ngại buổi tọa đàm này diễn ra trước ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10) thì sẽ mất đi tình hữu nghị, mất đi cái đại cục giữa Việt Nam và Trung Quốc"

Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận xét : "Tức là hiện nay Đcộng sản Việt Nam hoàn toàn tê liệt, hết sức phản kháng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc".

Báo chí trong nước đến lúc này chưa có thông tin chính thức nào về những gì đang diễn ra Bãi Tư Chính những ngày gần đây và phát biểu của ông Cảnh Sảng. Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp nêu một phản ứng của Việt Nam hôm 28/8 :

"Trước đây chưa bao giờ Việt Nam nói vùng đó không phải vùng tranh chấp, và cũng chưa bao giờ nói vùng đó là vùng tranh chấp, nhưng hôm 28/8 vừa rồi, Việt Nam nói rất rõ rằng ở đó không có vùng tranh chấp mà đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam".

Từ ngày 3/7 khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào phía bắc bãi Tư Chính đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần đưa ra tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước này.

Trung Quốc sẽ làm gì ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/9 cũng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và không thể tranh cãi. Ông Đinh Kim Phúc nêu quan ngại rằng, việc giữ chủ quyền của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính nói riêng và trên vùng đặc quyền kinh tế tế Việt Nam nói chung rất quan trọng, vì nếu mất một khu vực thì vấn đề trên biển của Việt Nam sẽ mất tất cả, và đây là việc sống còn của Việt Nam.

Đây không chỉ về mặt kinh tế, về khai thác tài nguyên ở trong lòng biển, mà nó còn là an ninh của Việt Nam. Do đó đây là sức ép của Trung Quốc để xem Việt Nam trả lời và đối phó như thế nào.

"Riêng bản thân tôi thì tôi rất có lòng tin với việc bảo vệ chủ quyền đất nước của các lực lượng chức năng, nhất là của quân đội hiện nay nhưng "chiến tranh không phải trò đùa". Và, trong gần ba tháng qua, Trung Quốc chủ yếu gây sức ép để cho Việt Nam nhượng bộ chứ Trung Quốc cũng không dám nổ súng và cũng không dám gây chiến tranh ở Biển Đông".

Với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nếu Việt Nam nhượng bộ thì Trung Quốc sẽ đi tiếp, mà không nhượng bộ thì Trung Quốc cũng sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn. Trung Quốc cũng không ngại có những hành động mạnh mẽ ngay trong tuần này và tuần tới, không cần phải đợi qua ngày Quốc khánh của họ.

Cũng theo ông Hà Hoàng Hợp, Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam từ tháng 5, khi liên doanh PVN - Rosneft thuê tàu Nhật khoan mở rộng ở lô 6.01 ở vùng bãi Tư Chính và yêu cầu Việt Nam phải rút khỏi khu vực này.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/09/2019

********************

Bãi Tư Chính : Vì sao Trung Quốc dám ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ ?

Thường Sơn, VNTB, 21/09/2019

Khác với vài lần tuyên bố trước mà dù sao vẫn còn có vẻ nể nang mặt mũi ‘đồng chí tốt’, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/9/2019 thậm chí còn đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính".

vntq4

Sơ đồ Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa

Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam vẫn ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám hé môi cái tên Trung Quốc trên đầu môi chót lưỡi khi cuộc chiến khoan dầu đã kéo dài gần trọn một quý, còn các tàu hải cảnh và tàu chiến Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời, để cảnh cáo tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Trước đó vào cuối tháng 7 năm 2019, chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã "trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam" - một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với "thiên triều", Trung Quốc đã lần đầu tiên phản ứng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm", "Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam" và "Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc". Nhưng khi đó Bắc Kinh chưa trịch thượng đến độ dám đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính".

Sang tháng 8 năm 2019, Trung Quốc đã lần thứ hai ra tuyên bố về Bãi Tư Chính, khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng. Ngay trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn mấp máy đọc bài "yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam".

Rõ ràng thái độ tự tin và ngạo mạn của ‘đảng anh’ Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính đã gia tăng dần qua từng tháng, tỷ lệ nghịch với toàn bộ biểu cảm ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào của chính thể ‘đảng em’ Việt Nam.

Vì sao lại xảy đến nông nỗi ấy ?

Còn có một nguồn cơn sâu xa và khốn quẫn, liên quan đến ‘kiện Trung Quốc’.

Vào những ngày hè nóng bỏng này, thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước - thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam - đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.

Người dân hy vọng rằng Bộ Chính trị Việt Nam phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Thế nhưng cho tới nay, cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội : không kiện Trung Quốc !

Kết quả là sau gần 3 tháng từ ngày nổ ra vụ Bãi Tư Chính, hoặc đã là năm thứ ba kể từ lúc Trung Quốc xua tàu bao vây, gây hấn và ‘tống tiền’ Bộ Chính trị Việt Nam ở khu vực này, thực tế quá ư trần trụi và cay đắng là phần lớn trong số các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì hoặc ngó lơ vụ Bãi Tư Chính, để mặc cho ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - cụm từ mà giới quan chức Việt Nam vẫn hỉ hả tụng ca về người bạn ‘Bốn Tốt’ của mình - hành hạ ‘đảng em’ đến mức ‘đái cả ra quần’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/09/2019

*****************

Thùng thuốc súng ở Việt Nam ?

Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 21/09/2019

Liệu chiến tranh súng đạn, hay cuộc chiến pháp lý ở tòa quốc tế sẽ xảy ra trước tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc liên quan về khai thác dầu mỏ ở Bãi Tư Chính ?

"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Cảnh Sảng nói trong đoạn băng do kênh truyền hình chính thức phát bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, CGTN, đăng tải.

vntq5

Sau tuyên bố đầy ngang ngược và ngạo mạn của ông Cảnh Sảng, cộng với diễn biến ở chính trường Venezuela, thì bắt đầu xuất hiện lời rỉ tai về ‘có biến’, khuyên các bà nội trợ là nên mua tích trữ gạo, mắm muối hệt như kịch bản từng xảy ra ở những bận đổi tiền từ sau năm 1975 tại miền Nam.

BBC có đoạn trích dẫn như trên ở bài viết "TQ đòi VN ‘ngay lập tức’ dừng hoạt động dầu khí ở Bãi Tư Chính" [1].

Câu hỏi đặt ra : liệu ‘Đảng và Nhà nước’ Việt Nam đã thực sự cam kết gì với Trung Quốc ở cái mà phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh ? Phải chăng đó là chỉ dấu của bước khởi đầu ‘Bắc thuộc’ từ thỏa ước Thành Đô như đồn đãi lâu nay trên các diễn đàn ?

Bà Dương Phương Trang, một người nội trợ ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn kể rằng mấy ngày nay sau tuyên bố đầy ngang ngược và ngạo mạn của ông Cảnh Sảng, cộng với diễn biến ở chính trường Venezuela, thì bắt đầu xuất hiện lời rỉ tai về ‘có biến’, khuyên các bà nội trợ là nên mua tích trữ gạo, mắm muối hệt như kịch bản từng xảy ra ở những bận đổi tiền từ sau năm 1975 tại miền Nam.

"Thùng thuốc súng đáng lo nhất hiện tại chính là lòng dân chứ không phải chuyện Venezuela sụp đổ xã hội chủ nghĩa. Người ta đang chờ đợi những quan chức cao nhất của Đảng và Nhà nước lên tiếng sau tuyên bố của Cảnh Sảng. Tiếc là tại đại hội bầu bán cấp quốc gia của tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội đã cố tình làm lơ vận nước.

Tôi biết rất nhiều vị luật sư ở Sài Gòn đang dậy sóng kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ khởi kiện ra Tòa án quốc tế đối với Chính phủ Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền Bãi Tư Chính, không để chậm trễ hơn nữa.

Nếu tổ quốc này là của Đảng, thì với tư cách đang là một đảng viên, xin hỏi thẳng rằng Bãi Tư Chính còn không ?". Ông Nguyễn Đức, cựu sĩ quan quân đội, hiện ngụ ở tại khu dân cư gần Quân trường Quang Trung, quận 12, Sài Gòn, bày tỏ bức xúc.

Luật sư Trần Thành bình luận rằng nếu sắp tới đây ‘Đảng – Nhà nước’ Việt Nam vẫn im lặng, hoặc chọn giải pháp ‘đối thoại nội bộ’ xoay quanh những tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Tư, 18/9/2019, rằng Việt Nam đã "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)" ; "Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam" [Nguồn đã dẫn], thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội ‘phản quốc’ với các quan chức hữu trách.

Theo luật sư Trần Thành, chi tiết Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về "Tội phản bội Tổ quốc" như sau : Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

"Nếu biện minh là nhằm để bảo vệ ‘chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa’ mà họ chấp nhận lời của Cảnh Sảng là "Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam", thì đây là hành vi của ‘bán nước’. Sử sách sẽ muôn đời nguyên rủa". Luật sư Trần Thành nặng lời cáo buộc ; và cảnh báo điều đó sẽ dẫn tới thùng thuốc súng phẫn nộ trong dân chúng sẽ bùng nổ và lây lan với tốc độ cú đổ domino.

Ở góc nhìn khác, vẫn theo luật sư Trần Thành, trong bộ luật hình sự hiện hành trớ trêu là không hề có quy định về tội danh ‘bán nước’.

"Các quan tòa Việt Nam không coi ‘phản bội Tổ quốc’ là một hành vi của ‘bán nước’, mà đồng nghĩa ‘Tổ quốc’ với chế độ chính trị hiện hành". Luật sư Trần Thành cho biết.

Theo luật sư Trần Thành, trong cách diễn giải của Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, thì ‘Tội phản bội Tổ quốc’ phải hội đủ 3 dấu hiệu như sau : Một, là người quốc tịch Việt Nam.

Hai, hành vi "câu kết với nước ngoài" được thể hiện như : bàn bạc với người nước ngoài về mưu đồ chính trị và về các mặt khác như : kế hoạch, tổ chức, hình thức hoạt động… ; nhận sự giúp đỡ của nước ngoài như : tiền của, vũ khí hoặc mọi lợi ích vật chất khác… hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài.

Ba, hành vi câu kết với nước ngoài có mục đích là nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuối cùng là nhằm làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, lật đổ chính quyền nhân dân.

"Rõ ràng nếu chọn ‘thông qua các tham vấn hữu nghị’ như lời của Cảnh Sảng thì đúng là sẽ giúp thỏa mãn được loạt yêu cầu gắn kết nhau là không làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, không lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy, ở đây phải được nhìn nhận tội ‘bán nước’, mặc dù bộ luật hình sự không có quy định về tội danh này". Luật sư Trần Thành biện giải.

Nếu quả thực như lập luận nêu trên, ai sẽ châm ngòi cho thùng thuốc súng này ?

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 21/09/2019

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49756710

*******************

Chúng tôi muốn biết

Cánh Cò, RFA, 19/09/2019

Bản tin mới nhất của nhiều cơ quan truyền thông thế giới trong đó có BBC cho biết Trung Quốc đã ngang nhiên lên án Việt Nam là xâm lấn bãi Tư Chính của họ và yêu cầu Việt Nam nhanh chóng rút lui mọi hoạt động tại đây. Trung Quốc nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

vntq6

Trung Quốc đã ngang nhiên lên án Việt Nam là xâm lấn bãi Tư Chính của họ và yêu cầu Việt Nam nhanh chóng rút lui mọi hoạt động tại đây.

Theo BBC, ông Cảnh Sản, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam",

Bãi Tư Chính có vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Đây là nơi Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm nay.

Cho tới thời điểm này chính phủ Việt Nam vẫn bình chân như vại, chỉ giao phó cho một nhân vật duy nhất đại diện là bà Lê Thị Thu Hằng trong tư cách người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng một cách yếu ớt và lập đi lập lại một luận điệu mà không ai trên dải đất hình chữ S là không biết.

Những kênh ngoại giao khác hoàn toàn bị nhà nước, chính phủ Việt Nam bỏ trống. Bất kể mọi đôi mắt của người dân lẫn chuyên gia am hiểu về vấn đề Biển Đông chăm chú nhìn vào. Cả một hệ thống hoàn toàn im lặng, báo chí chỉ được phép nói bên ngoài tâm điểm của vấn đề, Thủ tướng thì thay vì ra trước Quốc hội điều trần chính sự đang nguy hiểm tới vận mệnh quốc gia lại chạy tới phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận tổ quốc Việt Nam sáng 19 tháng 9 để nhắc nhở rằng trong bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi những quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị nói chung cũng như MTTQ nói riêng khi mà bốn nguy cơ tồn tại vẫn là thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ.

Trong bốn nguy cơ ấy thì nguy cơ mất Biển Đông được ông Thủ tướng đặt xuống hàng thứ ba trong khi ông nhấn mạnh tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục.

Về Biển Đông ông Thủ tướng cho rằng tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe doạ hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ; còn sự chống phá của các thế lực thù địch ; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… Đó là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chỉ "đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ" thôi ư ? Ông Thủ Tướng quá mê đắm trong mớ huyễn từ cộng sản nên không thấy Trung Quốc nó tham vọng hơn thế rất nhiều. Chẳng những tham vọng nó còn quyết tâm lấy cho được bãi Tư Chính, nơi mà Việt Nam đặt hết hy vọng vào vì khả năng dầu khí rất lớn có thể giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn nhất thời. Hơn thế nữa, bãi Tư Chính là máu thịt Việt Nam không phải là một rẻo đất vô giá trị mà chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay ông Chủ tịch kiêm Tổng bí thư muốn giữ hay bỏ lúc nào thì bỏ.

Các ông lập ra Quốc hội cho giống với thể chế dân chủ nhưng thực chất chỉ duy nhất Bộ Chính trị các ông khuynh đảo toàn bộ chính sách đối phó với Trung Quốc từ xưa tới nay nên mới xảy ra cớ sự ngày hôm nay. Các ông chủ trương dựa vào Trung Quốc từ việc nhỏ tới việc lớn nên há miệng mắc quai. Việc nhỏ là dựa vào kinh tế đang trỗi dậy của Bắc Kinh để đưa đất nước vào thế không thể thoát ra khỏi chiêc thòng lọng mang tên dự án. Việc lớn là các ông cam chịu im lặng trước sự xâm lược không cần che dấu của Bắc Kinh và chính các ông tiếp tay giấu nhẹm những thông tin mà đáng ra một chính quyền do dân bầu ra phải công khai trước Quốc hội để cùng tìm đối sách.

Các ông giật giây cho Quốc hội làm những việc mà người dân chán ngán đến không còn muốn nghe, muốn thấy. Các ông ra lệnh cho cái tập thể hổ lốn ấy câm nín trước vấn đề Trung Quốc như một thứ Taboo không ai có quyền đụng đến. Trong khi Trung Quốc mạnh mẽ lên tiếng kết án các ông đã xâm lấn lãnh thổ của họ thì các ông lo đối phó với nhân dân của mình, lo ngại họ sẽ nổi cơn phẫn nộ mà đứng lên lật đổ các ông. Như vậy thì các ông có tiếp tay cho bọn chúng ngày một ngày hai gặm nhấm lần mòn đất đai của tổ tiên hay không ?

Các ông nghênh mặt hỏi dân : Trung Quốc nó mạnh như thế thì đánh đấm nó thế nào ?

Thưa các ông, những con vẹt khoác áo cộng sản, nhân dân Việt Nam không hề chủ trương chiến tranh với bất cứ nước nào nhưng chúng tôi lên án bất cứ kẻ cầm quyền nào tránh né chiến tranh vì lo bảo vệ nồi cơm của chúng.

Đâu cần phải gây ra chiến tranh mới làm cho Trung Quốc từ bỏ ý đồ xâm lược, chỉ cần "giao thiệp" với một cường quốc như quý vị từng làm với Trung Quốc thì ván cờ có thể đảo ngược. Nhưng các ông đã bị Trung Quốc cho uống thuốc lú có tên "ba không" và tới bây giờ tức là thời điểm vận mệnh dân tộc đi vào bế tắc nhất các ông vẫn kiên cường giữ vững lập trường "ba không" của đảng.

Hôm nay là bãi Tư Chính, ngày mai là Trường Sa và tiếp theo là toàn bộ Biển Đông, sau đó là những vùng đất nằm liền biên giới với Trung Quốc sẽ biến mất như thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đã từng.

Từ lâu, nhà nước các ông luôn kín kẽ trong việc bảo vệ biển đảo nhưng sự kín kẽ ấy làm cho nhân dân nghi ngờ và chứa đầy câu hỏi về mức độ khả tín của quyết tâm giữ gìn lãnh thổ trước Trung Quốc, một đồng chí của các ông luôn luôn đặt chủ nghĩa bá quyền, mưu cầu xâm lấn đất đai Việt Nam từ đất liền ra tới biển đảo.

Chính phủ các ông chui trong chiếc vỏ bọc "ổn định" để biện luận cho hành động được xem là nhu nhược của mình trước những hanh vi ngày một lộng hành hơn của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc từng có những hiệp định được xem là thắm tình đồng chí với nhau nhưng nhìn kỹ lại chúng là những trang bản thảo trói chặt các ông vào chiếc bẫy chính trị mà Chủ nghĩa xã hội là chiêc vòng kim cô trói chặt những kẻ chóp bu trong Bộ Chính trị Việt Nam không hề dám có bất cứ động thái nào đi ngược với những gì mà hai đảng xem là vàng ròng là Châu báu.

Chúng tôi không có vũ khí để buộc các ông phải có thái độ nhưng chúng tôi có số đông và chúng tôi muốn biết tới khi nào thì các ông sẽ công khai vấn đề này ra với toàn thể nhân đân chúng tôi.

Nếu Hong Kong làm được thì chúng tôi cũng sẽ làm được. Các ông không phải là thần thánh và chúng tôi cũng không phải là cây cỏ. Đã đến lúc chúng tôi phải giành lại quyền công dân của mình sau hơn 70 năm bị các ông cưỡng bức, không phải để cướp chính quyền hay làm cách mạng như các ông đã từng làm mà là để đối phó với kẻ thù phương Bắc.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 19/09/2019 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ
Read 883 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)