Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2019

Thích Trí Quang : con người nhiều mặt

Bùi Văn Phú - Gió Bấc

Thượng tọa Trí Quang trong bão tố chính trị và đạo pháp

Bùi Văn Phú, 25/11/2019

Hòa thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch hôm 8/11/2019 tại chùa Từ Đàm, Huế, sau 96 năm ở cõi trần.

triquang1

Hòa thượng Thích Trí Quang, 1923 – 2019 (Ảnh : BBC)

Ông sinh ngày 21/12/1923 tại làng Diêm Điền thuộc tỉnh Quảng Bình, với tên khai sinh là Phạm Quang.

Sự kiện ông qua đời đã làm xôn xao lên những tiếc thương cũng như bình phẩm về con người và vai trò của ông trong dòng lịch sử cận đại Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.

Chùa Từ Đàm, nơi ông trút hơi thở cuối đời cũng là chiếc nôi của Phong trào Phật giáo miền Trung với cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo vào năm 1963.

Khởi đi từ Huế vào tháng 5/1963 bằng nhiều cuộc biểu tình với chư tăng đem bàn thờ Phật xuống đường phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đề cao Công giáo và phân biệt đối xử với đạo Phật trong sự kiện treo cờ tôn giáo.

Khi một người anh của ông Diệm là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục tổ chức mừng 25 năm ngày nhận chức linh mục thì cờ Công giáo được treo ở nhiều nơi trong cố đô Huế. Sau đó đến lễ Phật Đản thì lại có lệnh không cho treo cờ Phật giáo tại những nơi không phải cơ sở tôn giáo.

Trong một cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế với nhiều nghìn người tham dự và đã có hai tiếng nổ lớn khiến tám người thiệt mạng. Ai đã gây tử vong thì có những thông tin khác nhau. Phía tranh đấu cho rằng lính của Thiếu tá An ninh Đặng Sĩ gây ra. Phía chính quyền phủ nhận và cho Việt Cộng là thủ phạm.

Marguerite Higgins trong tác phẩm "Our Vietnam Nightmare" [Harper & Row 1965] có ghi nhận tại phiên xử Thiếu tá Đặng Sĩ liên quan đến tử vong tại Đài phát thanh Huế ngày 8/5/1963, Bác sĩ Lê Khắc Quyến, một phật tử, khám nghiệm nạn nhân thì người bị mất tay chân, người mất đầu, vết thương chỉ từ ngực trở lên. Theo tác giả, tử vong do một loại bom có sức công phá cực mạnh, hơn là lựu đạn MK III mà lính đã bắn để giải tán biểu tình, vì các chuyên gia biết rằng vũ khí đó khó gây chết người. Đó có lẽ là chất nổ plastic mà du kích Việt Cộng thường dùng trong những vụ đặt bom nơi đông người thời đó, theo nhận định của bà Higgins trong sách.

Những biến động tại Huế xảy ra trong lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm đang phải đối đầu với khủng hoảng nội bộ, với áp lực từ đồng minh Hoa Kỳ và đe dọa an ninh lãnh thổ từ cộng sản.

Phong trào Phật giáo Tranh đấu không chỉ đem bàn thờ Phật xuống đường mà còn có những nhà sư, tăng ni tự thiêu để phản đối. Dư luận trong và ngoài nước chú ý nhất là vụ tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức vào ngày 11/6/1963 ngay giữa thủ đô Sài Gòn.

Một cái chết mà theo Tướng Nguyễn Chánh Thi, là một phật tử, lúc đó đang sống lưu vong bên Cambodia và ghi nhận được : "Bọn Cộng sản cũng gia tăng tuyên truyền thật mạnh tại Campuchia, như tổ chức đưa đám đức Tăng thống Thích Quảng Đức vừa tự thiêu tại Saigon, thả truyền đơn kêu gọi quần chúng tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam…", theo hồi ký "Việt Nam : Một Trời Tâm Sự" [Xuân Thu 1987] của ông.

Đêm 21/8/1963 lực lượng an ninh của chính phủ tấn công vào các chùa Xá Lợi ở Sài Gòn và Từ Đàm ở Huế, bắt giam nhiều nhà sư và tăng ni với cáo buộc hoạt động cho cộng sản. Thượng tọa Thích Trí Quang trốn khỏi chùa và vào sống trong một cơ quan của chính phủ Mỹ ở Sài Gòn cho đến tháng 11/1963..

Đến nay những nhận định về vai trò của Thượng tọa Trí Quang trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và các hoạt động liên quan đến chính trị miền Nam của ông vẫn còn nhiều tranh cãi. Ông có phải là người do CIA dựng nên để người Mỹ có cớ lật đổ ông Diệm, hay thượng tọa là người của cộng sản gài vào hàng ngũ Phật giáo ?

Người bênh vực thì cho rằng thượng tọa không phải là người của CIA hay của Hà Nội mà chỉ là một nhà tu hành tranh đấu cho Phật pháp được bảo tồn và phát triển trên đất nước Việt Nam, một đất nước bị Pháp đô hộ và mới được trao trả độc lập trong lúc ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo ngày càng lan rộng trong chính trường miền Nam.

Các tài liệu đã được phía Mỹ giải mật cho thấy Thượng tọa Trí Quang không phải là người do Hoa Kỳ dựng nên. Ông đã từng biểu lộ quan điểm chống Mỹ, nghi ngờ thực tâm chống cộng sản của người Mỹ khi muốn can dự vào Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của nguyệt báo Tình Thương, tiếng nói của sinh viên đại học y khoa, vào tháng 5/1966, Thượng tọa Trí Quang nhận định :

"Sau cuộc cách mạng 63, người Mỹ được hưởng ở Việt Nam vô số lợi lộc : gia tăng gấp bội quân số, chiếm được những căn cứ tốt như Đà Nẵng, Cam Ranh ; được thêm cả nước Thái Lan. Không chắc người Mỹ thực tâm muốn chống cộng tại Việt Nam, họ muốn duy trì Cộng sản, duy trì cuộc chiến tranh này để thủ lợi. Vì nếu thực tâm người Mỹ muốn, họ có thể làm khá hơn nhiều cục diện bây giờ bằng cách trợ giúp Việt Nam vừa chống cộng vừa xây dựng những căn bản dân chủ hơn là nâng đỡ những chính phủ tay sai. Điển hình là vụ Đà Nẵng vừa qua".

Còn cho rằng thượng tọa muốn đưa Phật giáo lên hàng quốc giáo như thời Lý - Trần, khi ông thúc đẩy có bầu cử quốc hội để toàn dân tham gia bầu chọn một chế độ đại nghị mà phần thắng sẽ là đa số đại biểu đạo Phật, Thượng tọa Trí Quang trả lời :

"Quan niệm đó không những không có lợi gì mà còn làm mất Danh Dự của Phật giáo. Tôi hoàn toàn không mong muốn như vậy. Kinh nghiệm cho thấy với những chính phủ tạm thời dù được hậu thuẫn của tôn giáo này hay tôn giáo khác chỉ cần những cuộc biểu tình vài trăm người cũng đủ sụp đổ. Như một chính phủ thành lập do hậu thuẫn của Phật giáo sẽ gặp ngay những khó khăn với các tôn giáo bạn, không làm được việc gì mà chính Phật giáo lại mang tiếng. Bởi vậy Phật giáo không bao giờ muốn tái diễn nhưng lỗi lầm của thời ông Diệm.

Tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo chỉ muốn xây dựng một cái gì thực sự cho quốc gia dân tộc trong đó không phải chỉ có những Phật tử mà là cả những thành phần Tôn giáo bạn và các tầng lớp dân chúng. Quốc hội, Chính phủ sẽ không đại diện cho một ưu thế riêng nào mà là đại diện xứng đáng của dân chúng".

Về đảo chính 01/11/1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, có phải vì những cuộc biểu tình của Phật giáo mà Hoa Kỳ đã tiến hành việc loại bỏ lãnh đạo nhà Ngô ?

Với sự kiện cấm cờ tôn giáo, phe chống chính phủ cho rằng ông Diệm kỳ thị tôn giáo. Tác giả Geoffrey D.T. Shaw ghi nhận trong tác phẩm "The Lost Mandate of Heaven" [Ignatius Press 2015] cho là không có chuyện kì thị tôn giáo vì ông Diệm có các cố vấn và nhiều tướng quân đội theo đạo Phật. Trong chính quyền có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu là Phật tử. Nội các năm 1963 có 18 bộ trưởng, trong đó 5 người theo Công giáo, 8 theo Phật giáo và 5 theo đạo Cao Đài.

Sự bất mãn với các chính sách của nhà Ngô đã có từ lâu, khi chính quyền bắt giam và đàn áp các thành viên của nhóm Caravelle sau khi nhóm ra tuyên cáo phản đối chính quyền ngày 26/4/1960.

Một nhân vận đối lập là bác sĩ Phan Quang Đán của Quốc Dân Đảng, tốt nghiệp Đại học Harvard, dù thắng cử vào quốc hội nhưng không được cho nhận chức vì cáo buộc gian lận bầu cử. Nhiều thành viên Quốc Dân Đảng bị theo dõi, trù dập phải trốn sang Campuchia như bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn.

Ngày 11/11/1960 đã có đảo chánh, nhưng thất bại và người cầm đầu là Đại tá Nhảy dù Nguyễn Chánh Thi đã phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Phát ngôn viên của phe đảo chánh là bác sĩ Phan Quang Đán bị bắt, kết án tù và đày ra Côn Đảo.

Ngày 27/2/1962 hai sĩ quan Không quân Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom xuống Dinh Độc Lập nhắm giết ông Diệm nhưng không thành và cũng chạy sang Campuchia.

Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, cũng là người Quốc Dân Đảng, bị bắt giam khiến ông tự tử trong tù vào đúng ngày kỷ niệm chấp chánh của ông Diệm, 7/7/1963.

Từ đầu năm 1961 một số nhà làm chính sách của Hoa Kỳ nhận định các chính sách chống cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm không hữu hiệu nên du kích cộng sản gia tăng hoạt động, phá hoại ở nhiều nơi. Trong khi đó còn có tin chính quyền của ông Diệm, qua ông Ngô Đình Nhu, đã liên lạc với Hà Nội để tìm cách giải quyết vấn đề thống nhất đất nước.

Để ngăn chặn cộng sản lan tràn ở Đông Á, Hoa Kỳ muốn đem quân chiến đấu vào Việt Nam mà Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đề nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm khi hai lãnh đạo gặp nhau trong Dinh Độc Lập vào tháng 5/1961.

Vấn đề chống cộng sản nhìn qua lăng kính của cuộc Chiến tranh Lạnh thì Hoa Kỳ là đối nghịch với khối cộng sản do Liên bang Xô-Viết và Trung Cộng đứng đầu. Tây Âu bị Liên Xô đe doạ, Đông Á thì bị Trung Cộng.

Ở châu Á cộng sản mở rộng hoạt động ở Malaysia, Hàn Quốc, Thailand, Philippines, Indonesia. Châu Mỹ có Cuba và Cộng hòa Dominican ngay gần Mỹ làm quan ngại cho Hoa Kỳ nên đã có vụ tấn công Vịnh Con Heo ở Cuba năm 1961.

Tháng 4/1965 lính Mỹ đổ bộ vào Cộng hòa Dominican vì lo ngại cộng sản sẽ chiếm chính quyền tại đây.

Trước đó ít hôm, ngày 8/3/1965 Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, cũng với mục đích ngăn chặn cộng sản bành trướng, mà giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa đâu đã yêu cầu, theo ghi nhận của ông Bùi Diễm trong tác phẩm "In the Jaws of History" (Trong Gọng kìm Lịch sử) [Indiana Uni. Press 1987]. Ông Diễm lúc đó là Đổng lý Văn phòng của Thủ tướng Phan Huy Quát.

Ngăn chặn cộng sản bành trướng là chính sách của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đầu được ca ngợi như một lãnh đạo sáng chói để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Nhưng ông không muốn lệ thuộc nhiều vào Mỹ, không đồng ý cho Hoa Kỳ đưa lính chiến đấu vào Việt Nam.

Ba lực lượng muốn loại bỏ ông Diệm lúc đó là Hà Nội, Washington và Phong trào Phật giáo miền Trung.

Người Mỹ chỉ muốn loại ông Nhu ra khỏi chính trường, để ông Diệm tiếp tục lãnh đạo. Tướng Edward Lansdale, một người thân và hết lòng ủng hộ ông Diệm, cuối tháng 8/1963 đã có đề nghị đưa ông Nhu đến Đại học Harvard, cho ông một chức vụ làm cảnh nào đó để giữ ông ở hải ngoại. Ý kiến đó được sự tán đồng của Averell Harriman là phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề chính trị, nhưng Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ là John Kenneth Galbraith, một kinh tế gia từ đại học này và là bạn của gia đình Kennedy thì không mặn mà với đề nghị. Theo tác giả Max Boot trong "The Road Not Taken" [W.W. Norton 2018].

Ông Diệm bị lật đổ vì không muốn người Mỹ can dự quá sâu vào nội tình chính trị miền Nam. Người em là cố vấn Ngô Đình Nhu lại tỏ ra có nhiều quyền hành, mưu lược và không thích người Mỹ, cùng với ý định muốn hai miền Nam, Bắc giải quyết vấn đề với nhau. Bà Ngô Đình Nhu đã nói rằng hai ông Diệm và Nhu đang định thương thuyết với cộng sản thì bị đảo chính.

Ông Diệm có độc tài, nhưng cũng chỉ như lãnh đạo các quốc gia khác trong vùng Đông Á thời đó. Malaysia, Indonesia, Nam Hàn, Đài Loan vào thập niên 1960 đều có những chính quyền độc tài.

Nếu mục đích của Thượng tọa Trí Quang là đòi lật đổ chính quyền độc tài để có được bình đẳng cho Phật giáo, thì sau khi ông Diệm bị giết và các chính phủ kế tiếp không còn có chính sách phân biệt tôn giáo, nhưng Phong trào Phật giáo Miền Trung vẫn tiếp tục xuống đường chống lại các chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh, của ông Trần Văn Hương, của Tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Năm 1966 khi Tướng Nguyễn Chánh Thi bị cắt chức Tư lệnh Quân đoàn I, miền Trung, với sự hậu thuẫn của Phật giáo miền Trung, các nhóm chống đối chính quyền đã chiếm đóng nhiều nơi trong ba tháng và sắp trở thành một vùng li khai tự trị. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ phải ra tay dẹp.

Trong hồi ký "Twenty Years and Twenty Days" (Hai mươi năm và hai mươi ngày) [Stein and Day 1976] ông Kỳ nhận xét :

"Trí Quang là một người cứng rắn, đưa ra những tuyên bố sẵn sàng chiến đấu".

Về phong trào tranh đấu của Phật giáo ở miền Trung, ông viết :

"Nhiều Phật tử đang muốn cắt miền Nam ra làm hai - và họ sắp đạt được mục đích, điều mà Việt Cộng đã thất bại. Vì những nhà sư không thể nắm quyền, nên các lãnh đạo Phật giáo chỉ mong là chắc chắn những con rối của họ sẽ làm những gì họ muốn".

Dẹp xong vụ nổi loạn miền Trung, tướng Kỳ bắt Thượng tọa Trí Quang đem về Sài Gòn và giao cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài săn sóc tại một trung tâm y tế ngay giữa thủ đô, không cần cho cảnh sát hay an ninh canh gác. Nhưng ông Kỳ cảnh cáo sẽ "bắn bỏ (bác sĩ Tài) cùng vợ con và gia đình" nếu thượng tọa trốn thoát hay bác sĩ để ông bị bệnh nặng.

Suốt một thập niên sau đó, Thượng tọa Trí Quang là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trường miền Nam. Nhiều chính trị gia tham vấn ông khi ra tranh cử hay đề xuất chính sách.

Cho đến những ngày sau cùng của Việt Nam Cộng hòa ông còn xuống đường đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.

Tổng thống Dương Văn Minh, vị lãnh đạo hai ngày của Việt Nam Cộng hòa, trước khi có quyết định đầu hàng cộng sản miền Bắc cũng đã xin thỉnh ý của thầy.

Chuyện gì xảy đến với Thượng tọa Trí Quang sau ngày 30/4/1975 ? Theo Tướng Nguyễn Cao Kỳ viết trong tác phẩm "Buddha's Child" (Con cầu tự ) [St. Martin's Press 2002] thì thượng tọa bị cộng sản giam tù nhiều năm và khi ông Kỳ ngồi viết tác phẩm này thì nhà sư một thời tranh đấu đã được tự do và có sức khoẻ tốt.

Trong sách "The Third Force in the Vietnam War" [IB Tauris 2017], Sophie Quinn-Judge ghi lại lời kể của Nguyễn Hữu Thái, một lãnh đạo của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn với quan điểm ủng hộ phật giáo tranh đấu và cũng là người có mặt tại đài phát thanh Sài Gòn trong khoảnh khắc Tướng Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Ông Thái nói với tác giả rằng sau 30/4/1975 ông có nhận được lời nhắn của Thượng tọa Trí Quang khuyên ông "bây giờ Cách mạng cần người mới và chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không còn cần thiết nữa. Đừng liều lĩnh quá xa".

Thượng tọa Trí Quang sau ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn im tiếng cho đến khi qua đời, cho dù Phật giáo bị cộng sản Hà Nội thẳng tay đàn áp, nhiều lãnh đạo của Giáo hội bị giam.

Điều đó tiếp tục gây tranh cãi về vai trò của ông trong những biến động chính trị tại Việt Nam.

Bùi Văn Phú

Nguồn : ©2019Buivanphu, 25/11/2019

***************************

Sự thật về Thích Trí Quang và Pháp Nạn của Phật giáo Việt Nam

Gió Bấc, RFA, 24/11/2019

Thích Trí Quang qua đời, như hòn đá ném xuống mặt nước gợn lên dư luận tranh cãi, đây là người của CIA hay là người tiếp tay cho Cộng Sản. Từ Hà Nội Tiến sĩ phật học Thái Kim Lan đã khẳng định trên BBC tiếng Việt là Thích Trí Quang "dấn thân bảo vệ đạo pháp và ngay cả sự im lặng của ngài (sau 1975) cũng là cách bảo vệ đạo pháp". Đây là sự ngụy biện rất nguy hiểm dễ làm hiểu sai về phật pháp,Phật giáo chính thống và Phật giáo xã hội chủ nghĩa cũng như vai trò của Thích Trí Quang. Vấn đề là phải làm rõ Pháp Nạn của Phật giáo Việt Nam là gì, thật sự xảy ra từ lúc nào ? Vai trò và hành xử của Trí Quang trong từng giai đoạn đó như thế nào ?

triquang2

Một tu sĩ Phật giáo che ô cho nhà sư Thích Trí Quang, người lãnh đạo nhóm năm 1967

Trong 96 năm tại thế (xin phép không dùng thuật ngữ phật giáo với ông Trí Quang vì e rằng như thế sẽ đánh đồng, xúc phạm các nhà xuất gia chân chính) Trí Quang có hai thái độ khác nhau rõ rệt, tương phản như trắng với đen là nhập thế từ nhỏ đến năm 1975 và xuất thế từ 1975 đến chết.

Pháp Nạn 1963 là sản phẩm của Trí Quang

Cả hai thái độ đó là theo Khổng giáo chứ không theo Phật giáo. Từ nhỏ, Trí Quang đã xuất gia nhưng không phải để đi tu thoát tục mà chỉ là cách, phương tiện lập thân. Sau khi xuất gia, Trí Quan thoát ly theo kháng chiến và sau đó quay lại với chùa chiền để học hành tiến thân. Trí Quang đã là lãnh tụ của phong trào Phật giáo đấu tranh chống Ngô Đình Diệm và sau đó là cuộc biến loạn miền Trung đưa bàn thờ Phật xuống đường, lôi kéo quân đội ly khai gây ra cái chết bao nhiêu người. Những việc ấy không giới luật nào cho phép và hoàn toàn trái với đạo từ bi của Đức Phật,

Điều này không phải suy đoán mà thể hiện rõ trong Tiểu sử tự ghi của ông. "Tôi đi, và Ất Mùi 2499 (1955), nhận chức vụ Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật học, vận động đổi tên Phật học ra Phật giáo, đưa Tổng hội Phật giáo Việt Nam vào đặt trụ sở ở Sài Gòn. Rồi nghỉ việc cho đến Quí Mão 2507 (1963) nhận lại chức vụ nói trên. Với chức vụ này, Phật Đản năm ấy tôi phát động, và chung sức lãnh đạo, việc chống chế độ Ngô Đình Diệm" (1).

Từ ngôn ngữ của Trí Quang, lịch sử Việt Nam đã xuất hiện khái niệm "Pháp nạn Phật giáo Việt Nam" do sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thật sự cái Pháp nạn đó là gì ? Chính Trí Quang "ra cáo trạng" như sau :

"Ông Ngô Đình Diệm muốn Thiên Chúa Giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục làm Hồng Y giáo chủ, nên ông kỳ thị đàn áp Phật giáo. Ấp chiến lược chỗ thì rào chùa vào trong để hạn chế đi lại, chỗ thì rào chùa ra ngoài để tự do bắn phá. Khu trù mật thì bắt cán bộ cơ sở của Phật giáo phá nhà bỏ của mà đi. Quân địch thì bắt Tăng sĩ Phật giáo làm những chức vụ nguy hiểm mà vô quyền, để tu sĩ Thiên Chúa ra mà nắm quyền chỉ huy ngay từ hạ tầng. Giải thưởng văn chương thì thưởng cho cuốn văn chương bình dân nội dung cốt chống Phật giáo. Chương trình tú tài C thì đổi toàn lý thuyết thượng đế và nhân vị, lại thêm một bằng ban D với cổ ngữ La Tinh. Sát hại Phật tử thì có tập thể lên đến 36 người ở một nơi cùng một lúc, không cò lẻ tẻ nữa. Cả gan huy bỏ ngày Phật Đản trong danh sách ngày lễ được nghỉ của công tư chức, và danh sách này bao giờ Thiên Chúa Giáo cũng gấp đôi Phật giáo cả ngày và giờ nghỉ. Dụ số 10 được thêm dụ bổ túc, tăng cường sự hạ giá và kềm chế đối với Phật giáo…" (1).

Những cáo buộc của Trí Quang phần lớn là quy chụp và mơ hồ. Ông Diệm là giáo dân, ông Ngô Đình Thục là giám mục Công giáo sự ưu đãi với Công giáo trong thời này là có thực nhưng có đến mức bức hại Phật giáo hay không thì cần xem xét.

Về sự ưu tiên sử dụng sĩ quan công giáo theo lập luận của Trí Quang là không có chứng cứ, đa số tướng lĩnh thời ông Diệm từ Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí,… đều là phật tử. Trong chính phủ từ Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu, Bộ trưởng Nội Vụ Trần Thiện Thành, Lâm Lễ Trinh, Giám Đốc An ninh Quân đội Đỗ Mậu và cả chánh văn phòng lẫn võ phòng Tổng thống… cũng đều là phật tử.

Chùa tăng hơn 2000, trường rộng khắp : Có phải là Pháp Nạn

Việc hủy bỏ ngày Phật Đản là ngày lễ với công chức thì thử hỏi từ sau năm 1975 đến nay có năm nào công chức được nghĩ lễ ngày Phật Đản không ? Về việc ông Diệm duy trì Dụ số 10 có từ thời vua Bảo Đại xem Phật giáo như các đoàn thể khác trong quản lý về tài sản đất đai nhưng số lượng chùa chiền thời Pháp thuộc là 2.200 ngôi tăng lên đến 4.700 ngôi thời Ngô Đình Diệm (theo Đoàn Thêm và cư sĩ Mai Thọ Truyền). Theo Đỗ Mậu, thời kỳ này hàng trăm trường trung tiểu học Bồ Đề của Phật giáo cũng được thành lập khắp miền Nam đáp ứng cho gần 20% số học sinh.

Hệ thống Phật giáo hoạt động tự do độc lập hoàn toàn vơi chính quyền không trực thuộc một tổ chức đoàn thể nào. Chính quyền cũng không can thiệp vào việc phong phẩm tước, bổ nhiệm trụ trì các chùa chiền. Ngay cao điểm xung đột Phật giáo lập ra tổ chức Ủy ban Liên phái thì chính quyền cũng tổ chức Ủy ban Liên bộ do Phó Thủ tướng Nguyễn Ngóc Thơ, Bộ trưởng Vũ Văn Mẫu cùng hội nghị bình đẳng với nhau để đưa ra một tuyên bố chung gữa hai bên. Chính quyền ngồi đàm phán ngang bằng với để ra thông báo chung là điều hiếm thấy trong lịch sử.

Việc chính quyền Thừa Thiên - Huế cấm treo cờ ngoài đường trong ngày Phật Đản có thể là sự thiếu tôn trọng với nghi lễ của người dân nhưng vẫn chưa phải là sự xâm phạm đến Phật pháp vì chân lý tối cao của Phật là cái không trống rỗng, ngay thân xác của người cũng là không thì lá cờ có nghĩa gì ? Và cũng đặt thêm câu hỏi là từ sau 1975 đến nay, có khi nào cờ Phật giáo được treo ngoài đường trừ những đại lễ Vesak Phật giáo để tuyên truyền chính trị và quảng bá cho các khu du lịch tâm linh nghìn tỉ của các đại gia ?

Vụ nổ làm chết 8 người trước Đài phát thanh Huế năm 1963 đến nay vẫn chưa xác định được kẻ thủ ác nhưng vụ biểu tình trước Đài phát thanh để đòi phát băng thuyết giảng của Thích Trí Quang dẫn đến xô xát và vụ nổ này thì đích thị là do Trí Quang chủ xướng. Từ sau 1975 đến nay có khi nào công chúng được nghe đài phát thanh phát lời thuyết giảng của chư tăng ?

Những biến cố tiếp theo đó là những kịch bản tấn công chính quyền tăng dần phù hợp với chiến thuật ba mủi giáp công "chính trị, binh vận, và quân sự" của cộng sản ở Miền Nam mà đỉnh cao là việc phát động phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường trong cuộc biến động miền Trung do Trí Quang cầm trịch.

Nhìn lại một cách công bằng, trong thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, có mức độ không công bằng nào đó giữa Phật giáo và Công giáo nhưng chưa có hành vi can thiệp vào hệ thống Phật giáo để gọi là Bức Hại - Pháp Nạn. Những thuật ngữ này được tạo dựng và tuyên truyền thổi phồng lên như một phiên bản của khái niệm Mỹ Ngụy đang áp bức bóc lột nhân dân Miền Nam, phải đứng lên giải phóng. Chính Trí Quang đã kích động, gây ra xung đột và trở thành thủ lĩnh Phật giáo Đấu tranh, một quyền lực đối trọng với chính quy.

Quyền lực và vị thế của Trí Quang vẫn còn nguyên vẹn ngay trước ngày 30/4. Chính trong hồi ký của mình, Trí Quang tự hào việc có người vận động ông ủng hộ cho Dương Văn Minh làm Tổng thống và ông đã đồng ý.

Chiếm trường, cô nhi viên… giam sư : có phải là Pháp Nạn ?

Phá chùa, đập tượng, chiếm trường : có phải là Pháp Nạn ?

Một thực tế kinh hoàng là sau 1975, Phật giáo Việt Nam rơi vào cơn đại nạn. Trường Đại học Vạn Hạnh (thuộc phe Ấn Quang của chính Trí Quang và Đại học Phương Nam (thuộc phe Việt Nam Quốc Tự của Thượng tọa Thích Tâm Châu) và toàn bộ hệ thống các trường Phật học, trường Bồ Đề trên cả miền Nam bị đóng cửa, cơ sở vật chất bị tịch thu.

"Ngay sau tháng 4/1975, chính quyền tổ chức các chiến dịch đàn áp và khủng bố tinh thần. Tượng Phật nhiều nơi bị đập phá. Các cơ sở từ thiện Phật giáo, chẳng hạn Cô nhi viện Quách Thị Trang (Sài Gòn) và nhiều phòng phát thuốc miễn phí tại nhiều địa phương, bị tịch thu. Các nhà ấn loát thuộc quản lý Phật giáo bị đóng cửa. Viện Đại học Vạn Hạnh bị dẹp. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị ngưng hoạt động. Ủy ban Tái thiết và Phát triển Phật giáo bị giải tán, ngân quỹ bị tịch thu. Tu sĩ bị ép lên khu "kinh tế mới". Thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn ký một quyết định yêu cầu nam tu sĩ (18-25 tuổi) phải đi "nghĩa vụ quân sự" (Quyết định số 310/TTG ngày 22/7/1976). Nhiều chùa được yêu cầu treo hình ông Hồ Chí Minh. Trong một số trường hợp, tu sĩ bị triệt luôn đường sống. "Thí dụ tại Long Thành một số tăng sĩ năm 1975 đã trồng tiêu và họ đã bán mùa tiêu trong năm đó được 2 triệu đồng. Chính phủ đánh thuế 1 triệu 9 trăm ngàn đồng. Một số các tu sĩ khác làm mía năm 1976. Họ bán vụ mía được 300.000 đồng, và bị đánh thuế là 300.000 đồng" – theo "Lời kêu gọi bảo vệ nhân quyền" của Viện Hóa đạo, ngày 9/6/1977 (Nguồn : "Phật giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu : Hai Mươi Năm Trong Chế Ðộ Cộng Sản, 1975-1995", Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Hoa Kỳ, 1996).

Những vụ tự thiêu trước 1975 đươc Trí Quang phát động và báo chí loan truyền ầm ỉ nhưng sau 1975 những cuộc tự thiêu, thảm sát kinh hoàng lại chìm trong im lặng.

"Ngày 2/11/1975 (ngày 29 tháng 9 Ất Mão), 12 vị tăng ni, với người đứng đầu là thầy trụ trì-Đại đức Thích Huệ Hiền, thuộc Thiền viện Dược Sư (ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ) đã thực hiện một cuộc tự thiêu tập thể ! Trong Bản tuyên bố, 12 vị tăng ni nêu : "Chúng tôi sắp sửa thể hiện việc thiêu thân để bảo toàn chánh pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới Tăng sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức, những người với lòng lang dạ thú"…

Năm 1977, hàng loạt nhân vật nòng cốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bị bắt : Hòa thượng Thích Huyền Quang – Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo ; Hòa thượng Thích Quảng Độ – Tổng thư ký Viện Hóa Đạo ; Hòa thượng Thích Thuyền Ấn – Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp ; Thượng tọa Thích Thông Bửu – Quyền Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ ; Thượng tọa Thích Thông Huệ – Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Quận Gò Vấp kiêm Trưởng ban kinh tế tự túc tăng ni ; và Thượng tọa Thích Thanh Thế, Trưởng ban thanh tra Ban kinh tế tự túc tăng ni.

Riêng Hòa thượng Thích Thiện Minh (cố vấn Hội đồng Viện Hóa Đạo) – một gương mặt rất "cứng đầu", sau khi yêu cầu các chùa không được "chứa chấp" khiến ông lang thang hết nơi này đến nơi khác, ngày 13/4/1978, nhà cầm quyền bắt ông. Ban đầu ông bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) rồi sau đó được đưa qua Chí Hòa. Tại đây, ông bị tra tấn cho đến chết chỉ vài tháng sau. Thi thể ông được bí mật đưa đến trại cải tạo Hàm Tân (2).

Biến Đạo giải thoát thành công cụ độc tài : có phải là Pháp Nạn ?

Sau những cuộc đàn áp bạo lực là chuổi thủ đoạn vận động, chia chác, cưỡng ép, mua chuộc để ra đời một Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh năm 1981. Với giáo hội này, các chức sắc, giáo phẩm và hệ thống tổ chức đều đươc đảng xét duyệt chuẩn y. Trong đó, điều 7 của Hiến chương của giáo hội quốc doanh ghi nhận : "Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" (3).

Điều đó, tệ hơn dụ số 10 của Bảo Đại nhiều lần, Phật giáo không còn là tổ chức độc lập mà chỉ là thành viên của Mặt trận, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản. Con đường Trung Đạo theo triết lý của Phật giáo hoàn toàn bị triệt tiêu từ tư tưởng đến tổ chức. Tiếp theo đó, các quy đinh của luật pháp ràng buộc tổ chức Phật giáo về mặt nhà nước trực thuộc Ban Tôn giáo chính phủ từ trung ương đến địa phương.

Theo hồi ký của Đỗ Trung Hiếu, nguyên là phật tử theo cộng sản và được phân công làm "kiến trúc sư" cho cuộc vận động này thì phương án đầu tiên do Trần Xuân Bách chủ xướng là sẽ áp dụng ở Miền Nam theo mô hình ở Miền Bắc trước 1975, tức là dẹp hết hệ thống chùa chiền cấp cơ sở chỉ để lại vài cán bộ làm sư cấp tỉnh và trung ương. Giữ đươc mô hình Phật giáo Quốc doanh 1981 là do Đỗ Trung Hiếu thuyết phục được Trần Quốc Hoàng nguyên Bộ trưởng Nội Vụ bị thất sủng chuyển sang làm Trưởng ban Dân vận. Điều mà Trần Quốc Hoàng và Nguyễn Văn Linh tâm đắc để giữ lại hình hài Phật giáo vì đây là công cụ, phương tiện nắm quần chúng tốt nhất.

Đạo giải thoát bị biến thành công cụ nắm người

Từ một giao lý, đạo pháp nhằm giải thoát con người qua sự tỉnh thức giác ngộ luật vô thường, vun đắp tâm từ bi, Giáo hội Phật giáo Quốc qoanh biến mình thành nô lệ thành công cụ của chính quyền chuyên chế độc tài thì có còn Pháp Nạn nào lớn hơn cần phải giải cứu, còn có sự suy đồi nào lớn hơn cần phải Chấn Hưng.

Tệ hại hơn nữa là gần đây hình thành một xu thế mới, sự câu kết giữa chính quyền, những cán bộ được phân công làm sư và các đại gia địa ốc, những phù thủy lưu manh, đã nở rộ lên phong trào xây chùa to, phật lớn diện tích hàng chục hàng trăm, hàng ngàn ha để kinh doanh tâm linh, áp vong, bán phước, cho thuê nơi đặt hài cốt, linh vị… Những ngôi chùa ấy đã bào mòn tài nguyên thiên nhiên môi trường, bòn rút ngân sách quốc gia lẫn tiền bạc của người mê tín để làm giàu cho những kẻ giả danh. Những cái tên Trúc Lâm, Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc… sẽ lưu danh vào lịch sử như một tội ác của phật giáo quốc doanh.

Song song với bành trướng những công trình tâm linh, chính quyền cộng sản lại thằng tay giải tỏa, dùng xe ủi, xe xúc san bằng chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, chùa An Cư ở Đà Nẵng mặc cho cộng đồng tôn giáo trong ngoài nước lên tiếng kêu gọi, can ngăn. Hành vi phá sập, cào bằng chùa chiền này chỉ có thể so sánh với tập đoàn tội ác Pol Pot, khác chăng là Pol Pot đóng cửa tự làm trong phạm vi quốc gia còn cộng sản Việt Nam làm công khai trước dư luận quốc tế.

Phật giáo bị bức tử : Trí Quang viết sách kể công xưa

Tiến sĩ Thái Kim Lan cho rằng "Tôi nghĩ Hòa thượng Thích Trí Quang trong hoạt động về mặt xã hội cũng như văn hóa đối với xã hội, đối với lịch sử, đối với Phật tử chúng tôi, ngài Thích Trí Quang là vị đã cứu độ Phật giáo, cứu độ người Phật tử, ông luôn luôn bảo vệ đời sống của người Phật tử bằng sự dấn thân của ông" (4). Theo đúng kiểu nói vo của quan chức cộng sản, bà Thái Kim Lan không chứng minh đươc Trí Quang đã cứu cho Phật giáo cái gì, cứu ai mà thực tế, sự kích động của Trí Quang trước 1975 là tác nhân ít nhiều dẫn đến cái chết của 8 người trong đêm Phật Đản tang tóc ở Huế và cái chết của Thích Quảng Đức cùng nhiều nhà sư khác.

Sau 1975, trước một chuổi Pháp Nạn đau thương cho đồng đạo, môn đệ, phật tử và cả chúng sanh, bao nhiêu nhà sư đã bị bắt, bị giết trong các nhà tù, bao nhiêu phật tử đã bỏ mình trên đường vượt biển, tại sao Trí Quang không ra tay cứu độ hay ít nhất cũng một lần lên tiếng. Thượng Tọa Thiện Minh, hòa thượng Không Tánh không xa lạ với Trí Quang nhưng khi thầy Thiện Minh bị bắt, bị giết Trí Quang vẫn điềm nhiên an trú trpong chùa Ấn Quang. Chùa Liên Trì, An Cư bị san bằng thì Trí Quang vẫn ung dung dịch kinh sách ở chùa Từ Đàm vừa mới trùng tu trăm ngang ngàn dọc cột gỗ quý bóng ngời,

Thái Kim Lan cho rằng Trí Quang đã "Theo Phật đến từng lời một, không đi sai, không đi ra ngoài, luôn luôn bảo vệ Chánh pháp, ngay cả sự im lặng của ngài cũng chính là một cách bảo vệ Chánh pháp !" (4). Thái Kim Lan nguy biện cho rằng Trí Quang sống khổ hạnh, không có chùa riêng, không có tăng đoàn riêng… Thô bỉ hơn còn đem so sánh Trí Quang với Ganhdi. Đó là sự báng bổ và dối trá. Sau 1975, Trí Quang sống ở chùa Ấn Quang, sau đó về chùa Từ Đàm những "thủ phủ" của Phật giáo Quốc doanh to rộng xênh xang không kém Đại Nội ngày xưa. Trụ trì các chùa ấy liệu quyền lực có lớn hơn Trí Quang không, tăng chúng trong chùa ấy dám mạo phạm trái ý Trí Quang không ?

Trí Quang không im lặng

Trí Quang không nói nhưng viết sách. Trong khi, không thiếu những phật tử, những người từng bị Trí Quang hay ai đó kích động lừa mị theo ảo tưởng đã tỉnh ngộ đã phản tỉnh, sám hối đã lên tiếng phản biện với chính quyền như Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm… Trí Quang viết hồi ký và được chính quyền cộng sản cho in công khai. Hồi ký của Trí Quang một lần lữa kể công kích động phật tử và dư luận xã hội chống lại, làm suy yếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong chế độ cộng sản, việc in, xuất bản Hồi ký của các nhân vật lịch sử được cân đo đong đếm tới từng hạt bụi. Trần Văn Giàu cựu Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà giáo Nhân dân… đủ loại danh hiệu đã chết từ nhiều năm qua nhưng Hồi ký Một đoạn đời của ông chỉ mới đươc đăng ở trang web viet-studies, Diễn đàn…. Hồ Ngóc Nhuận, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh về mặt chức vụ cao hơn Trí Quang nhiều nhưng bản thảo hồi ký Đời của ông ta chỉ lần quẩn từ bàn cán bộ biên tập đến giỏ rác mà có lẽ mãi mãi không được in.

Ấy vậy mà Hồi ký Trí Quang Tự Truyện đươc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành từ năm 2911 và đươc các báo, website trong nước trích đăng, giới thiệu. Điều ấy chứng tỏ tính đảng trong hồi ký Trí Quang cao hơn tính đảng trong hồi ký Trần Văn Giàu hay nói cách khác, đảng tin Trí Quang hơn cựu Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Quảng Độ dịch kinh trong tù, Trí Quang trong phòng lạnh

Cũng tương tự, Trí Quang dịch 18 bản kinh Đại Thừa, 5 bản trong Luật tạng và 5 bản Luận tạng, cùng nhiều sách khác trong phòng máy lạnh là chính đạo nên đươc Nhà xuất bản Tôn giáo in và các trang web tha hồ trích dịch tự do như các văn kiện của Đảng. Ngược lại, thầy Quảng Độ dịch Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) cực kỳ công phu và mãi giữ trong ngăn kéo. Dù là Từ Điển nhưng chắc là không bao giờ được in.

Chiến tranh và bất bạo động trong nhà giam là tà đạo ư ? Việc ngoan ngoãn dịch kinh sách của Trí Quang cũng chính là tấm bình phong tốt, là điển hình tốt cho bộ máy tuyên truyền của Phật giáo quốc doanh lừa mị phật tử, nhân sinh nói chung với ý là : Thầy Trí Quang vẫn ngồi đây. Đây là chính đạo.

Không phải là công an và không cần truy lý lịch Trí Quang thuôc phe nào nhưng có thể thấy từ thực tế, tất cả hành động, thái độ của Trí Quang từ trước và sau 1975 đều có lợi cho chính quyền cộng sản. Ngược lại, chính quyền cộng sản cũng đã dành cho Trí Quang không ít ưu quyền công khai mà ai cũng thấy.

Đây là sự thật không thể lầm lẫn về việc nhập thế, xuất thế của Trí Quang.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 24/11/2019 (Gió Bấc's blog)

1. https://thuvienhoasen.org/p60a14734/1/tieu-truyen-tu-ghi-hoa-thuong-thic...

2. https://www.voatiengviet.com/a/hoa-sen-lam-bun-do-phat-giao/4918468.html

3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50409941

4. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/09/130909_vn_phatgiao_hai_gi...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú, Gió Bấc
Read 969 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)