Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được ‘yên nghỉ’ thực sự
An Viên, VNTB, 06/10/2019
Ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 04/10 công khai đề nghị các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thực hiện đúng di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Di chúc, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn được chôn cất đàng hoàng chứ không muốn bị bêu xác cho người bàng quang đến xem
"Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. […] Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. […] Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi" – Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Blogger Trương Huy San thông tin thêm, ngoài ông Nguyễn Đình Bin, thì nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cũng có đề xuất liên quan đến ‘hỏa táng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh’ nhằm thực hiện đúng ‘di chúc của Người’ trong một cuộc hội thảo văn hóa diễn ra tại Hà Nội trong năm nay.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được cho là phản ánh một ý chí chủ quan và cá nhân của một tập thể người, hoàn toàn không tôn trọng ý chí – nguyện vọng người đã mất. Sự tồn tại của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho toàn bộ những quan điểm ‘cần – kiệm – liêm – chính – chí – công – vô – tư’ của ông bị biến dạng. Lãnh tụ một thời của người Cộng sản hoàn toàn bất lực trước những người từng coi ông là ‘Bác, Cha già’.
Lăng Chủ tịch vẫn nằm trong diện cung cấp của vốn đầu tư công, và tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Bin và ông Phạm Quang Nghị có lý khi đề nghị/ yêu cầu các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thực hiện đúng yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống, trong bối cảnh mà nguồn tiền ngân sách đầu tư cho các hạng mục công khác đang ‘cần – kiệm’. Và sự tồn tại một thi hài trong hệ tín ngưỡng, phong tục tập quán Việt Nam ‘sống ở, thác về’ là điều không cần cần thiết.
Trường hợp thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục bị giữ trong lăng theo ý chí lãnh đạo, thì vô hình chung, chính những nhà lãnh đạo hiện thời đã biến Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một Stalin – một người từng cai trị Liên Xô bằng quả đấm sắt và hình thành chủ nghĩa cá nhân đặc sệch.
‘Chủ nghĩa cá nhân’ từng bị Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án trong suốt quãng đời của mình. Nổi tiếng nhất là di huấn và là tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Stalin qua đời vào năm 1953, và ông nằm cạnh Lenin trong khu lăng mộ ở Quảng trường Đỏ.
Trong tang lễ của ‘lãnh tụ vĩ đại’, Chính quyền Xô Viết đã vinh danh ông bằng ngôn ngữ thống-thiết-cộng-sản. "Người là trái tim của đồng đội và là người kế tục thiên tài của Lenin, nhà lãnh đạo và nhà giáo khôn ngoan của Đảng Cộng sản và Liên Xô".
Tuy nhiên, trong vài năm sau cái chết của Stalin, nhà cầm quyền Liên Xô đã thống nhất lên án nhà lãnh đạo tàn bạo. Và vào tháng 10/1961, thi thể của ông đã được đưa ra khỏi Quảng trường Đỏ và được an táng ở một ngôi mộ gần đó.
Đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏa táng, chính là thực hiện cam kết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và giữ gìn đạo đức cách mạng của ông. Và thực tế, những nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải nhìn nhận sâu sắc điều này, thực thi điều này trong thực tiễn, thay vì qua sự rao giảng không hồi kết.
Hãy để cái chết của một lãnh tụ bình dị như vốn có trong di chúc của ông.
Hãy đến với nước Mỹ, nơi có nghĩa trang quốc gia Arlington, một ngôi mộ màu trắng ngoài trời và được canh gác bởi người lính với 21 bước và 21 giây chờ đợi trước khi trở súng. Ngôi mộ màu trắng đơn sơ tượng trưng cho 2.111 chiến sĩ vô danh trong nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ.
Và tại đài tưởng niệm có khắc dòng chữ : "Sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt của họ không thể xác định được. Nhưng tên và cái chết của họ được ghi nhận trong văn khố nước Mỹ, và đồng bào của họ vinh danh họ với lòng biết ơn như đối với các liệt sĩ. Cầu mong cho họ yên nghĩ trong sự bình an".
Vào năm 2016, Giáo sư Ngô Bảo Châu trong dịp 126 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ trên Facebook cá nhân của mình.
"Có quý mến ai thì mong họ sớm thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".
Quả thực, ‘vinh danh và biết ơn’ không phải vì lăng mộ to và đẹp, mà bởi ‘tên và cái chết đã được ghi nhận’ trong tâm thức và sách vở của thế hệ về sau này. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được hưởng điều đó, ít nhất là ‘yên nghĩ trong sự bình an và toại tâm (nguyện’.
Tôn trọng di chúc, đó là sự tôn vinh không ngừng đối với nhà lãnh đạo, những người với lòng khiêm tốn về cái chết của chính mình trong lời nhắc cuối cùng.
An Viên
Nguồn : VNTB, 06/10/2019
*****************
Cựu ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị cho rằng : hỏa táng thi hài "Bác" là thực hiện di chúc và "Người"
Huy Đức, Osinhuyduc, 05/10/2019
Hôm qua, sau khi đăng đề nghị hỏa táng thi hài Hồ Chí Minh của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, tôi mới biết là trước đó, một nhà lãnh đạo cao cấp hơn của Đảng, Ủy viên Bộ chính trị 2 khóa (X & XI), Phạm Quang Nghị cũng đã công khai đề nghị hỏa táng thi hài "Bác" trong "Hội thảo 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)".
Từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông Phạm Quang Nghị đặt vấn đề rất chính trị. Ông cho rằng : "Phần cuối Di chúc Người viết 'Về việc riêng'. Nói về việc riêng nhưng cũng là những mong muốn đem lại lợi ích cho dân, cho nước".
Ông viết tiếp : "Người dùng từ 'yêu cầu' để nhấn mạnh mong muốn của Người : Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lai không tốn đất ruộng". Người còn gạch dưới hai từ"đốt đi" như để con cháu không phải phân vân, lo ngại khi thực hiện những lời Người dặn".
Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện tiếp phần cuối cùng trong Di Chúc, phần nói về "việc riêng". Ông cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc rất kỹ khi di chúc điều này. Ý kiến của ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị không chỉ được đọc công khai trong Hội thảo mà vừa mới đây, còn được đăng lại trên tạp chí khoa học lịch sử Xưa & Nay. Chắc chắn trong Đảng hẳn đã có rất nhiều người suy nghĩ như ông Phạm Quang Nghị.
Các giải pháp này trên mạng xã hội đã từng nói tới, nhưng lần đầu tiên được đề nghị chính thức bởi một nhà ngoại giao khả kính, một chính trị gia cao cấp - nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao - ông Nguyễn Đình Bin : Hỏa táng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ; Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng ; Giữ gìn Lăng như hiện tại (sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia).
Huy Đức
Nguồn : Osinhuyduc, 05/10/2019
*******************
Kiến nghị về thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguyễn Đình Bin, 30/07/2019
Thưa các bạn làng Phây,
Vừa qua, tôi có trình lên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng & Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến nghị với nội dung nói trên.
Kiến nghị trình Quốc hội tôi đã gửi tới bà Chủ tịch và tất cả các vị Lãnh đạo quốc hội, cũng như tới các vị Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội chuyên trách 63 tỉnh, thành trong cả nước, với lời đề nghị làm ơn giúp cho sao và gửi tới tất cả các vị Đại biểu quốc hội trong Đoàn.
Tôi đã nhận được công văn số 299/BDN ngày 13/08/2019 của Ban Dân nguyện của Quốc hội, do Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải ký, thông báo "Chủ tịch Quốc hội đã nhận được thư kiến nghị" và "xin trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe của Chủ tịch Quốc hội đến ông cùng toàn thể gia đình".
Hôm nay, đúng ngày giỗ lần thứ 55 ông nội tôi, người đã luôn răn dậy tôi "Nhân bất học bất tri lý", "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Giấy rách phải giữ lấy lề" và Trung ương Đảng và Quốc hội sắp họp, tôi xin chia sẻ toàn văn kiến nghị đã trình Quốc hội.
Xin mời bạn nào quan tâm :
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2019
Kính gửi :
- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch và các vị Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ;
- Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Trưởng ban Dân nguyện ;
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ;
- Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trước hết, tôi xin gửi tới Bà Chủ tịch và các Quý vị lời chào trân trọng.
Tôi là Nguyễn Đình Bin, cử tri, hiện cư trú tại phòng…, Nhà…, Khu Đô thị mới Mỹ Đình, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội.*
Thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân đã được hiến định, sau khi đã suy nghĩ, cân nhắc nung nấu từ rất lâu, hôm nay tôi viết kiến nghị này kính trình lên Quốc hội xem xét.
Tôi nghĩ : nay là thời điểm thích hợp để nêu lên và giải quyết vấn đề này, nhân dịp sắp tới Giỗ lần thứ 50 Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là kỷ niệm 74 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu Thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc ta, và đúng nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Thưa Bà Chủ tịch và các Quý vị,
Chúng ta đều đã biết :
Về việc riêng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc :
"Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn.
Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão".
Vậy mà, lời "yêu cầu" ấy của Người, 50 năm đã trôi qua, đến nay vẫn chưa được thực hiện, do "Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác" (thông báo của Bộ Chính trị khóa VI ngày 19/8/1989).
Trước tình hình thực tế đó, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét một giải pháp để vừa thực hiện được đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại vẫn tôn trọng và tiếp tục thực hiện được tinh thần cốt lõi quyết định nói trên của Bộ Chính trị khóa III, mà lại thực hiện một cách tốt hơn.
Giải pháp này sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp, đồng thời khắc phục được một số khiếm khuyết của cách làm cho đến nay, và tôi tin sẽ là giải pháp vĩnh viễn.
Tôi xin phép trình bầy cụ thể giải pháp này như sau :
1. Thực hiện đúng Di chúc, tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch hiện đang được gìn giữ tại Lăng, chia tro thành ba phần đều nhau, để vào ba quách và an táng đúng như Người đã "yêu cầu".
2. Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ để thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng. (Công nghệ làm tượng sáp trên thế giới nay đã đạt mức tuyệt hảo, hệt như người thật).
3. Giữ gìn Lăng như hiện tại. Lăng sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia rất đặc biệt, gắn với các sự kiện lịch sử oai hùng, khắc ghi công trạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, nơi nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục được đến thăm viếng Người, để mãi mãi tôn vinh Người.
4. Chọn ba ngọn đồi ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tốt nhất, đẹp nhất theo phong thủy và cảnh quan, lại thuận tiện cho mọi người tới thăm viếng, để an táng ba quách đựng tro hài cốt Người và xây dựng Đền thờ Người thật tôn nghiêm, thể hiện đúng công lao to lớn, đạo đức mẫu mực, nhân cách thanh cao của Người.
Đương nhiên mọi việc nói trên sẽ được thực hiện theo đúng thủ tục tâm linh truyền thống của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân ta tôn thờ như một vị Thánh. Ở nước ta cũng như trên thế giới có cả tượng Phật nằm. Nên, tượng sáp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nằm ngủ, được thực hiện theo đúng thủ tục tâm linh truyền thống của dân tộc như vừa nói đối với tượng Phật, tượng các vị thánh, vĩ nhân… thì cũng linh thiêng như các tượng khác của Người đang được thờ tại các Đền, Chùa, Khu di tích lịch sử, Bàn thờ… trên đất nước ta. Không có điều gì phải băn khăn cả.
Thực hiện giải pháp này sẽ đem lại các điều tốt đẹp sau :
1. Sau 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuối cùng, lời Người " yêu cầu" về việc riêng trong Di chúc đã được thực hiện, khắc phục được khiếm khuyết cho đến nay là đã không làm như vậy. Và thế là nay Người được toại nguyện.
2. Cũng theo tín ngưỡng dân gian, từ nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sẽ thực sự được " mồ yên, mả đẹp", thực sự được siêu thoát và yên nghỉ vĩnh hằng Nơi miền Cực lạc. Như vậy, sẽ không còn điều gì phải ưu phiền nữa. Quốc sẽ được Thái, Dân sẽ được An.
3. Sẽ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia hàng năm (không cần chi phí để giữ gìn thi hài Người nữa, Ban quản lý Lăng sẽ gọn nhẹ hơn nhiều, chỉ cần một bộ máy đủ để bảo vệ, quản lý Lăng và hướng dẫn khách đến viếng). Như thế, cũng là làm theo lời dậy của Người về thực hành "cần, kiệm…". Dùng khoản tiết kiệm được ấy để hàng năm làm các việc thể hiện được tình cảm đặc biệt của Người ghi trong Di chúc dành cho các cụ phụ lão và các cháu thiếu niên, nhi đồng, thì lại càng có ý nghĩa cao đẹp và thiết thực biết bao.
4. Nhân dân ta và bạn bè trên thế giới đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng sẽ được chiêm ngưỡng Người như lúc Người sinh thời, một niềm hạnh phúc mà cho đến nay không thể có được với thi hài Người hiện tại. Hơn nữa, mọi người sẽ được đến quanh năm chứ không phải như tới nay, hàng năm Lăng phải đóng cửa một thời gian để bảo dưỡng thi hài Người.
5. Ngoài Lăng ở Thủ đô Hà Nội, nhân dân ta và bạn bè quốc tế sẽ có thêm ba Đền thờ Người nữa để đến thăm viếng ở ba miền đất nước, lại thuận tiện hơn cho người bản địa, đúng theo mong muốn và quan điểm quần chúng của Người. Hơn thế nữa, đó sẽ là ba địa danh lịch sử mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh tôn vinh Người mà còn cả về văn hóa, tham quan, du lịch.
6. Việc làm này rất hợp lòng dân, thể hiện rõ tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, đã lắng nghe và đáp ứng đúng nguyện vọng sâu xa, chính đáng từ rất lâu rồi của nhân dân, sẽ tác động mạnh mẽ, góp phần khôi phục niềm tin, nâng cao uy tín của Quốc hội và Lãnh đạo đất nước trước quốc dân và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh đang tiến tới Đại hội Đảng XIII, việc làm này, cùng với đẩy mạnh chống tham nhũng, sẽ tạo ra một không khí phấn khởi mới trong cả nước, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta hăng hái tham gia thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Tôi cũng hiểu Quốc hội đã có chương trình làm việc năm nay, với rất nhiều quốc gia đại sự, và việc này không nằm trong chương trình nghị sự. Song, thực tế cuộc sống cho thấy luôn luôn xuất hiện vấn đề không lường trước đòi hỏi phải được giải quyết. Tôi thiển nghĩ: nửa thế kỷ đã trôi qua, các điều kiện thực sự đã chín muồi, và nay là thời điểm thích hợp nhất, tốt nhất để giải quyết việc này, như tôi đã lý giải ở trên. Và làm việc này cũng là tiếp tục tinh thần đổi mới liên quan đến ngày qua đời và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bộ Chính trị khóa VI đã khởi xướng, khi quyết định công bố ngày giờ thật sự Chủ tịch qua đời và toàn văn Di chúc của Người, được nhân dân ta rất hoan nghênh.
Tôi tin tưởng rằng : Nếu Quốc hội đưa ra trưng cầu dân ý thì chắc chắn sẽ được cử tri nhiệt liệt hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Thưa Bà Chủ tịch và các Quý vị,
Tôi nhận thức rõ đây là một việc hết sức hệ trọng và vô cùng nhậy cảm. Song tôi vẫn mạnh dạn trình lên Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước kiến nghị này, là do được khích lệ và thôi thúc bởi :
- Lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của bản thân và gia đình tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Những điều tốt đẹp việc làm này sẽ mang lại cho đất nước, cho nhân dân, cho Quốc hội và Lãnh đạo nước nhà, theo thiển nghĩ của tôi, như đã trình bầy ở trên.
- Tinh thần đổi mới mà Quốc hội thể hiện ngày càng mạnh mẽ.
Vậy, xin kính trình Quốc hội xem xét và quyết định theo thẩm quyền hiến định.
Tôi mong sẽ được biết ý kiến của Quốc hội về kiến nghị này.
Xin chúc sức khỏe Bà Chủ tịch, các vị Lãnh đạo và toàn thể các Quý vị Đại biểu Quốc hội.
Trân trọng,
Nguyễn Đình Bin
(đã ký)
Trân trọng đề nghị ông Nguyễn Hạnh Phúc làm ơn cho sao và chuyển giúp kiến nghị này tới tất cả các Quý vị Đại biểu Quốc hội. Xin chân thành cảm ơn.
--------------------------
*Sinh ngày 10/7/1944, tại thôn Thượng Đỗ, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cuối 1953 vào Đội thiếu niên kháng chiến chống Pháp tại quê vùng du kích. 15 tuổi vào Đoàn Thanh niên Lao Động Việt Nam. Vừa tròn 18 tuổi vào Đảng Lao động Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII. Một trong 10 người được phong hàm Đại sứ đợt đầu tiên. Nguyên : Thứ trưởng Thường trực, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài ; Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao ; Phó Bí thư Đảng ủy Khối Đối ngoại trung ương (trực thuộc Ban Bí thư) ; Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam ; Ủy viên các Ban chỉ đạo trung ương về Thông tin đối ngoại và Giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đại sứ tại Nicaragua kiêm nhiệm Ecuador và tại Pháp kiêm nhiệm Bồ Đào Nha".
Cảm ơn bạn đã quan tâm.
Nguồn : Osinhuyduc, 04/10/2019
*******************
Bất đồng về chuyện giữ xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh
Diễm Thi, RFA, 05/10/2019
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vừa có những bài viết khen ngợi công tác gìn giữ thi hài của ông Hồ Chí Minh suốt 50 năm qua kể từ năm 1969. Song song đó là kêu gọi tiếp tục duy trì công tác này lâu dài và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thi hài người quá cố.
Lực lượng trông coi lăng ông Hồ Chí Minh dọn cỏ trước lăng hôm 7/8/2000. AFP
Lâu nay trong công luận lại có những ý kiến thắc mắc về việc ướp xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vài năm trước đây trên mạng xã hội lan truyền một phần bản di chúc của ông Hồ Chí Minh về việc hậu sự cùng một nét chữ với phần di chúc được Nhà nước công bố trước đó. Trong đó ông viết :
"Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng".
Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người từng có thời gian dài sống và làm việc ở miền Bắc, cho rằng không nên duy trì thi hài ông Hồ mà nên đem thiêu theo di chúc được công khai như thế:
"Theo tôi thì nguyện vọng của ông Hồ là muốn được thiêu chứ đâu có đòi xây lăng rồi ướp xác quá tốn kém. Mà về phong thủy người ta cũng kiêng lắm, thi hài mà cứ đưa lên đưa xuống hoài thì dân làm sao mà làm ăn được, đất nước làm sao mà phồn thịnh được. Theo những gì về tâm linh thì tôi thấy nên thiêu đi như ông mong muốn. Như vậy vừa tốt cho phong thủy dân tộc, vừa tiết kiệm".
Bà nói thêm rằng bà đồng ý với việc thiêu xác rồi rải tro vì mỗi năm phải nuôi cả binh đoàn bảo vệ, phải bảo trì cái xác rồi nuôi cả đội ngũ những người về hưu, tốn kém nhiều lắm.
Với nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì trước hết phải làm xét nghiệm ADN. Ông không tin ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam, vì bút tích của ông Hồ có nét chữ rất xấu ‘như gà bới’ trong khi ông Hồ viết chữ Tàu rất đẹp. Ông đưa ra quan điểm ngắn gọn của mình về nhiều mặt :
"Theo tôi thì trước tiên phải xét nghiệm ADN xác ông Hồ Chí Minh rồi sau đó hãy thiêu. Về mặt tâm linh thì tôi nghĩ rằng muốn thiêu thì phải xem ngày giờ. Về mặt kinh tế thì quá rõ là việc giữ lại cái xác quá tốn kém. Hiện nay ngân sách Nhà nước coi như đã cạn queo rồi thông qua các thứ thuế, rồi xăng dầu, điện nước, phí BOT… đều leo thang. Mỗi tháng tốn hàng đống tiền cho việc bảo quản là có tội với người dân".
Dù hàng trăm đầu báo chính thống trong nước chưa bao giờ đặt ra nghi vấn việc ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, người có thi hài đang nằm trong lăng, có phải là người Việt Nam hay không, nhưng trong những năm qua dấy lên thông tin ông Nguyễn Ái Quốc là người Trung Quốc.
Năm 2008, Đài Loan xuất bản cuốn sách "Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh" (Hồ Chí Minh sinh bình khảo), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành. Tác giả là Hồ Tuấn Hùng, giáo sư đã từng dạy học hơn 30 năm, tốt nghiệp trường Đại Học Quốc Lập Đài Loan, khoa lịch sử. Người dịch ra tiếng Việt Nam là Thái Văn
Cuốn sách chứng minh ông Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Cung, mà là Hồ Tập Chương người Đài Loan, Trung Hoa với lý giải ông Nguyễn Ái Quốc bị bạo bệnh, đã mất năm 1932, đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn một sĩ quan tình báo trong cục Tình báo Hoa Nam đóng giả, thay thế Nguyễn Ái Quốc để duy trì phong trào cách mạng ở Đông Dương.
Là một người từng sống qua hai chế độ, bà Đức nêu ý kiến của mình về việc giữ thi hài ông Hồ hiện nay :
"Tôi nghĩ ngay đến điều quan trọng là ông Hồ Chí Minh, người ta đã nói nhiều rồi, đã tìm hiểu nhiều rồi, ông không phải là người Việt Nam. Như thế thì không việc gì phải giữ cái xác ở đấy. Mà nếu ông Hồ có là người Việt Nam chăng nữa thì chuyện tốn kém để bảo quản vẫn là quan trọng, tôi không thay đổi ý kiến. Ông Hồ mất bao nhiêu năm rồi, đất nước thì nghèo mà lấy tiền đóng thuế của dân ra bảo quản cái xác đó.
Hơn nữa ông là người đem chế độ cộng sản vào đưa đất nước đến nỗi như thế này thì can cớ mình gì phải giữ. Không ích lợi gì hết !".
Một phần di chúc của ông Hồ Chí Minh nói về việc hậu sự. File photo
Thầy giáo Chế Quốc Long nhận định việc ướp xác không nói lên tầm cỡ lãnh tụ, mà tầm cỡ lãnh tụ phải là những việc họ làm, di sản họ để lại cho dân cho nước. Di sản của ông Hồ Chí Minh là đem chế độ cộng sản về Việt Nam, mà những gì chế độ cộng sản đã làm thì thế giới đã chứng minh. Có thể nói đó là ung nhọt của nhân loại mà đáng tiếc là chính phủ Việt Nam vẫn cố duy trì và níu kéo cái ung nhọt đó. Ông nói thêm :
"Độc tài và tàn ác. Di sản này cần phải dẹp bỏ mà việc đầu tiên là dẹp bỏ những biểu tượng liên quan đến ông Hồ Chí Minh. Tôi thấy không cần phải giữ cái thi hài đó làm gì. Quá tốn kém vì phải duy trì cái lăng rồi phải duy trì lực lượng bảo vệ, lễ nghi mà nó chẳng đem lại một lợi ích thiết thực nào hết".
Trên thế giới hiện chỉ còn vài nước lưu xác lãnh tụ như Lãnh tụ Xô viết, Lenin mất ngày 21/04/1924 ; Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969 ; Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông mất ngày 9/9/1976 ; Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời ngày 17 tháng 12 năm 2011.
Một năm sau ngày ông Kim Jong-il mất, Bình Nhưỡng mới úp mở thi hài được bảo quản trong trang phục khaki nổi tiếng. Ông Kim nằm dưới cha ông, Kim Nhật Thành, một vài tầng nhà trong Cung kỷ niệm Kumsusan.
Truyền thông Việt Nam vào ngày 10/5 thuật lại quá trình giữ xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó từ khi qua đời vào sáng ngày 2/9/1969, thi hài ông Hồ Chí Minh được chuyển về Quân y viện 108 để các y bác sĩ và các chuyên gia Liên Xô thực hiện các bước bảo quản. Trong sáu năm sau đó, thi hài ông Hồ được di chuyển tổng cộng sáu lần. Lần đầu từ Hà Nội lên Ba Vì, lần cuối từ Ba Vì về lại Hà Nội và giữ trong lăng từ ngày 18 tháng 7/1975 đến nay.
Báo Hà Nội Mới dẫn lời Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, trong giai đoạn sáu năm đầu, việc gìn giữ, bảo vệ thi hài rất vất vả vì cơ sở vật chất còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên môn mỏng. Đến ngày 29/08/1975, khi lăng được khánh thành thì nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài ông Hồ chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu rất cao.
Ngày 28/08/2018, văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo kết luận, nhiệm vụ bảo vệ lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn thi hài của người nằm trong lăng là ‘nhiệm vụ chính trị vinh dự, thiêng liêng cao quý mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho Ban quản lý Lăng’.
Diễm Thi
**************
Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin kiến nghị hỏa táng ông Hồ Chí Minh
VOA, 04/10/2019
Ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 04/10 công khai đề nghị các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nên hỏa táng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bức thư mà ông Nguyễn Đình Bin cho biết trên Facebook là đã gửi cho Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, và Quốc hội, có đoạn : "Tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét một giải pháp để vừa thực hiện được đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Giải pháp này sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp, đồng thời khắc phục được một số khiếm khuyết của cách làm cho đến nay, và tôi tin sẽ là giải pháp vĩnh viễn".
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu 4 giải pháp :
"Thực hiện đúng Di chúc, tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch hiện đang được gìn giữ tại Lăng, chia tro thành ba phần đều nhau, để vào ba quách và an táng đúng như Người đã " yêu cầu".
Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ để thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng. (Công nghệ làm tượng sáp trên thế giới nay đã đạt mức tuyệt hảo, hệt như người thật).
Giữ gìn Lăng như hiện tại. Lăng sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia rất đặc biệt, gắn với các sự kiện lịch sử oai hùng, khắc ghi công trạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, nơi nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục được đến thăm viếng Người, để mãi mãi tôn vinh Người.
Chọn ba ngọn đồi ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tốt nhất, đẹp nhất theo phong thủy và cảnh quan, lại thuận tiện cho mọi người tới thăm viếng, để an táng ba quách đựng tro hài cốt Người và xây dựng Đền thờ Người thật tôn nghiêm, thể hiện đúng công lao to lớn, đạo đức mẫu mực, nhân cách thanh cao của Người".
Ông Nguyễn Đình Bin, 75 tuổi, viết : "nay là thờ i điểm thích hợp để nêu lên và giải quyết vấn đề này, nhân dịp sắp tới Giỗ lần thứ 50 Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là kỷ niệm 74 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu Thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc ta, và đúng nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người".
Chỉ vài tiếng sau khi đăng, thư kiến nghị trên Facebook của ông đã được hơn 1 ngàn người "thích".
Thư kiến nghị của ông đề ngày 30/07/2019 và ông đã nhận được phản hồi với làm cảm ơn và chúc sức khỏe của Ban Dân nguyện Quốc hội ngày 13/8/2019.
Vào tháng 6/2019, Việt Nam đã thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt gọi là Hội đồng khoa học y tế cấp nhà nước, trong đó có 4 nhà khoa học Nga, để giúp bảo quản thi hài đã ướp trong 50 năm qua của ông Hồ Chí Minh, người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong di chúc cuối cùng, ông Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng, nhưng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam viện "nguyện vọng và tình cảm của nhân dân", nên đã quyết định ướp xác ông "để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác".
Đáp lại đề xuất của ông Bin, Facebooker Hao Tran viết : "Hoàn toàn có lý khi đưa ra một kiến nghị sau 50 năm thi hài của chủ tịch HCM đã được trải nghiệm với thời gian . Một kiến nghị nghiêm túc, tâm huyết, hợp lòng dân, đặc biệt đúng Di chúc của Người, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phù hợp đạo lý và tính phổ cập trên toàn thế giới. Hoan nghênh anh Bin và mong Quốc hội xem xét nghiêm túc và sớm thực hiện đúng Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh".
Ông Nguyễn Đình Bin cho biết trên Facebook rằng ông là một trong 10 viên chức ngoại giao được phong hàm Đại sứ đợt đầu tiên, từng là đại sứ tại Nicaragua và tại Pháp, ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, Thứ trưởng Thường trực, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao.
*****************
Nhà ngoại giao kỳ cựu công khai đề nghị hỏa táng thi hài Hồ Chí Minh
BBC, 04/10/2019
Một cựu thứ trưởng ngoại giao Việt Nam vừa công khai đề nghị Đảng Cộng sản tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hợp tác Nga - Việt đã giúp cho công tác bảo quản thi hài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh nửa thế kỷ qua
Ông Nguyễn Đình Bin, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, công bố trên Facebook lá thư ông gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong thư, ông Nguyễn Đình Bin đề xuất :
"1. Thực hiện đúng Di chúc, tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch hiện đang được gìn giữ tại Lăng, chia tro thành ba phần đều nhau, để vào ba quách và an táng đúng như Người đã " yêu cầu".
2. Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ để thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng. (Công nghệ làm tượng sáp trên thế giới nay đã đạt mức tuyệt hảo, hệt như người thật).
3. Giữ gìn Lăng như hiện tại. Lăng sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia rất đặc biệt, gắn với các sự kiện lịch sử oai hùng, khắc ghi công trạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, nơi nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục được đến thăm viếng Người, để mãi mãi tôn vinh Người.
4. Chọn ba ngọn đồi ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tốt nhất, đẹp nhất theo phong thủy và cảnh quan, lại thuận tiện cho mọi người tới thăm viếng, để an táng ba quách đựng tro hài cốt Người và xây dựng Đền thờ Người thật tôn nghiêm, thể hiện đúng công lao to lớn, đạo đức mẫu mực, nhân cách thanh cao của Người".
Lá thư viết ngày 30/7, được gửi cho Chủ tịch quốc hội Việt Nam và vừa được ông Nguyễn Đình Bin công bố trên Facebook cá nhân.
Ông cho rằng : "Nửa thế kỷ đã trôi qua, các điều kiện thực sự đã chín muồi, và nay là thời điểm thích hợp nhất, tốt nhất để giải quyết việc này".
Sau khoảng 10 tiếng đăng tải, bài này đã được hơn 300 người chia sẻ trên mạng.
Hồi tháng 7 năm nay, các nhà khoa học Nga và Việt Nam đã tiến hành việc đánh giá trạng thái thi hài của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ sau Lenin, các chuyên gia ướp xác của Liên Xô và Nga đã thực hiện công việc tương tự với lãnh tụ cộng sản Bulgaria, ông Giorgi Dimitrov (1949), Joseph Stalin (1953), Hồ Chí Minh (1969), hai cha con ông Kim Nhật Thành (1994) và Kim Chính Nhất (2011).
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2/9/1969 ở Hà Nội.
Khi Di chúc của Hồ Chủ tịch lần đầu công bố năm 1969, Hà Nội bỏ đoạn mà Hồ Chí Minh viết năm 1968 :
"Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn".
"Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão".
Trước đó, năm 1965, trong bản thảo di chúc lần đầu, Hồ Chủ tịch cũng viết như vậy.
Mãi đến năm 1989, Hà Nội mới cho công bố đoạn này.
Tuy vậy, Đảng cộng sản Việt Nam nói "thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân", nên Bộ Chính trị đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch.
Có ý kiến nói Việt Nam không có truyền thống để thi hài người đã khuất cho đời sau xem, và đây là một mô thức du nhập về từ Liên Xô.
Nhưng ngay tại Liên bang Nga ngày này cũng đang có luồng dư luận muốn đưa Lenin ra khỏi lăng đi mai táng.
Hồi năm 2017, Viện Duma đã ra luật quy định lại cách mai táng Lenin để đưa thi hài ông đi chôn nhưng Điện Kremlin không cho thực hiện.