Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2017

Lá bài Trump sắp bị lật ngửa ?

Lữ Giang

Ngày 30/3/2017, tướng hồi hưu Mike Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cho biết ông sẵn sàng ra điều trần và hợp tác với các đại biểu Quốc hội Mỹ đang điều tra việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng với điều kiện ông phải được miễn tố. Nhiều người rất ngạc nhiên về đề nghị này.

trump1

Tướng Flynn và Donald Trump

Hiện nay, Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng như Thượng viện đang điều tra hai vấn đề quan trọng :

(1) Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

(2) Những ai trong nhóm vận động tranh cử của Trump đã quan hệ với Nga bị đứng ngoài vòng pháp luật.

Đảng Cộng hòa biết đây là những cuộc điều tra hoàn toàn bất lợi cho Donald Trump, nhưng vì sự đòi hỏi của cơ cấu tổ chức và luật pháp, nên họ đành phải đi theo.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy FBI đã có đủ bằng chứng để xác định các sự vi phạm luật pháp của nhóm vận động tranh cử của Trump, vấn đề là vào thời điểm nào để công bố các bằng chứng đó được coi là thích hợp nhất.

Trump đã tháu cáy bằng cách tố cáo Obama nghe lén, vì tưởng rằng đó là một hành vi phạm pháp !

Khái niệm về quyền nghe lén và điều tra

Trong 45 tổng thống của nước Mỹ, có lẽ Donald Trump là người ít biết về luật pháp và tổ chức chính quyền của nước Mỹ nhất. Ông tưởng rằng Tổng thống là Tề thiên Đại thánh, muốn làm gì thì làm nên gây ra hết rối loạn này đến rối loạn khác.

Vì thế, trước khi nói về cuộc điều tra của các cơ quan tình báo và Quốc hội Mỹ, chúng tôi xin nhắc lại một số nguyên tắc căn bản về quyền nghe lén và quyền điều tra mà luật pháp Hoa Kỳ cho phép.

1. Những trường hợp cấm nghe lén ở Mỹ

Luật Xâm phạm quyền riêng tư 1964(Invasion of Privacy Act of 1964) cấm dùng các dụng cụ điện tử để nghe lén các chuyện riêng tư của người khác hay tổ chức khác. Thí dụ đặt máy nghe lén để nghe hai vợ chồng nhà kia bàn chuyện ly dị chẳng hạn. Cụ thể là vụ Tổng thống Nixon cho đặt máy nghe lén để biết đảng Dân chủ đang bàn kế hoạch tranh cử của họ như thế nào. Đó là sự xâm phạm quyền riêng tư.

Tội đặt máy nghe lén chuyện riêng tư của người khác hay tổ chức khác được tiếng Anh gọi là "Eavesdropping". Ở California, phạm tội này có thể bị phạt tối đa là 3 năm tù và 2.500 USD tiền phạt.

Nhưng khi có một hành vi tội phạm xảy ra, mọi người đều có quyền dùng máy móc điện tử như iPhone để ghi lại rồi báo cho cảnh sát biết. Sự "nghe lén" này chẳng những không bị truy tố về tội nghe lén mà còn được khuyến khích.

2. Những trường hợp được nghe lén

Luật Giám sát tình báo ngoại quốc 1978(Foreign Intelligence Surveillance Act of 1978) cho phép các cơ quan tình báo Hoa Kỳ được đặt máy để thu thập các tin tức giữa các "Quyền lực ngoại quốc" (Foreign Powers) và các "Tay chân bộ hạ của các Quyến lực Ngoại quốc" (Agents of Foreign Powers), kể cả khi những kẻ đó là người Mỹ.

Người có quyền ra lệnh giám sát trước hết là Tổng thống Mỹ hay Bộ trưởng Tư pháp. Nếu sau một năm thì phải xin án lệnh của Tòa Giám sát Tình báo ngoại quốc. Do đó, Tổng thống Obama có quyền ra lệnh theo dõi hay đặt máy nghe lén các cuộc nói chuyện hay điện đàm giữa các viên chức của Nga như Đại sứ Nga tại Hoa kỳ, với Trump và các nhân vật trong Ủy ban Bầu cử của Trump.

Tuy có quyền hành trong tay, Tổng thống Obama vốn là một người khôn ngoan và thận trọng đã không ra lệnh mà để cho cơ quan FBI xin án lệnh của tòa để hành động. Donald Trump chẳng biết chút gì về về luật pháp nên đã tố cáo Tổng thống Obama nghe lén.

Chính nhờ sự giám sát theo án lệnh của tòa này, FBI đã khám phá ra vụ tướng Flynn vi phạm luật Logan Act khi thương thảo với Đại sứ Nga và nhiều vụ phạm pháp khác.

Các cuộc điều tra của Quốc hội

Hiện nay, hai Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện đều mở cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Richard Burr (Cộng hòa) làm Chủ tịch, còn Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ) làm Phó. Tại Hạ Viện viện, Chủ tịch là Dân biểu Devin Nunes (Cộng hòa) và Phó Chủ tịch là Dân biểu Adam Schiff (Dân chủ).

1. Ủy ban Tình báo Thượng viện

Một báo cáo của CIA, FBI và NSA cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "chỉ đạo" một chiến dịch nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ. Căn cứ vào các bằng chứng đã được đưa ra trong báo cáo đó, Tổng thống Obama đã tăng cường các biện pháp chế tài Nga hôm 29/12/2016. Vì thế, Ủy ban Tình báo Thượng viện chỉ khai thác thêm. Ủy ban quan tâm đếm mục tiêu của Nga khi can thiệp và mối liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của Trump với chính quyền Nga. Có khoảng 20 người, trong đó có nhiều chuyên gia, đã được mời ra điều trần tại Thượng viện.

Ông Eugene Rumer - cựu sĩ quan tình báo về Nga và Âu Á thuộc Hội đồng tình báo quốc gia và là Giám đốc Chương trình Carnegie Nga và  Âu Á - nói về mục tiêu của Nga như sau : Trước hết, gây bất ổn, gây phân tâm trong nền chính trị Mỹ. Thứ hai, gây tổn hại đến vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới, và thứ ba gây ra hiệu ứng "tưởng tượng cách các nước khác nhìn vào chúng ta".

Eugene Rumer nhấn mạnh đến các chiến thuật của Nga : "Nhìn tổng thể thì gồm làm sai lệch, gây hiểu lầm, phóng đại… Những cách này thuyết phục hơn bất cứ chứng cớ mạng nào. Đưa ra thông tin gây tranh cãi trên mạng trực tuyến, tin giả… là phần không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Nga ngày nay".

Ông Kevin Mandia – Giám đốc tổ chức FireEye – cho biết các nhóm tin tặc Nga đã tạo ra hơn 500 phần mềm độc hại (malware) hoặc những phần mềm bí mật để xâm nhập vào hệ thống máy điện toán và ăn trộm dữ liệu, cũng như cách họ rò rỉ dữ liệu.

Ông Clinton Watts, một chuyên gia an ninh mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại nói : "Nga hy vọng giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai thông qua sức mạnh chính trị thay vì vũ lực".

Hôm 29/3/2017, Thượng Nghị sĩ Mark Warner tuyên bố ông có đủ bằng chứng Điện Kremlin đã trả tiền cho hơn 1.000 người chuyên tung tin thất thiệt về ứng cử viên Hillary Clinton, đặc biệt tại các Tiểu bang có tranh chấp cử tri giữa hai đảng. Ông nói :

"Tôi đã được báo cáo, và chúng tôi phải tìm ra điều này, cho dù nó có thể ảnh hưởng đến các khu vực cụ thể ở Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, rằng những nơi mà quý vị không nhận được tin từ bất cứ nhà cung cấp nào của quý vị ở đó - về Trump đối kháng với bà Clinton, trong những ngày mệt mỏi của cuộc tranh cử - để thay vào đó là các tin về 'bà Clinton bị bệnh', hay 'bà Clinton đang nhận tiền từ ai đó'... chỉ toàn là những tin giả !".

Mark Warner nhấn mạnh : "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành một chiến dịch có chủ ý, được hoạch định một cách cẩn thận để làm suy yếu cuộc bầu cử của chúng ta".

Có 7 thành viên thuộc nhóm vận động tranh cử của Trump đang bị điều tra, trong đó có con rễ của Donald Trump là Jared Kushner. Hai viên chức cao cấp trong chính quyền Trump bị dính vào cáo buộc, đó là cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Bản tin ngày 5/4/2017 của đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ cho biết ông Carter Page, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Trump trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, đã gặp một tình báo của Nga vào năm 2013 và cung cấp cho người này những tài liệu về ngành công nghiệp năng lượng. Theo tố cáo, ông Page được hứa hẹn những cơ hội làm ăn tại Nga nếu đồng ý cung cấp thông tin tình báo cho các gián điệp của Moscow.

2. Ủy ban Tình báo Hạ viện

Có nhiều bằng chứng cho thấy, thay vì mở các cuộc điều tra một cách khách quan, Dân biểu Devin Nunes (Cộng hòa), Chủ tịch Ủy ban, đã tìm cách biện hộ cho nhóm Trump.

Báo New York Times cho biết hai viên chức Tòa Bạch Ốc đã cung cấp tin tuyệt mật cho ông Nunes, theo đó ông Trump và các cộng sự đã lọt vào tầm ngắm trong các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi các giới chức ngoại quốc. Hai viên chức này là Ezra Cohen-Watnick, một giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh quốc gia, và Michael Ellis, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Tòa Bạch Ốc. Ông Sean Spicer, phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, từ chối không bình luận về tin này.

trump2

Dân biểu Devin Nunes đang bị tố cáo

Ngày 22/3, tại Tòa Bạch Ốc, Dân biểu Nunes cho biết các cuộc trao đổi của ông Trump có thể đã bị thu thập vào cuối năm 2016. Ông nói thêm ông tin rằng việc thu thập tin tức được tiến hành hợp pháp.

Ngay sau đó, Dân biểu Adam Schiff (Dân chủ) cảnh cáo : "Đây không phải là cách quý vị tiến hành một cuộc điều tra, quý vị không thể dùng thông tin mà Ủy ban không được biết để nói miệng với báo giới và Tòa Bạch Ốc trước khi Ủy ban xem xét vấn đề".

Hôm 27/3, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã kêu gọi cách chức dân biểu Devin Nunes với tư cách Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện. Chuck Schumer nói : "Chủ tịch Nunes đang thất bại trong công việc và dường như quan tâm nhiều đến bảo vệ Tổng thống hơn là tìm kiếm sự thật".

Hôm 30/3/2017, Devin Nunes nói ông hối tiếc là đã thông báo với Tổng thống Donald Trump về việc có thể có việc do thám ảnh hưởng tới toán chuyển tiếp của ông Trump, trước khi ông nói điều này với các thành viên của ủy ban.

Sự xuất hiện và Tướng Flynn

Trong khi cuộc điều tra đang đến giai doạn gay cấn thì Tướng Flynn xuất hiện.

Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 29/12/2016, khi Tổng thống Obama đưa ra các biện pháp chế tài mới đối với Nga thì Tướng Flynn, một cố vấn của Doanald Trump, đã liên lạc với Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ là Sergey Kislyak đến 5 lần để thương lượng và hứa : "Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền của Trump sẽ theo đuổi".

Khi bị tố cáo, Flynn đã chối, nhưng sau đó biết được cuộc nói chuyện đã bị ghi băng, Flynn đòi điều tra xem ai đã "rò rỉ" tin tức. Đến khi biết hành vi này nếu bị truy tố theo đạo luật Logan Act, sẽ bị phạt đến 3 năm tù, nhóm tham mưu của Trump đành bảo Flynn xin từ chức.

FBI cho biết "sẽ không theo đuổi việc truy tố Flynn nếu không có tình tiết mới nghiêm trọng xuất hiện". Ý của FBI là muốn thông báo cho Flynn biết rằng tội của ông ta đang bị treo để chờ kết quả cuộc điều tra đang tiến hành. Vì thế, vấn đề không dừng ở đây.

Trong bài "Who Told Flynn to Call Russia ?" (Ai bảo Flynn gọi Nga ?), cựu Đại sứ Daniel Benjamin, hiện là biên tập viên của tập san Politico, đã viết : "Câu chuyện thực sự không phải là Flynn. Nhưng cũng không phải sự rò rỉ [thông tin] chính phủ. Không, câu chuyện thực sự chính là Trump - và sự bí mật liên tục về những móc nối của Trump với người Nga".

Không ai tin rằng Tướng Flynn đã tự ý đi thương lượng với Nga. Phải có chỉ thị của Trump, Flynn mới làm như vậy. Cuộc nói chuyện phải được thực hiện đến 5 lần mới xong, chứng tỏ Flynn phải trở về bàn với bộ tham mưu nhiều lần mới đưa ra cam kết cuối cùng như trên.

Nếu Trump là người ra lệnh cho Tướng Flynn (việc ra lệnh có thể đã bị ghi âm) thì Trump là chính phạm, phải bị truy tố theo đạo luật Logan Act. Tội phạm này xảy ra trước ngày Trump nhận chức nên không cần qua thủ tục luận tội (impeach). Công tố viện có thể ban hành lệnh truy tố ngay.

Có lẽ thấy sự nguy hiểm đã gần kề, Flynn được đưa ra làm "Lê Lai cứu chúa". Nếu Trump được cho miễn truy tố về các lời khai trước Thượng Viện, Flynn sẽ nhận tất cả tội lỗi về phần mình và xác nhận Trump không hề ra lệnh cho ông ta. Ủy ban Tình báo Thượng viện thừa biết đây là một mưu đồ đánh lận con đen nên hôm 31/3/2017 đã bác đơn yêu cầu của Tướng Flynn.

Flynn cũng như Trump đều dốt luật, nên không biết rằng ngoài tội vi phạm luật Logan Act, nếu khai gian trước các ủy ban Quốc hội, còn đó thể bị truy tố về tội "Cản trở Công lý" (Obstruction of Justice) chiếu theo điều 18 U.S.C. § 1505 của luật liên bang, có thể bị phạt đến 5 năm tù.

Rõ ràng là bộ tham mưu của Trump đang lo sợ Trump sắp bị sập vào cái bẩy đạo luật "Logan Act" đã được gài. Nhưng hình như Trump không quan tâm đến chuyện đó. Ông vẫn tin ông là Tế thiên Đại Thánh, không phải tuân hành bất cứ luật pháp nào và chẳng ai dám động đến ông !

Ngày 6/4/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lữ Giang
Read 965 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)