Việc Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam được Bộ Chính trị phân công kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế và ‘lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế’ vào tháng 10 năm 2019 đã đánh dấu, về thực chất, một bước lùi của ‘Trưởng ban Tổ chức cán bộ’ Nguyễn Phú Trọng trước áp lực lớn của dư luận - trong và ngoài nội bộ đảng - đòi cách chức và đưa ra tòa đối với đương kim bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng y tế nói về "chân thứ ba" khiến Quốc hội bật cười
Trong thể chế chính trị chân này đá chân kia của đảng độc tài ở Việt Nam, thông thường tại các bộ, ngành, người giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng thì về mặt chính quyền sẽ giữ chức Bộ trưởng, Trưởng ngành của cơ quan đó.
Cho tới gần đây, Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn là Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, mà về thực chất là một dạng ‘chính ủy’ với quyền lực bao trùm.
Nhưng giờ đây khi bà Tiến không còn chức vụ Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nữa, cũng có thể hiểu là bà ta rất có thể sẽ bị ‘cách chức’ bộ trưởng y tế trong thời gian tới. Thay cho Tiến có thể là Vũ Đức Đam ‘tạm quyền bộ trưởng’, cho tới lúc tìm ra quan chức có chuyên môn y tế chứ không phải chuyên ngành xây dựng đảng.
Thời gian cận kề tới đây là kỳ họp quốc hội cuối năm, khi đó rất có thể gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ sẽ đồng loạt ‘nhất trí’ để miễn nhiệm vai trò bộ trưởng y tế của Nguyễn Thị Kim Tiến, sau khi đã nhận được ý chỉ của đảng cầm quyền.
Nếu lộ trình diễn ra đúng như thế, Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ bay biến giấc mơ trở thành ủy viên trung ương của khóa 13, cùng lúc bay sạch giấc mộng tiếp tục ôm ghế bộ trưởng y tế.
Sau khi Hội nghị trung ương 10 kết thúc vào tháng 5 năm 2019, thậm chí còn có thông tin ‘không chính thức’ cho biết Nguyễn Thị Kim Tiến đã có tên trong danh sách các ủy viên trung ương cho đại hội 13.
Ai đã ‘bế’ Nguyễn Thị Kim Tiến vào danh sách đó ?
Hẳn nhiều người còn nhớ tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, Nguyễn Thị Kim Tiến đã trở thành ‘trường hợp đặc biệt’ - trường hợp duy nhất là bộ trưởng mà không phải là ủy viên trung ương. Rất nhiều dư luận cho rằng chính Nguyễn Phú Trọng đã sủng ái Tiến đến mức cho bố trí làm trường hợp đặc cách như thế.
Nguyễn Thị Kim Tiến cũng được đặc cách đến mức tên của bà ta đã không nằm trong danh sách bị tòa án triệu tập, khi vào tháng 9 năm 2019 tòa xử vụ Công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả, bất chấp Bộ trưởng Tiến đã có bút phê chấp thuận chủ trương cho nhập khẩu thuốc ung thư giả.
Nguyễn Thị Kim Tiến từng mạnh miệng trước báo chí : trong gia đình tôi không có ai tham gia VN Pharma’. Nhưng chẳng bao lâu sau lời trần tình có vẻ rất chân thật của Nguyễn Thị Kim Tiến, đã xuất hiện những thông tin rất màu nội bộ vạch trần sự giả dối của bà ta. Theo đó, có ít nhất hai người nhà của Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia VN Pharma là Hoàng Quốc Dũng - em chồng bà Tiến - là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng đối ngoại và quan hệ với các bệnh viện, đã dùng ảnh hưởng của chị dâu là Bộ trưởng Tiến để đi móc nối và ép các bệnh viện cho công ty VN Pharma trúng thầu thuốc ; và Hoàng Quốc Cường - con trai bà Tiến - là cố vấn của VN Pharma.
Hoàng Quốc Cường, 37 tuổi và thuộc loại ‘tuổi trẻ tài cao’, cũng là nhân vật được người mẹ Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp ký bổ nhiệm làm phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2019 - một biểu hiện rõ như ban ngày về sang chấn ‘hốt cú chót’ nếu bà Tiến chẳng may bị ‘văng’’ khỏi đại hội 13.
Đặc thù thích làm nổi của Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa tên bà ta vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong câu vè ‘Trai kim Cự, gái Kim Tiêm ; Kẻ thì giết biển, ả chuyên giết người’, không chỉ bởi tội nhập thuốc ung thư giả mà đã giết hàng ngàn người bệnh đến hai lần, mà còn để cho toàn bộ ngành y tế rơi vào thảm trạng vô lương tâm trong kiểu cách đối xử với hàng triệu bệnh nhân nghèo.
Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là một trong những quan chức bị dân chúng Việt Nam căm ghét nhất và đòi hỏi phải từ chức nhiều nhất. Những làn sóng đòi bà ta phải từ chức cứ rộ lên từng đợt trên mạng xã hội hầu như vào mỗi năm.
Nhưng không những không chịu từ chức, không những được ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng nương nhẹ và không phải chịu bất cứ một hình thứ kỷ luật nào, đến tháng 7 năm 2019 Nguyễn Thị Kim Tiến còn được đặc cách bổ nhiệm Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, tiếp tục được cho tồn tại để tận tình chăm sóc sức khỏe cho Nguyễn Phú Trọng và ‘các đồng chí có công với cách mạng’.
Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cũng là nơi mà rất nhiều khả năng ‘ả chuyên giết người’ sẽ hạ cánh an toàn, với sự bảo bọc của ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.
Không chỉ Nguyễn Thị Kim Tiến, còn có hàng loạt quan chức có quá nhiều tai tiếng nhưng vẫn an lạc hành sự như Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà… Tất cả những quan chức này đều được xem là ‘người nhà’ của ‘Người đốt lò vĩ đại’.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 15/10/2019
********************
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ bị miễm nhiệm
RFA, 15/10/2019
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin vừa nêu. Theo đó trong kỳ họp Quốc hội thứ 8 diễn ra vào tuần tới sẽ có 2 vị trí nhân sự được miễn nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ thôi làm bộ trưởng Y tế - Courtesy of Vietnamnet
Cụ thể Quốc hội sẽ miễn nhiệm thôi chức Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội với ông Nguyễn Khắc Định và thôi không làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ông Định vừa rồi đã được Bộ Chính trị có quyết định phân công làm Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa.
Người thứ hai miễn nhiệm là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo đó, bà Tiến sẽ được miễm nhiệm thôi làm bộ trưởng Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được Bộ Chính trị phân công kiêm Bí thư ban cán sự đảng bộ y tế vào ngày 14/10, thay cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Theo quyết định mới, bà Tiến đã được bổ nhiệm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Trong nhiệm kỳ này, bà Tiến là Bộ trưởng duy nhất không phải là Ủy viên trung ương Khóa 12. Bà là nữ bộ trưởng duy nhất trong chính phủ Hà Nội hiện nay. Bà cũng là người bị nhiều chỉ trích về những sai phạm, bê bối trong ngành y tế như vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả về bán cho bệnh nhân với giá cao, y đức của nhân viên ngành y xuống cấp tồi tệ, tình trạng quá tải, mất vệ sinh ở các bệnh viện Nhà nước…
******************
Ông Vũ Đức Đam kiêm công việc ở Bộ Y tế
BBC, 14/10/2019
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam được Bộ Chính trị phân công kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ
Quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo hôm 14/10 tại buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sinh ngày 1/8/1959, đã đến tuổi nghỉ hưu vào năm nay, 2019, theo quy định của Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn chưa quyết định ai sẽ là người thay bà Kim Tiến.
Một điểm nữa liên quan là Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.
Vì thế, tạm thời Bộ Chính trị phân công ông Vũ Đức Đam "lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế", theo thông báo đăng trên trang web chính phủ hôm nay.
Bản tin chính thức nói ưu tiên của ông Đam là : "Trước hết tập trung vào công tác cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác, đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí."
Trong cương vị phó thủ tướng, ông Vũ Đức Đam lâu nay vẫn phụ trách các lĩnh vực như Văn hóa và Y tế.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã được Bộ Chính trị bổ nhiệm để kiêm chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Bộ trưởng Kim Tiến và Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khai trương trung tâm y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2018
Sinh năm 1959, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành bộ trưởng y tế từ năm 2011, cũng là ủy viên Trung ương Đảng từ 2011 đến 2016.
Bà không trúng cử ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội Đảng năm 2016.
Thông thường, để làm bộ trưởng ở Việt Nam, người giữ chức phải ở trong Trung ương Đảng.
Nhưng trong chỉ dấu bà Kim Tiến được Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng, bà vẫn được tái bổ nhiệm chức bộ trưởng y tế năm 2016.