Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2019

30 năm sau, nhắc lại sự kiện Bức tường Bá Linh sụp đổ

Nhiều tác giả

17 sự kiện nói về thống nhất nước Đức

Mitchell Nemeth, VNTB, 11/11/2019

Ba mươi năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người ở Đông Đức cũ còn tiếp tục cảm thấy hậu quả của các chính sách xã hội chủ nghĩa của Cộng hòa Dân chủ Đức.

17sk1

Một gốc của bức tường Bá Linh ngày 09/11/1989 - Ảnh : Bộ Quốc phòng Đức

Ngày 9/11/1989, hai năm sau bài diễn văn lịch sử của Tổng thống Ronald Reagan, với lời kêu gọi Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev, phá bỏ bức tường, Bức tường Berlin từ từ sụp xuống khi "những người gõ kiến" dùng búa và cuốc chim để phá nó. Cuối tuần đó, hơn hai triệu người Đông Berlin đã đến Tây Berlin để ăn mừng sự kiện này.

Các gia đình người Đức đã bị tách chia tách, người sống ở phần Đông Đức, kẻ sống ở Tây Đức suốt hàng chục năm liền. Sau Thế chiến II, chính phủ Đông Đức - Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) - đã cho xây dựng bức tường để chia tách lãnh thổ của họ khỏi chính phủ Tây Đức - Cộng hòa Liên bang Đức (FRG). Đặc điểm phân biệt chính giữa hai chính phủ là gì ? Đấy là ý thức tổng quát về tự do đối đầu với chủ nghĩa xã hội và áp bức.

Bức tường Berlin thực hiện mục đích chính của Cộng hòa Dân chủ Đức : "vĩnh viễn không cho dân chúng tiếp cận với Tây Đức". Từ năm 1949 đến năm 1961, Tây Đức cung cấp cho người dân Đông Đức con đường đi chế độ tới dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Đến tháng 8 năm 1961, mỗi ngày đều có khoảng 2.000 người Đông Đức đi sang Tây Đức ; hầu hết đều là chuyên gia và trí thức.

Không có gì ngạc nhiên là, chảy máu chất xám đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Đông Đức. Nhằm kiểm soát chặt chẽ việc di cư và, hi vọng là kiểm soát được các điều kiện của nến kinh tế, binh lính Đông Đức bắt đầu dựng hàng rào thép gai và cuối cùng, họ đã dựng lên "Thành lũy chống phát xít" ở Đức - thường gọi là Bức tường Berlin.

Cộng hòa Dân chủ Đức quân sự hóa bức tường bên phía mình với những tháp canh, dây thép gai và giao thông hào ngăn không cho xe cộ tới gần bức tường. Mỗi chính phủ đều tìm cách miêu tả bên kia khác hẳn với cái mà nó đang là, Cộng hòa Dân chủ Đức nói lân bang tư bản và dân chủ của mình là nguồn gốc của các yếu tố phát xít, ngăn chặn việc truyền bá chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, Bức tường Berlin trở thành một biểu tượng trong thế giới thực của Bức màn sắt sắt và bi kịch của chủ nghĩa cộng sản ; bức tường thường mang tính biểu tượng, đóng vai trò là người gác cổng để giữ con người và cắt đứt, không cho các luồng ý tưởng được tự do truyền bá.

Khi các nguyên tắc và học thuyết xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển trong cuộc đối thoại hiện nay, càng cần phải hiểu vì sao Tây Đức chiến thắng Đông Đức. Nhiều yếu tố góp phần làm cho chính phủ thành công : tài nguyên thiên nhiên và nền sản xuất, dân chúng có tay nghề, nhiều trí thức, thương mại tự do và công bằng, giáo dục, cơ sở hạ tầng và các nguyên tắc vận hành xã hội. Dưới đây là danh sách các sự kiện giúp chúng ta hiểu rõ hơn các điều kiện làm cho Đông Đức khác với Tây Đức :

1. Theo một báo cáo mới được công bố, chỉ có 16 trong số 500 công ty hàng đầu về thu nhập của Đức có trụ sở ở Đông Đức. (Associated Press)

2. Không có công ty nào trong số này nằm trong chỉ số thị trường chứng khoán hàng đầu của Đức. (Associated Press)

3. Trong tác phẩm Planning Ahead and Falling Behind (Lập kế hoạch trước và sụp đổ sau), tác giả Jaap Sleifer chỉ ra rằng trước Thế chiến II, Đông Đức giàu hơn Tây Đức. GDP bình quân đầu người của Đông Đức bằng 103% của Tây Đức.

4. Đến năm 1990, GDP bình quân đầu người của Tây Đức xấp xỉ 18.000 USD, trong khi GDP bình quân đầu người của Đông Đức chỉ khoảng 9.000 USD.

5. Năm 1990, chi phí cho một cuộc gọi điện thoại ba phút từ Tây Berlin đến Mĩ là 6,50 USD (điều chỉnh theo lạm phát là 12,77 USD), trong khi một cuộc gọi điện thoại ba phút từ Đông Đức đến Mĩ là 28 USD (điều chỉnh theo lạm phát là 55,01 USD).

6. Người Đông Đức chỉ có một sự lựa chọn khi mua xe : Trabant mà họ gọi là Trabbi. Chiếc xe này hầu như không thay đổi suốt nhiều năm trời. Nó bị một số người coi là chiếc xe tồi tệ nhất từ trước đến nay, Trabant đã trở thành biểu tượng cho nền kinh tế trì trệ của Đông Đức.

7. Năm 2015, chỉ 21 trong số 500 người Đức giàu nhất sống ở phía đông. (The Guardian)

8. Ít nhất đã có 138 người "bị bắn chết, bị tai nạn chết người hoặc tự sát sau nỗ lực chạy trốn qua Bức tường Berlin thất bại" - theo Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đương đại Potsdam và Trung tâm Tài liệu và Khu tưởng niệm Bức tường Berlin.

9. Hai mươi lăm năm sau khi thống nhất đất nước, người Đức ở phía đông vẫn "chỉ kiếm được khoảng 2/3 mức lương trung bình so với phía tây". (The Guardian)

10. Năm 1980, tỷ lệ sinh ở Đông Đức chưa đến 1,5%, trong khi ở Tây Đức khoảng 2,0% (hiện nay đã gần bằng nhau). (The Telegraph)

11. Hai mươi lăm năm sau khi thống nhất, tài sản ở Đông Đức cũ có giá trị bằng một nửa so với tài sản ở Tây Đức cũ. (The Guardian)

12. Hơn 20 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, năng suất lao động trong các nhà máy ở Đông Đức vẫn chỉ bằng 73% so với đối tác phía tây. (The Guardian)

13. Hai mươi lăm năm sau khi thống nhất, người Đức ở phía đông vẫn chi tiêu cho hàng hóa tiêu dùng chưa bằng 79% so với đồng bào của họ ở phía tây. (The Guardian)

14. Kể từ khi thống nhất nước Đức, Tây Đức đã chuyển khoảng 2 nghìn tỉ USD viện trợ kinh tế để giúp đỡ Đông Đức đang gặp khó khăn.

15. Theo Giám đốc Think-tank IWH có trụ sở ở Halle, "tình hình kinh tế ở miền đông nước Đức tốt hơn bao giờ hết. Nhưng khoảng cách giữa Đông và Tây thì vẫn còn". Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người vẫn thấp hơn khoảng 20% so với phía Tây. 

16. Tính đến năm 2017, lương ở khu vực phía đông nước Đức vẫn thấp hơn 20% so với khu vực phía tây, Tobias Buck viết trên tờ Financial Times.

17. Tính đến tháng 10 năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp ở Đông Đức cũ (6,4%), cao hơn mức trung bình chung của cả nước Đức (5%). (Associated Press)

Ba mươi năm sau, nhiều nhiều người ở Đông Đức cũ tiếp tục cảm thấy hậu quả của các chính sách xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Bức tường Berlin là một biểu tượng của quá khứ chưa xa. Một người Đông Đức cũ chỉ vào tháp canh trên bức tường Berlin và nói đấy là "biểu tượng cụ thể của hàng rào tàn bạo, giam hãm cả về thể xác lẫn tinh thần của người dân ở phía Đông Berlin".

Hiện nay, Bức tường Berlin là điểm thu hút du khách. Trên tường đầy tranh graffiti và du khách thậm chí có thể mua các những mảnh vụn của Bức tường. Nhưng, như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và cũng là cựu giáo sư tại trường cũ của tôi, ông Dean Rusk, tuyên bố,

Bức tường chắc chắn không phải là một đặc điểm trường cửu của cảnh quan châu Âu. Tôi thấy không có lý do gì để Liên Xô… nghĩ rằng để tượng đài nói về sự thất bại của cộng sản ở đây là có lợi cho họ.

Trong khi phần còn sót lại của Bức tường Berlin có thể là điểm thu hút du khách ở Berlin, thì những ảnh hưởng của chính sách trong quá khứ vẫn còn hiện diện. Những người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tập thể đã được báo trước về những hiểm họa mà những chính sách chắc chắn sẽ thất bại của họ gây ra, cụ thể là sự ép buộc và phá hoại tinh thần của từng con người. Dù những nhà hoạt động này có thiện chí tới mức nào thì lịch sử cũng đã cho thấy bản chất thực sự của hệ thống kinh tế tàn bạo này. Các thế hệ tương lai không được bỏ qua những thất bại trong quá khứ, không thể ủng hộ tầm nhìn "khai minh" không tưởng của họ.

Mitchell Nemeth đã bảo vệ luận án Thạc sĩ Luật học tại Trường Luật thuộc Đại học Georgia. Tác phẩm của ông đã được đăng trên The Arch ConservativeMerion West, và The Red & Black. Mitchell là người sang lập thành lập Young Americans for Liberty chapter at the University of Georgia.

Mitchell Nemeth

Nguyên tác : 17 Facts on the Reunification of Germany, Foundation for Economic Education, 09/11/2019

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 11/11/2019

****************

Tường Berlin đổ, trông người mà ngẫm đến ta

Nguyên Ngọc, RFI, 10/11/2019

Cách nay 30 năm một sự kiện xảy ra tại Đông Âu gây chấn động toàn cầu. Bức tường Berlin, biểu tượng cho cuộc Chiến tranh Lạnh sụp đổ, báo hiệu cho sự tan rã hoàn toàn của khối cộng sản toàn trị, do Liên Xô đứng đầu. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ có ý nghĩa gì với lịch sử Việt Nam đương đại ?

17sk2

Một đoạn tường chia cắt thủ đô Berlin. Ảnh chụp năm 1986. Noir/wikipedia.org

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà văn Nguyên Ngọc, một trụ cột của cao trào Đổi mới văn nghệ Việt Nam trong những năm 1987-1989, nhân chứng lịch sử của thời điểm bước ngoặt này. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ chấn động này đã làm cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam trước đây và hiện nay khác xa với Đông Âu. Bởi chế độ cộng sản tại Việt Nam "ăn sâu, trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước trong một thời gian rất dài". Tìm được con đường thoát khỏi một chế độ như vậy là vô cùng khó. Để tìm ra được một kịch bản khả dĩ giải thoát cho Việt Nam, cần trở lại với sự lựa chọn gốc : văn minh hay chuyên chế, hướng về các nền dân chủ phương Tây hay ngả sang các thể chế độc tài – toàn trị.

Bức tường Berlin sụp đổ, những biến chuyển trong khối cộng sản toàn trị trước và sau biến cố lịch sử này dường như, với nhà văn Nguyên Ngọc, vẫn là câu chuyện của Việt Nam hôm nay. Thời gian 30 năm như ngưng đọng. Việt Nam vẫn đứng trước thách thức chọn đường thoát, như 30 năm về trước.

***

RFI : Ông nhận định ra sao về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ ngày 09/11/1989 ?

Nguyên Ngọc : Đối với Việt Nam cũng như đối với thế giới, đây là một sự kiện rất lớn. Nó chấm dứt một chế độ đã kéo dài cả thế kỉ. Tôi cũng có ở Liên Xô không lâu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Và tôi cũng có ở một số nước Đông Âu. Thì tôi nghĩ rằng đã có những dấu hiệu là chế độ này không tồn tại lâu dài nữa đâu. Cho nên đến cái ngày nó sụp đổ, thì cũng là bất ngờ, nhưng đối với riêng tôi cũng là tất yếu thôi. Tôi cũng có ở Đức, ngay Berlin, phía đông Berlin. Tôi thấy rằng đối diện với Tây Berlin, với Tây Đức, một chế độ như vậy không thể kéo dài.

Còn riêng đối với Việt Nam, sự chấn động đó, theo tôi, nó làm cho Việt Nam, cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi ở Việt Nam cũng sẽ là tất yếu. Nhưng chưa biết sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Đang rất khó chọn kịch bản nào. Nhưng thể nào cũng phải chấm dứt chứ.

RFI : Theo ông, vì sao lại khó ?

Nguyên Ngọc : Hiện nay ở Việt Nam, có nhiều người suy nghĩ về điều đó rồi, nhưng cũng thường nói với nhau là : chưa thấy kịch bản. Tôi thì tôi thấy thế này. Ở Việt Nam, có chỗ khác thế này : Ớ các nước Đông Âu, sau khi quân đội Liên Xô đánh Đức ở các nước đó, rồi áp đặt chế độ cộng sản vào các nước đó, cho nên khi họ rút xe tăng đi, thì chế độ cộng sản cũng đi theo luôn. Nhưng ở Việt Nam, "cộng sản" gọi là nội sinh. Và có thể nói là nó chui được vào trong chủ nghĩa yêu nước, nó lẫn lộn với chủ nghĩa yêu nước. Cho nên nó sâu đậm hơn rất nhiều. Nó ăn sâu, trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước trong một thời gian rất dài. Qua hai cuộc chiến tranh.

Tôi cũng có sống cuộc chiến tranh thứ nhất, cuộc chiến tranh chống Pháp. Theo tôi, nó hoàn toàn là cuộc chiến tranh yêu nước, mặc dầu đã mượn chủ nghĩa cộng sản về để làm việc này rồi… Ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc sau năm 1950, sau khi giải phóng biên giới với Trung Quốc và ông Mao Trạch Đông đã xuống đến Hoa Nam rồi, thì tác động của Liên Xô, Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng đậm. Làm biến dạng tính chất của cuộc chiến tranh đi.

Nhưng ở Việt Nam hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam rất khó ở chỗ chủ nghĩa yêu nước vẫn còn, vẫn có trong đó, nó lẫn lộn với chủ nghĩa cộng sản, mặc dù cái chủ nghĩa cộng sản càng về sau càng bộc lộ rõ rệt hơn. Cái phần đó nặng hơn, nhiều hơn. Cho nên việc gỡ ra ở Việt Nam, khó khăn hơn rất nhiều. Nó ăn quá sâu trong mấy mươi năm, trong gần một thế kỉ (tính đến nay).

RFI Trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, chính quyền Việt Nam cũng tiến hành "Đổi mới" song song với quá trình Perestroika ở Liên Xô. Việc Bức tường Berlin sụp đổ, rồi sau đó tác động dây chuyền đến việc Liên Xô tan rã, có tác động cụ thể gì đến tiến trình thay đổi tại Việt Nam ?

Nguyên Ngọc : Lâu nay tôi vẫn thường nói thế này. Cái (mốc) 1986 mà Việt Nam gọi là "Đổi mới", tức là Đảng cộng sản Việt Nam cởi trói cho xã hội, theo tôi không phải như vậy. Thực ra, nó đã bí bức đến mức mà người ta tự phá trói người ta đi ra. Với các tác động của sự sụp đổ của Liên Xô, của việc Bức tường Berlin sụp đổ, người ta càng cảm thấy không thể sống trong một cơ chế như thế nữa. Vào cái năm đó, tôi bảo là không có sự cởi trói đâu ! Không có chuyện cởi trói cho Dân đâu ! Mà là Dân tự phá trói, người ta đi ra. Trước hết là trong đời sống, trong nông nghiệp, rồi đến trong xã hội, trong văn học nghệ thuật, đời sống tinh thần cũng thế… Nhưng ở Việt Nam lại có một chỗ khác, như điều mà tôi nói vừa nãy : cái "cộng sản" nó lẫn lộn vào trong chủ nghĩa yêu nước. Còn một điều này nữa : Trong thực tế, những người cộng sản đầu tiên người ta cũng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, người ta đi mượn một hệ thống lý thuyết để mong giải phóng dân tộc.

Thế nhưng, anh đã mượn rồi thì anh mắc nợ, rồi từ chỗ mắc nợ rồi anh vùng vẫy, rồi anh muốn thoát ra, nhưng mà vùng vẫy mãi cũng không được, không thể thoát được. Vì thoát ra thì làm sao ? Anh đã chọn con đường bạo lực để giải phóng dân tộc. Thì để… anh phải mượn, mà anh mượn thì anh mắc nợ. Anh mắc nợ thì anh vùng vẫy mãi không ra…. Cái này có lẽ chỉ có văn học mới có thể nói được thôi…

Ở Việt Nam, chúng tôi thấy có một chuyện thế này : Lúc đó chỉ có một người duy nhất thấy không thể làm như thế được, không thể chọn con đường đó được (con đường bạo lực cộng sản). Người đó là Phan Châu Trinh. Vì ông Phan Châu Trinh, ông ấy đặt vấn đề khác : Độc lập mà không phát triển, thì không để làm gì cả ! Phát triển thì nhất định phải hướng về phương Tây…. Chúng tôi rất muốn là tìm hiểu vì sao Phan Châu Trinh lại có thể sáng suốt đến mức như thế ? Ông thấy con đường phát triển duy nhất là phải hướng về phương Tây. Phải trở nên văn minh. Sở dĩ Việt Nam mà bị nô lệ là vì Việt Nam quá ư lạc hậu so với đối thủ của mình. Muốn thoát ra khỏi tình trạng thê thảm đó, thì phải hướng về nền văn minh của phương Tây.

RFI : Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc.

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 10/11/2019

*******************

Bức tường Berlin, câu hỏi nhân kỷ niệm 30 năm

Tuấn Khanh, RFA, 09/11/2019

Thế giới vừa nhắc tên việc sụp đổ của một bức tường dài đến 155 cây số. Berlin Wall, bức tường là biểu tượng của một phần nhân loại bị ám đỏ, tuyệt vọng và khao khát tự do. Ngày 9/11 năm 2019 đánh dấu 30 năm hàng hàng lớp lớp con người bước ra ánh sáng, chào nhau và dặn dò với mai sau, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ trá hình của cuộc hôn phối quái đản giữa chế độ phong kiến và độc tài hiện đại.

16882076

Hàng ngàn người dân cũng đổ xô, tràn vào các văn phòng của cơ quan mật vụ Stasi để lôi ra những hồ sơ mà ngày thường họ bị theo dõi, bị nghe lén, báo cáo...

Nhưng ý nghĩa hơn nữa, đó là ngoài việc bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, người ta nhìn thấy một cuộc tháo chạy, hốt hoảng đến điên cuồng của giới mật vụ, an ninh Stasi, vốn được coi là hung thần số một ở đằng sau bức màn sắt Đông Âu.

Không lâu sau khi hàng trăm người dân Đông Đức kéo nhau chạy qua đường biên giới, đánh dấu cho sự sụp đổ toàn diện đế chế cộng sản Đông Âu, hàng ngàn người dân cũng đổ xô, tràn vào các văn phòng của cơ quan mật vụ Stasi để lôi ra những hồ sơ mà ngày thường họ bị theo dõi, bị nghe lén, báo cáo... bao gồm luôn cả những người tìm kiếm tin tức thân nhân của họ đã bị an ninh bắt đi nhiều năm không còn tin tức.

Các nhân chứng vào giờ phút ấy, kể lại rằng nhân viên mật vụ Stasi cuống cuồng tiêu hủy các hồ sơ, nhằm tránh các cuộc phanh phui và trả thù của dân chúng, nhưng không kịp. Các máy hủy tài liệu chạy hết công suất, nghẽn hay cháy, khiến các nhân viên an ninh hoảng loạn xé bằng tay, nhồi vào túi hay thùng và đổ xăng đốt đi. Nhưng rồi các cánh cửa bật mở, đám đông giận dữ xông vào khiến những nhân viên Stasi phải buông tay, chạy trốn.

Ngày thường, các tay an ninh mặt sắt đen sì, cười kiêu ngạo, là nỗi ác mộng của hàng triệu người Đông Đức. Nhưng giờ đây, họ chỉ còn một mong ước cuối cùng là thủ tiêu những vết tích đã chống lại con người, chống lại ngay chính dân tộc của họ, và tháo chạy.

Tuy vậy, hàng triệu bản ghi âm, hình chụp, hồ sơ báo cáo... vẫn được giữ lại. Thậm chí những bản hồ sơ xé vụn cũng được các nhà hoạt động nhân quyền gom về, phục dựng, nối ráp. Thậm chí, vì khao khát tìm lại sự thật và công bằng cho các nạn nhân, suốt 10 năm, các nhà nghiên cứu ở Berlin Fraunhofer Institute vẫn tìm tòi và công bố bản nhu liệu E-puzzler có khả năng sao lưu, dùng thuật toán AI để gắn lại các mảnh vụn thành bản hoàn chỉnh, dựa trên tương ứng màu giấy, phông chữ, hình dạng... để phục vụ cho hồ sơ khoảng 3 triệu người Đức vẫn luân phiên nộp đơn về Federal Archives (Cơ quan lưu trữ liên bang) xin đọc và tìm kiếm về họ hoặc về người thân.

Nước Đức đã chi hơn 2 triệu Euro để phục vụ cho việc sao lưu và phục hồi các dữ liệu này, như một lịch sử của tội ác không chỉ ở riêng nước Đức, mà cả thế giới cũng không muốn quên. Có không ít người đã tìm thấy các văn bản điều tra, ép tội, bỏ tù mình khi các hồ sơ được phục hồi. Có không ít người tìm thấy thầy giáo hay bạn mình, chính là người đã mật báo về mình với công an.

Nước Đức tự do hôm nay ghi nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra guồng máy an ninh mật vụ theo dõi, kiểm soát đến 5,6 triệu người Đông Đức bị coi là "phản động". Tức là khoảng 6 người dân thì có một nhân viên an ninh chính thức hay bán thời gian theo dõi. Mỉa mai thay, càng đồ sộ và tinh vi để trói buộc con người, vết tích của bộ máy an ninh độc tài càng lớn, khó mà che đậy.

30 năm sau cái chết của một nhà nước Cộng sản, sự tổn thương của người dân Đông Đức vẫn mới nguyên. Đặc biệt với các thành phần nghĩ rằng mình chỉ cắm cúi kiếm sống và chấp nhận chế độ nên sẽ thoát nạn. Thế nhưng khi đọc các hồ sơ theo dõi, tầng lớp đó lại sững sờ khi thấy họ cũng không vô can.

Có tin là chính phủ Đức muốn đóng lại toàn bộ các chứng tích đó vào năm 2020, như một cách khép lại quá khứ, chấm dứt sự căm hận không nguôi đang xâu xé con người. Trong đó, bao gồm việc cứu rỗi hàng chục ngàn cựu nhân viên Stasi vẫn nơm nớp sợ bị nhận mặt trả thù, hoặc đầy mặc cảm vì đã nhúng chàm theo một cách nào đó. Nhưng việc chính phủ muốn đóng lại kho dữ liệu này hiện cũng đối diện với sự phản đối của giới luật sư nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động. Lý giải cho việc có thể đóng lại kho lưu trữ này, một người từng làm việc cho Federal Archives nói rằng "một nhà nước văn minh ắt sẽ không thể hành động như cộng sản, tạo điều kiện cho con người căm thù và chà đạp nhau, và từ đó hưởng lợi".

Câu hỏi vẫn còn vọng lên, sau 30 năm thống nhất nước Đức, vì sao cũng cùng là con người, nhưng các chế độ độc tài cộng sản lại có thể biến một lớp người chỉ còn thú tính và thuần túy khao khát danh lợi. Không chỉ Stasi, mà cả KGB (Nga), Securitate (Rumani), AVH (Hungary)... đều là guồng máy giỏi tạo ra những nhân viên an ninh xảo quyệt và tàn nhẫn. Và họ, cũng là những kẻ chạy trốn nhanh nhất, giả dạng nhanh nhất khi triều đại nuôi dạy họ sụp đổ.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi nữa, mà lịch sử vẫn đặt ra với mỗi chúng ta : có triều đại nào chống lại con người mà không sụp đổ ?

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 09/11/2019 (tuankhanh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 694 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)