Đó là một biểu hiện chưa từng có ở Tổng thống Donald Trump. Về tự do tôn giáo.
Đài VOA trích một bài viết trên tờ Politico - dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 12/11 - cho biết các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang soạn thảo kế hoạch nhằm ràng buộc viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước với cách họ đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số. Kế hoạch này dự kiến sẽ bao gồm viện trợ nhân đạo của Mỹ và cũng có thể sẽ được mở rộng để gồm cả viện trợ quân sự. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, nó có thể có tác động lớn đến viện trợ của Mỹ cho nhiều quốc gia, từ Iraq đến Việt Nam.
Ông A Ga và Lương Xuân Dương trong số thành viên phái đoàn 17 quốc gia gặp tổng thống Trump tại Oval Office ngày 17 tháng Bảy năm 2019.
Việc chính quyền Mỹ chỉ xem xét kế hoạch này thôi cũng cho thấy Nhà Trắng ưu tiên tự do tôn giáo đến mức nào, một trọng tâm mà những người chỉ trích cho rằng thật sự là nhằm huy động nhóm Cơ Đốc Phúc âm vốn là lực lượng ủng hộ chủ chốt của ông Trump, tờ Politico nhận định…
Việt Nam muốn nhận viện trợ hay ‘tái hòa nhập’ CPC ?
Vào tháng 7 năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhà kinh doanh Donald Trump có một biểu lộ về mối quan tâm của ông đối với nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng.
Biểu lộ ấy hiện ra khi Tổng thống Trump tiếp đón nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam là Mục sư Tin Lành A Ga - một người Thượng Tây Nguyên, và đạo hữu Lương Xuân Dương - một tín đồ Cao Đài nằm trong nhóm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo. Cuộc tiếp đón này diễn ra bên cạnh Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo từ 16-18/7/2019 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quy tụ ngoại trưởng của 100 quốc gia và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, với thông điệp kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo toàn cầu.
Cuộc tiếp đón trên được mô tả "Tổng thống Trump hỏi thăm ghi nhận của họ về tình hình tự do tôn giáo tại các nước và ông chăm chú lắng nghe những chia sẻ".
Đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương đã kể với đài VOA Việt ngữ : "Rất tuyệt vời. Tổng thống đã lắng nghe nguyện vọng của mỗi người. Ông hỏi lại một vài điểm cần thiết và bắt tay với nhiều người", và "Tôi đã nói với Tổng thống rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tôi muốn Tổng thống giúp cho Việt Nam có tự do tôn giáo và rằng Việt Nam cần được đưa trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo CPC. Tổng thống hỏi lại tôi : ‘Việt Nam ?’, tôi trả lời ‘Vâng đúng vậy’ và cảm ơn Tổng thống".
CPC (Countries of Particular Concern) là Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nào nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo. Theo định nghĩa trong luật Hoa Kỳ, vi phạm tự do tôn giáo là các hành vi cấm đoán, hạn chế hay trừng phạt việc tụ tập ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc tùy tiện bắt "đăng ký" sinh hoạt tôn giáo ; việc tự do phát biểu về tôn giáo của mình ; quyền đổi tôn giáo hay tín ngưỡng ; quyền dưỡng dục con theo niềm tin tôn giáo riêng.
Tháng 11/2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Đó cũng là thời gian mà nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải có một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo, cũng đồng thời với tương lai tham gia vào WTO mở ra trước mắt họ.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, chính thể độc tài ở Việt Nam đã tái vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của công dân. Từ đó đến nay, các tôn giáo ly khai bị đàn áp thẳng tay và tàn bạo. Hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Hầu như năm nào Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng phải nhắc lại : "Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước. Những tổ chức tôn giáo không xin phép chính phủ để hoạt động phải đối mặt với những rủi ro là bị chính quyền địa phương đe dọa và quấy nhiễu". Những bản báo cáo này cũng cho biết ở Việt Nam vẫn còn khoảng 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, rất nhiều người trong số này bị giam giữ vì lý do đức tin tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. Những tù nhân đã được trả tự do hiện vẫn phải đối mặt với những truy bức từ phía chính quyền.
Kể từ năm 2006 khi được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, giờ đây chính thể Việt Nam đang gần với triển vọng "tái hòa nhập" CPC hơn bao giờ hết. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam và cả thể chế cầm quyền - vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm - sẽ càng dễ sa chân sụp đổ.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 17/11/2019