Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2019

Tàu Trung Quốc đã vào vùng biển Việt Nam : Hà Nội im lặng vì sợ ?

Nhiều tác giả

Việt Nam có dám nổ súng nếu Hải Dương 982 được hạ đặt ?

Thường Sơn, VNTB, 08/10/2019

Từ cuối tháng 9 năm 2019, Trung Quốc đã điều giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông - động thái nhái lại hình ảnh của giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào năm 2014 như một cái tát vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam. Cùng với Hải Dương 982 là sự hiện diện của tàu cẩu Lam Kình - một trong những tàu cẩu lớn nhất của Trung Quốc - ở Biển Đông.

hen1

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982

Đến đầu tháng 10 năm 2019, chính Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Như vậy, Trung Quốc đã tổ chức khá đầy đủ những cơ phận trong cỗ máy xay nghiền sẵn sàng vận hành của nó : tàu cẩu, giàn khoan và các tàu bảo vệ.

Những cơ phận trên là sự tiếp nối cho một ‘tối hậu thư’ từ Trung Quốc : vào ngày 18/9, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng đã tung ra một tuyên bố chưa từng có : khẳng định Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động khai thác dầu khí ở nơi này.

Cho đến lúc này, hầu như đã rõ về ý đồ từ gây hấn đến gây chiến của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính. Bắc Kinh không chỉ muốn đóng vai kẻ cướp xông vào nhà người khác để đòi chia tài sản dầu khí theo một tỷ lệ nào đó, chẳng hạn 60 - 40, mà còn muốn chặn đường tiếp cận Mỹ của Nguyễn Phú Trọng hoặc một quan chức nào đó đi Mỹ thay cho Trọng.

Nếu phải quỳ mọp chấp nhận phải chia chác nguồn tài nguyên thiên nhiên cuối cùng là dầu khí cho kẻ cướp, đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ mất trắng nhiều tỷ đô la - tiền dùng để nuôi đảng và trả núi nợ nước ngoài ngập đầu đến hơn 100 tỷ USD - chỉ tính riêng cho khối chính phủ.

Song tình cảnh của giới chóp bu Việt Nam hiện thời không còn là tiến thoái lưỡng nan trong thế đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, mà đã lâm vào nguy khốn : cho dù Bộ Chính trị Việt Nam có cắn răng ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ theo tối hậu thư của Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị, chẳng có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ rút các tàu thăm dò và giàn khoan khỏi Biển Đông. Động tác tiếp liền, như một tối hậu thư khác của Trung Quốc, là đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng - đích thân quan chức này - phải ‘chầu thiên triều’ trước khi đi Mỹ, hoặc phải tự kết liễu kế hoạch đi Mỹ.

Nếu chịu phủ phục trước cả hai yêu cầu trên của Trung Quốc, Việt Nam về thực chất sẽ trở thành một thứ chư hầu không cần tuyên bố của Bắc Kinh.

Tới nay đã tròn ba tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Cơ hội gần nhất và rõ nhất để tố cáo Trung Quốc đã bị ‘để cho đảng và nhà nước lo’ làm cho trôi tuột là tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào cuối tháng 9 năm 2019. Khi đó và với một Nguyễn Phú Trọng ‘không không thấy’, chỉ có Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại gioa Việ Nam - đã còn chẳng dám hé môi về cái tên Trung Quốc.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 08/10/2019

*****************

Còn đâu hào khí dân tộc !?

Nguyễn Hoàng Hải, VNTB, 07/10/2019

Sau bài phát biểu của phó thủ tướng, kim bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74 được diễn ra ở New York vào ngày 28/09/2019, người dân trên cộng đồng mạng xã hội đã thể hiện rõ sự bất bình, bức xúc, dẫn đến những ngôn từ để diễn tả quả thật không mấy tốt đẹp dành cho ông Phạm Bình Minh và Bộ chính trị : Hèn nhát, nhu nhược, nhục quốc thể ...

hen2

Còn đâu hào khí dân tộc ?

Bởi trước đó không lâu người dân đã chứng kiến từ ngày 3/7/2019, Hải Dương 08 của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế trực thuộc thềm lục địa Việt Nam. Đó cũng là thời điểm bà Chủ tịch quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có chuyến thăm và làm việc với Tập Cận Bình.

Cái bắt tay mềm yếu, cùng nụ cười tươi rói của bà chủ tịch Quốc hội, chẳng thể làm cho họ Tập nghĩ lại sự ngang ngược, trái lại đằng sau cái bắt tay rắn chắc và nụ cười nham hiểm của Tập Cận Bình, là sự leo thang xâm lấn lãnh hải Việt Nam.

hen3

Bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tượng trưng cho Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chìa khóa căn nhà Việt Nam ?

Người dân cho rằng : "Lẽ ra Bà phải hủy ngay chuyến thăm và làm việc để phản đối sự ngang ngược đó", nhưng vị chủ tịch Quốc Hội, Nguyễn Thị kim Ngân, cơ quan lập pháp cao nhát Việt Nam, dường như vẫn bảo tồn được nụ cười của mình cho đến ngày về lại đất nước để chứng kiến đội quân cướp biển đảo của họ Tập làm mưa làm gió tại Bãi Tư Chính.

Thời điểm đó, tình cảm của người dân ra sao ?

Sự lãnh cảm, thờ ơ, trước thời cuộc bị giặc bành trướng phương Bắc giày xéo. 

Vì sao vận nước lại ra nông nỗi ấy ?

Bởi, quá khứ không lâu trước đó, người dân đã bị chà đạp lên lòng yêu nước vào năm 2014. Khi Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, người dân xuống đường để biểu thị sức mạnh hào khí của dân tộc, thì bị ngăn cản, bắt bớ, đánh đập, thậm chí không ngại bỏ tù người dân bằng sức mạnh cơ bắp của nhà cầm quyền.

Hiến pháp, bị trói buộc bởi sự yếu kém của nhà cầm quyền qua việc quản lý và điều hành đất nước. Đơn cử về luật biểu tình, cứ thậm thụt đút vào rồi đưa ra, hẹn tới hẹn lui, cho đến khi giặc vào Bãi Tư Chính, đi ra đi vào như chỗ không người thì luật vẫn án binh bất động. 

Cay đắng, thờ ơ trước thời cuộc, nhưng người dân có buông xuôi hay không ?

Chắc chắn là không, và sẽ không bao giờ quỳ gối trước kẻ thù.

Người dân, vẫn dõi theo sự ' hồi tâm chuyển ý ' của nhà cầm quyền, kỳ vọng vào khí phách của tổ tiên để lại, sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, để người đại diện quốc gia Việt Nam là Phạm Bình Minh, có thể cất lên tiếng nói khẳng khái cho dân tộc Việt.

Chí ít ra, người dân vẫn còn đó một chút niềm tin, một chút hy vọng vào sự vay mượn tạm thời của mình, qua những câu khẩu hiệu để chờ đợi : " Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc".

Tiếc rằng, ông Minh không dám chỉ đích danh bành trướng Trung Quốc là kẻ đã từng xâm chiếm và cưỡng đoạt biển đảo của Việt Nam. Và hiện tại, muốn chiếm đoạt luôn Bãi Tư Chính trong lúc ông ta đang đứng đó.

Ở một khía cạnh thông tin đã chiều khác trên cộng đồng, dư luận cho rằng bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, đã ký hàng loạt các thỏa thuận, văn kiện ' mật ' gần đây với Trung Quốc, và đó có thể là những thỏa thuận ' nhượng địa ' kiểu như là công hàm mà Phạm Văn Đồng đã ký kết năm xưa.

Sự lệ thuộc vào người bạn "4 tốt - 16 vàng" trên bình diện lệ thuộc về mọi mặt, có thể đã đẩy đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam trở thành con nợ ngập ngụa của đảng cầm quyền Trung Quốc.

Nếu điều có thể đó xảy ra, thì thành ngữ : "Há miệng mắc quai ' sẽ lý giải vì sao ngoại trưởng Phạm Bình Minh, không dám nêu đích danh kẻ thù đang xâm lấn lãnh hải Việt Nam. 

Nguyễn Hoàng Hải

Nguồn : VNTB, 07/10/2019

******************

Nỗi đơn độc của kẻ đớn hèn

Thường Sơn, VNTB, 07/10/2019

"Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống".

Đã ba tháng đã lao qua ở Bãi Tư Chính, nhưng cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh mà không dám nhắc tên Trung Quốc, cùng tâm thế không dám nổ súng cảnh cáo và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.

hen4

Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống - Ảnh minh họa

Mới đây, một học giả quốc phòng của Ấn Độ - Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Chủ tịch Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian thuộc Qũy Observer Research Foundation (ORF) ở New Delhi - đã nói, với thái độ mỉa mai đến cay đắng, với đài VOA rằng chính quyền Việt Nam đã cố công vận động quốc tế, tiếp cận với tất cả các cường quốc Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ và Hoa Kỳ, để xây dựng một hỗ trợ chính trị lớn hơn nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông, nhưng nhiều khả năng Việt Nam sẽ không nhận được bất kỳ sự hậu thuẫn mạnh mẽ nào.

Nữ học giả trên không tin rằng Việt Nam sẽ có thể tự mình chống lại Trung Quốc. "Bắc Kinh dường như đã tính toán chính xác rằng họ không phải lo sợ bất kỳ một sự hợp nhất chống đối nghiêm trọng nào".

"Việt Nam cần đưa ra những yêu cầu cụ thể và chỉ khi nói ra những yêu cầu cụ thể này, các quốc gia khác mới có thể đáp ứng bằng những tuyên bố nhất định để ủng hộ cho Việt Nam, nhấn mạnh vào tự do hàng hải", Tiến sĩ Rajagopalan đưa ra lời khuyên.

Bà dẫn chứng phản ứng của Ấn Độ để Việt Nam tham khảo : "Từ trước đến nay, Ấn Độ luôn có lập trường chống đối hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông mạnh hơn nhiều, dù về khoảng cách địa lý thì cách xa hơn (so với Việt Nam) và luôn luôn phát đi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc cũng như thông điệp rõ ràng cho các nước bạn đồng minh".

Bà nêu một ví dụ : "Khi tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông vào tháng 8 vừa rồi, Việt Nam phải đưa ra một yêu cầu rõ ràng hơn đối với bạn bè và đồng minh để tỏ rõ sức mạnh phối hợp".

Nỗi đơn độc của kẻ hèn đớn

Đúng như khuyến nghị của Tiến sĩ Rajagopalan, lẽ ra giới chóp bu Việt Nam đã có thể tận dụng cơ hội hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông vào tháng 8 năm 2019 để có hành động mạng mẽ hơn hẳn đối với ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc. Nhưng không, Bộ Chính trị đảng Việt Nam - từ Nguyễn Phú Trọng đến các quan chức còn lại - vẫn như cấm khẩu mà không thốt nổi một từ về Trung Quốc.

"Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống".

Hậu quả là sau đó phía Mỹ đã trở nên dè dặt hẳn đi trong những lời lên tiếng về căng thẳng ở Bãi Tư Chính.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch gây hấn Bãi Tư Chính, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi ‘tranh chấp không thể tranh cãi’ giữa hai kẻ vẫn quen ca hát 16 chữ vàng "Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan".

Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong "đường lưỡi bò 9 đoạn", tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế "thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc" vào năm 2019.

Nếu ngày càng nhiều quốc gia thờ ơ với vụ Bãi Tư Chính, đó sẽ là cơ hội để Bắc Kinh khuếch tán chiến dịch vận động các nước trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ ‘chủ quyền’ của Trung Quốc ở khu vực này. Và nếu Trung Quốc đạt được một sự ủng hộ của một số nước nào đó, dưới dạng tuyên bố hoặc nghị quyết quốc tế, đó sẽ là cơ sở và tiền đề cực kỳ quan trọng để ‘Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa’ tiến hành một chiến dịch quân sự tốc chiến xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tốc chiến trước khi Việt Nam khai thác hết dầu để nuôi đảng !

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 07/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)