Có một thời Việt Nam lưu truyền câu nói về các ngành học được chuộng trong giới sinh viên học sinh và các phụ huynh Việt Nam rằng, "nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư Phạm". Cái ngành Sư Phạm vất vả lại kiếm sống khó khăn, ra trường phải đi dạy xa nếu chẳng quen biết hay có tiền lo lót, nên chẳng ai khuyến khích con cái theo học Sư Phạm, cái nghề học để có tiếng làm "thầy" là vậy.
Mối quan hệ thầy-trò và phụ huynh trong giáo dục Việt Nam - Hình minh họa.
Một cô giáo trẻ từng cho biết rằng, lúc ra trường muốn ở lại ngay thành phố tỉnh lỵ của mình, gia đình cô phải lo lót đến ba trăm triệu để được nhận vào dạy với mức lương chỉ khoảng bốn triệu một tháng. Làm phép tính nhẩm cũng thấy xem như cô dạy không công hơn sáu năm trời mới lấy đủ lại số tiền đã bỏ ra, nhưng vì không muốn bỏ nghề đã vất vả học nên gia đình đành phải chạy vạy để lo liệu.
Ngành Sư Phạm vốn từng bị né tránh như vậy nhưng cho đến nay, trong khi vẫn chẳng khá hơn về mặt vật chất mà về mặt tinh thần thì ngày càng bị xem thường, thậm chí bị học trò thất lễ hay phụ huynh hành hung thường xuyên hơn. Mặt khác, những thước phim ghi lại dăm vụ hành hung, sỉ nhục học trò của một vài thầy cô giáo nào đó đã tạo thêm cho công luận cái nhìn thiếu thiện cảm và mất tin tưởng về chức nghiệp vốn xưa nay được kính trọng, một chữ cũng thầy. Muốn hay không và lý do gì, những tin tức tiêu cực từ thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đó đây đã làm mối quan hệ tay ba giữa thầy-trò-phụ huynh ngày càng trở thành mối quan hệ đối đầu, có chiều hướng xấu đi.
Các số liệu cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 1.3 triệu giáo viên và khoảng 22 triệu học sinh các cấp, tức có tỉ lệ khoảng 17 học sinh mỗi giáo viên, tương đương với tiêu chuẩn chung tại các quốc gia phát triển, như tại Mỹ trung bình là vào khoảng 16 học sinh mỗi giáo viên. Tuy nhiên đây chỉ là một số liệu mang tính tương đối để có khái niệm về hệ thống giáo dục tại Việt Nam vì tỉ lệ này thay đổi, dao động khá rộng theo từng địa phương, có nơi một giáo viên phải đứng lớp đến bốn, năm chục học sinh. Nó cho thấy số lượng giáo viên không thiếu dù việc đào tạo nghề nghiệp đặc biệt này còn nhiều điều để nói. Như theo một cuộc trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Đức Minh thuộc Bộ Giáo Dục-Đào Tạo cho biết là có khoảng bốn đến năm trăm ngàn giáo viên cần được tái huấn luyện. Đó là một vấn đề khác của hệ thống đào tạo của Việt Nam, còn câu chuyện ở đây là về mối quan hệ giữa phụ huynh và thầy cô giáo tại Việt Nam hiện nay như thế nào ?
Trong thời gian vừa qua, dư luận đang tranh cãi việc có nên gắn camera thu hình ngay trong lớp học hay không và tại sao phải làm điều này ? Phụ huynh lấy những thước phim thầy cô giáo bạo hành thể xác, tinh thần cho đến xâm hại tình dục học sinh để ủng hộ đề nghị này. Thầy cô giáo tận tụy với nghề thì cảm thấy mình bị xúc phạm, bị xem như những "phạm nhân" đang bị theo dõi. Mỗi bên đều có lý lẽ, cũng như có dăm lý do và cách giải thích để ủng hộ hay phản đối đề nghị này. Nhưng việc gắn camera với lý do gì đã chứng tỏ mối quan hệ giáo viên-phụ huynh đã có sự thương tổn và xem như lòng tin về những người nghề giáo không còn. Mà rốt cuộc, ai là người thiệt thòi ? Tất nhiên là cả ba phía, mà hơn hết vẫn là học trò. Và xa hơn, là cả tương lai quốc gia khi giáo dục là nền tảng để phát triển một quốc gia.
Giới giáo dục vẫn luôn chỉ ra rằng, một mối quan hệ tích cực, tin tưởng giữa thầy cô và phụ huynh luôn đem lại nhiều ích lợi cho các em học sinh. Các em cảm thấy gắn bó với trường lớp, đến trường với tâm trạng phấn chấn hơn, thấy mình được quan tâm và yêu thương từ những người đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời mình, để rồi từ đó tạo ra sự thành công trong học đường. Để thiết lập mối quan hệ tích cực này cần có sự đối thoại thẳng thắn và thông hiểu dựa trên nền tảng tương kính lẫn nhau, phụ huynh không quá can dự vào mối quan hệ thầy-trò vì chính các em cũng cần học hỏi một kỹ năng thiết lập mối quan hệ với xã hội ngoài gia đình và biết cách lên tiếng trước những sai trái nào đó trong môi trường học đường. Và cuối cùng là, cả hai phía cùng tìm giải pháp cho các khác biệt thay vì bào chữa hay chỉ trích, tấn công nhau. Tất cả những điều này được làm chỉ trong mục đích chung là đem lại lợi ích tốt nhất cho các em. Bằng ngược lại, một mối quan hệ xấu giữa thầy cô và phụ huynh sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tinh thần nguy hại cho các em trong việc phát triển thành một người trưởng thành tử tế, có nhân cách cho xã hội.
Tất nhiên mỗi nhân tố trong mối quan hệ thầy-trò và phụ huynh này cần hiểu và có trách nhiệm trong việc thiết lập và phát triển mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Không chỉ các em được dạy "tiên học lễ" mà chính các thầy cô giáo và phụ huynh cũng cần học và thực hành cái lễ với nhau trong mối quan hệ này. Ngành giáo dục không thể có chỗ cho những người thiếu lương tâm chức nghiệp và những phụ huynh quá khích phải chịu trách nhiệm pháp luật về hành xử của mình. Nhưng nói vẫn dễ hơn làm, bởi chừng nào hệ thống và cơ chế giáo dục tại Việt Nam còn chú trọng quá mức vào điểm số, thi cử, vào căn bịnh thành tích và thi đua hơn là vấn đề thực học của một nền giáo dục khai phóng, thì chừng đó những áp lực nặng nề mà mỗi cá nhân trong bộ ba thầy-trò và phụ huynh đang gánh nặng sẽ khó lòng giúp họ làm tốt trách nhiệm và vai trò của mình.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 23/10/2019