Luật sư Trần Vũ Hải trốn thuế - Động cơ chính trị ?!
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/11/2019
Luật sư Trần Vũ Hải cùng vợ - bà Ngô Tuyết Phương, bị truy tố về tội "trốn thuế" có liên quan đến bất động sản, theo điều 200 Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Trần Vũ Hải tại Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang Courtesy of FB Vu Hai Tran
Không bao giờ có "tội trốn thuế" có liên quan đến bất động sản trong nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"
Theo dõi phiên tòa diễn ra từ hôm 14/11 và dự kiến đến 18/11 sẽ chấm dứt, giới quan sát dễ nhận thấy toàn bộ trình tự thủ tục tố tụng và nội dung cáo buộc luật sư Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương hoàn toàn vô căn cứ.
Căn cứ vào 10 hành vi của tội danh theo điều 200 Bộ luật hình sự, không có hành vi nào của ông Hải và bà Phương thuộc phạm vi điều chỉnh đủ để cấu thành tội danh "trốn thuế" có liên quan đến bất động sản mà Tòa án tỉnh Khánh Hòa cáo buộc.
Theo tường thuật trên tài khoản cá nhân, luật sư Lê Ngọc Luân cho biết : Chi cục thuế thành phố Nha Trang khẳng định họ đã thu đúng và đủ số thuế phát sinh trong giao dịch nhà đất mà có liên quan đến ông Trần Vũ Hải cùng bà Ngô Tuyết Phương.
Nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (kinh tế thị trường dịnh hướng xã hội chủ nghĩa) tại Việt Nam là nền kinh tế đặc thù, có một không hai trên thế giới - toàn bộ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ cho đến các tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương đều công nhận tính chất độc nhất vô nhị này - điều không còn có thể chối cãi.
Trong nền kinh tế thị trường dịnh hướng xã hội chủ nghĩa, giá đất do chính phủ quy định theo khoản 2 điều 112 Luật Đất đai. Bảng giá đất được ban hành theo năm cũng do Chính phủ chấp thuận. Chính vì vậy, pháp luật cho phép người dân cứ kê khai theo tính toán riêng nhưng cuối cùng nhà nước sẽ quyết định giá đất để tính thuế.
Theo đó, Cục thuế Nha Trang (tức là cơ quan nhà nước) đã xác định họ thu đủ và đúng số thuế phải nộp cho giao dịch có liên quan đến luật sư Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương.
Thêm nữa, Luật Giá có hiệu lực từ 01/1/2013 cũng đã quy định tại khoản 4 điều 4 : "Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định".
Tuy nhiên, khoản 4 điều 4 nói trên được bao bọc rất kỹ và chắc chắn bằng khoản 2 điều 12 (cũng tại Luật Giá) trong đó nói rõ nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân : "Chấp hành quyết định về giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Toàn dân đều biết : Giá đất cũng do nhà nước định giá. Điều này có nghĩa, bất chấp cá nhân có kê khai thấp đi chăng nữa, nhà nước cũng không chấp nhận.
Như vậy, đủ xác quyết luật sư Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương, không bao giờ có thể quyết định và không bao giờ có quyền quyết định bất cứ loại giá nào có liên quan đến đất. Nói cách khác, luật sư Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương hoàn toàn vô tội.
Động cơ chính trị ?!
Trước khi bị cáo buộc "trốn thuế". luật sư Trần Vũ Hải được biết là luật sư duy nhất nhận trách nhiệm bào chữa cho nhà báo Trương Duy Nhất trong một vụ án mà cho đến nay, chưa biết khi nào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mang ông Nhất ra xử.
Khi tiến hành khám xét nhà riêng của luật sư Trần Vũ Hải, thông tin bên lề cho hay nhiều tài liệu không liên quan đến cáo buộc trốn thuế cũng bị tịch thu đi. Trong số tịch thu này, có cả các tài liệu của nhà báo Trương Duy Nhất gởi riêng cho luật sư Trần Vũ Hải trước đó.
Nếu các tài liệu nói trên không được hoàn trả cho luật sư Trần Vũ Hải, điều đó chứng thực nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam làm việc phản khoa học và vi phạm pháp luật.
Giới quan sát cho hay, mục tiêu của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong cáo buộc ông Trần Vũ Hải và vợ "trốn thuế" nhằm tước thẻ hành nghề luật sư của ông.
Cho đến khi thẻ hành nghề của ông Hải bị tước bỏ và các hồ sơ có liên quan đến nhà báo Trương Duy Nhất không được hoàn trả đầy đủ, người ta có quyền nghi ngờ một động cơ chính trị nấp phía sau, nhưng thật lộ liễu, bởi ông Trương Duy Nhất là người thân cận với Nguyễn Bá Thanh - dù đã chết nhưng vẫn chưa... hết "nợ trần gian" nhằm chứng minh : Bóng tối vẫn phủ trùm trên "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 15/11/2019
*****************
Luật sư Lê Công Định "Vụ án Luật sư Hải ‘trốn thuế’ chỉ là đòn triệt hạ"
Tuấn Khanh, RFA, 15/11/2019
Vụ án xử luật sư Trần Vũ Hải với tội danh trốn thuế, ở mức 280 triệu đồng, được mở ra từ ngày 13-11 ở Nha Trang, Việt Nam, dự kiến ban đầu sẽ kéo dài đến 5 ngày. So với những vụ án xử đại tham nhũng ở mức sai phạm hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra trong năm 2018-2019, sự căng thẳng và phức tạp ở sân tòa Nha Trang, có những chi tiết nhìn thấy, còn nghiêm trọng hơn.
Hình minh họa. Luật sư Trần Vũ Hải cùng các luật sư bào chữa cho vợ chồng ông trước Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang hôm 13/11/2019 - Courtesy of FB Vu Hai Tran
Điều gì đem lại sự bất thường này, mà với hơn 60 luật sư tha thiết đòi hỏi quyền được tham gia bào chữa ? Từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định đã có những lý giải thú vị, và cũng rất thẳng thắn, về vụ kết tội "trốn thuế" đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải.
Tuấn Khanh : Phiên tòa xử ông Trần Vũ Hải với tội danh trốn thuế - nhưng đã xáy ra nhiều hình ảnh kỳ lạ như luật sư phải qua kiểm tra 3 vòng an ninh, bị tịch thu dụng cụ hành nghề, phá sóng điện thoại… và công an đủ loại ngăn chận khắp nơi. Hành động này diễn ra với một phiên tòa rất bình thường, với ông, là mang ý nghĩa như thế nào ?
Lê Công Định : Những điều diễn ra như vậy, hoàn toàn không nằm trong một quy định pháp lý nào cả. Máy tính, điện thoại… của các luật sư là công cụ hành nghề, nhưng phía tòa án lại ra lệnh thu giữ, nhằm gây khó cho việc bào chữa một cách hợp pháp và đầy đủ. Ngược lại, phía công tố và hội đồng xét xử thì lại được cung cấp đầy đủ các phương tiện đó. Rõ ràng, đó là một sự bất bình đẳng kỳ lạ trong các phiên tòa chính trị hoặc có tính cách chính trị ở Việt Nam. Luật sư muốn tham dự tòa thì phải qua ba vòng kiểm tra an ninh. Phóng viên nhà nước cũng không được quyền vào tường trình. Ai cũng thấy đây không phải là một vụ án xử trốn thuế bình thường, mà hoàn toàn là một cách tạo dựng để nhằm triệt hạ một luật sư có uy tín. Chính những hành động ngăn cản quái lạ này đã chứng minh đây không phải là một phiên tòa bình thường.
Mục tiêu của việc triệt hạ này, suy ra là chính quyền muốn ngăn không cho luật sư Trần Vũ Hải tiếp tục hành nghề để bảo vệ công lý, hay tiếp tục tham gia những vụ án gọi là "nhạy cảm" về chính trị.
Tuấn Khanh : Lâu nay, tòa án ở Việt Nam vẫn có một chiêu trò là luật sư bào chữa cứ đặt vấn đề và yêu cầu tranh tụng, nhưng Hội đồng xét xử thì cứ lờ đi và từ chối tranh tụng. Nay với đòi hỏi của hàng chục luật sư tham gia bào chữa cho ông Trần Vũ Hải tuyên bố là tòa phải ra tòa, phải tranh tụng cho tới nơi tới chốn, liệu vụ án này có mở ra được một tiền lệ nào tiến bộ hơn không ?
Hình minh họa. Luật sư Nguyễn Duy Bình bị công an áp giải khỏi phiên tòa xử vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải ở Nha Trang hôm 14/11/2019 Courtesy of FB Luật sư Nguyễn Duy Bình
Lê Công Định : Viện kiểm sát lâu nay, trước các phiên tòa như vậy, vẫn luôn đuối lý trước các luật sư, nên họ chọn giải pháp là im lặng hoặc từ chối trả lời. Ngay điều này, cũng đã vi phạm nghị quyết của Bộ chính trị Đảng cầm quyền từ nhiều năm trước, là đòi hỏi các phiên tòa phải mang tính tranh tụng nhiều hơn. Nguyên tắc của một tòa án văn minh là đại diện Viện Kiểm sát không thể từ chối các câu hỏi của luật sư. Tranh tụng là một phương tiện pháp lý để làm sáng tỏ tình tiết của những vụ án. Từ chối tranh luận tại tòa, không chỉ là chuyện đuối lý mà còn là vi phạm luật tố tụng. Trong những phiên tòa chính trị hay có ý nghĩa chính trị gần đây, đại diện Viện Kiểm sát thường im lặng hoặc từ chối tranh luận, thì chính họ và cả phiên tòa đã vi phạm pháp luật, vi phạm tố tụng.
Tuấn Khanh : Vụ khởi tố của ông Trần Vũ Hải với nhiều chi tiết khác thường, có những nhận định nói rằng đây không phải là chuyện công lý nhà nước, mà là một sự thao túng có tính cách "lợi ích nhóm" với đối với luật pháp quốc gia ?
Lê Công Định : Thật sự là vậy. Chúng ta thấy không chỉ từ chuyện liên quan vụ án của ông Trương Duy Nhất, mà còn nhiều vụ án khác mà luật sư Trần Vũ Hải đã và đang tham gia. Khi khám xét văn phòng làm việc của ông Hải, cơn quan an ninh đã cướp đi rất nhiều hồ sơ, lên đến 20 thùng, mà hầu hết là những hồ sơ liên quan đến các vụ án ông Trần Vũ Hải đảm nhận – không liên quan gì đến vụ "trốn thuế" cả. Chúng ta có thể nhận thấy ngay là một thế lực nào đó, đang muốn gạt ông Trần Vũ Hải ra khỏi các vụ án "nhạy cảm", thậm chí có thể liên quan đến phe phái đánh nhau, nạn nhân đấu đá nội bộ… Việc luật sư Hải tham gia bị coi là có thể tạo ra những hệ quả bất thường mà họ không kiểm soát được, nên suy ra, triệt hạ có thể là giải pháp tốt nhất.
Tuấn Khanh : Trong video ghi lại hình ảnh các luật sư bị chặn trước sân tòa, người ta nhìn thấy sự bất mãn lan rộng trong từng người, và cũng cho thấy sự bất cập của một nhà nước chỉ muốn dùng luật pháp và luật sư như một công cụ cai trị. Trước đây, trong một status của mình, ông có nói với luật sư Võ An Đôn (cũng là một nạn nhân của một nền tư pháp giả hiệu) rằng sẽ có lúc một Hội luật sư độc lập ra đời. Liệu điều đó có đang diễn ra từ con số 60 luật sư muốn bào chữa cho đồng nghiệp và đòi ý nghĩa thật sự của công lý hay không ?
Luật sư Trần Vũ Hải trao đổi với các luật sư bào chữa tại phiên tòa ở Nha Trang Courtesy of FB Vu Hai Tran
Lê Công Định : Điều đó hoàn toàn khả thi. Vì các luật sư là những người làm việc tự do, dù họ là thành viên của các đoàn luật sư. Việc gắn với luật sư đoàn vì đó là một tổ chức nghề nghiệp, họ cần trao đổi, quan hệ… nhưng thực tế thì luật sư là những người làm việc hoàn toàn độc lập và tự do. Đó là tiêu chí hàng đầu của các luật sư. Nhưng trong một xã hội toàn trị như Việt Nam hiện nay, tổ chức nào thì cũng là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản. Các đoàn luật sư hay liên đoàn luật sư đều bị đặt trong vị trí là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nên công việc của các luật sư bị hạn chế rất nhiều.
Vì tinh thần nghề nghiệp cao quý đã có từ hàng trăm năm nay trên thế giới, và cũng của Việt Nam, các luật sư luôn luôn hướng về sự độc lập. Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, giới luật sư đã dấn thân nhiều hơn trong việc bảo vệ dân oan, bảo vệ những tù nhân chính trị, cùng tìm kiếm công lý vốn đang ngày càng hiếm hoi trên đất nước này… thì khả năng họ đoàn kết lại và lập thành Hội để bảo vệ nhau, đại diện… là hoàn toàn có thể.
Con số 60 luật sư ghi danh tham gia bào chữa cho luật sư Trần Vũ Hải cho thấy giới luật sư ý thức rõ, hôm nay là luật sư Trần Vũ Hải, ngày mai có thể chính là họ. Sự tham gia này cũng có một ý nghĩa phản kháng và đòi giá trị công lý đích thực, cũng như phản đối cách hình sự hóa của cơ quan chính quyền đối với hoạt động nhận lời bào chữa hay tranh đấu bằng pháp lý cho thân chủ. Giới luật sư đang muốn chứng minh rằng bằng luật pháp, họ có thể dành lại sự công bằng và thay đổi xã hội một cách hợp pháp.
Tuấn Khanh : Trở lại giả thuyết cho rằng, thế lực nào đó muốn triệt hạ ông Trần Vũ Hải, không muốn ông nhận bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất. Nhưng thực tế, nếu không phải là ông Hải, vẫn có 5 hay 3 luật sư khác nhận bào chữa. Tại sao việc khởi tố rất rùm beng và gây tổn thương cho chính bộ mặt nhà nước về vụ "trốn thuế" này phải nhằm cho được vào ông Hải mới được ?
Lê Công Định : Luật sư Trần Vũ Hải có quá trình làm việc rất lâu với ông Trương Duy Nhất. 4 năm trước, ông Hải đã làm luật sư bào chữa cho ông Nhất. Do đó, luật sư Trần Vũ Hải được coi là người thấu hiểu, nắm nhiều tài liệu và vấn đề của ông Nhất. Mà vụ ông Nhất bị giam giữ hiện nay cũng được coi là một vụ án tạo dựng để nhằm loại bỏ việc ông Nhất – mà họ tin là – có thể cung cấp những hồ sơ mật liên quan đến các quan chức cao cấp. Vụ án được dựng nên cũng có thể coi là một cách trả thù. Tôi nghĩ sự có mặt của luật sư Trần Vũ Hải bị coi là nhiều khả năng đưa vụ án đến những diễn biến bất ngờ, nên họ cần phải chặn trước.
Ngoài ra, cần phải thấy con số 60 luật sư cả nước ghi danh bào chữa cho ông Hải, cho thấy ông là một người uy tín và có vai trò nổi bật trong giới. Sắp tới đây, Đoàn luật sư Hà Nội sẽ tổ chức bầu lại nhân sự ban chủ nhiệm và người đứng đầu đoàn luật sư Hà Nội. Có tin đồn đoán rằng phía cơ quan nội chính đang lo ngại cho các ứng viên mà họ chỉ định có thể gặp khó khăn với luật sư Trần Vũ Hải được đề cử. Do vậy chuyện loại bỏ ông Hải là cần thiết. Vụ án "trốn thuế" buồn cười này ra đời có lẽ là vậy.
Tuấn Khanh : Xin cám ơn Luật sư Lê Công Định cho cuộc trò chuyện này.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 15/11/2019
*******************
Luật sư Trần Vũ Hải bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ
RFA, 15/11/2019
Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang vào chiều ngày 15/11 đã tuyên phạt luật sư Trân Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương mỗi người 12 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng vì tội trốn thuế.
Luật sư Trần Vũ Hải tại Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang - Courtesy of FB Manh Dang
Hai người khác có liên quan đến vụ án trốn thuế là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm mỗi bị cáo 18 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung mỗi người 50 triệu đồng, cùng với tội danh trên.
Theo cáo trạng của Viện kiệm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, luật sư Trần Vũ Hải cùng vợ bị cáo buộc đã trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng nhà và đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang. Số tiền trốn thuế được cáo trạng xác định là 280 triệu đồng.
Phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải được coi là phiên tòa với con số kỷ lục các luật sư tham gia bào chữa lên đến 42 người.
Luật sư Trần Vũ Hải là người đã từng đại diện cho nhiều dân oan mất đất. Ông là người được gia đình blogger Trương Duy Nhất đề nghị làm người đại diện pháp lý cho blogger này. Tuy nhiên, vào ngày 2/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng phòng làm việc của luật sư tại Hà Nội để điều tra hành vi trốn thuế. Khi khám xét, công an cũng thu giữ luôn các hồ sơ vụ án blogger Trương Duy Nhất, người đang bị tam giam với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Một số ý kiến của những người theo dõi chính trị ở Việt Nam cho rằng việc khởi tố luật sư Trần Vũ Hải là nhằm mục đích ngăn cản ông bào chữa cho các vụ án nhạy cảm như vụ án của blogger Trương Duy Nhất, người có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ.
*****************
Luật sư Trần Vũ Hải nhận án "cải tạo không giam giữ" vì tội trốn thuế (VOA, 15/11/2019)
Tòa án Nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tuyên án hồi chiều ngày 15/11 đối với luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải và 3 bị cáo khác trong một vụ án "trốn thuế" sau một giao dịch mua bán đất.
Luật sư Trần Vũ Hải trong phiên xét xử từ ngày 13-15/11 ở Nha Trang
Ông Hải và vợ, bà Ngô Tuyết Phương, mỗi người bị phạt "12 tháng cải tạo không giam giữ", đồng thời cũng phải nộp phạt số tiền là 20 triệu đồng/người.
Hai bị cáo còn lại là ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, những người đã bán một lô đất cho vợ chồng luật sư Hải. Mức án dành cho ông Lắm và bà Hạnh là 18 tháng cải tạo không giam giữ đối với mỗi người. Mức phạt tiền bổ sung là 50 triệu đồng/người.
Theo một bản tin của báo Tuổi Trẻ, tòa cũng tuyên bị cáo Lắm phải nộp số tiền trốn thuế là hơn 280 triệu đồng. Tin cho hay nếu ông Lắm không có khả năng thi hành án, 3 bị cáo còn lại liên đới phải nộp số tiền trên.
Phiên tòa xử vợ chồng Luật sư Hải đã bắt đầu từ ngày 13/11. Công an tỉnh Khánh Hòa hôm 7/10 đề nghị truy tố vợ chồng ông và 2 bị cáo kể trên về tội "trốn thuế".
Các tài liệu của bên truy tố cho rằng ông Lắm và bà Hạnh bán lô đất cho vợ chồng luật sư Hải với giá "hơn 16 tỉ đồng" nhưng họ đã làm "một hợp đồng khác" với giá chuyển nhượng chỉ 1,8 tỉ đồng "để trốn thuế thu nhập cá nhân".
Luật sư Hải được biết tiếng vì thường xuyên lên tiếng qua mạng xã hội hoặc các phương tiện khác để đưa ra những ý kiến phản biện về các vấn đề chính trị, xã hội ở Việt Nam. Ông cũng tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động chính trị bị chính quyền bắt bớ, đem ra xét xử.
Việc nhà chức trách đưa ông Hải ra tòa bị giới quan sát xem như một động thái của chính quyền nhằm triệt hạ ông. Trước khi phiên xét xử diễn ra, nhiều đồng nghiệp của ông loan báo trên mạng xã hội rằng có đến 60 luật sư tự nguyện bào chữa miễn phí cho vợ chồng ông Hải.
Trong phần tranh luận ngày 15/11, các luật sư bào chữa và bản thân ông Hải đều cho rằng cả 4 bị cáo đều không phạm tội "trốn thuế" như cáo trạng truy tố.
Sau khi bản án được tuyên, hồi 7h45 tối ngày 15/11 (giờ Việt Nam), Luật sư Trần Vũ Hải công bố trên Facebook cá nhân bản ghi chép lời nói sau cùng của vợ chồng ông tại tòa, trong đó có đoạn bà Ngô Tuyết Phương nói : "Tôi và chồng tôi bị oan. Chúng tôi không có tội. Cho tới giờ, sau những bài bào chữa của các luật sư, tôi càng khẳng định như vậy".
Bà Phương nhấn mạnh rằng : "Mục đích phiên toà này được mở ra là nhằm vào chồng tôi, điều này nhiều người ở đây cũng biết".
"Nếu HĐXX [Hội đồng Xét xử] thấy rằng chúng tôi có tội, vi phạm pháp luật, tôi đề nghị cơ quan pháp luật và chính quyền các tỉnh thành mở một đợt tổng thanh tra tất cả các phòng công chứng trên toàn quốc, mở ra nhiều phiên toà như thế này, tôi khẳng định sẽ truy thu được rất rất nhiều thuế cho ngân sách nhà nước", vợ của luật sư Hải lập luận.
*********************
Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị phạt Luật sư Trần Vũ Hải 12-15 tháng cải tạo không giam giữ (RFA, 15/11/2019)
Sau hai ngày xét hỏi, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang vào ngày 15 tháng 11 đề nghị mức án 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về tội Trốn Thuế.
Luật sư Trần Vũ Hải tại tòa - Courtesy of Pháp Luật
Theo infonet, ngoài mức án 12-15 tháng cải tạo không giam giữ, vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải-bà Ngô Tuyết Phương còn bị đề nghị phạt bổ sung 20 triệu đồng mỗi người.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và ông Ngô Văn Lắm, cùng bị cáo buộc tội Trốn thuế cũng bị đề nghị mức án 15 đến 18 tháng cải tạo không giam giữ và phạt 50 triệu đồng/người.
Được biết, trong phiên xét hỏi hôm 14/11, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương.
Tại tòa, ông Hải thừa nhận việc ký các hợp đồng công chứng việc chuyển nhượng, tuy nhiên không rõ số tiền vì dựa vào sự tin tưởng với bị cáo Hạnh, còn bà Phương (vợ ông Hải) cho rằng chỉ là người ký theo các hợp đồng công chứng.
Trong khi đó, theo đại diện Chi cục Thuế Thành phố Nha Trang thì việc tính thuế đối với thửa đất 78/40 Tuệ Tĩnh thực hiện theo hợp đồng 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị giao dịch này thấp hơn quy định nhà nước nên tính thuế ở mức trên 2,1 tỉ đồng (cao hơn trên hợp đồng công chứng). Cơ quan thuế xác định giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân đối với ông Lắm và vì thế người nộp thuế là bị cáo Ngô Văn Lắm với mức thuế phải nộp trên 42 triệu đồng.
Tuy nhiên, giám định viên Nguyễn Văn Trang cho biết văn bản mà cơ quan điều tra cung cấp thì hành vi mua bán với giá trị trên 16 tỉ đồng nhưng chỉ đóng thuế với giá trị hợp đồng 1,8 tỉ đồng là hành vi trốn thuế, theo khoản 1 điều 161 BLHS năm 1999.
Gần 60 luật sư đã đăng ký bào chữa cho vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa nhưng tòa án chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho 42 người trong số này. Đây được ghi nhận là kỷ lục về số lượng luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo và cũng là đồng nghiệp của họ.