Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức bế giảng "Lớp Bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Thứ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn chủ trì hội thảo về Nghị quyết 26 của Trung ương. Thứ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn chủ trì hội thảo về Nghị quyết 26 của Trung ương.
Cán bộ quy hoạch cấp chiến lược là những cá nhân được lựa chọn để làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn từ 2021 đến 2026. Những cá nhân này cũng đã được lựa chọn để làm lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể tầm quốc gia, hoặc lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở các tỉnh, thành phố.
Báo chí chính thức dẫn lời của ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, năm nay, nơi này mới tổ chức hai lớp "bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" của Đảng cộng sản Việt Nam cho 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược".
Điều đó có nghĩa là sẽ còn một số lớp nữa. Những lớp "bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" của Đảng cộng sản Việt Nam dạy gì ?
Ông Thắng bảo rằng, "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" được học 44 chuyên đề về : Nền tảng tư tưởng - lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng đảng – hệ thống chính trị, quốc phòng – an ninh – đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội - môi trường, kỹ năng lãnh đạo - quản lý. Sau đó được đưa đi thực tế tại sáu tỉnh trong… sáu ngày rồi làm đề án tốt nghiệp. Đề tài xoay quanh những vấn đề có tính thời sự, thiết thực đang cần phải giải quyết ở lĩnh vực, ở địa phương mà học viên đang phụ trách hoặc công tác. Cuối cùng, học viên phải bảo vệ "đề án tốt nghiệp" trước một hội đồng là các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và các nhà khoa học đầu ngành.
Ông Thắng khoe là 100% học viên của hai lớp "bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" của Đảng cộng sản Việt Nam đạt loại "giỏi và xuất sắc". Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì cho rằng, việc tổ chức thành công hai lớp này sẽ là "mẫu" cho công tác đào tạo cán bộ quản lý các cấp (1).
***
Không biết trong số 44 chuyên đề mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dạy cho 95 học viên của hai lớp "bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" của Đảng cộng sản Việt Nam có bao nhiêu chuyên đề liên quan tới Nền tảng tư tưởng - lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam, Xây dựng đảng – hệ thống chính trị ?
Kẻ viết bài này không dám lạm bàn về những chuyên đề kiểu đó, tuy nhiên những chuyên đề liên quan tới các lĩnh vực còn lại (quốc phòng – an ninh – đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội - môi trường, kỹ năng lãnh đạo - quản lý) rõ ràng không phải là dễ dàng, đơn giản.
Ở đâu dưới gầm trời này cũng có rất nhiều người học hành, nghiên cứu cả đời về từng lĩnh vực cụ thể trong chuỗi đa lĩnh vực mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức "bồi dưỡng" cho "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" nhưng có bao nhiêu người dám thừa nhận họ "giỏi" và bao nhiêu nơi dám khẳng định họ "xuất sắc" trong lĩnh vực ấy ?
Chỉ "bồi dưỡng" trong hai tháng (từ 6/8 đến 28/10) mà khẳng định 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược" là "giỏi và xuất sắc" cả về quốc phòng – an ninh – đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội - môi trường, kỹ năng lãnh đạo - quản lý thì quả là đáng… ngỡ ngàng !
Chẳng lẽ "kiến thức mới" trong tất cả các lĩnh vực liên quan tới "quốc kế, dân sinh" có thể "đóng gói" và "chuyển giao" trong vòng hai tháng ? Chưa kể cần xem xét nơi nào "đóng gói", "chuyển giao" "kiến thức mới" và những cá nhân giữ vai trò thẩm định chất lượng của 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" vừa được "bồi dưỡng".
Chỉ nhìn ở góc độ… chính thức, từ trước đến nay, có "gương mặt" nào mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ngưng tô vẽ, để cho… "mốc" rồi đem làm… "củi", chưa… mài đũng quần trên ghế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ? Có thể đặt niềm tin vào một cơ sở đào tạo mà tất cả những kẻ đã được xác định là "ăn tàn, phá hại" đều… từ đó mà ra ?
Ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, những ai tham gia thẩm định – xác định : Sau hai tháng được "bồi dưỡng", 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" trở thành "giỏi và xuất sắc" đa lĩnh vực ? Đó là các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và các nhà khoa học đầu ngành !
Cứ nhìn hiện trạng quốc phòng – an ninh – đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội - môi trường của Việt Nam là có thấy hiểu biết và kỹ năng lãnh đạo - quản lý của các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như thế nào. Với hiểu biết và kỹ năng như thế, thẩm định - nhận định ai đó "giỏi và xuất sắc" có đáng… ngờ không ?
Cần phải xét đến một đối tượng khác cũng tham gia thẩm định chất lượng của 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" vừa được "bồi dưỡng" : "Các nhà khoa học đầu ngành" ! Có nhà khoa học đúng nghĩa nào đủ tự tin và thiếu tự trọng đến mức công nhận ai đó chỉ cần "bồi dưỡng" trong hai tháng là trở thành "giỏi và xuất sắc" đa lĩnh vực ? Còn nếu đó là "các nhà khoa học đầu ngành" về… chủ nghĩa cộng sản, về… xây dựng đảng, về… lịch sử đảng thì thôi… khỏi bàn để bàn sang chuyện khác !
***
Năm tới, các cơ sở đảng cấp thấp nhất, chẳng hạn từ thôn, ấp, mới tổ chức đại hội để lựa chọn đại biểu đi dự đại hội của đảng ở cấp cao hơn. Tại đại hội đảng cấp cao hơn (ví dụ phường, xã), các đại biểu sẽ vừa bầu lãnh đạo tổ chức đảng tương ứng (như Bí thư xã), vừa lựa chọn đại biểu tham dự đại hội đảng ở cấp cao hơn nữa... Cứ thế cho đến khi những đại biểu thay mặt đảng viên trong toàn quốc chọn xong các Ủy viên Ban chấp hành trung ương, các thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư mới của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nói cách khác, năm 2021, phải sau vô số đại hội đảng, Đảng cộng sản Việt Nam mới có Ban chấp hành trung ương mới và từ đó mới có các thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư mới. Song đó là… lý thuyết ! Trên thực tế, chưa cử, chưa bầu thì giới lãnh đạo đảng hiện nay đã lựa chọn và sắp đặt xong các cá nhân lãnh đạo đảng ở đủ mọi cấp.
Việc lựa chọn – sắp đặt như thế được gọi là… qui hoạch. Những cá nhân được lựa chọn – sắp đặt vào những vị trí cao nhất được gọi là… "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược". Những "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược" cho Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 để lãnh đạo đảng từ 2021 đến 2026 vừa hoặc sắp được… "bồi dưỡng".
Nhìn một cách tổng quát, chẳng phải dân, ngay cả đảng viên cũng chỉ là con rối trong tay một số "đồng chí" của mình. Những quy hoạch nhân sự, lớp "bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" chính là ví dụ minh họa : Các đại hội đảng là những vở kịch và dù muốn hay không, các đảng viên cũng phải diễn cho tròn vai.
Lẽ ra người Việt không cần bận tâm đến chuyện nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam nếu họ không phải gánh chi phí cho vô số vở kịch như thế. Chưa kể họ phải gánh thêm cả chi phí cho việc bầu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu quốc hội cho dù lãnh đạo các cơ quan dân cử, cơ quan công quyền cũng đã được… quy hoạch xong về nhân sự lãnh đạo.
Tuy chẳng có bao nhiêu người biết 95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" vừa được "bồi dưỡng kiến thức mới" gồm những ai nhưng xét cho đến cùng, chắc chắn không có "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" nào có thể được xem là vô can trước những vấn nạn ở địa phương họ lãnh đạo hoặc ngành họ công tác tạo ra.
95 "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" vừa được "bồi dưỡng kiến thức mới" và những "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" sắp được "bồi dưỡng kiến thức mới" sẽ tiếp tục thực hiện hoặc đề ra những "chủ trương lớn", chỉ đạo soạn – thực hiện những dự án giống như những cá nhân lựa chọn – sắp đặt họ làm "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa 13" và nếu không có gì thay đổi, họ sẽ tiếp tục lựa chọn – sắp đặt chính mình hoặc những cá nhân khác làm "cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa… 14,15, 16,…".
Bội chi ? Nợ nần gia tăng từ trăm ngàn lên cả triệu tỉ ? Phúc lợi công cộng suy giảm ? Đồng bào lầm than, oán thán ?... Không phải là chuyện đáng bận tâm vì đó là những hậu quả mà đảng không phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm vì lựa chọn – sắp đặt những cá nhân kiểu như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,…
Nếu dân chủ xã hội chủ nghĩa không ưu việt như thế, đảng ta sẽ không thèm dốc toàn lực để giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, không… qui hoạch nhân sự như đang thấy !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/10/2019
Chú thích :