Những cái chết đến từ thôi thúc ‘thoát nghèo’
Đinh Yên Thảo, VOA, 01/11/2019
Trong những ngày qua, câu chuyện thương tâm về 39 người mất mạng trên chuyến xe tải định mệnh tại Anh vẫn đang làm giới truyền thông và thế giới nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng xao động. Trong khi đa số tỏ ra ngậm ngùi, đồng cảm với những người xấu số và cả ngay những người bản xứ còn bàng hoàng đặt hoa, làm lễ tưởng niệm, lại chính không ít người Việt đổ lỗi cho nạn nhân và gia đình của họ.
Một người cha đưa hình con trai, hy vọng con vẫn còn sống sau vụ 39 người chết tại Anh. (AP Photo/Hau Dinh)
Đúng hay sai, trách nhiệm thuộc về ai thì dù nhìn ở mặt nào, câu chuyện về những "người rơm" - những phận người bị xem như rơm như rác tìm đường vào Anh cần là câu chuyện đáng suy nghĩ ở cấp độ quốc gia cùng những truy vấn về các chính sách kinh tế, chính trị và xã hội nào đã dẫn đến hệ lụy này. Khác hơn những góc nhìn cá nhân rất giới hạn và tùy thuộc vào vị trí xã hội, nhận thức cùng tâm thức của những bình phẩm nhiều cảm tính. Hoặc cũng có thể là đang thực hiện một nhiệm vụ nào đó để hướng công luận quy trách nhiệm về cho nạn nhân. Vấn đề là nguyên do gì đã dẫn đến sự việc này ?
Trong cuốn sách Poor Economics từng được dịch sang tiếng Việt là Hiểu Nghèo Thoát Nghèo của hai kinh tế gia Abhijit Banerjee và Esther Duflo vừa được giải thưởng Nobel Kinh Tế năm nay, ở chương cuối cùng của cuốn sách, các tác giả đưa ra kết luận qua những phát hiện chính yếu về người nghèo, nhấn mạnh sự tác động từ hệ thống kinh tế chính trị cùng các chính sách quốc gia đã ảnh hưởng đến người nghèo ra sao.
Các tác giả nhận xét rằng, một định chế kinh tế chính trị đúng đắn và hiệu quả thì sẽ tạo ra những chính sách hay cùng sự thịnh vượng chung cho xã hội. Bằng ngược lại, nó khó lòng kiến tạo hay thực thi những chính sách phù hợp trên mọi quy mô. Mặt khác, khi giới cầm quyền - những người định hướng và điều hành thể chế kinh tế, chính trị và xã hội không đặt ưu tiên hàng đầu trong việc tạo điều kiện cho người dân phát triển và giàu có hơn mà chỉ lo tham nhũng và trục lợi cá nhân, nói khác đi là lạm quyền - thì sẽ dẫn đến sự yếu kém cho quốc gia và có thể đẩy người dân đến những quyết định và hành động sai lầm.
Năm điều chính yếu mà các tác giả của Poor Economics đưa ra về người nghèo và sự nghèo theo sau : Thứ nhất là người nghèo thường thiếu thông tin cấp thiết và dễ tin vào những điều không thật. Niềm tin không đúng sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm với những hệ lụy bất lường. Thứ nhì là người nghèo phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, đời sống và công việc bấp bênh và phải tự lo toan mọi chuyện so với người giàu có. Thứ ba thì người nghèo chịu sự bất bình đẳng về thị trường, giá cả, dịch vụ vì nhiều lý do khác nhau. Thứ tư là các quốc gia nghèo không tất yếu phải cứ thất bại vì vốn dĩ đã nghèo hay vì vận xui lịch sử mà vì chính phủ yếu kém và chính sách thiếu hiệu quả. Và cuối cùng là sự kỳ vọng về khả năng hay thiếu khả năng của người khác rốt cuộc sẽ có xu hướng biến điều đó trở thành sự thật.
Dựa theo những điều này để xét riêng qua câu chuyện thời cuộc thì những người rời bỏ quê hương, dù ở dạng làm nhân công hợp pháp qua mỹ từ "hợp tác lao động" hay con đường vượt biên bất hợp pháp và đầy nguy hiểm như những "người rơm" đều tin rằng mình có thể thay đổi đời sống được khá hơn, ít nhất xét về mặt kinh tế.
Những "người rơm" và gia đình họ tin rằng, khi vay mượn đến đôi ba chục ngàn đô la cho một cuộc đổi đời, họ sẽ có khả năng sớm trả được món nợ đó và rồi thay đổi đời sống mình cùng gia đình được tốt đẹp hơn. Họ chẳng lường hết những nguy hiểm trong hành trình xuyên quốc gia, vượt qua vài ngàn cây số để bước vào khoang xe định mệnh, giao phó sinh mệnh mình vào tay người khác với những dẫn dụ rằng, họ có thể thực hiện chuyến vượt biên giới an toàn lần thứ nhì, thứ X, Z, Y nào đó cho đến khi thành công như bao người khác.
Thứ nhì là với đời sống bấp bênh, công việc không đủ sống tại quê nhà, lại phải chứng kiến khoảng cách giàu nghèo quá cách biệt mà không ít kẻ giàu có chưa hẳn do tài sức hay sự cần cù, trong khi họ lại không có được cơ hội như vậy. Sự quẫn trí và thôi thúc thoát nghèo dễ đưa người nghèo chọn một con đường thoát nghèo nào đó, ở đây là con đường sang Anh bất hợp pháp như những "người rơm".
Thứ ba là, cũng vậy, với người nghèo thì có những thị trường, hàng hóa, dịch vụ không dành cho họ bởi đơn giản là họ không kham nổi, không vói tới. Họ trở thành những công dân hạng hai, hạng ba ngay trên quê hương mình nên quyết định rời bỏ nơi mình không được đối xử công bằng hay được có cơ hội để hưởng những điều đó, không là điều khó lý giải.
Thứ tư là người nghèo thường mang mặc cảm nghèo do vận kiếp nghèo, do thua kém khả năng hơn là quy về trách nhiệm cho một chính phủ, một thể chế hay các chính sách kinh tế thất bại đã đưa họ vào chỗ nghèo, không tạo cho họ cơ hội để thoát nghèo. Chính vì vậy, họ buộc phải tự quyết định cho cuộc đời mình, cách này hay cách khác.
Và cuối cùng, khi người nghèo bị đặt vào định kiến rằng họ nghèo vì thiếu khả năng, vì lười biếng, vì vô số điều mà chính họ là người phải chịu trách nhiệm thì họ xem quả thật là vậy và sẽ không tự mình ngóc đầu nổi nếu không đánh liều làm điều phi pháp hay đánh cược số phận bằng một chuyến đi rủi ro như "người rơm". Khao khát thoát khỏi sự nghèo đói là hiển nhiên và chính đáng, dăm người đi trước thành công hay phát đạt đã thôi thúc những người còn lại xem sự ra đi là cứu cánh.
Nỗ lực và phương cách thoát nghèo của mỗi người khác nhau, tùy theo ý chí, phẩm hạnh và khả năng cùng các mục tiêu mà họ đặt ra. Theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Bên cạnh một số ít người nghèo nào đó sẽ thành công là một số đông không có cơ hội hay chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận những rủi ro.
Không phải người nghèo nào rồi cũng sẽ đi theo con đường trở thành một "người rơm", như những người dân quê nghèo khổ khác đã chọn con đường "vượt biên nội địa" khi đổ về thị thành để mưu sinh vất vả, dù không nguy hiểm nhưng cũng lắm nỗi nhọc nhằn và là một quyết định chẳng dễ dàng khi rời chốn chôn nhau. Và không phải ai lên thị thành cũng để gia nhập băng đảng hay bán mình, nên võ đoán về quyết định và mục đích cuối cùng của những "người rơm" là sự nhẫn tâm.
Bởi xét cho cùng, những nạn nhân xấu số này chỉ là hệ lụy của một cơ chế xã hội khác, nơi họ đành phải rời bỏ để đi tìm một cuộc đời tốt đẹp hơn. Nếu những người đang điều hành quốc gia không thẳng thắn nhìn nhận nguyên do và tự vấn về trách nhiệm của mình thì những chuyến xe định mệnh, dạng này hay cách khác lại vẫn còn xảy ra. Ở bất cứ nơi đâu.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 01/11/2019
***************
Chặng thầm lặng cuối cùng của 39 người xấu số
Nguyễn Hùng, VOA, 31/10/2019
Mấy ngày qua tôi đã vài lần đi lại chặng đường thầm lặng cuối cùng của 39 con người xấu số trước khi cả thế giới bàng hoàng với tin họ đã chết trong thùng đông lạnh. Đó là quãng đường chưa tới hai cây số từ cảng Purfleet bên sông Thames tới khu công nghiệp Waterglade ở vùng Grays. Nói theo kiểu Việt Nam, Grays là quận thuộc huyện Thurrock, tỉnh Essex ở miền nam. Nước Anh gọi Essex là county, vẫn được dịch là ‘hạt’. Cảng Purfleet nằm trong quận cùng tên giáp ranh với Grays, vốn là quận lớn nhất tại Thurrock.
Tác giả ghi lời chia buồn trong sổ ở hội đồng địa phương vùng Thurrock thuộc hạt Essex. (Hình : Nguyễn Hùng cung cấp)
Tôi bắt đầu chặng đường trong video quay bằng camera hành trình này từ nơi bạn có thể nhìn thấy sông Thames và cảng sông Purfleet nằm cách đó vài trăm mét. Chặng đường đưa bạn đi ngang qua ga tàu Purfleet, một trường phổ thông, vài trụ sở các công ty gỗ hay xăng dầu trước khi đi ngang qua cổng vào cảng Purfleet để từ đó đi lại chặng cuối tới khu công nghiệp Waterglade nơi người ta phát hiện ra xác của 39 người mà tới nay nhiều gia đình ở Việt Nam sợ rằng con em họ nằm trong số đó.
Hoa do người địa phương để lại phía đường đối diện chỗ chiếc xe đỗ sau khi phát hiện 39 người chết. (Hình : Nguyễn Hùng)
Nơi họ được phát hiện ra chỉ bao gồm các khu công nghiệp, khu mua sắm, các siêu thị rất lớn và bởi vậy đêm tới trên đường gần như không có bóng người. Đó có lẽ là lý do nơi đây được chọn để thả người ra từ các công-ten-nơ. Tôi tin rằng nhiều người đã đi thoát theo ngả này cho tới khi tai nạn xảy ra với 39 người đêm 22 sang ngày 23/10. Người dân địa phương từng nói họ được người ta ấn điện thoại vào tay để nói chuyện với người ở đầu giây kia và được nhờ đưa người tới địa điểm cụ thể với giá nhất định. Khu vực này cũng chỉ cách đường vành đai cao tốc bao quanh London, được gọi là M25, có vài phút. M25 cũng nối với các đường cao tốc khác đi khắp nước Anh. Có thể nói đó là nơi hạ cánh lý tưởng cho những người vào Anh bất hợp pháp.
Tại nơi người ta phát hiện ra thi thể nạn nhân, nhiều người dân đã mang hoa và thiệp tới để chia buồn với nạn nhân và gia đình họ. Hội đồng địa phương vùng Thurrock cũng mở sổ chia buồn để những ai muốn chia sẻ với các nạn nhân và gia đình có thể tới ghi đôi lời. Hội đồng cũng khuyến cáo người dân mang hoa tới khu vườn gần trung tâm để tưởng nhớ những người đã mất vì như vậy trang trọng hơn để tại khu công nghiệp Waterglade.
Trang web của hội đồng địa phương Thurrock ghi lại lời chia buồn của một số nhân vật quan trọng trong đó có thủ tướng, bộ trưởng nội vụ và cảnh sát trưởng vùng Essex. Thủ tướng Boris Johnson ghi trong sổ hôm 28/10 rằng cả nước Anh và cả thế giới "bị sốc trước thảm kịch và sự tàn ác của số phận xảy đến với những người vô tội đang hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn" ở Anh. Cảnh sát trưởng BJ Harrington nói ông "thực sự đau buồn trước mất mát của các gia đình và người thương của họ". Ông cam kết "sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật".
Khi tôi tới ghi sổ tưởng niệm chiều 28/10, người ta đã cất bút tích của thủ tướng và những nhân vật qua trọng khác đi. Thị trấn Grays sinh hoạt như thường ngày nhưng có lẽ nhiều người dân địa phương vẫn giữ trong đầu câu hỏi những người xấu số là ai và vì sao họ sẵn sàng chui vào công-ten-nơ không đầu kéo vượt biển tới cảng sông quê họ.
Ông thủ tướng đã phần nào trả lời câu hỏi đó khi ghi rằng họ "hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn". Họ cho rằng lao động tại Anh sẽ giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn và nhanh hơn so với ở lại Việt Nam. Gia đình họ mong con cái sang Anh để gửi tiền về phụ giúp gia đình. Họ không có quan hệ để có thể đi nhờ chuyên cơ hay đi bằng hộ chiếu công vụ rồi trốn ở lại nên tìm con đường vất vả và chông gai hơn. Nhưng chắc chắn họ không hề nghĩ rằng họ có thể phải bỏ mạng trên con đường mưu sinh.
Tôi cũng nghe người trong cộng đồng Việt Nam tại Anh nói rằng có người ở Việt Nam thực sự tin rằng con em mình đã chết trong chiếc công-ten-nơ và gọi sang cho họ hàng ở Anh để ra nhận xác. Nhưng người họ hàng giấy tờ chưa có nên cũng chưa dám xuất hiện dù cảnh sát Anh đã khẳng định họ sẽ không truy xét bất cứ ai giúp họ xác định danh tính của những người đã mất.
Trong khi một số cư dân mạng có những lời lẽ khó nghe với những người bạc mệnh, tôi chỉ có niềm thương cảm với các đồng hương không may gặp nạn. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, điều duy nhất họ làm sai cho tới nay là toan di cư trái phép vào Anh. Mà biên giới cũng là điều có thể bàn cãi. Mấy chục nước châu Âu trong khối Schengen đã bỏ hoàn toàn biên giới giữa các nước trong khối nhưng Anh không tham gia khối này. Nếu họ tham gia, số người vào Anh có lẽ sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng những thảm cảnh như vừa qua đã không xảy ra. Thế giới vẫn hoạt động theo nguyên tắc nhà giàu, nước giàu kín cổng cao tường và cách ly họ khỏi phần còn lại của thế giới. Đây không phải là điều đáng hoan nghênh nhưng cho tới khi thế giới có cùng hệ giá trị và trình độ phát triển, người ta khó có thể làm gì khác.
Tôi cũng nghĩ rằng các nước giàu nên có cái nhìn bao dung hơn với những người chạy trốn khỏi các nơi có xung đột, chiến tranh hay các xứ sở còn tình trạng độc tài toàn trị. Nhiều nước độc tài toàn trị nghèo không phải vì người dân giáo điều, lười biếng và không có hoài bão mà vì đây là các thuộc tính của giới chính trị gia điều hành đất nước và cai quản người dân. Xin thành thật chia buồn với gia đình các nạn nhân và những người đang là nạn nhân của các chế độ độc tài toàn trị.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 31/10/2019
*******************
'Chuông nguyện hồn anh đấy'
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 31/10/2019
Theo dõi vụ 39 người chết trong thùng xe đông lạnh khi trên đường đến Anh khiến tôi băn khoăn không dứt về số phận những người đồng trang lứa sớm mang phận lưu vong.
Đi đường rừng từ Cam vào Thái, khi đến nơi tập kết thì cứ 10 người ép vào một xe 4 chỗ mà chạy tốc độ cao về Bangkok - Ảnh minh họa
Tôi đã từng nhảy thùng xe tải cùng hàng chục người, Cambodia có, Việt có, đi đường rừng từ Cam vào Thái. Đoàn chúng tôi không ai biết ai đã lội bộ hàng giờ đồng hồ xuyên những cánh đồng mía bạt ngàn vùng biên, để rồi khi đến nơi tập kết thì cứ 10 người ép vào một xe 4 chỗ mà chạy tốc độ cao về Bangkok.
Tôi cũng đã nhiều lần ngồi với các bạn lao động Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan, khắp nơi trên quốc đảo này, bên chai bia, nghe các bạn kể chuyện phải làm những công việc khó nhọc, bẩn thỉu và nguy hiểm (3D jobs - dirty, dangerous, difficult) ra sao trong đời chui nhủi này. Câu chuyện thường ngắt quãng bởi cuộc gọi từ quê nhà, khi thì từ bố mẹ, lúc thì từ người yêu - những cuộc gọi vừa là cách giết thời gian vừa là niềm an ủi của họ.
Tôi cũng từng bắt gặp sau giờ lễ Chúa Nhật ở một nhà thờ trung tâm Brussels, thủ đô của Châu Âu, lại giòn tan tiếng nói cười Nghệ Tĩnh của những nhóm bạn trẻ đầy sức sống. Bầu không khí mà nếu không có cảnh quan Âu châu xung quanh thì không khác mấy một nhà thờ miền Trung.
Tôi không thấy gì khác từ họ ngoài một khát khao muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được đi đây đi đó vừa mở mang tầm mắt vừa giúp đỡ gia đình. Cũng như tôi, cũng như bao người khác.
Có khác chăng là số phận đặt để mỗi người may rủi khác nhau. Những người may mắn hơn không nên và không bao giờ nên cay nghiệt với những người còn lại.
Bởi đâu ai biết phận mình rồi sẽ rủi may thế nào.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/10/2019 (nguyenanhtuan's blog)
********************
Vụ 39 người chết : Cảm xúc và lý tính
Nguyễn Trang Nhung, RFA, 31/10/2019
Một tuần qua, báo chí trong nước và mạng xã hội sôi sục với các tin tức về vụ 39 người bỏ mạng trong container nhập cảng vào Anh.
Nhiều người trong số này được cho là người Việt Nam khi câu chuyện về Trà My rộ lên và theo sau đó là nhiều thanh niên miền Trung được gia đình báo mất tích tại Anh vào cùng thời điểm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Cảnh sát trưởng Hạt Essex ngày 28/10/2019 đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân chết trong xe tải
Sự việc đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc tranh luận trên Facebook xoay quanh tình cảm, thái độ và quan điểm của người Việt về cái chết của những người xấu số.
Phần đông dư luận thể hiện sự đau xót và thương cảm dành cho họ, trong khi một số thể hiện cái nhìn ít cảm xúc hơn, thậm chí là hoàn toàn lý tính.
Đâu đó, người ta có thể thấy cảm xúc chiếm ưu thế, và thấp thoáng là những ta thán về tình người, tình đồng bào trong một xã hội mà hai thứ này đều thiếu vắng là Việt Nam.
Nơi khác, người ta có thể thấy lý tính chiếm ưu thế, và cùng với đó là những phân tích về nguyên nhân của sự việc, bao gồm cả nguyên nhân từ chính các nạn nhân.
Ở chiều này, tôi thấy một số ý kiến cho rằng những người đau xót và thương cảm cho các nạn nhân là "thương vay khóc mướn".
Ở chiều kia, tôi thấy một số ý kiến cho rằng những người nhìn nhận vấn đề chủ yếu bằng lý tính là "vô cảm, máu lạnh".
Cả hai luồng ý kiến này, theo tôi, đều cực đoan. Cả hai đều thiếu sự tôn trọng, hay chí ít là sự chấp nhận, đối với người có suy nghĩ và biểu hiện trái ngược.
Đó là chưa kể các ý kiến vô văn hóa mà luồng nào cũng có.
Nếu bỏ qua các ý kiến cực đoan và vô văn hóa, cả hai chiều dư luận, một bên thiên về cảm xúc và một bên thiên về lý tính, đều cần thiết.
Khi cảm xúc đang ngự trị trong phần đông (ít nhất như tôi thấy), thì thiểu số còn lại, với cái nhìn lý tính, có thể giúp dư luận nhìn nhận sự việc một cách cân bằng hơn.
Trước một sự việc bi thương, cảm xúc đúng đắn làm tốt việc của nó là an ủi, vỗ về, và xoa dịu, trong khi lý tính đúng đắn cũng sẽ làm tốt việc của nó là nhìn nhận vấn đề như nó là, và giúp tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục.
Điều người Việt thiếu trong nhiều vấn đề nói chung và trong sự việc này nói riêng không phải là cảm xúc hay lý tính, mà chỉ là cảm xúc đúng đắn và lý tính đúng đắn mà thôi.
Cảm xúc đúng đắn và lý tính đúng đắn bổ khuyết cho nhau, hay chí ít là không loại trừ nhau và nhất là không gây hấn với nhau bằng ngôn luận như cách mà người Việt Nam đang làm.
Ai thiên về cảm xúc, cứ thể hiện cảm xúc, miễn là ôn hòa và có văn hóa, bao gồm không chửi rủa người thiên về lý tính là vô cảm, máu lạnh.
Ai thiên về lý tính, cứ thể hiện lý tính, miễn là ôn hòa và có văn hóa, bao gồm không chửi rủa người thiên về cảm xúc là thương vay khóc mướn.
Bằng cách đó, ít nhất mỗi bên không làm cho bên còn lại giận dữ hay tổn thương, và từ đó cả hai có thời gian để làm tốt các việc mà cảm xúc đúng đắn hay lý tính đúng đắn cần làm.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 31/10/2019 (NguyenTrangNhung's blog)