Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/10/2019

Quy định kiểm soát quyền lực hé lộ ý định ‘ngồi tiếp’ của ai ?

Thường Sơn

Tháng 9 năm 2019, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bất ngờ ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Cái cách hạ bút này xảy ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền - dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2019.

kiemsoat1

Dấu ấn nhân sự 2018 : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Đây là lần đầu tiên trong đảng cầm quyền xuất hiện một đảng văn về kiểm soát quyền lực - điều chưa từng tồn tại ở các đời tổng bí thư trước đây.

Vì sao đảng cầm quyền phải kiểm soát quyền lực ? Phải chăng do nạn nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương đang nổi lên ngày càng nhiều ở các bộ ngành và tỉnh thành ? Quy định này còn có ý đồ thâm sâu nào khác ?

Cho dù đang độc tôn về quyền lực với một cái ghế đúp chủ tịch nước lẫn tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể tự tin khi đang bắt đầu hiện ra những ‘âm binh’ nổi lên ngay dưới chân ghế ông ta - một hiện tượng rất đặc biệt mà đã nổi bật hẳn lên từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, dẫn đến niềm hy vọng khó nói và khó tả của không ít quan chức về tương lai ‘đẩy’ Trọng về vườn để ngồi luôn vào khoảng trống quyền lực để lại - quá lớn và quá hấp dẫn.

Khác với thời tiền đại hội 12 là lúc Nguyễn Phú Trọng phải đối chọi với kỳ phùng địch thủ chính trị là Nguyễn Tấn Dũng, vào lúc này Trọng hầu như không có đối thủ trực diện nào - điều có thể làm cho ông ta tạm thời yên tâm dưỡng bệnh mà không phải quá lo lắng về ‘âm mưu đảo chính’ nào.

Nhưng không có đối thủ trực diện không có nghĩa là không tồn tại những đối thủ chuyên đánh sau lưng. Sau khi Trần Đại Quang - quan chức được tạm xem là đối thủ của Nguyễn Phú Trọng - thình lình chết vào tháng 9 năm 2018, đã xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy không chỉ có những quan chức thuộc ‘cánh Quang’, mà cả những quan chức thuộc những cánh khác cũng tìm cách làm khó Nguyễn Phú Trọng. Hoặc những quan chức thuộc các cánh khác nhau nhưng có thể tạm thời liên minh với nhau để tìm cách loại Trọng khỏi cuộc chơi.

Ngay trước mắt là vấn đề tuổi tác và sức khỏe - cả hai đều là tử huyệt của Trọng.

Nếu Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua đại hội 12 bằng cơ chế ‘trường hợp đặc biệt’, sẽ khó hơn hẳn cho ông ta sau 5 năm để một lần nữa tân trang lại quy định ‘đặc biệt’ về độ tuổi được ‘ngồi tiếp’, bởi nếu làm vậy sẽ thật quá bỉ bôi trong mắt thiên hạ.

Trong khi đó, vấn đề sức khỏe của Trọng còn khó coi hơn cả chuyện tuổi tác già nua.

Nhưng tham vọng của con người là vô cùng…

Nếu quy luật ‘văn là người’ là đúng trong tình cảnh oái oăm này, đảng văn về kiểm soát quyền lực đã lần đầu tiên, kể từ khi Nguyễn Phú Trọng bị bạo bệnh, hé lộ ý định ‘ngồi nữa’ của ông ta.

Nếu quy định về kiểm soát quyền lực phát huy tối đa tác dụng của nó mà nhờ đó sẽ không thể xuất hiện một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Trọng, ông ta sẽ yên tâm ngồi tiếp tại đại hội 13, thậm chí còn có thể ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ như ‘hoàng đế Tập Cận Bình’ ở Trung Quốc, với điều kiện không bị hành hạ bởi những cơn tai biến.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 03/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)