Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Hội nghị 11, Hải Dương 8 và Nguyễn Phú Trọng chưa chịu nghỉ

Thiên Điểu

Thông điệp "vay nợ để trả nợ" với số tiền khủng và thách thức chủ quyền sẽ là tín hiệu cho thấy ai là người nắm giữ ngọn cờ trong nhiệm kỳ tới khi dám công khai quan điểm khả dĩ hợp lòng dân. Nó cũng sẽ là cơn lốc xé toang những rào cản âm thầm từ Hiến pháp do đảng cộng sản Việt Nam áp dụng hiện nay.

rut1

Những đồn đoán về dàn lãnh đạo chóp bu thường được gọi là "tứ trụ" vẫn chỉ tập trung vào các nhân vật đang nắm giữ chức vụ cao nhất.

Tin tức từ BBC New vừa loan tin tàu Khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi bãi Tư Chính vào ngày 24/10/2019 sau gần 4 tháng khảo sát tại đây.

Việc Trung quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò vào khảo sát ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra Hội nghị Trung ương 11 của Đảng cộng sản Việt Nam cùng sự im lặng khó hiểu của cả bộ máy chế độ khiến cho dư luận và cả giới quan sát quốc tế cũng phải ngạc nhiên và bất bình. Không có bất cứ hành động ngăn cản quyết liệt nào để bảo vệ chủ quyền và cũng không có nổi một phát ngôn chỉ đích danh Trung Quốc ở bãi Tư Chính trong suốt một thời gian dài. Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc và thông tin đầy u ám về nợ công khi con số được công bố là 32 triệu tỷ đồng được tung ra đúng lúc nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc rút về... mọi việc vẫn có vẻ như chỉ là trùng hợp nhưng nếu chú ý kỹ các diễn biến liên quan thì khó khiến người ta không nghĩ nó có mối liên hệ mang chủ đích nào đó.

Hội nghị Trung ương 11 được coi là diễn đàn mấu chốt để quyết định danh sách nhân sự cho nhiệm kỳ tới, mặc cho Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền trên biển. Các quan chức chóp bu của Việt Nam rõ ràng đã có hàng loạt các động thái thể hiện để nhằm đánh bóng cho bản thân. Những đồn đoán về dàn lãnh đạo chóp bu thường được gọi là "tứ trụ" vẫn chỉ tập trung vào các nhân vật đang nắm giữ chức vụ cao nhất. Trong đó, đa số các bình luận và dự đoán trên mạng xã hội tập trung nhiều nhất vào vị trí Tổng bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm giữ. Mặc dù ông Trọng vẫn kiên trì không nhắc đến Trung quốc trong vấn đề Biển đông ; thừa nhận một phần tình trạng sức khỏe của cá nhân nhưng ông Trọng ít nhất đã bắn phát pháo để thắp sáng hình ảnh khi chỉ đạo "các cơ quan phải nghiên cứu, đánh giá tình hình Biển Đông để có biện pháp phù hợp". Rất rõ ràng, với đặc quyền Tổng Bí thư kiêm Chủ tích nước, ông Trọng đã dành cho mình lá bài phát ngôn về chủ quyền vào thời điểm then chốt nhất. 

Cũng chính trong giai đoạn Hội nghị 11 ; vụ án Mobiphone được đưa ra truy tố với những thông tin chấn động bậc nhất trong suốt cuộc chiến chống tham nhũng. Việc có tới 2 cựu Bộ trưởng cùng bị truy tố và cả 2 đều thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền cao kỷ lục dù khiến truyền thông dấy động. Tuy thông tin vụ án không đủ để che lấp vấn đề chủ quyền. nhưng rõ ràng nó là thông điệp có lợi, giúp cho ông Trọng khẳng định vị thế chính trị của mình. Nó cho thấy : ông Trọng chưa có ý định rời bỏ chính trường dù đã quá tuổi và đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ. Không chỉ là vấn đề sức khỏe, riêng độ tuổi và qui định về thời gian tại nhiệm lần này đối vông ông Trọng sẽ có những thách thức lớn hơn trước đây rất nhiều. Ông Trọng chỉ có thể tại vị với điều kiện sửa Hiến pháp, điều mà Bộ chính trị và Trung ương đảng đều không hề mong muốn lúc này bởi nếu sửa Hiến pháp thì đương nhiên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác chứ không riêng vấn đề nhiệm kỳ của lãnh đạo.

Trên thực tế, nếu cách đây chỉ nửa năm, ông Trọng có tuyên bố từ giã chính trường để "nhường ngôi" chưa chắc đã có quan chức nào dám nhận cái ghế của ông trong tình thế các phe nhóm đang xung đột dữ dội. Bất cứ ai trong "thành phần không nhỏ" ngoi lên sẽ lập tức trở thành mục tiêu công phá của tất cả các nhóm. Những "đòn cảnh cáo" đến các vị trí cao nhất đã được tung ra là thông điệp rõ ràng nhất cho bất cứ ai có ý định "trèo cao" khi mang theo cả những "gót chân Asin" vào chính trường.

Hội nghị trung ương 11 kết thúc, chắc chắn vấn đề nhân sự chóp bu đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn như thông lệ, không có thêm thông tin gì ngoài những nội dung có thể nói hết sức nhạt nhẽo, mấy khác năm 2016 khi phải quay cuồng với cuộc "ngã giá" để cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về "làm người tử tế". Cũng có thể vụ đầu độc nguồn nước của nhà máy nước Sông Đà sẽ hé lộ ra nhiều câu chuyện sau phát ngôn của ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Hà Nội "cung cấp nước không sạch thì sẽ ký hợp đồng với đơn vị khác" hàm ý không khác một thông điệp "khai tử" đối với nhà máy nước Sông Đà. Điều đáng chú ý đây là phát ngôn "sốc" nhất sau một thời gian rất dài ông Hoàng Trung Hải kiên nhẫn im lặng kể từ khi "yếu tố người Trung Quốc" nổi lên sau vụ giàn khoan HY 981 năm 2014. Có hay không áp lực của Trung Quốc lên vấn đề nhân sự ở Việt Nam không ai có thể khẳng định, nhưng khả năng sẽ rất "trùng hợp" là Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào hạ đặt trong vùng bãi Tư Chính sau thời gian "nghiên cứu các dữ liệu đã khảo sát" vừa qua đúng vào dịp bầu cử nhân sự Trung ương nhiệm kỳ mới vào cuối năm nay.

Thông điệp "vay nợ để trả nợ" với số tiền khủng và thách thức chủ quyền sẽ là tín hiệu cho thấy ai là người nắm giữ ngọn cờ trong nhiệm kỳ tới khi dám công khai quan điểm khả dĩ hợp lòng dân. Nó cũng sẽ là cơn lốc xé toang những rào cản âm thầm từ Hiến pháp do đảng cộng sản Việt Nam áp dụng hiện nay.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 26/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)