Sau 6 tháng cầm quyền, chỉ số tín nhiệm của tổng thống Trump rơi từ 46% tháng Tư xuống 33% hiện nay, mức thấp nhất so với 12 khóa tổng thống trong 70 năm qua.
Hoa, trên con đường nơi cô Heather Heyer thiệt mạng do chiếc xe của một người được cho là thuộc nhóm cực hữu đâm vào.
Mấy ngày qua, sự tín nhiệm và tình trạng cô đơn của ông Trump có nguy cơ xuống thấp và cô đơn nguy hiểm hơn nữa, qua sự kiện phân biệt chủng tộc ở thị trấn Charlottesville ở bang Virginia ngày thứ Bảy, 12/8.
Tại đây, người theo chủ nghĩa chủng tộc cực đoan coi da trắng là thượng đẳng, kỳ thị người da màu, cùng nhóm neo-nazis – phát xít mới, Ku Klux Klan cũ vừa trỗi dậy, cùng nhau tổ chức cuộc tuần hành phô trương lực lượng. Nhóm này phản đối mọi người nhập cư và người Hồi giáo… để phô trương thanh thế. Họ từng kêu gọi nhau bỏ phiếu cho ông Trump, vì tự coi mình là cùng đứng về một phe, phe cực hữu liên minh với phe hữu, cùng hội cùng thuyền cùng ông tổng thống.
Phong trào dân chủ ở Virginia liền tổ chức các cuộc phản biểu tình khi nhóm cực hữu trưng ra những lá cờ phát xít chữ thập ngoặc, lá cờ Ku Klux Klan, chào nhau theo kiểu Hitler, và hô khẩu hiệu đề cao chủng tộc thượng đẳng da trắng. Xung đột đã xảy ra, một phụ nữ dân chủ da trắng Heather Heyer, 32 tuổi, thiệt mạng, 19 bị thương.
Trong khi dư luận Hoa Kỳ sôi sục lên án những người phát xít mới, thì tổng thống Trump, đang nghỉ mát, chơi golf ở ngôi nhà nghỉ riêng của ông, đã đưa ra những nhận xét mâu thuẫn nhau.
Thoạt đầu, ngày 13/8, ông lên án "cả 2 bên đã có những hành động bạo lực", sáng hôm sau 14/8 khi thấy dư luận không đồng tình, ông lại xoay sang lên án đích danh "bọn phát xít, Ku Klux Klan mới, bọn phân biệt chủng tộc", để rồi ngày 15/8 ông lại xoay sang nói lại kiểu nước đôi, lên án cả 2 bên ngang bằng nhau : "Hai bên đều có kẻ tốt, người xấu", chắc hẳn ông lo sẽ bị mất phiếu của phe cực hữu, theo quan điểm nhà buôn kiếm lợi nhuận, bất kể đạo đức, luật pháp và thái độ chính trị, vốn là lập trường chính trị riêng của ông.
Đây là lý do để CNN nhận định rằng ông Trump không thật sự ở trong đảng Cộng Hòa, ông đứng giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ - "đảng Trump !".
Thật ra trong khi ông Trump bị cô lập, chê trách ngay trong đảng Cộng Hòa, ông vẫn được tầng lớp giàu có, lớp tỷ phú trong xã hội Hoa Kỳ tín nhiệm, là chỗ dựa vững chắc còn lại của ông.
Thế nhưng quan điểm nước đôi của ông về sự kiện Charlottesville đã dẫn đến sự chia tay của một số nhà tỷ phú có ảnh hưởng chính trị lớn nhất.
Theo mạng Huffington Post ngày 16/8, 4 tỷ phú lớn nhất đã tuyên bố thôi hợp tác với tổng thống Trump, rút chân khỏi Hội đồng tham vấn về công nghiệp và kinh doanh của tổng thống. Đó là các tỷ phú Kenneth Frazier đứng đầu công ty dược phẩm Merk ; Kevin Plank đứng đầu công ty dụng cụ thể thao Under Amour ; Brian Krzanich, đứng đầu hãng Intel, và Scott Paul, Chủ tịch liên minh Công nghiệp Hoa Kỳ.
Vẫn chưa hết, nỗi cô đơn nguy hiểm của tổng thống tập sự Trump còn rõ rệt hơn do nhà lãnh đạo Công đoàn lớn nhất Hoa Kỳ AFL-CIO, Richard Trumka, ông chủ hãng Apple, Tim Cook, ông chủ hãng Google, Sundar Pichai, cũng đã chào từ biệt, thôi ủng hộ ông Trump sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định Paris về khí hậu toàn cầu do gần 200 nước đã ký, chỉ trừ có Syria và Nicaragua. Đây có thể xem là quyết định tự cô lập, bị đông đảo các nhà địa vật lý, khí tượng, khoa học, giáo chức và sinh viên Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.
Điều trớ trêu cho ông Trump là trong khi ông chơi trò nước đôi vì lo sợ mất phiếu của các nhóm Cực hữu, thì cô Ivanka Trump, con gái cưng và là cố vấn tổng thống, chỉ một ngày sau vụ đụng độ chết người, đã tuyên bố công khai, lên án mạnh mẽ dứt khoát rằng "xã hội này không có chỗ cho bọn phân biệt chủng tộc, da trắng thượng đẳng và tân phát xít."
Cô dám dũng cảm ngay thật đương đầu với cha mình.
Một sự cô đơn bẽ bàng nguy hiểm của ông Trump ngay trong Bạch Cung.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 17/08/2017
Truất phế tổng thống Mỹ : Ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi (RFI, 19/05/2017)
Một vài nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Donald Trump về buộc tội cản trở công việc của ngành tư pháp. Tuy nhiên, một khả năng như vậy, vào lúc này rất khó trở thành hiện thực vì thiếu hậu thuẫn chính trị tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đợi đón đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Nhà Trắng, Washington, 16/05/2017 REUTERS/Joshua Roberts
Tổng thống Trump bị cáo buộc là vào tháng Hai vừa qua đã yêu cầu ông James Comey, lúc đó là giám đốc FBI, gác bỏ một cuộc điều tra về một người thân cận với ông bị tình nghi có quan hệ với Nga, và đã cách chức ông Comey vào tuần trước, một động thái bị những đối thủ của ông coi như một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa người thân của ông Trump với Nga.
Thế nhưng, theo nhận xét của hãng tin Pháp AFP ngày 18/05/2017, trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có một tổng thống nào bị truất phế. Hai ông Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998 đã bị luận tội, nhưng đều được tha bổng, còn ông Richard Nixon, vào năm 1974, đã từ chức để tránh bị Quốc hội truất phế trong vụ bê bối Watergate, một khả năng lúc đó được xem là chắc chắn.
Thủ tục truất phế như thế nào ?
Hiến Pháp Mỹ quy định rằng Quốc hội có thể buộc tội tổng thống (hoặc phó tổng thống hoặc các thẩm phán liên bang ...) trong trường hợp phạm tội "phản quốc, hối lộ, hoặc tội phạm nghiêm trọng khác".
Thủ tục tiến hành theo hai giai đoạn. Thứ nhất, Hạ Viện bỏ phiếu với đa số đơn giản, để thông qua các điều khoản trong bản "cáo trạng", nêu lên chi tiết các tội danh quy cho vị tổng thống : Đây là tiến trình gọi là "impeachment" trong tiếng Anh. Trong trường hợp Hạ Viện thông qua bản luận tội, Thượng Viện sẽ mở phiên tòa xét xử tổng thống.
Sau phần tranh luận, 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu về từng điều khoản trong bản cáo trạng. Nếu cáo trạng hội đủ đa số hai phần ba Thượng viện tán đồng, thì việc truất phế tổng thống trở thành tự động, và không có quyền kháng cáo. Nếu không đủ đa số, thì tổng thống được tha bổng, như Bill Clinton vào tháng 2 năm 1999.
Vai trò của Tư pháp là gì ?
Chỉ là con số không. Trả lời hãng AFP, Jens David Ohlin, một giáo sư luật tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xác định rằng : "Quyết định truất phế không thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp". Theo giáo sư Ohlin, "chính Quốc hội là định chế xác định rằng ông Trump đã phạm trọng tội hay không. Họ là những thẩm phán cuối cùng có thẩm quyền xác định xem các tiêu chí phạm tội hội đủ hay chưa".
Do đó việc truất phế tổng thống là một vấn đề nằm giữa chính trị và pháp luật. Theo giáo sư Ohlin, để bị truất phế, một tổng thống không cần phải bị truy tố trước.
Tại sao các nghị sĩ Mỹ bất đồng quan điểm với nhau vào thời điểm này ?
Nếu hai nghị sĩ đảng Dân chủ Maxine Waters và Al Green đã kêu gọi khởi động tiến trình truất phế ông Trump, thì phần còn lại của phe đối lập vào thời điểm hiện tại vẫn từ chối mạo hiểm, sợ rằng tiến trình truất phế biến thành một cuộc đấu đá đảng phái.
Một lãnh đạo đảng Dân chủ tuyên bố : "Lúc này còn quá sớm." Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cho biết : "Tôi không muốn nhảy ngay vào ô truất phế ngày nào mà chưa thấy rõ con đường đi đến đó. Con đường hiện nay có thể dẫn đến khả năng đó, nhưng cũng có thể là không". Đối với đảng Dân chủ, điều cần thiết là làm sao cho tiến trình truất phế không bị xem như là một mưu toan "hủy bỏ kết quả bầu cử bằng cách khác"…
Những đại biểu dân cử này tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng hành động cản trở công lý là một tội đủ nặng để có thể tiến hành thủ tục truất phế. Đó chính là trường hợp của hai cựu tổng thống Clinton và Nixon.
Chính vì vậy mà các nghị sĩ này đang nôn nóng chờ nghe lời chứng của ông Comey, được yêu cầu ra trực tiếp điều trần tại Quốc hội.
Trọng Nghĩa
*********************
Donald Trump lên đường công du để "tránh bão" ở Washington (RFI, 19/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, 17/05/2017 - REUTERS/Yuri Gripas
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Washington tối nay 19/05/2017, bắt đầu chuyến công du đầu tiên từ khi lên nhậm chức. Ông Trump sẽ thăm Riyad, Jerusalem, Bethléem, Roma, Bruxelles, Catane… một chuyến đi dài với nhiều cuộc gặp gỡ, vào thời điểm tổng thống Hoa Kỳ đang gặp rắc rối về hồ sơ Nga.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio nhận định :
"Ông Donald Trump không mấy ưa Washington, và với tình hình căng thằng hiện nay, không khí tại thủ đô nước Mỹ khiến ông cảm thấy khó thở. Mỗi ngày trong tuần lại có một sự kiện mới được tiết lộ, về mối quan hệ giữa ê-kíp của ông Trump với Nga, về toan tính can thiệp vào các cuộc điều tra đang tiến hành. Donald Trump than phiền đây là chuyện vạch lá tìm sâu.
Vòng công du nước ngoài sẽ mang lại cho ông một làn gió mới. Nhưng các cố vấn vẫn lo ngại, vì họ không biết liệu Donald Trump có nghe theo những khuyến cáo của các chuyên gia hay không.
Trong một chuyến đi dài - và theo một số người thì quá dài - mà mỗi lời nói đều được xem xét, mỗi hành động đều được diễn dịch, có vô số những bẫy rập cho một tổng thống vốn không thích đọc các hồ sơ. Điều này thì quá rõ.
Còn về mặt truyền thông, theo một số người thân cận của ông Trump, thì chương trình quá nặng nề. Mỗi chặng dừng lại có một bài diễn văn và một cuộc hội kiến quan trọng, sẽ bị xóa nhòa bởi chặng sau.
Thử thách đầu tiên của Donald Trump trên trường quốc tế, tại Châu Âu cũng như Cận Đông, đều quan trọng như việc đối nội, khi mà tổng thống cần đánh bóng lại hình ảnh đã bị sứt mẻ".
Trong chuyến công du năm nước Cận Đông và Châu Âu chỉ trong tám ngày, đi cùng với tổng thống Donald Trump là phu nhân Melania và vợ chồng con gái Ivanka. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là "chuyến đi lịch sử", tổng thống Mỹ sẽ tiếp xúc với ba tôn giáo lớn : Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo.
Chuyến công du dài ngày vất vả
Trong chuyến công du năm nước Cận Đông và Châu Âu chỉ trong tám ngày, đi cùng với tổng thống Donald Trump là phu nhân Melania và vợ chồng con gái Ivanka. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là "chuyến đi lịch sử", tổng thống Mỹ sẽ tiếp xúc với ba tôn giáo lớn : Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo.
Đến Ryad vào thứ Bảy 20/5, Donald Trump phải tỏ ra khác biệt với người tiền nhiệm Obama từng gây nghi ngại cho các vương quốc Hồi giáo Sunni. Tỏ ra cứng rắn với Iran theo phái Shia, làm ngơ nhân quyền, và có thể loan báo các hợp đồng vũ khí, đó là các yếu tố khiến tổng thống Trump được tiếp đón nồng hậu. Nhưng một thử thách lớn là bài diễn văn đọc trước trên 50 lãnh đạo các nước Hồi giáo, nêu ra "một quan điểm hòa bình" cho đạo Hồi.
Tại Israel, ông Trump sẽ gặp gỡ "người bạn" Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, và chủ tịch Palestin Mahmoud Abbas ở Bethléem. Đã có những chỉ trích về việc ông thăm Bức tường than khóc, và việc chuyển giao cho Nga các thông tin mật của đồng minh Israel.
Cuộc hội kiến Đức giáo hoàng Phanxicô tại Vatican có vẻ đặc biệt, khi quan điểm đôi bên đều trái ngược, từ nhập cư, tị nạn đến biến đổi khí hậu.
Châu Âu, nơi Donald Trump từng gieo rắc hoang mang với các tuyên bố trái ngược về Brexit, tương lai của Châu lục hay vai trò NATO, sẽ là chặng cuối với cuộc gặp gỡ các thành viên NATO tại Bruxelles và thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicile).
Ông Bruce Riedel, cựu nhân viên CIA nay là nhà phân tích của Brookings Institution nhắc lại, năm 1974 tổng thống Richard Nixon cũng từng công du Cận Đông, hy vọng vào một thành công ngoại giao "để đánh lạc hướng chú ý về xì-căng-đan Watergate. Tuy nhiên báo chí Mỹ vẫn không ngớt tập trung vào vụ này, các tiết lộ tiếp tục chồng chất…".
Thụy My
*******************
Thứ trưởng Tư pháp điều trần kín trước Hạ Viện (VOA, 20/05/2017)
Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein, ảnh chụp tại Điện Capitol.
Thứ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Rosenstein trở lại điện Capitol hôm thứ Sáu để dự cuộc điều trần kín trước các dân biểu Hạ viện về quyết định bổ nhiệm cựu Giám Đốc FBI Robert Mueller ra dẫn đầu một cuộc điều tra độc lập vào khả năng có sự "thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump với người Nga.
Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein xuất hiện trước các dân biểu Hạ viện tại điện Capitol, một ngày sau một cuộc điều trần kín trước toàn thể Thượng viện.
Tiếp theo sau cuộc họp kín hôm thứ Sáu, dân biểu Darrel Issa thuộc Đảng Cộng hoà, đại diện bang California, nói có đồng thuận là công tố viên đặc biệt sẽ có phạm vi quyền hạn cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra công bằng vào những cố gắng của Nga nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của Mỹ.
"Tôi tin rằng có sự đồng thuận lớn về cuộc điều tra vai trò của người Nga, can dự vào cuộc bầu cử của chúng ta là một vấn đề phi đảng phái, và được cả hai đảng quan tâm, đây cũng là một vấn đề mà hai bên cần giải quyết trước cuộc bầu cử kế tiếp, chứ không thuần chỉ là tìm hiểu làm cách nào họ đã thực hiện được điều đó, và làm sao để tránh, không để chuyện đó xảy ra thêm một lần nữa".
Dân biểu Elijah Cummings của Đảng Dân chủ, đại diện bang Maryland, nói với các nhà báo rằng truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong vụ này.
"Nếu có bất cứ thời điểm nào trong lịch sử đất nước mà truyền thông phải đóng một vai trò quan trọng, thì đây chính là thời điểm đó. Đây là thời khắc của quý vị. Quý vị phải làm nhiệm vụ như thế nào để công chúng hiểu được những gì đang diễn ra. Trước đây tôi đã nói và tôi xin lặp lại ở đây một lần nữa : đây là một cuộc đấu tranh để giành lại linh hồn của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta không thể thất bại trong cuộc chiến này".
Dân biểu Cummings nói ông tin rằng ông Mueller là một chọn lựa tối ưu để đảm nhiệm vai trò công tố viên đặc biệt. Ông mô tả ông Mueller là "một người chính trực", sẽ không khuất phục bất cứ một ai, và là người có thể "mang lại sự bình thường cho tiến trình điều tra".
Donald Trump gây áp lực buộc cựu giám đốc FBI im lặng (RFI, 13/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày càng lún sâu vào bê bối chính trị với vụ sa thải giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang FBI, hôm thứ Ba, 09/05/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tại Nhà Trắng, ngày10/05/2017. Cũng trong cuộc gặp này, ông Trump giải thích với báo giới lý do sa thải giám đốc FBIREUTERS/Kevin Lamarque
Các thông điệp mà ông Trump liên tiếp đưa ra sau đó để bào chữa hay để đe dọa càng khiến công chúng nhớ đến vụ bê bối Watergate, đã dẫn đến sự ra đi của tổng thống Nixon. Hôm qua 12/05, Donald Trump tung một Twitter ngầm ý là cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI có thể đã bị ghi lén, để gây áp lực buộc ông James Comey phải im lặng.
Hành động nói trên không khác đổ thêm dầu vào lửa, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình từ New York,
"Thái độ của tổng thống Donald Trump trong tuần lễ vừa qua càng ngày càng nhắc người ta nhớ đến cựu tổng thống Richard Nixon. Thật khó mà không so sánh giữa vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba, với vụ cách chức người phụ trách điều tra bê bối Watergate hồi 1973.
Hôm thứ Tư, Donald Trump thậm chí còn chụp hình chung không chút ngượng ngùng với Henry Kissingger, viên ngoại trưởng gây nhiều tranh cãi của tổng thống Nixon. Hôm qua, ông Trump còn hàm ý cho biết là có thể các cuộc nói chuyện với cựu giám đốc FBI đã bị ghi âm. Một thói quen kỳ quặc từng buộc Nixon phải trả giá đắt, với việc từ chức tổng thống.
Thông điệp mới trên Tweeter trong đó Donald Trump đe dọa cựu giám đốc FBI đã mở ra một mặt trận mới chống lại Nhà Trắng.
Có thể thấy, ngay cả khi đã có sẵn một nghi án lơ lửng trên đầu, với cuộc điều tra về khả năng Nga can dự giúp ông Trump đắc cử, tổng thống Mỹ mỗi ngày lại tự đâm thêm một chiếc gai vào chân mình. Tối hôm qua, Dick Durbin, một chính trị gia Dân Chủ kỳ cựu, thậm chí còn cho rằng việc sa thải giám đốc FBI có thể coi như một hành động ngăn cản tư pháp, bởi Donald Trump cũng thừa nhận đã trách cứ nguyên giám đốc FBI về các điều tra trong vụ này. Thượng nghị sĩ Dân Chủ cho biết thêm là các thông điệp đe dọa được che đậy trên Twitter nhắm vào James Comey có thể đã phạm luật Hoa Kỳ.
Nếu như vẫn còn khó hình dung về việc khởi sự một thủ tục phế truất Donald Trump trong hiện tại, do việc đảng Cộng Hòa đang kiểm soát đa số tại Hạ Viện, nhưng một kịch bản như vậy đã bắt đầu được báo chí nói đến nhiều. Năm 1974, tổng thống Nixon đã chọn con đường từ chức, hơn là phải chịu hình thức hạ nhục tột cùng này".
********************
Quốc hội Mỹ ủng hộ điều tra độc lập nghi án Nga thao túng bầu cử Mỹ (RFI, 12/05/2017)
Quyền giám đốc FBI Andrew McCabe điều trần trước Ủy ban Tình báo của Thượng Viện, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/05/2017. REUTERS/Eric Thayer
Ngày 11/05/2017, ngay sau khi giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) bị tổng thống cách chức, Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định hoàn toàn ủng hộ cơ quan này điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Điều trần trước Thượng Viện, quyền giám đốc FBI cho biết cuộc điều tra hiện không bị trở ngại.
Tại Thượng Viện, người đứng đầu ủy ban Tình Báo, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Richard Burr, và thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Warner đều ca ngợi ông James Comey, vị giám đốc vừa bị sả thải. Họ cũng hứa hẹn sẽ tích cực tiếp tục cuộc điều tra riêng của Thượng Viện trong nghi án này.
Theo các nhà quan sát, việc cách chức giám đốc FBI là một nỗ lực mới của Nhà Trắng nhằm ngăn cản cuộc điều tra đang được tiến hành. Một nguồn tin Quốc hội Mỹ hôm 10/05 cho biết ông James Comey trước khi bị cách chức, đã yêu cầu chính quyền tăng cường phương tiện cho cuộc điều tra. Trong khi đó, ngày 11/05, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, tổng thống Donald Trump thừa nhận đã ba lần chất vấn giám đốc FBI James Comey xem liệu chính ông có bị điều tra hay không.
Điều trần trước Thượng Viện ngày 11/05, quyền giám đốc FBI Andrew McCabe bảo đảm là cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục cuộc điều tra, bất chấp các áp lực chính trị. Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York,
"Cuộc điều trần của ông Andrew McCabe chắc chắn không làm cho tổng thống Trump hài lòng. Bởi vì, gần như trong tất cả những điểm nhạy cảm nhất, tóm lại về những vấn đề mà ông chấp nhận giải trình, quyền giám đốc FBI đều nói ngược lại Nhà Trắng.
Phải chăng James Comey đã không còn được các nhân viên tin tưởng ? Không đúng ! Ông ấy đã được ủng hộ rộng rãi, và hiện nay vẫn như vậy. McCabe nhấn mạnh đến "sự rất kính trọng" của ông đối với cựu giám đốc.
Theo các kết quả điều tra, liệu các thông đồng giữa phía Nga và những người thân cận với Donald Trump chỉ là chuyện vụn vặt ? Không đúng ! Có những thông tin quan trọng được tìm thấy, và nếu như không thể công bố có bao nhiêu nhân viên điều tra được huy động, thì FBI rất xem trọng, và chắc chắn sẽ không để vụ việc này bị chôn vùi.
Quyền giám đốc cơ quan điều tra liên bang bảo đảm là "cuộc điều tra vẫn tiếp tục, bất kể tình hình có thay đổi". Ông khẳng định "cần phải nói rõ, không ai có thể ngăn cản các nhân viên FBI làm công việc của mình. Đó là bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ Hiến Pháp".
Andrew McCabe cho biết là hiện tại FBI không bị gây sức ép, nhưng sau đó, ông tuyên bố sẽ báo với Thượng Viện, nếu bị áp lực về chính trị. Quyền giám đốc FBI nhấn mạnh là ông sẽ không thông báo với Nhà Trắng về cuộc điều tra đang tiến hành.
Khi sa thải giám đốc FBI, chắc chắn tổng thống Mỹ đã hy vọng giải quyết được một vấn đề, thế nhưng ngược lại Donald Trump đã gây thêm một vấn đề mới, và đặc biệt là củng cố thêm những nghi ngờ đối với chính phủ Mỹ".
Trọng Thành
Donald Trump, Watergate và gọng kềm đang siết chặt quanh tổng thống Mỹ
Tại Hoa Kỳ, việc tổng thống Mỹ bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey đã gây rúng động. Trong bài xã luận mang tựa đề "Donald Trump và tiếng vọng Watergate", Le Monde nhận định Washington đang trong cơn bão chính trị, mà thủ đô nước Mỹ là tâm bão. Les Echos cho biết "Gọng kềm đang siết lại xung quanh Donald Trump", còn Le Figaro nhận xét "Donald Trump sa lầy trong vụ James Comey".
Biểu tình trước Nhà Trắng ngày 10/05/2017 phản đối việc tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI James Comey. REUTERS/Jonathan Ernst
Donald Trump và tiếng vọng Watergate
Theo Le Monde, vụ này chứng tỏ một chính quyền Cộng Hòa hỗn loạn hơn bao giờ hết, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trầm trọng hơn nữa là xì-căng-đan mới này khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự gắn bó của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với nền dân chủ.
Chỉ với một lá thư dài bốn dòng báo cho ông James Comey là ông không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, hôm thứ Tư 10/5 ông Trump đã cách chức giám đốc cảnh sát liên bang Hoa Kỳ (FBI). Ông Comey đang lãnh đạo một cách cứng rắn cuộc điều tra làm cho tổng thống bực tức, vì có thể liên quan trực tiếp đến ông. Đó là việc xác định xem Nga đóng vai trò như thế nào trong chiến dịch tranh cử năm 2016, cũng như khả năng có các quan hệ giữa các quan chức Nga tại Washington và một số thành viên trong ê-kíp của ông Trump.
Đây là lần đầu tiên kể từ xì-căng-đan Watergate – khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào mùa hè năm 1974 – một tổng thống Mỹ cách chức giám đốc FBI đang tiến hành điều tra về một vụ có liên quan đến mình. Nếu toàn bộ phe đối lập Dân Chủ tố cáo một quyết định tùy tiện, đi ngược lại với nền dân chủ ; nhiều đại biểu Cộng Hòa cũng đặt ra nghi vấn về cơ sở dẫn đến hành động này của ông Trump.
Donald Trump luôn bác bỏ mọi liên can với Nga trong tranh cử, những người thân cận của ông gọi cuộc điều tra của FBI là vạch lá tìm sâu. Họ khẳng định không có quan hệ gì với các tin tặc đã tấn công vào đảng Dân Chủ - mà tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định là từ Nga. Một số email được công bố rõ ràng muốn làm xấu đi hình ảnh của ứng cử viên Hillary Clinton.
Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác là có điều gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga. Không ai hiểu được vì sao Donald Trump luôn ca ngợi Vladimir Putin. Người ta cũng nghi ngờ về quan hệ kinh doanh với các ngân hàng Nga của vị tổng thống đầu tiên từ chối công bố bản khai thuế, trong khi một sự minh bạch tối thiểu cũng giúp làm giảm đi các nghi vấn.
Về phía Quốc hội tiếp tục cuộc điều tra riêng rẽ về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump phải bổ nhiệm một giám đốc mới cho FBI. Nếu tân giám đốc bỏ rơi "hồ sơ Nga", thì xì-căng-đan này sẽ nổ lớn. Do vậy phe Dân Chủ và một số nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhất quyết đòi bộ Tư Pháp đề nghị một công tố viên đặc biệt để đi đến cùng cuộc điều tra.
Donald Trump đã từng đả kích các thẩm phán về các dự luật nhập cư, phỉ báng cơ quan tình báo Mỹ, và không có tuần nào là ông không chỉ trích báo chí. Washington sống theo nhịp điệu những hành động thất thường và các tweet của một tổng thống, mà bao trùm lên là câu hỏi : liệu ông Trump có khả năng tôn trọng trò chơi tế nhị giữa quyền lực và phản biện, vốn là đặc điểm của nền dân chủ Mỹ ?
Gọng kềm siết chặt xung quanh Donald Trump
Les Echos nhận định, thật sự là Donald Trump đã sai lầm. Ông không nghĩ rằng vụ cách chức James Comey lại gây phản ứng dữ dội như thế. Phe Dân Chủ từ nhiều tháng qua chẳng đã từng đòi hỏi giám đốc FBI phải ra đi đó sao, vì cho rằng ông Comey chịu trách nhiệm lớn trong thất bại của bà Hillary Clinton.
Donald Trump đã nộ khí xung thiên khi nghe so sánh với vụ Watergate. Ông viết trên Twitter : "Đó là bọn mị dân bẩn thỉu !". Quá tự tin, tổng thống Mỹ chẳng thèm tham khảo nhân viên Nhà Trắng trước khi hành động, hầu hết chỉ được biết tin qua báo chí. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Newt Gingrich nhận định : "Tổng thống cần chậm lại một chút, và tham khảo các cố vấn. Không thể là người dẫn đầu mà không cho ê-kíp của mình hay biết gì cả".
Sau 24 tiếng đồng hồ chao đảo, Nhà Trắng cố gắng kiểm soát lại tình hình. Như thường lệ, Donald Trump muốn đánh lạc hướng chú ý quan việc ra sắc lệnh kiểm tra mọi "sơ hở" trong hệ thống bầu cử. Ông vẫn tiếp tục khẳng định việc bà Hillary Clinton đạt được số phiếu bầu phổ thông nhiều hơn (hơn ông 3 triệu phiếu) là do gian lận (đăng ký tên giả, phiếu bầu giả…).
Nhưng không đủ để dập tắt đám cháy mà ông đã khơi lên tối thứ Ba. Các thượng nghị sĩ bất chợt đòi đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ủy ban tình báo yêu cầu tướng Michael Flynn chuyển giao tất cả email, nội dung điện đàm và trao đổi tài chính có liên quan tới Nga. Ủy ban cũng chú ý đến liên quan về mặt này giữa ông Trump với Nga, và đòi hỏi một báo cáo chi tiết nơi bộ trưởng Tài Chính.
Trong số các câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ này, Les Echos cho rằng có ba vấn đề đáng ngại nhất cho ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, quyết định cách chức James Comey có liên quan đến mong muốn của giám đốc FBI muốn đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ Nga ? Thứ hai, liệu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions có quyền cách chức ông Comey ? Cuối cùng, vì sao James Comey ba lần thông báo cho Donald Trump về diễn tiến cuộc điều tra, trong khi điều này bị cấm ?
Bên cạnh Quốc hội, cơ quan FBI cũng chứng tỏ sẵn sàng chiến đấu. Trên Washington Post, một nhân viên ẩn danh cho biết : "Với sự ra đi của ông James Comey, Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh với vô số nhân viên FBI. Chúng tôi đang phối hợp để trả đũa". Còn người tạm thay thế ông Comey, trong cuộc điều trần trước Hạ Viện sáng thứ Năm khẳng định : "James Comey được ủng hộ rộng rãi trong FBI, cho đến hiện nay cũng vậy".
Đức giáo hoàng phong hai vị thánh nhân 100 năm Đức Mẹ Fatima
Sự kiện kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (Bồ Đào Nha) được các báo Pháp chú ý. Nhật báo công giáo La Croix nhận định "Đức giáo hoàng tại Fatima, một thông điệp hòa bình cho thế giới". Le Figaro cho biết "Đức giáo hoàng đến Fatima để phong hai vị thánh", đó là hai em bé chăn cừu đã nhìn thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ước tính có khoảng một triệu tín đồ sẽ đến hành hương.
Theo Le Figaro, đây là một trong những sự kiện huyền bí nhất của Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 20. Ngày 13 tháng Năm năm 1917, ba trẻ chăn cừu là Lucia, 10 tuổi, Francisco, 9 tuổi và Jacinta, 7 tuổi đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra sáng lòa, với một thông điệp dài. Giáo hội đến năm 1930 mới công nhận phép lạ này.
Hai em bé nhỏ tuổi nhất đã qua đời vì dịch cúm Tây Ban Nha thời đó, đã được Giáo hoàng Gioan Phaolồ II phong thánh ngày 13/05/2000. Còn Lucia sau đó trở thành nữ tu, đến năm 2005 mới mất ở tuổi 97, và thủ tục phong thánh đang được tiến hành.
Chính sơ Lucia đã ghi lại những lời tiên tri của Đức Mẹ, và được chỉ thị không tiết lộ trước năm 1960. Giáo hội La Mã công bố hai phần đầu của thông điệp vào năm 1942, nhưng chờ đến năm 2000 mới tiết lộ lời tiên tri thứ ba.
Lời tiên tri đầu tiên là khung cảnh địa ngục. Đức Mẹ Đồng Trinh cho thấy một biển lửa dưới lòng đất, trong đó là qủy sứ và các linh hồn. Hình ảnh này chỉ hiện ra trong chốc lát. Thứ hai là về Đệ nhị Thế chiến, và lời tiên tri thứ ba là một vụ ám sát giáo hoàng. Đó là những gì đã xảy ra trong thực tế.
La Croix dẫn lời người dân địa phương lo sợ đại chiến thế giới lần thứ ba, nhưng hy vọng việc Đức giáo hoàng đến hành hương sẽ nhắc nhở lại thông điệp hòa bình của Đức Mẹ Fatima.
Hồng vệ binh thời kỹ thuật số của Tập Cận Bình
Liên quan đến Châu Á, Le Figaro có bài viết "Các du kích thời 2.0 của Tập Cận Bình". Những đoàn quân cư dân mạng ái quốc được gọi là "những đóa hồng nhỏ", chiến đấu kịch liệt trên mạng để bảo vệ "đường hướng đỏ" của đảng, trước các "kẻ thù" từ bên trong và các cường quốc đối địch.
Thông tín viên tại Thượng Hải Sébastien Faletti đã tìm gặp các "chiến binh" loại này. Một nữ sinh viên hãnh diện khoe : "Trước đây, thần tượng của tôi là các diễn viên hay ca sĩ. Nhưng bây giờ là ngoại trưởng Vương Nghị, ông rất cương quyết trước Hàn Quốc".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc với khuôn mặt khó chịu, hôm 8/3 đã kịch liệt đả kích Seoul vì để cho Lầu Năm Góc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Vương Nghị nhướng mày đe dọa, nước Hàn Quốc nhỏ bé sẽ phải trả giá vì "sai lầm"này.
Quân đội Trung Quốc cho là các radar của THAAD đe dọa sức mạnh tấn công nguyên tử của nước này. Nhưng Tập Cận Bình có thể trông cậy vào một đội quân khác trên mạng, để giành chiến thắng trong "cuộc chiến thế kỷ" với Donald Trump. "Những bông hồng nhỏ" là lực lượng tấn công rất hung hăng, có thể nói là những Hồng vệ binh trong thời đại kỹ thuật số.
Một lực lượng được chỉ đạo từ trong bóng tối, mà liên hệ của những người cầm đầu với đảng vẫn nhập nhằng. Các sinh viên cho biết họ được chia thành nhiều nhóm, nhận được các tài liệu được chuẩn bị trước. Việc lăng mạ bị cấm đoán.
Tháng 5/2016, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã trở thành nạn nhân, trang Facebook của bà bị tràn ngập hàng chục ngàn post đả kích. Cũng trong năm 2016, nhãn hiệu Lancôme của Pháp bị đe dọa tẩy chay vì đã dùng hình ảnh một ngôi sao Hồng Kông đã tham gia các cuộc biểu tình "Cách mạng Dù". Tây Tạng, Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông là những chủ đề chính của các diễn đàn, đầy những lời bình trịch thượng của người khổng lồ đối với những người láng giềng nhỏ bé.
Nạn tạt át-xít hoành hành tại Anh
Trên lãnh vực xã hội, Libération báo động "Nạn tạt át-xít hoành hành tại Anh", chủ yếu là từ các băng đảng ở Luân Đôn.
Thông tín viên của tờ báo tại Luân Đôn nêu ra một trường hợp cụ thể : đêm Chủ nhật 17/4 tại hộp đêm Mangle, một người đàn ông bất ngờ tạt một chất lỏng vào đám đông trên sàn nhảy. Đó là ammoniac, át-xít clohydric hay nước tẩy Javel ? Những tiếng la hét át hẳn tiếng nhạc, 20 người bị thương hầu hết là trên mặt, trong đó có hai người bị ảnh hưởng nặng đến thị giác, số khác phải mang thẹo suốt đời.
Không có tuần lễ nào mà không xảy ra một vụ tạt át-xít tại thủ đô nước Anh. Số vụ tấn công bằng át-xít đã tăng 74% trong vòng một năm. Từ 2010 đến nay, đã có đến 1.800 vụ tạt át-xít ở Luân Đôn. Con số này khiến Anh quốc trở thành quốc gia có số vụ tạt át-xít cao nhất, tuy nhiên theo Acid Survivors Trust International (ASTI) thì "một phần cũng do số vụ kiện tại Anh nhiều hơn, vì người ta tin vào công lý hơn tại một số nước khác mà các vụ tấn công loại này diễn ra thường xuyên hơn".
Những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Colombia, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, chủ yếu là đàn ông tấn công vào phụ nữ. Còn tại Anh, hai phần ba nạn nhân là nam thanh niên. Át-xít nay trở thành vũ khí của các băng đảng, vì rẻ hơn và khó bị phát hiện hơn. Ngoài ra về luật pháp thì nếu tấn công bằng dao có thể bị truy tố vì tội cố sát, trong khi bằng át-xít chỉ bị tội đả thương, dẫn đến bản án nhẹ hơn. Ba phần tư các vụ tạt át-xít giữa các băng đảng không bị thưa kiện, vì đối với giới găng-tơ, việc này đáng xấu hổ trong khi bị đâm chém giúp họ có được "đẳng cấp" trên chốn giang hồ.
Sau bầu cử tổng thống, đến cuộc chiến bầu cử Quốc hội Pháp
Các báo Pháp hôm nay dành trang nhất và nhiều trang trong cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Le Monde nói về "Macron : Hậu trường việc chọn lựa các ứng cử viên Quốc hội". Tổng thống tân cử Emmanuel Macron, muốn chiếm được đa số tại Quốc hội, đã dành thời gian giải quyết những trường hợp phức tạp như cựu thủ tướng Manuel Valls muốn đứng chung dưới ngọn cờ của mình, và thu hút các nhân vật cánh hữu phía ông Alain Juppé. Tuy nhiên các chính khách cánh hữu được ngắm nghía đòi hỏi ông Macron phải bổ nhiệm thủ tướng của phe mình, trước khi chấp nhận liên kết.
Le Figaronhận xét "Bầu cử Quốc hội : Đối mặt với Macron, cánh hữu kháng cự, Bayrou (cánh trung) nổi loạn". Danh sách chưa hoàn chỉnh các ứng cử viên của phong trào Cộng Hòa Tiến Bước không có nhân vật nào của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, mặt khác chủ tịch đảng cánh trung MoDem là François Bayrou tuyên bố không tán thành danh sách này.
Libération chạy tựa "Ở trung tâm cỗ máy Macron" với nhận xét, phương pháp lựa chọn người ra tranh cử giống với việc tuyển lựa nhân viên công ty hơn là chọn lựa chính khách. Còn việc huy động tài chính cho chiến dịch tranh cử thì nhắm vào giới ngân hàng và các ông chủ trẻ.
Nhật báo công giáo La Croix kêu gọi "Chỉnh đốn lại nước Pháp". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến lãnh vực truyền thông, nói về việc hai nhà tỉ phú Vincent Bolloré và Patrick Drahi củng cố vương quốc của mình.
Thụy My
Ngày 30/3/2017, tướng hồi hưu Mike Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cho biết ông sẵn sàng ra điều trần và hợp tác với các đại biểu Quốc hội Mỹ đang điều tra việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng với điều kiện ông phải được miễn tố. Nhiều người rất ngạc nhiên về đề nghị này.
Tướng Flynn và Donald Trump
Hiện nay, Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng như Thượng viện đang điều tra hai vấn đề quan trọng :
(1) Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
(2) Những ai trong nhóm vận động tranh cử của Trump đã quan hệ với Nga bị đứng ngoài vòng pháp luật.
Đảng Cộng hòa biết đây là những cuộc điều tra hoàn toàn bất lợi cho Donald Trump, nhưng vì sự đòi hỏi của cơ cấu tổ chức và luật pháp, nên họ đành phải đi theo.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy FBI đã có đủ bằng chứng để xác định các sự vi phạm luật pháp của nhóm vận động tranh cử của Trump, vấn đề là vào thời điểm nào để công bố các bằng chứng đó được coi là thích hợp nhất.
Trump đã tháu cáy bằng cách tố cáo Obama nghe lén, vì tưởng rằng đó là một hành vi phạm pháp !
Khái niệm về quyền nghe lén và điều tra
Trong 45 tổng thống của nước Mỹ, có lẽ Donald Trump là người ít biết về luật pháp và tổ chức chính quyền của nước Mỹ nhất. Ông tưởng rằng Tổng thống là Tề thiên Đại thánh, muốn làm gì thì làm nên gây ra hết rối loạn này đến rối loạn khác.
Vì thế, trước khi nói về cuộc điều tra của các cơ quan tình báo và Quốc hội Mỹ, chúng tôi xin nhắc lại một số nguyên tắc căn bản về quyền nghe lén và quyền điều tra mà luật pháp Hoa Kỳ cho phép.
1. Những trường hợp cấm nghe lén ở Mỹ
Luật Xâm phạm quyền riêng tư 1964(Invasion of Privacy Act of 1964) cấm dùng các dụng cụ điện tử để nghe lén các chuyện riêng tư của người khác hay tổ chức khác. Thí dụ đặt máy nghe lén để nghe hai vợ chồng nhà kia bàn chuyện ly dị chẳng hạn. Cụ thể là vụ Tổng thống Nixon cho đặt máy nghe lén để biết đảng Dân chủ đang bàn kế hoạch tranh cử của họ như thế nào. Đó là sự xâm phạm quyền riêng tư.
Tội đặt máy nghe lén chuyện riêng tư của người khác hay tổ chức khác được tiếng Anh gọi là "Eavesdropping". Ở California, phạm tội này có thể bị phạt tối đa là 3 năm tù và 2.500 USD tiền phạt.
Nhưng khi có một hành vi tội phạm xảy ra, mọi người đều có quyền dùng máy móc điện tử như iPhone để ghi lại rồi báo cho cảnh sát biết. Sự "nghe lén" này chẳng những không bị truy tố về tội nghe lén mà còn được khuyến khích.
2. Những trường hợp được nghe lén
Luật Giám sát tình báo ngoại quốc 1978(Foreign Intelligence Surveillance Act of 1978) cho phép các cơ quan tình báo Hoa Kỳ được đặt máy để thu thập các tin tức giữa các "Quyền lực ngoại quốc" (Foreign Powers) và các "Tay chân bộ hạ của các Quyến lực Ngoại quốc" (Agents of Foreign Powers), kể cả khi những kẻ đó là người Mỹ.
Người có quyền ra lệnh giám sát trước hết là Tổng thống Mỹ hay Bộ trưởng Tư pháp. Nếu sau một năm thì phải xin án lệnh của Tòa Giám sát Tình báo ngoại quốc. Do đó, Tổng thống Obama có quyền ra lệnh theo dõi hay đặt máy nghe lén các cuộc nói chuyện hay điện đàm giữa các viên chức của Nga như Đại sứ Nga tại Hoa kỳ, với Trump và các nhân vật trong Ủy ban Bầu cử của Trump.
Tuy có quyền hành trong tay, Tổng thống Obama vốn là một người khôn ngoan và thận trọng đã không ra lệnh mà để cho cơ quan FBI xin án lệnh của tòa để hành động. Donald Trump chẳng biết chút gì về về luật pháp nên đã tố cáo Tổng thống Obama nghe lén.
Chính nhờ sự giám sát theo án lệnh của tòa này, FBI đã khám phá ra vụ tướng Flynn vi phạm luật Logan Act khi thương thảo với Đại sứ Nga và nhiều vụ phạm pháp khác.
Các cuộc điều tra của Quốc hội
Hiện nay, hai Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện đều mở cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Richard Burr (Cộng hòa) làm Chủ tịch, còn Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ) làm Phó. Tại Hạ Viện viện, Chủ tịch là Dân biểu Devin Nunes (Cộng hòa) và Phó Chủ tịch là Dân biểu Adam Schiff (Dân chủ).
1. Ủy ban Tình báo Thượng viện
Một báo cáo của CIA, FBI và NSA cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "chỉ đạo" một chiến dịch nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ. Căn cứ vào các bằng chứng đã được đưa ra trong báo cáo đó, Tổng thống Obama đã tăng cường các biện pháp chế tài Nga hôm 29/12/2016. Vì thế, Ủy ban Tình báo Thượng viện chỉ khai thác thêm. Ủy ban quan tâm đếm mục tiêu của Nga khi can thiệp và mối liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của Trump với chính quyền Nga. Có khoảng 20 người, trong đó có nhiều chuyên gia, đã được mời ra điều trần tại Thượng viện.
Ông Eugene Rumer - cựu sĩ quan tình báo về Nga và Âu Á thuộc Hội đồng tình báo quốc gia và là Giám đốc Chương trình Carnegie Nga và Âu Á - nói về mục tiêu của Nga như sau : Trước hết, gây bất ổn, gây phân tâm trong nền chính trị Mỹ. Thứ hai, gây tổn hại đến vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới, và thứ ba gây ra hiệu ứng "tưởng tượng cách các nước khác nhìn vào chúng ta".
Eugene Rumer nhấn mạnh đến các chiến thuật của Nga : "Nhìn tổng thể thì gồm làm sai lệch, gây hiểu lầm, phóng đại… Những cách này thuyết phục hơn bất cứ chứng cớ mạng nào. Đưa ra thông tin gây tranh cãi trên mạng trực tuyến, tin giả… là phần không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Nga ngày nay".
Ông Kevin Mandia – Giám đốc tổ chức FireEye – cho biết các nhóm tin tặc Nga đã tạo ra hơn 500 phần mềm độc hại (malware) hoặc những phần mềm bí mật để xâm nhập vào hệ thống máy điện toán và ăn trộm dữ liệu, cũng như cách họ rò rỉ dữ liệu.
Ông Clinton Watts, một chuyên gia an ninh mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại nói : "Nga hy vọng giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai thông qua sức mạnh chính trị thay vì vũ lực".
Hôm 29/3/2017, Thượng Nghị sĩ Mark Warner tuyên bố ông có đủ bằng chứng Điện Kremlin đã trả tiền cho hơn 1.000 người chuyên tung tin thất thiệt về ứng cử viên Hillary Clinton, đặc biệt tại các Tiểu bang có tranh chấp cử tri giữa hai đảng. Ông nói :
"Tôi đã được báo cáo, và chúng tôi phải tìm ra điều này, cho dù nó có thể ảnh hưởng đến các khu vực cụ thể ở Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, rằng những nơi mà quý vị không nhận được tin từ bất cứ nhà cung cấp nào của quý vị ở đó - về Trump đối kháng với bà Clinton, trong những ngày mệt mỏi của cuộc tranh cử - để thay vào đó là các tin về 'bà Clinton bị bệnh', hay 'bà Clinton đang nhận tiền từ ai đó'... chỉ toàn là những tin giả !".
Mark Warner nhấn mạnh : "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành một chiến dịch có chủ ý, được hoạch định một cách cẩn thận để làm suy yếu cuộc bầu cử của chúng ta".
Có 7 thành viên thuộc nhóm vận động tranh cử của Trump đang bị điều tra, trong đó có con rễ của Donald Trump là Jared Kushner. Hai viên chức cao cấp trong chính quyền Trump bị dính vào cáo buộc, đó là cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.
Bản tin ngày 5/4/2017 của đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ cho biết ông Carter Page, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Trump trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, đã gặp một tình báo của Nga vào năm 2013 và cung cấp cho người này những tài liệu về ngành công nghiệp năng lượng. Theo tố cáo, ông Page được hứa hẹn những cơ hội làm ăn tại Nga nếu đồng ý cung cấp thông tin tình báo cho các gián điệp của Moscow.
2. Ủy ban Tình báo Hạ viện
Có nhiều bằng chứng cho thấy, thay vì mở các cuộc điều tra một cách khách quan, Dân biểu Devin Nunes (Cộng hòa), Chủ tịch Ủy ban, đã tìm cách biện hộ cho nhóm Trump.
Báo New York Times cho biết hai viên chức Tòa Bạch Ốc đã cung cấp tin tuyệt mật cho ông Nunes, theo đó ông Trump và các cộng sự đã lọt vào tầm ngắm trong các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi các giới chức ngoại quốc. Hai viên chức này là Ezra Cohen-Watnick, một giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh quốc gia, và Michael Ellis, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Tòa Bạch Ốc. Ông Sean Spicer, phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, từ chối không bình luận về tin này.
Dân biểu Devin Nunes đang bị tố cáo
Ngày 22/3, tại Tòa Bạch Ốc, Dân biểu Nunes cho biết các cuộc trao đổi của ông Trump có thể đã bị thu thập vào cuối năm 2016. Ông nói thêm ông tin rằng việc thu thập tin tức được tiến hành hợp pháp.
Ngay sau đó, Dân biểu Adam Schiff (Dân chủ) cảnh cáo : "Đây không phải là cách quý vị tiến hành một cuộc điều tra, quý vị không thể dùng thông tin mà Ủy ban không được biết để nói miệng với báo giới và Tòa Bạch Ốc trước khi Ủy ban xem xét vấn đề".
Hôm 27/3, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã kêu gọi cách chức dân biểu Devin Nunes với tư cách Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện. Chuck Schumer nói : "Chủ tịch Nunes đang thất bại trong công việc và dường như quan tâm nhiều đến bảo vệ Tổng thống hơn là tìm kiếm sự thật".
Hôm 30/3/2017, Devin Nunes nói ông hối tiếc là đã thông báo với Tổng thống Donald Trump về việc có thể có việc do thám ảnh hưởng tới toán chuyển tiếp của ông Trump, trước khi ông nói điều này với các thành viên của ủy ban.
Sự xuất hiện và Tướng Flynn
Trong khi cuộc điều tra đang đến giai doạn gay cấn thì Tướng Flynn xuất hiện.
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 29/12/2016, khi Tổng thống Obama đưa ra các biện pháp chế tài mới đối với Nga thì Tướng Flynn, một cố vấn của Doanald Trump, đã liên lạc với Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ là Sergey Kislyak đến 5 lần để thương lượng và hứa : "Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền của Trump sẽ theo đuổi".
Khi bị tố cáo, Flynn đã chối, nhưng sau đó biết được cuộc nói chuyện đã bị ghi băng, Flynn đòi điều tra xem ai đã "rò rỉ" tin tức. Đến khi biết hành vi này nếu bị truy tố theo đạo luật Logan Act, sẽ bị phạt đến 3 năm tù, nhóm tham mưu của Trump đành bảo Flynn xin từ chức.
FBI cho biết "sẽ không theo đuổi việc truy tố Flynn nếu không có tình tiết mới nghiêm trọng xuất hiện". Ý của FBI là muốn thông báo cho Flynn biết rằng tội của ông ta đang bị treo để chờ kết quả cuộc điều tra đang tiến hành. Vì thế, vấn đề không dừng ở đây.
Trong bài "Who Told Flynn to Call Russia ?" (Ai bảo Flynn gọi Nga ?), cựu Đại sứ Daniel Benjamin, hiện là biên tập viên của tập san Politico, đã viết : "Câu chuyện thực sự không phải là Flynn. Nhưng cũng không phải sự rò rỉ [thông tin] chính phủ. Không, câu chuyện thực sự chính là Trump - và sự bí mật liên tục về những móc nối của Trump với người Nga".
Không ai tin rằng Tướng Flynn đã tự ý đi thương lượng với Nga. Phải có chỉ thị của Trump, Flynn mới làm như vậy. Cuộc nói chuyện phải được thực hiện đến 5 lần mới xong, chứng tỏ Flynn phải trở về bàn với bộ tham mưu nhiều lần mới đưa ra cam kết cuối cùng như trên.
Nếu Trump là người ra lệnh cho Tướng Flynn (việc ra lệnh có thể đã bị ghi âm) thì Trump là chính phạm, phải bị truy tố theo đạo luật Logan Act. Tội phạm này xảy ra trước ngày Trump nhận chức nên không cần qua thủ tục luận tội (impeach). Công tố viện có thể ban hành lệnh truy tố ngay.
Có lẽ thấy sự nguy hiểm đã gần kề, Flynn được đưa ra làm "Lê Lai cứu chúa". Nếu Trump được cho miễn truy tố về các lời khai trước Thượng Viện, Flynn sẽ nhận tất cả tội lỗi về phần mình và xác nhận Trump không hề ra lệnh cho ông ta. Ủy ban Tình báo Thượng viện thừa biết đây là một mưu đồ đánh lận con đen nên hôm 31/3/2017 đã bác đơn yêu cầu của Tướng Flynn.
Flynn cũng như Trump đều dốt luật, nên không biết rằng ngoài tội vi phạm luật Logan Act, nếu khai gian trước các ủy ban Quốc hội, còn đó thể bị truy tố về tội "Cản trở Công lý" (Obstruction of Justice) chiếu theo điều 18 U.S.C. § 1505 của luật liên bang, có thể bị phạt đến 5 năm tù.
Rõ ràng là bộ tham mưu của Trump đang lo sợ Trump sắp bị sập vào cái bẩy đạo luật "Logan Act" đã được gài. Nhưng hình như Trump không quan tâm đến chuyện đó. Ông vẫn tin ông là Tế thiên Đại Thánh, không phải tuân hành bất cứ luật pháp nào và chẳng ai dám động đến ông !
Ngày 6/4/2017
Lữ Giang
Mỹ : Bãi bỏ Obamacare, thất bại của TT Trump (RFI, 25/03/2017)
Ngày 24/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị thất bại nặng nề trong việc yêu cầu Hạ Viện thông qua dự luật nhằm thay thế luật bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm được gọi là Obamacare. Ông Trump đã phải rút lại dự luật sau khi được thông báo là văn bản này không hội đủ đa số phiếu ủng hộ để được thông qua.
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/03/20147 sau khi rút lại dự luật bảo hiểm y tế Obamacare. Reuters
Theo thông tín viên Anne-Marie Capomaccio, tổng thống Donald Trump đã ý thức được là điều hành một đất nước khác nhiều với công việc của một ông chủ công ty.
"Đây là một thất bại ê chề của Donald Trump. Đảng Cộng Hòa ghi nhận không thể hội đủ đa số phiếu trong hàng ngũ của đảng này để khai tử và thay thế Obamacare. Trong khi đó, đây là một điểm nổi bật trong chương trình vận động tranh cử".
Phát biểu sau thất bại, tổng thống Trump dùng đòn hù dọa qua tuyên bố "khi mà tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, bên phía đảng Dân Chủ sẽ bắt buộc phải thương lượng với tôi". Có thể lời đe dọa đó phần nào là có thực. Thế nhưng tất cả các nhà quan sát đều đưa ra một nhận định chung : đảng Cộng Hòa không đủ sức lãnh đạo đất nước.
Donald Trump đắc cử nhờ chiêu bài chống giới quyền chức, nhưng ông không hội đủ đa số ở Quốc Hội. Một số nhỏ thuộc cánh cực hữu đang áp đặt luật chơi. Khi tổng thống Trump nêu khả năng đàm phán với bên đảng Dân Chủ, đâu đó, ông đã phải nhìn nhận không thể thực hiện những gì đã hứa trong thời gian vận động tranh cử.
Về phía đảng Dân Chủ, phe này đang rất phấn khởi khi nhắc lại là "đảng Cộng Hòa đã mất 7 năm để chuẩn bị cho việc thay thế luật bảo hiểm y tế Obamacare, Donald Trump chứng minh ông ấy không là một nhà thương lượng giỏi giang như ông ta vẫn vỗ ngực tư xưng".
Cựu tổng thống Obama từng giải thích rằng có khác biệt giữa "chiến dịch vận động tranh cử và thực tế khi bước chân vào Nhà Trắng. Tổng thống Trump vừa trải qua kinh nghiệm cay đắng về điều này".
Rút lại dự luật để tránh việc bị công khai bác bỏ
Như thông tín viên RFI đã nói ở trên, đây là một thất bại được cho là rất nặng nề cho tổng thống Donald Trump vì lẽ việc bãi bỏ luật Obamacare là một trong những chiêu bài tranh cử chủ yếu của ông. Từ khi chính thức nhậm chức cách nay 9 tuần lễ, ông đã cố gắng thúc đẩy một dự luật thay thế mà nội dung chính là xóa bỏ luật của người tiền nhiệm Barack Obama.
Khi thấy dự luật của mình gặp trở ngại ở Hạ Viện, vào hôm qua 24/03, ông Trump đã gia tăng sức ép trên các dân biểu, đặc biệt trong đảng Cộng Hòa, ra tối hậu thư dọa rằng sẽ giữ nguyên đạo luật Obamacare nếu Hạ viện Mỹ không bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật này và phê chuẩn dự luật thay thế.
Tuy nhiên, sau nhiều tiếng đồng hồ đàm phán hậu trường ở Hạ Viện đã không mang lại kết quả, và chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, một người tích cực thúc đẩy việc bãi bỏ luật Obamacare, đã đành phải công nhận rằng dự luật của chính quyền Trump sẽ không thể nào được thông qua nếu được đưa ra bỏ phiếu.
Ông Ryan đã thông báo sự vụ cho tổng thống Trump, và dự luật bãi bỏ Obamcare đã lập tức được thu hồi để tránh bị công khai bác bỏ một cách ê chề tại Hạ Viện.
RFI tiếng Việt
*******************
Nỗ lực bãi bỏ Obamacare thất bại tại Hạ Viện (VOA, 24/03/2017)
Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, Paul Ryan, rút dự luật nhằm thay thế Obamacare ra khỏi chương trình nghị sự Quốc Hội vào chiều Thứ Sáu, 24 tháng Ba.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc, ngày 22/3/2017.
Điều này nghĩa là, Obamacare vẫn tồn tại, sau rất nhiều nỗ lực của tổng thống Donald Trump nhằm đưa ra luật mới để thay thế.
Sau một ngày vận động ráo riết tại Quốc Hội, dân biểu Ryan đã phải thừa nhận với tổng thống Trump, rằng ông không đủ số phiếu để thông qua luật mới. Và trong khi trình bày số phiếu thuận và chống cho dự luật này, ông Ryan thẳng thắn gợi ý cho tổng thống Trump, là hãy rút lại dự luật, không đưa ra bỏ phiếu.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống, theo tin CNN, ông Trump quyết định vào lúc 3 giờ chiều, trong khi giới lãnh đạo Quốc Hội đang tề tựu tại văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan.
Quyết định này chấm dứt cuộc chạy marathon kéo dài từ thời ông Trump còn đang vận động tranh cử, rồi tái cam kết khi đã đắc cử, cho đến đỉnh điểm vào phút chót, khi ông đưa ra tối hậu thư cho các dân biểu Cộng Hòa : hoặc là thông qua dự luật trong ngày Thứ Sáu 24/3, hoặc là duy trì Obamacare.
Dân biểu Chris Collins, một đồng minh của ông Trump, là người đưa ra tối hậu thư đó vào chiếu tối hôm qua, phát biểu : "Thông điệp là… phải thông qua dự luật vào ngày mai, nếu không thì Obamacare sẽ được duy trì".
Nhiều ngày thương thuyết ráo riết đã không dẫn đến một thoả thuận trong bối cảnh có sự chống đối của thành phần ôn hòa, và thành phần bảo thủ trong chính Đảng Cộng hòa, trong khi dự luật nhằm bãi bỏ Obamacare của ông Trump rõ rệt không thu hút được đủ số phiếu ủng hộ để có thể được thông qua nhanh chóng.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng các thị trường tài chánh, trước đó trở nên sôi động nhờ kế hoạch của Tổng thống Trump giảm thuế và tăng chi tiêu để xây cơ sở hạ tầng, đang được theo sát. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm hôm thứ Năm khi giới lãnh đạo Đảng Cộng hoà hoãn cuộc biểu quyết, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Châu Âu cũng thấp vào lúc mở đầu ngày giao dịch.
Các dân biểu Đảng Dân chủ đồng loạt chống đối dự luật do ông Trump đề xuất, và dự luật dường như cũng không thành công trong việc vận động sự ủng hộ cần thiết bên trong Đảng Cộng hòa, bất chấp những thay đổi giờ chót để xoa dịu thành phần chống đối.
Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ là nỗ lực làm luật đầu tiên của ông Trump kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng Giêng.
Bãi bỏ đạo luật mang dấu ấn của Tổng Thống Obama là một cam kết chủ yếu của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông. Cuộc biểu quyết bãi bỏ Obamacare được ấn định vào ngày thứ Năm, đúng kỷ niệm 7 năm ngày ban hành đạo luật này. Việc Đảng Cộng hoà không thực hiện được ý định của mình trong ngày này là một thất bại có thể làm ‘mất mặt’ và gây bối rối cho Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa.
********************
Trump đổ lỗi thất bại dự luật cho phe Dân chủ (BBC, 25/03/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì thất bại trong dự luật y tế của ông.
Tổng thống Trump quyết định rút lại Dự luật về Y tế trình ra Quốc hội Mỹ sau khi nhận thấy không hội đủ số phiếu ủng hộ cần thiết kể cả của Đảng Cộng hòa.
Lưỡng viện Mỹ do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, nhưng dự luật này đã bị rút lại hôm thứ Sáu vì không thể có được số phiếu được yêu cầu.
Phát ngôn với tờ Washington Post, ông Trump nói : "Chúng ta không thể có được một phiếu bầu của đảng Dân chủ, và chúng tôi hơi mắc cỡ một chút... vì vậy chúng tôi đã rút lại".
Việc rút lại dự luật vào phút cuối cùng được xem là một cú sốc lớn đối với Tổng thống Mỹ.
Huỷ bỏ và thay thế chương trình chăm sóc sức khoẻ được biết đến như Obamacare là một trong những cam kết bầu cử chính của ông.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng ông và ông Trump đồng ý rút lại cuộc bỏ phiếu, sau khi rõ ràng nó sẽ không có được số phiếu tối thiểu cần thiết là 215 của Đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện và Thượng viện.
Tuy nhiên, nhiều tin tức cho hay giữa 28 và 35 đảng viên Cộng hòa đã phản đối dự thảo Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ của Tổng thống Trump (AHCA).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan chấp nhận thất bại và nói 'Đây là một ngày đáng thất vọng với chúng tôi.'
Một số người được cho là không hài lòng khi dự luật cắt giảm bảo hiểm y tế quá nghiêm trọng, trong khi những người khác cảm thấy những thay đổi đã không đi đủ xa.
Dự luật cũng tỏ ra không phổ biến với công chúng - trong một cuộc thăm dò gần đây, chỉ 17% tán thành thông qua.
'Sẽ phải chung sống'
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính AHCA sẽ giảm bớt thâm hụt khoảng 336 tỷ đô la trong giai đoạn 2017 và 2026.
Tuy nhiên, số người Mỹ không có bảo hiểm sức khoẻ sẽ đứng ở mức 52 triệu vào cùng thời điểm - thêm 24 triệu người so với Obamacare.
Phát biểu sau khi rút lại dự luật, ông Trump liên tục tuyên bố Obamacare sẽ "nổ tung".
Tuy nhiên, ông kiềm chế không chỉ trích ông Ryan, người có vị thế chủ tịch Hạ viện liên quan việc vận động ủng hộ các dự luật gây tranh cãi.
Tổng thống Trump nói rằng các đảng viên Cộng hòa nay sẽ tập trung vào cải cách thuế.
"Chúng ta phải để Obamacare đi theo con đường của nó trong một thời gian ngắn", ông nói với các phóng viên tại Văn phòng Bầu dục, và thêm rằng nếu các đảng viên Dân chủ đã "văn minh và đoàn kết", hai bên có thể đưa ra "một dự luật chăm sóc sức khoẻ tuyệt vời".
Ông nói : "Chúng tôi đã học được về sự trung thành, chúng tôi đã học được rất nhiều về quá trình bỏ phiếu".
Lãnh đạo cánh Dân chủ thiểu số trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi (áo xanh là cây) mô tả sự rút lui dự luật của ông Trump là "một thắng lợi cho người Mỹ".
Trước đó, ông Ryan nói với các phóng viên : "Chúng ta sẽ chung sống với Obamacare trong tương lai gần.
Ông nói ông không thích điều này, và rằng "Đây là một ngày đáng thất vọng đối với chúng tôi".
Trong khi đó, lãnh đạo cánh Dân chủ thiểu số trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô tả sự rút lui dự luật là "một thắng lợi cho người Mỹ".
**********************
Dự luật Y tế : Cựu tổng thống Obama cảnh báo hậu quả xấu cho dân Mỹ (RFI, 24/03/2017)
Hệ thống bảo hiểm Y tế Obamacare. Ảnh minh họa. RHONA WISE / AFP
Ngày 23/03/2017, vài giờ trước khi Hạ Viện Mỹ biểu quyết dự luật Y tế nhưng đình hoãn vào phút chót, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo các dân biểu coi chừng hậu quả tai hại cho người dân.
Cựu tổng thống Obama nhìn nhận cần phải cải cách đạo luật Y tế và bảo hiểm sức khỏe được gọi là Obamacare để "giảm chi phí, tăng hiệu năng". Tuy nhiên, ông khuyến cáo là mọi thay đổi trong hệ thống y tế phải cải thiện đời sống của người dân chứ không phải làm xấu hơn.
Vài giờ sau khi cựu tổng thống Mỹ, người đề xuất hệ thống bảo hiểm y tế ban hành cách nay 7 năm, lên tiếng, phe đa số Cộng Hòa đã quyết định dời cuộc biểu quyết qua ngày hôm sau. Theo báo chí Mỹ, phe Cộng Hòa e ngại không hội đủ đa số quá bán để thông qua vì có đến 30 dân biểu lưỡng lự hoặc dứt khoát chống lại.
Một lần nữa, tổng thống Donald Trump bị một vố đau.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio giải thích :
"Chắc chắn là Donald Trump đã không lường trước những khó khăn khi làm việc với phe Cộng Hòa, đảng chiếm đa số ghế tại Quốc Hội nhưng lại có sự chia rẽ sâu sắc giữa những thành viên bảo thủ và những thành viên ôn hòa.
Không thể thay đổi luật về sức khỏe là ví dụ minh họa đầu tiên. Phe cực hữu không lùi bước trước bất cứ lời mơn trớn vuốt ve hay sự đe dọa nào. Mark Meadows, người đứng đầu nhóm các dân biểu cực hữu tự xưng là "nhóm tự do" thừa nhận thất bại của văn bản : "Vào thời điểm này, chúng tôi chưa có đủ số người đồng ý bỏ phiếu, nhưng chúng tôi đang đạt được nhiều tiến triển".
Còn tổng thống Donalad Trump thì vô cùng thất vọng. Ông giận dữ nói : "Tất cả những điều đó chỉ là chính trị". Về điểm này, Donald Trump có lý. Phe cực hữu đã hứa với cử tri là sẽ đình chỉ luật về sức khỏe và giảm thuế… Ngược lại, phe ôn hòa thì lại thề với cử tri là chế độ bảo hiểm y tế sẽ tốt hơn và rẻ hơn.
Đây là "một phương trình vô nghiệm" đối với một Quốc Hội mà "chưa gì đã nghĩ tới" cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau và cũng là "bài toán không lời giải đáp" cho một vị tổng thống không được đảng của ông ủng hộ".
Tú Anh
*********************
Hủy Obamacare, Donald Trump đánh cược "được ăn cả ngã về không" (RFI, 24/03/2017)
Người dân tuần hành đòi "Giữ bảo hiểm y tế Obamacare", tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 23/03/2017 - REUTERS/Lucy Nicholson
Trước thái độ thách thức của một bộ phận dân biểu Cộng Hòa, tổng thống Mỹ Donald Trump thổi còi chấm dứt cuộc thương lượng nội bộ thay thế luật bảo hiểm y tế của cựu tổng thống Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng yêu cầu biểu quyết dự luật mới được xem là "lời hứa then chốt" vào thứ Sáu 24/03/2017 bất chấp kết quả ra sao.
Thông điệp của tổng thống Donald Trump, như một tối hậu thư, do bộ trưởng Tài Chính Mick Mulvaney chuyển đến Hạ Viện vào chiều thứ Năm 23/03 /2017.
Lẽ ra, dự luật thay thế luật bảo hiểm y tế Obamacare phải được Hạ Viện, do đảng Cộng Hoà kiểm soát, biểu quyết trong ngày . Tuy nhiên, do nội bộ bất đồng, thủ lĩnh của các phe trong đảng Cộng Hoà tạm thời hoãn lại.
Lãnh thêm một vố đau do chính "phe ta" gây ra, chủ nhân Nhà Trắng mất hết kiên nhẫn. Rất chính trị, ông cảnh báo các dân biểu Cộng Hoà coi chừng "lãnh hậu quả" nhân bầu cử bán phần trong hai năm tới. Trước áp lực của Nhà Trắng, chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cùng quan điểm với lãnh đạo hành pháp, tuyên bố "ngày hôm sau" biểu quyết dự luật như đã hứa với cử tri.
Tuy nhiên, dù là lời hứa hay lời đe dọa, thay thế một đạo luật bảo hiểm y tế ban hành từ 7 năm nay và được hàng chục triệu dân ủng hộ xem ra rất phức tạp. Theo thăm dò ý kiến của đại học Quinnipiac (bang Connecticut) chỉ có 17% dân Mỹ ủng hộ cải cách của đảng Cộng Hòa, 56% chống đối.
Đảng Dân Chủ chống lại là chuyện dễ hiểu. Nhưng ngay trong nội bộ Cộng Hoà cũng có hai phe chống đối.
Đối với phe ôn hòa, gần lập trường với các dân biểu Dân Chủ đồng viện, thì hủy bỏ luật Obamacare là một biện pháp không thể chấp nhận được vì hai hệ quả : một là làm chi phí về y tế, bệnh tật sẽ tăng cao và thứ hai là làm cho hàng chục triệu dân Mỹ (từ 24 đến 26 triệu) không được thụ đắc dịch vụ xã hội này. Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo.
-Phe cực bảo thủ trong đảng thì chống dự luật thay thế của Donald Trump. Họ cho rằng dự luật mới "không dứt khóat đưa nhà nước ra khỏi lãnh vực y tế lẽ ra là của tư nhân". Quy tụ trong nhóm mang tên "Freedom Caucus", phe cực bảo thủ đòi phải hủy bỏ toàn diện Obamacare.
Trong khi phe thứ ba, đa số, muốn duy trì một số điều khoản trong Obamacare để giúp cho người lao động cũng được bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp không được chủ nhân đóng góp.
Theo phân tích của AFP, vấn đề lưỡng nan của đảng Cộng Hoà và của ông Donald Trump là hễ được lòng phe này thì mất phiếu phe kia. Để được thông qua, dự luật của Trump phải hội đủ 215 phiếu thuận trên tổng số 429 dân biểu toàn Hạ Viện. Chiều thứ Sáu, Nhà Trắng sẽ biết trong số 237 dân biểu Cộng Hòa, bao nhiêu người sẽ ủng hộ ông Donald Trump và bao nhiêu người tiếp tục thách thức.
Thật ra, cho dù Hạ Viện có thông qua dự luật bảo hiểm y tế thì văn kiện này sẽ bị Thượng Viện sửa đổi sâu rộng như đã cảnh báo.Tuy nhiên Donald Trump có thể "tự hào" là đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên. Vì đối với chủ nhân Nhà Trắng, đây là trận đấu chính trị. Phá được Obamacare là điều kiện tiên quyết để tiến hành cải tổ thuế khóa, dự kiến thực hiện ngay trong năm 2017. Từ khi nhậm chức, thành quả của ông đạt được chẳng là bao thậm chí bị tư pháp cản trở như sắc lệnh hạn chế nhập cư.
Cựu tổng thống Obama lên tiếng nhắc nhở phe Cộng Hoà : Cải cách y tế thì phải tốt đẹp hơn chứ không phải tệ hại hơn cho người lao động.
Nguy cơ "được ăn cả ngã về không" ám ảnh Donald Trump. Theo nhận định của dân biểu Cộng Hoà Christ Collins (phải chăng đã nghe lời cảnh tỉnh) : Nếu thất bại thì chúng ta qua chuyện khác. Không đụng đến Obamacare nữa.
Tú Anh
Ngày 28/2/2017 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã đọc bài diễn văn đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội Hoa kỳ sau hơn một tháng kể từ ngày nhậm chức. Bài diễn văn đã được sự quan tâm theo dõi qua các phương tiện truyền thông, không riêng của hàng triệu nhân dân Hoa Kỳ các giới, mà của nhiều giới khác trên thế giới.
Đã có nhiều bài bình luận của những người quan tâm đưa ra những nhận xét, quan điểm khác nhau theo khuynh hướng chính trị của mình : ủng hộ hay chống chủ trương, chính sách cai trị của Tổng thống Trump. Sau đây là những nhận định của tôi.
1. Về hình thức bài diễn văn lần này so với bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1/2017 thời gian có dài hơn, nhưng Tổng thống Trump vẫn thể hiện cá tính sôi nổi, sử dụng ngôn từ có vẻ dè dặt hơn và vẫn vận dụng thành công kỹ thuật quảng cáo trên thương trường vào chính trường từng đem lại hiệu quả thực tế trong thời gian tranh cử.
Dường như Tổng thống Trump đã thành công khi sử dụng những ngôn từ mang tính kích động lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc gia và sự hãnh diện về công lao đóng góp của mọi thành phần dân chúng Mỹ cho đất nước, như muốn chứng tỏ ông là tổng thống của toàn dân và chính phủ của ông mới thực sự là "một chính phủ của dân, do dân và vì dân". Mở đầu, ông nói : "Tôi có mặt tại đây hôm nay để gởi đến thông điệp của thống nhất và sức mạnh, và thông điệp ấy đến từ nơi sâu thẳm trong trái tim tôi".
2. Nội dung bài diển văn của Tổng thống Trump lần này không có gì khác biệt về các chủ điểm trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại từng được ông nêu ra trong diễn văn nhậm chức cũng như trong cuộc vận động tranh cử.
Có khác chăng là Tổng thống Trump đã đưa ra một số thành tích bước đầu đã đạt được chỉ sau hơn một tháng nhậm chức. Sau đó ông mạnh mẽ kêu gọi phe đối lập (Dân chủ) cùng hợp tác để thực hiện thành công chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại, vì lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân Hoa Kỳ, nhằm làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ. Ông nói : "Tôi nhậm chức chỉ mới hơn một tháng, và tôi muốn dùng thời khắc này để cập nhật với quốc gia về sự tiến triển mà tôi đã đạt được để giữ lời hứa của mình…"
Tuy nhiên một số thành tích được Tổng thống Trump đưa ra bị một số người phản bác cho rằng không đúng sự thật hay cường điệu quá đáng. Chẳng hạn như Tổng thống Trump nói : "Theo số liệu của Bộ Tư pháp, đại đa số các cá nhân bị kết án về các tội phạm liên quan đến khủng bố từ 9/11 đến nay là những người đến từ bên ngoài đất nước của chúng ta Chúng tôi đã thấy những cuộc tấn công ở nội địa Mỹ – từ Boston tới San Bernardino đến Ngũ Giác đài và vâng, nay cả vụ khủng bố ở Trung tâm Thương mại thế giới". Nhưng trong một bài viết tựa đề Trump kể công không phải của ông hai tác giả Calvin Woodward & Christopher S. Rugaber phản bác rằng "Sự thật : Không biết Trump đã trích dẫn số liệu của Bộ Tư pháp nào, nhưng thông tin gần đây nhất của chính phủ không như lời tuyên bố của ông. Hơn một nửa những người khủng bố Trump nói tới thực tế là người sinh ra tại Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu của Bộ Nội an vừa tiết lộ vào tuần trước. Báo cáo này cho biết trong số 82 người mà chính phủ xác định đã lấy cảm hứng từ một nhóm khủng bố nước ngoài để cố gắng hay đã thực hiện một cuộc tấn công tại Hoa Kỳ, thì có hơn một nửa là dân sinh ra ở Mỹ".
3. Nhìn chung cách lập luận về các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại, Tổng thống Trump thường đưa ra một thực trạng tồi tệ và qui trách cho các chính quyền tiền nhiệm mà gần nhất là 8 năm cầm quyền của Tổng thống Dân chủ Barrack Obama. Ông nói : "Tôi sẽ không cho phép những sai lầm trong vài thập niên qua lại trở thành sự dẫn hướng con đường chúng ta đi trong tương lai…".
Trong phần tiếp theo của bài diễn văn, Tổng thống Trump đã đưa ra một hệ quả như một di sản tồi tệ, một bức tranh toàn cảnh đen tối mà chính phủ của ông phải gánh chịu và phải giải quyết với sự tin tưởng là có thể giải quyết được.
Sau đó Tổng thống Trump đưa ra phương cách giải đề đầy lạc quan tin tưởng theo hướng ưu tiên cho các vấn đề quốc nội liên quan đến phúc lợi và cuộc sống tốt đẹp cho toàn dân, nhưng vẫn có tính nguyên tắc tổng quát hơn là chi tiết cụ thể của một chính sách khả thi, hữu hiệu khiến nhiều người còn hoài nghi về sự thật bao nhiều phần trăm những điều ông nói về quá khứ và hiệu quả những gì ông nói sẽ làm được trong tương lai. Dẫu sao đa số người dân cũng mát lòng và lạc quan khi được Tổng thống Trump quan tâm hàng đầu và tôn vinh, rằng : "Hoa Kỳ phải đặt công dân của mình lên hàng ưu tiên số một … bởi vì, chỉ đến khi ấy chúng ta mới thật sự làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
4. Theo cung cách và chiều hướng vừa nêu, bài diễn văn của Tổng thống Trump đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ đã đề cập đến hầu hết các vấn đề căn bản về đối nội cũng như đối ngoại.
Về đối nội :
Bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump đề cập đến 7 chủ điểm, trong đó mấy chủ điểm đáng kể nhất sau đây :
1. Về vấn đề lao động, công ăn việc làm cho người dân trong nước Tổng thống Trump khoe rằng : "Kể từ khi tôi được bầu, Ford, Fiat-Chrysler, General Motors, Sprint, Softbank, Lockheed, Intel, Walmart và nhiều công ty khác đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ và sẽ tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm mới cho người Mỹ".
2. Về vấn đề chi tiêu ngân sách quốc gia, Tổng thống Trump nói rằng : "Trong 8 năm qua, chính quyền trước đã tích lũy số nợ mới lớn hơn gần như tất cả các đời tổng thống khác cộng lại…". Để thay đổi thực tế tệ hại này Tổng thống Trump chủ trương tiết kiệm, giảm chi cho guồng máy công quyền, giảm nợ công, ưu tiên chi tiêu tài chánh cho các cơ sở hạ tầng đem lại phúc lợi xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân nhất là tầng lớp hạ lưu trong nước.
3. Về vấn đề di trú và nhập cư, Tổng thống Trump vẫn thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương chính sách ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và trục xuất trước hết những người cư trú bất hợp lệ mà phạm pháp, bằng cách cải tổ Luật lệ di trú, xây bức tường biên giới và thanh lọc kỹ càng để chỉ cho nhập cư những ai hội đủ các tiêu chẩn nhân cách, năng lực để mưu sinh và hữu ích cho đất nước Hoa Kỳ, không trở thành gánh nặng và mối hiểm nguy cho nhân dân Mỹ.
4. Về vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia, Tổng thống Trump tuyên bố "để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, chúng ta phải cung cấp cho các quân nhân nam nữ trong quân đội Hoa Kỳ những gì mà họ cần để ngăn chặn chiến tranh – và khi cần – họ phải đánh và thắng".
5. Về vấn đề y tế, Tổng thống Trump đề nghị quốc hội bãi bỏ hoàn toàn Đạo Luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng (Affordable Care Act, ACA) thường gọi là Obamacare. Ông nói :"Tối hôm nay, tôi cũng kêu gọi Quốc hội bãi bỏ và thay thế Obamacare thông qua việc cải cách mở rộng sự lựa chọn, dễ tiếp cận, chi phí thấp hơn, và đồng thời, cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn…".
Về đối ngoại :
1. Về kinh tế đối ngoại, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định chính sách bảo vệ mậu dịch, nhấn mạnh quyết định rút ra khỏi Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều việc làm cho người lao động trong nước. Việc đòi xét lại Hiệp định NAFTA và quan hệ mậu dịch với Trung quốc cũng đã có hiệu quả bước đầu là các nước đều đã đồng ý trên nguyên tắc để thực hiện điều mà Tổng thống Trump nói trong bài diễn văn là "Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào thương mại tự do, nhưng đó cũng phải là thương mại công bằng".
2. Về các hiệp ước liên minh quân sự với nước ngoài, Tổng thống Trump xác định vẫn duy trì các mỗi liên hệ đã có, nhưng đòi hỏi các quốc gia khác trong các liên minh phải đóng góp thêm nữa để chia bớt gánh nặng quá đáng bao lâu nay với Hoa Kỳ.
Kết luận :
Bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump được công luận đánh giá tổng quát là có tác dụng theo chiều hướng tốt cho chính phủ Trump. Nhìn chung ai cũng phải công nhận là cung cách, ngôn từ cá tính của Tổng thống Trump nay đã có sự tự chế. Nhờ đó Tổng thống Trump đã tạo được bầu không khí sôi động trong suốt thời gian đọc diễn văn và tạo được sức lôi cuốn, sự quan tâm trong số người nghe trực tiếp trong hội trường, cũng như gián tiếp qua truyền hình, Internet.
Trên thực tế tình hình chống đối tân Tổng thống Donald Trump dường như đã có chiều hướng giảm dần sau bài diễn văn ngày 28/2/2017. Sau bài diễn văn của Tổng thống Trump, lãnh đạo nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ đối lập Chuck Schumer cũng chỉ phản ứng một cách vừa phải khi phê phán Tổng thống Trump là "mị dân, phản ảnh xu hướng cứng rắn". Những người chống thì vẫn gọi ông là "Trump nổ", nhưng những người ủng hộ ông vẫn lạc quan tin Tổng thống Trump có thể làm "nước Mỹ vĩ đại hơn", chứ không hẳn như ông nói "nước Mỹ vĩ đại trở lại". Vì nước Mỹ bao lâu nay vốn đã vĩ đại rồi.
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 07/03/2017
***********************
Tình trạng Liên bang hay tình trạng của Donald Trump ? (Người Việt Utah, 06/03/2017)
Donald Trump đọc diễn văn trước lưỡng viện tối 28/2. Nguồn : internet
Tổng Thống Donald Trump và bài diễn văn của ông về Tình hình Liên bang (State of the Union) vào đêm thứ ba 28 tháng Hai đã gây ngạc nhiên cho không chỉ quần chúng trong nước Mỹ mà cả ở nhiều nơi trên thế giới có theo dõi bài nói chuyện được chuẩn bị rất chu đáo cho ông và được ông Trump trung thành bám sát chặt chẽ từng câu từng chữ, không hề thêm muối dặm mắm, làm cho mất đi công dụng thuốc của bác sĩ.
Người đi theo đảng Cộng Hòa đương nhiên cảm thấy hả dạ, tràn đầy tự hào về lãnh tụ của mình, họ có thể hất mặt lên và bảo : "Thấy ông Trump chưa, tổng thống của chúng tôi". Những người bên Dân Chủ hẳn phải nói : "Đúng là ông Trump, nói gì cũng được (nếu ông chịu nói) !". Người ngoài nhìn vào, có thể bình luận : "Đúng là chính trị !". Còn những người ở Nga, ở Tàu, ở Việt Nam ? "Dân chủ, tự do sướng thật !". Và những nhà bình luận chính trị chính lưu ở Mỹ ? Ngay cả CNN, the New York Times, the Washington Post, người ta cũng nói : "Lần đầu tiên mới thấy được một ông Trump Tổng Thống !" – a presidential Trump !
Sự thực là người ta đã thấy ông Trump "lột xác", hoàn toàn cố tình thay đổi, từ cách ăn mặc đến cử chỉ, dáng điệu, và lời nói. Chúng ta hãy đọc ghi nhận thú vị sau đây của phóng viên tờ USA Today :
"Tạm biệt, chiếc cà-vạt dài quá mức, đỏ chói trong ngày đăng quang. Xin chào, một ông Trump nay có vẻ tổng thống hơn.
Khi Tổng Thống Trump đến dự buổi phát biểu đẩu tiên với Quốc hội lưỡng viện đêm thứ ba, ông lựa chọn một phong cách trau chuốt hơn so với những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ : một chiếc áo ngoài vừa vặn, tay áo ngắn hơn, cà-vạt dài vừa phải, một khuy áo cài lại.
Đó là một sự cải tiến mỹ thuật từ một bộ đồ thùng thình, tay áo quá dài và một cà vạt màu đỏ ông vốn ưa thích – một hình dáng bên ngoài đặc trưng cho người làm việc trên Capitol Hill, bị gò ép trong những trang phục không vừa vặn từ lâu đã là một khuôn mẫu quen thuộc.
Tuy thế, vào đêm thứ ba, áo jacket của Trump nằm gọn ghẽ ở ngang mình. Cài một nút cũng tạo nhân dáng gọn gàng. Tay áo của ông ngắn vài inches, làm khổ người của ông cao hơn một tí. Cổ tay áo, măng-sét vẫn như thế, nhưng dễ nhận thấy hơn. Chiếc cà-vạt có sọc chéo màu xanh nước biển nhẹ nhàng trông cũng bớt nghiêm trọng mà thêm hòa nhã.
Cái nhân dáng đó nói chung – trau chuốt hơn và không có vẻ đóng hộp theo thời trang những năm 80 – đã phù hợp với bài diễn văn của ông, ít nổ hơn và lạc quan hơn trong giọng điệu so với bất cứ bài nói chuyện nào trong thời gian ông vận động tranh cử hay cả bài diễn văn đọc ngày đăng quang. Tóc của ông cắt ngắn phần nào và chải ra sau, nhẹ nhàng nhưng dễ thấy, đã góp phần vào sự thay đổi chung này".
Tuy nhiên, bài báo này cũng để nhẹ : "Xem chừng ông tổng thống đã nghe lời khuyên từ nhiều người phê phán, trong đó có tạp chí thời trang nam giới GQ, tháng qua đã đưa lên một video cho những lời khuyên cho ông Trump cải thiện nhân dáng của mình. Nhưng có đề nghị gì ông đã không chấp nhận ? Chính là một thông điệp chính trị mới".
Thực ra, bài diễn văn của ông đã bắt đầu trong khí thế hùng hồn, giọng điệu hiệu triệu của một vị nguyên thủ quốc gia mà trước đó chúng ta chưa hề nghe từ ông. Cứ nhớ lại mở đầu thù hận trong bài diễn văn nhậm chức. Nay, sau môt tháng trong Tòa Bạch Ốc, tưởng như ông muốn nói lên một thông điệp mới.
"Tối hôm nay, khi chúng ta kết thúc kỷ niệm Tháng Lịch sử Da đen, chúng ta nhớ đến con đường của đất nước đấu tranh cho dân quyền và những việc còn phải làm. Những đe dọa gần đây nhằm vào những Trung tâm Cộng đồng Do Thái và nạn phá phách những nghĩa trang của người Do Thái, cũng như vụ bắn giết tuần qua tại Kansas City, đã nhắc chúng ta nhớ rằng trong khi chúng ta có thể là một đất nước phân hóa về lựa chọn chính sách, chúng ta là một quốc gia thống nhất trong việc lên án sự thù ghét và tội ác dưới tất cả mọi dạng.
Mỗi thế hệ người Mỹ bàn giao ngọn đuốc nêu cao những giá trị về sự thật, tự do và công lý – trong một chuỗi mắt xích chưa hề bị đứt đoạn từ trước kéo dài cho đến nay. Ngọn đuốc đó nay trong tay chúng ta. Và chúng ta sẽ dùng nó để thắp sáng thế giới.
Tôi đứng đây tối nay để chuyển đi thông điệp đó về sự đoàn kết và sức mạnh, và thông điệp này đã được chuyển đi sâu đậm từ con tim của tôi.
Một chương mới của sự Vĩ đại của Hoa Kỳ đang bắt đầu.
Một niềm tự hào quốc gia mới đang lan dần khắp nước.
Và một niềm lạc quan mới đang làm cho những giấc mơ không thể có được nay đã chắc chắn trong tầm tay của chúng ta.
Những gì nay chúng ta đang chứng kiến chính là sự Phục hưng của Tinh thần nước Mỹ.
Những đồng minh của chúng ta sẽ thấy rằng nước Mỹ một lần nữa sẵn sàng lãnh đạo.
Tất cả những nước trên thế giới này – bạn hay thù – sẽ thấy một nước Mỹ mạnh, một nước đầy tự hào và một nước Mỹ tự do".
Cũng với giọng điệu anh hùng và dông dài đó, ông kết thúc bài diễn văn, nhấn mạnh viễn ảnh đất nước chín năm nữa, nước Mỹ kỷ niệm 250 năm, cũng là năm ông Trump nghĩ mình có thể kết thúc hai nhiệm kỳ và tự chiêm bái thành quả của mình :
"Hãy tưởng tượng những điều kỳ diệu đất nước chúng ta có thể biết đến vào năm Mỹ quốc được 250 năm.
Hãy nghĩ đến những điều ngoạn mục chúng ta có thể thực hiện đơn giản nếu chúng ta giải phóng cho giấc mơ của người dân.
Trị liệu những bệnh tật vẫn thường xuyên làm chúng ta khốn khổ không phải là điều quá lớn không thể hy vọng.
Vết chân của người Mỹ đến những thế giới xa xăm không phải là giấc mơ quá lớn.
Hàng triệu người thoát khỏi chế độ phúc lợi để có công ăn việc làm chẳng phải là chuyện quá đáng không thể mong đợi.
Và những con đường khi người mẹ an toàn không phảỉ lo sợ – những ngôi trường trẻ em có thể an lành học hành – và những việc làm người Mỹ có thể no đủ và sung túc – chẳng phải là chuyện lớn lắm không thể đòi hỏi.
Khi chúng ta có được tất cả những thứ này, chúng ta đã làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn bao giờ hết. Cho tất cả người dân Mỹ.
Đó là tầm nhìn của chúng ta. Đó là sứ mệnh của chúng ta.
Nhưng chúng ta có thể cùng nhau đạt đến đích đó.
Chúng ta chung nhau một đất nước, với cùng một định mệnh.
Chúng ta chung nhau một dòng máu.
Chúng ta cùng chào một lá cờ.
Và chúng ta cùng được một Thượng Đế tạo ra.
Và khi chúng ta hoàn thành được tầm nhìn này ; khi chúng ta chào mừng 250 năm của đất nước chúng ta trong tự do vinh quang, chúng ta sẽ nhìn lại câu chuyện tối nay khi chương mới Hoa Kỳ Vĩ Đại bắt đầu.
Cái thời suy nghĩ nhỏ mọn đã chấm dứt. Cái thời cứ xung đột không đâu phải chấm dứt.
Chúng ta chỉ cần dũng cảm để chia sẻ giấc mơ đang tràn ngập con tim chúng ta.
Dũng cảm để nói lên những hy vọng làm cho linh hồn chúng ta thăng hoa.
Và niềm tin để biến hy vọng và ước mơ thành hành động.
Kể từ nay, Hoa Kỳ sẽ thêm sức mạnh bằng ước vọng của chúng ta, không phải bị trĩu nặng vì lo sợ.
Được cảm hứng trước tương lai, không bị ràng buộc vì những thất bại trong quá khứ.
Được dẫn dắt bởi tầm nhìn của chúng ta, không phải bị mù quáng trước những nghi hoặc.
Tôi yêu cầu tất cả công dân hãy tiếp nhận sự Phục hưng Tinh thần Nước Mỹ. Tôi yêu cầu tất cả thành viên của Quốc hội hãy cùng với tôi mơ ước những chuyện to lớn, mạnh dạn và dũng cảm cho đất nước chúng ta. Và tôi yêu cầu mọi người đang theo dõi tối nay hãy nắm lấy thời điểm này và –
Hãy tin vào chính mình.
Hãy tin vào tương lai của mình.
Và tin, một lần nữa, vào nước Mỹ".
Phải nói rằng nhiều người nghe ông hô toàn khẩu hiệu như thế, họ thấy thích thú – nhất là những người Cộng Hòa đang trông chờ cơ hội tung hô tổng thống của mình. Cho nên ông Mitch McConnell, chủ tịch Thượng Viện, có vợ là bà Elaine Chao nay đang là bộ trưởng của Trump, nói ngay Tổng Thống Trump đã có một bài diễn văn tạo phấn khởi cho Quốc hội, và "cho cả những người chưa ủng hộ Donald Trump, ông thực sự đã trở thành tổng thống tối nay". Ông nói rằng bài diễn văn được hoan nghênh không chỉ vang dội "từ phía chúng tôi, mà còn được hoan nghênh và kính trọng từ cả phía bên kia nhiều hơn tôi mong đợi". Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, từng không đội trời chung với Trump, cũng nói bài diễn văn của ông đã mở ra một viễn ảnh tích cực, đoàn kết, và ông Trump đã nói với quần chúng lao động đã bỏ phiếu cho ông.
Những nhận định đó, tuy nhiên, quá sớm và không sâu.
Bởi vì ông Trump vì lẽ thường háo thắng quyết làm điều ngoạn mục để cho thấy mình là presidential, nhưng bản tính muôn thuở muốn chứng tỏ mình hơn người cho nên cũng không chận được "khẩu nghiệp" của mình (cái này cũng khó với người cầm bút). He’s a politician, not a statesman.
Trong bài diễn văn này, ông vẫn không tiếc lời đả phá không chỉ Tổng Thống Obama mà hầu như tất cả các cựu tổng thống của nước Mỹ – cho thấy ông chẳng hiểu gì về những thử thách căng thẳng của Mỹ từ thời chiến tranh lạnh cho đến trật tự quốc tế hỗn loạn hiện nay, từ thời kinh tế thế giới phi cạnh tranh đến toàn cầu hóa… Và cách nói chuyện mỵ dân khích động vẫn còn đó : "Tôi sẽ không cho phép những lỗi lầm đã phạm trong những thập niên qua định hướng đi trong tương lai. Đã quá lâu, chúng ta đã thấy giới trung lưu của Mỹ bị nhận chìm khi chúng ta xuất cảng công ăn việc làm và tài sản đến nước ngoài. Chúng ta tài trợ và xây dựng từ dự án toàn cầu này đến dự án toàn cầu khác, nhưng quên đi số phận của con trẻ của chúng ta trong những khu nội thành ở Chicago, Baltimore, Detroit – và rất nhiều nơi khác trên đất nước chúng ta. Chúng ta bảo vệ biên giới những nước khác, trong khi để cửa biên giới chúng ta cho ai muốn vào cũng được – và cho ma túy tràn vào đến mức chưa từng có trước đây. Chúng ta đã chi hàng ngàn tỷ đô-la ở nước ngoài, nhưng để cơ sở hạ tầng của chúng ta đình đốn, rệu rã".
Trump vẫn còn luận điệu bài bác cơ chế chính trị chính thống của Mỹ. Tại sao những người Cộng Hoa vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trump vẫn không thấy khiêm tốn tối thiểu của một người mới chân ướt chân ráo vào Nhà Trắng là cần thiết, ông vẫn tin sự ủng hộ của quần chúng "cách mạng da trắng" cũng đủ cho phép ông ba hoa, tô vẽ những chuyện ông đang hay sẽ làm và làm như tất cả đã dễ dàng xong cả, chỉ việc tung hô, ăn mừng là xong. Cách ông nhấn mạnh chữ "tôi" thay vì "chúng ta" quả thật là "haissable", và ông cứ muốn đề cao cá nhân của mình bất kể một thực tế ngàn đời là trong cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ cùng với sự giám sát của Đệ Tứ quyền, "một cây làm chẳng nên non". Đó là lý do ông cứ nhấn mạnh báo chí là "kẻ thù của nhân dân".
Điều đáng "phàn nàn" trong diễn văn này là ông không bỏ được tật lớn đưa ra những chứng cớ, số liệu sai lạc, không chính xác, để minh chứng điều ông nói. Ví dụ như ông nói "có 94 triệu người đứng ngoài lực lượng lao động". Đương nhiên, vì con số này gồm những người trên 16 tuổi mà không làm việc – những người trên 65 tuổi đã hưu trí, học sinh và sinh viên đang đi học, người tàn phế, những cha mẹ ở nhà… Theo thống kê lao động, số người thất nghiệp – đang đi kiếm việc làm – chỉ có 7.6 triệu người. Một thước đo ông không đụng đến là tỷ lệ người lao động trong dân số trên 16. Con số này cho chúng ta một ý niệm chính xác hơn về hiện trạng lao động trong nền kinh tế. Ông phê phán tình trạng nợ nần dưới thời Obama như chúa chổm, nạn mất việc làm trong kỹ nghệ, và thiếu hụt ngoại thương. Ông quay lưng với sự thật là kinh tế đã hồi phục dưới thời ông Obama. Ông tán tụng thành tích của chính mình dù chỉ mới lên : "Từ khi tôi đắc cử, Ford, Fiat-Chrysler, General Motors, Sprint, Softbank, Lockheed, Intel, Walmart và nhiều công ty khác đã thông báo sẽ đầu tư hàng tỷ dollars vào nước Mỹ và sẽ tạo ra hàng chục ngàn công việc mới cho người Mỹ". Chỉ có điều những quyết định này đã có từ trước trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của những công ty này. Quyết tâm hủy bỏ Obamacare cho dù chưa có kế hoạch thay thế, ông lập lại "bảo phí y tế theo chương trình này đã tăng đến 2-3 chữ số trong năm qua". Đúng là bảo phí có tăng, nhưng không đến mức ông cường điệu, và đây là vấn đề phức tạp, cần phân tích nguyên do hơn nhận định một cách hời hợt – nếu ta xét gần 25 triệu người đang cần chương trình bảo hiểm y tế này !
Lãnh tụ Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer nói "những bài nói chuyện của ông Trump và thực tế quá tách rời. Cho đến khi thực tế của ông bắt kịp những bài diễn văn, ông đã vướng nhiều chuyện nan giải". Cựu thống đốc Kentucky, Steven Beshear, đã có bài đáp từ, nói ông Trump đã bỏ rơi giới lao động bỏ phiếu cho ông khi ông chọn một nội các chỉ toàn triệu phú và tỷ phú. "Đó không phải là lãnh tụ của chúng ta. Ông là lãnh tụ của Wall Street". Ông cũng nói "Một lãnh tụ đích thực không cổ xúy nhạo báng và chia rẽ. Một lãnh tụ đích thực phải củng cố, thống nhất, hợp tác, và cho những giải pháp thực sự thay vì đe dọa và trách móc. Ông Trump đã khai chiến với người tỵ nạn, di dân và làm nguy hại an ninh quốc gia khi bắt tay với Nga".
Ông Trump đã đầu tư nhiều công sức vào bài diễn văn này, nhưng dường như lợi nhuận chính trị có được đã bị cuốn trôi nhanh chóng. Chưa đến 14 giờ sau đó, người ta không còn thì giờ nhắc đến bài diễn văn này nữa vì có không thiếu gì chuyện mới để nói.
Nào là chuyện Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions khi ra điều trần trước Quốc hội để được chấp nhận đã nói ông chưa hề gặp viên chức nào của Nga trong thời gian ông Trump tranh cử. Sự thực : ông đã gặp đại sứ Nga hai lần ! Nay khi bị áp lực buộc phải từ chức, ông nói ông sẽ không can dự vào cuộc điều tra về quan hệ liên lạc giữa một số người của ông Trump với người Nga. Chuyện này xảy ra sau khi ông cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của Trump ngồi chưa nóng chỗ đã phải từ chức vì che giấu chuyện quan hệ, móc nối với Nga !
Cũng có chuyện ông Phó Tổng thống Mike Pence từng trách bà Hillary Clinton sử dụng nhập nhằng email riêng trong việc công, thì nay người ta biết khi còn là thống đốc, chính ông Pence trong bao năm liền cũng chơi cái mửng này.
Và khi mọi người đang nghĩ vụ Flynngate hay Russiagate sẽ bùng nổ tương tự Watergate của Nixon năm 1972, ông Trump hoặc phát điên hoặc khôn ngoan dẫn dắt dư luận vào một hướng khác, nhắm vào Obama. Hôm thứ bảy 4 tháng Ba, ông tweet : Terrible ! Just found out that Obama had my "wires tapped" in Trump Tower just before the victory. Nothing found. This is McCarthyism !
Ông Trump tố cáo ông Obama lạm quyền, đã cho lệnh theo dõi liên lạc qua mạng và điện thoại của ông Trump và ban tranh cử với người Nga. Ông Trump không đưa ra được chứng cớ, nhưng cứ đòi Quốc hội phải "điều tra" để tìm chứng cớ cho ông.
Đúng là "một liều ba bảy cũng liều". Chẳng sợ "gậy ông đập lưng ông" – chỉ mở đường cho ông Pence hay Paul Ryan sau này !
Hoàng Ngọc Nguyên
Nguồn : Người Việt Utah, 06/03/2017
Donald Trump "đánh thức" dân Mỹ
Người Mỹ tin vào giá trị truyền thống tự do, dân chủ, bao dung của Hiệp Chủng Quốc đang trỗi dậy chống Donald Trump. Di dân, nguồn sinh lực kinh tế Mỹ, đang bị tân tổng thống bóp chết. Tại Châu Âu, thị trường tài chính lo ngại phe cực hữu thắng cử giết đồng tiền chung. Trung Quốc của Tập Cận Bình muốn quên tội ác của Mao. Trên đây là một số chủ đề lớn trên báo Pháp ngày 07/02/2017.
Biểu tình chống sắc lệnh du trú của tổng thống Trump tại phi trường Los Angeles ngày 04/02/2017. REUTERS/Ringo Chiu
Fillon nhìn nhận có sai trái, xin lỗi để… phản công. Fillon "đã đứng dậy". "Cứng đầu bám trụ". Bị dồn vào chân tường, "Fillon tự biện minh". "Những yếu tố mới trong cuộc điều tra tư pháp làm ứng cử viên cánh hữu suy yếu". Đó là những nhận định của truyền thông Pháp về cuộc họp báo vào chiều hôm trước của ứng cử viên tổng thống François Fillon, đảng Những Người Cộng Hòa mà uy tín đang bị xuống thấp vì tai tiếng lạm dụng quyền lực để vợ con làm việc ảo nhưng lãnh lương cao.
Nhật báo công giáo La Croix cho rằng ông François Fillon thành công đáp trả báo chí về hình thức. Nhìn nhận hành động sử dụng người thân trong công tác là sai "theo quan điểm hiện nay". Khi đã "thú lỗi thì sẽ được tha thứ phân nửa tội" theo châm ngôn của Pháp.
Nếu Le Figaro, cánh hữu, khen cựu thủ tướng Pháp (2007-2012) là can đảm, bản lĩnh đương đầu với sóng gió báo chí và tư pháp thì Libération, cánh tả cho rằng Fillon cố bám trụ. Le Monde, trái lại, tuy phê phán hành vi bê bối của ứng cử viên cánh hữu nhưng trong bài bình luận, nhật báo độc lập tỏ ra khách quan và mô phạm : François Fillon và phu nhân đã phục vụ ích lợi chung. Vụ tai tiếng là thông điệp chính trị tuyệt vời : nước Pháp cần phải cải cách, lối hoạt động chính trị của "thế hệ cha chú" không còn được chấp nhận.
Silicone Valley đọ sức với Donald Trump
Trang quốc tế vẫn tràn ngập thông tin về các sắc lệnh của tổng thống Mỹ đặc biệt về giới hạn nhập cư và xóa bỏ kiểm soát ngân hàng. Les Echos đưa tin Silicone Valley đọ sức với Donald Trump.
Gần 100 công ty, đứng đầu là Google, Microsoft, Apple, Facebook… đệ đơn yêu cầu tòa án hủy sắc lệnh hạn chế di dân mà họ gọi là thuốc độc phá hoại kinh tế, thương mại Hoa Kỳ. Theo Les Echos, trong số 20 công ty lớn nhất ở chiếc nôi công nghiệp điện tử số một thế giới, hơn phân nửa là do dân nhập cư sáng lập. Lập trường của giới công nghệ cao của Mỹ đã thay đổi 180 độ, từ tiến lại gần với tỷ phú địa ốc, trong cuộc tiếp xúc vào tháng 12/2016 tại tòa tháp Trump, đã quay gót tháo lui chỉ một tuần sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng.
Trong một bài phân tích "Chiến tranh tiền tệ hay hỗn loạn", Le Monde cho rằng tân tổng thống Mỹ "hoàn toàn không biết gì về tiền tệ" và phản ứng theo kiểu cưỡng chế : lên án Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ, đúng nhưng đã thay đổi từ hai năm nay, tố Nhật Bản phá giá đồng yen, nghi ngờ Đức "lợi dụng đồng euro-yếu giả tạo" để gia tăng xuất khẩu và sau cùng là đổ tội cho đồng đô la, giá quá cao, làm tổn hại cho ngoại thương của Mỹ. Với một tổng thống siêu cường như thế, theo Le Monde, không hy vọng gì tình hình tài chính thế giới được ổn định trong tương lai gần.
Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến
Trên trang nhất, dưới bức ảnh ba phụ nữ Mỹ choàng khăn như tín đồ đạo Hồi, xuống đường tay cầm lá cờ xanh dương sao trắng, Le Monde khẳng định : "Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến". Một cuộc bừng tỉnh chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Điểm khác biệt lớn lao với phong trào phản chiến là phong trào chống Trump huy động tất cả thành phần công dân. Phụ nữ, di dân Nam Mỹ, văn nhân, nghệ sĩ, công chức, khoa học gia, doanh nghiệp, thẩm phán đều tham gia. Ngày trước, tổng thống George Bush do cuộc chiến Iraq và cách ăn nói vụng về nên bị một số người chống đối trêu chọc, nhưng Donald Trump đánh thức cả một tập thể dân Mỹ, những người tin vào giá trị cơ bản của Hiệp Chủng Quốc nay bị Trump đe dọa làm tiêu tan.
Ngay nhà tỷ phú dầu hỏa Charles Koch, tài trợ cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa hàng chục triệu đô la mỗi mùa tranh cử cũng phải cảnh báo "xu hướng độc đoán" của tân tổng thống Mỹ sau sắc lệnh di dân nhập cư. Trong bộ Ngoại Giao, một mạng lưới "ly khai" quy tụ gần 1000 nhà ngoại giao và nhân viên chống sắc lệnh về nhập cư với "kênh liên lạc riêng" như thời chiến tranh Việt Nam, cho phép công chức bày tỏ ý kiến khác biệt.
Theo tạp chí Wired, guồng máy tranh đấu đã hình thành để những cuộc phản kháng trở thành thường trực. Nhà điện ảnh Mike More, tác giả bộ phim chế diễu tổng thống George Bush cố vấn "tử huyệt của Trump là sợ bị chế nhạo. Các bạn hãy thành lập một đạo quân nghệ sĩ hài. Bị biến thành trò cười ông ta sẽ tự hủy". Theo Le Monde, không cần chờ lời khuyên này, đạo quân hài đã có sẵn.
Romania và "cuộc kháng chiến"
Libération chú ý đến "cuộc tỉnh thức của công dân Romania". Bên cạnh bức ảnh rừng người và rừng nến trong cuộc biểu tình đêm Chủ Nhật vừa qua tại Bucarest, Libération giải thích : sau nhiều thập niên bị các chính khách xem thường lừa dối, người dân Romania nối lại cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản của Ceaucescu, chiếm lại quyền chủ động và thúc đẩy một cuộc cách mạng dân chủ mới.
Cho dù chính quyền cánh tả chấp nhận hủy bỏ nghị định "giảm nhẹ tội tham ô" dân chúng Romania vẫn thận trọng, tiếp tục tranh đấu cho đến khi nào "chắc chắn thế hệ sau" không phải thất vọng như cha mẹ của chúng.
Cơ quan chống tham nhũng do Liên Hiệp Châu Âu tài trợ vào năm 2005, đã truy tố tổng cộng 3.000 bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ, thị trưởng và công chức bê bối. Đạo luật chống tham những ở Romania được mô tả rất nghiêm khắc, cấm tuyển dụng người thân đến "vòng thứ ba" tức là bà con thân quyến.
Giáo sư luật Sergiu Miscoiu lý giải là với luật này, cựu thủ tướng Pháp François Fillon, khi làm dân biểu, không thể tuyển dụng vợ con làm cộng sự viên với lương do Nhà nước trả. Có lẽ vì thế mà thủ tướng Romania Grindeanu muốn giảm nhẹ để làm hài lòng một bộ phận tham ô. May mắn cho Romania là tổng thống Iohannis là một nhân vật trong sạch và cứng cỏi, chính ông tham gia vào cuộc biểu tình của dân chúng.
Đụng tới Mao rắc rối lắm
Tại Trung Quốc, "mọi chỉ trích phê bình Mao Trạch Đông đều bị ngăn cấm". Tựa của Le Figaro. Tập Cận Bình tán dương Mao để tìm cách xóa đi giai đoạn đen tối từ lúc cách mạng cho đến thời mở cửa. Tội ác bị phơi bày làm đảng cộng sản Trung Quốc mất chính danh. Nhưng trấn áp quá coi chừng bị tác dụng ngược.
Tạ Dương (Xie Yang), một trong số 200 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trong đợt trấn áp vào năm 2015. Sau 6 tháng bị biệt giam và chờ ra tòa lãnh án, Tạ Dương là tù nhân lương tâm duy nhất được gặp luật sư. Can đảm, ông kể lại những cực hình trong nhà giam Trung Quốc : không cho ngủ, tra tấn và hăm dọa. "Tra tấn cho đến điên loạn "để ép cung. Cuối cùng ông ký nhận "có sai trái" nhưng cương quyết không ký vào bản khai nhận tội. Phần đông những luật sư bị bắt cách nay hai năm đã được thả trừ Tạ Dương và 4 đồng nghiệp. Nhưng những luật sư được thả vẫn bị quản chế vì mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là làm cho họ thối chí, sợ hãi không còn dám nhận biện hộ cho các thân chủ bị xem là "đối tượng đe dọa chế độ".
Theo thông tín viên của Le Figaro từ Bắc Kinh, ở Trung Quốc muốn yên thân thì đừng làm điều gì bị xem là đe dọa chế độ. Bảo vệ nhân quyền, dân oan hay phê bình hay muốn tìm hiểu về giai đoạn Mao Trạch Đông cầm quyền cũng bị xem là tội. 40 năm sau khi qua đời, "hoàng đế đỏ" vẫn ngự trị trên giấy bạc Trung Quốc và là "thành hoàng" của đảng. Phe giáo điều bo bo bảo vệ Mao trong khi phe "tự do" thì vạch ra những sai lầm và tội ác đẫm máu của Mao.
Giới học thức trẻ bị tù còn giới chuyên gia lão thành bị ngược đãi.
Mao Vu Thức, 88 tuổi, vừa nếm mùi vị. Ngày 20/01/2017, chính quyền Trung Quốc đóng cửa trang mạng của nhóm tư vấn do nhà kinh tế tên tuổi này sáng lập sau một bài phê bình xí nghiệp Nhà nước thiếu hiệu năng.
Trên thực tế, những lãnh đạo tôn sùng Mao bực tức ông Mao Vu Thức (Mao Yu Shi) vì ông là tiếng nói phê phán sự nghiệp đẫm máu của Mao Trạch Đông một cách mạnh mẽ. Cũng trong tháng 01/2017, Đặng Tượng Siêu, một giáo sư đại học Bắc Kinh 62 tuổi bị sa thải vì "nói xấu lãnh tụ". Nhân ngày sinh nhật của Mao Trạch Đông (26/12) mà trên mạng Vi bác, giáo sư Đặng Tượng Siêu (Deng Xiao Chao) viết như sau : "điều hữu ích duy nhất mà Mao thực hiện trong đời là khi ông ấy chết".
Theo nhận định của một chuyên gia, Tập Cận Bình tôn vinh Mao chẳng qua là để làm mờ đi những tội ác trước thời mở cửa. Chính quyền e rằng những công kích di sản của Mao sẽ đưa đến hệ quả là đặt vấn đề xét lại tính chính danh của đảng Cộng sản. Chế độ hiện nay sợ giới học thức thuộc xu hướng cải cách nhiều hơn 10 năm về trước. Do vậy, chính quyền gia tăng kiểm soát thông tin.
Tuy nhiên, chuyên gia Eric Florence cảnh báo : Bắc Kinh coi chừng hiệu ứng ngược. Càng trấn áp thì càng có rủi ro giới tranh đấu sẽ nhắm vào ý thức hệ cộng sản và chân dung Mao Trạch Đông làm đối tượng để trút giận. Đó là điều mà chính quyền không muốn xảy ra. Cho dù một bộ phận người Trung Hoa vẫn tôn thờ Mao nhưng không ít dân chúng không bao giờ quên những khổ đau Mao gây ra cho họ.
Dự án chính trị của Le Pen là giết Châu Âu
Trở lại thời sự Châu Âu : Cương lĩnh chính trị của đảng cực hữu Pháp sẽ giết Liên Hiệp Châu Âu, bình luận của Le Monde. Nuớc Pháp có 5 điểm mạnh, Les Echos lo ngại số sinh viên nước ngoài chọn Pháp du học sụt giảm nhưng giải thích vì sao "nước Pháp không tệ".
Trang ý kiến tổng hợp nhận định của nhiều chuyên gia ngân hàng thế giới cho rằng đừng có tiếp tục bôi đen hình ảnh nước Pháp vì Pháp có 5 điểm mạnh mà không biết phát huy. Thứ nhất là dân số trẻ và gia tăng với nhịp độ cao hơn Đức, đầu tàu số một của kinh tế Châu Âu.
Thứ hai là năng suất cao, mỗi giờ làm việc tại Pháp tạo ra 52,40 euro trong khi nhân công của Đức chỉ tạo ra 47,90 euro, tính bình quân. Thứ ba là tỷ số dân chúng ở tuổi lao động tại Pháp cao hơn Đức cho dù láng giềng đông dân hơn.
Yếu tố thứ tư là chính trị : sau bầu cử hy vọng một ứng cử viên cải cách sẽ đắc cử và cuối cùng cho dù tình trạng thâm thủng ngân sách còn cao nhưng theo giới tài chính quốc tế, nước Pháp thừa khả năng giảm chi 0,2% mỗi năm là có thể đạt được mục tiêu cân bằng cán cân chi thu. Thật ra, kịch bản mà Les Echos ngại nhất là đại diện phe cực hữu co cụm, Marine Le Pen đắc cử sẽ đi theo mô hình "nước Mỹ trên hết" của Donald Trump.
Le Monde chia sẻ quan điểm này với bài : "Dự án chính trị của Le Pen là giết Châu Âu". Chủ trương gọi là "giành lại chủ quyền tiền tệ" trong bối cảnh kinh tế nước Pháp đã toàn cầu hóa đồng nghĩa với bỏ đồng tiền chung, sử dụng lại đồng franc mất giá là điều phi lý. Các nước láng giềng mà Pháp trao đổi đến 70% trong lãnh vực ngoại thương sẽ phản ứng ra sao ? Chúng ta sẽ trở lại thời kỳ các nước Châu Âu chạy đua phá giá đồng tiền để cạnh tranh nhau ? Các xí nghiệp nhỏ và vừa, mũi nhọn của công nghiệp quốc gia sẽ rơi vào tay tài phiệt Trung Quốc và giới đầu cơ Qatar.
Nói tóm lại, chủ trương "kinh tế ái quốc" của đảng cực hữu Pháp có lợi cho giới đầu cơ ở Wall Street nhưng vô cùng tai hại cho Pháp. Thay vì đề xuất biện pháp cải cách nghiêm túc nhưng khó khăn, Marine Le Pen kê toa thuốc thần : giết chết Châu Âu.
Bên cạnh các hồ sơ chính trị, nhật báo le Monde báo động về tác hại do loại thuốc trừ sâu Neonicotinoides đang được sử dụng đại trà. Nguy hiểm hơn hết là chất thuốc này bám trên rau quả không thể rửa sạch.
Tú Anh