Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/10/2019

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đi Mỹ để cân bằng lại sức ép của Trung Quốc tại Biển Đông’

Ben Ngô

Một nhà quan sát chính trị tại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự do rằng ông Nguyễn Phú Trọng nên "đi Mỹ để cân bằng lại sức ép của Trung Quốc tại Biển đông".

dimy0

Hình minh họa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội, hôm 27/2/2019 - AP

Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh báo nhà nước ghi nhận lời Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây rằng ông "năm nay 75 [tuổi] rồi, cũng đang là bệnh nhân".

Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được các báo nhà nước dẫn lời phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ hôm 15/10 : "Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân".

Tình hình sức khỏe của ông Trọng được cho là yếu tố chính quyết định khả năng ông có thực hiện chuyến công du đến Mỹ trong tháng 10/2019 như dự báo trong thời gian qua.

Hôm 21/10, trả lời RFA, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, từ Viện Iseas Yusof Ishak, Singapore, nói :

"Trong chuyến thăm Kiên Giang hồi mùa hè vừa rồi thì ông Trọng đã gặp vấn đề sức khỏe, bị đột quỵ. Từ đấy đến nay, dù sức khỏe của ông đã được cải thiện nhưng vẫn có lo ngại về tình hình sức khỏe của ông khi thực hiện các chuyến đi dài ngày, hành trình kéo dài hàng chục tiếng. Dù sức khỏe của ông đã được cải thiện nhưng vẫn có rủi ro nhất định".

"Vì vậy theo tôi hiểu, sức khỏe của ông Trọng vẫn đang là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến việc ông có đi thăm Mỹ như dự kiến hay không. Người ta quan tâm hay lo lắng về sức khỏe của ông Trọng là điều dễ hiểu. Dù quan hệ với Mỹ là một ưu tiên hiện nay, nhưng trong bối cảnh Đại hội đảng lần 13 sắp tổ chức, sức khỏe của ông Trọng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như có vấn đề gì đó xảy ra với sức khỏe của ông Trọng trong chuyến đi thì sẽ có hệ lụy rất lớn, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng lần 13 và công tác nhân sự".

"Vì vậy tôi là các lãnh đạo đảng và bản thân ông Trọng đang rất thận trọng để tính toán thời điểm chuyến thăm phù hợp để đảm bảo mục tiêu đối ngoại và đối nội, đặc biệt là tổ chức thành công Đại hội đảng lần 13 sắp tới".

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp bình luận thêm về mục đích chuyến thăm Mỹ của ông Trọng :

"Bản thân ông Trọng cũng trông chờ chuyến thăm tại vì đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông trên cương vị vừa là chủ tịch nước vừa là tổng bí thư. Đó là cơ hội để ông thể hiện vai trò đối ngoại chứ không chỉ vai trò đối nội. Qua đó, nâng cao uy tín của ông ở trong nước. Có lẽ chuyến thăm này sẽ có nhiều mục tiêu được đề ra".

"Ví dụ củng cố quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước được ký kết hồi 2013. Có thể sẽ có tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Theo tôi hiểu, vấn đề này đã được bàn thảo tương đối kỹ lưỡng ở Việt Nam thời gian qua. Nếu ông Trọng đi chuyến này thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược để tạo ra khuôn khổ song phương có lợi cho Việt Nam, qua đó để cân bằng lại sức ép của Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông, mà tôi nghĩ là càng ngày càng gia tăng trong thời gian tới".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đến thăm Hoa Kỳ trên cương vị người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2015. Ông là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Mỹ.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Hoa Kỳ ngày càng coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một đối tác mới nổi trong khu vực, trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cùng thời điểm, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam bình luận với RFA :

"Ông Nguyễn Phú Trọng nên tìm cách đi Mỹ trong tình thế hiện nay dù ông ta hiện đang có sức khỏe yếu, nhưng không đến nỗi gì. Tôi thấy cái đầu của ông đang bình thường, nói năng cũng hoạt bát chứ không có vấn đề gì. Nếu đi Mỹ được thì rất tốt. Mà theo tôi thì ông Trọng nên đi".

Ông Nguyễn Khắc Mai phân tích thêm về mục đích chuyến đi Mỹ của ông Trọng nếu xảy ra :

"Ông Trọng đi Mỹ phải trên cơ sở đàng hoàng, nói rõ là hiện nay Trung Hoa đang xâm lấn Việt Nam, đang gây rất nhiều cái hiểm độc, nguy cơ hiểm họa lớn ngoài Biển Đông. Thì phải liên minh, liên kết với Mỹ, sẵn sàng mở rộng quan hệ chiến lược với Mỹ để có sức mạnh quốc tế đối phó với tên giặc già, giặc dữ này. Thì đấy là vấn đề cá nhân tôi phán đoán".

"Và theo tôi biết, quan sát thấy, hình như người Mỹ cũng muốn ông Trọng đi. Họ bắn tiếng qua tôi nói rằng là ốm đau không thành vấn đề, đi lại không thành vấn đề. Vấn đề là cái đầu có còn tỉnh táo hay không, còn nếu anh có ngồi xe lăn thì chúng tôi bốc qua được ngay có gì đâu mà khó".

"Tôi thấy là cái đầu ông Trọng ăn nói rất hoạt bát. Một cái người bị tai biến não mà sau đó bảy tháng phục hồi, nói năng mạch lạc cho thấy cái đầu không có vấn đề gì lớn".

22222222222222222

Hình minh họa tàu hải cảnh của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam trong tháng 7/2019 Courtesy of Twitter of Ryan Martinson, RFA edit

Chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ đã được trông đợi từ nhiều tháng nay, nhất là vào khi quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân bình và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ giữa tháng 6 đến nay. Cho đến lúc này, vẫn chưa có dấu hiệu nào là Trung Quốc sẽ rút các tàu này khỏi vùng biển Việt Nam, thậm chí còn tiến gần vào bờ biển của Việt Nam hơn.

Vào tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về các hành động mà nước này gọi là bắt nạt Việt Nam ở Bãi Tư Chính.

Tại hội nghị trung ương đảng 11 vừa diễn ra vào hồi đầu tháng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã lần đầu tiên nói đến vấn đề Biển Đông.

Ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh :

"Tất nhiên nếu [ông Trọng] đi phải trên tư thế mới của dân tộc, chứ không phải vì cái quyền nhỏ nhen, ích kỷ của một cái nhúm Đảng cộng sản với bốn, năm triệu đảng viên này. Mà phải dựa trên lập trường của dân tộc mà đi. Thì cái cuộc đi ấy thành công mới đáng giá. Còn nếu không, anh có đi sang đấy mà với lập trường èo uột, vẫn là phụ thuộc Trung Hoa, nói nước đôi thì cũng không ra gì. Tôi nghĩ rằng là, ông Trọng nên đi Mỹ với tư thế mới".

Việt Nam từ trước đến nay vẫn theo đuổi chính sách trung lập giữa các cường quốc với chính sách 3 không : không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Mai nói ông có hy vọng vào chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng :

"Tôi thấy ông ta cũng có những cái chuyển biến bắt đầu. Thế thì tại Hội nghị trung ương 11 này, lần đầu tiên ông ta nói về mối quan hệ với Trung Quốc, tức là ông đã có sự chuyển biến. Nhưng mà anh phải rõ ràng, đứng trên lập trường của dân tộc, đứng trên lợi ích của dân tộc, quốc gia Việt Nam hiện nay. Chứ còn nếu cứ đứng trên lập trường Cộng sản u mê của anh, lũ lẫn của anh thì vứt đi. Mỹ cũng chẳng muốn chơi !".

Chuyến đi Mỹ của ông Trọng trong vai trò Chủ tịch nước Việt Nam thể theo lời mời chính thức của Tổng thống Donald Trump khi ở Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 21/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)