Khi Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, câu chuyện chưa dừng tại đó. Nhiều quan điểm được bảo tồn rằng, Bắc Kinh sẽ sớm trở lại, nhưng không phải là một tàu thăm dò địa chất, mà sẽ là dàn khoan dầu. Điều này không khó để nhận ra, khi ngay sau động thái rút đội tàu khảo sát về nước, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố, đội tàu đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cuộc họp của 10 thành viên ASEAN tổ chức tại Thái Lan vào đầu tháng 11 sẽ là một "cuộc chiến pháp lý" mà Hà Nội cần dốc hết sức. Ảnh minh họa
Hà Nội sẽ ứng xử như thế nào ? Tăng cường quốc phòng ? Kiện hay sẽ theo đuổi một cuộc chiến pháp lý liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử COC ?
Việt Nam "mua 24 xuồng tuần duyên" của Mỹ, nhằm hỗ trợ các hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, theo tuyên bố của Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, nói trong một cuộc họp báo ở Philippines hôm 22/10. Nhưng nỗ lực liên quan đến tăng cường năng lực tự vệ hàng hải là quá nhỏ so với sức mạnh quân sự từ Bắc Kinh.
Trong bối cảnh này, COC nổi lên như một giải pháp tiếp theo mà Việt Nam đang cần đẩy mạnh.
Cuộc họp của 10 thành viên ASEAN tổ chức tại Thái Lan vào đầu tháng 11 sẽ là một "cuộc chiến pháp lý" mà Hà Nội cần dốc hết sức. Lý do, 5/10 quốc gia đang có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc, và nhóm ASEAN đang tìm kiếm một bộ quy tắc nhằm giảm nguy cơ xung đột vũ trang trên vùng Biển Đông.
Điều này càng trở nên khẩn cấp sau màn "rượt đuổi" nhau trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
"Một khi các bên bắt đầu điều động tàu chiến thì sẽ thành vấn đề. Điều đó có thể dẫn đến chiến tranh’, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói tại hội nghị Malaysia Beyond 2020 ở Kuala Lumpur hôm 21/10.
Tuy nhiên, vấn đề ra đời của COC phải dựa trên lòng tin và sự chân thành của các bên tham gia, trong đó có Trung Quốc.
David R. Stilwell, người điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho hay : Trung Quốc nếu "hợp pháp hóa hành vi nghiêm trọng của mình và yêu sách hàng hải bất hợp pháp", thì một bộ quy tắc ứng xử ra đời sẽ có hại cho khu vực và tự do hàng hải.
Vì sao ông Stilwell lại bày tỏ quan điểm như vậy đối với COC ?
Bà Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Junever Mahilum-West mới đây cho biết trong cuộc họp báo rằng : sẽ không có cuộc đàm phán chuyên sâu nào về quy tắc ứng xử trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN với Trung Quốc.
Nhưng, Bắc Kinh sẽ không còn muốn trì hoãn việc thông qua COC. Bởi lẽ, COC sẽ giúp Bắc Kinh hoàn tất phần còn lại của quân sự hóa và tiền đồn hóa trên vùng Biển Đông.
Cựu Phó thẩm phán cấp cao Philippines, ông Antonio Carpio lý giải động cơ nào đằng sau tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng họ muốn COC ký vào năm 2022, mà không phải là 2019 hay 2020.
Trong một phỏng vấn với Philstar biết vào ngày 28/10, Antonio Carpio khẳng định, đó là "quy trình" mà Bắc Kinh đang tìm kiếm. Và điều này đang thể hiện qua cách Bắc Kinh giải quyết vấn đề liên quan đến bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh đã lên kế hoạch đòi lại bãi cạn Scarborough vào đầu năm 2016 khi nước này gửi tàu nạo vét đến ngư trường truyền thống ngoài khơi bờ biển của tỉnh Zambales của Philippines. Nước này chỉ lùi bước khi thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo ông Tập Cận Bình rằng Washington sẽ có biện pháp nếu Bắc Kinh đòi lại bãi cạn.
"Trung Quốc chưa hoàn thành việc xây dựng hòn đảo của mình và sẽ đòi lại bãi cạn Scarborough, từ nay đến khi ký kết Bộ quy tắc ứng xử hình thành vào năm 2022", ông Antonio Carpio tuyên bố.
Và xây dựng một căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.
Ông Carpioe tuyên bố, vì Tổng thống Duterte "bật đèn xanh" để Bắc Kinh làm vậy, nên sẽ không có cơ hội cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào của Trung Quốc vào tàu hoặc máy bay quân sự của Philippines, và do đó, Philippines không thể thực hiện Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Philippines và Mỹ.
Và Trung Quốc sẽ phải có động thái trước khi nhiệm kỳ của Duterte kết thúc vào năm 2022 vì không chắc liệu chính quyền tiếp theo có áp dụng chính sách tương tự với Biển Đông như thời kỳ Tổng thống Duterte. Điều này đồng nghĩa, sau khi Trung Quốc hoàn thành căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ tuyên bố sẵn sàng ký Bộ quy tắc ứng xử.
Nhưng vấn đề không dừng tại đó. Vào thời điểm ASEAN và Trung Quốc ký kết COC, sẽ không xây dựng đảo mới trong phạm vi lãnh thổ hoặc các khu vực hàng hải đang tranh chấp ở Biển Đông. Và tất cả các lần khai hoang trước đây và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ được công nhận bởi các quốc gia tranh chấp.
Do vậy, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết phán quyết của trọng tài quốc tế trước đó (theo hướng có lợi cho Manila), đã vô hiệu hóa yêu sách rộng lớn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nên là một phần không thể thiếu trong bộ quy tắc COC.
Đó là lý do vì sao để giải thích, COC kéo dài trong nhiều năm mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ được hoàn thành. Nhưng gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hoàn thành bộ luật trong ba năm. Điều này thể hiện "mưu đồ" rõ ràng của Bắc Kinh ngay trong vấn đề pháp lý đối với nhóm nước ASEAN.
Năm tới, Hà Nội sẽ nắm giữ chức vụ Chủ tịch ASEAN, và COC sẽ là cuộc chiến tiếp theo mà Hà Nội cần theo đuổi. Bởi nếu một COC "công nhận" nhóm đảo nhân tạo và là tiền đồn của Bắc Kinh trên Biển Đông thì đồng nghĩa, cơ hội kháng cự lại của Việt Nam và các nước liên quan với Bắc Kinh chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 29/10/2019