Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/10/2019

Thương chiến Mỹ -Trung sẽ lan sang Việt Nam ?

Thanh Phương

Trang mạng East Asia Forum ngày 08/10/2019 có đăng bài viết của hai giáo sư Mỹ James Riedel, Đại học Johns Hopkins, and Markus Taussig, Đại học Rutgers cho biết ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan đến Việt Nam.

Mức thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ trong năm 2017 đứng vào hàng thứ 16 trong toàn bộ thâm thủng mậu dịch song phương của Mỹ. Nhưng tính theo tỷ lệ trên tổng trao đổi mậu dịch song phương Mỹ-Việt, thặng dư thương mại của Việt Nam lại cao hơn bất cứ quốc gia nào khác, kể cả của Trung Quốc.

quan_he_viet__my_0

Theo hai giáo sư Riedel và Taussig, Hoa Kỳ nên bảo vệ và thúc đẩy trao đổi thương mại với Việt Nam, như là một cách để làm đối trọng với những mưu đồ địa chính trị của Trung Quốc, vì Hà Nội là tiếng nói thân Mỹ rất hữu ích bên trong ASEAN.

Tuy nhiên, theo hai giáo sư Riedel và Taussig, Hoa Kỳ không nên phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Việt Nam với cùng những lý do mà lẽ ra họ không nên gây chiến với Trung Quốc trên mặt trận thương mại. Washington có lý do chính đáng khi họ than phiền về cách thức làm ăn của Trung Quốc, đặc biệt là việc ăn cắp bản quyền và việc chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng lẽ ra Hoa Kỳ nên có biện pháp chống những hành vi đó, thay vì hạn chế mậu dịch song phương.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không phải là một mối đe dọa về địa chính trị đối với Hoa Kỳ, thêm một lý do khiến Mỹ không nên để chiến tranh thương mại lan sang Việt Nam. Trái lại, theo hai giáo sư Riedel và Taussig, Hoa Kỳ nên bảo vệ và thúc đẩy trao đổi thương mại với Việt Nam, như là một cách để làm đối trọng với những mưu đồ địa chính trị của Trung Quốc, vì Hà Nội là tiếng nói thân Mỹ rất hữu ích bên trong ASEAN.

Hai vị giáo sư kết luận : "Không có lý do mang tính logic nào khiến Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh thương mại sang Việt Nam, nhưng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng chẳng có một logic nào. Có thể cách tốt nhất đối với Việt Nam là lặng yên đứng chờ xem, với hy vọng là tổng thống Trump quá bận tâm với Trung Quốc, không để ý đến Việt Nam".

Việt Nam tăng nhập khẩu từ Mỹ

Nhưng do vẫn lo ngại bị rơi vào tầm ngắm thuế quan của tổng thống Trump, Việt Nam đang cố nhập thêm nhiều hàng hóa "made in America" để giảm bớt mức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, theo trang mạng The Load Star của Mỹ trong một bài viết đề ngày 04/10/2019.

Theo các số liệu của US Census Bureau, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã lên đến 36 tỷ đôla, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hậu quả là thâm thủng mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 25% , vượt quá 50 tỷ đôla năm nay.

Tổng thống Trump đã từng mô tả Việt Nam là "kẻ lợi dụng tồi tệ nhất" từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đã áp thuế nặng đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam.

Ngoài việc tăng cường chống hàng hóa Trung Quốc gắn mác "Made in Vietnam", Hà Nội cũng đã nhanh chóng cho triển khai dự án nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng ở Bình Thuận, với nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất sẽ được nhập trực tiếp từ Mỹ.

Chính phủ Việt Nam cũng đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa từ những bang của Mỹ vốn là những nơi có nhiều cử tri của tổng thống Trump, trong đó có than đá, thịt heo và động cơ máy bay.

The Load Star trích lời ông Paul Khoa, chủ tịch công ty T&M Forwarding, cho biết là trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức bình quân của tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhưng một yếu tố có thể gây cản trở cho việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đó là các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định gần đây Việt Nam vừa ký với Liên Hiệp Châu Âu và hiệp định CPTPP. Những hiệp định này làm giảm giá các mặt hàng nhập khẩu từ những nước cạnh tranh với Hoa Kỳ như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Canada.

Thanh Phương

Nguồn: RFI, 9/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)