Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Nợ xấu thật hiện là bao nhiêu ?

Minh Quân

Các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại vẫn cái trước đá cái sau, khiến lộ ra sự thật trần trụi trong câu chuyện ‘đã xử lý thành công nợ xấu’.

noxau1

Việt Nam : một nền kinh tế nợ xấu ? Tranh minh họa

Báo cáo… láo ?

Theo số liệu báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành xác định theo thông tư 02 là 1,98%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%, giảm mạnh so với mức 7,36% năm 2017 và 5,85% năm 2018.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968,89 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 629,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý, còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%.

Cũng theo Ngân hàng nhà nước, tốc độ xử lý nợ xấu từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã khả quan hơn, với con số xử lý lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019 đạt 236,8 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, tương đương 24% tổng số xử lý trong 7 năm qua.

Như vậy, với tỷ lệ 4,84% kể trên, quy mô nợ xấu còn lại cần xử lý đến cuối tháng 8/2019 chỉ vào khoảng 368,3 ngàn tỷ đồng. Nếu nhìn vào con số nợ xấu gần 970 ngàn tỷ đồng đã được xử lý trong 7 năm qua, thì rõ ràng số nợ xấu còn lại cần xử lý không phải là thách thức quá to lớn, nhất là khi tiềm lực tài chính của các ngân hàng thời gian qua đã được nâng lên đáng kể, nhờ vào việc tăng vốn tự có cũng như nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy khá lớn và quy mô lợi nhuận ngày càng lên cao, do đó nguồn lực để xử lý nợ xấu cũng rộng rãi hơn.

Sự thật trần trụi

Trong một cuộc họp báo công bố kết quả và báo cáo kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã nhận định VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu như không thực hiện thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định) ; không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ…

Bên cạnh đó, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ.

Nhận định trên đã củng cố một cách chắc chắn cho một nhận định trước đó từ giới chuyên gia độc lập : sau 5 năm hoạt động kể từ năm 2013, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.

Vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở : "VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này".

Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột : Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2.000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.

Làm thế nào để VAMC - chỉ xử lý được vài chục ngàn tỷ đồng nợ xấu từ năm 2018 trở về trước, lại có thể tạo thành tích thần kỳ xử lý đến khoảng 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu chỉ từ đầu năm 2019 đến nay ?

Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ như trên đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.

Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.

Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.

Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến ít nhất 700.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai, chứ không phải chỉ còn 368.000 tỷ đồng nợ xấu như báo cáo của Ngân hàng nhà nước. Nhưng nếu các ngân hàng thương mại không xử lý được số nợ xấu khoảng 600.000 tỷ đồng trong thời gian qua như báo cáo của Ngân hàng nhà nước, tổng nợ xấu hiện thời không còn là 700.000 tỷ đồng, mà chắc chắn cao hơn.

Đó là chưa tính đến tốc độ tăng tín dụng bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán luôn từ 10 - 15%/năm trong những năm gần đây, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng tương ứng.

Vào năm 2018, một chuyên gia tài chính nhà nước đã ‘bật mí’ cho phóng viên : "Nợ xấu ở Việt Nam kéo dài gần hết một thế hệ làm ngân hàng mà chưa xử lý được. Mặc dù cũng đã xóa được 3-4 tỷ USD nợ xấu (trên giấy tờ), nhưng nợ xấu mới lại gia tăng. Nợ xấu cũ chưa xử lý được tiếp tục đắp chiếu, đưa lên hồi sức cấp cứu lại đưa về phòng điều trị rồi lại đắp chiếu vì không có cơ chế xử lý…".

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 25/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)