Trump ký sắc lệnh trừng phạt việc can thiệp vào bầu cử Mỹ (RFI, 13/08/2018)
Hôm 12/09/2018, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh để trừng phạt những hành động của nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ. Quyết định này nhằm đáp lại những chỉ trích không chỉ từ phe Dân Chủ, mà cả từ một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa, cho rằng ông đã có phản ứng quá yếu ớt đối với việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh ngày 12/09/2018. Reuters/Carlos Barria
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, sắc lệnh mà tổng thống vừa ký ban hành "không nhắm riêng vào nước nào", bởi vì "mối đe dọa" có thể đến từ nhiều nơi và sắc lệnh sẽ được áp dụng cho cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 06/11 tới. Về phần Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia, ông cho biết là càng đến gần ngày bầu cử, càng có những dấu hiệu can thiệp không chỉ từ Nga, mà cả từ Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên.
Sắc lệnh mới dự trù trừng phạt bất cứ quốc gia, cá nhân hay thực thể nào đã khuyến khích hoặc tổ chức mưu toan tác động lên các cuộc bầu cử ở Mỹ. Cụ thể, sau khi có báo động, các cơ quan tình báo của Mỹ có 45 ngày để thu thập những bằng chứng, rồi trong vòng 45 ngày sau đó, bộ Tài Chính và bộ Tư Pháp sẽ ban hành các trừng phạt như phong tỏa tài sản, cấm đầu tư vào một công ty Mỹ hoặc cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Theo các cơ quan tình báo Mỹ, chính quyền Nga đã từng tiến hành một chiến dịch có sự phối hợp và được hoạch định kỹ càng nhằm tác động lên bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 theo hướng có lợi cho ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump, đặc biệt là qua việc phát tán "tin giả" (fake news) và sử dụng các mạng xã hội.
Tháng 03/2018, chính quyền Mỹ đã thi hành trừng phạt đối với 19 cá nhân và thực thể, trong đó có cơ quan tình báo Nga. Nhưng phe đối lập Dân Chủ cho rằng những biện pháp đó quá trễ và chưa đầy đủ.
Kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Trump vẫn bác bỏ điều cho rằng ông đã đắc cử nhờ sự hỗ trợ của Moskva. Ồng cho đó là "tin giả", đồng thời vẫn tránh chỉ trích tổng thống Putin. Ra tay mạnh nhất lại chính là Robert Mueller, công tố viên đặc biệt, chuyên trách nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Trong vòng một năm qua, êkíp của Mueller đã truy tố 12 tin tặc của tình báo Nga, và 13 người có liên hệ với Cơ quan Nghiên cứu Internet ở Saint-Petersbourg, mà theo tình báo Mỹ, chính là nơi chủ yếu xuất phát các tin giả trên mạng.
Theo lời cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, qua việc ký sắc lệnh, tổng thống Trump "chứng tỏ rằng ông quan tâm rất nhiều đến vấn đề này". Thế nhưng, hôm qua, hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Chris Van Hollen (Dân Chủ), hai người đang đề nghị một đạo luật về trừng phạt hành động can thiệp bầu cử Mỹ, cho rằng quyết định của ông Trump là "quá hạn chế". Theo hai nghị sĩ này, sắc lệnh của tổng thống "nhìn nhận là có mối đe dọa, nhưng không làm đúng mức để giải quyết vấn đề".
Tổng thống Mỹ ký ban hành sắc lệnh nói trên vào lúc gọng kềm đang siết chặt Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa êkíp tranh cử của ông Trump với Moskva. Ngày 07/09/2018, cựu cố vấn ngoại giao của tổng thống Trump George Papadopoulos, đã lãnh án tù 14 ngày vì đã nói dối Cục Điều tra Liên bang FBI. Ông là cố vấn đầu tiên của Donald Trump chấp nhận hợp tác với êkíp của công tố viên Mueller để được hưởng khoan hồng.
Thanh Phương
******************
Thương chiến, Trung Quốc gây khó khăn cho công ty Mỹ (VOA, 12/09/2018)
Giữa lúc cuộc chiến mậu dịch ngày càng leo thang, Trung Quốc đang hoãn lại việc tiếp nhận đơn xin giấy phép hoạt động của các công ty Mỹ trong các dịch vụ tài chính và các ngành khác cho đến khi Washington đạt được tiến triển trong việc tìm kiếm giải pháp, AP dẫn lời một quan chức của hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho biết hôm 11/9.
Trung tâm Tài chính ở Bắc Kinh
Trung Quốc hiện đang cạn dần các mặt hàng mà họ có thể đánh thuế trả đũa Mỹ. Điều này khiến các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc lo lắng rang họ sẽ là đối tượng bị trả đũa kế tiếp.
Việc trì hoãn cấp giấy phép này diễn ra ở những ngành mà Bắc Kinh đã hứa là sẽ mở cửa cho nước ngoài vào cạnh tranh, theo lời ông Jacob Parker, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ- Trung (USCBC). Tổ chức này đại diện cho khoảng 200 công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc.
Trong các cuộc gặp trong ba tuần qua, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nói với các đại diện của USCBC rằng họ đang hoãn chấp nhận đơn xin giấy phép mới cho đến chừng nào ‘quỹ đạo của quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện và bình ổn,’ Parker nói.
Giới chức Trung Quốc đã hứa nới rộng cánh cửa cho các công ty nước ngoài bước vào thị trường của họ trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quản lý tài sản.
Bắc Kinh đã đáp trả tương xứng đợt áp thuế 50 tỷ đô la hàng hóa của ông Trump nhưng đang cạn dần các mặt hàng Mỹ mà họ có thể đánh thuế do mất cân bằng thương mại giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quyết định có tăng thuế lên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc nữa không.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 10/9 nói rằng Trung Quốc ‘chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả’.
Các kinh tế gia đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể nhắm vào các ngành như là hậu cần và kỹ thuật mà Mỹ có thặng dư thương mại với Trung Quốc.
Các nhà bình luận Trung Quốc đã đề nghị chính phủ nước này sử dụng khoản nợ của chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ trị giá hàng ngàn tỷ đô la làm vũ khí mặc dù điều này cũng sẽ làm Trung Quốc bị tổn thương.
Hồi tháng Sáu Trung Quốc nói rằng họ sẽ áp đặt ‘những biện pháp toàn diện’ nếu cần thiết.