Một trong những cải đổi hành chính sau năm 1975 của nhà cầm quyền cộng sản là việc thay thế tên đường phố, trường học, công viên... tại Sài Gòn. Con đường trang trọng ngay trung tâm Sài Gòn mang tên vua Gia Long trở thành Lý Tự Trọng và ngôi trường nữ trung học Gia Long gắn bó với nhiều thế hệ nữ sinh Sài Gòn trở thành Nguyễn Thị Minh Khai. Những cái tên đầy xa lạ với người dân Sài Gòn như vậy lần lượt thay thế nhiều con đường chính của Sài Gòn, đặc biệt với những con đường mang tên các vị vua, danh tướng triều Nguyễn. Có thể hiểu điều này dựa trên quan điểm và nhìn nhận lịch sử Bắc-Nam khác biệt nhưng việc đổi tên đường này còn lắm định kiến để nhắc đến.
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do - một công dân Sài Gòn bị tuyên án trước khi bị hành quyết sau 1975
Như ngay cả đại lộ Thống Nhất, một cái tên khá trung dung, một trong những đại lộ lâu đời nhất Sài Gòn, nối liền giữa dinh Độc Lập đến Thảo Cầm Viên và tập trung nhiều cơ quan ngoại giao, chính phủ trước 75 cũng bị đổi thành đường 30 tháng 4 rồi Lê Duẩn về sau. Hay một địa danh lịch sử như (trường) Chi Lăng, một sử địa hào hùng của cha ông trong suốt lịch sử chống giặc phương Bắc, cũng bị đổi tên thành trường Hà Huy Tập.
Người dân Sài Gòn từng có câu vè đầy ngụ ý và thâm trầm rằng, "Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do" cho việc các con đường Công Lý, Tự Do bị đổi tên. Việc đặt tên đường bị chính trị hóa và ghi vào trong nghị định chính phủ, nhưng xem ra việc chọn tên đường vẫn còn nhiều tùy nghi, thiếu hệ thống hóa và mang định kiến muốn xóa bỏ những gì thuộc về một Sài Gòn xưa, cho dù tự do và công lý không phải là những giá trị xã hội cần được tôn vinh hay sao ?
Như chuyện sau gần nửa thế kỷ, việc đặt tên đường lại tiếp tục trở thành câu chuyện bàn cãi thời sự của xã hội khi Đà Nẵng ngưng kế hoạch đặt tên đường theo tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes, những người có công trong việc phát triển và hệ thống hóa chữ Quốc Ngữ sau khi có các phản bác. Chừng nào còn có những tranh cãi bởi một số nhìn nhận hẹp hòi, định kiến với lịch sử, tôn giáo hóa vấn đề thì khả năng các tên đường này xuất hiện tại Đà Nẵng sẽ còn khó xảy ra. Nên tạm gác qua câu chuyện mang quan điểm tôn giáo và chính trị này để xem nước Mỹ đặt tên đường phố như thế nào, có gì đáng học hỏi hay ghi nhận ?
Cách đặt tên đường phố tại Mỹ khá đơn giản và tiện dụng, khi hầu hết các tên đường được đánh số và tên cây trái, hoa quả, chim muông và phần ít hơn mang tên riêng. Chúng chỉ dành cho các vị tổng thống Hiệp Chủng Quốc hay vài nhân vật lịch sử đặc biệt ngay thành phố, khu vực họ sinh ra hay từng gắn bó trong cuộc đời. Thông thường những nhà quy hoạch và phát triển đô thị hay khu vực gia cư mới tự chọn và đề nghị tên đường, sau đó trình lên các chính quyền địa phương cấp thấp quyết định, nhằm tránh tạo ra những lẫn lộn, thiếu khoa học trong cách đặt tên đường.
Đường Diego D'Ambrosio đặt theo tên ông thợ hớt tóc chủ tiệm hớt tóc ngay góc ngã tư, hiện đang còn sống và đã hớt tóc cho 50 lãnh đạo thế giới, và dĩ nhiên có cả tổng thống Mỹ, như Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton.
Theo Liên đoàn quốc gia các thành phố (National League of Cities) thì những tên đường phổ biến nhất nước Mỹ được bắt gặp ở hầu hết các thành phố là First ngay trung tâm rồi sang Second, Third Street... Trong đó Second (hay 2nd) đứng đầu vì đường First (hay 1st) và Main Street hay Broadway đã chia nhau cái tên đường chính. Tên riêng thì là những vĩ nhân như Washington, Lincoln, Jefferson..., những vị tổng thống lập quốc của Hoa Kỳ. Dù ít hơn, các thành phố đó đây cũng có thể chấp thuận tên các phi hành gia, khoa học gia, các chính trị gia địa phương... đã có những đóng góp không chối cãi nhằm tôn vinh niềm hãnh diện địa phương.
Các tên đường hay khu thương mại cũng có thể liên quan đến kỹ nghệ chính yếu, các thắng tích của khu vực hay dùng chính tên của các tập đoàn, khách sạn, đội thể thao... để đặt tên cho những con đường có các cụm kiến trúc tọa lạc. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là như tại Las Vegas khi nhiều tên đường đặt theo vị trí các cụm khách sạn. Việc thay đổi tên đường rất hiếm xảy ra và thường ít khi được thành phố chấp thuận, dù cũng từng xảy ra một đôi vụ hy hữu vì liên quan đến tên những người còn sống và tạo ra các tranh cãi xã hội nào đó.
Dù cách đặt tên đường tại Mỹ có vẻ như đơn giản về ý nghĩa nhưng nó dựa trên tính hợp lý và khoa học theo vị trí địa lý và phân bố đô thị. Bởi Sở Cảnh Sát và Sở Cứu Hỏa là những cơ quan có thẩm quyền rất lớn để chấp thuận hay từ chối nhằm tránh những ngộ nhận, phức tạp trong các trường hợp khẩn cấp. Và Bưu Điện là cơ quan cuối cùng xem xét các chọn lựa này trước khi tên đường được thông qua. Đó là lý do nhiều tên đường còn được thêm vào phương hướng như Bắc (North), Nam (South), Đông-Nam (South East) để rõ ràng hơn. Hay như nguyên tắc định phương hướng cho xa lộ liên bang tức các quốc lộ, khi đặt tên xa lộ số chẵn hướng Đông-Tây, số lẻ là Bắc-Nam, rất dễ dàng cho tài xế định hướng theo các nguyên tắc căn bản này.
Nước Mỹ trân trọng và có vô số số cách tưởng niệm những người đã hy sinh và đóng góp cho quốc gia, họ không đặt tên đường trong mục đích tuyên truyền, chính trị hóa. Mà cách đặt tên đường của Mỹ nhắm đến mục đích bảo đảm an toàn và an ninh cho người dân, thuận tiện cho hệ thống bưu điện, giao phát hàng, khoa học trong định vị. Đó là những yếu tố cần được học hỏi hơn là việc thần tượng hóa các "anh hùng" kiểu "anh hùng Núp" của Việt Nam như hiện nay. Muốn biến các đô thị thành những "thành phố thông minh" thì việc đầu tiên là cần đặt tên đường một cách thông minh và khoa học.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 06/12/2019
********************
Hà Nội chính thức có phố mang tên ‘anh hùng Núp’ (VOA, 05/12/2019)
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hôm 4/12 đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc đặt tên đường, trong đó có một con phố sẽ mang tên "Đinh Núp", nguyên mẫu của nhân vật "anh hùng Núp" trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc.
Phố mới mang tên Đinh Núp ở Hà Nội. Ảnh : Google Map.
Đinh Núp (1914 – 1999) được mô tả là một anh hùng có công gầy dựng phong trào chống Pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên bằng cách vận động người dân tộc thiểu số tham gia các tổ du kích, xây làng chiến đấu chống Pháp và "làm tiêu hao nhiều lực lượng địch".
Ông Núp còn có tên là Sar, người dân tộc Ba Na, quê ở làng Stơr, xã Tơ Nung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Sau chống Pháp, ông tham gia chống Mỹ ở Tây Nguyên, được kết nạp vào Đảng cộng sản năm 1955 và ra miền Nam chiến đấu vào năm 1963. Ông Núp cũng đã từng được phái sang thăm Cuba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro vào năm 1964.
Tin cho hay phố Đinh Núp được đặt cho đoạn đường kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT4 Vimeco (quận Cầu Giấy). Con phố có chiều dài 1 km, rộng 20,5m và có hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống.
Cũng liên quan đến chuyện đặt tên đường, trước đó hơn một tuần, thành phố Đà Nẵng đưa ra lấy ý kiến về việc đặt tên đường với tên hai linh mục phương Tây là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes – những người đã có công sáng tạo và phát triển chữ quốc ngữ.
Tuy nhiên, dự định này đã bị tạm gác lại sau khi gặp phải sự phản đối của một số chuyên gia lịch sử của Việt Nam. Trong đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung của Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Huế, cho rằng Alexandre de Rhodes là người "có tội" với dân tộc Việt Nam nên không thể lấy tên ông để đặt tên đường. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói với báo Tuổi Trẻ rằng chữ quốc ngữ tạo ra không phải để phát triển văn minh của dân tộc, mà chỉ là một công cụ để xâm lăng.