Phản đối thi trắc nghiệm là tư duy bảo thủ ?
Trúc Giang, VNTB, 11/11/2019
Về lý thuyết thì thi trắc nghiệm sẽ thúc đẩy học sinh suy nghĩ ngắn gọn, sáng tạo nhất, có thể áp dụng thực tế kiểu như ai cũng thích đi con đường ngắn hơn mà vẫn đến với kết quả tốt.
Mẫu dáp án một cuộc thi trắc nghiệm ở nước ngoài - Ảnh minh họa
Vì sao việc thi trắc nghiệm môn toán khó thể chấp nhận được ?
"Đơn giản thôi, thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, còn tự luận chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực của người chấm. Thay vì tìm tòi, trình bày quá trình dẫn tới đáp án, thí sinh chỉ cần chọn 1 trong 4 đáp án được đưa ra sẵn, điều này làm giảm năng lực lập luận của thí sinh. Điều này khiến chuyện tuyển sinh đại học giống như canh bạc may rủi" - Thầy giáo Trần Tiến Sĩ, người đứng trên bục giảng môn toán, lý từ năm 1985 đến nay, nhận xét.
Phản đối thi trắc nghiệm là tư duy bảo thủ ?
Có nhiều ý kiến cho rằng các nước đã thi trắc nghiệm từ lâu rồi, ngay ở miền Nam trước năm 1975, cũng đã thi tú tài bằng hình thức trắc nghiệm. Nếu nói thi trắc nghiệm toán không rèn được tư duy cho học sinh, thì xem ra đã quên rằng thi trắc nghiệm chỉ có một lần cuối cấp học, còn các lần kiểm tra học kỳ, kiểm tra trong năm học thì vẫn là kiểm tra tự luận, vẫn rèn được phương pháp tư duy cho học sinh.
Nhìn góc độ lạc quan thì với việc thi trắc nghiệm sẽ giúp các học sinh xử lý vấn đề rất nhanh. Một đề thi chỉ có phần trắc nghiệm với 50 câu hỏi trong 90 phút, sẽ góp phần đào tạo ra những lớp học trò có thể suy nghĩ mỗi vấn đề và đưa ra đáp án trong vòng 2 phút.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ phản biện quan điểm tạm gọi là ‘ủng hộ 100% trắc nghiệm toán’, như sau : "Phương thức đánh giá thí sinh dựa trên một đề thi chung, cùng một chuẩn là cách đánh giá rõ ràng và dễ chấp nhận nhất. Thế nhưng tôi không tin lắm vào điểm số học bạ, nhất là khi từng chứng kiến những học sinh rất giỏi, nhưng điểm thí sinh này đạt được trong kỳ thi chung không cao lắm.
Về lý thuyết thì thi trắc nghiệm sẽ thúc đẩy học sinh suy nghĩ ngắn gọn, sáng tạo nhất, có thể áp dụng thực tế kiểu như ai cũng thích đi con đường ngắn hơn mà vẫn đến với kết quả tốt.
Thế nhưng trắc nghiệm cũng sẽ giảm thói quen tư duy từ gốc, học sinh sẽ khó hiểu bản chất, lý giải phù hợp. Các em thường dùng mẹo để làm bài. Một bài toán nào đó, học sinh có thể chấp nhận được một vấn đề rồi từ đó đi đến kết quả, còn tự luận sẽ yêu cầu giải thích vấn đề đó từ đâu, không chủ động chấp nhận.
Tôi đã từng dạy rất nhiều về trắc nghiệm ở các trung tâm bồi dưỡng ngoài giờ, hồi làm trắc nghiệm ở lý, hóa, các giáo viên thường yêu cầu học sinh chấp nhận vấn đề, mà với bài toán vấn đề đó là nơi khúc mắt, phải giải quyết được.
Vấn đề ở đây cần đặt trong yêu cầu của kỳ thi ‘hai trong một’. Mục tiêu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là đánh giá chuẩn đầu ra kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh sau 12 năm học từ đó xét công nhận tốt nghiệp, và làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học, mà kết quả thi trung học phổ thông quốc gia chỉ là nên kênh tham khảo".
Theo thầy giáo Trần Tiến Sĩ, thực chất áp lực của kỳ thi chính nằm ở chỗ kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào đại học.
"Tôi cho rằng để giảm áp lực và quá tải, chúng ta hãy theo thông lệ quốc tế, là kỳ thi tốt nghiệp trung học sẽ do các sở giáo dục các địa phương tổ chức, thí sinh trường nào thi tốt nghiệp ở trường đó.
Còn để dự thi vào đại học, thí sinh phải đến các trung tâm khảo thí để làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực để có kết quả đăng ký xét tuyển vào đại học tương tự như ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện vài năm gần đây". Thầy giáo Trần Tiến Sĩ, đề xuất.
‘Bảy chiêu thức’ cho môn lý
"Để có thể giải quyết 1 vấn đề trong tối đa 2 phút, ở môn vật lý, có 7 chiêu thức nằm lòng sau đây mà giáo viên chúng tôi buộc học trò phải thuộc nằm lòng…". Thầy giáo Trần Tiến Sĩ nói.
Thứ nhất, khi trong 4 phương án trả lời, có 2 phương án là phủ định của nhau, thì câu trả lời đúng chắc chắn phải là một trong hai phương án này.
Thứ hai, khi 4 đáp số nêu ra của đại lượng cần tìm có tới 3, 4 đơn vị khác nhau thì hãy khoan tính toán đã, có thể người ta muốn kiểm tra kiến thức về thứ nguyên, tức đơn vị của đại lượng vật lý, tức mối quan hệ giữa một đại lượng vật lý thông thường với một số đại lượng vật lý cơ bản. Ví dụ thứ nguyên của đơn vị vận tốc là [m/s], thứ nguyên của đơn vị lực [N] là [kg·m/s²] (1 [Newton] = 1 [kilogram·mét/giây²]).
Thứ ba, đừng vội vàng "tô vòng tròn" khi con số mà thí sinh tính được trùng khớp với con số của một phương án trả lời nào đấy. Mỗi đại lượng vật lý còn cần có đơn vị đo phù hợp nữa.
Thứ tư, phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn tìm bước sóng của ánh sáng khả kiến, thì giá trị phải trong khoảng 0,380 - 0,760 m. Hay tính giá trị lực ma sát trượt thì hãy nhớ là lực ma sát trượt luôn vào khoảng trên dưới chục phần trăm của áp lực.
Thứ năm, luôn luôn cẩn thận với những từ phủ định trong câu hỏi, cả trong phần đề dẫn lẫn trong các phương án trả lời. Không phải người ra đề thi nào cũng "nhân từ" mà in đậm, in nghiêng, viết hoa các từ phủ định cho thí sinh đâu. Hãy đánh dấu các từ phủ định để nhắc nhở bản thân không phạm sai lầm.
Thứ sáu, tương tự, thí sinh phải cảnh giác với những câu hỏi yêu cầu nhận định phát biểu là đúng hay sai. Làm ơn đọc cho hết câu hỏi. Thực tế có thí sinh chẳng đọc hết câu đã vội trả lời rồi.
Thứ bảy, đặc điểm của bài kiểm tra trắc nghiệm là phạm vi bao quát kiến thức rộng, có khi chỉ những "chú ý", "lưu ý", "nhận xét" nhỏ lại giúp ích cho thí sinh rất nhiều khi lựa chọn phương án trả lời. Nắm chắc kiến thức và tự tin với kiến thức mà mình có, không để bị nhiễu vì những dữ kiện cho không cần thiết.
"Chiêu thức thứ tám thì tôi chỉ nhắc chứ không dạy học trò, đó là hãy đặt niềm tin vào tâm linh của mỗi cá nhân. Bởi bài thi trắc nghiệm còn tạo cơ hội cho thí sinh có thể ‘ăn may’ khi trả lời bừa. Cách thi này cũng bao hàm luôn gợi ý trong đáp án khi học sinh nhớ mang máng kiến thức". Thầy giáo Trần Tiến Sĩ cho biết như vậy.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 11/11/2019
******************
Vì sao Vũ Đức Đam im lặng ?
Trúc Giang, VNTB, 05/11/2019
"Tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần này, thầy hiệu trưởng bất ngờ nói trước sân trường là những em khối lớp 12 nếu chọn tổ hợp có môn toán để thi vào đại học, thì hãy coi chừng lúc may mắn đậu vào được rồi sẽ không theo học nổi !".
Thay vì tìm tòi, trình bày quá trình dẫn tới đáp án, thí sinh chỉ cần chọn 1 trong 4 đáp án được đưa ra sẵn, điều này làm giảm năng lực lập luận của thí sinh.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ, người đang giảng dạy môn toán của một trường gần khu xóm nổi tiếng giang hồ ở quận 1 Sài Gòn, kể về lời khuyến cáo đầy bất ngờ đó với người viết. Thầy hiệu trưởng nói thêm rằng, tin này của ông chỉ là nhắc lại về một khuyến cáo của người đứng đầu tổ chức toán học Việt Nam gửi cho phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ; nghĩa là nguồn tin xác tín đến cấp… Ủy viên Trung ương Đảng.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ kể rằng ông là người được thầy hiệu trưởng giao cho đọc lá thư gửi phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đó. Lá thư viết rất dài. "Tôi đi dạy từ năm 1985, giờ là thầy giáo già nhất trường, đã vậy lại không đảng viên nên tôi được giao đọc lá thư này, vì có gì thì tôi nghỉ hưu sớm một chút. Chỉ chịu thiệt chút đỉnh tiền hưu trí thôi !". Thầy Sĩ nửa đùa nửa thật theo thói quen hay bông đùa.
Rộng đường dư luận, xét lá thư không có nội dung nào vi phạm pháp luật dân sự, cũng như Luật An ninh mạng, xin đăng toàn bộ lá thư của giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam gửi phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Thư gửi tính cách cá nhân, nhưng sau đó theo lời kể của giáo sư Hải, ông nhận được phúc đáp là đã chuyển Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét. Lá thư đề ngày gửi 19 tháng 7 năm 2018. Nhiều tòa soạn báo chí ở Sài Gòn hiện cũng đã có nội dung lá thư này trên bàn biên tập.
"Thứ 5, 19 tháng 7, 2018
Kính gửi anh Vũ Đức Đam
Tôi viết thư này gửi anh như một lời kêu cứu khẩn thiết của một nhà khoa học đối với tương lai của nền khoa học nước nhà. Trong vòng hai năm qua, những lo lắng của tôi về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn Toán tại kỳ thi Trung học phổ thông ngày càng chất chứa. Những gì Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực. Hơn thế nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán, nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố cũng đã thành sự thực.
Tôi bắt đầu thảo thư này cho anh từ cách đây hơn một tháng, ngay sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo công bố đề thi thử, nhưng tại thời điểm đó tôi e rằng anh còn quá bận với kỳ họp Quốc hội nên chưa muốn làm phiền anh. Vừa qua tôi có may mắn được theo dõi phát biểu của anh tại Quốc hội, thêm một lần nữa tôi hiểu rằng anh là người tâm huyết với sự phát triển của đất nước.
Để phát triển lâu dài và bền vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết. Điều này tất nhiên anh hiểu hơn ai hết. Nhưng tôi rất buồn mà nói với anh rằng, mô hình thi trắc nghiệm một trăm phần trăm tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đối với môn Toán và một số môn khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Dưới đây là những phân tích của tôi.
1. Qua buổi hân hạnh được anh tiếp cùng với một số đồng nghiệp từ Viện Toán học, tôi hiểu rằng các anh muốn hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực, giảm chi phí, giảm vất vả cho người dân, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa phương quản lý.
Với những tiêu chí đó thì theo các anh, sử dụng mô hình thi trắc nghiệm khách quan là phương thức hợp lý hơn cả, hơn nữa nó đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, quốc gia phát triển nhất. Về mặt logic thì những lý luận đó có vẻ đúng.
Tuy nhiên nó sai ở xuất phát điểm. Đó là : tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông bị không chế lên tới 90 phần trăm hoặc hơn thế nữa ở đa số các vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích.
Chúng ta không thể không cho các học sinh này tốt nghiệp khi mà không ít các em trong đó hàng năm đã bị buộc phải lên lớp để đảm bảo thành tích cho Trường, cho Sở, cho Tỉnh. Một kỳ thi mà gần như tất cả đều đỗ thì việc tổ chức là hoàn toàn không có ý nghĩa.
Tôi khẳng định rằng các anh không thể thực hiện kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nghiêm túc được nếu các anh tiếp tục khống chế tỷ lệ đỗ.
Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này. Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Như vậy, khi dùng biện pháp chống tiêu cực một cách không thích hợp, vô tình chúng ta lại ép người ta phải tiêu cực mạnh hơn, và hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa. Vì kỳ thi còn có mục tiêu thứ hai, là xét tuyển đại học.
2. Những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định rằng việc áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại.
Chúng ta đều hiểu rằng khó khăn lớn nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề "con người" chứ không phải vấn đề "cơ chế". Rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại một cách ngớ ngẩn ở Việt Nam.
Đơn cử trong ngành giáo dục, chúng ta đã thất bại với mô hình "tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học", thất bại với phong trào "nói không với tiêu cực", và đang thất bại với mô hình "thi tốt nghiệp Trung học phổ thông" - như tôi đã phân tích ở trên. Rõ ràng đây là những mô hình cơ chế được thực hiện ở các nước tiên tiến, nhưng cứ đưa về ta là hỏng, và gây hiệu quả nghiêm trọng.
3. Tôi tin tưởng sâu sắc và có cơ sở là những ứng dụng mới nhất của công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết phần nào bài toán "con người".
Đơn cử mô hình Taxi Grab, hay Uber, đã giúp cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa lái xe và khách. Tương tự như vậy với các mô hình đặt phòng khách sạn trên mạng... Bản chất của các thành công này, trên nền của công nghệ, chỉ nằm ở hai chữ : công khai và có kiểm soát.
Nhưng việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (mặc dù về hình thức thì có vẻ là có). Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt.
Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm.
Riêng đối với môn Toán. Tôi khẳng định rằng không ai ngoài những nhà toán học, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, có đủ uy tín và thẩm quyền quyết định về mô hình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.
Hơn ai hết chúng tôi hiểu cần phải dạy toán như thế nào, phải kiểm tra những nội dung gì trong toán học. Nhưng mọi chuyện đều được quyết định bởi những người thiếu hiểu biết, không đáng là học trò của chúng tôi về lĩnh vực toán học ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, không hề tham vấn các nhà toán học.
4. Việc tổ chức thi trắc nghiệm là hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một kỳ thi trên diện rộng, mà cần một sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng với nhiều nhân lực vật lực.
Nguyên lý đánh giá của phương pháp thi trắc nghiệm là dựa trên thống kê. Độ chính xác của nó được đo bằng các đại lượng xác suất. Nói cách khác, nó được phép sai, nhưng cần đảm bảo xác suất sai (hay là tỷ lệ sai) phải thấp.
Một đề thi trắc nghiệm tốt khi nó phù hợp được với số đông học sinh dự thi, theo nghĩa đánh giá, phân loại được học sinh ở mức độ chính xác nhất định. Vì thế, để kiểm định chất lượng một đề thi trắc nghiệm không có cách nào khác là kiểm tra bằng việc thử chúng trên số đông.
Không có một chuyên gia hay nhà giáo, thậm chí hàng chục hàng trăm nhà giáo, chuyên gia có thể khẳng định được một đề thi trắc nghiệm là phù hợp với một triệu thí sinh, chỉ có thể khẳng định điều đó qua việc thi thử với hàng trăm ngàn lượt thi.
Đó là khó khăn lớn nhất của việc tổ chức thi trắc nghiệm nếu muốn phân loại học sinh. Với các đề thi toán khó như năm nay, đến những người có thể nói là siêu giỏi về giải toán sơ cấp cũng phàn nàn là không giải nổi, câu hỏi đặt ra là việc tổ chức ra đề đã đúng quy trình chưa ?
Tôi dám khẳng định là chưa. Rất mong anh chỉ đạo điều ra việc này một cách kỹ lưỡng. Chắc phải dùng tới Thanh tra Nhà nước, kết hợp với chuyên gia thì may ra mới làm rõ được.
5. Tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học.
Cho dù các anh có nói rằng đây không phải là mục tiêu của kỳ thi, thì thực tế kết quả của nó đang được các trường sử dụng để xét tuyển và việc tổ chức nó cũng đang được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích này. Đây chính là lý do mà hai năm trước BCH Hội Toán học đã kịch liệt phản đối chủ trương thi trắc nghiệm. Một số quan điểm của chúng tôi như sau :
a) mô hình trắc nghiệm về cơ bản chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực, không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn - công-cua.
b) thực tế ở Hoa Kỳ, mặc dù kỳ thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cũng chỉ có một tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, và họ cũng chỉ sử dụng kết quả này như một tiêu chí.
c) việc tổ chức thi trắc nghiệm ngay trong năm 2016 là vội vàng, các kinh nghiệm dựa trên việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia, nhưng các kỳ thi trắc nghiệm ở đó chưa được tổng kết, đánh giá.
Tôi không có đủ trình độ và hiểu biết để nói về tất cả các môn. Nhưng đối với môn toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động.
Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến, do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực.
Ngoài ra, thời gian học đại học thì đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên không có mấy chữ trong bụng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành toán thuộc lòng các định lý toán như thuộc thơ, và cũng như thơ, các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đó mới là điều đáng ngại nhất. Vì sinh viên là nguồn lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ lần thứ tư này.
Thưa anh Đam, hai kỳ thi đã trôi qua, đồng nghĩa với gần hai triệu thí sinh đã phải học phải ôn thi đáp ứng yêu cầu "trắc nghiệm". Hai năm qua, hai triệu em học sinh đó, cùng các thầy các cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của toán học, không hề được dạy về phương pháp tư duy toán học.
Toán học phổ thông đối với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi. Tôi không tính tới chi phí xã hội cho các hoạt động luyện thi, học thêm dạy thêm nhằm vào mục đích thi cử, vì nói cho cùng đó là sự luân chuyển tiền từ vùng này sang vùng khác, chúng ta cũng chưa tới mức phải dùng ngoại tệ để mời chuyên gia nước ngoài tới luyện thi đại học. Tuy nhiên tôi đau xót với sự lãng phí thời gian, tuổi trẻ của con em chúng ta, như anh thấy đấy, mỗi năm gần một triệu cháu.
Tôi viết thư này không nhằm mục đích chỉ trích. Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để có thể cải thiện tình hình. Và tôi thú thực là một mình tôi cũng không đưa ra được phương án cụ thể khả thi nào cho các anh để cứu vãn tình thế. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng Chính phủ cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới.
Tất nhiên hội nghị hội thảo của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có được lắng nghe ? Tôi chỉ xin có một ý kiến. Đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 05/11/2019
**********************
Trí thức xã hội chủ nghĩa phải là những con cừu ?
Thảo Vy, VNTB, 04/11/2019
Sinh tiền, khi bình giảng về ‘vụ án Nhân Văn Giai Phẩm" trên giảng đường khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Hoàng Như Mai nói rằng đó là một thời mà bất kỳ trí thức văn chương nào ở miền Bắc Việt Nam, yêu cầu đòi mở rộng quyền tự do trí thức, bao gồm quyền được xuất bản các tác phẩm độc lập, thì đều bị coi như những người chống đảng Lao động Việt Nam, tức đảng cộng sản. Đó là những năm 1955 – 1958.
Trí thức xã hội chủ nghĩa phải là những con cừu ? - Ảnh minh họa
64 năm sau, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi tại lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019 do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội, "Trí thức cần tham gia xây dựng chính sách cùng Chính phủ".
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ (1), ông Vũ Đức Đam yêu cầu Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, "cần tập hợp được đội ngũ trí thức đông đảo hơn nữa bởi hiện nay Liên hiệp Hội mới chỉ tập hợp được khoảng 1/3 lực lượng trí thức của cả nước".
Như vậy, theo góc nhìn của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, XII, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ Việt Nam, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế, với tất cả những ai đang là hội viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ; thì từ những con số cụ thể hội viên đó, có thể tính toán đang có bao nhiêu người được xem là trí thức nhưng chưa được ‘tập hợp’ dưới trướng của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Trí thức phải luôn theo ý Đảng
Tạm chấp nhận cách hiểu về ‘người trí thức’ trong khuôn khổ giới hạn như lời của ông Vũ Đức Đam. Điều đó cho thấy số lượng ‘người trí thức’ hiện là hội viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đều đồng ý thực thi răm rắp theo "chủ trương, đường lối của Đảng" được ghi rõ trong Quyết định số 1795/QĐ-TTg, về "Phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam" (2).
Như vậy sẽ tiếp tục có những phiên bản tiếp theo của những trí thức Nhân Văn Giai Phẩm, nếu các trí thức theo định nghĩa kể trên không chấp nhận thân phận làm kẻ trùm chăn để ‘hưởng bổng lộc’ của chế độ.
Thế nào là kẻ trùm chăn ? Người viết bài này nghĩ rằng ngay cả với trí thức đồng ý thực thi răm rắp theo "chủ trương, đường lối của Đảng", thì họ vẫn phải có sự minh định rõ ràng tư thế, quan niệm, lập trường trước các vấn đề của xã hội. Nó không phải đơn thuần là sự phản biện hiểu theo nghĩa cứ ai chăm chăm phê phán nhà nước là trí thức thì nông cạn quá. Bởi phản biện chỉ là một phần, và là một phần quan trọng trong tâm thế của một con người trước muôn vàn vấn đề của cuộc sống mà ‘chủ trương – đường lối của Đảng’ không thể định lường được.
Thế nào là ‘xã hội mới’ ?
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ghi : "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân ; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài" (3).
"Phần lớn trưởng thành trong xã hội mới" như nhấn mạnh của Nghị quyết số 27-NQ/TW được mô tả chi tiết ở phần I có tên "Thực trạng đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng và Nhà nước từ đổi mới (năm 1986) đến nay".
Điều đó cho thấy lời kêu gọi "Trí thức cần tham gia xây dựng chính sách cùng Chính phủ" hôm 2/11/2019 của ông Vũ Đức Đam là những trí thức luôn hiểu mình được Đảng đào tạo nên cần biết răm rắp tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng ; các ý kiến đóng góp gọi là ‘phản biện’ cũng chỉ là mỹ từ để làm đẹp thêm cho các chủ trương, đường lối.
"Đội ngũ trí thức của Đảng và Nhà nước" như từ dùng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, còn cho thấy với những ai được gọi là trí thức nhưng không là đảng viên thì cũng không nằm trong nhóm danh sách kêu gọi của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thay lời kết
Sách viết về danh nhân có ghi rằng Einstein từng nhận xét : "Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả".
Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội đến thế, xem ra đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn nhiều.
Như vậy người trí thức là người có sự suy nghĩ độc lập, không chịu sự định hướng của bất kỳ đảng phái nào ; họ dám đi đến cùng trong sự suy nghĩ của mình trên cơ sở học vấn tri thức và khả năng tư duy khoa học, không chịu hệ lụy và ràng buộc nào từ ngoại cảnh, dù nhân danh gì.
Nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục chụp chiếc mũ phản động, tự chuyển hóa, tự diễn biến… với những gì mà người dân đóng góp nhưng trái đường lối – chủ trương của đảng, thì mọi lời kêu gọi "Trí thức cần tham gia xây dựng chính sách cùng Chính phủ" chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu mang tính nghi thức thường thấy trong lễ hội tuyên truyền tại Việt Nam.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 04/11/2019