Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/11/2019

Hà Nội biến Hải Phòng - Vân Đồn thành đặc khu kinh tế Trung Quốc

Lê Hữu Việt - RFA tiếng Việt

Đường sắt 100.000 tỷ đồng liên vận Hải Phòng-Trung Quốc tốt cho ai ?

Lê Hữu Việt, Tiền Phong, 23/11/2019

Nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đường sắt liên vận quốc tế mới khổ ray 1.435mm sẽ nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) tới Trung Quốc và đi Châu Âu, chi phí được tính toán khoảng 100.000 tỷ đồng.

duongsat0

Tuyến đường sắt liên vận Hải Phòng - Lào Cai kết nối với Trung Quốc được Trung Quốc tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch

Liên danh tư vấn giữa Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông và vận tải (TRICC) - Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc vừa có báo cáo quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc gửi Bộ Giao thông và vận tải. Chi phí nghiên cứu xây dựng quy hoạch này do phía Trung Quốc tài trợ.

Theo đó, tuyến đường sắt tương lai có thể đi qua 8 tỉnh thành, gồm : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện). Chạy tàu khổ ra 1.435mm. Ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.

Cụ thể, tuyến đường sắt được quy hoạch xuất phát từ Hà Khẩu (Trung Quốc), qua ga Lào Cai. Từ đây, tuyến đường vượt sông Hồng chạy dọc theo cao tốc Lào Cai - Nội Bài để về ga Đông Anh. 

Rời ga Đông Anh, tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường không vào ga Hải Phòng mà qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt này gần 393km. Toàn tuyến có 37 ga, xây mới 96 cầu, 26 hầm, xây mới 1.084 hầm chui dân sinh. Tốc độ thiết kế 160km/h.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ trình Bộ Giao thông và vận tải và các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng sau năm 2025.

Tuy vậy, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau với đề xuất trên. Thay vì xây mới một số đoạn qua Hưng Yên, Hải Dương, có thể tận dụng Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hiện đã làm khổ đường 1.435mm về đến Uông Bí (Quảng Ninh). Đồng thời có nhánh kết nối với cảng Lạch Huyện. 

Phía Bộ Giao thông và vận tải cho hay, việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới trên để đồng bộ kết nối chạy tàu liên vận quốc tế. Do hiện nay các tuyến đường sắt của Việt Nam hầu hết là khổ ray 1.000mm, trong khi các tuyến đường sắt liên vận quốc tế hiện nay đều khổ ray 1.435mm. Việt Nam hiện mới chỉ có 1 số đoạn Đồng Đăng - Gia Lâm (Hà Nội) ; đoạn Hà Nội – Hạ Long có đường ray khổ 1.435mm. 

Được biết, hiện có không ít đơn vị phía Trung Quốc rất quan tâm tới dự án đường sắt này.

Lê Hữu Việt

Nguồn : Tiền Phong, 23/11/2019

*****************

Vân Đồn : từ đặc khu kinh tế trở thành khu kinh tế

RFA, 22/11/2019

Vào ngày 14/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này có hiệu lực trong cùng ngày.

duongsat1

Biển Bãi Dài, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - AFP

Trước đó vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phúc Quốc, hay còn gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét.

Nhiều nhà quan sát kinh tế, chính trị và cả những người dân lúc bấy giờ lo ngại nếu Dự luật đặc khu được thông qua với những đặc quyền về thuế, chính sách nhập cảnh, và đặc biệt là thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, có thể Việt Nam sẽ mất cả 3 đặc khu này vào tay Trung Quốc.

Nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước vào tháng 6/2018. Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

Đến đầu tháng 6/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch muốn Vân Đồn trở thành khu kinh tế đặc thù với tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.

Nhận xét về điểm mạnh của Vân Đồn và những lợi thế nếu Vân Đồn được phát triển thành khu kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nhận định :

"Vân Đồn dù sao cũng là một tiền tiêu của tổ quốc, đồng thời có những nét sáng tạo độc đáo của nó. Ví dụ như toàn quốc ở đâu có sân bay tư nhân đâu nhưng riêng ở Vân Đồn có thể cho phép thành lập một sân bay tư nhân. Nó là vị trí quan trọng của đất nước, phát triển nó trở thành một vùng kinh tế mạnh thì sẽ có tác động, động lực cho vùng Đông Bắc phát triển tốt".

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, vị trí của Vân Đồn rõ ràng rất có lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc, do đó :

"Họ sẽ đầu tư vào đấy bởi vì từ đấy, họ có thể xuất khẩu và sử dụng các cảng của Việt Nam để xuất sang các nước khác mà hiện nay trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì hàng hóa của Trung Quốc đều bị đánh thuế rất cao còn hàng hóa Việt Nam bị đánh thếu bình thường. Nên tôi nghĩ việc mở ra khu kinh tế Vân Đồn chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và sự đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc".

Vẫn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư sang Việt Nam rất cao, có lẽ đó cũng là một trong các nhân tố để xem xét về việc quay lại xây dựng khu kinh tế Vân Đồn.

Theo báo cáo tổng kết của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký mới và số dự án đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục tăng trong chín tháng đầu năm 2019, với hơn 400 dự án với tổng vốn đăng ký mới hơn 2 tỉ USD.

Chính vì lý do trên, cộng thêm việc thông tin về khu kinh tế Vân Đồn bị hạn chế, nhiều người bày tỏ lo ngại liệu đây có phải là bước đệm chính phủ Hà Nội tiến hành biến Vân Đồn từ khu kinh tế thành đặc khu kinh tế ?

Có gì khác giữa khu kinh tế và đặc khu

Trước hết, giải thích về điểm khác nhau giữa khu kinh tế và đặc khu kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :

"Đặc khu kinh tế có các quy định đặc biệt mà Quốc hội sẽ quyết định, tức vượt qua khỏi quy định của luật pháp. Vì vậy nên được áp dụng riêng cho đặc khu thôi, các nơi khác không được áp dụng. Còn khu kinh tế thì áp dụng quy định luật pháp như ở các nơi khác".

Nói rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn trao đổi với chúng tôi trong email như sau :

"Khu kinh tế là một khu vực dành cho các hoạt động kinh tế, mà nếu doanh nghiệp hoạt động trong đó sẽ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi hơn so với hoạt động bên ngoài.

Đặc khu kinh tế tương tự như khu kinh tế, nhưng ưu đãi đặc biệt hơn, như thời gian thuê đất dài hạn hơn, thậm chí, có quyền tài phán riêng biệt..Châu

Ngoài ra, so với khu kinh tế, đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi nhiều hơn về các loại thuế suất như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt. Điển hình như mức thuế thu nhập cá nhân tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong nước chỉ được giảm 50%, nhưng tại đặc khu dự kiến sẽ được miễn hoàn toàn trong 5 năm đầu.

Theo trang thư viện pháp luật, thời hạn thuê đất tại các đặc khu cũng được kéo dài hơn. Theo đó, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, trước lo ngại của người dân về khu kinh tế Vân Đồn, Phó Giáo sư – Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây là một hiện tượng bình thường, không có một bước gì quá độ nên mọi người đừng vội suy diễn :

"Hiện nay có rất nhiều khu kinh tế, địa phương nào cũng có khu kinh tế để phát triển một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực. Tùy mức độ, vai trò vị trí của nó có thể trực thuộc trung ương, có thể trực thuộc một khu nào đó, thuộc địa phương, có thể thuộc (tỉnh) Quảng Ninh".

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân của Bộ Quốc phòng, Việt Nam hiện có 18 khu kinh tế ven biển được phê duyệt với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 730.553 ha, bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.

Mục tiêu đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển đóng góp 15% - 20% tổng GDP của cả nước, tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người, đảm bảo đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65% - 70% GDP cả nước.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lo ngại mà người dân đưa ra là không có căn cứ :

"Chúng ta cần phải xem xét kỹ và tôi tin chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, không có quy định nào đặc biệt, ví dụ như công dân nước láng giềng của tỉnh Quảng Ninh sẽ được thuê đất 99 năm như phụ lục về dự thảo luật đặc khu kinh tế. Chính một trong những quy định như thế đã gây phản ứng rất mạnh mẽ và Quốc hội cũng đã không thông qua. Bản thân tôi hiện nay chưa được đọc các quy định của khu kinh tế này, nhưng tôi không tin rằng chính phủ sẽ lặp lại một bài học mà đã phải trả giá đắt như trường hợp đặc khu tinh tế".

Trên trang web của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, khu kinh tế Vân Đồn được thành lập theo Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm toàn bộ huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp cao cấp về tài chính, ngân hàng, viễn thông ; là một cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích góp phần bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Nguồn : RFA, 21/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Việt, RFA tiếng Việt
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)