Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2018

Tham nhũng giết chết đảng và chủ nghĩa cộng sản trên đất Việt

Nguyễn Đăng Quang

Tham nhũng là thủ phạm giết chết Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ thuyết Mác Lênin trên đất Việt

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có bài viết "Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động"  (*) công bố vào đúng ngày xét xử 2 đại án tham nhũng hôm 8/1/2018 vừa qua.

Ngay lập tức bài viết đã nhận được nhiều ý kiến, bình luận, phê phán trên nhiều phương diện khác nhau ; có người chê, kẻ khen, và tất cả các người khen hay chê đều có lập luận riêng của mình, khó ai có thể bác bỏ được. 

tham1

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Riêng người viết bài này xin có lời hoan nghênh bài viết của ông Tư Sang, vì đây là một bài viết khá tâm huyết, thể hiện nỗi lo âu của người ít ra còn có suy nghĩ về trách nhiệm với dân, với nước.

Việc ông Tư Sang lo cho sự sụp đổ của Đảng, của chế độ là có cơ sở, rất đúng và nhãn tiền. Nhưng việc ông lo cho sự tồn vong của đất nước, tôi cho là ông đã sai và nhầm lẫn. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam không thể tiêu vong, sẽ luôn trường tồn và chắc chắn sẽ phát triển, hạnh phúc hơn khi "Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đồng hành với dân tộc" nữa. Đây là điều hiển nhiên.

Chính ông Tư Sang đã chứng minh điều đó trong bài viết của mình bằng cách trích dẫn lịch sử nước nhà qua các Vương triều Việt Nam. Lịch sử thế giới cuối thế kỷ XX đã chứng minh hùng hồn : Dân tộc Nga cũng như các nước Đông Âu vẫn trường tồn và lớn mạnh, đất nước của họ càng phát triển và hạnh phúc hơn khi các đảng cộng sản ở đây tan rã và sụp đổ. Nguyên nhân vì sao ư ? Đơn giản, bởi thể chế toàn trị mà chế độ độc tài đảng trị đã áp đặt lên các dân tộc và quốc gia này vào nửa sau của thế kỷ XX đã bị người dân đạp đổ không thương tiếc. Đây là một thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận.

Ông Tư Sang là một trong số hiếm hoi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ít có điều tiếng xấu, và sau khi nghỉ hưu còn được ít nhiều người dân quý trọng. Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại một câu nói của ông Tư Sang lúc còn đang chức : "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bấy sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là "chết" cái đất nước này".

Còn đối với các ông "nguyên" khác như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Sinh Hùng… và đặc biệt là 2 ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, tôi cho là không thể và không dám viết như ông Tư Sang. Lý do vì sao ư ? Đơn giản bởi chính các ông này khi còn tại chức đã góp phần và có trách nhiệm không nhỏ làm cho đất nước lụn bại, lâm vào tình cảnh bi đát đến mức mà ông Tư Sang phải thốt lên : "Nếu tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu ?".

Người viết bài này cũng đã nhiều dip bày tỏ chính kiến về quốc nạn tham nhũng ở nước ta. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, ở đâu cũng có, song mức độ thì mỗi nước một khác. Ở nước ta, tham nhũng không chỉ là căn bệnh trầm kha mà nó đang lớn mạnh theo tỷ lệ thuận với chiến dịch chống lại nó. Đây là một nghịch lý kỳ quặc. Tham nhũng là căn bệnh ung thư không chỉ hủy hoại thể chế xã hội mà nó hủy hoại cả ngay chính đảng cầm quyền.

Đảng Cộng sản Việt Nam biết rõ điều này nhưng lại khoanh tay bất lực. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6/1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Nhưng đến nay, đã qua 6 kỳ Đại hội Đảng và 4 đời tổng bí thư, căn bệnh ung thư tham nhũng lại càng lớn mạnh thêm. Càng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chống nó, thì nó lại càng sống khỏe.

Nạn tham nhũng bắt đầu lớn mạnh trong 10 năm khi ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư (2001-2011), và nay nó phát triển lớn mạnh thành đại dịch sau khi ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Mạnh làm Tổng bí thư từ 2011 đến nay. Bọn tham nhũng không chỉ là "bầy sâu" nữa mà đã trở thành "tập đoàn sâu" cả rồi. Hai đại án tham nhũng đang xét xử ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của quốc nạn tham nhũng. Hai đại án trên chỉ là phần nhỏ nhô lên của tảng băng chìm tham nhũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Cổ nhân đã cảnh báo chúng ta : "Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục". Câu này có nghĩa là "Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử". Vâng, sư tử khỏe mạnh là chúa tể rừng xanh, một tiếng gầm vang lừng của nó làm muôn thú run sợ, nói chi đến việc dám lại gần nó, dám mó vào dái nó hay vật ngã nó. Đó là những con sư tử khỏe mạnh và như thế nó là vô địch. Nhưng một điều không thể tránh khỏi là con sư tử kia sẽ ngã quỵ một khi bầy sâu trong cơ thể nó ngày một sinh sôi và lớn mạnh.

Chúng ta đều thấy, khắp nơi nơi trên đất nước ta nhan nhản những khẩu hiệu oai phong như "Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm", "Chủ nghĩa Mác Lênin vô địch muôn năm"… làm ta liên tưởng đến sự vô địch của con sư tử. Vâng, nó vô địch thật nếu nó không bị lũ sâu bọ kia đục khoét. Nhưng tiếc thay, con sư tử oai hùng đó đang mang trong cơ thể của nó cả một "bầy sâu". Điều đương nhiên không thể tránh khỏi, con sư tử đó sẽ ngã quỵ một ngày. Đây là quy luật tất yếu.

Cách đây 6 năm, tháng 1/2012, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nhị quyết trung ương 4 (Khóa XI). Nghị quyết này nhận định "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp - suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống…". Nhưng 6 năm qua nạn tham nhũng và suy thoái trong nội bộ Đảng ngày càng trầm trọng. Bộ phận không nhỏ kia ngày một lớn mạnh.

Đầu năm 2013, trước khi bị kết án 2 năm tù giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…", nhà báo Trương Duy Nhất có viết : "Hồi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nghe nói "nhà dột từ nóc". Đến giờ, hình như "cái nhà" ấy không những dột từ nóc mà "dột nhiều chỗ khác nữa". "Dột nhiều chỗ khác" là cách nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, chứ thực ra không phải dột mà nhiều chỗ đã thực sự… mục nát rồi" . Rõ ràng là cái nhà đó không chỉ dột từ nóc mà nó dột nhiều nơi, nhiều chỗ khác trong ngôi nhà này rồi. Một ngôi nhà đã dột nát và mục ruỗng khắp nơi như vậy, thử hỏi ai trong chúng ta có thể sống trong ngôi nhà như thế ?

Nay nhà báo Duy Nhất đã ra tù, song tình hình suy thoái và vấn nạn tham nhũng trong Đảng như ông đã đề cập không những không bị đẩy lùi, ngược lại nó càng trầm trọng hơn. Đề cập đến quốc nạn tham nhũng ngày nay, nhiều người cho rằng loại tham nhũng tệ hại và nguy hiểm nhất chính là tham nhũng quyền lực và tham nhũng chính trị.

Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam là cái nôi sản sinh ra tham nhũng, trong khi ta lại chưa có thiết chế kiểm soát quyền lực. Chính bọn sâu bọ tham nhũng lại là những kẻ to mồm nhất trong việc hô hào chống tham nhũng và ra sức bảo vệ cái cơ chế đã sản sinh ra chúng. Nói một cách nôm na, bọn chuột bọ tham nhũng sinh ra và ẩn nấp trong cái BÌNH nào thì chúng tìm mọi cách bảo vệ cái BÌNH ấy, không để bất cứ ai ném vỡ nơi trú ẩn của chúng. Nói như tác giả Xuân Dương của báo GDVN là bọn tham nhũng hiện đã liên kết với nhau và đã trở thành các "nhóm lợi ích bán nước, hại dân", ngang nhiên tồn tại trong nội bộ Đảng và hệ thống chính quyền. 

Không thể chống tham nhũng bằng cơ chế độc quyền, độc đảng. Càng không thể tiêu diệt nạn tham nhũng chỉ bằng những văn bản suông như quyết định, nghị quyết, chỉ thị được. Chỉ có thể chống lại nó, ngăn chặn và tiêu diệt được tệ nạn này bằng cơ chế pháp luật nghiêm khắc. Đặc biệt bộ máy nhà nước phải được thiết kế và tổ chức sao cho 3 nhánh quyền lực (gồm tư pháp, hành pháp và tư pháp) phải độc lập thật sự với nhau, phải đối trọng với nhau và có thể kiểm soát và giám sát lẫn nhau, đồng thời phải thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội, nghĩa là phải có xã hội dân sự. Một cơ chế như vậy mới có thể kiềm chế được quyền lực, và mới đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, chuyên quyền và độc quyền như hiện nay. Đó chính là cơ chế tam quyền phân lập của nhà nước pháp quyền thật sự, chứ không thể là cơ chế tam quyền nhất lập xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của một thiết chế siêu quyền lực là Đảng Cộng sản Việt Nam như hiện nay.

Nguyễn Đăng Quang

Nguồn : VNTB, 15/01/2018

------------------

(*) Đọc thêm :

Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động

Trương Tấn Sang, VoV.vn, 08/01/2018

Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai.

Trải qua mấy nghìn năm dựng và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, dân tộc ta cũng từng nếm trải biết bao nỗi cay đắng, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Những bài học từ lịch sử còn giúp chúng ta tự nhận thức chính mình...

tham2

Ông Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh : TTXVN

Nhiều năm công tác tại đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi thường đi ngang qua Hoàng Thành, qua Hồ Tây, khi sáng sớm tinh sương hay lúc chiều nắng tắt. Có lúc tôi dừng lại bên những dấu tích của thời đại vàng son Lý - Trần, hoặc ngắm nhìn Hồ Tây sương khói, ngẫm nghĩ về những thời kỳ thịnh, suy của đất nước, về những lẽ hưng vong của thời cuộc.

Cứ mỗi lần như vậy, trong đầu tôi lại thoáng hiện lên câu thơ "Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong" (Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong) trong bài thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng (Ngày xuân thăm Chiêu Lăng) của Vua Trần Nhân Tông. Câu chuyện thời Nguyên Phong phá giặc Mông Cổ, trận đánh của người Việt làm kinh động cả thế giới, vẫn luôn được các lão chiến binh kể lại cho con cháu và trở thành điểm tựa sức mạnh để quân dân Ðại Việt tiếp tục thắng cường địch Nguyên - Mông lần hai, lần ba.

Lịch sử luôn có một sức mạnh như thế ! Những giây phút thả mình vào lịch sử cũng đã hình thành trong tôi nhiều suy nghĩ và hành động.

Vừa may, khi có anh bạn vong niên tặng bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tôi đọc và thấy nhiều điều tâm đắc. Tiểu thuyết là sáng tạo của nhà văn nhưng nó phản ánh thực tại đời sống và mang lại những chiêm nghiệm quý giá.

Nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần nói với Ðức ông Trần Thủ Ðộ : trì quốc chứ không phải trị quốc ; trì quốc khó hơn nhiều, làm được điều đó mới đảm bảo được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông. Giữ nước là công việc của trăm họ, của muôn dân còn trị nước chỉ là công việc của một số ít người.

Triều đình nào cũng thế, vua nào cũng vậy, lập thân, lập quốc bằng nhiều con đường khác nhau nhưng khi đã nắm quyền tất thảy đều phải xây dựng tính chính Danh : khi nhà Trần soán ngôi nhà Lý ấy là bởi nhà Lý lúc ấy đã mạt, không còn điều khiển, kiến thiết được quốc gia, giặc dã nổi lên khắp nơi, ngoại bang nhòm ngó. Nhà Trần lên ngôi định đoạt, cơ đồ vững như bàn thạch ấy là bởi xã hội lấy lại được thế quân bình, dân chúng an cư, lạc nghiệp, triều đình tựa được vào lòng dân. Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác.

Năm 1258, sau hơn 30 năm xác lập vương triều, Trần Thái Tông, Hoàng đế đầu tiên của nhà Trần đã cùng với tôn thất vực dậy được một dân tộc vốn ốm yếu, loạn lạc giai đoạn cuối đời Lý Huệ Tông, trở thành một cường quốc được lân bang nể trọng, đủ sức lãnh đạo toàn dân đánh bại đạo quân Mông Cổ hùng mạnh. Kỳ tích đánh bại đế quốc Nguyên - Mông dưới triều Trần không dừng lại ở đó. Năm 1285 và 1288, đội quân bách chiến bách thắng, vó ngựa giẫm nát khắp Á-Âu Nguyên - Mông đã phải dừng lại và thảm bại trước quân và dân nhà Trần.

Thắng lợi của Ðại Việt trước đại quân của một đế chế hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã cho thấy sức mạnh vô địch của nhân dân ta và chỉ ra một chân lý của lịch sử dân tộc là một khi đã trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức (lời Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn) thì không kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc ta.

Dù là nhân vật lịch sử đem đến nhiều tranh cãi, nhưng Trần Thủ Ðộ cũng nổi tiếng đức độ, công tư phân minh, biết nghe lời phải trái, cương trực. Khi là Thái sư thống quốc, trụ cột triều đình, ông đã lệnh chặt ngón chân để phân biệt cháu của vợ mình là Linh Từ Quốc mẫu với những tiểu quan nhỏ khác, vì kẻ này nhờ Quốc mẫu xin một chân Câu đương, một chức dịch nhỏ ở làng xã, khiến kẻ này kêu van mãi mới được tha. Ðây là người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, không đan xen tình riêng vào việc công. Cũng vẫn nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần đã khuyên Trần Thủ Ðộ trước khi chia tay rằng việc tối kỵ là chỉ san định những điều có lợi riêng cho các người cầm quyền, mà thiệt hại cho dân chúng, thì đấy sẽ là đầu mối của sự loạn.

Tránh được việc tối kỵ đó đã giúp cho nhà Trần kéo dài 175 năm, nhưng hỡi ôi, cũng vì không làm được điều răn dạy đó mà Trần triều rốt cục cũng bị sụp đổ... Âu cũng là bài học cho hậu thế.

Hơn 100 năm kể từ vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án... Ðó cũng là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng một thời rực rỡ.

Ðại Việt sử ký toàn thư chép : Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sớ. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.

Ðại Việt sử ký cũng ghi nhận dù không làm quan nữa nhưng Chu Văn An vẫn nặng lòng với vận nước, mỗi khi có triều hội lớn ông lại về kinh sư ; những dịp ấy vua thường muốn trao cho ông tham gia chính sự song ông nhất quyết không nhận, vật phẩm ban tặng thì thường đem cho lại người khác. Tiền nhân đã dạy qua câu đối Tết : Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao (biết là đủ, không tham lam thì tâm lúc nào cũng tĩnh tại, không xin xỏ thì phẩm giá tự nó đã cao trọng) là vậy.

Cơ đồ mà Thái sư Trần Thủ Ðộ đã dày công khai môn dựng nghiệp, trải các đời vua Trần thống lĩnh toàn dân đoàn kết 3 lần đánh bại Nguyên - Mông, tiếc thay, lại rơi vào tay Dụ Tông, bậc quân vương mà hoang dâm xa xỉ. Dẫu cho tôi có làm đúng phận tôi trung, nhưng vua không còn thực hiện phận làm vua sáng, ghét bỏ người hiền, không ưa lời nói thẳng, trọng dụng kẻ bất tài, để gian thần lộng hành, tham nhũng tràn lan... thì cái Danh đã không còn Chính nữa. Mạt lộ không còn xa.

Nhìn lại lịch sử, các triều đại trị quốc tuy có khác nhau nhưng sự suy vong nói như Chu An, đều có nguyên nhân giống nhau như khuôn đúc, từ chỗ "không ưa lời nói thẳng, ghét người hiền, bỏ người tài, khinh dân, nghi ngờ kẻ sĩ, trọng dụng kẻ bất tài, vô đạo". Dụ Tông chết (năm 1369) để lại di họa, nhà Trần còn tồn tại thêm 31 năm với 5 đời vua, đến năm 1400 mất vào tay nhà Hồ. Nhà Hồ sau khi giành ngôi báu đã làm được không ít việc, nhưng được Nước mà không được Dân nên cũng chẳng giữ được bao lâu, chỉ vỏn vẹn 7 năm rồi lại để đất nước rơi vào tay giặc Minh.

Ở giai đoạn lịch sử đất nước tiếp theo, không giống với nhà Trần và nhà Hồ, nhà Lê bước lên vũ đài chính trị trên cơ sở thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Các lãnh tụ nghĩa quân được xem như những vị cứu tinh đưa dân tộc thoát khỏi họa làm nô lệ cho ngoại bang.

Như một lẽ đương nhiên, triều đại do những người anh hùng lập ra được nhân dân tôn thờ như những giá trị thiêng liêng. Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh cho danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu "hiền tài là nguyên khí quốc gia", đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Ðại Việt lên hàng cường quốc trong khu vực.

Vậy nhưng chính triều đại ấy rồi cũng sụp đổ hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII. Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì chẳng khác nhau là mấy. Ðó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền.

Vào thời Lê Trung Hưng, nhà bác học Lê Quý Ðôn (1726 - 1784) có tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là : Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. Cả năm điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ.

Tìm hiểu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng cả mồ hôi và xương máu.

Hôm nay chúng ta bước sang một năm mới với một tâm trạng tươi tắn, niềm tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị thế đất nước được lan tỏa rộng rãi. Nhìn lại năm ngoái, phải khẳng định một điều, những gì Ðảng ta đã làm trong công tác cán bộ và xây dựng Ðảng là đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân.

Cũng cần khẳng định rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm. Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái ? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở ?

Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu ? Người chép sử không bao giờ viết chữ "nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động.

Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này. Mỗi chúng ta rồi đây đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc. Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018./.

           Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2017 

Trương Tấn Sang

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Tiêu đề do VOV.VN đặt)    

Quay lại trang chủ
Read 815 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)