Tổng thống Donald Trump đã từng tự nhận mình là một "thiên tài ổn định". Nhưng trong thời đại dịch này, tôi nghĩ danh hiệu xứng đáng với ông hơn cả có lẽ là "Siêu Nhân" (Superman). Chính ông đã từng nghĩ về mình như thế sau 3 ngày điều trị tại quân y viện Walter Reed dạo đầu tháng Mười vừa qua. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, trước khi rời khỏi bệnh viện, ông đã có ý định khoác vào người một chiếc áo thun có vẽ hình "Siêu Nhân" để cho mọi người thấy ông có một sức mạnh phi thường. Vừa về đến Tòa Bạch Ốc, nơi vẫn còn được xem là một "ổ dịch", hành động đầu tiên của ông là tháo gỡ khẩu trang ra khỏi mặt. Và tối hôm đó, ông "tuýt" như sau : "Tôi đã học được nhiều điều về siêu vi Corona. Có một điều chắc chắn là : đừng để nó khống chế bạn. Đừng sợ nó. Bạn sẽ đánh bại nó" (1).
Tổng thống Donald Trump ra khỏi bệnh viện sau khi nhiễm coronavirus và tuyên bố : "Đừng sợ nó ! Bạn sẽ đánh bại nó !" - Ảnh của Alex Brandon / AP
Phải nhìn nhận rằng tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có sức mạnh của một "siêu nhân" : 74 tuổi, béo phì... vậy mà chỉ trong 3 ngày nằm bệnh viện đã "đánh gục" siêu vi Covid-19 và trở về nhà cảm thấy khỏe mạnh và trẻ trung hơn cách đây 20 năm !
Tôi cùng tuổi với Tổng thống Trump, nhưng cho dù tập thể dục mỗi ngày và rất kỷ luật trong việc ăn uống, vẫn không có được sức mạnh của "siêu nhân" như ông. Ở tuổi tôi mà chẳng may bị Covid-19 chiếu cố thì kể như tới số ! Hiện chưa có thuốc chủng. Còn thuốc Remdesivir, dù được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Hoa Kỳ chuẩn thuận để chữa trị Covid-19, cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới để một thường dân già như tôi có thể với tới nếu chẳng may bị đại dịch chiếu cố. Cho nên, dù cho ở Úc Đại Lợi của tôi chỉ còn lác đác một vài trường hợp bị lây nhiễm, tôi vẫn thấy sợ. Và tôi biết sợ ! Chính vì sợ cho nên mỗi khi gặp đám đông, như đến một phòng mạch của bác sĩ hay đi siêu thị, lúc nào tôi cũng thủ sẵn một khẩu trang. Tôi lo cho tôi và tôi cũng cảm thấy phải biết nghĩ đến người khác. Nếu có một "thiên thần tốt hơn" trong con người đang ráo riết hoạt động để giúp cho họ chiến đấu chống lại Covid-19, tôi nghĩ "thiên thần" đó phải là tấm lòng vị tha.
Nói đến các nước thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch, ai cũng nghĩ đến Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Nam Hàn, Nhựt Bản, Đài Loan và ngay cả Việt Nam. Ít được nhắc đến, nhưng nhiều nước Phi Châu, cách riêng các nước thuộc vùng Hạ Sahara, cũng đã thành công đáng kể trong cuộc chiến này. Theo Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh của Hoa Kỳ, tại Cộng hòa Niger, quốc gia bị xem có lẽ là nghèo nhứt thế giới, cho tới nay chỉ có khoảng 1.200 người bị nhiễm Covid-19 và 69 người bị thiệt mạng vì dịch bệnh mà thôi.
Thiếu hạ tầng cơ sở y tế và nghèo đói, lẽ ra những nước nghèo ở Phi Châu như Niger phải là những nơi bị lây nhiễm và tử vong nhiều nhứt thế giới. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Nhiều nước Phi Châu đã bỏ xa Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống dịch bệnh nói chung. Rút kinh nghiệm từ đại dịch Ebola, Chính phủ Senagal đã cho thiết lập một trung tâm khẩn cấp để đối phó với đại dịch Covid-19. Người dân đã có thể biết được kết quả của việc xét nghiệm chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Chính phủ cũng thiết lập một hệ thống truy tìm nguồn gốc phát xuất và dây chuyền lây lan của đại dịch. Mỗi bệnh nhân đều được nằm một giường riêng trong bệnh viện hay bất cứ bệnh xá nào. Với dân số 16 triệu người, nhưng Senegal chỉ có 302 người bị thiệt mạng vì đại dịch.
Nhiều nước khác ở Phi Châu cũng đạt được những kết quả khả quan như thế trong cuộc chiến chống đại dịch. Với 12 triệu dân, Rwanda chỉ có 26 người chết vì đại dịch. Trên toàn thế giới, cứ 10 người chết vì đại dịch Covid-19 thì có 5 người là người Mỹ, Âu Châu có 2,3 người, nhưng Phi Châu chỉ có 0,26 người.
Các nhà khoa học, cách riêng các chuyên gia y tế và những người hoạch định chính sách tại Phi Châu và bên ngoài Phi Châu đã đưa ra nhiều yếu tố để giải thích về sự thành công của Phi Châu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Nhiều người cho rằng sở dĩ tại Phi Châu, cách riêng vùng Hạ Sahara, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp là bởi vì thiếu phương tiện xét nghiệm, người Phi Châu có nhiều yếu tố di truyền mạnh, tỷ lệ dân số trẻ cao, người Phi Châu thích sinh hoạt ngoài trời, các chính phủ có những chính sách phòng chống dịch bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, xem ra không có yếu tố nào có thể mang lại câu trả lời thỏa đáng.
Theo Tiến sĩ Paul Stoller, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học West Chester, Tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ và hiện đang nghiên cứu về sắc tộc Songhay tại Cộng hòa Niger, các quan hệ xã hội giữa người Phi Châu như tại Niger rất khác với các quan hệ xã hội tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tại Niger là nơi mà người Songhay đã phải đương đầu với những tác hại của nghèo đói, chết yểu vì các thứ dịch bệnh như sốt rét, sán lải, mù mắt, dịch tả, sưng màng óc... người ta luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với bệnh tật và đối phó với tinh thần tập thể.
Ở một nơi mà đói kém là chuyện thường ngày, dân chúng lúc nào cũng chuẩn bị nhiều lương thực hơn số lượng họ cần. Bất cứ người khách lạ nào đi vào một vùng quê ở Niger cũng đều được mời dùng bữa. Trong những năm đói kém vì hạn hán, các kho dự trữ được mở ra để giúp cho những gia đình túng đói. Khi gặp lũ lụt, người dân luôn mở rộng vòng tay để đón tiếp và trợ giúp những người mất nhà cửa. Khi có người bệnh nặng, bà con láng giềng quyên góp để giúp chữa chạy. Vị tha và bác ái không phải là điều xa lạ trong xã hội Mỹ, nhưng vẫn không được thực hành trong cuộc sống mỗi ngày như tại Phi Châu. Theo tiến sĩ Stoller, vị tha là một liều thuốc cần thiết để đối phó với nghèo đói và những thách đố của nghèo đói (2).
Những nước nghèo và nói theo ngôn ngữ của tổng thống Trump, những nước "hố xí" như Phi Châu đã có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Còn ở cái quốc gia vĩ đại nhứt thế giới như Hoa Kỳ thì sao ? Mới đây, với trên 8 triệu người bị lây nhiễm và trên 230.000 người chết, đương kim Đổng lý văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ "ngưng" kiểm soát dịch bệnh, nghĩa là để mặc cho Covid-19 lây lan và cướp đi mạng sống của người dân. Phản ảnh cung cách đối phó của Tổng thống Trump, nhiều viên chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ chủ trương : "Cứ để mặc cho con siêu vi lây lan rồi chúng ta sẽ đạt được "miễn dịch cộng đồng". Cứ để mặc cho người già và bệnh hoạn chết rồi chúng ta sẽ thấy được tương lai hậu đại dịch".
Không nơi đâu người ta thấy rõ sự thể hiện của chủ trương trên đây cho bằng chính cách hành xử của Tổng thống Trump và những cuộc vận động bầu cử của ông. Mặc cho những lời cảnh cáo của các chuyên gia y tế, ông vẫn quyết định tổ chức những cuộc tập trung đông đảo những ngưởi ủng hộ ông. Phần lớn những người có mặt trong các cuộc tập trung lại theo gương ông để không đeo khẩu trang và tuân giữ giãn cách xã hội. Ông tuyên bố : "Tôi hãnh diện được làm một người Mỹ. Tại đây, ít nhứt tôi biết tôi tự do". Thách thức các chuyên gia y tế, ông nói : "Dân chúng đã mỏi mệt vì Covid. Tôi đang có được những đám đông này. Họ nói "Dù thế nào đi nữa, hãy để cho chúng tôi yên". Họ chán lắm rồi. Họ mỏi mệt vì cứ nghe Fauci và tất cả những tên ngu dốt này".
Tựu trung, qua những lời phát biểu trên đây, Tổng thống Trump đã cổ súy cho một quan niệm về tự do của riêng ông. Với ông, tự do có nghĩa là có quyền không màng đến những qui định được thiết lập vì công ích hay đúng hơn quyền không quan tâm đến người khác (3).
Với một quan niệm như thế về tự do thì đương nhiên những ý niệm như vị tha, đồng cảm, cảm thông... sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không ngạc nhiên tại sao một quốc gia giàu có, với một đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ lại đứng đầu thế giới về con số bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Hoa Kỳ quả là một quốc gia có nhiều điều kỳ lạ, khó hiểu đối với tôi. Mới đây, có một bản tin "lạ" xem ra ít được chú ý tới. Đó là việc chính Tổng thống Trump công bố một tuần lễ gọi là "Tuần Lễ Nhân Cách" kéo dài từ ngày 15 đến 23 tháng Mười vừa qua. Ngay từ lời mở đầu, Tổng thống Trump đề cao đạo đức, trách nhiệm cá nhân, sự liêm chính và những đức tính khác làm nên tinh thần độc nhứt vô nhị của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông đề cao sự tử tế và những hy sinh vô vị lợi. Ông kêu gọi : "Chúng ta phải quyết tâm xây dựng cuộc sống của chúng ta và của các cộng đồng trên nền tảng của đạo đức để mang lại sức mạnh cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho các cộng đồng của chúng ta và Đất Nước chúng ta".
Trong tuyên ngôn, ông vinh danh rất nhiều thành phần trong xã hội, cách riêng các nhân viên y tế và binh sĩ. Ông nói đến gương cảm thông cần có trong các gia đình. Ông nhấn mạnh đến việc dạy dỗ về đức hạnh trong trường học.
Tổng thống Mỹ kêu gọi : "Trong suốt tuần lễ này, chúng ta cam kết phải tử tế hơn, yêu thương hơn, cảm thông hơn và đức hạnh hơn" (4).
Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi đọc những lời kêu gọi trên đây. Có khôi hài và mỉa mai không khi một người không có một nguyên tắc đạo đức nào lại lên giọng kêu gọi xây dựng nhân cách, thực hành những nguyên tắc đạo đức và sống cảm thông và tử tế ? Nếu không có chữ ký của Tổng thống Trump ở cuối bản tuyên ngôn, tôi nghĩ sẽ chỉ có Đức Đạt Lai Lạt Ma hay một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó mới có đủ sự lương thiện để dám thốt lên những lời như thế.
Tôi tự hỏi, nếu ông thực sự muốn nói lên những lời lẽ chân thành trên đây, tại sao ông lại không thể tỏ ra một chút gì sự cảm thông hay chia sẻ nỗi đau đớn của các nạn nhân của đại dịch và gia đình của họ. Nhiều tháng qua, hình ảnh và tin tức liên quan tới ông tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, thế nhưng tôi chưa thấy được một giây phút nào của tình người, của "máu chảy ruột mềm" nơi ông.
Học làm người, học những điều mà Tổng thống Trump gởi tới người dân trong "tuần lễ nhân cách" đòi hỏi không chỉ một tuần trong năm mà cả một đời người để học. Đại dịch Covid-19 nhắc nhở tôi điều đó mỗi khi thấy con số nạn nhân tăng lên.
Dẫu là "siêu nhân" thì hẳn cũng phải là người !
Chu Văn
(28/10/2020)
Chú thích :
2.https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-path-well-being/202010/coronavirus-and-the-wisdom-others.
Tổng thống Trump đã viếng thăm nhà thờ St. John’s Episcopal Church gần Nhà Trắng vào ngày đầu tháng 6. Trước khi ông tới nhà thờ, cảnh sát liên bang đã dùng đạn cao su, lựu đạn chống biểu tình và hơi cay để giải tán một đám đông biểu tình ôn hòa ở công viên Lafayette Square giữa Nhà Trắng và nhà thờ để dọn đường cho ông Trump.
Giám mục Episcopal Mariann Budde của giáo phận Washington cho biết bà không nhận được thông báo nào về cuộc thăm viếng bất ngờ này và không đồng ý về cách xua đuổi những người biểu tình ôn hòa và cách bảo vệ an ninh cho Tổng thống Trump xuất hiện. Chính quyền sử dụng một trong những nhà thờ của Episcopal Church chỉ như một phương tiện dàn dựng để tuyên truyền.
Giám mục Budde tuyên bố :"Tất cả những gì Tổng thống nói và làm chỉ để khích động bạo lực. Tôi không thể hiểu được. Chúng ta cần một lãnh đạo tinh thần, và ông ta làm mọi thứ để chia rẽ chúng ta, và ông ta đã sử dụng một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của truyền thống Thiên Chúa – Do Thái giáo… Không ai biết việc này xẩy ra. Tôi không muốn Tổng thống Trump nói thay cho nhà thờ St. John. Chúng tôi muốn tách biệt khỏi những thông điệp của tổng thống này".
Giám mục Budde cho biết thêm rằng khoảng hơn 10 thành viên mục vụ của nhà thờ đã có mặt tại Lafayette Square hôm nay để ủng hộ những người biểu tình chống lại việc cảnh sát giết George Floyd và đòi hỏi công lý.
Mục sư Gini Gerbasi có mặt tại St. John’s Church hôm thứ Hai đầu tuần khi Tổng thống cho phép giải tán đám biểu tình ôn hòa. Bà mô tả chuyện đã xẩy ra ở nhà thờ ngày hôm đó như sau :
"Chúng tôi bị đẩy ra sân của nhà thờ St John’s – nơi đang bình yên và thảnh thơi đang lo dịch vụ y tế - để Trump có thể có cơ hội chụp hình trước nhà thờ ! Ông ta có thể dẫm lên những thiết bị y tế chúng tôi để lại vì bị hơi ngạt tấn công ! Người ta bị tổn thương để ông ta có thể đứng trước nhà thờ với cuốn Thánh Kinh. Tôi bị xúc phạm sâu xa, nhưng hiện nay tôi thành một lực lượng phải đối phó".
Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Anderson Cooper của CNN, Giám mục Budde nói rằng "Tôi bị xúc phạm. Tổng thống đến nhà thờ St. Johns không để cầu nguyện, mà cũng như ông vừa nói rõ rằng, không công nhận nỗi đau đớn của đất nước chúng ta hiện nay".
Trong một bản tuyên bố, Tổng Giám mục Michael Curry của Dòng Episcopal kết tội Tổng thống Trump đã lợi dụng trụ sở nhà thờ và Kinh Thánh cho mục tiêu chính trị phe đảng. Hành động của ông không giúp gì được cho chúng ta hoặc hàn gắn vết thương trong thời gian đất nước bị thiệt hại và đau đớn. Ông viết tiếp : "Để tưởng nhớ đến George Floyd, vì tất cả những ai bị thiệt hại một cách sai lầm, vì lợi ích của tất cả, chúng ta cần những người lãnh đạo để giúp chúng ta ở trong cùng một quốc gia, dưới sự che chở của Thượng Đế, có tự do và công bằng cho tất cả mọi người".
Mục sư Robert W. Fisher, Giám đốc St. John’s Episcopal Church, nói rằng ông cảm thấy bị tấn công bất ngờ bởi cuộc viếng thăm của Tổng thống. Thông thường, Nhà Trắng báo trước cho nhà thờ ít nhất 30 phút trước khi tổng thống đến. Mục sư Fisher nói : "Chúng tôi muốn nhà thờ St. Johns là một không gian vinh dự, một nơi quý vị có thể nghỉ ngơi. Bị lạm dụng như một phương tiện dàn dựng để tuyên truyền, đã lấy đi tất cả những gì chúng tôi cố gắng làm".
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, là người chỉ trích Tổng thống Trump nhẹ nhàng nhất khi bà nói những gì đã xẩy ra vào ngày 1/6/2020 là "bất hạnh" và việc giơ cuốn Thánh Kinh lên để chụp hình không phải là cách hay nhất để sử dụng cuốn sách này.
Tổng thống Trump luôn luôn nhắm vào lá phiếu của người Mỹ da trắng chiếm 72,4% dân số trên toàn quốc và 69,8% người theo Thiên Chúa giáo bao gồm Tin lành, Công giáo, Mormon và các dòng Thiên Chúa giáo khác, đặc biệt là Thiên Chúa giáo Phúc Âm bảo thủ (evangelical). Cuộc viếng thăm chớp nhoáng bên ngoài nhà thờ St John chỉ để chụp hình là một hành động tranh cử ấu trĩ, kệch cỡm và vụng về. Đối với Tổng thống Trump, Thiên Chúa và Thánh Kinh chỉ giản dị là phương tiện tranh cử. Ông Trump có thể nghĩ rằng một nước Mỹ chia rẽ sẽ có lợi cho cá nhân ông ta khi mà ông ta có thể lôi 70% dân số Hoa Kỳ về phía mình.
Hầu hết mọi người đều biết Tổng thống Trump ít khi nào đi lễ nhà thờ. Cầm Thánh Kinh đứng trước nhà thờ St John’s không bịp được ai cả. Giáo hoàng Francis từng chỉ trích bức tường biên giới Mexico của ông Trump. Ngài nói : "Tôi chỉ muốn nói rằng nhân vật này không phải là người Thiên Chúa giáo nếu ông ta nói như vậy. Một người chỉ nghĩ về xây bức tường ở bất cứ chỗ nào thay vì xây cầu, không phải là người Thiên Chúa giáo".
Giám mục Greg Brewer thuộc giáo phận Episcopal ở Central Florida nói rằng ông sửng sốt khi thấy những người biểu tình ôn hòa tại công viên Lafayette bị tấn công bằng hơi ngạt để dọn đường cho tổng thống có cơ hội chụp hình trước St. John’s Episcopal Church tay cầm cuốn Thánh kinh.
Hành động này vi phạm quyền biểu tình của công chúng được hiến pháp bảo vệ. Nghị sĩ Ben Sasse (Cộng hòa, Nebraska) tuyên bố : "Không có quyền phá rối trật tự công cộng. Nhưng có quyền biểu tình theo hiến định, và tôi chống việc giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa để có cơ hội chụp hình, biến những lời răn dậy của Thượng Đế thành một phương tiện dàn dựng để tuyên truyền chính trị".
Cùng đi đến nhà thờ St. Johns với Tổng thống Trump còn có một số phụ tá như cố vấn an ninh quốc gia như Robert O’Brien, Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr, Cố vấn cao cấp – con rể Jared Kushner, Tham mưu trưởng Mark Meadows, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và thư ký báo chí Kayleigh McEnany. Tổng thống và đoàn tùy tùng đứng ở trước nhà thờ vài phút để chụp hình rồi quay trở về Nhà Trắng.
Theo một nguồn tin từ Nhà Trắng mà CNN thu thập được, sau khi báo chí loan tin ông phải xuống hầm của Nhà Trắng trú ẩn trong ngày Chủ Nhật 31/5/2020 vì có biểu tình trước Nhà Trắng. Tin này lộ ra ngoài làm ông tức giận. Do đó Tổng thống Trump muốn bước ra ngoài cổng Nhà Trắng để tẩy xóa hình ảnh xấu xí của hôm trước.
Giám mục Budde cho biết "Tổng thống Trump không phải là người cầu nguyện vào sáng Chủ Nhật. Chúng ta đều biết như thế. Ông không phải là người đi lễ tại St. John’s thường xuyên hay bất cứ nhà thờ nào khác trong giáo phận của chúng tôi".
Theo Pew Research Center, 49% thành viên của Episcopal Church là Dân chủ hay ngả theo Dân chủ và 39% theo Cộng hòa hay thiên về Cộng hòa. Tuy nhiên chính sách của Episcopal Church là ủng hộ quyền phá thai, định cư dân tị nạn, mở rộng chương trình y tế và một số vấn đề khác trái với chủ trương của Tổng thống Trump.
Nhà thờ St Johns bị thiệt hại nhẹ vì một vài cá nhân lợi dụng lúc rối loạn phá hoại trong khi đa số biểu tình ở công viên Lafayette ở sát bên. Nhà thờ St John’s được xây vào 1815 và hoàn tất vào 1816. Kể từ đó đến nay tất cả các tổng thống đang tại chức đều đến nhà thờ này ít nhất một lần, bắt đầu với James Madison vì gần với Dinh tổng thống. Do đó St John’s còn được gọi là Nhà thờ của Tổng thống.
Vào ngày thứ Ba, 02/06, vợ chồng Tổng thống Trump đã viếng thăm một cơ sở tôn giáo khác là Saint John Paul II National Shrine cũng tại Washington-DC. Đây chủ yếu cũng chỉ là một cơ hội chụp hình tranh cử. Tổng Giám mục Wilton Gregory thuộc giáo phận Washington đã lên tiếng đả kích kịch liệt cuộc thăm viếng này. Ngài tuyên bố : "Tôi cảm thấy khó hiểu và đáng khiển trách rằng một cơ sở Công giáo tự cho phép bị lạm dụng và thao túng một cách đáng kể, đồng thời vi phạm những nguyên tắc tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ quyền của tất cả mọi người, kể cả những ai chúng ta không đồng ý".
Tổng Giám mục Gregory còn nói : "St. John Paul II không tha thứ việc dùng hơi cay và những phương tiện khác để bịt miệng, giải tán hay hăm dọa những người biểu tình để có cơ hội chụp hình trước nơi thờ phượng và yên bình".
Ông Stephen Schneck, Giám đốc của Franciscan Action Network nói với nhật báo National Catholic Reporter (NCR) rằng : "Thật là tuyệt đối không thích hợp để tổng thống Hoa Kỳ sử dụng cơ sở Công giáo như đền thờ để chụp hình tranh cử. Chúng tôi cần phải nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ muốn giữ khoảng cách đối với một người không đại diện cho bất cứ điều gì mà giáo hội của chúng tôi đại diện".
Ông Scheck cho biết khoảng 2.000 người đã biểu tình trước đền thờ St. John Paul II. Nữ tu sĩ Marie Lucey nói với NCR rằng cô "đau đớn" vì cuộc viếng thăm của Tổng thống Trump : "St. John Paul II nói rằng kỳ thị chủng tộc là tội lỗi. Và chúng tôi tin rằng tổng thống khuyến khích những chính sách kỳ thị sắc tộc. Chúng tôi có mặt ở nơi đây để nói rằng Mạng Sống Của Người Da Đen Quan Trọng ; chúng tôi có mặt ở đây để nói rằng ngoại trừ có sự thay đổi, đất nước của chúng ta sẽ bị hủy diệt".
Nữ tu sĩ Maggie Conley, một thành viên của Sisters of Mercy of the Americas nói rằng "Là người Công giáo, chúng tôi muốn tiếng nói của chúng tôi chắc chắn được nghe, chúng tôi không đồng ý với những chính sách của Tổng thống Trump và mạng sống của người da đen quan trọng đối với cộng đồng Công giáo".
Linh mục James Martin, SJ viết trên Twitter : "Tôi muốn rõ ràng. Điều này gây phẫn nộ. Kinh Thánh không phải là phương tiện dàn dựng để đánh bóng. Nhà thờ không phải là nơi để chụp hình quảng cáo. Tôn giáo không phải là công cụ chính trị. Thượng Đế không phải là đồ chơi".
Giáo hoàng Francis nói chuyện với cử tọa người Mỹ hôm 4/6/2020 rằng ngài theo dõi với nhiều quan ngại về tình trạng bất ổn tại Mỹ trong mấy ngày vừa qua sau cái chết của ông George Floyd.
Giáo hoàng Francis nói : "Chào các bạn, chúng ta không thể tha thứ hoặc nhắm mắt trước nạn kỳ thị sắc tộc và loại trừ dưới bất cứ hình thức nào và lại nói là bảo vệ sự thiêng liêng của mọi mạng sống con người. Trong khi đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng bạo lực trong những đêm vừa qua là tự hủy diệt và tự thất bại. Bạo lực không đem lại ích lợi và nhiều thứ sẽ bị mất đi".
Nguyễn Quốc Khải
(04/06/2020)
Tham khảo :
1. Martin Bashir, "George Floyd death : Trump’s church visit shocks religious leaders", BBC, June 2, 2020.
2. Tommy Beer, "Before Trump’s photo op, police forcibly removed priest from church ground", Forbes, January 2, 2020.
3. Michelle Boorstein, Sarah Pulliam Bailey, "Episcopal bishop on president Trump : ‘everything he has said and done is to inflame violence’", Washington Post, June 1, 2020.
4. Michelle Boorstein, Sarah Pulliam Bailey, "’I Find it baffing and reprehensive’ : Catholic archbishop of Washington slams Trump’s visit to John Paul II shrine", Washington Post, June 2, 2020.
5. Justine Coleman, "Priest among those police cleared from St. John’s Church patio for Trump visit", The Hill, June 2, 2020.
6. Michael Crowley, Elizabeth Dias, "Trump’s visit to church and shrine draw fierce rebukes from D.C. clergy", The New York Times.
7. Scott Detrow, "’He thinks division helps him’ : Biden condemns Trump’s protest response", NPR, June 2, 2020.
8. Tal Kopan, "Pelosi, bishop blast Trump’s Bible visit to church after protesters pushed out of park", San Francisco Chronicle, June 2, 2020.
9. Paul LeBlanc, "Bishop at DC church outraged by Trump visit : ‘I just can’t believe what my eyes have seen’", CNN, June 2, 2020.
10. Joshua J. McElwee, "Francis express concern about ‘disturbing social unrest’ in the U.S"., National Catholic Reporter, June 3, 2020.
11. Sarah Salvadore, "Catholic activists protest Trump’s visit to St. John Paul II shrine", National Catholic Reporter, June 2, 2020.
12. Justine Vallejo, "Trump’s visit today to chapel is ‘baffling and reprehensive’, say catholic bishop", The Independent, June 2, 2020.
Cho tới nay nước Mỹ vẫn vững vàng sau những sai lầm lớn vì quá giầu mạnh, tương tự như một võ sĩ dở nhưng quá khỏe nên vẫn chịu được đòn và sau cùng vẫn thắng. Thế giới chứ không phải Mỹ gánh chịu hậu quả. Nhưng thế giới đã thay đổi.
Ai cũng biết Donald Trump có tội nhưng ai cũng biết trước là ông sẽ được trắng án vì Đảng Cộng Hòa có đa số trong Thượng Viện. Ảnh minh họa một phiên xử luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng Viện Mỹ
Nước Mỹ bắt đầu một năm mới và một thập niên mới với vụ án Donald Trump. Đây là lần thứ ba trong lịch sử mà Thượng Viện Mỹ biến thành tòa án để xét xử tổng thống và truất phế nếu thấy có tội. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên mà một tổng thống Mỹ bị xử án ngay trong nhiệm kỳ đầu. Một biến cố lịch sử đặc biệt quan trọng đồng thời cũng là một trò hề vì công lý hoàn toàn vắng mặt. Các thẩm phán, chính xác là các thượng nghị sĩ đảm nhiệm vai trò bồi thẩm, không xét xử theo luật pháp và lương tâm mà theo thẻ đảng. Ai cũng biết Donald Trump có tội nhưng ai cũng biết trước là ông sẽ được trắng án vì Đảng Cộng Hòa có đa số trong Thượng Viện.
Tóm lược : Donald Trump bị truy tố vì lạm dụng chức vụ tổng thống cho lợi ích cá nhân, khi buộc tổng thống Zelensky của Ukraine phải bôi bẩn cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, nếu muốn có hỏa tiễn chống xe tăng Javelin và được tháo khoán số tiền viện trợ 391 triệu USD mà Ukraine đang rất cần để đương đầu với cuộc xâm lăng từ Nga. Đây là một tội nghiêm trọng mà chính các cộng sự viên của Trump đã xác nhận. Môt tội khác của Trump là đã cản trở mọi cuộc điều tra của quốc hội về những hành động của ông, điều mà quốc hội có quyền và ông không được chống lại. Donald Trump không cung cấp tài liệu nào mà còn cấm các cộng sự viên hợp tác với quốc hội. Đây cũng là một vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng. Dầu vậy Donald Trump có bị coi là có tội và bị truất phế hay không là do Thượng Viện Hoa Kỳ biểu quyết với đa số 66/100 và chắc chắn ông sẽ được biểu quyết Not Guilty, nghĩa là vô tội. Không những thế số phiếu bênh vực Donald Trump có thể còn lớn hơn số phiếu buộc tội ông bởi vì Đảng Cộng Hòa đang có đa số 53/47 tại Thượng Viện và các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đều đã cho biết trước là họ sẽ ủng hộ Trump. Như vậy Donald Trump không những sẽ không bị truất phế mà còn được một cơ hội để khoe khoang chiến thắng, điều mà ông đã bắt đầu làm.
Sự nhảm nhí ở đây là "thể thức dân chủ". Có tội hay không có tội là tùy ở một biểu quyết phe phái chứ không phải vì đã thực sự làm đúng hay sai.
Luật pháp, lẽ phải và danh dự
Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa có đáng bị lên án vì đã biểu quyết trái với sự thực và lẽ phải không ? Chắc chắn là có bởi vì họ thừa biết là Trump có tội. Điển hình là trường hợp của thượng nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch ủy ban pháp lý Thượng Viện. Ông này tuyên bố một cách lúng túng rằng "theo tổng thống Trump thì ông ấy không có tội". Lindsey Graham cũng chính là người từng hùng hồn buộc tội và đòi truất phế Bill Clinton cách đây 20 năm vì tội trai gái trong Nhà Trắng, một tội tuy đáng khinh và lên án nhưng vẫn nhẹ hơn nhiều so với Donald Trump. Tuy vậy các thượng nghị sĩ dân chủ cũng không đủ tư cách để lên án và khinh thường các đồng viện Cộng Hòa vì họ cũng đã biểu quyết bênh vực Bill Clinton.
Tại sao Donald Trump lại từ chối cung cấp các tài liệu mà Hạ Viện đòi hỏi và không những thế còn cấm các cộng sự viên điều trần trước Hạ Viện ? Chắc chắn là vì sự thực không có lợi cho ông, nhưng tại sao Trump có thể ngang ngược như vậy dù Hạ Viện theo luật pháp và hiến pháp có quyền đòi hỏi các tài liệu và triệu tập các nhân chứng ? Lý do là vì luật pháp Mỹ tuy quy định các quyền của Quốc hội nhưng lại không quy định các biện pháp trừng phạt nếu tổng thống không tôn trọng những quyền này. Luật pháp của Mỹ, và của các nước Anglo - Saxon nói chung, là luật pháp thực nghiệm không rõ ràng như luật pháp thành văn ; nó dựa trên giả thuyết là những người lãnh đạo nói chung –chưa nói tổng thống- đều là những người lương thiện và có danh dự tối thiểu và các thẩm phán đều xét xử theo luật pháp và lương tâm. Nhưng Donald Trump không lương thiện và các thượng nghị sĩ Mỹ đóng vai trò thẩm phán trong trường hợp này cũng không xét xử theo luật pháp và lương tâm mà theo thẻ đảng. Họ thừa biết Trump có tội nhưng họ vẫn biểu quyết Trump vô tội.
Hạ Viện có thể làm gì được Trump ? Cùng lắm là kiện lên Pháp Viện Tối Cao nhưng chính Pháp Viện Tối Cao ngày nay cũng đã xuống cấp. Có mọi triển vọng nó cũng sẽ biểu quyết theo phe phái và phe hữu khuynh ủng hộ Trump đang chiếm đa số. Hơn nữa thủ tục này đòi hỏi nhiều thời giờ trong khi cuộc bầu cử tổng thống đã gần kề. Bế tắc.
Câu hỏi quan trọng nhất và giải thích sự bế tắc này là tại sao các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa lại phải ủng hộ Donald Trump đến độ bất chấp luật pháp, lẽ phải và danh dự như vậy ? Đó là vì Trump đã tranh thủ được một số cử tri nòng cốt -khoảng 20% cử tri Mỹ- ủng hộ ông một cách cuồng nhiệt và phần lớn sẽ tẩy chay các ứng cử viên bị coi là chống Trump. Chống Trump tương đương với chấp nhận thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới và các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa trước hết nghĩ đến cái ghế của họ, không khác các đối thủ Dân Chủ của họ. Đạo đức không còn trong chính trị Mỹ.
Tại sao Donald Trump ?
Trump đã làm gì để có được khối cử tri không điều kiện này ? Câu trả lời khó tưởng tượng nhưng đúng lả ông ta đã nói bậy và làm bậy một cách thẳng thừng và vì thế đã thu hút được cả một khối đông đảo người Mỹ đang cuồng nộ vì cảm thấy bị bỏ rơi và khinh thường. Không một nước nào đã thay đổi về tâm lý và cấu trúc nhân xã (social fabric) bằng Hoa Kỳ trong 40 năm qua với cuộc cách mạng vi tính và tự động, nhất là sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) chiếm vị thế độc tôn.
Phong trào toàn cầu hóa và sự chuyển dịch công nghiệp sản xuất sang các nước đang phát triển đã gạt một số đông người ra ngoài lề xã hội. Không phải vì họ lâm vào cảnh thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ rất thấp, chưa tới mức 5% được coi là lành mạnh trong một nước bình thường. Họ có thể tìm được việc làm một cách tương đối dễ dàng nhưng công việc không bền vững và không được đánh giá cao, tạo cho họ mặc cảm là những người thua kém và không cần thiết.
Sự ngạo mạn không kềm chế của chủ nghĩa phóng khoáng cũng đã đồng hóa chính trị với tài chính, biến đồng tiền thành giá trị cao nhất, khuyến khích sự tranh giành triệt để và chia rẽ xã hội thành hai loại người, một bên thành công hãnh tiến và một bên thất bại lầm lũi. Trong vòng 40 năm tài sản của nhóm 1% những người giầu nhất đã gia tăng 21.000 tỷ USD trong khi tài sản của khối 50% những người ở "nửa dưới" đã giảm 900 tỷ USD và chênh lệch giầu nghèo vẫn tiếp tục tăng lên. Những người thất bại lầm lũi đó, phần lớn là những người được gọi là "da trắng ít học" (non college whites), chiếm thành phần chủ yếu những người ủng hộ Trump. Họ cảm thấy mất nước ngay trên quê hương mà ông cha họ đã tạo dựng ra. Tôn giáo của họ cũng dần dần biến thành niềm tin lạc hậu của một thiểu số, các giáo đường ngày xưa chật ních bây giờ vắng dần. Và họ cũng không thể tranh cãi để thuyết phục được ai vì không có kiến thức và cũng không có tiền trong một xã hội mà tiền đồng nghĩa với lý. Trump đã là cứu tinh của họ.
Đúng là Trump đã nói bậy và làm bậy.
Ông ta phát ngôn bừa bãi, bất chấp sự kiện và lý luận, nói dối hoặc nói sai sự thực hơn 15.000 lần trong ba năm, chửi các đối thủ chính trị bằng ngôn ngữ hạ cấp thay vì tranh luận, nói người Kurd, đồng minh Mỹ, là khủng bố hơn cả ISIS, gọi các nước nghèo ở Nam Mỹ là các hố phân v.v. Trong các phát biểu Trump chỉ khẳng định bằng những tính từ dao to búa lớn, như tuyệt vời (wonderful), vĩ đại (tremendous), ngoại hoạng (exceptional), chưa từng có (unprecedented, never before) v.v. chứ không trình bày và phân tích. Đây là một đặc tính của những người thiếu văn hóa. Mỗi tính từ đều là một kết luận và những người thiếu văn hóa đi tới kết luận bằng cảm xúc chứ không qua suy nghĩ và lý luận nên họ không thể trình bày. Có lẽ chính vì thế mà Trump được những người da trắng ít học nhiệt tình ủng hộ. Ông giống họ và cùng trình độ với họ ; sự kiện ông đắc cử tổng thống khiến họ lấy lại được tự tin và giải tỏa cho họ mặc cảm thua kém. Trump cũng có khiếu mỵ dân khi lấy những thái độ như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính mà trong thâm tâm một người sống trác táng như ông chắc là không quan tâm. Sau cùng lý do quan trọng nhất khiến Trump tranh thủ được thành phần da trắng ít học là ngôn ngữ kỳ thị đối với những người di dân da mầu, nó gián tiếp bày tỏ niềm tin rằng người da trắng là một chủng loại tinh anh, lý do tự hào duy nhất còn lại của họ.
Không thể kể hết những thiệt hại Trump gây ra cho nước Mỹ và thế giới vì làm bậy. Ông đã làm tê liệt liên minh các nước dân chủ vào giữa lúc phải đương đầu với mối nguy Trung Quốc, một nước lớn đang mạnh lên và công khai phơi bày giấc mộng làm bá chủ thế giới nhưng vẫn ngoan cố duy trì chủ nghĩa toàn trị và trắng trợn chà đạp nhân quyền. Trump đã khiến gần hết khối Hồi giáo Trung Đông trở thành thù địch với nước Mỹ, nhất là Iraq mà Mỹ đã tốn rất nhiều tiền của và sinh mệnh để tranh thủ làm một đồng minh.
Nước Mỹ chưa bao giờ bị cô lập như bây giờ, ngay cả với những đồng minh truyền thống và cũng chưa bao giờ chia rẽ nội bộ thành hai phe thù ghét nhau như bây giờ, gần như một tình trạng nội chiến. Mỹ yếu đi đến nỗi không giải quyết nổi số phận của chế độ Muduro đã hoàn toàn phá sản tại Venezuela. Từ chỗ là biểu tượng đẹp của thế giới dân chủ hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới hiện nay còn xấu hơn cả Trung Quốc. Nhưng cũng chính vì thế mà Trump được lòng thành phần hữu khuynh tự coi là bị hắt hủi. Mỹ bị cô lập càng tốt vì đó chính là điều họ muốn, Mỹ yếu đi cũng không sao vì không còn là đất nước của họ nữa, họ muốn một nước Mỹ của riêng họ.
Căn bệnh mang tên "chủ nghĩa thực tiễn"
Tuy vậy Donald Trump chỉ là triệu chứng chứ không phải là căn bệnh. Nước Mỹ đã bệnh hoạn từ lâu rồi. Từ gần 30 năm qua, chính xác là từ năm 1992, Mỹ đã chỉ có những tổng thống tồi dở, khai thác và lợi dụng dân trí thấp thay vì cố gắng nâng cao.
Bill Clinton, một thanh niên bệ rạc trốn lính, với chủ trương chỉ làm kinh tế (economy, stupid) đã bỏ các biện pháp trừng phạt Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn, mở thị trường Mỹ và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc mạnh lên chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba đang tàn phá các chế độ cộng sản. Bill Clinton sau cùng góp phần quyết định gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2001 và 2008, một kỷ lục đối với một người chủ trương chỉ làm kinh tế. George W. Bush tuy lương thiện nhưng là một con số không về chính trị, chỉ được bầu nhờ uy tín của cha. Barack Obama đã là một đại họa. Quyết định rút quân hấp tấp khỏi Iraq của ông (vào lúc mà tình hình đã ổn định và Mỹ đã thắng dù sau khi phải trả giá rất đắt) đã khai sinh ra lực lương ISIS khiến vùng Trung Đông chìm trong khói lửa, làm hơn 400.000 người chết và hơn ba triệu người phải di tản. Obama nhát như thỏ, không dám tấn công chế độ Bachar al Assad như đã cam kết khi chế độ này dùng vũ khi hóa học để tàn sát dân chúng nổi dậy, cũng không dám can thiệp khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Scarborough của Philippines dù Philippines và Mỹ có liên minh quân sự, vì vậy mà sau đó Philippines sáp lại với Trung Quốc.
Trong gần 30 năm qua người Mỹ đã được chọn lựa tổng thống giữa một người giỏi và một người dở -giữa Bush Cha và Clinton, giữa Al Gore và Bush Con, giữa McCain và Obama- và họ luôn luôn chọn người dở. Sau cùng chính trị Mỹ đã xuống cấp đến nỗi họ chỉ còn chọn lựa giữa hai người tồi dở Hillary Clinton và Donald Trump.
Trump xét cho cùng đã chỉ phơi bày một cách rõ nét những tật nguyền có sẵn của nước Mỹ.
Trước hết người Mỹ, ngay cả các chính trị gia Mỹ, rất ít quan tâm đến thế giới. Guồng máy nhà nước, đặc biệt là cơ quan trung ương tình báo CIA, có nhiều chuyên viên giỏi nhưng các chính trị gia, những người lấy quyết định, lại hiểu biết rất ít về thế giới. Đó là một mâu thuẫn đặc biệt của nước Mỹ : một bộ máy nhà nước mạnh và tốt điều khiển bởi các cấp lãnh đạo tồi dở. Và vì địa lý, nhất là địa lý nhân văn, là cốt lõi của chính trị nên kiến thức chính trị của họ cũng rất sơ sài. Geoge W. Bush lúc ra ứng cử tổng thống không biết tổng thống Pakistan là ai dù tình hình Pakistan lúc đó đang rất sôi động và Pakistan là một đồng minh chiến lược của Mỹ. Quá phân nửa thượng nghị sĩ Mỹ không có hộ chiếu vì không bao giờ ra nước ngoài. Sự yếu kém về văn hóa chính trị này khiến nước Mỹ đã phạm những sai lầm rất lớn. Phần trên bài này đã đưa một số thí dụ. Một thí dụ khác là cho tới bây giờ Mỹ chỉ coi các nước Châu Mỹ La Tinh như là một sân sau để cho các công ty Mỹ mặc tình khai thác.
Sự thiếu hiểu biết về thế giới và chính trị nói chung của người Mỹ và các cấp lãnh đạo chính trị có một nguyên nhân : người Mỹ rất thực tiễn. Đây là một điểm tế nhị cần được nhìn một cách điềm tĩnh. Người Mỹ đáng quý ở chỗ họ thực thà, thông minh và cần mẫn nhưng họ quá thực tiễn. Họ quan tâm trước hết tới những gì có lợi, nghĩa là có tiền, ngay tức khắc trong khi địa lý cũng như tư tưởng chính trị không đem lại lợi nhuận nhanh chóng. Thực tiễn là một tính tốt và có lợi nhưng nếu đẩy xa quá thì dễ đồng nghĩa với ích kỷ và thiển cận, và thực tế là chủ nghĩa thực tiễn của người Mỹ đã được đẩy đi hơi xa, nếu không muốn nói là quá xa. Phối hợp với sự thiếu hiểu biết về thế giới nó trở thành một mối nguy cho thế giới và chính nước Mỹ.
Năm 1945 chính quyền Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật, mở đầu một kỷ nguyên vũ khí nguyên tử trong đó loài người có thể bị tiêu diệt, chỉ để chấm dứt sớm hơn một cuộc chiến mà kết quả đã hoàn toàn chắc chắn. Cho đến nay chưa thấy chính trị gia Mỹ nào tỏ ý hối tiếc quyết định "thực tiễn" kinh khủng này. Riêng tổng thống Harry Truman thì đến lúc chết vẫn tin rằng mình hoàn toàn đúng. Trước đó tại Yalta, nếu Franklin Roosevelt cứng rắn hơn trước một nước Nga đã kiệt lực vì chiến tranh thì Đông Âu, hay ít nhất Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước Baltic, đã không bị nộp cho Stalin, phong trào cộng sản đã không bùng lên mạnh mẽ và có lẽ Trung Quốc cũng không bị cộng sản hóa. Cũng chỉ đã có các chính trị gia Châu Âu phiền lòng vì nhượng bộ không cần thiết này.
Năm 1973 Mỹ ký hiệp định Paris và quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa dù chế độ cộng sản Hà Nội đã kiệt quệ. Cựu ngoại trưởng John Kerry không phải là người duy nhất nói rằng tuy vào năm 1973 tình hình Việt Nam đã thuận lợi nhưng vào lúc đó người Mỹ đã lấy quyết định rồi. Cũng tương tự như Obama đã làm tại Iraq sau này. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa không chỉ là một thảm kịch cho miền Nam Việt Nam mà còn kéo theo hàng loạt các nước Lào, Campuchia, Angola, Afghanistan, Nicaragua vào quỹ đạo cộng sản và làm cả thế giới dân chủ chao đảo và hoảng hốt. Cũng vì chủ nghĩa thực tiễn mà Bill Clinton đã giúp Trung Quốc mạnh lên và chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba.
Chủ nghĩa thực tiễn trên quy mô quốc gia là một thảm kịch cho thế giới và nó cũng khiến chính trị Mỹ trở thành tồi tệ. Người dân, ngoài những tiêu chuẩn hời hợt như trẻ đẹp và duyên dáng, chỉ bầu tổng thống theo tình hình kinh tế trước mắt, nhiều khi chỉ là một tình trạng tạm thời của chu kỳ kinh tế không liên quan đến hành động của tổng thống ; một người như Bill Clinton cũng có thể đánh bại được một tổng thống tài ba như Bush Cha vì tình hình kinh tế đang khó khăn. Các nghị sĩ và dân biểu, Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, cũng vì chủ nghĩa thực tiễn mà nghĩ tới cái ghế của mình trước hết và chạy theo thay vì hướng dẫn dư luận. Họ kiếm phiếu thay vì chống lại cái sai và phục vụ cái đúng cho nước Mỹ.
Chủ nghĩa thực tiễn về bản chất không có gì là sâu sắc. Nó chỉ là một cách hành động giản dị và ngắn hạn, nhưng ngày nay các vấn đề của thế giới và mọi quốc gia đã trở thành phức tạp, sự giản dị không chấp nhận được nữa. Một thí dụ là chính trường hợp Donald Trump. Ông Trump huênh hoang là đã thành công vì đã làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn gần 3% mỗi năm trong ba năm liền (2,5% năm 2017, 2,9% năm 2018, 2,3% năm 2019) và nhiều người tin ông. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực không giản dị như vậy. Theo chính những số liệu này thì trong ba năm kinh tế Mỹ đã tăng trưởng gần 8%. Với một GDP sấp sỉ 20.000 tỷ USD điều này có nghĩa là nước Mỹ đã giầu thêm thêm 1.600 tỷ USD. Trong cùng ba năm đó khối nợ công đã tăng lên gần 3.000 tỷ USD, như vậy thực ra kinh tế Mỹ đã sút giảm chứ không tăng trưởng. Điều khác biệt là khối tăng trưởng 1.600 tỷ USD có tác dụng ngay tức khắc trong khi khối nợ thêm 3.000 tỷ USD là một gánh nặng cho mai sau.
Cho tới nay nước Mỹ vẫn vững vàng sau những sai lầm lớn vì quá giầu mạnh, tương tự như một võ sĩ dở nhưng quá khỏe nên vẫn chịu được đòn và sau cùng vẫn thắng. Thế giới chứ không phải Mỹ gánh chịu hậu quả. Nhưng thế giới đã thay đổi. Sau Thế Chiến II GDP của Mỹ bằng 52% GDP thế giới, ngày nay tỷ lệ này chỉ còn là 25%, trọng lượng kinh tế của Mỹ liên tục giảm, sẽ chỉ còn là 16% kinh tế thế giới vào năm 2030 theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Mỹ vẫn còn mạnh nhất nhưng không còn mạnh đến độ muốn làm gì cũng không sao.
Liệu Mỹ có thể thích nghi với tình huống mới này không ? Câu trả lời là không nếu chính trị Mỹ vẫn như hiện nay. Mỹ chỉ đứng vững nhờ giầu mạnh nhất thế giới chứ không phải là một dân tộc gắn bó, trái lại nó chia rẽ một cách đáng sợ. Trong 50 bang chỉ có sáu (6) bang được gọi là các Swing States nghĩa là các bang có thể bầu theo chương trình và nhân cách của các ứng cử viên, các bang khác hoặc chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa hoặc chỉ bầu cho đảng Dân Chủ bất kể chương trình nào và ứng cử viên nào. Sự chia rẽ này tự nó đã rất bệnh hoạn lại đột ngột gia tăng mức độ hung hăng kể từ khi Trump lên cầm quyền và công khai mạt sát đảng Dân Chủ. Thêm vào đó là sự chênh lệch giầu nghèo ngày càng thách đố và Mỹ lại là nước cho mua bán súng tự do. Tương lai có thể rất nguy hiểm.
Một truyện thuyết mới, nhưng bằng cách nào ?
Xét cho cùng thì việc Donald Trump đắc cử thay vì Hillary Clinton đỡ hại hơn. Ít ra Trump cũng đã là một cảnh báo để nước Mỹ trấn tĩnh lại. Với Hillary Clinton chính trị Mỹ sẽ tiếp tục chìm sâu thêm trong sự giả dối và tầm thường cho đến khi không còn chữa chạy được nữa.
Nhưng chữa chạy như thế nào ?
Hầu như tất cả các nhà tư tưởng có uy tín của Mỹ đều đồng ý trên một điểm : phải thức tỉnh dân Mỹ và khôi phục lại các giá trị đạo đức mà những Người Cha Lập Quốc (Founding Fathers) đã lấy làm nền tảng dựng nước, đồng thời phải dành cho Bình Đẳng một chỗ đứng ngang hàng với Tự Do. Nước Mỹ (cũng như mọi quốc gia trên thế giới nhưng khẩn cấp hơn) đang rất cần một truyện thuyết mới trong đó quốc gia không chỉ được nhìn một cách giản đơn như một thị trường hay một đấu trường mà như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.
Và bằng cách nào ?
Họ cũng đều đồng ý rằng phải phát động một cuộc thảo luận mạnh mẽ về truyện thuyết mới này tại khắp nơi. Họ đã bắt đầu từ vài năm nay rồi và đã nhân lên cố gắng sau thắng lợi của Donald Trump, trong các trường đại học, các viện nghiên cứu và các câu lạc bộ trí thức, cũng như trên các mạng xã hội.
Cho đến nay kết quả của những cố gắng tuy còn khiêm tốn nhưng đã có hiệu quả ngày càng lớn. Các bài thuyết trình rất có giá trị của các nhà tư tưởng đầy uy tín được đưa lên YouTube sau vài năm chỉ được vài chục ngàn lượt coi so với vài triệu, thậm chí vài chục triệu, lượt coi của các bản nhạc và các trận bóng đá trong cùng thời gian. Tuy vậy mức độ quan tâm đang gia tăng nhanh chóng. Patrick Deneen, giáo sư Đại học Notre Dame và một trong những nhà tư tưởng chính trị có uy tín nhất tại Mỹ, mới đây được mời thuyết trình tại Đại học Chicago nhân dịp ra mất cuốn sách Why Liberalism failed (Tại sao chủ nghĩa phóng khoáng đã thất bại) của ông. Gần 200 người đã tham dự. Deneen hài lòng và nhắc lại rằng trước đây khi ông tới phòng họp này để giới thiệu cuốn The odyssey of political theoy (Cuộc phiêu lưu tư tưởng chính trị) chỉ có sáu (6) người tham dự. Kết quả còn khiêm tốn nhưng khích lệ.
Những cố gắng này cũng đã bắt đầu giúp các trí thức chính trị Mỹ nhân diện ra một nguyên nhân quan trọng khác của sự băng hoại của nền chính trị Mỹ : chế độ tổng thống. Chế độ này trút dần nội dung, sau cùng vô hiệu hóa và làm tan nát các chính đảng. Nước Mỹ thực ra không còn chính đảng đúng nghĩa. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thực ra chỉ là hai chợ trời chính trị. Chính vì thế mà đã có những hiện tượng như Bill Clinton và Donald Trump. Các chính đảng đúng nghĩa cần cho một sinh hoạt chính trị lành mạnh bởi vì chúng chính là những môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến chính trị, đồng thời cũng là những lò đào tạo ra nhân sự chính trị cần có. Quan trọng hơn chúng là những cỗ xe chuyên chở tư tưởng và kiến thức chính trị tới quần chúng, vai trò mà các nhà tư tưởng, các trường đại học và các câu lạc bộ không thể đảm nhiệm. Sẽ không có lối thoát cho nước Mỹ nếu chế độ tổng thống vẫn được duy trì nguyên vẹn.
Nước Mỹ không thiếu những người ưu tú để nhận ra những gì cần làm và với tiềm năng bao la nó chỉ có thể khá hơn sau cú sốc Donald Trump để đương đầu với những thử thách mới.
Nguyễn Gia Kiểng
(02/02/2020)
Quẻ bói đầu năm : Canh Tý mang lại may mắn cho Donald Trump (RFI, 25/01/2020)
Thần may mắn sẽ mỉm cười với ông Donald Trump trong năm Canh Tý bắt đầu vào thứ Bảy 25/01/2020. Các thầy tử vi Đài Loan được AFP hỏi chuyện đều dự báo như trên, trong khi họ tỏ ra rất thận trọng về lá số của Harry và Meghan.
Ảnh chụp trước Tử Cấm Thành, Bắc Kinh ngày 27/12/2019. Chú chuột tượng trưng cho năm Canh Tý nay sẽ cô đơn : Tử Cấm Thành bị cấm vào vì dịch virus corona kể từ 23/01/2020. China Daily via Reuters
Tổng thống Mỹ, công tước và nữ công tước Sussex nước Anh đều có một cuối năm Kỷ Hợi đầy sóng gió. Ông Trump bị mở phiên tòa truất phế, còn hoàng tử Harry và vợ vừa cắt đứt mối dây liên hệ với điện Buckingham.
Tuy nhiên, theo các thầy bói toán, trong những tháng tới Donald Trump sẽ khởi sắc. Gao Yulin, một thầy phong thủy ở Đài Loan sau khi tham khảo Kinh Dịch (Yi Jing) đã khẳng định với AFP : "Ông Trump rất vượng khí. Ông có số hưởng, con đường trước mặt rất chắc chắn và êm ả, có thể vượt qua mọi trở ngại".
Người Hoa rất tin ở phong thủy. Tại Hoa lục, Hồng Kông, Đài Loan…người dân thường tuân theo những nguyên tắc này để bài trí đồ vật trong nhà hay nơi làm việc, khi cần phải quyết định điều gì, với hy vọng cơ hội và may mắn đến với mình. Nghệ thuật phong thủy cho rằng mọi sự kiện đều là kết quả một sự phối hợp giữa ngũ hành : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Âm lịch có "thập nhị chi" kết hợp với "thập can" thành 12 tổ hợp gọi là "Lục thập hoa giáp", cứ 60 năm mới quay lại một lần.
Bà Wang Hsin Yi, tiên đoán dựa theo phương pháp thiên văn của Thiên Hậu Thánh Mẫu, tin rằng ông Donald Trump sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai : "Thần Tài sẽ hỗ trợ Trump trong năm 2020, ông có cơ hội rất lớn để thành công".
Tuy nhiên Tsai Shang Chi, một thầy phong thủy khác ở Đài Bắc, tỏ ra thận trọng. Ông cảnh báo : "Cơ hội tái đắc cử của Donald Trump còn lệ thuộc vào vận mệnh các đối thủ của ông ấy".
Nhìn sang nước Anh, hoàng tử Harry và vợ là Meghan vừa chuyển sang cư ngụ tại phía nam Vancouver, Canada, sau khi cuộc chia tay bất ngờ với Hoàng gia Anh. Đối với cặp vợ chồng này, năm Canh Tý phức tạp hơn, theo Wang Hsin Yi.
Bà thầy lo ngại trước khoảng cách giữa họ với Hoàng gia Anh : "Harry và Meghan phải suy nghĩ nhẹ nhàng về mọi sự, giữ an bình để duy trị sự hài hòa trong gia tộc. Việc đứng riêng ra và không đạt được tất cả những gì như mong muốn có thể gây âu lo cho họ".
Còn tại Trung Quốc, Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, gia đình sum họp với những phong bao lì xì đỏ.
Con chuột đứng đầu thập nhị giáp được coi là biểu tượng của sung túc, và cả sự thông minh. Vì theo truyền thuyết, con chuột đã thắng trong cuộc chạy đua do Ngọc Hoàng tổ chức để xếp thứ tự 12 con giáp. Chú chuột ranh mãnh đã thuyết phục con trâu cho phép mình đứng trên lưng để qua sông, rồi nhảy vọt vào phút chót, chạm đích đến.
Năm Tý cũng khởi đầu cho một chu kỳ mới trong âm lịch. Mậu Tý 2008 với Thế vận hội Bắc Kinh là một năm đầy lạc quan cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Tết Canh Tý khởi đầu một cách u ám khi nhiều lễ hội đã bị hủy bỏ, do dịch bệnh từ một virus lạ thuộc dòng corona xuất hiện tại Vũ Hán cách đây một tháng, hiện đang hoành hành.
Canh Tý, năm may mắn cho Donald Trump nhưng là năm xui tháng hạn đối với Tập Cận Bình ?
Thụy My
********************
Khí hậu : Đấu khẩu giữa chính quyền Trump và nữ sinh Greta tại Davos (RFI, 25/01/2020)
Chính quyền Trump và thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg - ngôi sao của phong trào chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một lần nữa lại đối đầu trực tiếp về chủ đề khí hậu. Cuộc chạm trán lần này diễn ra tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, nơi tập hợp giới lãnh đạo thế giới về kinh tế và chính trị, khép lại ngày hôm qua 24/01/2020.
Greta Thunberg, nữ sinh Thụy Điển một đại biểu của phong trào đấu tranh vì khí hậu, bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2020. Reuters/Jonathan Ernst
xTheo AFP, hôm 24/01, đáp trả lời khuyên đầy vẻ chế giễu của bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin, đưa ra hôm trước, kêu gọi cô nên tiếp tục đi học, trên Twitter, thiếu nữ Thụy Điển khẳng định những lời lẽ này "không hề ảnh hưởng gì đến cô", và "không cần phải có bằng đại học" về kinh tế, để hiểu được rằng các nỗ lực cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng cho đến nay là chưa đủ.
Trong một cuộc họp báo cùng ngày, Greta Thunberg đã bày tỏ sự thất vọng đối với Diễn đàn Kinh tế Davos thường niên lần này, đã "hoàn toàn bỏ qua" các yêu sách về khí hậu.
Trên thực tế, ám ảnh khí hậu ngự trị Diễn đàn Davos. Ban tổ chức Davos đã khởi sự một chiến dịch trồng hoặc cứu "1.000 tỉ cây xanh", cho phép hút khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước thềm Davos, tỉ phú Black Rock (tập đoàn quản lý đầu tư được coi là đứng đầu thế giới, với số tài sản ước tính 7.000 tỉ đô la) đã gây ấn tượng, với lời hứa sẽ rút vốn khỏi các công ty, có hơn 25% thu nhập từ nhiệt điện than.
Trong lúc đó, ngược lại, chính quyền Mỹ chọn cách công khai phản bác "tình trạng khẩn cấp về khí hậu".
Trước đó, phái đoàn Mỹ và thủ lĩnh của phong trào của giới trẻ vì khí hậu đã liên tục đưa ra các chỉ trích gián tiếp nhau, kể từ khi Davos khai mạc hôm thứ Ba 21/01/2020. Trong một bài diễn văn hôm thứ Ba bên lề Davos, tổng thống Mỹ Donald Trump lên án "những kẻ tiên tri về những bất hạnh và ngày tận thế" về khí hậu, đồng thời cho biết ông rất muốn gặp Greta Thunberg. Về phần mình, thiếu nữ Thụy Điển nhắc lại nhiều lần những lời lẽ cảnh tỉnh giới tinh hoa chính trị và kinh tế thế giới. Theo cô, đã đến lúc cần khiến cho mọi người phải "hoảng hốt", bởi chính ngôi nhà của chúng ta "đang bốc cháy".
Thủ tướng Đức Angela Merkel, có mặt tại Davos, tuy không trực tiếp nêu tên Greta Thunberg, nhưng khẳng định đứng về phía giới trẻ trong nỗi lo âu về khí hậu. Nhiều nhà hoạt động môi trường cũng có quan điểm tương tự như Greta. Luisa Neubauer, thiếu nữ người Đức 23 tuổi - một gương mặt tiêu biểu khác của giới tranh đấu, có mặt tại Davos – kêu gọi các hành động thiết thực chống lại đà hâm nóng khí hậu, thay vì những tuyên bố đẹp đẽ suông.
Trọng Thành
******************
Trump : Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự cuộc tuần hành của giới chống phá thai (RFI, 25/01/2020)
Trong lúc phiên luận tội phế truất tổng thống đang diễn ra tại Thượng Viện Mỹ, tổng thống Donald Trump có mặt trong "Cuộc tuần hành vì sự sống" của giới chống phá thai, hôm 24/01/2020, tại Washington. Mục tiêu của ông Trump là tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhóm cử tri bảo thủ nhất tại Mỹ, có thái độ kiên quyết cự tuyệt quyền phá thai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước những người biểu tình chống phá thai ở Washington, ngày 24/01/2020. Reuters/Leah Millis
Trước hàng chục nghìn người biểu tình, cách điện Capitol vài trăm thước, ông Donald Trump tuyên bố ông "rất vinh dự" được là tổng thống Mỹ đầu tiên tham gia vào cuộc tuần hành, diễn ra hàng năm, kể từ năm 1973, tức từ khi luật Tòa Án Tối Cao ra quyết định hợp thức hóa quyền phá thai. "Mỗi đứa trẻ là một quà tặng quý giá và thiêng liêng của Chúa", ông nói.
Tổng thống Mỹ vốn là người ủng hộ quyền phá thai, tuy nhiên giờ đây ông Trump tỏ ra là người chống lại quyền này hơn ai hết. Chống phá thai là một tín điều hàng đầu của cánh hữu Thiên Chúa Giáo Mỹ, lực lượng chủ chốt trong giới cử tri ủng hộ ông Trump. Cái đích quan trọng trước mắt là cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, mà Donald Trump hy vọng tái đắc cử.
Trước đám đông những người ủng hộ, Donald Trump nhấn mạnh đến hàng loạt các biện pháp đã được cá nhân ông đưa ra để chống lại quyền phá thai, đặc biệt là việc bổ nhiệm thêm hai thẩm phán đươc coi là cực kỳ bảo thủ vào Tòa Án Tối Cao. Ông Trump hứa hẹn sẽ chống lại mọi quyết định của bên lập pháp nhằm hậu thuẫn quyền phá thai.
Trắc nghiệm tại Louisiana
Trắc nghiệm quan trọng trước mắt là vào tháng 03/2020, khi Tòa Án Tối Cao xem xét một luật, được tiểu bang Louisiana thông qua hồi 2014. Theo giới bảo vệ quyền phá thai, luật - do thế lực chính trị bảo thủ ở tiểu bang miền nam nói trên chủ trì - hạn chế một cách nghiêm ngặt khả năng người dân được tiếp cận với dịch vụ phá thai. Vào tháng 06/2016, trước khi Donald Trump lên nắm quyền, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã bác bỏ một luật tương tự, được tiểu bang Texas thông qua.
Phá thai là một trong các chủ đề gây phân hóa mạnh mẽ nhất trong xã hội Mỹ. Theo một thăm dò dư luận của Reuters-Ipsos năm 2019, 58% người Mỹ ủng hộ quyền phá thai trong đa số các trường hợp.
Trọng Thành
Điều tra kết thúc, nhưng gần 50% người Mỹ vẫn cho rằng Tổng thống Trump thông đồng với Nga (VOA, 27/03/2019)
Gần phân nửa người Mỹ vẫn tin rằng Tổng thống Donald Trump đã làm việc với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos mới được thực hiện sau khi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller kết luận rằng ông Trump không phạm phải tội trạng đó.
Tổng thống Trump vẫy chào khi đến dự một sự kiện của đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol, 26/3/2019
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận Mỹ được công bố hôm 26/3 thì một số người Mỹ có cái nhìn tích cực hơn một chút về ông Trump sau khi biết kết quả của cuộc điều tra kéo dài 22 tháng về cáo buộc là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhưng bản tóm tắt dài 4 trang của Bộ trưởng Tư pháp William Barr về cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller không mấy thay đổi công luận về chuyện tổng thống Trump bị cáo buộc có liên hệ với Nga, và cũng không dập tắt được niềm khát khao trong công chúng, đòi biết thêm thông tin về vụ việc.
Theo bản tóm tắt của ông Barr, được công bố hôm 24/3, ông Mueller không thấy có bằng chứng cho thấy ban vận động tranh cử của ông Trump toa rập với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên văn bản này không dứt khoát tuyên bố ông Trump vô tội trước cáo buộc cản trở điều tra.
Khi được hỏi cụ thể về các cáo buộc về tội thông đồng và cản trở công lý, 48% số người được hỏi nói họ tin rằng "ông Trump hoặc ai đó trong ban vận động tranh cử của ông đã làm việc với Nga để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016", con số này giảm 6 điểm phần trăm so với tuần trước.
33% nói "ông Trump cố tình cản trở các cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền của ông", giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước.
Dư luận bị chia rẽ mạnh mẽ theo đảng phái, với những người của đảng Dân chủ có xu hướng cao hơn người bên đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump đã thông đồng với Nga và cản trở công lý.
Cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện đo lường phản ứng của công chúng ở Hoa Kỳ trong hai ngày 25 và 26/3, sau khi bản tóm tắt kết quả điều tra được công bố, ghi nhận những phản hồi trực tuyến từ 1.003 người lớn, trong đó 948 người cho biết họ đã nghe về kết quả nêu trong bản tóm tắt.
Mức độ tín nhiệm dành cho ông Trump đã tăng nhẹ, với 43% người Mỹ nói họ tán thành cách điều hành của ông, là mức khảo sát cao nhất mà ông Trump nhận được trong năm nay, tăng 4 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò tương tự vào tuần trước.
********************
Tranh cãi về tình trạng khẩn cấp quốc gia : Hạ viện không vô hiệu hóa được phủ quyết của Trump (VOA, 27/03/2019)
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát ngày 26/3 không quy tụ đủ phiếu để vô hiệu hóa phủ quyết đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, trao thắng lợi cho kế hoạch của ông Trump muốn chi thêm hàng tỷ đô la để xây dựng rào chắn dọc theo biên giới Mỹ-Mexico nhiều hơn ngân khoản mà Quốc hội chuẩn chi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Cuộc biểu quyết của Hạ viện về việc bãi bỏ phủ quyết của Tổng thống kết thúc với tỷ lệ 248-181, không đạt đa số 2/3 cần có.
Kết quả này mở đường cho ông Trump xúc tiến lời hứa thời tranh cử về ‘bức tường biên giới.’
Tháng này, Quốc hội gửi cho Tổng thống một nghị quyết bác tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia do ông Trump đưa ra mà qua đó ông có thể vượt qua Quốc hội có được ngân khoản cần thiết xây tường thành.
Nghị quyết này ngay lập tức bị Tổng thống Trump phủ quyết.
Cuộc biểu quyết ở Hạ viện là ‘nước cờ’ lập pháp cuối cùng trong ‘ván bài’ gay cấn kéo dài nhiều tháng qua. Thượng viện sẽ khỏi bỏ phiếu về vụ này nữa, và lệnh phủ quyết của ông Trump được giữ nguyên.
Dù là sự phủ quyết của Tổng thống không bị đảo ngược, nhưng ông Trump sẽ không thể nhanh chóng chi ngân quỹ cho hàng rào biên giới vì các vụ kiện có thể mất nhiều năm mới giải quyết xong.
*******************
Ủy ban Hạ viện đồng lòng yêu cầu giao hồ sơ điều tra của FBI nhắm vào Trump (VOA, 27/03/2019)
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ hôm 26/3 nhất trí phê chuẩn một nghị quyết chỉ thị Bộ Tư pháp phải trao cho Quốc hội tất cả các hồ sơ về các cuộc điều tra cản trở công lí hoặc phản gián nhắm vào Tổng thống Donald Trump.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ chỉ thị Bộ Tư pháp phải trao cho Quốc hội tất cả các hồ sơ về các cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Donald Trump.
Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện (Ủy ban này do phe Dân chủ lãnh đạo) biểu quyết với tỉ lệ 22-0 để đưa nghị quyết ra biểu quyết trước toàn bộ Hạ viện, vài ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói với Quốc hội rằng ông không thấy có lập luận vững chắc củng cố tuyên bố ông Trump cản trở ông lí.
Nếu toàn bộ Hạ viện chấp thuận nghị quyết, ông Barr có 14 ngày để tuân thủ yêu cầu giao nộp tất cả hồ sơ và thông tin liên quan đến các cuộc điều tra của FBI về ông Trump, cũng như bất kì cuộc thảo luận nào trong Bộ Tư pháp về việc bí mật ghi âm Tổng thống hoặc tìm cách thay thế ông bằng việc viện dẫn tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án đó vạch ra những thủ tục cho việc thay thế Tổng thống hoặc Phó Tổng thống trong trường hợp tử vong, bị truất quyền, từ chức hoặc mất năng lực làm việc.
Các nhà lập pháp đang xem xét cụ thể các cuộc điều tra cản trở công lí và phản gián mà cựu Giám đốc FBI Andrew McCabe nói ông đã khởi động sau khi ông Trump sa thải người tiền nhiệm James Comey vào tháng 5 năm 2017.
Nỗ lực đó sau đó đã được chuyển qua cho Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller, người tuần rồi vừa khép lại cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Theo bản tóm tắt của ông Barr, ông Mueller không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ban vận động Trump âm mưu với Nga nhưng cũng không nói rằng Tổng thống không phạm tội về vấn đề cản trở công lí.
Ông McCabe từng nói Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã cân nhắc đeo thiết bị nghe lén để bí mật ghi lại các cuộc nói chuyện với ông Trump, một tuyên bố mà Rosenstein đã bác bỏ. Ông McCabe cũng cho biết đã có các cuộc thảo luận tại Bộ Tư pháp về việc liệu các thành viên Nội các có thể bãi nhiệm Tổng thống theo tu chính án thứ 25 hay không.
Một quan chức Bộ Tư pháp từ chối bình luận với Reuters, còn ông McCabe thì chưa hồi đáp.
Phần 2 :
Donald Trump : Giai đoạn chuẩn bị ra để ra tranh cử
Nhiều nhà bình luận quả quyết rằng sự sỉ nhục trong bữa tiệc báo chí năm 2011 đã thúc đẩy Trump ra ứng cử tổng thống trước cuộc bầu cử năm 2016. Tôi không nghĩ đó là lý do chính để Trump quyết tâm tìm cách hạ gục đối thủ kiêu ngạo Obama. Donald Trump đã có ý muốn ứng cử tổng thống suốt gần 30 năm. Trước cuộc bầu cử năm 1988, ông đã thăm dò lần đầu cơ hội ứng cử với tư cách là ứng cử viên đảng Cộng hòa. Tiếng đồn đã lan rộng nhiều tháng trước khi Trump bay đến New Hamsphire, tiểu bang đang tổ chức đề cử vòng 2 trong cuộc bầu cử sơ bộ, chỉ với mục đích phủ nhận mình là ứng cử viên thực thụ. Sự hưởng ứng mà ông nhận được ở tiểu bang cũng đủ là niềm vui khi 500 người đổ xô đến nghe ông nói.
Donald Trump và Melania trong bữa tiệc báo chí năm 2011 - Ảnh Chicago Tribune
Ngay vào thời điểm đó, nhà tỷ phú bất động sản đầy quyền uy này đang gây dựng một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ông đã hoàn thành tòa nhà biểu tượng Trump Tower ở NewYork, sở hữu nhiều khách sạn, một sòng bài ở Atlantic City và có riêng một đội bóng đá Mỹ. Chiếc du thuyền sang trọng của ông lớn và nổi tiếng đến mức được sử dụng làm bối cảnh cho trụ sở chính của nhân vật phản diện trong một bộ phim James Bond, và nhà tỷ phú bay khắp nơi trong nước bằng máy bay trực thăng mua riêng. Ông cũng đã nhờ người viết và xuất bản một quyển sách có tên "Nghệ Thuật Đàm Phán" (The Art of the Deal), trình bày bí quyết thành công của mình. Một số lời khuyên của ông : Nghĩ lớn, Tạo hoàn cảnh lớn hơn, Gây sự chú ý và Chống trả lại. Nhìn chung đó là các quan điểm triết lý đã giúp ông trở thành tổng thống sau này.
Donald Trump đã nhờ người viết và xuất bản một quyển sách có tên "Nghệ Thuật Đàm Phán", trình bày bí quyết thành công của mình.
Trump ở khắp mọi nơi : trên trang nhất các tuần báo, trên các kênh truyền hình, trong các chương trình talk show. Năm 1989, lần đầu tiên ông xuất hiện trên trang nhất của tạp chí Time với dòng chữ : This may turn your green with envy – or just turn you off. Flaunting it is the game, and Trump is the name (Điều này có thể biến màu xanh của bạn với sự ham muốn - hoặc giúp chấm dứt bạn. Phô trương đó là trò chơi, và Trump là tên). Thông điệp chính của bài viết là một Trump giàu có, can đảm và rất nhiều tham vọng. Cũng vào khoảng thời gian đó, ông được nữ hoàng talk show Oprah Winfrey phỏng vấn. Bà muốn biết suy nghĩ của nhà tỷ phú về tham vọng làm tổng thống của ông. Trump tự tin trả lời :
"Tôi không có ý định ra ứng cử nhưng rất chán nản vì nhìn thấy các sai lầm ở đất nước này. Nếu mọi sự trở nên thật tồi tệ, tôi sẽ không bỏ qua. Chúng ta có thể tạo điều kiện cho mọi người sống như ông hoàng nhưng lại không chịu thực hiện".
Ngay từ khi đó Trump đã đưa những ý tưởng làm nền tảng cho sự thành công của chiến dịch vận động bầu cử năm 2016. Trump đã bỏ ra những khoản tiền lớn mua quảng cáo đăng tải ý kiến của mình :
Trong nhiều thập niên, Nhật và các quốc gia khác đã lợi dụng chúng ta. Thế giới cười vào mũi các chính trị gia Hoa Kỳ trong khi chúng ta bảo vệ các chuyến tầu thủy chở dầu mà chúng ta không cần. Hãy để Nhật, Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trả tiền cho sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Hãy chấm dứt khoản nợ khổng lồ của quốc gia, cắt giảm thuế và để nền kinh tế Mỹ phát triển tự do mà không phải mang gánh nặng bảo vệ những người có thể trả tiền cho chúng ta một cách dễ dàng để chúng ta bảo đảm nền tự do cho họ. Đừng để quốc gia tươi đẹp này bị chế nhạo nữa.
Thông điệp này khá giống với những gì ông áp dụng sau này, chỉ thiếu khoản di dân. Nó được tóm tắt trong khẩu hiệu "Make America Great Again" mà Ronald Reagan cũng đã từng đưa ra trong cuộc bầu cử năm 1980.
Sau lần thăm dò vào năm 1988, mười một năm sau, ông thử lại nghiêm túc hơn. Các mũi tên lại đã bắt đầu chỉ hướng lên cho "The Donald" sau 10 năm xuống dốc và nhiều lần phá sản. Giờ đây, ông tự quảng cáo mình như một "comeback-man" và đánh hơi thấy các tình huống cũng đủ thuận lợi để lao vào cuộc tranh cử tổng thống. Kết quả bầu cử ở Minnesota vốn làm nhiều người nhạc nhiên tạo ra niềm lạc quan.
Trước đó vào những năm 1990, một cựu đô vật và diễn viên Jesse "The Body" Ventura đã giành được chiến thắng rất bất ngờ trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Minnesota. Ventura đại diện cho đảng Cải cách (Reform Party) rất ít người biết đến. Chiến dịch vận động bầu cử vượt ra ngoài truyền thống và chiến thắng bất ngờ của ông đã khiến cho giới tinh hoa chính trị bị sốc nặng. Giờ đây Ventura khuyến khích người bạn Trump của mình ra làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhà bất động sản rời bỏ đảng Cộng hòa để thử nghiệm cách riêng của mình. Vài năm trước, Ross Perot, ứng cử viên tổng thống độc lập, thuộc đảng thứ ba cũng gặt hái khá nhiều thành công trong cuộc bầu cử tổng thống. Liên kết sự kiện này với chiến thắng của Ventura, Trump hy vọng, với tư cách một ứng cử viên ngoài truyền thống như mình, sẽ thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Trump ném mình vào thế giới talk show, giả định mình là tổng thống. Thậm chí ông còn thành lập ủy ban vận động bầu cử, phóng ra ý tưởng đề cử Oprah Winfrey làm ứng cử viên phó tổng thống.
Và rồi cũng chỉ để nói. Thống đốc Jesse Ventura rời bỏ đảng Cải cách. Ít lâu sau, đảng này cũng giải thể. Trump rút lui nhưng nói rằng sẽ thử lại lần nữa vào dịp khác. Nhà tỷ phú khẳng định là ông sẽ không ra ứng cử trừ khi biết mình sẽ thắng. Nhiều người tin rằng "đợt sau" sẽ đến vào năm 2012.
Sau lần thử nghiệm chính trị với đảng Cải cách thất bại, Trump có được những năm tháng tuyệt vời. Thương hiệu của ông mạnh hơn bao giờ hết, phần lớn nhờ vào vai chính trong loạt phim truyền hình thực tế "The Apprentice". Đề tài TV này là hai đội cạnh tranh nhau để giành được vị trí lãnh đạo trong tập đoàn Trump. "The Donald" quyết định ai được phép đi tiếp và ai bị sa thải. "You’re fired" (Bạn bị cháy rồi) trở thành thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều người. Trump ăn mặc như ông chủ độc đoán và được yêu thích. Số lượng người xem trong đợt chung kết mùa đầu tiên được so sánh với lần đầu Trump đọc bài diễn văn The State of the Union trước quốc hội năm 2017. 20 triệu người Mỹ xem The Apprentice mỗi tuần. Mặc dù dần dần đề tài này không còn được ưa chuộng, Trump vẫn đóng trọn vai một ông sếp nghiêm khắc suốt sáu mùa. Người Mỹ thậm chí còn có thói quen gắn liền tên của Trump với sự thành công.
Bằng cách kết hợp phong trào birther với sự nổi tiếng của mình, Trump đưa ra thông điệp chính trị. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, ông không chọn tham gia vào quá trình đề cử của đảng Cộng hòa mặc dù ông đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Có lẽ ông hiểu rằng trong nội bộ đảng đang có những chuyển biến.
Năm 2007, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có tỷ lệ cử tri da trắng ngang nhau. Chiến thắng của Obama đã thay đổi bức tranh đó. Theo một tài liệu nghiên cứu của The Democracy Fund, trong khoảng thời gian 2009 – 2015, một số lượng lớn cử tri da trắng không có trình độ học vấn cao đã từ bỏ đảng Dân chủ sang gia nhập đảng Cộng hòa. "Cuộc đào tẩu da trắng" hầu như chỉ gồm những cử tri không có học vấn cao và phần lớn là các cử tri có quan điểm tiêu cực về người Mỹ da đen. Tuần báo The Economic viết : "Nhiều người ủng hộ Trump đã gia nhập đảng Cộng hòa trước Trump".
Những cử tri này đã đến với một đảng chính trị có số lượng cử tri tỏ ra e ngại người Mỹ da đen lớn hơn đảng Dân chủ. Quá nửa số người Cộng hòa cho rằng người Mỹ da đen nghèo hơn người da trắng vì họ thiếu động lực để cải thiện cuộc sống. Trong một cuộc thăm dò khác, chỉ 14% người Cộng hòa tin rằng sự phân biệt chủng tộc là lý do chính khiến người da đen không có cuộc sống sung túc như người da trắng. Chỉ một nửa số người Cộng hòa cũng như Dân chủ cho rằng nước Mỹ cần phải tiếp tục thay đổi để người Mỹ da đen có được những quyền lợi tốt hơn.
Phải chăng những cử tri này bị phong trào birther của Trump lôi cuốn rồi sau này ủng hộ thông điệp của Trump về vấn đề di dân ? Điều chúng ta biết chắc là nhiều cử tri Cộng hòa không muốn đảng có một chính sách di dân cởi mở. Họ hưởng ứng thông điệp của Trump : người da trắng đang bị người Mỹ da đen và dân nhập cư đàn áp. Nói khác, những hỗn loạn xảy ra từ trước đã tạo ra Trump - chứ không phải ngược lại. Nhưng điều này không có nghĩa là Trump vô tội, bởi lẽ ông cũng góp phần làm sự phân cực trong các cuộc tranh luận xã hộicàng lúc càng trở nên trầm trọng thêm.
Kịch tính và nói dối đã làm lu mờ tất cả những thứ khác
Không người nào trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa, kể cả những người cạnh tranh với Trump trong quá trình đề cử của đảng, đối phó với một gánh xiếc và sự thô tục diễn ra trong khúc dạo đầu của cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Các đối thủ Dân chủ cũng không bận tâm nhiều về Trump. Tuy nhân vật nổi tiếng đến từ New York đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước đây, những người Cộng hòa vẫn chờ kết quả cuối cùng. Họ đã từng trải qua trường hợp giống như vậy trong hai cuộc bầu cử trước.
Donald Trump phát động chiến dịch tranh cử với những lời lẽ xúc phạm đến người Mexico
Năm 2008 cựu thị trưởng New York Rudi Giulian và mục sư Mike Huckabee đã sớm dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Năm 2012, Michele Bachmann, dân biểu bang Minnesota, dẫn đầu ngay từ lúc khởi đầu chiến dịch đề cử, sau đó đến lượt Herman Kenn, giám đốc một chuỗi cửa hàng Pizza. Nhưng không ai trong những người này đeo đuổi được đến cuối cuộc đua. Khi theo dõi các cuộc bầu cử Mỹ, người ta phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc các ứng cử viên nổi bật xuất hiện.
Khi Trump phát động chiến dịch tranh cử với những lời lẽ xúc phạm đến người Mexico và chỉ trích một số đồng minh của Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng chiến dịch đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Nhưng họ đã lầm. Sau nhiều tháng, Trump vẫn giữ vị trí đầu bảng trong các cuộc thăm dò. Càng lúc càng cho thấy một số lớn các cử tri Cộng hòa hoàn toàn không đồng ý với hướng chiến lược mà đảng đã vạch ra sau cuộc bầu cử năm 2012. Họ không muốn cải cách luật nhập cư. Ngược lại, họ muốn xiết chặt thêm lãnh vực này. Họ thích lối nói thẳng thừng của Trump. Cuối cùng, cũng đã có một người nói ra những gì họ ấm ức trong lòng và "nói cái nó vốn là như vậy".
Tất nhiên Trump không nói đến cái thực sự phải là như vậy. Ông nói dối và nói dối mọi lúc. Một số lời nói dối nghiêm trọng hơn những lời nói dối khác. Tôi chọn ra đây một số tuyên bố dối gạt điển hình vì chúng dẫn đến phạm trù rộng hơn : tổng thống Mỹ đang cố gắng làm suy yếu các định chế trung lập trong xã hội khi chúng chống lại cách diễn giải của ông về sự thật.
- Ngày 25/05/2016 : Trump nói một vụ kiện chống ông lẽ ra phải bị hủy bỏ nhưng thẩm phán là người "ghét Trump" và có cái tên nghe như dân Mỹ La tinh. (Cách diễn giải này đã làm những người ủng hộ ông nghi ngờ sự trung lập của cơ quan tư pháp, một đệ tam nhân đưa ra những quyết định dựa trên cơ sở luật pháp chứ không trên quan điểm chính trị).
- Ngày 28/11/2016 : Trong một tweet, Trump quả quyết là cả triệu người không có quyền đầu phiếu đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton. (Cách diễn giải này đã làm suy giảm niềm tin vào hệ thống bầu cử và cho Trump cơ hội không công nhận kết quả bầu cử trong tương lai).
- Ngày 17/02/2017 : Trong một tweet, tổng thống viết rằng "Fake News Media" (ông nêu tên nhiều hãng truyền thông) là kẻ thù của dân tộc Mỹ. (Một quả quyết được ông thường xuyên nhắc lại, đã chôn vùi ý niệm phổ quát về sự thật của người Mỹ).
- Ngày 04/03/2017 : Trump quả quyết nhiều lần là Obama theo dõi và nghe lén điện thoại của người Cộng hòa trong chiến dịch vận động bầu cử 2016. (Cáo buộc này liệt Obama vào loại người như Nixon, nhân vật phản diện lớn nhất ở Nhà Trắng và mô tả Hoa Kỳ như là một nước có nền cộng hòa chuối (banana republic), nơi tổng thống có thể dùng bộ máy quan liêu để chống lại các đối thủ chính trị).
- Ngày 23/05/2018 : Tổng thống cáo buộc FBI đã âm mưu toa rập với hệ thống quan liêu và tình báo Mỹ gọi là "The deep state", và cài đặt gián điệp vào chiến dịch tranh cử của ông năm 2016. (Cáo buộc trầm trọng này đã gây tổn thương cho Cục Điều Tra Liên Bang cao nhất và toàn thể guồng máy tình báo Hoa Kỳ).
- Ngày 04/06/2018 : Tổng thống công bố trên Twitter việc bổ nhiệm Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt là trái với hiến pháp. (Một trong những lời khẳng định nhằm hủy hoại uy tín của nền tư pháp quốc gia. Trump mô tả cuộc điều tra hợp pháp như một cuộc săn lùng phù thủy mang động cơ chính trị mặc dù Mueller đã từng làm sếp FBI dưới thời tổng thống George W. Bush và giờ đây được các viên chức Cộng hòa bổ nhiệm.
Trump không chỉ không đồng ý với những người khác mà ông còn gán ghép họ có tâm ý ác độc :truyền thông dối trá, tòa án không công bằng, cảnh sát bị những ngưởi Dân chủ xâm nhập.Theo tổng thống, hệ thống bầu cử đã bị vi phạm, chưa kể đến chuyện gần như toàn bộ thế giới tình báo đang làm việc chống đối lại ông bằng những trò bẩn thỉu như gián điệp và nghe lén.
Tổng quan trên chỉ sơ lược nêu ra một vài lời dối trá của Trump. Theo Politifact, từ lúc ra ứng cử cho đến mùa xuân 2018, Trump đã có 83 lời nói dối hoàn toàn điên rồ. Obama trong suốt 8 năm làm tổng thống chỉ nói tương tự như vậy 9 lần. Nếu người ta dẫn ra những lời nói dối thông thường hay chỉ đúng nửa sự thật, ông đã phạm tội hơn 300 lần.
Đôi lúc những lời dối trá của Trump làm người ta nhớ đến các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell, mô tả một nhà nước khủng bố toàn trị đã thay đổi ý nghĩa của từ ngữ như thế nào. Cũng tương tự, chữ "hàng rào biên giới" mang một ý nghĩa mới trong thời của Trump.
Tháng Tư năm 2018, tờ báo Dallas Morning News loan tin cơ quan chuyên trách về vấn đề di dân đang cho sửa chữa hàng rào biên giới dài ba dặm gần thành phố El Paso, Texas. Chính quyền Bush đã xây dựng hàng rào này và chính quyền Obama bảo trì nó. Hàng rào mới thay hàng rào cũ và sẽ "rất giống" hàng rào cũ nhưng cao hơn một chút. Tuy vậy chính quyền Trump gọi tên hàng rào là bức tường. Kirstjent Nielsen, bộ trưởng an ninh nội địa nói với tờ báo rằng : "Đối với chúng tôi, đây là bức tường. Nếu bức tường đã có từ trước phải được thay thế thì bây giờ nó được thay thế bằng một bức tường mới. Đây là bức tường biên giới của Trump". Theo giải thích của Nielsen, đó không chỉ là hàng rào biên giới cao hơn được biến thành bức tường, nhưng là hàng rào cũ thấp hơn. Tất cả giờ đây là bức tường. Nếu cứ lập lại nhiều lần hai chữ "bức tường", có thể chính chúng ta cũng tin vào điều đó.
Tôi không nghĩ mục đích chính của Trump là giành độc quyền về sự thật bằng những lời dối trá. Bởi lẽ mặc dù khái niệm chung về sự thật rõ ràng đang bị tấn công, vẫn có nhiều ý kiến phản đối khi tổng thống sai. Tuy nhiên Trump không cần xác định điều gì là đúng. Ông chỉ cần chắc chắn là không ai làm việc đó. Ezra Klein, nhà bình luận theo chủ nghĩa tự do, giải thích như sau :
"Cố vấn báo chí Kellyanne Conway và các đồng nghiệp hiểu rõ là nếu mục đích chỉ để khích động phe cánh thì bạn không cần phải thắng cuộc tranh luận. Bạn chỉ cần đưa ra đề tài thảo luận, để phe cánh của bạn có cái gì để nói và tin vào".
Do đó, dù có thể dễ dàng chứng minh Trump sai cũng chẳng ích lợi gì bởi lẽ vấn đề không ở chỗ phải truy tìm sự thật mà là tạo cơ hội cho những người ủng hộ ông có cái gì để nói khi phe Dân chủ đưa ra cáo buộc. Cho đến khi nào Trump còn có thể cung cấp cho phe cánh của ông những đề tài tranh luận, dù sai lệch đến mức độ nào, ông vẫn làm. Điều quan trọng đối với Trump là tiếp tục lật đổ truyền thông. Khi những lời dối trá của ông gây ra các cuộc tranh luận, ông đổ tội cho giới truyền thông, giúp những lập luận yếu kém tồn tại. Cách làm này có hiệu quả. Trong một cuộc thăm dò vào mùa hè 2018, chỉ 11% những người tuyên bố ủng hộ Trump tin vào "mainstream media". Một cuộc thăm dò khác cũng cùng thời gian đó cho thấy một nửa số người Cộng hòa có cùng quan điểm "truyền thông là kẻ thù của nhân dân".
Như chúng ta đã thấy trong quyển sách này, Trump không phải là người duy nhất thuộc cánh hữu Mỹ tấn công truyền thông. Trái lại, đây là truyền thống kiêu hãnh của người Cộng hòa. Khác biệt là vị tổng thống hiện nay giỏi về mặt này hơn các vị tiền nhiệm. Chuyện này cũng chẳng thành vấn đề đối với đảng Cộng hòa. Mặc dù Trump đang điều hành một chính quyền hỗn loạn nhất trong lịch sử nước Mỹ, sự ủng hộ của các cử tri Cộng hòa vẫn không giảm dưới 80% kể từ ngày ông nhậm chức vào năm 2017. Điều này cho thấy cái tài của ông trong cách diễn giải riêng về sự thật và phổ biến nó đến các cử tri thông qua phe cánh của mình. Điều trớ trêu là nội các trong chính phủ Trump, phía sau bức tường của Nhà Trắng, lại rất cởi mở với báo chí.
Hadas Gold, nhà báo của tờ trực tuyến Politico, chuyên về đề tài Trump trong nhiều năm, nhân chuyến thăm Na Uy vào tháng 05/2018, đã kể chuyện về một bộ máy hành chính sẵn lòng tham gia các cuộc phỏng vấn dài với những tập đoàn truyền thông mà Trump gọi là "fake news". Gold gọi chiến lược của Trump là "cuộc chiến giả chống tin tức giả" (The fake war on fake news). Trong một bài báo viết về giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của Trump ở Nhà Trắng, Gold đã thuật lại chuyện các nhà báo được đối xử như thế nào :
Khi không sôi sục trên Twitter hay lên diễn đàn nói chuyện với cử tri, tổng thống tổ chức những buổi họp báo rất thân mật. So với cách đối xử của các nhân viên đối với nhà báo, ông thường đối xử với báo chí tốt hơn nhiều. Khi Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng, không đi lòng vòng, gọi truyền thông là "đảng đối lập", ông vui vẻ gửi đến báo chí những tờ giấy khen ngợi vì họ đã viết được những bài hay. Và khi Sean Spencer, cựu phát ngôn viên kiêm thư ký báo chí, không họp báo, ông thường tìm cách duy trì và tạo mối quan hệ tốt với báo chí.
Bài báo của Gold cho thấy rõ việc Trump công kích báo chí thực ra chỉ là màn kịch, một lễ hội hóa trang. Ông công kích một ngành công nghệ mà ông vốn được hưởng lợi do có những mối quan hệ tốt. Ít nhất trong những trường hợp nhất định.
Sylvi Listhaug đã từng ví chính trường Na Uy như một nhà trẻ nhưng, như thường lệ, Hoa Kỳ bỏ xa cái nước Na Uy nhỏ bé một quãng đường dài. Biệt danh Trump đặt cho các đối thủ chính trị là bức minh họa cho thấy nét nhà trẻ đặc trưng trong chính trường Mỹ ở mức độ lớn hơn nhiều. Trong vài năm qua, Trump đã gọi các đối thủ chính trị bằng những cái tên như : Crazy Joe Biden (cựu phó tống thống Mỹ Joe Biden), Pocahontas Warren thượng nghị sĩ Elizabeth Warren), Fake Tears Schumer (lãnh đạo thiểu số tại Thượng Viện Chuck Schumer), Al Frankenstein (cựu thương nghị sĩ Al Franken) và Leakin’ James Comey (cựu giám đốc FBI Jame sComey).
Chúng ta có thể chọn một cái tên đặt cho Trump vì nó không ngoài sự tưởng tượng. Một vài cái tên rất hợp với ông. Tuy vậy trò công kích cá nhân trẻ con của tổng thống đã làm dư luận không còn để tâm đến những mặt rất yếu kém của ông, cụ thể là trong cuộc thảo luận chi tiết về chính trị. Khi người ta muốn biết quan điểm của ông về Brexit, ông đã dùng hết 10’ để nói về những bất động sản của mình ở Scotland và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Câu trả lời gần câu hỏi nhất là : "Brexit is Brexit". Nguyên tắc cơ bản của ông là : câu trả lời hàng hai, những câu chuyện không thích hợp, những tuyên bố sai lệch và khoa trương. Năm 2016, Trump đưa ra đề xuất cụ thể nhằm loại bỏ đường lối chính trị của Obama trong một chiến dịch chính trị được tổ chức gần như hoàn hảo.
Việc Trump công kích đối thủ rất giống những gì ông làm trong chương trình truyền hình thực tế của ông : The Apprentice. Kịch tính làm lu mờ tất cả những thứ khác. Khi ghét ai, người ta dễ bác bỏ lập luận của người đó. Bạn không cần phải nghe Hillary nói vì bà ta là kẻ lừa đảo đáng bị tống vào tù. Trump đã theo chủ trương của Andrew Breibart và Roger Ailes, chủ tịch kênh FoxNews : quần chúng không muốn nghe chuyện chính trị. Họ muốn xem kịch. Họ không thấy hào hứng với các kế hoạch chống nạn nghèo đói của trẻ em. Họ muốn xem các trận đấu quyền anh, để hò hét ủng hộ người mình thích và chê bai người họ không thích. Cách tiếp cận này như sợi chỉ đỏ chạy suốt chiến dịch bầu cử và trong thời gian Trump làm tổng thống. Ông luôn có một kẻ thù để châm biếm và công kích chống lại. Trong cuộc tranh cử, kẻ thù là các ứng cử viên cộng hòa trong quá trình đề cử đồng thời là Hillary Clinton và Obama. Trump còn tweet cả phim video (đã được chỉnh sửa) chiếu ông dùng vũ lực tấn công kênh TV-CNN trong một pha đô vật. Với tư cách là tổng thống, ông đấu võ mồm với nhiều "kẻ thù" khác nhau trong một danh sách dài như vô tận :
- Các kênh truyền thông như CNN, NBC, Washington Post và The New York Times.
- Các nhà báo như Joe Scarboraugh, Mika Brzezinski, Jonah Goldberg, Arianna Huffington, Lawrence O’Donnell, Chuck Todd, Anderson Cooper và nhiều người khác nữa.
- Các nhà kinh doanh như Mark Cuban và nhiều thương hiệu như Giải bóng đá bầu dục quốc gia NFL, kênh thể thao ESPN và chuỗi cửa hàng thể thao Nike.
- Các nguyên thủ nước ngoài như thủ tướng Canada Justin Trudeau, tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong-Un (lần trước) và chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Jean-Claude Juncker.
- Các nghệ sĩ và ngôi sao điện ảnh như Cher, Maryl Streep, George Clooney và Arnold Schwarzenegger.
- Các cựu lãnh đạo cơ quan tình báo như cựu giám đốc FBI James Comey, phó giám đốc FBI Andrew McCable, cựu giám đốc cơ quan tình báo James Clapper và cựu CIA sếp John Brennan.
- Thượng nghị sĩ John McCain, Elizabeth Warren, Chuck Schumer, Jeff Flake va Bob Corker.
Hầu như không ngày nào các tờ báo không đăng tải trên trang nhất các tuyên bố tào lao hay những trò kịch tính hoặc những hành động gây sốc của Trump. Chúng ta bị nhốt trong cái vòng luẩn quẩn do việc truyền thông chạy theo tiền đề của Trump. Người ta hiếm khi nói đến những thay đổi chính trị ông đang thực hiện sau bức màn sân khấu ở Mỹ. Trong bộ phim thực tế toàn cầu, mỗi tập lại có cái mới và cuối cùng chúng ta chìm trong từng sự kiện đơn lẻ và mấtđi sự hiểu biết về tổng thể bức tranh. Đồng thời tổng thống khích động những người ủng hộ mình, họ luôn sẵn sàng nổi loạn trong cuộc xung đột sắp tới. Và cứ mỗi tập trong bộ phim, nước Mỹ lại phân cực và chia rẽ hơn.
Tổng thống của tất cả mọi người ?
Vào lúc 2 giờ 49’ tại Mỹ, đêm ngày 8/11/2016, một Donald Trump tự tin bước ra thông báo là Hillary Clinton đã điện thoại và chúc mừng chiến thắng của ông. Vị tổng thống tân cử cảm ơn cuộc tranh cử sôi nổi của bà, ca ngợi bà đã phục vụ lâu dài và trung thành với đất nước. Ông kêu gọi đảng Cộng hòa, Dân chủ và các cử tri độc lập đến với nhau như một dân tộc thống nhất, đồng thời hứa sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người Mỹ. Nhưng Donald Trump không có ý định giữ lời hứa này.
Khẩu hiệu "Make America Great Again" đã được cố Tổng thống Ronald sử dụng trong cuộc bầu cử năm 1980.
Ngay sau khi nhậm chức, vài tháng sau, tân tổng thống bắt đầu nỗ lực thực hiện những gì đã hứa trong cuộc bầu cử và chôn vùi các thành quả để lại của Obama– bất kể hậu quả. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi một tổng thống Cộng hòa muốn thực thi chính sách của người Cộng hòa. Nhưng trong giai đoạn này, Trump muốn các đề xuất được thông qua càng nhiều càng tốt, không cần ý kiến của các đối thủ chính trị. Đối thoại chính trị đã được thay thế bằng độc thoại chính trị. Ngay trong năm 2017, ông đã đưa ra khẩu hiệu dành cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020 : "Promises made, promises kept" ("Lời hứa được thực hiện, lời hứa được giữ").
Một trong những lời hứa là hủy bỏ cải cách y tế của Obamacare. Như tôi đã đề cập đến, cải cách y tế trước đây chỉ được đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua. Nó giúp cho hàng triệu người Mỹ được hưởng bảo hiểm xã hội. Cải cách, nếu có thiếu sót, có thể được cải thiện thông qua thỏa hiệp giữa đôi bên. Trump đã chọn giải pháp bóp nghẹt luật pháp thay vì tìm cách đối thoại với đảng Dân chủ. Trước tiên, bộ máy hành chính của Trump ngừng quảng bá cải cách y tế của Obama. Sau đó chính quyền ngừng xử phạt những người không trả tiền phạt vì không đóng lệ phí bảo hiểm (lệ phí là một phần tài chính dùng để hỗ trợchương trình cải tổ). Cuối cùng Trump từ chối trợ cấp cho các công ty bảo hiểm nhận khách hàng có rủi ro cao về sức khoẻ. Hậu quả là không ai biết được thị trường bảo hiểm sẽ diễn tiến như thế nào trong tương lai và hàng chục triệu người đang phải đối mặt với những tháng ngày bấp bênh trước mắt. Về lâu dài, cải cách y tế có khả năng sụp đổ.
Một biện pháp khác là cuộc chiến tranh thương mại. Ông khởi động cuộc chiến để chứng tỏ với các cử tri cốt lõi đang sống trong "Vành Đai Rỉ Sét" (Rust Belt) rằng ông quan tâm đến các khu vực công nghiệp đang thoi thóp ở Mỹ. Tổng thống đã đưa ra mức thuế cao hơn, đánh vào nhôm và thép nhập khẩu. Mục tiêu chính là Trung Quốc, nhưng cả Canada và EU cũng nẳm trong tầm nhắm. Cả hai đều là những quốc gia đồng minh, cùng phản ứng trước việc tăng thuế và nói rằng binh lính của họ đã chiến đấu và chết cùng với quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Một biện pháp mang tính xây dựng cao dành cho "Rust Belt" là tăng cường huấn luyện kỹ năng cho những người lao động trong các khu vực đang hấp hối. Tuy vậy việc đòi hỏi phải có thời gian lâu và nỗ lực lớn. Trump đã sớm có lựa chọn mới để giành chiến thắng. Vấn đề đối với việc sửa đổi thuế quan là người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả giá cho những biện pháp này. Khi các nhà sản xuất lệ thuộc vào thép nhôm nhập khẩu để sản xuất, họ phải tăng giá sản phẩm. Các công ty dựa vào hàng nhập khẩu giá rẻ để sản xuất những mặt hàng khác sẽ mệt mỏi. Trump đã làm vừa lòng các cử tri nòng cốt của mình nhưng trừng phạt các cử tri khác và các công ty. Điều này tốt cho cơ hội tái đắc cử của ông nhưng không tốt cho nước Mỹ.
Đối với những người ủng hộ Trump, ông là người lãnh đạo nổi bật nhất trong cuộc chiến văn hóa đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Ông tận hưởng các thuận lợi có được đến từ những cơn thịnh nộ của người da trắng, các cử tri theo đạo Tin Lành. Họ sợ sự thay đổi về nhân khẩu học đang diễn ra trong nước. Trump tuyên bố đó là sự xung đột giữa những "người tốt", những người đang bảo vệ cảnh sát, truyền thống Mỹ và lá cờ Mỹ với cánh tả, những kẻ không thèm đếm xỉa tới các giá trị đó. Tổng thống tuyên bố mình là người biện hộ chính thức cho tất cả những gì trong mắt ông là văn hóa và giá trị thực sự của nước Mỹ. Các cử tri Cộng hòa ưa thích lối giải thích vấn đề của ông. Đó là những thứ họ quan tâm nhất và cũng vì vậy ông chỉ là tổng thống của những người Cộng hòa - không phải là tổng thống của toàn dân.
Trump không là người duy nhất có tội trong sự phân hóa chính trị ở Mỹ. Như quyển sách này đã vạch ra, sự phân cực là hậu quả của các quá trình diễn ra trong nhiều thập niên : việc phân loại cử tri, quyền lực của các nhóm lợi ích, môi trường hợp tác chính trị bị đầu độc, việc quyên góp tiền, sự xuất hiện của mạng truyền thông không chính thức, tổng thống tự tung tự tác và những biến cố lớn. Donald Trump rất giỏi trong việc khai thác các cơ chế này, biến chúng thành lợi thế của mình và nhúng tay đóng góp rất lớn vào việc chia cách. Ông đã làm điều đó bằng cách phá vỡ khái niệm chung về sự thật mà người Mỹ hướng đến. Ông đã tàn bạo hóa chính trị hơn nữa bằng cách liên tục tấn công cá nhân và khẩu chiến với các đối thủ. Từ vai trò chiến binh văn hóa đại diện cho các cử tri Cộng hòa, ông trở thành tổng thống độc đảng của nước Mỹ.
Vẫn còn sớm để chúng ta thấy được những hậu quả lâu dài do hành vi của Trump để lại. Giữa nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, Hoa Kỳ bị phân cực hơn bao giờ hết và rất ít hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện. Ngược lại, nếu đảng Dân chủ giành được đa số trong một hay cả hai viện trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018, mặt trận sẽ nổ lớn hơn nữa. Tuy vậy lời hùng biện của Trump không phải là điều đáng lo ngại duy nhất về nước Mỹ ngày nay.
Tại các trường đại học, đã xảy ra trận chiến định nghĩa ai là người có quyền nói và nói ở vũ đài nào. Đây là triệu chứng cho thấy chính trị bây giờ chủ yếu mang bản sắc cá nhân, khiến người Mỹ căm ghét và xa lánh hơn nữa.
Thor Stenhovden
Nguyên tác : Det amerikanske marerittet, Chương 3 : Donald Trump, Res Publica, 08/10/2018
Hoàng Thủy Ngữ dịch
(14/02/2019)
Xem : Cơn ác mộng Mỹ - 1
Trump ký sắc lệnh trừng phạt việc can thiệp vào bầu cử Mỹ (RFI, 13/08/2018)
Hôm 12/09/2018, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh để trừng phạt những hành động của nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ. Quyết định này nhằm đáp lại những chỉ trích không chỉ từ phe Dân Chủ, mà cả từ một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa, cho rằng ông đã có phản ứng quá yếu ớt đối với việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh ngày 12/09/2018. Reuters/Carlos Barria
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, sắc lệnh mà tổng thống vừa ký ban hành "không nhắm riêng vào nước nào", bởi vì "mối đe dọa" có thể đến từ nhiều nơi và sắc lệnh sẽ được áp dụng cho cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 06/11 tới. Về phần Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia, ông cho biết là càng đến gần ngày bầu cử, càng có những dấu hiệu can thiệp không chỉ từ Nga, mà cả từ Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên.
Sắc lệnh mới dự trù trừng phạt bất cứ quốc gia, cá nhân hay thực thể nào đã khuyến khích hoặc tổ chức mưu toan tác động lên các cuộc bầu cử ở Mỹ. Cụ thể, sau khi có báo động, các cơ quan tình báo của Mỹ có 45 ngày để thu thập những bằng chứng, rồi trong vòng 45 ngày sau đó, bộ Tài Chính và bộ Tư Pháp sẽ ban hành các trừng phạt như phong tỏa tài sản, cấm đầu tư vào một công ty Mỹ hoặc cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Theo các cơ quan tình báo Mỹ, chính quyền Nga đã từng tiến hành một chiến dịch có sự phối hợp và được hoạch định kỹ càng nhằm tác động lên bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 theo hướng có lợi cho ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, đặc biệt là qua việc phát tán "tin giả" (fake news) và sử dụng các mạng xã hội.
Tháng 03/2018, chính quyền Mỹ đã thi hành trừng phạt đối với 19 cá nhân và thực thể, trong đó có cơ quan tình báo Nga. Nhưng phe đối lập Dân Chủ cho rằng những biện pháp đó quá trễ và chưa đầy đủ.
Kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Trump vẫn bác bỏ điều cho rằng ông đã đắc cử nhờ sự hỗ trợ của Moskva. Ồng cho đó là "tin giả", đồng thời vẫn tránh chỉ trích tổng thống Putin. Ra tay mạnh nhất lại chính là Robert Mueller, công tố viên đặc biệt, chuyên trách nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Trong vòng một năm qua, êkíp của Mueller đã truy tố 12 tin tặc của tình báo Nga, và 13 người có liên hệ với Cơ quan Nghiên cứu Internet ở Saint-Petersbourg, mà theo tình báo Mỹ, chính là nơi chủ yếu xuất phát các tin giả trên mạng.
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, qua việc ký sắc lệnh, tổng thống Trump "chứng tỏ rằng ông quan tâm rất nhiều đến vấn đề này". Thế nhưng, hôm qua, hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Chris Van Hollen (Dân Chủ), hai người đang đề nghị một đạo luật về trừng phạt hành động can thiệp bầu cử Mỹ, cho rằng quyết định của ông Trump là "quá hạn chế". Theo hai nghị sĩ này, sắc lệnh của tổng thống "nhìn nhận là có mối đe dọa, nhưng không làm đúng mức để giải quyết vấn đề".
Tổng thống Mỹ ký ban hành sắc lệnh nói trên vào lúc gọng kềm đang siết chặt Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa êkíp tranh cử của ông Trump với Moskva. Ngày 07/09/2018, cựu cố vấn ngoại giao của tổng thống Trump George Papadopoulos, đã lãnh án tù 14 ngày vì đã nói dối Cục Điều tra Liên bang FBI. Ông là cố vấn đầu tiên của Donald Trump chấp nhận hợp tác với êkíp của công tố viên Mueller để được hưởng khoan hồng.
Thanh Phương
******************
Thương chiến, Trung Quốc gây khó khăn cho công ty Mỹ (VOA, 12/09/2018)
Giữa lúc cuộc chiến mậu dịch ngày càng leo thang, Trung Quốc đang hoãn lại việc tiếp nhận đơn xin giấy phép hoạt động của các công ty Mỹ trong các dịch vụ tài chính và các ngành khác cho đến khi Washington đạt được tiến triển trong việc tìm kiếm giải pháp, AP dẫn lời một quan chức của hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho biết hôm 11/9.
Trung tâm Tài chính ở Bắc Kinh
Trung Quốc hiện đang cạn dần các mặt hàng mà họ có thể đánh thuế trả đũa Mỹ. Điều này khiến các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc lo lắng rang họ sẽ là đối tượng bị trả đũa kế tiếp.
Việc trì hoãn cấp giấy phép này diễn ra ở những ngành mà Bắc Kinh đã hứa là sẽ mở cửa cho nước ngoài vào cạnh tranh, theo lời ông Jacob Parker, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ- Trung (USCBC). Tổ chức này đại diện cho khoảng 200 công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc.
Trong các cuộc gặp trong ba tuần qua, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nói với các đại diện của USCBC rằng họ đang hoãn chấp nhận đơn xin giấy phép mới cho đến chừng nào ‘quỹ đạo của quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện và bình ổn,’ Parker nói.
Giới chức Trung Quốc đã hứa nới rộng cánh cửa cho các công ty nước ngoài bước vào thị trường của họ trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quản lý tài sản.
Bắc Kinh đã đáp trả tương xứng đợt áp thuế 50 tỷ đô la hàng hóa của ông Trump nhưng đang cạn dần các mặt hàng Mỹ mà họ có thể đánh thuế do mất cân bằng thương mại giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quyết định có tăng thuế lên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc nữa không.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 10/9 nói rằng Trung Quốc ‘chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả’.
Các kinh tế gia đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể nhắm vào các ngành như là hậu cần và kỹ thuật mà Mỹ có thặng dư thương mại với Trung Quốc.
Các nhà bình luận Trung Quốc đã đề nghị chính phủ nước này sử dụng khoản nợ của chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ trị giá hàng ngàn tỷ đô la làm vũ khí mặc dù điều này cũng sẽ làm Trung Quốc bị tổn thương.
Hồi tháng Sáu Trung Quốc nói rằng họ sẽ áp đặt ‘những biện pháp toàn diện’ nếu cần thiết.
Davos : Lãnh đạo các nước kêu gọi toàn cầu hóa cần "có đạo lý" hơn (RFI, 27/01/2018)
Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 tại Davos, Thụy Sĩ kết thúc hôm qua, 26/01/2018. Hơn 3.000 người tham dự Diễn đàn, trong số đó có hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp, 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng. Một trong những tiêu điểm của Diễn đàn kinh tế đa phương này là sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nổi tiếng với quan điểm bảo hộ mậu dịch.
Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, kết thúc ngày 26/01/2018. Reuters/Carlos Barria
Tuy nhiên, lo ngại trước một viễn cảnh khủng hoảng kinh tế mới, cùng đòi hỏi tiến trình toàn cầu hóa phải công bằng hơn là những nét chính của tuần lễ nhiều hoạt động này, như nhận định của đặc phái viên RFI Mounia Daoudi từ Davos :
"Nếu như có một điều gì tạo được đồng thuận năm nay tại Diễn đàn Davos, thì đó là kinh tế toàn cầu đã được cải thiện và đây là điều không thể phủ nhận. Tăng trưởng trở lại trên mọi Châu lục. Thế nhưng, có một nghịch lý là các bất trắc đè nặng lên chiều hướng phục hồi này cũng chưa bao giờ lớn đến như vậy. Cơn hưng phấn của các thị trường tài chính, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, khiến người ta lo ngại một bong bóng tài chính, và một khủng hoảng mới còn kinh hoàng hơn nhiều so với năm 2008.
Tại Davos, tất cả các lãnh đạo chính trị kế tiếp nhau lên diễn đàn đều kêu gọi tiến trình toàn cầu hóa cần phải có đạo lý hơn, có nghĩa là cần ưu tiên chia sẻ các nguồn phúc lợi, phương tiện duy nhất để chống lại các xu thế cực đoan các loại.
Diễn đàn Davos cũng chứng kiến sự trở lại của nước Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron có một bài phát biểu rất được hoan nghênh, trong đó ông đặt vấn đề xem xét lại dự án xây dựng Châu Âu và thế giới, với việc xác lập một "khế ước nhân loại’ về các tài sản chung. Một khế ước để mọi người chung tay đầu tư, chia sẻ và bảo vệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đến Davos để ca ngợi cuộc cải cách thuế vừa được Quốc Hội thông qua, và kêu gọi các chủ lớn đầu tư. Ông Trump quảng bá : "Đây là thời điểm tốt nhất cho đầu tư". Tuy nhiên khẩu hiệu mới của Donald Trump, "Nước Mỹ trước đã, không phải là nước Mỹ một mình" không khiến ai bị mắc lừa".
Trọng Thành
*******************
Bảo tàng muốn cho ông Trump mượn bồn cầu vàng thay vì tranh Van Gogh (VOA, 26/01/2018)
Viện bảo tàng Guggenheim ở New York từ chối khi Tòa Bạch Ốc hỏi mượn một bức tranh của danh họa Van Gogh nhưng, thay vào đó, mở lời sẵn sàng cho mượn một tác phẩm nghệ thuật khác : chiếc bồn cầu hoạt động đầy đủ, bằng vàng 18 karat.
Chiếc bồn cầu vàng 18 karat được đặt tên 'America' tại bảo tàng Guggenheim, New York.
Chiếc bồn cầu này được dùng một một vật trưng bày tương tác tạm thời tại một trong những phòng vệ sinh công cộng của viện bảo tàng. Chiếc bồn cầu có tên gọi ‘America’ được mô tả như một sự châm biếm sự giàu có thặng dư.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đã hỏi mượn bức tranh ‘Phong cảnh tuyết’ của họa sĩ lừng danh Van Gogh để trưng bày tại nhà riêng.
Tờ Washington Post loan tin ngày 25/1 rằng người phụ trách bảo tàng, Nancy Spector, đã email tới Tòa Bạch Ốc thông báo viện bảo tàng không thể đáp ứng lời đề nghị ‘mượn’ bức họa, nhưng bà cho hay nghệ nhân chế tác ra chiếc bồn cầu vàng, Maurizio Cattelan, "muốn cho Tòa Bạch Ốc mượn một thời gian dài".
"Chiếc bồn cầu dĩ nhiên là cực kỳ giá trị và có phần mong manh, nhưng chúng tôi sẽ cung cấp cách hướng dẫn lắp đặt và bảo quản", bà Spector viết trong email, theo tường thuật của Washington Post.
Phát ngôn nhân viện bảo tàng Guggenheim, bà Sarah Eaton, xác nhận rằng bà Spector đã gửi email tới Tòa Bạch Ốc hôm 15/9 năm ngoái.
Tòa Bạch Ốc không phản hồi yêu cầu bình luận từ báo Washington Post về việc này.
********************
Chính sách mới của Mỹ về vũ khí hạt nhân gây lo ngại (RFI, 25/01/2018)
Vào tuần tới, Lầu Năm Góc sẽ công bố chính sách của tổng thống Donald Trump về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Một bản dự thảo của chính sách mới này vừa được báo chí Mỹ tiết lộ và đang gây lo ngại cho các chuyên gia, vì họ sợ nó sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm tăng thêm nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh nguyên tử.
Các nhà tranh đấu phong trào chống vũ khí hạt nhân quốc tế ICAN biểu tình với mặt nạ tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trước Đại sứ quán Bắc Triều Tiên, Berlin, ngày 13/09/2017. Britta Pedersen / dpa / AFP
Trong bản Đánh giá Khả năng Hạt nhân (Nuclear Posture Review), bộ quốc phòng Hoa Kỳ muốn xem xét lại kho vũ khí hạt nhân của nước này và muốn phát triển một loại vũ khí nguyên tử mới, có cường độ hạn chế. Như vậy là Washington nay có chính sách khác hẳn chính sách của cựu tổng thống Barack Obama, người mà vào năm 2009 ở Praha đã ra lời kêu gọi tiêu hủy hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.
Đánh giá rằng tình hình thế giới hiện nay phức tạp hơn rất nhiều so với năm 2010 (thời điểm mà bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản đánh giá mới nhất), Lầu Năm Góc cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ phải thích ứng với những mối đe dọa mới, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Trong lời mở đầu của bản dự thảo nói trên, bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nay đang đối đầu với một mối đe dọa hạt nhân đa dạng hơn và lớn hơn bao giờ hết. Cho nên, Lầu Năm Góc đề nghị phát triển những loại vũ khí nguyên tử mới, với cường độ hạn chế, còn được gọi là "vũ khí hạt nhân mini". Những vũ khí này có khả năng phá hủy các căn hầm hoặc các cơ sở chôn sâu dưới đất.
Đặt trong giả thuyết là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ sử dụng các vũ khí hạt nhân quy ước, quá mạnh và có sức tàn phá quá lớn, Lầu Năm Góc dự trù phát triển những vũ khí có sức công phá thấp hơn, nhưng có khả năng đánh sâu vào hàng phòng thủ của đối phương, chẳng hạn như các tên lửa hải đối địa.
Đối với ông Barry Blenchman, đồng sáng lập viên trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson Center ở Washington, một chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân, bản đánh giá nói trên là một bước lùi so với những nỗ lực của những chính quyền trước đây nhằm làm giảm bớt nguy cơ xung đột hạt nhân.
Về phần Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ không cần đến một loại vũ khí nguyên tử mới. Theo ông Kristensen, có thể dự trù một kịch bản trong đó tổng thống Mỹ sẽ bớt ngần ngại sử dụng một vũ khí nguyên tử, nếu ông nghĩ rằng nó sẽ không gây nhiều thương vong cho thường dân.
Trong khi đó, dân biểu Adam Smith (Dân Chủ), thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, tức là ủy ban giám sát các hoạt động của Lầu Năm Góc, thì nhận định rằng những đề xuất của bộ quốc phòng không giúp gia tăng bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ, mà trái lại sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, đối với ông Matthew Costlow, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện quốc gia chính sách công, những mối quan ngại nói trên là quá đáng, vì trật tự hạt nhân của thế giới sẽ không thể bị xáo trộn do việc thêm bớt một vài đầu đạn nguyên tử bởi một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm như Hoa Kỳ.
Vấn đề là vào năm 2010, cựu tổng thống Obama đã ký với tổng thống Nga thời đó là Dmitri Medvedev một hiệp ước gọi là START mới, dự trù giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của hai nước. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021, thời điểm có thể ông Donald Trump làm tổng thống nhiệm kỳ hai. Một số chuyên gia sợ rằng ngôn từ của chính sách mới về vũ khí hạt nhân Mỹ có thể khiến cho thương thuyết với Nga về việc triển hạn hiệp ước này thêm khó khăn.
Thanh Phương
Nghi án Nga : Chuyên gia tình báo chỉ trích Trump ''ngây thơ'' (RFI, 13/11/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tin vào ai ? Vào Vladimir Putin, người cam đoan là chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hay vào các cơ quan tình báo của Mỹ (CIA, FBI, NSA), có bằng chứng Nga nhúng tay để cố phá hoại ngầm cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, Manila, ngày 11/11/2017. Reuteurs/Jorge Silva
Sau lời tuyên bố tại Đà Nẵng, tổng thống Donald Trump bị toàn bộ giới chính trị Hoa Kỳ chỉ trích, dù ông đã cố "chữa cháy" là "tin vào cơ quan tình báo của chúng ta, nhất là do những người mới, đáng tin cậy điều hành". Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tường trình :
Ông John McCain, thuộc đảng Cộng Hòa, là người ném đá đầu tiên. Ông chỉ trích tổng thống Mỹ "ngây thơ" cả tin vào những gì Putin nói, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Phía đảng Dân chủ có cùng phản ứng và chế giễu tính cả tin của Trump.
Tuy nhiên, có lẽ những lời chỉ trích nghiêm khắc nhất xuất phát từ phía các chuyên gia, những người nắm rõ tình hình. Trả lời đài CNN, ông John Brennan, cựu giám đốc CIA, khẳng định : "Không có chút nghi ngờ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử. Và thật lạ lùng khi thấy ông Trump không thừa nhận điều này và không phản kháng lại Putin. Mối đe dọa Nga đối với nền dân chủ Mỹ là có thật".
Ông James Clapper, cựu giám đốc cơ quan an ninh quốc gia NSA, ngồi cạnh ông Brennan, nhấn mạnh thêm phát biểu của cựu giám đốc CIA. Ông nói : "Putin đã tham gia phá hoại hệ thống, nền dân chủ và tiến trình của chúng ta. Và nếu diễn diễn giải theo cách khác, tôi nghĩ, thì thật là kinh ngạc, gây nguy hiểm cho đất nước".
Đối với hai chuyên gia tình báo này, ông Donald Trump là món đồ chơi của các chính trị gia như Putin, Tập Cận Bình, những người biết cách ve vãn "cái tôi" của Trump để thao túng tổng thống Mỹ.
Trong một tin Tweet, ông Donald Trump đã lên án Brennan, Clapper và James Comey, cựu giám đốc FBI, là những chính trị gia vô đạo đức. Cựu giám đốc CIA John Brennan đáp trả rằng ông nghĩ là tổng thống đang tìm cách vô hiệu hóa phân tích của các cơ quan tình báo, đồng thời nói thêm "căn cứ vào nguồn gốc của lời chỉ trích này, tôi coi đó như một huân chương danh dự.
Thu Hằng
*************************
Donald Trump lúng túng, tin cậy CIA lẫn Putin (RFI, 12/11/2017)
Nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo chân tổng thống Donald Trump đến tận Việt Nam. Ngày 11/11/2017, ông tuyên bố "tin lời trần tình" của chủ nhân điện Kremlin là chân thật. Thế nhưng, trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 12/11, tổng thống Mỹ bảo đảm là ông "tin vào lời cáo buộc của tình báo Mỹ" hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. Reuteurs/Kham
Theo Reuters và AFP, tổng thống Mỹ tìm cách làm sáng tỏ vấn đề là liệu ông "có chấp nhận hay không" lời phân trần của tổng thống Nga. Ngày 11/11, tại Đà Nẵng, sau khi gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Donald Trump đã dài dòng lý giải về những lời "trần tình" của chủ nhân điện Kremlin và ngầm cho biết đó là những lời chân thật, Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ngay lập tức, lời tuyên bố này gây phản ứng bất bình từ Washington. Một trong những phê phán đến từ cựu lãnh đạo tình báo quốc gia James Clapper : Tổng thống Trump rõ ràng là thiếu cảnh giác khi tin vào lời nói của Putin hơn là của tình báo Mỹ.
CIA cũng lập tức ra thông cáo tái xác định những lời cáo buộc chính quyền Nga và nhấn mạnh "không thay đổi kết luận".
Do vậy, trong cuộc họp báo sáng Chủ Nhật 12/11 tại Hà Nội với chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, tổng thống Trump tìm cách chữa cháy. Ông phát biểu : "Tôi tin vào cơ quan tình báo của chúng ta, nhất là do những người mới đáng tin cậy điều hành".
Sau đó, tổng thống Trump tuyên bố thêm là không quan tâm đến chuyện Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không. Điều quan trọng trong cuộc thảo luận Mỹ-Nga hôm 11/11 là hợp tác giải quyết các hồ sơ quốc tế từ Bắc Triều Tiên, Syria cho đến Ukraina.
Tú Anh
**********************
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông tin phủ nhận của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với các cáo buộc Nga phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, bất chấp các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác đi bộ ra khu chụp ảnh chung sau phiên họp APEC ở Đà Nẵng, 11/11/2017.
Tổng thống Trump phát biểu như vậy sau khi ông và Tổng thống Putin gặp nhau "ngắn ngủi" tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Việt Nam hôm thứ Bảy 11/11. Trong cuộc gặp gỡ ngắn đó hai ông cũng đồng ý về một tuyên bố ủng hộ một giải pháp chính trị cho Syria.
Sau lần gặp đầu tiên hồi tháng 7, đây là lần thứ hai hai ông Trump-Putin gặp mặt trực tiếp nhau trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang chìm xuống mức thấp và vào thời điểm ông Trump đang bị bủa vây bởi cuộc điều tra về những tố cáo ông Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ giúp cho ông Trump vào Nhà Trắng.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí tháp tùng ông trên chuyên cơ Air Force One sau khi rời hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng rằng : "Lần nào gặp tôi, ông [Putin] cũng nói rằng ông không biết về chuyện đó, và tôi thực sự tin điều ông ấy nói với tôi, ông ấy nói thực lòng".
"Tôi nghĩ ông Putin bị xúc phạm nặng bởi điều đó, và đó là chuyện không tốt cho đất nước chúng ta", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump nói các cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Moscow là chơi khăm ông. Kể từ khi lên cầm quyền, ông luôn bị phe Dân chủ hạch hỏi về chuyện liên hệ với Nga. Biện lý đặc biệt Robert Mueller tiến hành một cuộc điều tra dẫn đến việc truy tố cựu quản lý ban vận động tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort và đối tác làm ăn của ông Manafort là ông Rick Gates.
Các cơ quan tình báo Mỹ cũng cũng kết luận rằng Nga đã can thiệp váo cuộc bầu cử của Mỹ để giúp cho ông Trump bằng việc đánh cắp và phổ biến các email gây khó xử cho đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton và phổ biến tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nga một mực bác bỏ các cáo buộc đó.
Thủ lãnh phe Dân chủ trong ủy ban tình báo Hạ viện, tức là ủy ban đặc trách cuộc điều tra này, kịch liệt chỉ trích phát biểu mới đây của Tổng thống Trump, và lên án ông đứng về phía ông Putin thay vì đứng về phía các cơ quan tình báo Mỹ.
Dân biểu Adam Schiff viết trong một thông cáo : "Tổng thống không phỉnh lừa được ai. Ông thừa biết rằng những người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng việc đánh cắp rồi công bố email của đối thủ của ông, một cơ hội mà ông liên tục khai thác trong suốt quá trình tranh cử".
Ông Schiff nói tiếp : "Ông ấy thừa hiểu tất cả những chuyện đó và nhiều hơn như vậy nữa. Chỉ có một điều ông ấy không hiểu là làm sao đặt đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, hay nói theo cách mà ông thường hay hô hào đó là ông đơn thuần không biết cách đặt nước Mỹ lên trên hết".
Tại Đà Nẵng, Tổng thống Putin nói với các phóng viên báo chí rằng cáo buộc ông Manafort liên hệ với Nga là một sự bịa đặt của các đối thủ của ông Trump.
Ông Putin bác bỏ những gợi ý rằng Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ bằng những quảng cáo chính trị. Các công ty công nghệ, trong đó có Facebook, nói một số nội dung chính trị được Nga trả tiền loan tải đã lan truyền trên các trang mạng xã hội vào thời gian đó.
Hạn chế tiếp xúc
Sau khi lớn tiếng nhấn mạnh trong quá trình tranh cử năm 2016 rằng Hoa Kỳ hợp tác với Nga sẽ tốt hơn, ông Trump từ khi lên nắm quyền đã hạn chế tiếp xúc với ông Putin.
Tổng thống Trump nêu vấn đề này lên lại hôm thứ Bảy. Ông nói các mối quan hệ tích cực với Moscow sẽ có lợi cho Washington, để hai bên có thể làm việc với nhau trong các vấn đề như cuộc nội chiến Syria, mâu thuẫn ở Ukraine và cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
"Tôi không thể đứng đó tranh cãi với ông ta", Tổng thống Trump nói. "Tốt hơn, tôi muốn ông ấy rút khỏi Syria. Tôi muốn làm việc với ông ta về vấn đề Ukraine hơn là đứng đó tranh cãi với ông ta".
Tại Việt Nam, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đồng ý với nhau về một tuyên bố chung nói rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria, nơi mà Nga đã hậu thuẫn quân sự cho chế độ Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ bảy.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí : "Chúng tôi đồng ý với nhau về tuyên bố đó rất nhanh. Chúng tôi có một cảm nhận tốt về nhau, một quan hệ tốt, xét trong thực tế là chúng tôi không biết nhiều về nhau".
Nói về cuộc gặp gỡ đó, Tổng thống Putin mô tả ông Trump là "một người lịch sự và rất cởi mở trong giao thiệp".
Tổng thống Putin nói : "Chúng tôi biết rất ít về nhau, nhưng cách cư xử của tổng thống Mỹ rất lịch sự và thân thiện. Chúng tôi nói chuyện bình thường với nhau, nhưng tiếc là có quá ít thời gian".
Tổng thống Trump cho biết hai ông trao đổi qua lại hai ba nội dung rất ngắn.
Các hình ảnh cho thấy hai ông trò chuyện rất thân tình với nhau trên đường đến chỗ chụp hình truyền thống chung của các lãnh đạo dự hội nghị APEC.
Hiệp Định Thương Mại Bắc Mỹ : Trump phải trở lại với thực tế
Pháp lùi một bậc trong bảng xếp hạng Thượng Hải 100 đại học đứng đầu thế giới ; hiện tượng đông đảo người tuy đi nghỉ hè, nhưng đầu vẫn không dứt khỏi các quan hệ công việc hay chính phủ muốn cải cách hệ thống dùng ngân sách Nhà nước cho "hợp đồng lao động được hỗ trợ" là một số chủ đề trang nhất của các báo Pháp hôm nay, 16/08/2017. Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của báo kinh tế Les Echos, lý giải việc tổng thống Mỹ hoàn toàn thay đổi thái độ trong vấn đề Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA/ALENA).
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với các lãnh đạo công nghiệp xe hơi, tại Michigan, 15/08/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Bài "Thương mại : Trump và nguyên tắc thực tế" nhấn mạnh đến sự tương phản giữa những tuyên bố dữ dội của tổng thống Mỹ chống lại các chế độ Bắc Triều Tiên và Venezuela với thái độ trở nên mềm mại hơn của ông Trump đối với một số hiệp định thương mại lớn. Hiệp định với Canada và Mexico, từ chỗ bị tổng thống Trump lên án là "thảm họa", là "hiệp ước thương mại tồi tệ nhất" mà Hoa Kỳ tham gia, đã trở lại bàn thương lượng kể từ hôm nay. Cũng tương tự, đối với vấn đề thỏa thuận khí hậu Paris, "phái có quan điểm thực tế" muốn thương lượng đang chiếm ưu thế so với "phe chủ trương rút hoàn toàn".
Theo Les Echos, nhìn chung, bất chấp các bất đồng, hiệp định này là "rất có lợi" cho các bên, kể cả Mỹ. Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ ra đời năm 1994, đã mang lại hàng triệu việc làm mới, và cho dù thâm hụt ngày càng lớn về phía Hoa Kỳ trong trao đổi mậu dịch với Mexico, các doanh nghiệp Mỹ đã lợi dụng được hoàn cảnh này để cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh.
Đối với Mỹ, lợi thế của thị trường Bắc Mỹ là trái ngược với thế bất lợi của các ngành xe hơi và dệt may của Hoa Kỳ trước các đối thủ Châu Á. Chính vì vậy, Donald Trump hy vọng tìm được một thoả thuận có lợi cho cả ba quốc gia Bắc Mỹ, bằng cách điều chỉnh những lĩnh vực bị coi là "mất cân bằng nhất". Cụ thể là "làm đồng bộ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường" - chủ đề vắng mặt trong NAFTA, hay trừng phạt mạnh hơn đối với các vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo Les Echos, việc đạt được nhanh chóng một thỏa thuận như vậy không phải là dễ, một mặt vì có nhiều vấn đề mới, chưa được đặt ra vào thời NAFTA ra đời, như buôn bán trên mạng, mặt khác là "hơn bao giờ hết" tổng thống Mỹ có xu hướng muốn đạt được "những kết quả gây ấn tượng", để cải thiện hình ảnh trước mắt công chúng, trong bối cảnh cho đến nay ông Trump đã chưa thực hiện được cam kết nào đã hứa với cử tri.
14 triệu việc làm ở Mỹ phụ thuộc NAFTA
Một bài viết khác của Les Echos về chủ đề này nhấn mạnh là nhìn chung đối với khu vực Bắc Mỹ, thỏa thuận thương mại này làm tăng gấp ba tổng trao đổi mậu dịch giữa ba thành viên. Theo Phòng Thương Mại Mỹ, 14 triệu việc làm tại Hoa Kỳ phụ thuộc vào hai nước láng giềng. NAFTA là khu vực thương mại đứng đầu thế giới về GDP, giúp cho vùng Bắc Mỹ duy trì được khả năng cạnh tranh trước Châu Á. Đạt được thỏa thuận là một trắc nghiệm quan trọng không chỉ với tổng thống Mỹ, mà cả hai đồng nhiệm Canada và Mexico.
Les Echos có bài điểm lại một loạt những lĩnh vực mà Hoa Kỳ "hưởng lợi lớn" nhờ NAFTA, như dệt may, nông nghiệp, thương mại điện tử hay xe hơi. Xe hơi là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất. Hiện tại, có đến 40% các bộ phận của xe hơi đến từ Mexico, và 40% xe hơi sản xuất tại Mỹ xuất sang hai láng giềng Bắc Mỹ. Theo một trung tâm nghiên cứu về xe hơi Center for Automotive Research, nếu không có NAFTA, nhiều mảng lớn của ngành xe hơi sẽ bị chuyển sang các quốc gia có lương thấp như ở Châu Á, Đông Âu hay Nam Mỹ. Rời khỏi NAFTA, hơn 30.000 việc làm bị đe dọa, đặc biệt tại tiểu bang Michigan, nơi cử tri bầu nhiều cho ông Trump.
Bạo lực chủng tộc : "Bão táp chính trị" ở Nhà Trắng
Vẫn về tổng thống Mỹ Donald Trump, Le Figaro có bài "Bạo lực chủng tộc : ‘‘Bão táp chính trị’’ ở Nhà Trắng". Tờ báo đặt câu hỏi liệu người Mỹ có tha thứ cho ông Trump đã muộn màng trong việc lên án các băng đảng coi người da trắng là thượng đẳng, biến kỳ nghỉ cuối tuần trước tại thành phố Charlottesville thành một "ngày hội phát xít mới" đầy bạo lực ? Liệu những biến cố vừa qua có là "một rạn nứt sâu hơn, làm lung lay thêm nữa" quyền lực của tổng thống Mỹ, vốn liên tục đi hết từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ đầu nhiệm kỳ ?
Theo Le Figaro, "toàn bộ khó khăn của Donald Trump nằm ở chỗ làm thế nào giữ khoảng cách với các phần tử phân biệt chủng tộc, mà lại không làm mất sự ủng hộ của quần chúng của ông ta". Ngày càng nhiều tiếng nói từ các đồng minh, cũng như đối thủ chính trị của Donald Trump, yêu cầu tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với viên cố vấn Steve Bannon, nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Brexit : Loạt đề xuất đầu tiên của anh bị đánh giá là "mơ hồ"
Còn tại Châu Âu, cuộc ly hôn nan giải với anh Quốc tiếp tục là chủ đề ám ảnh. Hôm qua, Luân Đôn công bố "loạt tài liệu đầu tiên" giải thích cụ thể quan điểm của anh về tương lai với Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có đề xuất lập liên minh thuế quan tạm thời với Châu Âu, nhằm giảm nhẹ tác hại của Brexit, dự kiến có hiệu lực từ tháng 3/2019. Loạt tài liệu này được giới doanh nhân anh tán thưởng, tuy nhiên, theo Les Echos, đề xuất của Luân Đôn đã bị nhiều chính trị gia Châu Âu cho là "mơ hồ".
Ủy Ban Châu Âu, tuy hoan nghênh động thái này, nhưng khẳng định Bruxelles chỉ phản hồi một khi các thủ tục "ly dị" được làm rõ, tóm lại sẽ không thảo luận về tương lai, khi vấn đề ly dị chưa được giải quyết. Các lãnh đạo Châu Âu hy vọng sẽ có "các tiến bộ đủ mức" trước cuộc gặp tới vào cuối tháng 10, trong đó có vấn đề gai góc là Luân Đôn sẽ trả bao nhiêu tiền cho cuộc chia tay. Một vấn đề hoàn toàn đã không được đề cập trong loạt tài liệu đầu tiên.
Bắc Triều Tiên bị cáo buộc tấn công "hệ thống tài chính quốc tế"
Về Bắc Triều Tiên, căng thẳng đã hạ nhiệt phần nào sau tuyên bố của ông Kim Jong-un ngưng kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam Hoa Kỳ. Les Echos có bài tóm lược vụ Bình Nhưỡng tấn công Ngân Hàng Quốc Gia Bangladesh, qua mạng tin học, để cướp đi hơn 80 triệu đô la hồi năm ngoái. Les Echos gọi đây là "cuộc chiến tranh hạt nhân tiền tệ chống lại hệ thống tài chính quốc tế", bởi nạn nhân là một ngân hàng trung ương. Khoảng 50 triệu đô la đánh cắp đã được rửa tại các sòng bạc ở Manila, Philippines.
Chính quyền Philippines đang tiếp tục điều tra về những kẻ hưởng lợi tại địa phương trong vụ này. Les Echos cũng phỏng đoán là khoản tiền đã được rửa có thể đã được chuyển sang Macao (Trung Quốc), một trong những điểm trung chuyển tài chính bất hợp pháp lớn của khu vực, trước khi được đưa về Bắc Triều Tiên.
"Xăng dầu trợ giá" : Lý do chính khiến Cuba sợ Venezuela đổ
Một trong những quốc gia quan tâm nhất đến khủng hoảng Venezuela là Cuba. Báo Le Figaro có bài "Cuba lo sợ chế độ Venezuela sụp đổ". Hơn bao giờ hết La Havana ủng hộ đồng minh Nam Mỹ, bởi các liên hệ về ý thức hệ, và đặc biệt là Cuba phụ thuộc vào dầu mỏ Venezuela.
Từ đầu năm nay, người Cuba phải xếp hàng dài tại các trạm xăng dầu, sau khi lượng dầu từ Venezuela sang giảm mạnh. Việc chế độ của tổng thống Maduro sụp đổ sẽ khiến thỏa thuận bán dầu giá rẻ cho Cuba chấm dứt. Người ta lo ngại viễn cảnh đen tối giống như giai đoạn nạn đói hoành hành tại Cuba sau khi Liên Xô – đồng minh lớn của Cuba – tan rã.
Đại học Pháp tụt hạng : Các đánh giá đa chiều
Về việc đại học Pháp tụt một hạng xuống còn thứ 8, trong bảng 100 đại học hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Đại học Jiao Tong, Thượng Hải, Les Echos có bài "Pháp tụt lùi", trong khi đó Le Figaro nhấn mạnh "Đại học Pháp vẫn trụ được". Chỉ còn ba đại học Pháp trong tốp 100, trong khi đó Hoa Kỳ có đến 48 đại học, anh, 9 hay Úc 6…. Ba đại học hàng đầu của Pháp là Paris-Marie Curie (Paris 6), Đại Học Nam Paris (Paris Sud) và trường Sư Phạm nổi tiếng (Ecole Normale Supérieure).
Theo Les Echos, một trong các lý do chính khiến Pháp mất điểm là do đã không thành công trong việc tập hợp các cơ sở để tạo nên những tổ hợp đào tạo và nghiên cứu lớn, mạnh hơn. Cụ thể là dự án Paris Saclay, được quyết định từ năm 2013, lâm vào "ngõ cụt". Dự án Paris Saclay dự kiến tập hợp đến 15% tiềm lực nghiên cứu công của toàn nước Pháp, bao gồm nhiều cơ sở hàng đầu như Đại Học Paris Sud, Đại Học Bách Khoa, CNRS…
Tuy nhiên, Les Echos lưu ý là Pháp vẫn giữ hạng thứ 6 trong bảng xếp hạng 500 đại học hàng đầu.
Còn Le Figaro dẫn ý kiến một lãnh đạo đại học Pháp, tương đối hóa giá trị của bảng xếp hạng. Theo chủ tịch hội đồng các giám đốc đại học Pháp (CPU), ông Gilles Roussel, bảng xếp hạng Thượng Hải có thể là một yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà nghiên cứu trẻ, thế nhưng về bản chất, không quan trọng như mọi người vẫn nghĩ, và xét cho cùng, bảng xếp hạng không phản ánh được "chất lượng nghiên cứu và giảng dạy Pháp".
Nghỉ hè : Thời gian cắt mạng
Hôm nay là ngày trung tuần tháng 8. Nước Pháp đang giữa kỳ nghỉ hè. Tựa trang nhất của báo La Croix như một lời nhắc nhở "Mùa hè, thời gian cắt mạng", với nhận xét luật về quyền không nối mạng trong kỳ nghỉ đã được thông qua kể từ tháng Giêng năm nay. Tuy nhiên xã luận của La Croix nhấn mạnh tình hình ngược lại là, trong các kỳ nghỉ, mọi người ngày càng ít cắt mạng hơn trước, trong lúc giá truy cập internet đang trở nên gần như bằng không, phạm vi phủ sóng ngày càng lớn và tốc độ ngày càng nhanh.
Theo La Croix, có nhiều lý do khiến người ta không muốn cắt mạng. Có thể là để thể hiện sự gắn bó với tập thể nơi làm việc, có thể do không muốn để lỡ các thông tin quan trọng ảnh hưởng đến nghề nghiệp, cũng có thể là để tỏ ra vẫn hữu ích dù ở xa… La Croix thừa nhận thói quen "nối mạng" với công việc, ngoài giờ làm việc, mới đây đang ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của nhiều người, và không phải ai cũng nhận ra và làm chủ được điều này.
Tờ báo công giáo có bài phỏng vấn ông Dominique Bouillier, một nhà xã hội học, với tựa đề "Chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng phải xử lý những chuyện khẩn cấp".
Chuyên gia nói trên rút ra một điều có vẻ nghịch lý. Với tâm lý "siêu nối mạng", tức sẵn sàng thường trực đáp ứng các vấn đề, để tỏ ra mình luôn hiện hữu với mọi người, có thể sẽ đến lúc bạn không còn hiện hữu thực sự với ai cả. Trong lúc đó, ở thung lũng Silicon, thì những người sáng chế ra các phần mềm ứng dụng tin học, để thu hút công chúng vào mạng, lại tổ chức các khóa học về thiền định, và gửi con cái của họ đến học ở các trường không có máy tính.
Pháp : Sản phụ lên tiếng chống kỳ thị
Vẫn nghỉ hè, nhưng Libération chú ý đến tình trạng sản phụ bị ngược đãi tại một số trung tâm y tế ở Pháp, với tựa trang nhất : "Hãy cẩn thận với những kẻ khốn nạn !" (trong nguyên bản : "Gaffe au con !").
Libération dành nhiều trang đầu để giới thiệu với độc giả về các tiếng nói của nhiều sản phụ, tố cáo đã bị miệt thị, bị khinh bỉ, hay bị đối xử thô bạo, chí ít là cũng không được đối thoại tử tế, khi họ phải trải qua các thủ thuật ngoại khoa do đẻ khó. Cuộc tranh luận bắt đầu bùng lên sau khi bộ trưởng về Bình Đẳng Nam Nữ Marlène Schiappa, công bố bản báo cáo về vấn đề này hồi cuối tháng 7.
Trọng Thành