Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2019

Trung Quốc đã đánh mất Đài Loan như thế nào ?

Natasha Kassam - Nick Frisch

Trung Quốc đã đánh mất Đài Loan, và họ biết rõ điều đó

Natasha Kassam, Nghiên cứu quốc tế, 18/12/2019

"Không thể nào thành công", đó là nội dung tweet bằng tiếng Hoa của bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, vào ngày 5 tháng 11, sau khi chính phủ Trung Quốc công bố một loạt chính sách nhằm lôi kéo các công ty và người dân Đài Loan đến đại lục.

tqdl1

"26 biện pháp mới của Bắc Kinh là một phần của nỗ lực nhằm áp đặt hệ thống ‘một quốc gia, hai chế độ’ lên Đài Loan", nội dung tweet của bà Thái viết, nhắc đến nguyên tắc mà Hồng Kông, một lãnh thổ khác mà Bắc Kinh hy vọng sẽ hoàn toàn kiểm soát trong tương lai, được cai trị lúc này, với sự tự trị được đảm bảo phần nào từ Bắc Kinh. "Tôi muốn nói rõ rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và ép buộc chúng ta phải chấp nhận ‘một quốc gia, hai chế độ’ sẽ không bao giờ thành công". Những người biểu tình ở Hồng Kông trong nhiều tháng qua có thể xem là đã lên tiếng rằng nguyên tắc trên là một điều dối trá.

Ở Đài Loan, mục tiêu lâu dài của chính phủ Trung Quốc là "thống nhất một cách hòa bình", "thống nhất" dù rằng Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới thẩm quyền hoặc sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kinh đã nỗ lực trong nhiều năm nhằm vừa thuyết phục vừa ép buộc Đài Loan gắn kết với đại lục bằng những hứa hẹn về lợi ích kinh tế kèm những đe dọa quân sự. Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng "thống nhất hoàn toàn" là một "sứ mệnh lịch sử". Ông nói thêm rằng "Chúng ta sẽ không hứa hẹn từ bỏ sử dụng vũ lực và giữ để ngõ mọi phương án cần thiết".

Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 1/2020. Vào ngày 17/11, Bà Thái tuyên bố ông William Lai Ching-te (Lại Thanh Đức), một cựu thủ tướng và là người có quan điểm ủng hộ độc lập, là ứng viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử với bà. Cùng ngày hôm đó, Trung Quốc đã cho một tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan. (Vào tháng 7, Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng, trong đó nói rằng, "bằng việc cho tàu chiến và máy bay đi vòng qua Đài Loan, lực lượng vũ trang gửi một lời cảnh báo mạnh mẽ đến những thế lực ly khai đòi độc lập của Đài Loan".) Joseph Wu (Ngô Chiêu Tiếp), ngoại trưởng Đài Loan, phản ứng bằng cách tweet rằng : "Trung Quốc âm mưu can thiệp vào bầu cử Đài Loan. Cử tri sẽ không để mình bị đe dọa ! Họ sẽ nói không với Trung Quốc ở hòm phiếu".

Chính phủ Trung Quốc dường như cũng nghi điều đó sẽ xảy ra. Cho dù họ vẫn duy trì những biện pháp cứng rắn (dù không hiệu quả), họ cũng đã dùng nhiều phương cách mới. Họ không đơn thuần chỉ ủng hộ các ứng cử viên từ Quốc dân đảng, đảng hiện ủng hộ liên kết bền chặt hơn với Bắc Kinh. Họ còn cố gắng phá rối quá trình dân chủ của Đài Loan và gieo mầm chia rẽ xã hội trên hòn đảo này.

Đến lúc này thì rõ ràng là ngay cả những ứng cử viên có tư tưởng thân Bắc Kinh cũng không thể đem Đài Loan đến cho Trung Quốc. Chỉ một trong mười người Đài Loan ủng hộ việc thống nhất với Trung Quốc, cho dù sớm hay muộn, theo một cuộc thăm dò bởi Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan hồi tháng 10. Nếu xét công luận như vậy thì các ứng viên tổng thống sẽ chắc chắn tự gây hại cho khả năng tranh cử của mình nếu họ bị xem là quá thân Trung Quốc.

Bằng cách "khoe cơ bắp", Bắc Kinh dường như chỉ càng đẩy người Đài Loan ra xa. Một loạt các vụ thử tên lửa bởi Giải phóng quân Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 3/1996 đã được dùng để đe dọa cử tri Đài Loan và ngăn cản họ bầu lại cho ông Lý Đăng Huy. Một trong những đối thủ của ông Lý, Chen Li-an, cảnh báo rằng "nếu bầu cho Lý Đăng Huy nghĩa là bạn lựa chọn chiến tranh". Tuy vậy, ông Lý thắng 3 ứng cử viên khác một cách dễ dàng, với 54% số phiếu bầu.

Nhà cầm quyền Trung Quốc dường như cũng nghĩ rằng sự tương thuộc kinh tế giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ là một con đường dẫn đến thống nhất. Đến một lúc nào đó, cái giá Đài Loan phải trả để tháo gỡ những liên kết kinh tế này sẽ trở nên quá đắt.

Tuy vậy, giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan đã đạt hơn 181 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, so với mức 35,5 tỉ đô la vào năm 1999, và cho dù hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, nhưng tỷ lệ người tự nhận mình là người Đài Loan ngày càng tăng, từ mức hơn 48% năm 2008 lên khoảng 60% năm 2015, trong giai đoạn ông Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng làm tổng thống.

Phong trào Hoa Hướng dương năm 2014, một loạt những cuộc biểu tình được lãnh đạo bởi một liên minh giữa sinh viên và các nhà hoạt động xã hội dân sự, đã cho thấy thế hệ trẻ Đài Loan muốn khước từ quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Việc bà Thái, người có tư tưởng ủng hộ độc lập, thắng cử vào năm 2016 cũng nói lên điều đó.

Mức độ ủng hộ dành cho bà Thái sau này có trượt dốc, đa phần bởi vì bà không thể lôi kéo sự ủng hộ dành cho các cải cách lớn về lương hưu và hôn nhân đồng tính, hay đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết mức lương đình trệ và kiểm soát ô nhiễm. Đến lúc diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2018, cơ hội thắng cử nhiệm kỳ thứ hai của bà gần như là con số không. Nhưng bây giờ thì bà đang dẫn đầu các cuộc thăm dò.

Với sự ủng hộ tăng trở lại này, bà có thể phải phần nào cảm ơn những cuộc biều tình kéo dài nhiều tháng ở Hồng Kông. Bắc Kinh thiết kế mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đang hiện hành ở Hồng Kông với mục tiêu áp dụng nó cho Đài Loan. Ý tưởng này, vốn lâu nay không được ủng hộ rộng rãi bởi người Đài Loan, giờ ngày càng mất uy tín.

Trung Quốc vẫn giăng lưới rất rộng, và họ sẽ vẫn tiếp tục sử dụng những đòn bẩy quân sự và kinh tế mà họ có. Chắc chắn là họ sẽ tiếp tục thao túng việc đưa tin tức để giúp các ửng cử viên có tư tưởng thân Bắc Kinh. Và giờ họ cũng đã bắt đầu một chiến dịch tung tin giả nhằm làm xói mòn lòng tin của người Đài Loan vào các thể chế chính trị của mình và gieo mầm bất mãn.

Cuối tháng trước, bà Thái tố Trung Quốc "viết tin giả và lan truyền những tin đồn thất thiệt để đánh lừa và làm người Đài Loan nghĩ sai" với hy vọng "phá hoại nền dân chủ của chúng ta". Bà Thái cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc bác bỏ cáo buộc rằng bà không có bằng tiến sĩ từ Đại học Kinh tế London, cho dù trường đã xác nhận rằng bà đã "được cấp bằng Tiến sĩ luật vào năm 1984". Các quan chức Trung Quốc được cho là đã thừa nhận ngầm rằng việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đã khiến họ suy nghĩ lại những cách họ có thể can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.

Trung Quốc cũng không hề che đậy ý định làm gia tăng những xung đột xã hội ở Đài Loan. Một bài xã luận đăng vào tháng 4 trên tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, viết : "Chúng ta không cần một cuộc chiến tranh thật để giải quyết vấn đề Đài Loan. Đại lục có thể sử dụng nhiều phương pháp để đưa Đài Loan được lãnh đạo bởi Dân tiến Đảng (DPP) rơi vào tình trạng như ở Lebanon, khiến các phần tử ‘ủng hộ Đài Loan độc lập’ không thể chống đỡ nổi". Điều này cũng có nghĩa là chính phủ Trung Quốc tin rằng họ có thể khiến các thành phần sắc tộc, chính trị và xã hội Đài Loan xung đột lẫn nhau.

Trung Quốc cũng có khả năng sẽ tận dụng điểm yếu của nền chính trị Đài Loan, đó là các hệ thống bang hội. Những hệ thống nói trên ngày nay không còn quan trọng như trong thời chuyên chế của Đài Loan, nhưng nó vẫn cho phép các lãnh đạo cộng đồng, hiệp hội nông dân và thậm chí các nhân vật xã hội đen tổ chức mua phiếu bầu.

Các mạng truyền thông xã hội cũng là một chiến trường quan trọng, vì gần 90% tổng số dân Đài Loan có sự hiện diện trên các nền tảng này, và các kênh tin tức chính thống đã từng đăng những bài tin giả lấy từ mạng xã hội mà không kiểm chứng. Theo Reuters, các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã trả tiền cho các phương tiện truyền thông Đài Loan để đăng những tin tức ủng hộ Bắc Kinh.

Theo một số nguồn tin, một chiến dịch loan tin giả được phát động bởi một tổ chức mạng chuyên nghiệp từ Trung Quốc, có nguồn gốc liên quan đến Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã giúp ông Hàn Quốc Du có tư tưởng thân Trung Quốc thắng cử thị trưởng Cao Hùng. Một tin (giả) viết rằng trong một cuộc tranh luận, đối thủ của ông Hàn đã đeo một tai nghe để người khác mớm cho ông những điều cần nói. Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu nền chính trị Đài Loan từ bên trong.

Nhưng Đài Loan đang kháng cự lại. Các nhà lập pháp gần đây đã gia tăng nỗ lực nhằm thông qua một đạo luật chống nước ngoài xâm nhập và can thiệp chính trị trước thềm bầu cử. Một cố vấn cho một ứng viên tổng thống nói với tôi vào mùa hè này ở Đài Bắc rằng "Câu hỏi dành cho cử tri trong cuộc bầu cử này là, quý vị muốn chết nhanh hay chết chậm ?". Nhưng có thật là như vậy không ? Bởi vì mặc cho những nỗ lực quấy phá của Bắc Kinh, nền dân chủ Đài Loan đã chứng minh rằng nó vẫn tràn đầy sức sống.

Natasha Kassam

Nguyên tác :"China Has Lost Taiwan, and It Knows It",The New York Times, 01/12/2019

Ngô Việt Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/12/2019

Natasha Kassam, nghiên cứu viên chính tại Viện Lowy, từng là một nhà ngoại giao Australia có nhiệm kỳ công tác tại Trung Quốc và Quần đảo Solomon.

*******************

Trung Quốc đã đánh mất Đài Loan như thế nào ?

Nick Frisch, Nghiên cứu quốc tế, 08/02/2016

Vào một ngày thứ ba nhiều mưa vào đầu tháng này, Chen Li-hung, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, sải bước trên sân khấu ở Chương Hóa, miền trung Đài Loan, và bắt đầu một bài diễn văn đầy tâm huyết, thêm lửa cho những thành viên nhiệt huyết của Dân Tiến Đảng đã tụ họp ở đó.

tqdl2

"Ba mẹ chúng tôi đến từ Đại Lục", ông nói với khán giả. "Nhưng tôi được sinh ra ở Đài Loan. Tôi lớn lên ở Đài Loan. Vậy thì vì sao những thầy cô trong trường nói với tôi rằng tôi vẫn là người Trung Quốc ? Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy tôi không phải là người Trung Quốc, tôi là người Đài Loan !" Ông đả kích tổng thống đương nhiệm Mã Anh Cửu. "Tám năm trước, Tổng thống Mã giành được một chiến thắng khá thuyết phục ở thùng phiếu, nhưng ông ấy lại dẫn dắt chúng ta đến gần Trung Quốc hơn bao giờ hết, và Đài Loan có trở nên tốt đẹp hơn chút nào không ?"

Trong nhiều tiếng, những diễn giả như ông Chen đã hâm nóng khán giả. Rồi bà Thái Anh Văn, ứng viên tổng thống của đảng, đến để hạ nhiệt.

Bà Thái, một cựu giáo sư luật và nhà đàm phán thương mại, cho những đồng nghiệp dưới quyền thay mặt bà hâm nóng đám đông quần chúng trong chiến dịch tranh cử vốn chấm dứt vào ngày 16/1 với chiến thắng thuộc về bà và đảng của bà. Bà biết rằng nếu cử tri phát hiện mức độ dân túy quá cao, họ sẽ quay lại chống bà. Và bà nhận thức rằng Bắc Kinh và Washington theo dõi lời nói của bà sát sao.

Các màn trình diễn của ông Chen và bà Thái giúp giải thích mức độ chiến thắng vang dội của Dân Tiến Đảng trước Quốc Dân Đảng của ông Mã hai tuần trước khi họ đã mất cả ghế tổng thống và, lần đầu tiên, cả quốc hội. Cuộc mít tinh cho thấy vì sao, qua cuộc bầu cử này, Trung Quốc đã mất Đài Loan vĩnh viễn.

Khi Quốc Dân Đảng bị đánh bại trong cuộc nội chiến vởi Đảng Cộng Sản của Mao vào năm 1949, giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng rút về Đài Loan với hàng triệu người tị nạn từ Đại lục như ba mẹ của ông Chen, và thành lập một chính phủ chuyên chế mà sau này đã nhường bước cho dân chủ vào thập niên 1990. Từ năm 1949, Bắc Kinh đã tuyên bố Đài Loan là một tỉnh "nổi loạn" và sẽ phải thống nhất với Trung Quốc, một cách hòa bình nếu được và bằng vũ lực nếu cần. Mỹ là nước bảo hộ an ninh cho Đài Loan, nhưng họ cũng muốn tránh xúc phạm Bắc Kinh và đã không ủng hộ những lãnh đạo Đài Loan nào gây bất ổn nguyên trạng. Cử tri Đài Loan trừng phạt những ứng cử viên thách thức Trung Quốc ở mức không cần thiết, hay là chọc giận Washington.

Bắc Kinh đã đeo đuổi một chiến lược dài nhiều thập niên bằng sự kiên nhẫn và lôi kéo kinh tế, với mong muốn Đài Loan sẽ tái hợp một cách hòa bình với Đại lục. Còn người Đài Loan mong muốn các mối quan hệ ổn định và hiệu quả với Trung Quốc. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Đài Loan ủng hộ hiện trạng của một Đài Loan độc lập trên thực tế, mà không cần có bất kỳ một tuyên bố (độc lập) chính thức nào vốn sẽ làm Bắc Kinh phẫn nộ và có thể châm ngòi cho một cuộc xâm lược.

Nhưng với phép màu kinh tế của Đại lục giờ ngày càng mờ mịt đi, nhiều người Đài Loan đang nghi ngờ sự khôn ngoan của việc trói mình vào cột buồm. Người Đài Loan lo rằng việc xích lại gần Bắc Kinh của ông Mã đã đi quá xa, và không mang lại lợi ích cho những người dân thường Đài Loan. Một dự luật có thể đã cho phép các ngành nhạy cảm, như là truyền thông, được sở hữu bởi người Trung Quốc đại lục, đã bị kẹt lại ở quốc hội vào năm 2014 trong làn sóng những cuộc biểu tình của sinh viên, giờ được biết tới với tên gọi Phong trào Hoa hướng dương.

Cùng lúc đó, người Đài Loan thấy một chính quyền đại lục ngày càng thô bạo ở bên kia eo biển – và họ không muốn trở thành một phần của chính quyền đó. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình đàn áp những người bất đồng chính kiến và vận dụng những luận điệu dân tộc chủ nghĩa về nền văn hóa Trung Quốc vinh quang gợi nhắc một cách khó chịu về những trải nghiệm của Đài Loan trong thời thiết quân luật.

Nhưng chính những tình cảm của ông Chen thể hiện trong cuộc mít tinh giải thích vì sao, trừ khi Bắc Kinh dùng vũ lực, cuộc "ly dị" Trung-Đài sẽ trở nên vĩnh viễn. Các cuộc thăm dò cho thấy thế hệ cư dân đảo tự nhận mình là người Trung Quốc đang phai mờ dần đi, và ngày càng nhiều người tự nhận mình là người Đài Loan. Nhiều thập niên độc lập trên thực tế đã kích thích sự mong muốn của người Đài Loan có được độc lập thực thụ. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Đài Loan thậm chí không muốn tái hợp với một Trung Quốc dân chủ.

Những cảm giác như thế sẽ ngày càng ăn sâu khi một thế hệ người Đài Loan trẻ tìm được tiếng nói chính trị. Bản sắc bản địa và sự trung thành với những giá trị công dân tự do thể hiện mạnh mẽ nhất ở một giới trẻ giờ ngày càng tự khẳng định mình hơn, những người mà Phong trào Hoa hướng dương của họ đã khai sinh nên Đảng Lực lượng Thời đại (New Power Party) mới, đảng đã liên minh với Dân Tiến Đảng của bà Thái để lật đổ một vài dân biểu đương chức của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử.

Dù vậy, trong khi người Đài Loan có thể ngày càng tự nhận mình thuộc về một nền văn hóa mang đậm bản sắc địa phương – và ủng hộ nhiệt huyết của một vài người như ông Chen – nhưng vào lúc này họ thích vai trò điềm đạm trước công chúng của bà Thái. Là một nhà kỹ trị nhiều đầu óc, bà khác với những bậc cao niên bình dân hơn trong đảng của bà, một vài người trong số họ khởi đầu sự nghiệp chính trị trong tù của Quốc Dân Đảng.

Ngay cả khi những người dưới trướng của bà Thái sử dụng ngón bài bản sắc, chiến dịch của bà vẫn nhấn mạnh năng lực kinh tế và hứa sẽ không có tuyên bố độc lập, một lập trường nhằm tránh kích động Bắc Kinh và Washington. Nhưng đường lối đảng của bà Thái vẫn ủng hộ độc lập, và chiến thắng của bà sẽ cho bà quyền lực để bảo vệ sự tách biệt của Đài Loan bằng những thay đổi chính sách tinh tế.

Những thay đổi chính trị ở khu vực vành đai Thái Bình Dương cũng có thể thay đổi những tính toán của Washington. Từ thời chính quyền Nixon, Washington đã chú trọng một mối quan hệ thực dụng với Trung Quốc hơn là bất kỳ một mối quan hệ nào với Đài Loan. Lập trường hiện tại của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan là một sự chấp nhận ngầm. Nhưng việc Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn gây báo động cho các đồng minh của Mỹ ở Tokyo, Seoul và Manila, tất cả đều đang theo dõi sát sao cách Trung Quốc thách thức những cam kết phòng thủ của Mỹ đối với Đài Loan.

Bà Thái sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nhắc nhở Washington về tầm quan trọng của liên minh đó. Đảng của bà dự tính sẽ sử dụng ưu thế đa số ở quốc hội để dẫn dắt Đài Loan vào TPP, một hiệp định sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế hòn đảo vào Trung Quốc và gắn nó gần hơn với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Trong lúc ông Chen chấm dứt bài diễn văn đầy lửa, đoạn kết của bản giao hưởng số 5 của Beethoven được phát ra từ những chiếc loa. "Bảo vệ lối sống của chúng ta, giữ vững tính cách của chúng ta… hãy đi bầu !" ông kêu gọi. "Hãy giúp Dân Tiến Đảng có một khởi đầu mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của mình !"

Các cử tri Đài Loan đã làm như vậy, và thông qua đó đẩy giấc mơ thống nhất của Bắc Kinh ngày càng xa tầm với hơn.

Nick Frisch

Nguyên tác : "How China Lost Taiwan", The New York Times, 27/01/2016.

Ngô Việt Nguyên biên dịch

Lê Hồng Hiệp biên tập

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/02/2016

Nick Frisch đang học tiến sĩ ngành Châu Á học tại trường cao học của Đại học Yale và là một nghiên cứu sinh tại Trường luật Yale.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Natasha Kassam, Nick Frisch
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)