Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/10/2019

Tại sao tình cảm bài Trung đang gia tăng ở Trung Á ?

Aruuke Uran Kyzy

Hàng ngàn kiều dân Trung Quốc sống rải rác khắp Trung Á và bên ngoài khu vực này kỉ niệm ngày Quốc khánh của mình bằng lễ thượng cờ và diễu hành. Ở Trung Quốc, ngày lễ kỉ niệm này có cả cuộc diễu binh lớn, với những loại vũ khí mới và công nghệ hiện đại nhất của đất nước. Nhưng bên ngoài biên giới Trung Quốc, cùng với những biểu hiện được dàn dựng về tình đoàn kết dân tộc, không khí lễ hội đã bị gián đoạn vì sự tái xuất hiện và lan tràn tình cảm bài Trung trong dân chúng Trung Á. 

baitrung1

Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov (phải), và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 13 tháng 6 năm 2019.

Giữa lúc Trung Quốc đang sắp xếp lại cấu trúc xã hội của khu vực, sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này - trước đây coi là có tính chất phòng thủ - cùng với sức mạnh ngày càng gia tăng và sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong hai thập kỉ vừa qua đã tạo được đòn bẩy đáng kể đối với trật tự trong khu vực và mục tiêu của quốc gia này.

Các lợi ích và hoạt động của Trung Quốc ở Trung Á là một phần của kế hoạch được xây dựng một cách cẩn trọng. Ban đầu, Bắc Kinh tìm cách phi quân sự hóa các vùng biên giới, sau đó là những vụ đàn áp cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, xây dựng khuôn khổ an ninh tập thể thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc trong khu vực, và cuối cùng đưa quyền lực mềm vào.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Á đôi khi đã gây cuộc những tranh cãi và nhiều rắc rối, phức tạp. Nói một cách đơn giản, người Trung Quốc đã trở thành vật tế thần cho những bất bình ở địa phương – những khó khăn về kinh tế và việc làm - và là đầu mối cho những vấn đề xuyên biên giới nhạy cảm như áp bức đối người thiểu số theo Hồi giáo ở Trung Quốc và cáo buộc về ngoại giao bẫy nợ.

Thế thượng phong của Trung Quốc và Ngoại giao bẫy nợ 

Thế thượng phong của Trung Quốc trong khu vực làm bùng lên những cuộc tranh sôi nổi về tham nhũng ở lãnh đạo cấp cao và yêu cầu minh bạch trong các hoạt động tài chính của chính phủ, đặc biệt là việc chi tiêu các khoản tài trợ và các khoản vay của Trung Quốc. Các khoản vay mượn từ Bắc Kinh đã tăng tốc trong thập kỉ vừa qua.

Tiền Trung Quốc là một phần của dự án Nhất Đái Nhất Lộ có khả năng sinh lợi đã mang cơ hội lớn tới các nước Trung Á - đang cần những đầu tư lớn nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng có bao nhiêu cơ hội thì cũng có bấy nhiêu rủi ro. Một báo cáo năm 2018 đã đưa Kyrgyzstan và Tajikistan cùng với 8 quốc gia khác vào danh sách có thể bị tổn thương trước "tai họa nợ nần" vì Trung Quốc nắm giữ 41% nợ quốc gia của Kyrgyzstan và 53% nợ quốc gia của Tajikistan.

Trong khi Kyrgyzstan dường như đang phát triển tương đối tốt, vì phần lớn các khoản nợ là dài hạn, quan hệ của Tajikistan với Trung Quốc làm cho nước này ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn. Mới đây, Dushanbe đã phải bảo vệ quyết định trao một khu mỏ cho Trung Quốc để đổi lấy nhà máy điện – làm cho dân chúng rất tực giận. Trao khu mỏ đi kèm với việc miễn thuế đối với các khoản thu và thuế hải quan đối với các thiết bị được đưa vào Tajikistan. Một chuyên gia ghi nhận sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng gia tăng và nói rằng thỏa thuận này "kiểm soát một cách hiệu quả tài nguyên khoáng sản của chúng ta".

Kiểu thỏa thuận như thế dường như là nhất quán trong quan hệ Bắc Kinh - Tajikistan. Khi Tajikistan không thể trả nợ, họ bán đất và dành cho Trung Quốc những nhượng bộ khác. Năm 2011, Tajikistan đã chấm dứt tranh chấp biên giới bằng cách nhượng lại vùng đất trong một thương vụ mà người ta cho là hai bên đã thỏa thuận để xóa nợ cho nước này. Ngay sau đó, nhiều khu đất ở Tajikistan đã được trao cho 1.500 nông dân Trung Quốc. Một nhà xã hội học người Tajik nói rằng việc này sẽ mở cửa cho "ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị". Tình hình ngày càng trầm trọng thêm vì sự kiện là phần lớn số tiền vay của Bắc Kinh được dùng cho các dự án vô tích sự của chế độ, như cột cờ cao nhất thế giới, nhà hát lớn nhất khu vực và khu nhà quốc hội mới.

Vấn đề phụ thuộc nợ ngày càng được bàn tới nhiều, đấy là khi câu hỏi về lao động nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên gay gắt hơn. Theo một số số liệu, năm 2018, hơn 30.000 người Trung Quốc đã đến Kyrgyzstan, nhiều người là công nhân xây dựng trong các dự án do Nhất Đới Nhất Lộ tài trợ. Ở Tajikistan, thái độ bất mãn cũng ngày càng gia tăng. Dữ liệu không chính thức nói rằng, nước này có 150.000 công nhân Trung Quốc. 

Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trước đây các nước Trung Á phụ thuộc vào đầu tư của Nga (lu mờ so với các đề nghị của Trung Quốc hiện nay), giờ đây đang hướng về phía Bắc Kinh. Nhưng, trong khi nguồn tài chính tương đối rẻ và nhanh chóng từ cường quốc đang lên ở Châu Á dường như là hấp dẫn, thì người ta cũng phải trả giá cho những thỏa thuận này. Tháng 1 năm nay, cảnh sát Kyrgyz đã bắt giữ hơn một chục người trong sự kiện được coi là "cuộc biểu tình công khai lớn nhất cho đến nay" ở Trung Á. Những người biểu tình yêu cầu giảm số giấy phép lao động cấp cho công nhân Trung Quốc. Các cuộc biểu tình hồi tháng trước khởi đầu ở thị trấn công nghiệp Zhanaozen của Kazakhstan, đánh trúng tình cảm của dân chúng về các dự án xây dựng của Trung Quốc và đã lan sang Almaty. 

Đàn áp Hồi giáo ở Đông Turkestan

Tình cảm bài Trung trong khu vực đã đạt đến mức cao nhất khi Trung Quốc thực hiện chính sách "chống chủ nghĩa cực đoan" ở Tân Cương và bắt giam hàng loạt, rộng khắp và có hệ thống người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số theo Hồi giáo khác trong khu vực. Một công dân Kazakhstan làm chứng về sự tồn tại của "các trại cải tạo" ở miền tây Trung Quốc, ông này nói rằng hàng ngàn người sắc tộc Kazakh bị "nhồi sọ một cách phi nhân" trong các trại này.

Các báo cáo nói và ước tính có một triệu tù nhân bị đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương, trong đó có khoảng 22.000 người Kyrgyz và 10.000 người Kazakh. Bất chấp sợ hãi, năm 2018, người thân của những người bị giam giữ đã xuống đường và phản đối, họ kêu gọi tổng thống Kyrgyzstan quan tâm tới việc bắt giữ bất hợp pháp người Kyrgyz ở Trung Quốc. Mặc dù các gia đình đòi thả người và sum họp, nhưng đòi hỏi của họ đã bị bác bỏ thằng thừng rằng Bishkek không thể can thiệp vào "các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh" và Bắc Kinh thích sử dụng các kênh ngoại giao chứ không ưa chỉ trích công khai.

Thái độ bài Trung gia tăng đang là chủ đề nóng, nhưng người ta ít nói tới việc Bắc Kinh khuyến khích các nhóm nhóm người thích Trung Quốc trong các nước láng giềng. Trung Quốc đã thành công trong việc lôi kéo giới tinh hoa tri thức và tinh hoa chính trị ở nhiều nước hậu-Xô Viết, thường là thông qua các cơ hội giáo dục và kinh doanh. Trong bối cảnh phức tạp như thế, người dân các nước Trung Á nhận thức được những nhược điểm của nước mình khi đối diện với Trung Quốc và tiếp tục theo dõi kĩ những sự kiện đang diễn ra ở bên kia biên giới.

Hiện nay, "vấn đề Trung Quốc" là loại van xả áp - tâm điểm của thất vọng và căng thẳng, đôi khi thay đổi nhanh chóng và hỗn loạn - trong ba thập kỷ qua ở Trung Á. Nhưng cũng chính trong bối cảnh thù địch đối với Trung Quốc đang gia tăng mà Bắc Kinh hiện đang vật lộn nhằm tìm phương tiện cho cả hai mục tiêu là thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế của mình ở Trung Á. Nếu sự phẫn nộ của dân chúng ở Trung Á với Trung Quốc gia tăng đến mức chuyển thành những thay đổi trong chính sách của chính phủ, thì khu vực này có thể trở thành kẻ phá hoại tất cả các tham vọng Nhất Đái Nhất Lộ của Bắc Kinh.

Aruuke Uran Kyzy

Nguyên tác : Why Is Anti-Chinese Sentiment on the Rise in Central Asia ?, The Diplomat, 08/10/2019

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 21/10/2019

Aruuke Uran Kyzy hiện là nhà nghiên cứu và nhà báo tại TRT World Research Centre. 

Quay lại trang chủ
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)