Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Cà phê không… bình yên

Tâm Don

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang ở trong tâm trạng rối bời, ăn không ngon, ngủ không yên. Giá cà phê thấp, thiếu nhân công thu hoạch và chi phí nhân công cao vọt đang làm cho người trồng cà phê điêu đứng.

caphe1

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên

Giá cà phê quay đầu giảm mạnh

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện đang trong tâm trạng rối bời. Ngày 22/10, giá cà phê tại Đắk Lắk xuống mức thấp, chỉ còn 31.200đ/kg, tại Đắk Nông và Gia Lai là 31.100đ/kg, còn tại Lâm Đồng là 31.000đ/kg. Có nghĩa là, so với một thời gian giữa tháng 10/2016, mỗi kg cà phê rớt giá 15.600đ.

Nhiều người trồng cà phê ở Đắk Lắk và Đắk Nông cho rằng, với mức giá của ngày 22/10 này họ không lãi nhiều, và cuộc sống sẽ rất điêu đứng. " Cà phê rớt giá sâu quá, người trồng cà phê không rầu rĩ mới là chuyện lạ", nhiều nông dân cà phê nói. " Điều người làm cà phê quan tâm nhất là giá cả. Sản lượng cao cũng tốt nhưng quan trọng nhất là giá tốt, nghĩa là giá cao. Chúng tôi hy vọng giá sẽ tốt trở lại như cách đây vài ba năm. Nhưng, tại thời điểm tháng 10 này, nếu giá không tốt, người làm cà phê cũng phải buộc lòng bán đi một ít để trả nợ ngân hàng, để trang trải nhiều khoản chi phí khác", ông Nguyễn Đức Trọng, một nông dân cà phê ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng nói.

"Giá đã xuống thấp quá. Nếu giá xuống thấp nữa thì lấy gì mà đầu tư cho vụ tới đây ?", chị Nguyễn Thị Phương ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng than thở.

Tại sao giảm mạnh ?

Vào thời điểm hiện tại, các chuyên gia trong thị trường cà phê Việt Nam không đưa ra bất cứ một bình luận, nhận định và dự báo công khai nào về thị trường cà phê cả. Tuy nhiên, nhiều người sành sỏi, có thâm niên lăn lộn trong thị trường cà phê Việt Nam vẫn âm thầm bình luận và nhận định. Một chuyên gia về giá cà phê của Inexim Đắk Lak đề nghị giấu tên cho rằng, trong suốt hơn hai tháng qua, đồng USD của Mỹ luôn luôn mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền mạnh khác cùng với căng thẳng thương chiến Mỹ- Trung khiến cho giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có cà phê đã quay đầu giảm mạnh. "Chỉ khi kinh tế khu vực đồng Euro ổn định và mạnh lên kéo theo sự tăng giá của đồng Euro, thúc đẩy nhu cầu tăng tiêu thụ cà phê, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng lên. Nhưng, thật tình không biết vào thời điểm nào khu vực kinh tế Euro sẽ ổn định và tăng trưởng trở lại ? 6 tháng hay một năm nữa ? Mong là sớm hơn", chuyên gia này nói.

Ông Trần Quang Bình, một chuyên gia độc lập về thị trường cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh lại lý giải giá cà phê giảm mạnh theo một cách nhìn khác. Chuyên gia này cho rằng, các nhà rang xay cà phê hàng đầu thế giới có đủ dữ liệu và cơ sở để tin rằng, vụ mùa cà phê robusta năm nay của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn là một vụ mùa có năng suất và sản lượng ổn định như năm ngoái. Ông dẫn chứng, vào tháng 9 vừa qua, một quốc gia ở Trung Mỹ đã xuất khẩu một lượng cà phê robusta tăng 216% so với tháng 8. Đó là dấu hiệu của một vụ mùa có sản lượng cao trải dài từ Tây sang Đông. Ông còn đưa ra một dẫn chứng khác, vào ngày 01/10 vừa qua, khi Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra nhận định, niên vụ cà phê robusta năm 2018-2019 của Việt Nam sụt giảm từ 15-20% sản lượng so với niên vụ trước, hãng tin kinh tế có uy tín Bloomberg cho rằng ước đoán này không chính xác, sản lượng cà phê của Việt Nam chỉ giảm 5-7% mà thôi. Ngay lập tức, ước đoán của Vicofa và nhận định của Bloomberg đã nhận được phản ứng từ thị trường : giá cà phê robusta không đi lên theo mong đợi của Vicofa (Việt Nam chiếm 50% sản lượng cà phê robusta của thế giới, về mặt lý thuyết, đủ sức điều khiển giá) mà tiếp tục đi xuống theo nhận định của Bloomberg.

Tin vào ai đây ?

Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường cà phê robusta thế giới không bị cuốn đi theo Vicofa mà bị cuốn đi theo Bloomberg ? Rất nhiều chuyên gia cà phê đã không trả lời được câu hỏi này, và chỉ có một người đưa ra được câu trả lời xác đáng. Anh là Nguyễn Tiến Dũng (tên đã được đổi vì lý do tế nhị, theo yêu cầu của nhân vật đối thoại), một chuyên gia sành sỏi và kỳ cựu trong ngành hàng cà phê robusta của Công ty cà phê Olam- một công ty 100% vốn nước ngoài của một tập đoàn rang xay cà phê hùng mạnh. Anh Dũng cho biết, cách đây 5-6 năm về trước, các tập đoàn rang xay cà phê nước ngoài cũng tương đối tin tưởng vào các ước đoán sản lượng của Vicofa, nhưng 3-4 năm nay họ không còn tin vào các ước đoán đưa ra của Vicofa nữa. Tại sao vậy ? Theo anh Dũng, 4-5 năm lại đây, công nghệ không ảnh từ vệ tinh đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Chính công nghệ này đã giúp các nhà rang xay và nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới xác định con số sản lượng cà phê Việt Nam nói riêng và sản lượng cà phê thế giới nói chung với độ chính xác và tin cậy cao hơn qua việc chụp không ảnh các vùng, tiểu vùng và phân tích chúng bằng các phần mềm chuyên dụng. Bản thân anh Dũng đã được Công ty Olam cử đi học khóa học xác định sản lượng cà phê Việt Nam thông qua không ảnh, nhưng chỉ mới học được vài ngày anh đã bị triệu tập về nước. Theo anh Dũng, Công ty Olam sợ anh Dũng là người Việt Nam nên sẽ có những kết luận không khách quan và chính xác (hạ thấp sản lượng để cà phê Việt Nam có lợi về giá). Đó là lý do thị trường cà phê robusta thế giới phản ứng theo Bloomberg chứ không bị cuốn đi theo Vicofa, theo anh Dũng.

Anh Dũng cho rằng, Việt Nam không dẫn dắt được thị trường cà phê robusta thế giới, đó là một vấn đề lớn cần phải được mổ xẻ và phân tích thấu đáo. "Để dẫn dắt được thị trường này, Việt Nam phải làm rất nhiều việc, trong đó việc đầu tiên là Nhà nước phải trực tiếp hỗ trợ cho người nông dân cà phê chứ không phải hỗ trợ vốn không tính lãi cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thu mua tạm trữ. Chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ là một chính sách sai lầm, bởi vì người nông dân không được hưởng lợi gì từ chính sách này cả. Vì khi người nông dân cần bán cà phê trong bối cảnh giá thấp, các công ty được hỗ trợ vốn vẫn mua với gía thấp. Đó là chưa tính đến vấn đề chính sách này vô tình tạo ra những bất bình đẳng trong các hoạt động thương mại giữa các loại hình doanh nghiệp", anh Dũng nói.

Nhân công thiếu và tiền công cao

Các tỉnh trồng nhiều cà phê như Đắk Lak, Đắk Nông vừa mới bước vào vụ thu hoạch cà phê. Nhiều chủ vườn cà phê nhìn trái cà phê chín mọng mà lòng như lửa đốt. Lý do rất đơn giản : không có nhân công để thuê mướn. Họ cho biết, những năm trước đây, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, lao động người miền Bắc ồ ạt vào. "Nhiều năm trước đây, lao động ngoài Bắc vô cũng được chào đón. Nhưng càng ngày, lao động ngoài Bắc càng thể hiện tính vô kỷ luật và có nhiều vi phạm thỏa ước lao động. Vài năm lại đây, dân trồng cà phê Tây Nguyên không sử dụng lao động ngoài Bắc nữa, cho dù rất khát nhân công", ông Nguyễn Văn Đề, chủ vườn cà phê ở huyện Cư Mnga, Đắk Lak cho biết.

Ông Đề cũng cho biết thêm rằng, những chủ vườn cà phê may mắn tìm được nhân công thu hoạch phải chi trả chi phí lao động rất cao, khoảng 10 triệu đồng/1 lao động/1 tháng bao gồm tiền lương và chi phí ăn ở. "Chủ vườn phải chịu thôi. Thiếu hụt nhân công mà. Giá thấp và chi phí cao làm cho người trồng cà phê không có lãi, nếu không nói là lỗ. Tôi cho rằng, sang năm sẽ có nhiều người bán vườn cà phê. Sức chịu đựng của người nông dân cũng có giới hạn", ông Đề nói.

Còn khoảng gần một tháng nữa Lâm Đồng mới chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê, thế nhưng, ngay từ đầu tháng 10, nhiều chủ vườn cà phê ở Lâm Đồng phải chạy đôn chạy đáo đến Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận… để liên hệ thuê mướn nhân công. Một nhóm chủ vườn ở huyên Bảo Lâm- Lâm Đồng đã phải chầu chực tại Ninh Thuận trong nhiều ngày để thuê mướn nhân công. "Mình phải mời họ nhậu. Mình phải ứng trước tiền cho họ. Rất tốn kém và mệt mỏi !", một chủ vườn tên là Tuấn nói.

Dù là phụ nữ, nhưng bà chủ vườn Nguyễn Thị Lan ở Bảo Lâm- Lâm Đồng cũng phải đi xe máy tới Ninh Thuận để tìm kiếm nhân công hái cà phê. Cũng như những chủ vườn nam giới khác, bà Lan cũng buộc lòng phải mua bia rượu và mời nhân công nhậu. " Cũng phải nhắm mắt uống với họ vài ba ly để tỏ thân tình. Cũng phải cho họ ứng trước tiền công dù không biết họ có lên Lâm Đồng để hái cà phê cho mình không. Đã liều thì ba bảy cũng phải liều vậy. Có lẽ, tôi sẽ không theo đuổi cây cà phê nữa dù đã quá gắn bó với nó", bà Lan nói.

Cà phê Tây Nguyên đã chuyển từ vị đắng sang trọng sang vị đắng ngắt chua chát.

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 25/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)