Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/09/2018

Điểm báo Pháp - Bảo vệ pháp quyền và tác quyền

RFI tiếng Việt

Bảo vệ pháp quyền và tác quyền : Hai quyết định lớn của Nghị Viện Liên Âu

Nghị Viện Châu Âu cảnh báo Hungary, vì xâm phạm các định chế pháp quyền và tổng thống Pháp tung ra chính sách mới hỗ trợ người nghèo, với tổng trị giá 8 tỉ euro, là hai tựa lớn trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm nay, 13/09/2018.

baove1

Nghị Viện Châu Âu biểu quyết về thủ tục trừng phạt Hungary. Ảnh ngày 12/09/2018. REUTERS/Vincent Kessler

Về thời sự Châu Âu, nhật báo công giáo La Croix có bài "Nghị Viện Châu Âu hôm qua có hai quyết định quan trọng", ghi nhận một chuyển biến đáng mừng.

"Phải chăng đây là điểm khởi đầu cho một sự thức tỉnh ?", xã luận La Croix mở đầu với một câu hỏi. "Còn quá sớm để kết luận, nhưng chúng ta có thể ghi nhận một điều là : chỉ trong cùng một ngày Nghị Viện Strasbourg đã thông qua hai quyết định, thể hiện sứ mạng của Liên Hiệp Châu Âu".

- Quyết định thứ nhất là bỏ phiếu thông qua dự án cải cách luật tác quyền, nhằm buộc các tập đoàn kiếm lời qua internet phải nộp thuế. Đích nhắm chủ yếu là các đại gia internet, như Google hay Facebook.

- Quyết định thứ hai là khởi sự thủ tục tước quyền bỏ phiếu của Hungary, bởi chính quyền Orban liên tục xâm phạm các giá trị nền tảng của Liên Âu : độc lập tư pháp, tự do báo chí, hiệp hội và quyền tị nạn.

Mùa xuân năm tới, cử tri Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới. Hiểm họa lớn là nghị viện tương lai sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa, muốn thu hẹp tối đa các định chế Liên Âu. Với hai quyết định nói trên, Nghị Viện Châu Âu cho thấy "điều ngược lại", đó là các định chế Châu Âu có thể là một "đòn bẩy" cho phép các quốc gia của Liên Hiệp đối mặt với các thách thức không của riêng đất nước nào : thất nghiệp, di cư, biến đổi khí hậu. Trong vấn đề Hungary, Nghị Viện muốn chứng tỏ là Liên Hiệp Châu Âu không chỉ là một không gian tự do thương mại, mà còn dựa trên các nền tảng, mà các thành viên cần tôn trọng, nếu muốn được hưởng các lợi ích từ không gian này.

Thủ tướng Hung hay Liên Âu : Cánh hữu phải lựa chọn

Bài "Nghị Viện Châu Âu mở cuộc chiến chống Orban" của Les Echos cũng phấn khởi với hai quyết định hôm qua. Tờ báo thốt lên : "Thật là một ngày khác thường !". Các nghị sĩ đã bỏ phiếu đông đảo (với 448 phiếu thuận, 197 phiếu chống - vượt quá con số hai phần ba nghị sĩ, theo quy định), để khởi sự tiến trình nhắm tới việc tước quyền bỏ phiếu của Budapest. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu"Nghị Viện đã đưa ra quyết định như vậy đối với một quốc gia thành viên.

Cho đến trước cuộc bỏ phiếu này, một kịch bản như trên được coi là khó xảy ra, vì đảng cầm quyền Hungary vốn được sự ủng hộ của liên đảng cánh hữu Châu Âu PPE. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm thứ Ba trước Nghị Viện, thủ tướng Victor Orban đã không chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào, cho dù Budapest bị lên án mạnh mẽ, đặc biệt trong việc xâm phạm tự do báo chí, tham nhũng và độc tài. Tối hôm đó, chủ tịch đảng PPE Manfred Weber tuyên bố cá nhân ông sẽ bỏ phiếu khởi sự điều 7, cho phép tước quyền bỏ phiếu của Hung.

Les Echos nêu một lý do khác đã dẫn đến "biến chuyển chính trị quan trọng này". Đó là, trước thềm bầu cử Nghị Viện mới, phe hữu PPE - vốn bao gồm cánh trung hữu và cánh hữu ôn hòa - đứng trước đòi hỏi phải làm sáng tỏ lập trường. PPE bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích là "chơi trò hai mặt", vừa hô hào ủng hộ Châu Âu, lại vừa dung túng ông Orban. Trong bối cảnh này, ngay cả thủ tướng Áo, một người có quan điểm chống nhập cư, khá gần gũi với thủ tướng Hung, cũng khẳng định bỏ phiếu chống lại Budapest.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý là khả năng Hungary bị tước quyền bỏ phiếu thực sự là rất thấp, bởi đề xuất này còn phải được sự phê chuẩn của toàn bộ các quốc gia thành viên. Mà, Hungary có được sự hậu thuẫn vững chắc của Ba Lan, một quốc gia cũng rất bị lên án về các xâm phạm định chế pháp quyền trong những năm gần đây.

Còn Le Figaro, với bài "Châu Âu muốn đặt Orban vào thế việt vị", thì cảnh báo, bất chấp quyết định nói trên, tiếng nói của thủ tướng Hung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư, trong giai đoạn tranh cử nghị viện.

Chiến thắng của báo chí Châu Âu trước GAFA

Về quyết định quan trọng thứ hai của Nghị Viện Châu Âu hôm qua, phụ trương kinh tế Le Figaro chạy tít lớn "Chiến thắng của báo chí Châu Âu trước GAFA", cho biết với 438 phiếu thuận (226 chống và 39 vắng mặt), Nghị Viện đã thông qua chỉ thị về tác quyền, mở đường cho việc thảo luận về việc các đại gia Internet (trước hết là Google, Facebook và Twitter) phải chia sẻ lợi nhuận cho tác giả các xuất bản được công bố trên mạng. Chỉ thị của Châu Âu không liên quan đến các mạng internet nhỏ.

Quyết định được đưa ra tại Strasbourg được toàn bộ các hiệp hội báo chí Châu Âu, ENPA và Emma, đánh giá là "một cuộc bỏ phiếu lịch sử vì báo chí và nền dân chủ". Theo chủ tịch ENPA Carlo Perrone, quyền này sẽ mở ra khả năng tìm được một mô hình kinh tế mới cho phép các phương tiện truyền thông sống được, trong kỷ nguyên công nghệ số. Chỉ thị Voss, mang tên nghị sĩ đảng PPE người Đức, Axel Voss, cũng mở đường cho phép các nghệ sĩ (ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim…) được thù lao cao hơn hiện nay.

Le Figaro lược thuật lại cuộc chiến khốc liệt giữa phe ủng hộ và phe chống. Chỉ thị Voss bị phe chống tố cáo là "kiểm duyệt nội dung", đe dọa việc tự do chia sẻ thông tin… Áp lực của các lobby phe chống dẫn đến việc Nghị Viện từng bỏ phiếu không thông qua chỉ thị này hồi tháng 7.

Tuy nhiên, theo Les Echos, việc đánh thuế tác quyền với các đại công ty Internet chưa ngã ngũ. Trong những tuần tới, bộ ba Nghị Viện, Ủy Ban và Hội Đồng Châu Âu sẽ thảo luận về chỉ thị này, để ra một quyết định cuối cùng trước bầu cử Nghị Viện tháng 5/2019. Các quốc gia thành viên Châu Âu đã tỏ ý ủng hộ.

Putin muốn ký hiệp ước hòa bình ngay với Nhật

Quan hệ khởi sắc hơn giữa Nga và Nhật là chủ đề chính về thời sự Châu Á của Les Echos, với bài "Putin đề nghị hòa bình với Nhật Bản". Hôm qua, tại Diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, còn được mệnh danh là "thượng đỉnh Davos của Châu Á", tổng thống Nga đã có một tuyên bố được đánh giá là "bất ngờ", khi tỏ ý sẵn sàng ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản, ngay trước cuối năm nay, mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuyên bố của ông Putin liệu có phải chỉ là một lời lẽ mang tính tuyên truyền ?

Cho đến nay, phía Nhật Bản vẫn gắn liền việc chính thức ký kết hiệp ước hòa bình (khép lại hoàn toàn trang sử Thế chiến Hai), với việc giải quyết các tranh chấp về cụm đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, hiện do quân đội Nga kiểm soát. Các đàm phán giữa hai bên không có kết quả, cho dù thủ tướng Nhật đã 22 lần hội kiến tổng thống Nga.

Tuy nhiên, các hợp tác kinh tế Nhật - Nga đang phát triển mạnh có thể khiến tình hình thay đổi. Tại Diễn đàn kinh tế Vladivostok, thủ tướng Nhật khẳng định viễn cảnh hợp tác song phương là "vô giới hạn", ông Abe trực tiếp giới thiệu với công chúng các đoạn video về các đóng góp của doanh nghiệp Nhật tại Nga trong hàng loạt lĩnh vực : xây dựng hải cảng, lắp đặt trang thiết bị mới cho bệnh viện, tái tổ chức giao thông đô thị như tin học…

Cũng tại Diễn đàn kinh tế này, tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc thể hiện như là hai người bạn ý hợp tâm đầu. Ông Putin và ông Tập Cận Bình cùng làm bánh crếp trong vai đầu bếp, và cùng nhau nhấm nháp vodka. Nguyên thủ Nga ca ngợi "phong cách thực tế của các đối tác Châu Á", còn lãnh đạo Trung Quốc thì hoan hỉ nói : "Một làn gió mát từ phương Đông đang đến". Tổng thống Nga gián tiếp lên án chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ.

Doanh nhân Mỹ khởi động phong trào chống chủ nghĩa bảo hộ của Trump

Hôm qua, gần 2 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, nhiều nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế lực đã phát động một phong trào mới để đánh động công luận trong nước về những hiểm họa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Donald Trump.

Chiến dịch mang tên "Tariffs Hurt the Heartland" (tạm dịch là "Chính sách bảo hộ thuế quan gây hại cho vùng trung tâm nước Mỹ"). Tham gia vào phong trào có Hiệp hội quốc gia các chủ doanh nghiệp chế tạo Mỹ (National Association of Manufacturers), Phòng thương mại Mỹ, Business Roundtable - hiệp hội tập trung giới tinh hoa của doanh nghiệp Mỹ, Liên đoàn ngành bán lẻ (National Retail Federation), nằm trong số các thành viên nặng ký của phong trào. Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia, Matthew Shay, cảnh báo là tất cả các khu vực của nền kinh tế Mỹ đều sẽ thua thiệt trong một chiến tranh thương mại.

Theo Le Figaro, rất hiếm khi nào các doanh nghiệp Mỹ, vốn hết sức khác biệt nhau - từ các nhà khổng lồ trong ngành phân phối, như Walmart, Target, cho đến các nhà sản xuất táo tại tiểu bang Washington, các nhà đánh bắt tôm hùm ở Maine, các tập đoàn dầu mỏ, chế tạo xe hơi General Motors - lại tham gia vào một phong trào chung như vậy. Nếu như năm ngoái, các doanh nhân Hoa Kỳ hoan nghênh nhiệt liệt quyết định giảm thuế của tổng thống Mỹ, thì giờ đây họ kêu gọi Donald Trump không thực thi đe dọa đánh thuế nhập khẩu lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, cũng như các biệp pháp khác chống lại Liên Hiệp Châu Âu, Canada. Nhiều hoạt động của phong trào dự kiến sẽ diễn ra trước ngày bầu cử tại các Ohio, Pennsylvanie, Illinois, Indiana et Tennessee, các tiểu bang có nhiều cử tri ủng hộ Donald Trump.

Liệu có tránh được "tắm máu" tại Idlib, Syria ?

Về tình hình tại Syria, cộng đồng quốc tế đang lo ngại, quân đội Syria gây ra cuộc tắm máu, khi tấn công tỉnh Idlib, với sự hậu thuẫn của không quân Nga. La Croix có hồ sơ : "Liệu có thể tránh được cuộc tắm máu ở Idlib ?". 

Theo ông Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của trung tâm nghiên cứu về khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), thì tất cả phụ thuộc vào quyết định của Nga. Nếu nước Nga muốn lấy lại Idlib bằng mọi giá, chỉ để giao cho chính quyền Damascus, bất chấp các kêu gọi của quốc tế, thì họ hoàn toàn có thể làm được điều này (Hiện tại "các nước Châu Âu bó tay", vì không có lực lượng tại chỗ). Ngược lại, nếu Moskva quan tâm đến tình hình tại Syria về dài hạn, về việc tái thiết Syria, thì Nga phải hành động khác.

Trong khi đó, theo ông Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực Trung Cận Đông của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, đặc điểm của tình hình tại Idlib là dân chúng ở đây đa số là người tị nạn, và đối lập vũ trang, từ các vùng khác, được đưa dồn về đây trong những năm gần đây, theo các thỏa thuận giữa quân đội Damascus, và các nhóm vũ trang đối lập. Tuy nhiên, sau Idlib, sẽ không còn nơi nào tại Syria có thể trở thành nơi trú ẩn cho người tị nạn. Đối với hai bên tham chiến, Idlib là một ngõ cụt. Với tư cách là một người hoạt động nhân đạo, theo sát tình hình Syria từ bảy năm nay, ông Fabrizio Carboni cho biết rất bi quan về tương lai Idlib, bởi rất có khả năng phương án dùng bạo lực ồ ạt sẽ được Nga và Damascus tiến hành.

Theo đại diện Hồng Thập Tự, hiện tại, tổ chức này đã chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm cho 250.000 đến 300.000 người tị nạn Idlib, tại các khu vực xung quanh. Và tổ chức nhân đạo này vẫn tiếp tục kín đáo làm rất nhiều việc để trợ giúp cho dân cư Idlib trong vòng vây, nhờ có nhiều quan hệ với các bên tham chiến. Nhưng các trợ giúp của họ là rất nhỏ nhau so với nỗi đau khổ của dân chúng Idlib, và nhất là họ không thể làm gì để ngặn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn.

Pháp : Chương trình chống nghèo "tận gốc" của Macron

Về tình hình nước Pháp, Libération chú ý đến chương trình chống nghèo mới của tổng thống Macron, với hàng tựa ấn tượng trên trang nhất : "Tổng thống của những người giàu quan tâm đến dân nghèo". Libération trước hết khẳng định tỉ lệ dân nghèo ở Pháp thuộc loại thấp nhất Châu Âu, và khoảng cách giàu nghèo đã có xu hướng thu hẹp những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 9 triệu người Pháp thuộc nhóm người nghèo (dưới thu nhập tối thiểu), trong đó có ba triệu trẻ em.

Chính trong bối cảnh này, mà Libération khen ngợi kế hoạch mới của tổng thống Pháp – bị nhiều người chỉ trích là không cần thiết - có mục tiêu tấn công vào "gốc rễ của vấn đề" : chống lại việc nạn nghèo khổ được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Chương trình của chính phủ bao gồm hàng loạt lĩnh vực, từ trợ giúp trực tiếp về mặt tài chính cho các gia đình, đến hỗ trợ về giáo dục tại các khu vực khó khăn, từ trợ cấp cho căng-tin học đường cho học sinh nghèo, đến chính sách theo sát các thanh thiếu niên trong đào tạo, cho đến khâu tìm việc làm. Hai mảng quan trọng khác của chương trình hỗ trợ này là nhằm giúp người lao động nghèo được tăng thêm thu nhập, khoảng 80 euro/tháng, và hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp, hiệp hội đưa người nghèo tham gia làm kinh tế.

Tuy nhiên, Libération cũng cho rằng, kế hoạch quy mô lớn này vẫn chưa đủ, và thật khó mà tất cả mọi người đều có thể có thu nhập ở mức trung lưu. Nhật báo thiên tả đặt vấn đề là nên chăng đặt mục tiêu làm sao để "tất cả mọi công dân có đủ phương tiện để có được một cuộc sống xứng với nhân phẩm", cho dù hoàn cảnh kinh tế của nhiều người không thay đổi ?

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)