Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/10/2019

Hà Nội sốt ruột vì EVFTA chưa được Quốc hội Châu Âu thông qua

Thường Sơn

Việt Nam lại ve vãn ‘đối tác tin cậy hàng đầu’

Thường Sơn, VNTB, 05/10/2019

Gần về cuối năm 2019, chính thể độc tài ở Việt Nam lại liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.

chau1

Một trong những ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đó được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9.

Cần ghi nhận đây có thể là lần đầu tiên ông Đỗ Bá Tỵ được xuất đầu lộ diện trên trường quốc tế, sau một thời gian dài chìm lắng ở cái ghế Phó Chủ tịch Quốc hội, mà theo nhiều luồng dư luận thì tướng Tỵ bị xem là ‘người của Nguyễn Tấn Dũng’.

Chuyến đi Đức của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)", vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.

Liên quan đến EVFTA, giới chóp bu Việt Nam cũng cử "một đoàn đại biểu cấp cao" đi Châu Âu tham gia Diễn đàn Kết nối Âu-Á do Ủy Ban Châu Âu (EC) tổ chức, dẫn đầu bởi quan chức Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương dẫn đầu, trong đó có nhiệm vụ thúc giục Châu Âu sớm phê chuẩn hiệp định thương mại này.

Sự thúc giục trên xuất hiện trong bối cảnh một bức thư ngỏ đề ngày 25 tháng 9 gửi cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Nghị viện Châu Âu cùng các nghị viên Châu Âu kêu gọi hoãn xem xét việc phê chuẩn hiệp đinh mậu dịch tự do với Việt Nam.

Thư ngỏ trên được ký bởi các tổ chức dân sự xã hội và đảng phái độc lập cả trong và ngoài nước gồm những tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Bầu Bí Tương Thân, Đảng Việt Tân…

Nội dung thư nêu rõ EVFTA là một thỏa ước thương mại tự do tham vọng nhất tính đến lúc này ; và điều thiết yếu là hiệp định phải cổ xúy cho các giá trị nhân quyền của EU thông qua mậu dịch.

Tuy nhiên cho đến nay, những hứa hẹn từ phía Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ là lời hứa suông. Sau khi đàm phán dự thảo của hiệp định vào năm 2016, chính phủ Hà Nội tiến hành chiến dịch kiên trì đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo công dân, và những nhà hoạt động vì môi trường.

Minh chứng rõ nhất cho lời hứa suông và thậm chí còn làm ngược lại là mới đây khi một phái đoàn của Bộ Tư pháp Đức đến Sài Gòn và mời một số luật sư gặp gỡ để nghe ý kiến về tình hình luật pháp ở Việt Nam, một trong số khách mời đó là luật sư Đặng Đình đã bị công an Việt Nam cấm cửa không cho đi gặp đoàn Đức.

Trong khi đó ở Châu Âu, đoàn của Phó chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn "coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực" và "Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức đang trên đà phát triển mạnh mẽ", mà không cần chút liêm sỉ nào, dù chỉ ở mức tối thiểu.

Vậy thực chất ‘quan hệ đối tác chiến lược Việt Đức ra sao ?

Sự thật trần trụi là cho tới nay, Nhà nước Đức vẫn giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quyết định này được Đức tung ra vào tháng 9 năm 2017 sau khi mật vụ Việt Nam công khai và trắng trợn bắt cóc Trịnh Xân Thanh ngay tại Berlin.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 05/10/2019

******************

Vì sao chóp bu Việt Nam phải thúc giục Châu Âu sớm thông qua EVFTA ?

Thường Sơn, VNTB, 04/10/2019

Chính thể độc tài ở Việt Nam sẵn sàng qua mặt EU thêm một lần nữa bằng những hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ hoàn toàn đầu môi chót lưỡi. 



tháng 9 năm 2019, giới chóp bu Việt Nam cử "một đoàn đại biểu cấp cao" đi Châu Âu tham gia Diễn đàn Kết nối Âu-Á do Ủy Ban Châu Âu (EC) tổ chức.

chau2

Vụ công an Lâm Đồng vừa bắt facebooker Vượng Nguyễn là bằng chứng mới nhất về rất nhiều vi phạm nhân quyền của chính thể độc tài ở Việt Nam. 

Phái đoàn trên do quan chức Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương dẫn đầu. Đoàn này đã có những cuộc làm việc với Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Dimitrios Papadimoulis ; Ủy viên Thương Mại của EU Cecilia Malmstrom ; Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu Bernd Lange. Trong đó, Việt Nam "đề nghị hai phía thúc đẩy tiến trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)".

Vì sao chóp bu Việt Nam phải thúc giục Châu Âu sớm thông qua EVFTA ?

Sự thúc giục trên xuất hiện trong bối cảnh một bức thư ngỏ đề ngày 25 tháng 9 gửi cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Nghị viện Châu Âu cùng các nghị viên Châu Âu kêu gọi hoãn xem xét việc phê chuẩn hiệp đinh mậu dịch tự do với Việt Nam.

Thư ngỏ trên được ký bởi các tổ chức dân sự xã hội và đảng phái độc lập cả trong và ngoài nước gồm những tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Bầu Bí Tương Thân, Đảng Việt Tân…

Nội dung thư nêu rõ EVFTA là một thỏa ước thương mại tự do tham vọng nhất tính đến lúc này ; và điều thiết yếu là hiệp định phải cổ xúy cho các giá trị nhân quyền của EU thông qua mậu dịch.

Tuy nhiên cho đến nay, những hứa hẹn từ phía Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ là lời hứa suông. Sau khi đàm phán dự thảo của hiệp định vào năm 2016, chính phủ Hà Nội tiến hành chiến dịch kiên trì đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo công dân, và những nhà hoạt động vì môi trường.

Hệ thống luật lệ, tòa án và pháp lý được sử dụng để hình sự hóa việc thực thi một cách ôn hòa các quyền được quốc tế bảo vệ ; cũng như khước từ quyền được xét xử công bằng và tiếp cận việc chữa trị bệnh hiệu quả.

Những quyền mà chính phủ Hà Nội hình sự hóa gồm quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp, lập hội, quyền tham gia vào hoạt động công và quyền tham gia các tổ chức cổ xúy cho quyền con người.

Nạn nhân trở thành đối tượng của tình trạng giam giữ tùy tiện và những sự tàn độc khác.

Chính phủ Việt Nam thay vì xây dựng niềm tin cho những cam kết nhân quyền, lại gia tăng đàn áp, và tiếp tục vi phạm các chuẩn mực cùng luật pháp quốc tế mà Hà Nội phê chuẩn.

Luật An Ninh Mạng đe dọa quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư của người sử dụng mạng toàn cầu. Luật này hình sự hóa việc chia sẻ thông tin về các vấn đề xã hội ; cho phép biện pháp kiểm duyệt Internet trái với yêu cầu minh bạch và quyền lợi của những nhà đầu tư Châu Âu vào Việt Nam.

Những tổ chức và đảng phái độc lập gửi thư ngỏ yêu cầu EU chỉ mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam khi chính phủ Hà Nội đáp ứng được những chuẩn mực nhân quyền đề ra trong thư của 32 nghị viên Châu Âu ngày 17 tháng 9 năm ngoái trong đó có việc loại bỏ những điều khoản trong luật hình sự trực tiếp vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Tiếp đến là phải tuân thủ những nguyên tắc lao động mà Hà Nội đề nghị phê chuẩn, đặc biệt các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế gồm công ước 87 về quyền tổ chức, công ước 98 về quyền thương lượng tập thể, và công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Điểm thứ ba là phải thực thi những khuyến nghị do các cơ quan giám sát của Liên hiệp quốc đưa ra.

EVFTA được ký vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 ; tuy nhiên hiệp định này cần phải được nghị viện Liên Minh Châu Âu và quốc hội Việt Nam phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành.

Nhưng cho đến ngày 30 tháng Sáu, 2019 khi đặt bút ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA tại Hà Nội, chỉ mới một phần rất nhỏ trong toàn bộ nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2018/2925 (RSP) do nghị viện Châu Âu tung ra vào giữa tháng Mười Một, 2018 được phía Việt Nam đáp ứng.

Những bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng "vươn lên một tầm cao mới" của chính thể độc tài ở Việt Nam chắc chắn sẽ là những gì mà nhiều nghị sĩ EU không thể bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp định EVFTA. Một cái gật đầu dễ dãi của nghị viện Châu Âu đối với EVFTA sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan này yêu sách vào tháng Mười Một năm 2018, khiến uy tín lẫn hình ảnh của nghị viện Châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng Châu Âu đã từng hoãn việc ký kết EVFTA, mà nguồn cơn thực chất là do vô số vi phạm nhân quyền của chính thể độc tài ở Việt Nam.

Vào lúc này và khi thời điểm Nghị viện Châu Âu xem xét bỏ phiếu EVFTA ngày càng đến gần, chính thể độc tài đó đang tìm cách thúc giục EU sớm thông qua EVFTA, nhưng sẵn sàng qua mặt EU thêm một lần nữa bằng những hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ hoàn toàn đầu môi chót lưỡi. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 04/10/2019

********************

Bộ Ngoại giao Đức xác nhận luật sư Đặng Đình Mạnh không thể đến gặp Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp (RFA, 04/10/2019)

Một nguồn tin chính thức từ văn phòng đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Đức hôm 4/10 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do việc luật sư Đặng Đình Mạnh đã không thể đến gặp Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức, ông Christian Lange hôm 30/9 vừa qua.

chau3

Hình minh họa. Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức Christian Lange và ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ở Hà Nội hôm 2/10/2019 - Courtesy of vksndtc.gov.vn

Hôm 1/10, luật sư Đặng Đình Mạnh xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin ông bị an ninh mặc thường phục ngăn cản không cho ra khỏi nhà vào sáng ngày 30/9 để gặp phái đoàn của Quốc vụ khanh Bộ tư Pháp Cộng hòa liên bang Đức đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo luật sư Lê Công Định, người tham gia cuộc gặp, có 5 luật sư được mời gặp đoàn để cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống luật pháp của Việt Nam cho phái đoàn. Chỉ có một mình luật sư Mạnh bị cản trở.

Luật sư Đặng Đình Mạnh là người đã tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và dân bị mất đất ở Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng có ai đó không muốn ông dự họp để có thể cung cấp những thông tin, quan điểm, cách nhìn của ông và sẽ không tốt cho chính quyền.

Theo trang web của Bộ Tư pháp Việt Nam, vào sáng ngày 1/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Quốc vụ Khanh Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức Christian Lange đã ký kết Chương trình hợp tác 3 năm (2019 – 2020) khuôn khổ chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền.

Chương trình tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong các lĩnh vực bao gồm : pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, phát luật dân sự và tố tụng dân sự, kinh tế và lao động, tố tụng hành chính, tài phán hành chính, thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên, tăng cường năng lực chuyên môn cho những người hành nghề trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

 

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)