Nguyễn Mạnh Hùng – ‘ngôi sao chính trị’ bao nhiêu ngàn tỉ ?
Trân Văn, VOA, 14/11/2019
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam, nhân vật từng được xem như một "ngôi sao chính trị", lại làm nhiều người thở dài !
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp gỡ giới công nghệ thông tin - truyền thông phía Nam hôm 15/7 - Ảnh : Hải Đăng
Nếu nhận định của ông Hùng : Hiện nay nói gì, thậm chí yêu ai cũng nằm trên mạng xã hội, thành ra nếu chỉ dùng mạng xã hội, não người Việt sẽ nằm ở nước ngoài và điều này sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia (1) – được giới thiệu rộng rãi, chắc chắn sẽ gây hoang mang trên… toàn thế giới !
Làm sao các chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, kinh tế, khoa học – kỹ thuật) có thể chứng minh mạng xã hội là… não và não có thể trở thành một bộ phận… ngoại thân không chỉ của một… cá nhân mà còn của cả một… dân tộc ?
Nếu nhìn "não" theo nghĩa… bóng, nhận định của ông Hùng cũng vẫn là một kiểu ví von điển hình chỉ có giá trị đối với các chuyên gia chuyên nghiên cứu về… tâm thần khi cần khảo sát để bổ sung thêm cách nhận biết, lập phác đồ điều trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt !
Làm gì có chuyện người Việt kém cỏi đến mức để mạng xã hội chuyển hóa nhận thức, điều khiển toàn bộ hành vi thay não của họ ! Xem mạng xã hội là "não", cảnh báo về những… nguy cơ khi "não" của một dân tộc nằm ở bên ngoài… biên giới là sự miệt thị đồng bào của mình.
Dùng "an ninh quốc gia" như một lý do nhằm dọa dẫm, tìm kiếm thêm nguồn đầu tư cho mạng xã hội… thuần Việt, nhằm kéo "não" của người Việt về lại Việt Nam, hứa hẹn khả năng kiểm soát "não" của người Việt theo hướng có lợi nhất cho… đảng ta là một kiểu ngụy biện tội nghiệp, chỉ gian mà không khôn !
Nếu đọc kỹ các tường thuật về cuộc đối thoại giữa ông Hùng với các đại biểu Quốc hội Việt Nam hôm 8 tháng 11, có thể nhận ra ngay rằng ông Hùng hoặc là hết sức bất thường về khả năng tư duy và nhận thức, hoặc là hết sức bất lương khi bất chấp thực tế tuyên bố, năm tới, sẽ có… 90 triệu người Việt dùng mạng xã hội Việt Nam !
Thật đáng tiếc khi không có đại biểu nào đại diện cho "ý chí, nguyện vọng của nhân dân", yêu cầu ông Hùng giải thích thêm, tại sao sau khi ông trở thành Bộ trưởng Thông tin và truyền thông , tỉ lệ người Việt sử dụng mạng xã hội thuần Việt đã đạt đến… 65 triệu, tăng 30% so với trước ngày ông nhậm chức mà "não người Việt" vẫn còn "nằm ở nước ngoài" ?
***
Ông Hùng, 57 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, kiêm Phó Ban Tuyên giáo, kiêm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông , từng là thiếu tướng quân đội. Ông Hùng thành tướng không phải do cầm quân mà vì đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Viettel đã và đang được xem là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Quốc phòng, đồng thời còn được xem như điển hình tích cực, biện minh cho việc dốc toàn bộ nguồn lực quốc gia nhằm phát triển các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh và sự đúng đắn trong việc giữ vững chủ trương tạo điều kiện để… "quân đội làm kinh tế".
Hệ thống truyền thông chính thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng dành rất nhiều giấy, mực ca ngợi Viettel và ca tụng ông Hùng như một ông tướng giỏi… kinh doanh, một doanh nhân nhân tài ba khoác áo lính, một cá nhân có viễn kiến có thể… truyền cảm hứng cho đám đông, đặc biệt là giới trẻ (2)…
Chưa cơ quan truyền thông nào trong hệ thống truyền thông chính thức thử tìm hiểu và công bố, Viettel đã sử dụng bao nhiêu phần trăm hệ thống hạ tầng thông tin dành cho quốc phòng để kiếm tiền (?), hệ thống này trị giá bao nhiêu (?), bao nhiêu phần trăm ngân sách dành cho quốc phòng đã được rót vào Viettel (?),…
Cũng chưa có cơ quan hữu trách nào thử so sánh và trả lời cho công chúng, nếu tính đúng, tính đủ, liệu doanh thu và lợi nhuận của Viettel có tương xứng với nguồn lực dành cho quốc phòng mà Viettel đang tận tình khai thác (?), khai thác như thế có làm suy yếu khả năng quốc phòng và "mượn đầu heo nấu cháo" như Viettel có hợp lý (?)…
Một trong những lý do khiến ông Hùng được đánh giá cao, Bộ Quốc phòng và nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam "nở mày, nở mặt" là Viettel Global – doanh nghiệp đảm trách đầu tư, phát triển các thị trường bên ngoài Việt Nam của Viettel.
Viettel Global đã đầu tư vào chín quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, ở châu Phi và ở Nam Mỹ. Bên cạnh vô số "những lời có cánh" dành cho Viettel và ông Hùng về Viettel Global, một vài nguồn tiết lộ : Năm 2016, Viettel Global lỗ 3.475 tỉ đồng. Năm 2016 lỗ 481 tỉ đồng. Năm 2018 lỗ 797 tỉ đồng (3).
Liệu các dự án đầu tư vào thị trường viễn thông bên ngoài Việt Nam của Viettel có giống như các dự án đầu tư vào thị trường dầu khí bên ngoài Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – 11/13 dự án thua lỗ và khiến PVN (xét về bản chất là chính người Việt) mất trắng nhiều ngàn tỉ đồng (4) ?..
***
Con đường đưa ông Hùng trồi lên như một "ngôi sao chính trị", kiểu tư duy và các chiêu, trò mà ông Hùng thể hiện qua những tuyên bố - nhận định từ khi ông được chọn để thay thế ông Trương Minh Tuấn, đảm nhận cả vai trò Phó ban Tuyên giáo Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Bộ trưởng Thông tin và truyền thông , khiến người ta nhớ đến hai "ngôi sao chính trị" : Đinh La Thăng và Nguyễn Bá Thanh.
Hai "ngôi sao chính trị" đã tắt vừa "trảm tướng", thề "hốt liền, không nói nhiều",… vừa lấy của người Việt nhiều ngàn tỉ liệu đã đủ để người Việt cảnh giác với những "ngôi sao chính trị" khác của đảng ta ? Thay vì trầm trồ hãy chú ý nhiều hơn đến Viettel, tuy so sánh "mạng xã hội – não" ngớ ngẩn nhưng đó là so sánh trị giá nhiều ngàn tỉ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/11/2019
Chú thích
(2) https://news.zing.vn/10-phat-ngon-truyen-cam-hung-cua-ong-nguyen-manh-hung-post861680.html
(3) https://nhadautu.vn/viettel-global-lo-lai-the-nao-khi-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-d19563.html
******************
Não người Việt nên để ở đâu ?
Nguyễn Hùng, VOA, 14/11/2019
Hôm đầu tuần tôi đang đọc bài ‘Bạo lực ở Hong Kong sẽ còn tệ nữa’ trên máy tính thì cậu con trai bảy tuổi của tôi ra đứng sau lưng cùng đọc. Cậu đọc tít xong và thắc mắc : "Tại sao bạo lực ở Hong Kong sẽ tệ thêm. Con tưởng thế chiến đã hết rồi." Tôi bảo : "Thế chiến hết rồi nhưng ở nhiều nơi người ta vẫn bất đồng và xuống đường biểu tình. Ở Hong Kong cảnh sát đã dùng bạo lực để đáp trả." Cậu lại bảo : "Cảnh sát chỉ tới khi người ta làm điều gì trái pháp luật thôi chứ. Bất đồng có gì trái pháp luật đâu."
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Thế đấy. Một cậu bé mới bảy tuổi mà đã có kết luận mà nhiều chính trị gia Việt Nam chắc chắn không đồng tình. Bất đồng hay chỉ ra cái sai của hệ thống, nhất là của các nhân vật cao cấp, là bị ghép vào tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" ngay. Vậy nên não người Việt để bên ngoài hình chữ S tốt hơn, bộ trưởng thông tin truyền thông ạ. Ít nhất trong hiện tại. Nếu không đúng như vậy thì tại sao các cán bộ cứ hở ra là gửi con đi học nước ngoài ? Bản thân họ cũng khoái đi tây học nữa. Mới đây người ta lại chia sẻ bài viết từ năm ngoái về chuyện Cần Thơ bỏ ra tới 80 tỷ để đưa cán bộ sang Hoa Kỳ "bồi dưỡng".
Việt Nam xưa ao tù nước đọng tới mức những người muốn thay đổi tích cực ở dải đất chữ S phần đông phải ra nước ngoài thông não rồi mới về. Nhưng liệu ngày nay có gì khác ? Liệu có bao nhiêu uỷ viên trung ương hay ngay cả uỷ viên bộ chính trị chưa từng du học ? Ngay cả cộng sản đàn anh Trung Quốc cũng vẫn phải gửi gián điệp đi học mót và đánh cắp công nghệ của phương tây. Và trong khi Trung Quốc đã có chương trình thám hiểm mặt trăng thì Việt Nam vẫn lò dò trên con đường luẩn quẩn đào tài nguyên thiên nhiên và đem sức người đi bán. Não mà khá thì đã giữ tài nguyên cho các thế hệ tương lai và tập trung vào xuất khẩu chất xám thay vì "xuất khẩu lao động".
Bộ trưởng thông tin truyền thông nói người Việt Nam dùng mạng xã hội nước ngoài tức là não để ngoài nước. Phát biểu này thật ngây ngô vì não nào chẳng có chân và người Việt bỏ phiếu bằng chân từ lâu rồi. Sao những bộ não nhưNgô Bảo Châu hay Đàm Thanh Sơn không về Việt Nam mà lại chọn Đại học Chicago ở Hoa Kỳ làm nơi trú chân ?
Chỉ riêng cách ứng xử của chính quyền trong vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng xe tải cũng cho thấy não trạng của giới chức có vấn đề. Vì sao phải giấu đi tuổi của các nạn nhân ? Vì sự thật thê thảm là có tới 10 em chưa tới hai mươi tuổi, hai em mới 15. Tại sao các em muốn mang não mình ra nước ngoài ? Nếu não lãnh đạo sáng sủa hơn, tôi tin các em chẳng dại gì chui đầu vào thùng công-ten-nơ mà sẽ ở lại quê hương gây dựng tương lai. Nếu lãnh đạo đầu óc bớt tăm tối, Việt Nam đã như Malaysia hay Singapore và công dân của họ được vào Anh du lịch trong sáu tháng mà không cần visa. Như vậy các em đâu phải chui thùng làm gì.
Ngay cả khi người đã chết rồi, các lãnh đạo địa phương não phẳng lại còn đến thúc ép các gia đình nhận tro cốt về trong khi các gia đình đều nói họ muốn nhìn mặt người thân lần cuối. Cái này có lẽ còn liên quan tới trái tim nhỏ hẹp của giới quan chức. Giả sử đó là con em họ liệu họ có muốn nhận tro về không ? Dĩ nhiên vì là quan chức nên có lẽ họ đã tham nhũng đủ để bay sang tận nơi đưa con em về. Bởi vậy họ không hiểu được sự khó khăn và hoàn cảnh của dân đen. Con em họ đi du học bằng chính những đồng tiền thuế của người dân. Họ sống cũng bằng tiền thuế của người dân. Nhưng họ có bộ não và trái tim của những đốc công thời thuộc địa.
Từ xa theo dõi phát biểu của các quan chức Việt Nam tôi thấy hãi hùng. Những người như vậy mà leo được lên ghế lãnh đạo thì người dân bảo Việt Nam đang theo chủ nghĩa "Xuống Hố Cả Nút" là đúng rồi. Ngày nào còn thứ chủ nghĩa lai căng đó trên mảnh đất Việt Nam, ngày đó não người Việt tốt nhất cứ để bên ngoài vì "an toàn là bạn".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/11/2019