Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở ngành thực hiện cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực" với tiêu chí "Năm Không" gồm : Không cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà ; Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm ; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm ; Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối ; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Một lao công quét đường trước Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội hôm 27/2/2019. Reuters
Mục tiêu của cuộc vận động này được cho biết nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thành với tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức công vụ, lối sống lành mạnh.
Liệu tiêu chí "Năm Không" này được cán bộ, công chức Nhà nước lãnh hội như thế nào ?
Nhà báo, Nhà quan sát thời cuộc Nguyễn Ngọc Già nhận định cuộc vận động này sẽ không thành công bởi hai lý do :
"Thứ nhất là hàng chục năm qua, người công chức trong công sở họ chỉ có ý thức làm việc phục vụ đảng và Nhà nước chứ không phải phục vụ dân. Họ cầm đồng lương mỗi tháng, trong suy nghĩ của họ, đó là tiền của đảng và Nhà nước chứ không phải tiền của dân.
Thứ hai, đức trị không còn giá trị sử dụng trong quản lý quốc gia trên mọi lãnh vực với thời điểm hiện nay. Nó đã lạc hậu vì hiện nay tất cả các quốc gia người ta chỉ dùng pháp trị thôi.
Chỉ có nền pháp trị căn cứ vào thượng tôn pháp luật thì mới giải quyết được vấn đề".
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, 5 tiêu chí đó không mới. Phàm đã là công bộc của dân, là công chức của Nhà nước thì đương nhiên không được vi phạm. Bây giờ phải nhắc lại, phải yêu cầu cán bộ xem lại và chấn chỉnh chứng tỏ đây là một vấn đề nổi cộm trong dàn cán bộ Nhà nước.
Trước khi Hà Nội mở cuộc vận động nhằm thay đổi cách ứng xử, hành xử cũng như đạo đức các công bộc của dân, vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư - Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị về việc chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có việc chuẩn bị và tổ chức công tác cán bộ nhằm đảm bảo sự thành công của đại hội. Ông Trọng nêu yêu cầu không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền, làm việc kém hiệu quả…
Ông Lê Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định về việc này :
"Bây giờ chủ trương của nhà nước là sẽ rà soát lại các đối tượng, mà trước đây do lý do nào đó đã tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn, hay có tiêu cực chạy chức chạy quyền, thân quen. Trên cơ sở xác minh chứng cứ, nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chứ không để tình trạng tồn tại, để cho dư luận phản ứng. Về vấn đề này, lâu nay ở Việt Nam cũng đã chấn chỉnh và xử lý rất nhiều trường hợp."
Thời gian qua rất nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật do vi phạm vào tiêu chí "Năm Không" với những tội danh rõ rệt, còn những người làm việc hành chánh, tiếp xúc với dân nhưng có thái độ cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, quan liêu, vô cảm…thì diễn ra hàng ngày nhưng dường như chưa thấy ai bị kỷ luật được báo chí công khai đăng tải.
Thói cậy quyền của quan chức cũng như những mối quan hệ "con ông cháu cha" ở khắp các lãnh vực trong xã hội là điều được người dân nói đến từ bao nhiêu năm qua.
Làm sao thay đổi ?
Ngoài cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực", hôm 14 tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số : 733/QĐ-TTg về việc Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025.
Mục đích của quyết định này được cho biết nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động ; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính ; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng bây giờ đã quá muộn để chấn chỉnh, để thay đổi đạo đức cán bộ mà chỉ là mị dân. Ông giải thích :
"Tôi nghĩ cái mị dân là hẳn hòi rồi nhưng không mị được nữa đâu. Người dân không tin vào cái gọi là "năm không" về đạo đức bởi một thực tế là phong trào ‘Học và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trải qua rất nhiều năm đã phá sản rồi.
Do đó những cái này chỉ mang tính níu kéo chứ không phải là cội rễ của vấn đề. Tôi cam đoan sẽ thất bại !"
Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng dưới con mắt kinh tế, chủ trương chấn chỉnh đạo đức cán bộ sẽ không thành công, một phần vì nó xuất phát từ nền kinh tế phi thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi. Ông giải thích rằng nền kinh tế này sản xuất cái họ muốn chứ không phải cái người dân cần. Họ bán cái mà họ có, họ phục vụ cái mà họ có chứ không phải phục vụ theo yêu cầu của người dân.
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nhận định tất cả là do thể chế. Thể chế tạo ra những con người như vậy. Đó là cái gốc của vấn đề. Ông nói :
"Những vấn đề này không hẳn do cán bộ, mà do thể chế. Từ thể chế đó đưa vào hàng ngũ công bộc là những người không xứng đáng. Bây giờ mà sửa thì chỉ có tính cách rêu rao, tuyên truyền vì cái gốc vẫn chưa sửa được, vẫn là những con người ấy. Cho nên nếu sửa phải sửa từ gốc.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội trước đây từng nói đó là lỗi hệ thống. Từ đó chúng ta thấy là lỗi từ thể chế, đó là nền tảng và phải sửa từ đó."
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 03/12/2019