Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2019

Hủy án Hồ Duy Hải : nổi sóng cung đình tiền đại hội ?

Gió Bấc

Oan án Hồ Duy Hải kéo dài đã 12 năm. Người thân, giới luật sư, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế kêu oan, đặc biệt hai chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có văn bản đề nghị xem xét lại hồ sơ. Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát vụ án ghi nhận nhiều vi phạm tố tụng nhưng Chánh án Tòa tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thời điểm ấy đều không chấp nhận kiến nghị giám đốc thẩm. Hẳn phải có một áp lực rất lớn che lấp sự thật trong vụ án này đến mức quyền lực của lãnh đạo tối cao của đất nước cũng không soi sáng được.

oan1

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa - Courtesy Photo

Không loại trừ cạnh tranh chính trị

Gần đây, khi tổ chức Ân xá Na Uy lên tiếng kêu oan, qua bài viết "Hồ Duy Hải : cơ hội cuối cùng của Nguyễn Phú Trọng" chúng tôi chỉ dám đặt hy vọng người đốt lò có chút lòng nhân ra quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải mà không đụng chạm đến quyền lợi một ai, nhưng thật bất ngờ, sự việc lại đột biến chuyển sang tình huống mới rất sáng sủa và tích cực cho nền tố tụng Việt Nam.

Ngày 30/11/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, thu hồi quyết định không kháng nghị trước đó, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Nội dung ngôn từ của quyết định này rất mạnh mẽ chỉ ra hàng loạt sai phạm của các cơ quan tố tụng.

Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, giải thích ý nghĩa quan trọng của kháng nghị này :

"Quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi. Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải".

oan2

Hồ Duy Hải tại một phiên xử Ảnh chụp màn hình

Trả lời về nguyên nhân của bước chuyển biến đột phá này, Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng "việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui" (1).

Liệu suy đoán về sự cạnh tranh chính trị trong Kiến nghị giám đốc thẩm này có đi xa quá không khi đây chỉ là một vụ án hình sự với can phạm chỉ là một thanh niên mới ra trường ? Ai cạnh tranh với ai, ai được lợi và ai bất lợi nếu sự thật vụ án này được lôi ra ánh sáng công lý ?

Vi phạm tố tụng đến mức phạm pháp

Như đã dẫn ở phần trên, tuy chỉ là vụ án hình sự nhưng do sự oan trái quá lộ liễu, quá nghiệt ngã với số phận một thanh niên vừa tốt nghiệp ra trường phải mang án tử hình. Nó thu hút sự chú ý của nhiều người từ Chủ tịch nước đến người dân và từ trong nước đến dư luận quốc tế nên chắc hẳn khi sự thật được làm rõ, chắc chắn những người làm ra, bao che cho oan án phải chịu một trách nhiệm nào đó tương xứng với vi phạm của mình. Theo luật pháp, sai phạm ấy đã thành hành vi phạm tội, người vi phạm dù ở vị trí quan trọng đến mức nào cũng có thể bị xem là tội phạm.

Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng : "Đúng từ mà nói, thì đó là sự "vi phạm" và "sai phạm" một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói "thiếu sót" là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự" (1).

Theo ý kiến của luật sư Hồng Phong thì có rất nhiều quan chức trong ngành tố tụng các cấp phải chịu trách nhiệm về sai phạm trong đó có ít nhất hai vị Ủy viên trung ương đảng đứng đầu hai ngành tố tụng.

Phó Thủ tướng đương nhiệm đầu têu sai phạm

Người chịu trách nhiệm cao nhất và cũng là người tích cực nhất thoái thác các đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, ân xá cho Hồ Duy Hải chính là Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nội chính Trương Hòa Bình hiện nay. Toàn bộ diễn biến vụ án và tiến trình xét xử diễn ra trong thời kỳ Trương Hòa Bình là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

oan3

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2017 AFP

Cá nhân Trương Hòa Bình trực tiếp có nhiều hành vi mang tính quyết định về pháp lý trong vụ án như sau :

Ngày 24/5/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải (2).

Sáng ngày 13/03/2015, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa 13, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình cho rằng không có căn cứ kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Ông còn cho biết Hồ Duy Hải từng có đơn xin được thi hành án tử hình sớm (3).

Ngày 20/03/2015, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam khóa 13, Phó trưởng Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13, đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Bà là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án và cho rằng có đủ bốn căn cứ để kháng nghị, đó là :

1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ ;

2) kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án ;

3) có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử ;

4) có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự

Sau đó, ngày10/04/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời vụ này chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình. Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu, liên ngành đã xem xét lại và xác định chưa thấy căn cứ để kháng nghị. "Chúng tôi sẽ họp lại một lần nữa để có kết luận cuối cùng. Nếu không có căn cứ kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn thì tới đây giải quyết thế nào ? Theo quy định của pháp luật đến đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác" (3).

Tiến sĩ luật Trương Hòa Bình không thể không nhận ra những vi phạm tố tụng, những oan sai trong vụ án mà giới luật sư và ngay cả Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã vạch ra nhưng ông Chánh án tối cao vẫn đẩy Hồ Duy Hải vào cái chết.

Viện trưởng đương nhiệm sửa sai tiền nhiệm

"Đồng phạm" với Trương Hòa Bình là nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đương nhiệm là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ngày 24/10/2011, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới (2).

oan4

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hoàn

Từ hai quyết định của hai Bình, ngày 17/05/2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Trước những kiến nghị kêu oan của gia đình, luật sư và Ủy ban Tư pháp, lẽ ra với thẩm quyền và trách nhiệm giám sát kiểm tra các hoạt động tư pháp, Nguyễn Hòa Bình phải chỉ đạo xem xét, ra kháng nghị bản án vi phạm pháp luật này nhưng ông ta hoàn toàn im lặng.

Ngày 6/7/2017, Viện trưởng Nguyễn Minh Trí kế nhiệm Nguyễn Hòa Bình có Thông báo số 151/TB-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra (Cục 1) thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, báo cáo những điểm mâu thuẫn trong vụ án Hồ Duy Hải. (4)

Kháng nghị giám đốc thẩm mới đây của Viện trưởng Nguyễn Minh Trí có lẽ là kết quả của cuộc kiểm tra này. Đây là quyết định dũng cảm hiếm có mạnh mẽ vạch ra những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Hồ Duy Hải và nhất là chạm đến một ủy viên trung ương đồng cấp Nguyễn Hòa Bình và Bí thư trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trưc phụ trách nội chính, tức là cấp trên trực tiếp. Liệu một mình ông Trí có đủ lực để bật lại áp lưc vô hình nào đó

Trong thời điểm cuộc đua vào nhà đỏ Đại hội 13 đang đi vào nước rút, các yếu nhân luôn cẩn trọng đến từng hơi thở, chắc hẳn Viện trưởng Nguyễn Minh Trí không đến nỗi khinh xuất ra tay khi chưa chắc thắng, chưa có điểm tựa nào khả dĩ mạnh hơn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đang là nhân vật có nhiều ưu thế để chen vào tứ trụ.

Trong cuộc đua, người dẫn đầu chẳng ai thích hơi thở từ sau gáy ? Cụ Tổng cần thêm củi lớn vào lò…. ?

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 06/12/2019

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50655276

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/ky-an-tu-tu-ho-duy-hai-vi-sao-vien-ksnd-toi-cao-khang-nghi-dieu-tra-lai-1154523.html

(3) https://plo.vn/thoi-su/quoc-hoi-yeu-cau-khong-de-xay-ra-oan-sai-545268.html

(4) https://tuoitre.vn/chua-co-can-cu-khang-nghi-vu-ho-duy-hai-719948.htm

(5) https://dantri.com.vn/phap-luat/vien-ksnd-toi-cao-yeu-cau-lam-ro-vu-ho-duy-hai-20170706121440021.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)